Đỗ Anh Vũ chuyển soạn tác phẩm văn học bằng thơ

Vanvn- Việc chuyển thể các loại hình nghệ thuật không phải là một hiện tượng mới nhưng tác động của nó đến sự tiếp nhận văn học và lan tỏa chất lượng của tác phẩm là một điều khá rõ ràng. Từ những văn bản chuyển soạn bằng thơ của Tiến sĩ – thi sĩ Đỗ Anh Vũ, các nhà giáo dục học nói chung và người giảng dạy môn Ngữ văn nói riêng chắc chắn đã phần nào tìm ra được một hướng tiếp cận văn bản tự nhiên, thú vị mà cực kì hấp dẫn. Người học các tác phẩm nguyên tác có thể tiếp tục có những hình thức chuyển thể khác để tác phẩm văn học tỏa rộng trong đời sống xã hội.

Tiến sĩ – thi sĩ Đỗ Anh Vũ

Gần đây, một số tác phẩm văn học nổi tiếng như ”Vợ chồng A Phủ”, “Chí Phèo”, “Vợ nhặt”, “Hai đứa trẻ”, “Rừng xà nu”… được TS – thi sĩ Đỗ Anh Vũ chuyển soạn thành thơ. Điều này đã tạo ra những ấn tượng trong lòng công chúng đặc biệt là đối với giáo viên dạy Ngữ văn. Những ấn tượng này xuất phất từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, lần đầu tiên những tác phẩm văn học kinh điển được giảng dạy trong nhà trường phổ thông đã được chuyển soạn bằng thể thơ truyền thống: lục bát hoặc song thất lục bát. Đây là những văn bản chuyển soạn được viết bằng một thứ ngôn ngữ uyển chuyển, tinh tế chứ không phải chỉ là dạng thơ gieo lấy vần lấy điệu (điều mà nhà chuyển soạn dễ mắc phải khi chuyển soạn nguyên tác). Tất nhiên, vì là chuyển soạn trên cơ sở nguyên tác nên cũng sẽ có đâu đó những đoạn, những câu chỉ thuần là “thơ gieo vần”. Dưới đây là một đoạn chuyển soạn rất hay về tác phẩm “Chí Phèo

Bây giờ không trẻ không già/ Chí Phèo là quỷ, là ma, là người?!/ Bao lần ăn vạ kêu trời/ Bao lần đâm chém tả tơi trong làng/ Cơn say tràn ngập mênh mang/ Bao nhiêu cơ nghiệp tan hoang cũng đành”

Đây là đoạn chuyển soạn trên cơ sở nguyên tác nói về sự tha hóa của Chí Phèo khi trở thành tay sai của cụ Bá. Vừa bám sát nguyên tác lại vừa có sự phóng túng trong ngôn ngữ khi thể hiện “sự tác quái” của Chí Phèo. Các biện pháp như điệp ngữ, câu hỏi tu từ đã được Đỗ Anh Vũ sử dụng khá tự nhiên, tài tình trong mạch kể chuyện.

Còn đây là những câu thơ về tác phẩm “Hai đứa trẻ”:

“Biết bao nhiêu sự xa xôi/ Những gì lắng lại đầy vơi trong hồn/ Giống như một chiếc đèn con/ Chỉ còn chiếu được một vùng nhỏ nhoi/ Mắt Liên cũng nặng dần rồi/ Ngập vào giấc ngủ đầy vơi âm thầm/ Như đêm trong phố lặng câm”/Chỉ còn bóng tối tịch trầm vây quanh…”

Đây là đoạn chuyển soạn trên cơ sở những câu văn cuối cùng trong nguyên tác “Rồi Liên đến bên em nằm xuống. Chị gối đầu lên tay nhắm mắt lại. Những cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh của thế giới quanh mình mờ đi trong mắt chị. Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi không biết như chiếc đèn con của chị Tí chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ. Nhưng Liên không nghĩ được lâu; mắt chị nặng dần, rồi sau Liên ngập vào giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Rõ ràng, vì là chuyển soạn bằng thơ, một dạng thể loại khác biệt so với truyện nên mạch chuyển soạn sẽ có những khác biệt. Đặc biệt, tính trữ tình trong thơ cũng được làm rõ qua những câu thơ thấm đẫm hương vị của nhân vật trữ tình. Các từ ngữ trong đoạn thơ cũng được Đỗ Anh Vũ chọn lọc khá cặn kẽ như đầy vơi, lặng câm, tịch trầm… Những từ ngữ này có thể không xuất hiện trong truyện nhưng đã mang được “hồn” của truyện.

Thứ hai, sự thú vị trong các bài thơ chuyển soạn của Đỗ Anh Vũ còn bắt nguồn từ ngôn ngữ hóm hỉnh, vui đùa, luôn để lại trong lòng người đọc một nụ cười. Ngôn ngữ này có thể là những từ khẩu ngữ hoặc cũng có thể là những từ có khả năng biểu cảm “rất Đỗ Anh Vũ”. Thông thường những đoạn thơ kể theo mạch truyện chứa đựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật thể hiện rõ sự hóm hình và thú vị này. Thí dụ: “Làm gì thế, xin chào cô bé!/ Liên biết rồi, đúng nhẽ cụ Thi/ Hơi điên một tí tì ti/ Thường sang mua rượu tì tì uống luôn/ Một hơi cạn sạch, cười giòn/ Trả tiền, lảo đảo bước bon ra ngoài”- (Hai đứa trẻ)

Hay: Án tù chỉ mấy năm thôi/ Hắn đi một mạch xa khơi tít mù/ Tám năm sau bỗng lù lù/ Lần về làng cũ, bước vô lạ lùng”–  (Chí Phèo)

Thứ ba, sự chuyển soạn từ truyện sang thơ ở trường hợp Đỗ Anh Vũ nằm trong hệ thống chuyển thể các loại hình nghệ thuật nói chung, xét trong bản thân nó đã rất thú vị. Thú vị hơn khi sự chuyển thể ở đây là sự chuyển thể sang một thể loại văn học có vần điệu, có nhạc tính cho nên người đọc dễ nhớ, dễ thuộc. Nhờ đó, giáo viên Ngữ văn có thể đa dạng hóa phương pháp tiếp cận văn bản khi giảng dạy cụ thể là thực hiện công việc tóm tắt văn bản bằng thơ. Cùng với đó, học sinh học tập môn Ngữ văn sẽ cảm thấy việc tóm tắt văn bản trở nên nhẹ nhàng hơn, thú vị hơn, gián tiếp thúc đẩy hoạt động đọc hiểu văn bản.

Hiện tượng chuyển thể các loại hình nghệ thuật không phải là một hiện tượng mới nhưng tác động của nó đến sự tiếp nhận văn học và lan tỏa chất lượng của tác phẩm là một điều khá rõ ràng. Từ những văn bản chuyển soạn bằng thơ của TS, thi sĩ Đỗ Anh Vũ, các nhà giáo dục học nói chung và người giảng dạy môn Ngữ văn nói riêng chắc chắn đã phần nào tìm ra được một hướng tiếp cận văn bản tự nhiên, thú vị mà cực kì hấp dẫn. Người học các tác phẩm nguyên tác có thể tiếp tục có những hình thức chuyển thể khác để tác phẩm văn học tỏa rộng trong đời sống xã hội.

LÊ THỊ THÙY VINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *