Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 1

Vanvn- Hôm nay, Rằm tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 là một ngày đặc biệt và khác thường. Đặc biệt bởi đây là Ngày Thơ Việt Nam dành để tôn vinh thơ và những người sáng tạo thi ca. Khác thường bởi đây là lần thứ hai liên tiếp Ngày Thơ không thể tổ chức bình thường vì đại dịch Covid-19. Thế nhưng các nhà thơ và bạn yêu thơ không lãng quên ngày đặc biệt của mình. Để biết các nhà thơ làm gì trong một ngày đặc biệt này ở khắp ba miền và họ nghĩ gì về giá trị của thơ trong đời sống hiện nay, Vanvn.vn mở kênh thông tin “cấp tốc” để một số nhà thơ tâm sự và đã nhận những phản hồi bất ngờ. Kỳ này xin mời bạn đọc theo dõi ý kiến của các nhà thơ: Trần Hùng, Đoàn Thị Ký, Nguyễn Vũ Tiềm, Trịnh Bửu Hoài, Nguyễn Ngọc Hạnh, Văn Công Hùng, Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Văn Mật, Phạm Phương Lan, Trần Ngọc Mỹ.

Nhà thơ Trần Hùng (Cao Bằng): Thơ giúp tôi hiểu thêm những trạng thái tâm hồn

Với nhiều người, thi ca chả là gì cả đối với họ. Nhưng với không ít người, thi ca là cuộc sống, là sự sống.

Với tôi, thi ca hình như không thuộc số đông (ai mắng tôi cũng xin về).

Nhiều người đến với thơ, nhiều người bỉ báng thơ. Cũng là chuyện bình thường.

Giá trị của thi ca với đời sống hôm nay? Câu hỏi không mới, không cũ. Rất nhiều người sợ bị tặng thơ, nghe thơ. Một số ít mua thơ, và mua đắt. Không thể nhìn vào hiện trạng đó để hạ thấp hoặc đề cao giá trị của thi ca. Thi ca và những gì liên quan đến nó thì muôn đời vẫn vậy. Thi ca như là nước, là không khí. Lúc gạn vũng đục để thỏa khát, lúc đạp dòng trong để rửa chân. Lúc hất bụi vào trời, lúc mua túi oxy để thở. Có người nói với tôi, thiếu thi ca, đời sống như vườn hồng vắng hương. Có người lại bảo, ồi, thơ với thẩn, ích gì…

Nhà thơ Trần Hùng

Thơ ai tôi cũng đọc, nếu có thời gian. Có thể thích hay không thích. Khi còn trẻ, đọc thơ người khác thi thoảng tôi cũng “tâm trạng” chút. Khoảng hai chục năm nay, đọc người khác thấy lòng thanh thản.

Thơ giúp tôi hiểu thêm những trạng thái tâm hồn. Và giống như vào đại ngàn, bằng cách nhận biết riêng, tôi nhận ra vàng tâm, hay sồi, hay gỗ tạp, dây leo, thậm chí tầm gửi… và tôi hiểu, mọi thảo mộc đều có quyền chầu thiên nhiên. Chả có rừng nào toàn vàng tâm, đại thụ. Chả rừng nào toàn dây leo, tầm gửi. Nhưng có rừng toàn gỗ tạp. Dĩ nhiên, muôn đời. Đó là thi ca mà tôi biết.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm (TPHCM): Thơ khơi dậy lên trong lòng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc

Có lẽ ít quốc gia nào trên thế giới có ngày truyền thống thơ như Việt Nam. Trong Ngày Thơ này mỗi người VN đều dậy lên trong lòng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong đó có thơ ca.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Riêng tôi, mấy năm qua, vừa chữa bệnh ngoại trú vừa hoàn thành hai cuốn tiểu thuyết về hai nhà thơ hiện đại VN. Một nhà thơ ở phía Bắc và một nhà thơ phía Nam. Nhà thơ phía Bắc hồi cuối thế kỷ XX cùng làm việc với tôi trong chuyên san Tài Hoa Trẻ thuộc báo Giáo dục & Thời đại tại Cơ quan thường trú ở TPHCM. Tiểu thuyết đã có giấy phép, gia đình nhà thơ đã vui vẻ đồng ý. Bạn bè và đồng nghiệp cũng vui mừng thấy nhà thơ này sắp trở thành nhân vật văn học. Nhưng rất tiếc, sau gia đình lại thay đổi ý kiến. Tôi đành gác lại không in nữa. Nhà thơ Hoàng Hưng góp ý kiến là thay đổi tên nhân vật chính và một số chi tiết cho khỏi rắc rối. Đành thế vậy.

Tiểu thuyết thứ hai có tên là Kỳ nhân Bùi Giáng nhân vật chính là nhà thơ Bùi Giáng, bối cảnh là Sài Gòn trước 1975. Bản thảo mới chuyển tới nhà xuất bản ba ngày trước. Tôi giới thiệu mấy dòng ở bìa 4 cuốn sách như sau:

“Trịnh Công Sơn và Bùi Giáng là hai thiên tài, một thiên tài tự huy (天才自輝) và một thiên tài tự hủy (天才自毀). Trịnh Công Sơn huy hoàng thì đã rõ, còn Bùi Giáng vì sao lại tự hủy? Cái gì đã tác động và hủy hoại sự nghiệp của ông?

Có người nói ông “điên-thế-sự”! Người nói ông giả điên. Ông chủ bút báo Rạng Đông nói: “Bùi Giáng không điên đâu, những người đáng gọi là điên nhất, có lẽ là tất cả chúng ta”!”

Hy vọng hai cuốn tiểu thuyết về hai nhà thơ hiện đại VN sẽ được ra mắt trong thời gian tới.

Nhà thơ Đoàn Thị Ký (Hà Nội): Thơ nói gì trước hiện trạng đau xót đang diễn ra không riêng ở dòng Lô?

Trong Ngày Thơ VN, nhận câu hỏi từ Ban Biên tập trang Vanvn.vn là lúc tôi đang về quê mình ở làng Tằm, thuộc thành phố Tuyên Quang, nghĩ là sẽ tĩnh tâm để suy tư trả lời cho thấu đáo. Thế nhưng thật bất ngờ khúc sông Lô chảy trước nhà tôi đang sôi sùng sục vì máy hút cát, vì tiếng máy xúc đào đắp, san ủi mở con đường vành đai, khiến cánh đồng bãi bồi xa xưa có tên Bãi Dâu đang mất dẫn “bờ xôi bãi mật”… vì một tầm nhìn thế kỷ. Nhãn tiền “bờ xôi bãi mật” mất do bàn tay thô bạo của con người, nào ai biết ngày một ngày hai, với sự nổi giận của bà Thủy liệu con đường tiêu tốn hàng trăm tỷ tiền thuế của dân có còn? (Hiện đã có nơi sóng nước ngoạm bờ chỉ còn cách con đường chưa đầy đôi trăm mét).

Nhà thơ Đoàn Thị Ký (ngoài cùng bên trái)

Thơ nói gì bây giờ trước hiện trạng đau xót đang diễn ra không riêng ở dòng Lô? Phản kháng cái sai cái ác có phải chức năng của thơ? Tôi đã mạo muội dấn thân, trả lời bằng đôi câu văn vần, mong được đồng cảm, chia sẻ để thầm nuôi hy vọng chặn ngay bàn tay thô bạo, giữ lại bãi bờ đã từng mươn mướt dâu tơ. Bài thơ có đầu đề Chuyện cỏn con:

Trên bãi sông máy ủi làm đường

Dưới lòng sông con tàu hút cát

Sông Lô cứ hồn nhiên mải miết

Thúc lở bãi bờ như vỗ tay!

Cầu Tình Húc sáng đẹp trời mây

Đảo Hoa – Làng Tằm tươi mực đỏ

“Bãi bể nương dâu” tuồng tích cũ

Mới lại lần này

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (An Giang): Thơ giúp nghĩ ra những dự kiến cho tương lai

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài

Đất nước ta là đất nước thi ca. Thơ có trước các bộ môn văn học nghệ thuật khác, nên Ngày Thơ VN là ngày rất ý nghĩa và tự hào đối với những người làm thơ. Hàng ngàn năm qua thơ đã góp phần phát triển và bảo vệ đất nước. Từ thay đổi xã hội về hướng chân thiện mỹ cho đến đời sống tinh thần của mọi người được phong phú và thú vị hơn, cũng như mang lại sức mạnh chiến đấu, lòng quật cường để gìn giữ giang sơn và truyền thống dân tộc.

Hôm nay tôi tình cờ giở ra chồng thơ cũ hồi nửa thế kỷ trước, lòng bồi hồi nhớ lại thuở ban đầu làm thơ, nó giúp tôi nghĩ ra những dự kiến cho tương lai.

Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương): Thơ giúp con người bộc lộ cảm xúc và hướng về cái đẹp

Trong những năm gần đây, dường như số lượng những người làm thơ đang ít dần và độ tuổi trung bình thì tăng lên. Có thể nhiều người cho rằng bạn đọc ngày nay không còn thiết tha với thơ nhiều nữa. Nhưng dạo một vòng qua một số diễn đàn, mạng xã hội, tôi nhận thấy những bài thơ được đưa lên vẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của không ít thanh niên. Nhiều bạn trẻ vào hỏi nhau cách làm thơ, rủ nhau đối đáp thơ trên mạng, chẳng khác nào những hội Lim online. Gần đây, có các chương trình truyền hình về nhạc rap thu hút đông đảo người dân theo dõi. Các thanh thiếu niên mê rap bàn luận hăng say về cách viết ca từ bài hát, cách gieo vần đơn, vần đôi… thực chất cũng là những nguyên lý của thơ.

Nhà thơ Nguyễn Thị Việt Nga

Tôi nghĩ rằng lòng yêu mến cũng như nhu cầu đối với thơ vẫn luôn tồn tại, bởi nó là thể hiện một loại nhu cầu rất cơ bản của con người: nhu cầu bộc lộ cảm xúc và hướng về cái đẹp. Chẳng qua ở mỗi thời đại, nó có thể xuất hiện dưới những hình thức, thông qua các phương tiện khác nhau. Tôi không mấy bi quan về lòng yêu thơ cũng như khả năng sáng tác của những thế hệ trẻ sau này mà ngược lại, trong những ngày bị hạn chế tiếp xúc, tụ tập đông người vì dịch bệnh, những bài thơ giàu cảm xúc vẫn được lan truyền trên mạng internet, không khí chuẩn bị cho Ngày Thơ Việt Nam trên không gian mạng vẫn ấm áp, tưng bừng. Mỗi người  làm thơ nên thấm hiểu tinh thần ấy để không ngừng miệt mài, không khi nào nản chí trên hành trình kiến tạo cái Đẹp từ con chữ của mình.

Hôm nay là một ngày đặc biệt của thi ca. Bởi thế nên việc đầu tiên trong ngày của tôi là đọc thơ. Vì sáng ra, tôi đã thấy trên facebook, trên zalo của các bạn mình (đa phần là bạn văn, bạn thơ) tràn ngập thơ ca. Trong bối cảnh dịch bệnh covid đang hoành hoành, tôi bồi hồi nhớ lại những Ngày Thơ Việt Nam nhiều năm trước. Năm thì chúng tôi tham gia cùng Hội Nhà văn ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, năm lại vào tận Phú Yên dự Đêm Thơ Nguyên Tiêu dưới chân tháp Nhạn! Những kỷ niệm vui và đáng nhớ! Chắc chắn khi dịch bệnh được đẩy lùi, tôi và bè bạn sẽ còn nhiều kỷ niệm đẹp với Ngày Thơ Việt Nam.

Nhà thơ Văn Công Hùng (Gia Lai): Người ta không thể vừa yêu thơ vừa làm điều ác

Không có ngày này thì tôi vẫn là nhà thơ, và vẫn làm thơ, nhưng có ngày này thì thơ nó có vẻ rộn rã hơn, sự lan tỏa nó rộng hơn, nhiều người quan tâm đến thơ hơn. Tôi cho rằng, thơ luôn luôn có ích. Chả thế mà hàng vạn năm nay thơ luôn song hành cùng cuộc sống con người. Người ta không thể vừa yêu thơ vừa làm điều ác.

Nhà thơ Hữu Thỉnh có lần nói đại ý, thêm một người yêu văn chương sẽ bớt đi một góc nhà tù, thêm một cuốn sách đời sẽ có thêm một hành vi đẹp. Đời sống càng căng thẳng, càng quyết liệt, càng tấp nập xô bồ thì càng cần thơ để nó làm dịu lại, làm mát thêm sự căng thẳng ngột ngạt ấy. Tôi hình dung thơ như cái chiếu nghỉ của con người. Leo mệt quá, họ dừng lại nghỉ. Tôi cũng thích câu nói của người làng Chùa, quê nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Thơ không làm ra hạt lúa củ khoai nhưng thơ làm ra những giấc mơ giản dị.

Nhà thơ Văn Công Hùng

Trên hết, thơ khuyến khích sự tử tế, làm thăng hoa cái đẹp, làm con người sống có ích hơn, thư thái hơn, cân bằng hơn, nó níu con người ớ lại phía trong trẻo nhất, bình an nhất, dù… rất khó.

Sáng sớm hôm nay tôi đưa cháu ngoại đi ăn sáng. Đấy là cô bé 6 tuổi và có giọng đọc thơ rất hay. Rồi về… trả lời phỏng vấn 2 tờ báo về thơ. Rồi chuẩn bị đón cái cuộc trao giải cuộc thi thơ của quán Chiêu Văn phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tổ chức vào lúc 15h chiều nay. Nhẽ ra là trao trực tiếp nhưng vì covid nên đành trao giải online. Đây là cuộc thi rất thú vị, tôi tham gia với tư cách… trưởng ban giám khảo.

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ (Hải Phòng): Ngọn lửa thơ ca giúp chúng ta có năng lượng tích cực

Hiện thực của đời sống vô cùng phong phú, sinh động, có niềm vui – nỗi buồn, khổ đau – hạnh phúc, giàu sang – nghèo hèn, bình an- bất trắc, người tốt – người xấu… Văn chương nói chung, hay thơ ca ca nói riêng, trước hết phải phản ánh được hiện thực cuộc sống phong phú đó.

Nhà thơ trẻ Trần Ngọc Mỹ

Thế giới đang bị cuốn vào guồng quay công nghệ, máy móc chi phối đời sống con người, khủng hoảng kinh tế đe dọa, dịch bệnh diễn biến phức tạp… con người bị đẩy vào những khoảng tối, thơ ca xuất hiện mang lại sức mạnh vô cùng. Ngọn lửa thơ ca giúp chúng ta có năng lượng tích cực, là liều thuốc tinh thần cần thiết để giúp con người cân bằng tâm trí. Vì thơ quan trọng như thế, để thơ phản ánh được hiện thực cuộc sống, thời cuộc thì nhà thơ phải cho thấy sự sẵn sàng nhập cuộc của mình, nhà thơ muốn hướng tới tác phẩm có giá trị với con người thì tác phẩm của họ không thể đứng ngoài biến cố thời cuộc và phải xâm nhập vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội. Chỉ có sự đam mê, hi sinh, cháy hết mình với ý thức, trách nhiệm khi cầm bút và tài năng thực sự, nhà thơ mới hoàn thành sứ mệnh của mình.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh (Đà Nẵng): Phải làm mới, làm khác

Chẳng đợi gì đến hôm nay mới có ngày thơ, xa xưa ông bà ta vẫn có ngày lễ hội thơ ca rồi. Những nét văn hóa truyền thống đó đã tồn tại lâu đời trong các hội làng, các nghệ nhân đã từng đọc thơ, hò vè đối đáp, bình thơ trong những dịp xuân về… Theo tôi, Ngày Thơ đúng nghĩa vẫn là một ngày đáng trân trọng, hết sức cần thiết, vì Việt Nam ta là đất nước của thơ ca. Trong tâm hồn mỗi con người, mỗi vùng đất đều phảng phất hơi thở hồn vía của những làn điệu dân ca, đó là nơi trú ngụ của thi ca trong đời sống tinh thần của từng con người, từng làng quê Việt.

Gần 20 năm qua, Ngày Thơ VN ngày càng tẻ nhạt, kém chất lượng. Nguyên nhân do đâu nhiều người cũng đã biết, nhưng chẳng ai điều chỉnh kịp thời, cứ để nó trôi đi như gió thoảng. Ngày thơ đâu nhất thiết phải tổ chức ở Thủ đô Hà Nội. Đó là chưa nói nhiều năm liền, vì những lợi ích, bè nhóm chọn lựa các tác giả, tác phẩm xuất hiện chưa tiêu biểu, chuẩn mực, làm mất đi sức hấp dẫn và lòng tin cậy ở công chúng, những người yêu thơ. Còn ở các địa phương hầu như tổ chức ngày thơ như một bản sao chép từ năm này sang năm khác, hình thức nghèo nàn, lại thêm cả nước cùng một chủ đề nhàm chán, tẻ nhạt. Thơ ca là sáng tạo, tại sao mỗi địa phương không nghĩ riêng chủ đề cho mình mà cả nước chỉ là một? Đó là chưa nói đến việc chọn lựa tác giả, tác phẩm tùy hứng, thiếu kịch bản, chẳng mấy ai nghĩ đến công chúng yêu thơ đang đòi hỏi gì về chất lượng thơ ca hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh

Cũng không nên tổ chức Ngày Thơ từ trung ương đến các xã phường. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho Ngày Thơ ngày càng thấp kém, rẻ rúng. Giữa yếu tố chuyên nghiệp và phong trào đánh đồng nhau, cá mè một lứa, tạo ra cho công chúng hiểu nhầm về thơ ca như một cái chợ, đủ loại hàng, lại thêm hàng thật hàng giả trà trộn nhau bát nháo. Chính điều này đã làm hạ thấp thơ ca mà đáng lẽ ra ngày này chúng ta tôn vinh thơ mới phải.

Theo tôi, rất khó để có một ngày thơ tổ chức mang tính chuyên nghiệp với kiểu phong trào như hiện nay. Hội Nhà văn VN cần phải thay đổi, làm cho ngày hội thơ mới mẻ hơn. Không nhất thiết phải tập trung về Văn Miếu Quốc Tử Giám mà cần có sức lan tỏa ở các trọng điểm lớn trong cả nước. Chẳng hạn, khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên sẽ là các tụ điểm của vùng miền được các Hội LHVHNT từng khu vực bàn bạc phối hợp thực hiện, tổ chức quy mô bài bản, phối hợp với báo chí truyền hình để truyền thông rộng rãi đến với công chúng yêu thơ và nhân dân cả nước. Còn các địa phương nhỏ lẻ cần xã hội hóa, phối hợp với các trường đại học, trung học để đưa thơ ca đến với sinh viên, học sinh. Đặc biệt mỗi khu vực mỗi năm nên thành lập Ban tuyển chọn phối hợp với các Nxb để in những tuyển thơ, giới thiệu những bài thơ hay trong năm của các nhà thơ trong khu vực, địa phương mình. Đó mới là chất lượng, chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà thơ.

Điều cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh, các Hội VHNT cần quan tâm, đó là yếu tố con người. Sinh ra cho lắm ban bệ, họp hội nhiều lần mà chẳng mấy ai có ý tưởng và tâm huyết để thực hiện. Chỉ chú trọng theo các “chỉ đạo”, rập khuôn máy móc, không đủ sức, đủ tài để sáng tạo, đổi mới thì chắc chắn chất lượng Ngày Thơ VN sẽ khó mà thoát ra thực trạng kém cỏi hiện nay.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật (Hà Nội): Những giá trị thơ ca đích thực đã làm nên nét đẹp văn hóa

Ngày thơ sinh ra là để tôn vinh những giá trị thơ ca đích thực, những tình yêu thơ ca đích thực. Thế nên những giá trị thơ ca đích thực đã làm nên nét đẹp văn hóa, nét đẹp tâm hồn vô cùng quan trọng đối với đời sống của mỗi chúng ta. Và chúng ta cũng biết rằng giá trị của thơ ca đã được thể hiện trong suốt hàng ngàn năm qua của dân tộc ta, thông qua những bài thơ có tính hiệu triệu cổ vũ, động viên tinh thần của nhân dân đứng lên chống giặc ngoại xâm, thông qua những bài thơ nói về tình yêu người, yêu đời, yêu cuộc sống… Điều đó chính là tiếng nói của giá trị thi ca. Tiếng nói ấy không thể thiếu và sẽ tồn tại mãi mãi trong lòng các nhà thơ cũng như những người yêu thơ.

Nhà thơ Đoàn Văn Mật

Với Ngày Thơ VN hôm nay, tôi đã cùng các nhà thơ, tham gia một chương trình thơ trực tuyến trên mạng xã hội do nhà thơ Hữu Việt, cùng nhiều nhà thơ tại Hà Nội tổ chức, hay tham gia chương trình trao giải cuộc thi thơ online do Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên, phối hợp với Quán Chiêu Văn tổ chức… Đây là một chương trình hay và thật nhiều ý nghĩa đối với những người làm thơ cũng như công chúng yêu thơ trong ngày thơ Việt Nam này…

Nhà thơ Phạm Phương Lan (TPHCM): Làm sao để xốc lại cảm xúc cho các nhà thơ?

Ngày Thơ VN luôn là ngày đặc biệt đối với chúng tôi – những người thơ. Và nó càng đặc biệt hơn, bởi đây là lần thứ hai liên tiếp (2020, 2021) do dịch Covid-19 mà Ngày Thơ VN không được tổ chức như mọi năm. Tôi thật sự có chút chùng cảm xúc. Nhưng nó lại làm tôi có thêm những suy tư, làm sao để Ngày Thơ không bị tạm dừng các hoạt động kỷ niệm? Làm sao để xốc lại cảm xúc cho các nhà thơ? Để họ vẫn được sống trong sự hứng khởi và không khí tưng bừng lễ hội thơ?

Nhà thơ Phạm Phương Lan

Từ những trăn trở đó, tôi và nhóm bạn thơ đã quyết định tổ chức Đêm thơ Nguyên tiêu online.

Ngày hôm nay, tôi tạm gác lại công việc thường nhật, dành thời gian làm các công tác chuẩn bị như: Phương tiện kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, trang trí, hoa tươi, trà, bánh; đôn đốc các bạn chuẩn bị trang phục đẹp để tối livetream cho bắt mắt. Và điều quan trọng nhất là các bạn đều chuẩn bị cho mình những bài thơ yêu thích để trình diễn trên sóng đêm nay.

Không chỉ livestreams, chúng tôi còn thu âm và quay phim chương trình để dựng clip, up YouTube sau.

Tôi biết giữa thời đại kim tiền, nói về thơ nhiều sẽ không ít người cười diễu. Nhưng với tôi, thơ không chỉ là đời sống tinh thần, là cống hiến tác phẩm cho đời, mà nó còn là một tôn giáo đặc biệt trong tim.

VANVN

(Còn tiếp)

>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 2

>> Đâu là giá trị của thơ trong đời sống? – Kỳ 3

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *