Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 2

Vanvn- Thơ có giá trị ra sao đối với đời sống? Và các nhà thơ nghĩ gì, làm gì trong Ngày Thơ Việt Nam? Tiếp tục kỳ 2, xin mời bạn đọc theo dõi tâm tình của các nhà thơ từ mọi miền đất nước: Đặng Huy Giang, Đàm Chu Văn, Mai Thìn, Ngô Đức Hành, Nguyên Trân, Huỳnh Văn Quốc, Vũ Thanh Hoa, An Thủy.

>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 1

>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 3

 

Nhà thơ Đặng Huy Giang (Hà Nội): Thơ rất nên hữu ích với đời sống

Tôi nghĩ thơ ca như hương như hoa của cuộc đời này, luôn mang một vẻ đẹp tuy mong manh nhưng vĩnh cửu và luôn mang trong lòng nó giá trị văn hóa phi vật thể vừa thiêng liêng, vừa không dễ thay thế.

Nhiều người cho rằng: Rồi có ngày thơ sẽ chết. Đó là một dự đoán hoang đường. Bằng chứng là ngay ở nước Mỹ, dù kỹ trị và văn minh vật chất chiếm ưu thế, những thi ca vẫn có một vị trí, một vai trò đáng kể và vẫn được tôn vinh. Nếu tôi không nhầm thì hầu như ở lễ nhậm chức tổng thống nào, cũng có nhà thơ được mời đến để đọc thơ thay lời chúc mừng.

Nhưng theo tôi, thơ rất nên hữu ích với đời sống. Nhà thơ Thi Hoàng từng nghĩ và đặt ra một câu hỏi rất hay có liên quan đến thơ: “Nếu thơ mà như những hạt gạo ni lông, rất đẹp, rất hào nhoáng mà không ăn được, thì làm ra chúng để làm gì?”

Nhà thơ Đặng Huy Giang

Trong buổi sáng ngày hôm nay, tôi biên tập và chọn được 14 chùm thơ thú vị của 14 tác giả ở nhiều vùng đất khác nhau (Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và TPHCM) để chuẩn bị cho số 3 và số 4 năm 2021 của Tạp chí Nhà văn và tác phẩm. Bất chợt trong tôi chợt lóe lên một tứ thơ được nháp trong đầu có mấy câu như thế này:

Một ngày không điện thoại

Ta ngồi nhìn lá rơi

 

Một ngày không điện thoại

Ta ngồi nhìn sông trôi

 

Một ngày không điện thoại

Ta chỉ mình ta thôi…

Tôi không biết phác thảo ban đầu của tứ thơ này rồi sẽ mở hoặc khép lại như thế nào. Tuy vậy, tôi vẫn vui vì nhiệt huyết của mình với thơ vẫn không hề vơi cạn.

Nhà thơ Đàm Chu Văn (Đồng Nai): Bây giờ thơ có còn cần không? Có lẽ không thể nói là cần hay không cần.

Thơ là gương mặt tâm hồn, là phần trong trẻo, thơ dại, thăng hoa của con người. Tôi nhớ những năm còn tuổi nhi đồng, thiếu niên (những năm sáu mươi thế kỷ trước), hồi đó phương tiện nghe nhìn còn rất thô sơ và thiếu thốn, chủ yếu là chiếc đài bán dẫn mà phải là nhà “có khả năng” lắm mới có được. Tôi thường ngồi nghe bà nội tôi, mẹ tôi ru, dỗ ngủ các em tôi bằng những câu ca dao, những câu thơ truyền tụng trong dân gian. Bà nội tôi không biết chữ, mẹ tôi cũng không được học hành nhiều, nhưng đều rất thuộc, thuộc nhập tâm những câu ca dao, câu thơ dân gian ấy. Thơ đã đi vào đời sống tâm hồn các cụ và rất nhiều thế hệ trước, bồi bổ phần hồn trong lành, ấm áp bao nhiêu thế hệ và cứ nối truyền mãi.

Nhà thơ Đàm Chu Văn

Trong kháng chiến, thơ dựng lên gương mặt tinh thần cao đẹp của thời đại, dựng lên chân dung dân tộc “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa” (Huy Cận), có sức lay động, huy động cả dân tộc vào trận chiến đấu vì nghĩa lớn, vì lý tưởng cao đẹp. Bây giờ thơ có còn cần không? Có lẽ không thể nói là cần hay không cần.

Thế giới hiện đại hút con người về phía vật chất, lắm tính toan, sắc lạnh nhưng vẫn cần sự thăng bằng, tưới mát, cho nhuần nhụy, thăng hoa mà một trong phương tiện đem lại sự cân bằng ấy là thơ. Và xin nói riêng về góc độ bảo vệ Tổ quốc, tôi dám đoan chắc rằng những người lính hôm nay vẫn cần những câu thơ, vần thơ như ngày xưa cha ông mang ra trận.

Việc tổ chức Ngày Thơ VN là một dịp khẳng định, tôn vinh giá trị, thành tựu của thơ ca. Những Ngày Thơ trước, tôi trong vai trò là người tổ chức, tham gia các hoạt động ở Đồng Nai. Năm nay, tôi tham gia trang thơ trên số báo Đồng Nai cuối tuần (ra đúng vào Rằm tháng Giêng Kỷ Sửu 2021). Buổi sớm Ngày Thơ hôm nay, tôi sắm một bình hoa đẹp để trên bàn viết, cùng thưởng thơ, thưởng hoa và nhắn tin, gọi điện thoại đến một vài bạn thơ thân thiết chia vui.

Nhà thơ Nguyên Trân (TPHCM): Ban ngày hội thơ, ban đêm uống trà thưởng trăng

Tết Nguyên Tiêu năm nào các nhà thơ cũng trông chờ được gặp gỡ nhau trong ngày hội của riêng mình.

Nhà thơ Nguyên Trân

Tôi cũng không ngoại lệ. Ban ngày, tôi cũng háo hức tham gia Ngày Thơ tại TPHCM. Tối đến, bên ấm trà Thái Nguyên trong vắt ngọt xanh, mấy người bạn chúng tôi cùng nhau “thưởng Nguyệt, bình thơ” trên sân thượng nhà tôi dưới ánh trăng tròn vằng vặc.

Hai năm nay, tiếc là vì dịch bệnh hoành hành, nên chúng tôi đành tạm gác lại những cuộc đàm đạo đầy thi hứng đó.

Từ bao đời nay, thơ ca luôn là tiếng lòng thổn thức của con người. Trong thời điểm bệnh dịch hoành hành khắp nơi, thơ ca như một điểm tựa tinh thần, như những lời động viên mang hơi thở cuộc sống, giúp xua tan bớt những lo âu, mệt mỏi, đồng thời giúp chúng ta trở nên đoàn kết, đồng lòng để có một tiếng nói chung trong việc bảo vệ sức khoẻ và sự sống.

Mong sao cho dịch Covid-19 mau chóng được dập tắt trên toàn thế giới, và những vần thơ lại bay bổng ngân nga giữa cuộc sống tươi đẹp này!

Nhà thơ Mai Thìn (Bình Định): Thơ ca sẽ khỏa lấp, xoa dịu được những vết đau ấy của xã hội

Gần 10 năm qua, năm nào tôi cũng phải tham gia trong Ban tổ chức của Ngày Thơ VN tại Bình Định. Những ngày này, thường chúng tôi rất bận rộn cho các hoạt động của thơ ca. Nhưng Nguyên tiêu năm ngoái và lần này, vì ảnh hưởng của dịch covid nên rất rảnh. Vì rảnh nên đọc được nhiều thông tin về Ngày Thơ hơn. Trong đó có thông tin của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về việc sẽ đổi mới nội dung và hình thức tổ chức của Ngày Thơ VN.

Nhà thơ Mai Thìn

Đây là điều nên làm. Bởi lâu nay, chúng ta đã đưa được thơ đến gần hơn với công chúng, thì bây giờ cần “chỉnh trang” và làm sao công chúng thêm yêu quí và gần gũi, trân trọng với thơ ca hơn. Có như thế, thơ mới phát huy được những giá trị đặc biệt của mình trong bạn đọc, trong đời sống.

Sở dĩ tôi gọi “giá trị đặc biệt” là vì thơ không phải như một thứ hàng hóa đơn thuần. Nó “không làm ra lúa vàng gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”, như lời người làng Chùa của ông Thiều đã nói.

Trong đời sống hiện nay, đất nước không có chiến tranh, con người văn minh hơn, nhiều tiện nghi hơn, giàu có, no đủ hơn, nhưng cũng lại chịu nhiều thứ áp lực trong đời sống hơn. Đó là nỗi cô đơn đến đơn độc, là sự khủng hoảng của đạo đức và lương tri; sự băng hoại của môi trường và tình cảm… Tôi tin thơ ca sẽ khỏa lấp, xoa dịu được những vết đau ấy của xã hội, khơi gợi trong lòng người ánh sáng của chân thiện mỹ. Nhưng để làm được chức năng ấy thì ngoài trách nhiệm của nhà thơ là phải tạo ra tác phẩm lay động được người đọc, Hội Nhà văn VN và các tổ chức khác còn phải tìm được cách đưa thơ đến với bạn đọc nhiều hơn, hiệu quả hơn. Bởi khi con người còn mải mê với bộn bề đời sống thì thơ ca cũng chỉ là phù phiếm.

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc (Phú Yên): Thơ san sẻ những hỉ nộ ái ố ái ố muôn đời của nhân loại

Cho dù ở thời đại nào, thơ cũng có một vị trí nhất định không thể thiếu trong đời sống. Người ta đến với thơ theo nhiều tâm thế khác nhau, nếu có người “thi ngôn chí”, “văn dĩ tải đạo”…, thì cũng có người đơn giản chỉ để “mua vui cũng được một vài trống canh”v.v… Điều đáng nói, nàng thơ vốn đỏng đảnh, nhiều khi người làm để “mua vui” lại có tác phẩm bất hủ, còn người chăm chăm “tải đạo” hoặc muốn “lập danh” lại gây buồn cười cho người đọc!

Nhà thơ Huỳnh Văn Quốc

Tựu trung, dù mọi người đến với thơ theo mục đích gì, tôn thờ hay đùa tếu mang tính giải trí – thư giãn, thì điều đọng lại của thơ trong người đọc như thế nào, san sẻ những hỉ nộ ái ố ái ố muôn đời của nhân loại ra làm sao… mới là giá trị đích thực từ tác phẩm thơ.

Đã 2 năm rồi (2020, 2021), Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống Phú Yên nói riêng và Ngày Thơ VN nói chung phải tạm dừng tổ chức nhằm chung tay cùng toàn xã hội hạn chế tập trung đông người, để thực hiện tốt việc phòng tránh dịch Covid-19. Làm gì trong ngày hôm nay ư? Chúng tôi, những người đã gắn bó về mặt tổ chức ít nhất cũng một nửa trong số 41 năm Hội Thơ Nguyên tiêu truyền thống tỉnh Phú Yên, có “nhẹ gánh” về công tác tổ chức chương trình, nhưng lại nặng lòng vì sự hụt hẫng ngoài ý muốn.

Nhà thơ Vũ Thanh Hoa (Bà Rịa – Vũng Tàu): Thơ tôn vinh Cái Đẹp, diệt trừ Cái Xấu, Cái Ác

Giá trị của thơ không thể tính bằng những con số thống kê cụ thể trong đời sống xã hội nhưng chắc chắn Người Làm Thơ và Người Yêu Thơ là những người giàu có về cảm xúc và niềm tin Yêu Cái Đẹp.

Nhà thơ Vũ Thanh Hoa

Thế giới này có thân ái, hòa bình, văn mình, tiến bộ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc của con người trước cái đẹp. Thơ không chỉ cho tôi cảm nhận cái đẹp bằng mắt, bằng tai mà còn là sự giao thoa giữa trái tim và trí tuệ, từ đó dẫn đến những hành động cụ thể để bảo vệ, tôn vinh Cái Đẹp, diệt trừ Cái Xấu, Cái Ác. Vì thế, theo cá nhân tôi, giá trị của thơ là vô cùng cao quý, nhân hậu và cứu rỗi nhân loại.

Ngày Thơ VN Tết Nguyên tiêu năm Tân Sửu năm nay, tôi chọn bài thơ Tiếng Việt của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ để đưa lên facebook cá nhân, như một lời nhắc nhở mình giữ gìn ngôn ngữ Việt và thấm thía hơn giá trị của thơ. Tôi cũng tham gia một vài phong trào Thơ online để hưởng ứng Ngày Thơ VN bằng một hình thức khác vì không trực tiếp tham gia Hội thơ như mọi năm do dịch bệnh Covid-19.

Nhà thơ Ngô Đức Hành (Hà Nội): Tôi thường đọc lại lịch sử thi ca Việt

Dân tộc ta là dân tộc thơ. Ngay giọng nói đã có chất thơ. Ai trong đời chẳng từng thuộc thơ, thậm chí làm thơ. Thơ hành trình cùng lao động, dựng nước và giữ nước hàng ngìn năm nay, lịch sử hiện đại càng như vậy. Đó là niềm tự hào.

Nhà thơ Ngô Đức Hành

Không có gì thánh thiện bằng thơ. Dù cuộc sống, sự vận động buộc các nhà thơ phải tìm cho ra ngôn ngữ mới, khuynh hướng mới cho thơ… nhưng phải khẳng định rằng thơ luôn cần cho đời sống. Thơ tiếp tục vai trò của nó, làm giàu thêm, phong phú thêm bảo tàng tâm hồn người Việt. Thơ vẫn là “tôn giáo” không tên, tác động vào tâm hồn giúp con người sống nhân văn, xa xót thân phận và giữ gìn cái đẹp. Điều rất cần khi xã hội đang mất đi nhiều thang giá trị như hiện nay.

Trong ngày thơ, tôi thường đọc lại lịch sử thi ca Việt để tự hào thêm về thi ca Việt và xác định cho mình trách nhiệm với vị trí một nhà thơ. Và tất nhiên, nhớ các nhà thơ bạn bè bốn phương.

Nhà thơ An Thủy (Vũ Thanh Thủy ở Phú Thọ): Thơ tồn tại trong đời sống một cách bền vững

Phàm ai là con người cũng đều mang trong mình không nhiều thì ít chất thi ca. Tôi còn nhớ có một lần được ngồi tâm sự với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện về người bạn không hề yêu thích sách báo thơ văn. Bạn anh còn thấy lạ: “Tại sao ông lại làm được thơ và lại say mê thơ nhỉ?”. Nhà thơ ôn tồn đáp lại “Nếu có một ngày ông đi làm về nhìn thấy mẹ của mình đang bị ốm nằm nặng trên giường bỗng dưng khỏe mạnh đứng lên đi lại thì ông thấy thế nào?”. Người bạn trả lời: “Tất nhiên là tôi rất vui sướng!”. Nhà thơ lại nói “Nếu một ngày ông đi công tác xa lâu ngày về nhìn thấy những đứa con ngoan ngoãn đứng đón và ríu rít chạy lại ôm ông thì ông nghĩ thế nào?”. “Người bạn lại trả lời: “Ồ! thế thì còn gì hạnh phúc hơn”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vỗ đùi cười và kết luận “Chất thơ là ở đấy! Tất cả những cảm xúc làm rung động trái tim đều là cốt tủy của văn thơ. Chỉ khác là có người diễn tả được, người không diễn tả được. Chúng tôi những người làm công việc viết thì cũng là chắp bút hộ những người như ông thôi”. Người bạn ngộ ra và từ đó trở đi bạn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều rất hay ra hiệu sách mua sách về đọc. Tôi thấy tâm đắc với sự đúc kết rất thỏa lòng của anh.

Nhà thơ An Thủy

Quay trở lại ngày Rằm Nguyên tiêu hôm nay. Một ngày hội lớn đối những người yêu thơ và sáng tác thơ. Không may dịch Covid-19 ập đến, tất cả cuộc vui, tụ họp đều tạm gác lại, mọi người góp sức chung tay với nhà nước phòng chống dịch. Tôi cũng bâng lâng ít nhiều vì sự thiếu hụt. Tuy sân đình vắng giọng thơ ngân nhưng tình người vì nhau mà hi sinh niềm vui trông đợi cả năm trời. Đó chẳng là phải chất thơ thì còn là gì?

Vậy theo tôi giá trị thơ là ở chỗ mà chúng ta không nhìn thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy nhưng nó tồn tại trong đời sống một cách bền vững. Giá trị vô hình ấy đã làm cho chúng ta trở nên tốt đẹp hơn, hoàn thiện hơn và yêu cuộc sống hơn. Dẫu những người chắp bút định hình cho nó một dáng vẻ thì nó cũng chưa yên trong cái vỏ là những con chữ đứng hợp lý bên nhau đâu. Nó sẽ phiêu theo tâm trạng đấy ạ! Như tôi, Nguyên tiêu hôm nay đang ngồi đây nghĩ xem mình sẽ viết gì?

VANVN

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.