Vanvn- Tác giả Đỗ Thị Tấc là người con, người nghệ sĩ đặc biệt của núi rừng Lai Châu. Bà nguyên là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lai Châu từ những ngày mới thành lập Hội (năm 2005) đến năm 2017. Ai từng một lần tiếp xúc sẽ đều ấn tượng sâu sắc bởi cá tính và những cống hiến lớn lao của bà. Bà thuộc lớp người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, là người có niềm đam mê, tâm huyết lớn lao với văn hoá dân gian các dân tộc tỉnh Lai Châu. Không chỉ nghiên cứu văn hoá, bà còn là nhà thơ, nhà văn đậm sâu với “tình yêu người bản” ở xứ sở này. Những đóng góp của bà đã làm nên cái hồn riêng, đậm đà bản sắc của văn học nghệ thuật Lai Châu.
Gắn bó với miền núi, chắt lọc thơ từ thăng trầm cuộc đời, nhiều tập thơ xuất sắc của bà đã ra đời: “Những người mẹ núi”, “Sữa đá”… Thời gian càng làm dày thêm những cống hiến của nhà thơ Đỗ Thị Tấc với Lai Châu ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là nghiên cứu văn hoá dân gian. Tính đến nay bà đã xuất bản khoảng 20 công trình sưu tầm, nghiên cứu. Trong đó có 4 công trình đã được các nhà xuất bản, Hội chuyên ngành trung ương và Hội VHNT tỉnh in ấn, phổ biến; 2 công trình, tác phẩm đạt giải như: “Kin Pang Then của người Thái trắng ở Lai Châu” đạt Giải C của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2010; “Lời tiễn hồn người chết lên trời” đạt Giải A Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam năm 2011…
Hiện nay, bà đang trong giai đoạn hoàn thành hành trình gian nan xây Bảo tàng Văn hóa dân tộc Thái ở giữa một bản nghèo (bản Mạ, xã Mường Cang), thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu...
Xin giới thiệu đến bạn đọc một số tác phẩm tác giả Đỗ Thị Tấc mới sáng tác trong thời gian gần đây.

>> Văn học Lai Châu: Nhìn từ Pu Ta Leng
Truyện ngắn:
LỮ KHÁCH
Một đời quân ngũ vào sinh ra tử đó đây. Về hưu, lão ở nhà cùng vợ và chăm chút bầu bạn với cây, với hoa. Nhà lão cách phố huyện chừng ba cây số. Vợ chồng lão có mỗi cô con gái lấy chồng tận thủ đô. Ngày ngày, lão làm cỏ, bắt sâu, tỉa cành, tưới tắm cho cây. Lão mua phân trâu, phân bò về ủ. Mỗi năm, cứ cuối xuân lão lại hì hụi đào đất quanh gốc bón phân ải. Nghe ở đâu có cây lạ, lão tìm đến bằng được. Khi thì mua, khi thì đổi cây lấy cây. Vườn nhà lão nhờ vậy mà có nhiều cây lạ, cây hiếm.
Lão là dạng người “Tứ hải giai huynh đệ” nên nhà thường có khách. Bạn lão đủ các thành phần, tuổi tác. Họ hầu hết là người cùng thú chơi cây, chơi hoa với lão. Nhạc công có. Nhiếp ảnh gia có. Họa sĩ có. Điêu khắc có. Thợ sắt có. Chủ quán ăn có. Làm ruộng có. Đầu gấu giải nghệ có… tất tật. Từ mười chín tuổi đến tám mươi tám tuổi ai lão cũng gọi là bạn. Dưới tuổi thì lão gọi là cậu bạn, cô bạn xưng tớ. Trên tuổi lão gọi là bà bạn, ông bạn xưng tôi. Lão Thường nói:
– Tớ tên là Khách nên không tiếp khách, chỉ tiếp bạn. Cậu thợ sắt chơi phong lan có lần hỏi:
– Sao cái tên bác phức tạp thế. Đã Hiệp còn Khách. Lão cười hì hì:
– Đới đới… thầy bác tên Hòa – Trần Hòa. Anh bác tên Bình – Trần Bình. Thầy bác đã chuẩn bị trước cho bác một cái tên Trần Hiệp. Cụ định đẻ đứa nữa đặt tên là Trần Ước. Nhưng u bác đau bụng, trở dạ hai ngày mà bác chẳng chịu chui Dây nhau quấn cổ, vòng cả qua lách, quấn vào cánh tay. Mày bảo thế thì chui ra thế quái nào được. U bác kiệt sức lịm đi. Bà đỡ cuống lên cứ là luôn miệng: “Cô ơi… tỉnh lại đi, cố rặn đi… không thì chết cả mẹ lẫn con, tội lắm”. Có cái đám ma đi qua. Tò tí te váng lên. U bác tỉnh lại. Bà đỡ đổ quả trứng sống đánh đường vào miệng giục bà nuốt cho có sức. Đến giờ ngọ, chắc nghe kèn trống đám ma bác sợ chết nên cố lách đạp mà choài ra. Thụt vào, thò ra nhiều, đầu bác nhọn như cái bóng đèn Hoa Kỳ. Người tím ngắt, thõng thòng. Bà đỡ gỡ dây nhau cắt dây rốn rồi túm hai gót chân bác dốc ngược tát đen đét vào mông. Ai cũng nghĩ bác sẽ tèo. Mẹ bác ngóc đầu lên gọi “Con ơi… đừng bỏ mẹ”. Bác vẫn tỉnh bơ, thõng thòng. Có con chim khách ở đâu bay về đậu lên cây hòe trước sân kêu lảnh lót một hồi dài. Bác gào lên hăng nghe… hăng nghe… mồm phun đầy nước ối và bòn bọt. Sống rồi… bà đỡ reo lên giọng vẫn còn run. Thầy bác nghĩ là vị thần nào đó hay tổ tiên theo con chim khách về cứu mẹ con bác. Thế là cụ điền thêm chữ Khách vào tên trong giấy khai sinh. Đầy đủ là Trần Hiệp Khách. Đấy là khi tao nhớn, bà đỡ kể như thế.
Vợ lão hiền lành, ít nói và được cái nết nhịn chồng. Lão nể bà nhất là khoản chăm cây. Nhìn ngón tay vợ gượng nhẹ lật từng cánh hoa hồng bắt sâu. Xem cái cách bà vừa tưới vừa dỗ dành cây, lão gật gù:
– Mình đúng là tri kỷ của tôi.
Trò chuyện với bạn bên tích nước vối, câu cửa miệng của lão bao giờ cũng là:
– Bà lão nhà tôi… Bà lão nhà tôi mát tay lắm. Bà lão nhà tôi chăm cây như chăm Bà lão nhà tôi vừa ươm nó ra đấy… Bà lão nhà tôi vừa kiếm được tài liệu hướng dẫn kích mầm lan hay lắm…
Lão chỉ khó tính vì cây, vì hoa chứ với người thì xuề xòa, đại khái. Có gì phật ý, quát tháo một hồi xong thì quên luôn, không để bụng. Lão ăn mặc luộm thuộm, vợ gắt, cười hì hì. Lão hút nhiều thuốc, vợ mắng, cười hì hì. Nửa đêm lão lẻn lên vườn ngắm cây hoa lạ mới mang tận Vũng Tàu ra. Vợ lên tận nơi, giật đèn pin, làu bàu kéo tay lôi về, cười hì hì. Thỉnh thoảng cuồng chân muốn xa nhà đi chơi một chuyến. Lão gọi điện cho một lượt bạn trong tỉnh, ngoài tỉnh, trong Nam, ngoài Bắc hỏi han. Ai có giống cây mới là lão chấm. Chấm xong lão ngập ngừng:
– Mình ơi, Chú Hùng ở Thái Nguyên… Mình ơi, Bác Năm ở Vũng Tàu… Mình ơi, cậu Phước ở Đà Lạt…
Và lần nào vợ lão cũng: “Tôi biết rồi….”. “Tôi biết rồi, có mang cây nào đi không?” Hay “Tôi biết rồi, thư thư vài hôm để tôi đi kiếm cho vợ bác ấy chai mật ong rừng”. Hoặc “Tôi biết rồi, nhưng đang ho thế, đi xa có ổn không?”. Bao giờ lão cũng: “Mình cái gì cũng biết. Thôi, chịu khó ở nhà một mình, tôi đi mươi hôm”. Nói mãi thế mà không cũ. Nói mãi thế mà nghe như mới lần đầu. Cái mươi hôm của lão thật vô chừng. Có khi năm ba ngày. Có khi nửa tháng. Lần cuối cùng lão xa nhà lại không phải do lão chấm. Cô em vợ lão ở Hà Nội đi Hàn Quốc thăm con về mời vợ chồng lão xuống chơi để biếu củ sâm và ít thuốc bổ. Nhân thể dự đám cưới thằng cháu nội của ông anh cả. Vợ lão mới đi thăm cháu ngoại về kêu mệt không muốn đi nên bảo lão đi thay. Lão cũng không muốn đi nhưng nghĩ có sâm về bồi dưỡng cho vợ cũng đúng dịp nên lão đặt vé xe đêm đi luôn. Lão gấp quần áo xếp vào va ly. Vợ lão lấy giấy gói từng loại thuốc và dặn:
– Đây là thuốc huyết áp. Ông không được quên, tám giờ sáng uống. Đây là thuốc bổ sung Đây là thuốc cảm… tôi đã ghi vào từng gói rồi nhé. Nhớ đấy.
Càng gần đến giờ ra bến xe lão càng bồn chồn không muốn đi. Xe ôm gọi ngoài cổng, vợ lão xăm xăm kéo chiếc va ly ra cửa: “Ông đi cẩn thận. Đeo khẩu trang. Đừng để cửa máy lạnh trên xe thốc vào mặt lại ho nặng”. Đám cưới thằng cháu xong thì lão ho nặng thật. Huyết áp lại đột ngột tăng. Lão bị tai biến. Vợ chồng cô em vợ đưa lão vào viện. Khám xét, chiếu chụp mới phát hiện ra lão còn bị co thắt mạch vành. “Sao anh đổ bệnh nhanh thế?”. Lão tỉnh tỉnh, mê mê hỏi. Cậu em rể vợ lão động viên: “Anh tham việc quá, trời bảo anh nghỉ ngơi ấy mà. Cứ nằm đây dưỡng bệnh ít ngày rồi về chăm hoa với chị”. Lão vội đi quên điện thoại. Nằm viện bao lâu lão cũng không biết nữa. Cứ ngồi dậy là chóng mặt, buồn nôn. Lão luôn khó thở. Những cơn đau thắt ngực buộc lão phải nằm. Lão bảo cô em vợ:
– Em đừng cho chị biết. Chị lại Bà ấy mà bỏ nhà xuống đây thì cây chết hết.
Cô em vợ nước mắt đầm đìa:
– Vâng ạ.
Lão gượng cười:
– Dì khóc cái gì. Anh không chết đâu. Chỉ thương chị dì một mình lo nhà cửa, vườn tược…
Rồi con gái lão đưa thằng con trai vào viện. Con gái lão gục mặt vào bàn tay bố khóc nức nở. Lão đưa tay vỗ nhẹ vào vai con:
– Sao bây giờ mới đến? Bố không sao đâu. Nín đi. Bố cũng đỡ rồi.
Thằng cháu ngoại cao lêu đêu cũng sụt sịt rồi đi ra ngoài.
– Con đừng cho mẹ biết bố nằm viện. Chồng con đâu? Kéo lại mép chăn cho bố, con lão nói qua tiếng nấc:
– Nhà con đi công tác ạ. Con xin nghỉ phép chăm sóc bố. Lão vội xua đi:
– Không phải thế đâu. Dì con thuê y tá rồi. Làm kinh
doanh sao nghỉ lâu thế được.
Khỏe dần, lão lẩm nhẩm tính ngày. Lão đi cũng hơn tháng rồi. Lão ra viện, cô con gái lão nhờ bạn lấy xe riêng đưa lão ngược lên (bỏ từ lên) núi. Lão ngồi ghế trên. Hai mẹ con con gái lão ngồi ghế dưới. Dọc đường lão luôn miệng:
– Mẹ con chắc nhớ bố lắm… Mẹ con thích ăn bơ. Dọc đường gặp hàng bơ nào thì dừng xe để bố mua… Mẹ con … mẹ con … mẹ con…
Con gái lão cắn chặt răng vào khăn để khỏi bật ra tiếng khóc. Thằng cháu ngoại nhắc lão:
– Ông ơi, mẹ con say xe ngủ rồi. Lão quay xuống nhìn con gái:
– Ờ, để cho mẹ ngủ. Rõ khổ. Chăm ông vất vả cả tháng.
Con đỡ tay giữ đầu cho mẹ ngủ.
Rồi lão quay lên, im lặng. Lão háo hức về nhà. Lão hình dung vợ lão sẽ ra cổng kéo cái va ly cho lão. Vợ lão sẽ lườm lão nói dỗi:
– Đi gì mà lâu thế. Sao không đi nữa đi…
Lão bật cười. Gần đến nhà, lão nhổm người nhìn cánh cổng mở sẵn rồi quay xuống ghế sau:
– Bố biết ngay mà. Mẹ con mở cổng chờ rồi đấy. Xe lọt vào sân. Lão mở cửa lập cập bước xuống:
– Mình ơi. Tôi về rồi đây…
Con rể lão ra đỡ lão. Lão sững người, lảo đảo bước vào nhà. Tấm ảnh chân dung của vợ lão đặt trên bàn nghi ngút khói hương. Lão khụy xuống. Vợ chồng con gái lão xốc nách nâng lão lên. Lão cố vịn tay vào mép bàn run lẩy bẩy:
– Sao mình lại trốn tôi mà đi thế… Sao mình không đợi tôi về vuốt mắt cho mình… Sao mình…
Từ đó, ngày ba bữa, lão bảo con gái sắp cơm vào chiếc mâm nhỏ đặt lên bàn vong của mẹ. Lão vừa ăn, vừa trò chuyện với vợ. Lão mua thêm một chiếc đài tụng kinh niệm phật gọi con gái đến dặn:
– Để dự phòng cái đài kia chạy liên tục lỡ trục trặc. Trong bốn mươi chín ngày, linh hồn mẹ con bơ vơ lắm phải tụng kinh để phật che chở cho linh hồn mẹ con không bị ma xấu, quỷ ác dẫn đi. Mẹ con dặn bố thế. Bố lại dặn con để sau này con lo cho bố. Con gái lão kể:
– Đêm đó bố đi Hà Nội thì sáng hôm sau mẹ gọi con lên. Mẹ bảo mẹ khó ở. Biết bố phải đi cấp cứu mẹ dặn con dù mẹ có mệnh hệ gì cũng không được cho bố biết. Hình như mẹ biết mẹ đi, bố ạ. Mẹ gọi điện cho bác cả, chú, dì bàn bạc mọi việc rồi nhờ chú, dì lo cho bố. Mẹ dặn con kỹ càng từng việc. Hàng ngày mẹ giảng kinh phật cho con Mẹ mời nhà chùa đến ủy thác cho nhà chùa cùng vợ chồng con lo hậu sự cho mẹ. Sư thầy nói với con: Từ nhiều năm nay, mẹ đã công đức xây dựng mở mang chùa và mẹ có nguyện vọng nhờ nhà chùa lo hậu sự cho bố mẹ sau này. Mẹ bắt con hứa: Lo cho mẹ xong thì hai bố con phải sống vui vẻ. Mẹ sống không có gì ân hận nên mẹ đi cũng chẳng có gì tiếc nuối. Con lên chăm mẹ được một tuần thì mẹ đi. Mẹ đi nhẹ nhàng, thanh thản lắm…
Lão nén lau nước mắt:
– Ừ. Mẹ con vẫn chu toàn mọi việc. Mẹ cũng bắt bố hứa, nếu ai đi trước thì người ở lại phải sống vui, sống khỏe để người kia thanh thản. Cũng khó, nhưng bố muốn mẹ
Con gái lão ngập ngừng:
– Bố… Con có thắc mắc….
– Thắc mắc gì. Con cứ nói.
– Lúc hấp hối con mẹ nói Lữ… Lữ… Khách…. rồi mẹ đi. Vẫn biết mẹ nghiên cứu Hán – Nôm nhưng con thật không hiểu.
Lão cười:
– Không có gì đâu Bố mẹ là hồng nhan tri kỷ. Tu biết bao nhiêu kiếp mới được gặp lại nhau kiếp này. Có lần mẹ con bảo, tôi với ông chết đi vẫn cùng nhau làm lữ khách rong ruổi khắp trời đất nhé.
Con gái lão gạt đi:
– Bố mẹ đọc nhiều tích cổ, nó ám rồi đấy. Lão gãi đầu cười hì hì.
Nhà lão từ đó ít khi vắng bạn. Ai đến cũng thắp hương cho vợ lão rồi mới bàn luận chuyện đời, chuyện cây, chuyện hoa. Lão thì vẫn vậy. Câu cửa miệng bao giờ cũng là: “Bà lão nhà tôi…”. Ai đến cũng: “Mình ơi! Ông… bà… cháu… đến chơi này”. Khi ra vườn cũng: “Mình ơi! Ra vườn cùng tôi đi. Mình ơi, sâu ăn hết cánh bông hồng xanh rồi này. Mình ơi…”. Mấy bà bạn cùng đi chùa với vợ lão thỉnh thoảng đến chơi cứ nhắc: “Ông để yên cho bà cháu tu để còn về cõi phật. Ông cứ gọi suốt ngày thế thì bà cháu tu làm sao được”. Thực hiện di chúc của vợ, năm năm sau, lão bán nhà.
Tiền bán nhà và tiền vợ chồng gom góp lão về Hà Nội mua nhà ở gần con gái. Xem đi, ngắm lại mãi, lão chấm mua căn hộ chung cư mini hơn ba chục vuông. Vừa gần nhà con, vừa còn lại ít tiền phòng khi ốm đau. Lương hưu trả qua thẻ. Tiêu đâu rút đó. Lập xong bàn thờ cho vợ. Lão lên kế hoạch làm lữ khách. Một: Đại tu xe máy. Lão bảo thằng cháu ngoại: “Con biết chỗ nào có cửa hàng bán xe máy hãng Hon-Đa thì đưa ông đến đó”. Hai: Lắp hòm nhựa xịn đuôi yên xe, loại to đủ để đựng tư trang (Đặt ở cửa hàng sửa xe). Ba: Mua một cái ba lô bền, nhẹ (mua ở siêu thị tầng trệt). Bốn: Mua các loại thuốc hạn sử dụng còn dài (Bỏ ngay vào ba lô). Năm: Gọi điện cho chiến hữu, lên kế hoạch hành trình, đi Bắc (gần) trước, Nam (xa) sau để quen dần trạng thái đi xe máy đường trường. Con gái đọc xong bản kế hoạch, lão ướm ý con:
– Chi tiết thế còn gì. Con có bổ sung gì không?
Lão rất sợ con phản đối. Lão vốn chiều con. Nhiều việc lão quyết như đinh đóng cột nhưng chỉ cần con phân tích và không vui là lão thay đổi luôn.
– Có bố ạ. Con bổ sung mục sáu: Đi tổng kiểm tra sức khỏe để tự tin lên đường.
Nghe con nói, lão thở phào:
– Quá đúng. Thế mà bố không nghĩ
Nói vậy nhưng khi con ra khỏi nhà lão lo. Bác sỹ nhìn đâu chẳng thấy bệnh. Nhỡ có cái gì đấy đang gọi là ủ ỉ thì nguy. Vỡ hết kế hoạch. Lão thắp hương khấn vợ: “Mình ơi, con nó bắt tôi đi bệnh viện kiểm tra. Mình phù hộ cho tôi không bệnh, không tật. Tôi với mình được làm lữ khách rồi. Tôi sẽ đưa mình đi thăm đồng đội của tôi. Tôi sẽ đưa mình đến những nơi mình muốn đến mà ta chưa đi được.
Hai vợ chồng cùng đi thì có gì phải sợ”. Rồi lão lẩm bẩm “xuyên tạc tí” và ngân nga: “Lữ khách, lữ khách con đường rộng/ Lãng du… ừ nhỉ… sao không ngảnh/ Nổ máy ta ca thong dong hành/ Mình ngồi sau nhá, cho đỡ lạnh/ Ngàn dặm nước non, mấy dặm tình/ Lữ khách… lữ khách chơi cho thỏa/ rồi nắm tay nhau về cao xanh”.
Đúng hẹn, sáng chủ nhật, con gái lão đến đưa bố đi kiểm tra sức khỏe tổng thể. Lão vẫn chưa dậy. Chiếc đài trên bàn thờ vẫn đều đều “Nam mô a di đà phật”. Con gái lão đến bên giường gọi:
– Bố lại thức khuya à? Dậy thôi bố.
Không thấy bố nói gì. Con gái lão vén màn lay gọi. Lão đã đi rồi. Lão nằm thanh thản như ngủ. Da vẫn hồng hào. Khóe miệng như đang định cười. Bước nhân gian chừng như đã mỏi. Lão dắt tay vợ lên làm lữ khách trên cao xanh…

Tản văn:
THÁNG HAI MÙA HOA
Bản tôi ở rìa mường. Ngày tôi còn bé, bản chỉ có hơn ba chục nóc nhà. Vườn nhà ai cũng rộng. Nhà với nhà không có hàng rào ngăn cách. Dân bản chỉ trồng cây ăn quả quanh đất để đánh dấu. Dưới chân là vậy chứ trên đầu thì tán cây nhà này đan vào vòm cây nhà kia. Khi đã thành cổ thụ rồi thì cây muỗm, cây xoài, cây quéo, cây mít, cây bưởi, cây na, cây măk có, cây khế… cùng nhau che kín đất.
Đất bản chỗ nào cũng mát dù mùa hè trời nắng chang chang. Đất bản chỗ nào cũng là đường. Nói là đường chứ gọi là lối đi thì đúng hơn. Đường gì mà chỉ rộng chưa đủ sải tay. Nếu gọi là đường thì phải thêm chữ mòn. Đường mòn nghe mới phải. Ai thích đặt chân lên chỗ nào thì đặt. Ai muốn đi về phía nào thì cứ đưa bàn chân mà bước. Chỗ nào có nhiều bàn chân đặt lên đất sẽ nhẵn thành lối, thành đường. Đường hay lối có khi không chỉ để đi. Đường đi lối lại uốn lượn vẽ trên đất bản muôn hình hoa văn. Những khi có gió, tôi và lũ bạn đứng nhìn nắng xuyên qua kẽ lá thành những đốm vàng nhảy nhót. Chúng tôi đợi những giọt nắng vẽ gì nữa đó lên mặt đất. Những giọt nắng cứ vẽ mãi. Vẽ từ tuổi thơ đến thời thiếu nữ của tôi mà vẫn vậy. Vẫn chỉ là phác thảo thôi. Người bản tôi có câu “Chiêng xoong mố bók – tháng hai mùa hoa”. Mùa hoa, những dãy núi, cánh rừng quanh thung lũng lốm đốm sắc mầu. Bà nội tôi bảo “rừng đang thay áo mới”. Áo của rừng xanh thẫm chứ không tươi như mầu xanh sĩ lâm áo bà. Những vòm hoa cứ mỗi ngày nở bung to dần, to dần. Cây trổ hoa trước, cây trổ hoa sau. Chỉ cần hai ngày không để ý, một sớm mai thức dậy nhìn lên, núi đã hiện thêm những vòm hoa mới rực rỡ hơn rồi.
Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hoa là chúng tôi lại ngồi quây quanh bà trên sàn phơi. Đứa bóp vai, đứa bóp tay cho bà. Đứa giã trầu trong chiếc cối đồng nhỏ xíu cho bà. Đứa nào cũng đợi bà chỉ từng vòm hoa dạy cho chúng tôi phân biệt “Hoa đào rừng đỏ hồng. Hoa đào phai hồng nhạt. Hoa nhãn rừng vàng nâu. Hoa ban trắng muốt. Hoa mạ vàng đậm. Hoa vông, hoa gạo đỏ tươi. Còn cái vòm vàng sậm kia không phải hoa đâu là lá đấy. Lá cây ấy sẽ chuyển sang mầu đỏ vào tháng sau…”. Và cuối cùng, bao giờ bà cũng “Trời cho bà được ngắm thêm một mùa hoa. Trời cho bà được sống thêm một tuổi với con cháu rồi”. Nói xong, bà cười giãn cả nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt. Rồi bà kể sự tích các loài hoa. Chuyện nào cũng bắt đầu bằng “Ngày xưa… Ngày xửa ngày xưa… Ngày ấy, không ai biết ngày nào, năm nào… Thuở ấy, khi đất và trời còn liền nhau…”. Vậy mà chúng tôi vẫn muốn nghe, vẫn cứ đợi.
Bản mường tôi, sáng sớm đất thở. Sáng sớm suối, khe thở. Hơi thở kết thành mây. Có khi thung lũng đong đầy mây như hồ tuyết. Có khi mây đùn lên từng đụn, từng đụn như đàn ngựa bạch dồn lên chen nhau đợi gió. Gió như những mục đồng vô hình cầm những chiếc roi vô hình xua đàn ngựa mây lên cánh đồng trời xanh biếc. Có hôm mây thưa nhẹ bay lên đỉnh núi. Bay lên đến lưng núi, lên đến vai núi thì mỏng dần, mỏng dần. Lúc ấy, núi như một nữ thần choàng khăn voan huyền ảo trong ánh bình minh. Tháng chưa có mưa. Thỉnh thoảng sương lại buông một màn mưa bụi. Hạt mưa li ti, li ti đủ để ướt mặt người. Mưa bụi lây phây, đủ làm tươi cây, mát đất. Người bản đi xa, không ai quên được mùi hương của bản. Tháng gió ngàn thổi nhẹ. Bản tôi thoang thoảng mùi hăng hoai hoải của rừng, mùi ngai ngái quyện hương hoa bưởi, hoa bók sòn và muôn hoa. Dù đi trăm bản nghìn mường cũng không nơi đâu có mùi hương này. Ông nội tôi nói “Con người bản ta an nhiên tự tại, chan hòa, nhân ái cũng bởi cái mùi hương này. Ai muốn nổi nóng chỉ cần hít một hơi thật sâu hoặc nhìn vào một nhành hoa là thấy lòng dịu lại”. Lời ông, ngày bé tôi không tin. Nhưng sống đến bạc tóc rồi thì tôi tin.
Thích trồng hoa, thích ngắm hoa là cái thú của người bản tôi. Nhà nào cũng có một khu đất trồng hoa trước cửa. Lợn bản thả rông. Nhà nhà xuống suối lấy đá cuội lên xếp thành hàng rào làm vườn rau, bồn hoa. Nhà nào cũng chăm chút và mong cho bồn hoa nhà mình đẹp nhất, nhiều loài hoa nhất. Ai đi chơi mường gần, bản xa thấy hoa lạ thì xin giống về trồng rồi tách ươm cho anh em. Có nhà còn mang cây gỗ rỗng ruột ở rừng già về đẽo thành máng như máng cỏ ngựa đặt lên mép sàn phơi để trồng hoa. Mấy loài hoa không thể thiếu trong vườn nhà: hoa dành dành, hoa mào gà, hoa dâm bụt, hoa hồng cổ cánh đơn (dùng trong các nghi lễ cúng tế cùng hoa mạ, hoa bưởi và một số hoa rừng). Hoa nhuộm móng (để trẻ nhỏ giã ra nhuộm móng tay chơi)…
Bây giờ ông bà tôi đã về mường trời với tổ tiên. Ông bà đã mang hết những “Ngày xửa ngày xưa… Những thuở ấy…” lên trời. Cha mẹ tôi, cha mẹ chồng tôi và cả chồng tôi nữa cũng đã lên theo ông bà rồi. Chỉ còn tôi ở lại bản thôi. Bản tôi không còn như xưa nữa. Người sinh ra mà đất không đẻ thêm. Cây hàng trăm năm tuổi cũng phải chặt đi lấy đất làm nhà. Nhà sàn cũng phải dỡ bỏ để chia đất cho con xây nhà. Ruộng đồng có máy cày, máy bừa không cần trâu nữa. Nhà nào có điều kiện thì nuôi một vài con ở trang trại. Bây giờ, nhiều nhà đun nấu bằng bếp ga. Cháu chắt không có bếp lửa ngồi quanh nghe ông bà kể chuyện ngày xưa nữa. Nhà tôi còn đun bếp lửa nhưng đi làm, đi học về là người lớn, trẻ con mỗi người một chiếc điện thoại không rời tay, rời mắt. Người với người bây giờ ít khi trò chuyện. Họ chỉ trao đổi điều gì đó với nhau khi cần. Mấy ông bà già chúng tôi thỉnh thoảng ngồi với nhau vừa ăn trầu vừa rủ rỉ những chuyện buồn, vui quá khứ. Mỗi thời mỗi khác. Chuyện thời nay thì biết nói gì. Đến núi cũng thoáng cây, thưa lá rồi. Áo mới của rừng không còn rực rỡ đan cài những vòm hoa đủ sắc, tươi mầu. Áo mới của rừng đã vá mấy mảnh nương rồi.
Mùa hoa. Trời lại cho tôi ngắm thêm một mùa hoa. Tôi ngồi bên cửa sổ ngôi nhà của bố mẹ chồng tôi. Ngôi nhà phải lên rừng tìm gỗ ba năm mới đủ dựng. Ngôi nhà ở giữa bản. Bản vẫn bản đời ông kỵ chúng tôi đắp đất, xếp đá lập nên. Tôi ngồi đợi cái mùi hăng của đất, của rừng quyện hương hoa bưởi, hoa bók sòn và muôn hoa của núi rừng. Tôi ngồi… nhớ bản tôi xưa.
ĐỖ THỊ TẤC