Điếu văn tiễn đưa nhà thơ Đàm Khánh Phương

Vanvn-  Sáng ngày 20.5.2023, nhằm 2.4 năm Quý Mão, lễ truy điệu nhà thơ Đàm Khánh Phương (tên thật Đỗ Đặng Quyết) đã diễn ra tại Nhà tang lễ Bệnh viện Đức Giang – Hà Nội. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thay mặt Ban Chấp hành Hội đến viếng, đọc điếu văn và đưa tiễn ông. 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc Điếu văn truy điệu nhà thơ Đàm Khánh Phương

>> Nhà thơ Đàm Khánh Phương qua đời ở tuổi 79

 

Vào hồi 23 giờ 56 phút ngày 16 tháng 5 năm 2023, tức ngày 27 tháng 3 năm Quý Mão, nhà thơ Đàm Khánh Phương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng đi về cõi vĩnh hằng.

Nhà thơ Đàm Khánh Phương tên thật là Đỗ Đặng Quyết, sinh ngày 04 tháng 01 năm 1945 tại Ứng Hòa, Hà Tây cũ, nay là thành phố Hà Nội. Mảnh đất ông sinh ra và lớn lên là một vùng văn hóa đặc sắc, nơi sản sinh ra những bậc hiền tài của đất nước trong nhiều thời đại. Bởi thế mà tâm hồn ông được nuôi dưỡng và được khai mở để ông bước vào cuộc đời không ít chông gai.

Ông đã có thơ xuất hiện trên báo từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Và cũng từ đó, con đường sáng tác thơ ca là con đường ông đã chọn và đi đến hết cuộc đời mình. Ông đã được trao giải thưởng thơ của Báo Người giáo viên Nhân dân năm 1961, Giải nhất thơ Hà Tây năm 1965, Giải nhì thơ Hải Phòng năm 2007, Giải thưởng thơ Lục bát của Báo Người cao tuổi năm 2009, Giải 3 thơ Báo Văn nghệ và Đài phát thanh truyền hình Hà Nội năm 2010 và nhiều giải thưởng khác. Nhưng giải thưởng cao quí nhất là cuộc đời đã chọn ông trong sứ mệnh của một nhà thơ để cất lên tiếng nói của tình yêu thương con người, của lẽ sống trung thực và tự do. Và cuộc đời, đồng nghiệp và những người yêu thơ đã đón nhận ông.

Nhà thơ Đàm Khánh Phương (1945 – 2023)

Ông là người coi thơ ca như một cõi thiêng khi viết:’’Và đã nhận được một điều giản dị/ Không bao gìờ thơ chịu nước bán rao’’. Những câu thơ như vậy không chỉ là thơ ca mà chính là tuyên ngôn đầy khí phách của ông, một tuyên ngôn về lẽ sống. Tôi là người được biết ông mấy chục năm nay. Và suốt mấy chục năm nay, chưa bao giờ tôi thấy nụ cười tắt trên gương mặt ông cho dù ông đã phải đi qua bao thiếu thốn, bao khó khăn, bao buồn vui, bao thăng trầm của cuộc đời.

Nhà thơ Đàm Khánh Phương ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hiện ra trong tư thế lịch lãm, hào hoa và đầy đắm mê với thơ ca và với cuộc đời. Những bạn bè trong giới văn chương biết ông đều có một cái nhìn về ông giống nhau. Đó là sự chân thành của ông với bạn bè, sự nồng nghiệt khi bạn bè cần sự giúp đỡ từ ông, sự thẳng thắn khi ông lên tiếng, sự đắm mê khi ông viết và khi ông yêu. Hình như chẳng có nỗi phiềm muộn nào, chẳng có sự thua thiệt nào có thể đánh gục được ông.

Nhìn phong cách sống của ông, không ít người nhầm tưởng rằng ông chẳng phải âu lo, dày vò một điều gì. Nhưng khi đọc những câu thơ dưới đây, tôi thấy một Đàm Khánh Phương của thao thức, của thương yêu những ruột thịt của mình và của một trách nhiệm như một nguyên tắc sống:

Bất chợt xuyên vào đêm nay/ Thôi lật hết vùng giá buốt/ Hình như có gì nóng ruột

Quờ sang con còn ngủ say// Tảng sáng sờ vào hũ gạo/ Ngó sang củi lửa muối dầu/ Yên lòng các con no đủ/ Mới biết giờ mình tới đâu.

Bây giờ đọc lại những câu thơ này, lòng tôi vẫn trào dâng một niềm xúc động mãnh liệt về ông. Tôi hình dung trong những năm tháng đói nghèo của đất nước, người đàn ông lãng mạn, lãng tử và hào hoa Đàm Khánh Phương đã thức giấc trong đêm để xem gạo còn không, muối dầu củi lửa còn không để các con không phải đói rét. Lúc đó, chàng thanh niên Đàm Khánh Phương, nhà thơ Đàm Khánh Phương hiện ra trong đêm như một người già suốt đời lo lắng cho những đứa con của mình.

Bài thơ Viết cho con ngày lấy vợ của ông là một bài thơ được nhiều người yêu thích. Bài thơ này ông viết tặng con trai Đỗ Nguyễn Hoàng Quân ngày cháu lập gia đình.

Cha từng đổi câu thơ thành tã lót/ Ấp ủ cho con ngày tháng năm ròng/ Đổi lấy gió mát lành trưa nắng rát/ Đổi than hồng sưởi ấm những chiều giông// Nhưng chẳng thể nào cha đổi con lấy hình dáng khác/ Dẫu dáng hình kia được tạc bằng vàng/ Bởi cha biết máu trong vàng rất lạnh/ Vàng không là đồng nghĩa với cao sang// Con hãy giữ tình yêu làm báu vật/ Sống thân thương ân nghĩa với cuộc đời/ Tình yêu sẽ cho con nhiều thóc gạo/ Cho con nhiều quả ngọt với hoa tươi.

Bài thơ viết riêng cho đứa con trai, cũng là cho tất cả những đứa con, đứa cháu của ông. Và bài thơ ấy cũng là cho mọi người muốn được sống làm người tử tế và kiêu hãnh. Những câu thơ ấy đã tạc lên tâm hồn con người Đàm Khánh Phương với một tình yêu thương da diết, vô bờ, với một thái độ kiêu hãnh mà mọi vật chất không thể nào can thiệp được.

Những câu thơ ấy và nhiều câu thơ khác trong suốt cuộc đời nhà thơ Đàm Khánh Phương là hồ sơ đúng nhất, quan trọng nhất về con người ông. Ông đã chọn yêu thương, chọn lòng tự trọng, chọn sự tự do để sống. Và ông đã chọn thơ ca để bày tỏ những điều ấy trong cuộc đời mình. Giờ ông đã rời khỏi thế gian về cõi Vĩnh hằng. Nhưng trong ký ức ấm áp và đẹp đẽ của những người ruột thịt, của đồng nghiệp, của bạn bè và bạn đọc, ông mãi mãi còn nguyên vẹn như những năm tháng sống trên thế gian này với nụ cười không bao giờ tắt và dáng hình lãng tử, hào hoa nhưng vẫn thi thoảng thức giấc những đêm gần sáng để nghĩ về những người thân yêu của mình.

Xin cúi đầu tiễn biệt ông – Nhà thơ Đàm Khánh Phương!

NGUYỄN QUANG THIỀU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *