
Vanvn- Ngày Thơ Việt Nam Rằm Nguyên tiêu Tân Sửu 2021 vừa trôi qua. Một Ngày Thơ khác thường với nhiều hoạt động phong phú bằng online khắp cả nước. Để biết các nhà thơ nghĩ gì về giá trị của thơ và họ làm gì trong ngày đặc biệt hôm qua, xin mời các bạn tiếp tục theo dõi thổ lộ của các nhà thơ: Nguyễn Linh Khiếu, Trúc Linh Lan, Trần Thế Vinh, Võ Tấn Cường, Trần Thanh Dũng, Hoàng Thụy Anh, Ngô Thanh Vân.
>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 1
>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 2
Nhà thơ Hoàng Thụy Anh (Quảng Bình): Thơ có khả năng mang đến sự hoàn thiện cho con người.
Thi sĩ là người luôn khao khát khám phá và mô tả cái tôi, biến nỗi niềm riêng tư của chính mình thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Khi nỗi niềm ấy chuyển hóa vào thơ, nó không còn là khoái cảm riêng của thi sĩ nữa mà đã trở thành khoái cảm chung của toàn nhân loại. Và thi sĩ hơn người thường ở khả năng truyền đạt tư tưởng và trí tuệ của mình vào trong thơ.
Vì thế, thơ cần đảm bảo sứ mệnh: tôn vinh giá trị về nội dung lẫn hình thức. Từ sức mạnh “vang vọng” tâm hồn của thi sĩ, thơ mang đến tình yêu và nghệ thuật sống, dâng tặng cái đẹp, cái mới, vỗ cánh cho trí tưởng tượng, sự tinh tế, an ủi và xoa dịu,… Xét ở khía cạnh này, thơ có khả năng mang đến sự hoàn thiện cho con người.

Trong Ngày Thơ, ngày tôn vinh giá trị của thơ, thi sĩ tham gia hưởng ứng ít nhất một bài thơ hoặc những luận bàn về thơ lên facebook, zalo,… như lời tâm sự đầy nhiệt huyết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đó cũng là cách thức để chúng ta nhân rộng và lan tỏa tình yêu và cái đẹp thơ ca đến với bạn bè khắp cả nước. Lúc này, sự “chín” với thơ có khả năng khai mở, gợi lên những tình cảm thiêng liêng với Tổ quốc, kết nối tình cảm với Tổ quốc. Tôi đã đăng bài thơ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Đất mồ côi” của nhà văn Tạ Duy Anh lên facebook, như một sự chia về vẻ đẹp huyền thoại và cảm quan tôn giáo đối với văn chương:
BÓNG TỐI
tiếng cười rất ngắn
vết thương là ân huệ cuối cùng
đó là trò chơi của xứ sở
dài hơn thời gian
ấm hơn ngọn lửa
chỉ im lặng là thật
đừng chạy
đừng câm nín
bóng tối chưa bao giờ già nua
buộc bóng tối
đốt thành ngọn đuốc
ai đó cúi mặt
gọi
Cha ơi!
bóng tối ngước lên
& đi.
Nhà thơ Võ Tấn Cường (Tiền Giang): Thơ giống như thở, yêu và sống

Theo tôi, giữa thời đại thế giới phẳng có nhiều đổ vỡ và phân cực hiện nay, thơ ca vẫn luôn hàm chứa những giá trị nhân văn và mang đến cho con người thông điệp về khát vọng, niềm tin về sự sống, tình yêu thương và sự bí ẩn của sự vật. Thơ ca bắc nhịp cầu tri âm để những tâm hồn đồng điệu gặp gỡ, giao hòa.
Đối với tôi đọc thơ và làm thơ giống như thở, yêu và sống vậy. Sau những giờ làm việc, tất cả những gì liên quan đến thơ đều cuốn hút tôi. Ngày Thơ VN, tôi đọc thơ của các nhà thơ tôi yêu mến và chiêm nghiệm một chút về thiên chức của nhà thơ trong thời đại hiện nay. Đó cũng là ngày tôi sống toàn phần cho thơ hơn những ngày khác…
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu (Hà Nội): Tôi tin các nhà thơ trong cả nước vẫn đang hướng về thơ
Nhiều năm qua ta nghe quá nhiều lời ca thán về “lạm phát thơ”, “thơ dở”, “sự xuống cấp của thơ” và… Theo tôi, thật đáng buồn cho những phát ngôn ấy. Họ không hiểu thơ là gì, hoặc hiểu biết của họ quá phiến diện. Những phát ngôn ấy chắc chắn từ những kiến văn nông cạn, hẹp hòi và quá tự phụ. Thơ thuộc về mọi người và không ai có quyền phán xét về thơ nếu chưa hiểu thấu đáo thơ là gì.

Gần đây do công việc, tôi có nhịp thâm nhập vào sinh hoạt của các câu lạc bộ thơ phong trào ở Hà Nội và các Trang thơ, Group thơ trên facebook và khi đằm chìm trong không khí của những người yêu thơ đích thực tôi càng nhận ra giá trị đích thực của thơ. Thơ có nhiều hình thái và loại hình khác nhau và người yêu, say mê thơ thì đông vô kể dù họ rất khác nhau. Thơ của các câu lạc bộ thơ phong trào gắn liền với đời sống thành viên câu lạc bộ. Có thể có người cho rằng đó không phải là thơ. Nhưng đối với tôi thì đó là thơ. Chỉ có điều thơ của họ khác thơ của tôi. Nhưng tôi trân trọng những sáng tạo của họ.
Vào dịp Tết Nguyên đán tôi có về quê và vô tình được dự mấy đám tang ở làng. Thật tuyệt vời khi đa phần nhạc hiếu trong các đám tang là nhạc Trịnh Công Sơn. Đó là “Một cõi đi về”, “Hát cho một người nằm xuống”, “Cát bụi”…, và tôi hiểu thơ ở ta chắc là cũng thế. Thơ luôn gắn liền với đời sống. Do đời sống quá phong phú nên giá trị của thơ cũng rất phong phú đa dạng.
Ngày Thơ VN, tôi tin rằng các nhà thơ đều nghĩ về thơ. Cá nhân tôi chưa bao giờ đọc thơ trong ngày thơ nhưng hàng năm tôi vẫn tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám để đắm mình trong mưa xuân Hà Nội và thơ. Năm nay lại hoãn tổ chức Ngày Thơ VN, nhưng tôi tin các nhà thơ trong cả nước vẫn đang hướng về thơ.
Nhà thơ Trúc Linh Lan (Cần Thơ): Thơ là ngọn lửa thắp lên niềm tin yêu cuộc sống
Từ xa xưa thơ đã luôn đồng hành cùng con người trong cuộc sống mọi lúc, mọi nơi lúc khó khăn, khi hạnh phúc, cùng vui, cùng buồn, làm điểm tựa lúc bi quan chán nản. Chính vì thế con người chưa bao giờ ruồng bỏ thơ hay lơ là với thơ. Thơ hướng con người tới cái đep, tránh xa cái ác, thơ là ngọn lửa thắp lên niềm tin yêu cuộc sống. Vì vậy tôi tin rằng dù cuộc sống không ngừng vận động, có những cái mới xuất hiện, nhiều giá trị cũ mất đi thì thơ vẫn mãi mãi gắn liền với tâm hồn con người.

Ngày Thơ VN là ngày tôn vinh thơ để những nhà thơ thật sự gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiêm sáng tác… nhưng hình như chưa làm được. Tôi nghĩ những người làm thơ khao khát có một không gian thật sự thơ với những bài thơ mang hơi thở cuộc sống được chia sẻ đến công chúng thưởng thức. Hai năm không tổ chức được Ngày Thơ đã gợi lên nỗi nhớ và các cuộc thơ được một số nơi tổ chức với dạng online cũng mong thỏa lòng yêu thơ. Hy vọng năm sau dịch Covid-19 không còn để có một Ngày Thơ VN thật hay, mới mẻ, phong phú sắc màu vùng miền cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông nước Cần Thơ và miền Tây vẫn còn nhiều người dành tình yêu cho thi ca.
Nhà thơ Trần Thế Vinh (An Giang): Mỗi người đều “có thơ” như miếng bánh tinh thần
Vốn dĩ dân tộc Việt Nam có truyền thống sáng tạo ra dân ca, tục ngữ, hò, vè… rồi thơ. Ngay cả các tiền bối là nhà chính khách, lãnh đạo, quan chức các thời hay ngày nay; rồi thế hệ trẻ là học sinh, sinh viên đều “có thơ” như miếng bánh tinh thần nhâm nhi giờ nhàn rỗi, lúc bi thương tỏ lòng ai oán… Và bất cứ ai trong mọi người chúng ta đều yêu thơ ca là lẽ đương nhiên, Ngày thơ VN ra đời cũng là theo một xu hướng tất yếu và thành truyền thống gần 20 năm qua của dân tộc Viêt.

Tôi là một nhà thơ (được hiểu như đã là chuyên nghiệp) nên mỗi rằm tháng Giêng lại càng háo hức cùng dòng chảy thơ ca cả nước ngày thơ Nguyên tiêu. Người ta ca ngợi chị Hằng, chú Cuội, tình yêu đôi lứa trong ngày giáp Giêng trăng tròn… Còn tôi, ký ức về thời gian sống đẹp, hay lúc bi ai về tình yêu trắc trở nên phải có thơ cho ngày Nguyên tiêu! Hay dở gì cũng chọn cho mình một quan niệm: “Thơ là sóng trên mặt ao/ Vỗ vào vách nứt xôn xao lòng hồ!”.
Ngày Thơ năm nay ở An Giang cùng chung cả nước không tổ chức, nhưng các Hội ở huyện thị, hay cấp tỉnh cũng có các hoạt động riêng lẻ như online trực tuyến của giới Văn thơ nữ An Giang, Phân hội Văn học An Giang thì ghi chép, quay lại các hoạt động thơ ca trong giới mình… chưa kể hàng chục bạn thơ trên mạng ở An Giang phổ biến riêng thơ của mình và chia tổ “tam tam” đọc thơ tự sự về thời Covid-19…
Đặc biệt, rất vinh dự năm nay ngay ngày Nguyên tiêu (26.2.2021) Tỉnh ủy, UBND, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cùng Liên hiệp Hội VHNT tỉnh tổ chức buổi họp mặt với văn nghệ sĩ tiêu biểu và có cuộc mạn đàm, trao đổi, giao lưu giữa lãnh đạo tỉnh và anh em chúng tôi. Đó cũng là một hình thức như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn VN có nhắc: Làm thế nào đọc xong các bài thơ, công chúng vẫn thấy được kết quả thành tựu trong thơ… có gì trong một năm qua.

(Sóc Trăng): Thơ không chỉ có một ngày mà thành
Thơ với tôi là hơi thở, giống như không khí vậy. Thở được thì sống không thì chết.
Ngày Thơ VN là một ngày đặc biệt cho những người yêu thơ, và những người sống chết với thơ. Nhưng do đại dịch, ngày thơ không được diễn ra như thường lệ, vì sức khỏe cộng đồng, và vì sức khỏe chính các nhà thơ, việc không tổ chức lễ hội là cần thiết. Dẫu sao, thơ không chỉ có một ngày mà thành, cũng như hơi thở thơ phải thở mỗi ngày để được sống. Tôi cần mẫn làm thơ mỗi ngày như người dân miệt vườn cần cù trên cánh đồng của mình. Hy vọng năm nay sẽ hết đại dịch và thơ được mùa!
Nhà thơ Ngô Thanh Vân (Gia Lai): Thơ vẫn không bị quay lưng
Vì dịch bệnh, năm nay Ngày Thơ VN lại không tổ chức, sẽ có tiếc nuối. Bình thường, không đông đúc, hoành tráng như ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không khí Ngày Thơ – Đêm thơ ở Gia Lai, và có lẽ ở các tỉnh lẻ khác cũng giống nhau, đó là trầm buồn. Đêm thơ được đan xen với nhạc, hay còn gọi là “Đêm thơ nhạc” để vớt vát lại chút không khí rộn ràng. “Đêm thơ nhạc” được tổ chức ở một góc ở quảng trường Đại Đoàn Kết, có thể gây được sự chú ý của nhiều người. Có người đến coi vì nghe thấy ca nhạc, một phần nhỏ nán lại để cùng các tác giả, cũng như hội viên nhiệt tình nghe những bài thơ phần lớn là do chính tác giả tự trình bày.
Bản thân tôi rất ngại khi xuất hiện trước đông người để thể hiện thơ mình. Có lẽ tôi không tự tin. Không tự tin ở giọng đọc, và sợ, sợ quên thơ. Chúng tôi là những người viết, không phải là người chuyên trình diễn, nên sự cố quên lời là chuyện xảy ra như cơm bữa và cũng chẳng đáng ngạc nhiên. Có lẽ điều đó làm tôi thường từ chối khi được mời đọc thơ. Tự thú thế này cũng là đang ngại rồi.

Năm nay tôi cũng đã chuẩn bị cho mình một bài thơ xuân nhẹ nhàng để góp vào “Đêm thơ nhạc”. Cũng cầm giấy để đọc đi đọc lại cho thuộc (mà vẫn chưa thuộc), thì nghe tin sẽ không tổ chức đêm thơ nữa. Thật lòng là cũng thấy hụt hẫng xíu. Vì mỗi năm các anh chị em văn nghệ sĩ được gặp nhau đông đủ có nhiều đâu. Đây cũng là một trong những dịp chúng tôi gặp gỡ giao lưu vừa thơ, vừa chuyện phiếm. Đành thôi.
Đêm qua, thấy trên Facebook cá nhân của một số nhà thơ ở cả nước làm chương trình thơ online. Thật thú vị. Tôi vào xem vừa vì tò mò, vừa vì quý tình thơ của họ. Tự nhiên có cảm xúc được an ủi. Thơ vẫn không bị quay lưng. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng thấy ấm lòng người viết. Giá trị của thơ khó mà định lượng. Cũng rất khó để nói thơ dở thơ hay. Hay hoặc dở tùy thuộc vào cảm xúc, cảm nhận, sự đồng điệu, ý thức nghề nghiệp ở mỗi người viết cũng như độc giả. Có một điều để có thể lấy đó làm vui, đó là thơ vẫn đang âm ỉ chảy trong lòng cuộc sống.
Ngay lúc này, thơ đang rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Mạng xã hội là một nồi lẩu tả phí lù, nhưng để gạn đục khơi trong, những cư dân mạng sẽ tự tìm thấy được sự đồng cảm trong các mối quan tâm của mình. Phương tiện này ngẫu nhiên cũng đã đưa văn thơ hòa vào cuộc sống. Bạn bè văn chương có thể chia sẻ và đọc được nhau sau một cú enter kết thúc bài thơ, truyện ngắn, truyện dài. Sự kết nối này khiến cho người gần người hơn. Tác giả gần tác giả hơn, tác giả cũng gần độc giả hơn. Và hơn hết, chúng ta sẽ nhận được phản hồi ngay lập tức. Tất nhiên, ở mặt này, đa số là những lời khen, hiếm lời chê. Việc nhận chân giá trị và định vị mình cũng đòi hỏi một sự tỉnh táo. Bởi chúng ta cũng rất dễ trượt dài trước những comment tâng bốc, để rồi ngủ quên ở đấy mãi. Tôi luôn nhắc mình đừng mê mải với những lời khen…
Buổi sáng Ngày Thơ, lướt facebook, thấy rất nhiều người làm thơ đăng bài viết với chủ đề về thơ. Mới hiểu thêm rằng, những người vẫn còn trân trọng với con chữ của mình, với niềm yêu của mình, thì họ sẽ có cách này hoặc cách khác để ghi dấu về một ngày thơ đặc biệt mùa giãn cách. Tôi không đăng thơ nhưng đọc thơ của bạn bè, đó cũng là một cách tôi đến với Ngày Thơ dẫu thật âm thầm.
VANVN