Vanvn- Tôi thích sống ở quê nhưng cũng rất sợ ở quê mãi mãi. Hầu như trước khi đưa ra quyết định nào đó về công việc, có gắn với sự cam kết lâu dài tôi luôn phải chật vật khổ sở để đưa ra lựa chọn. Tôi nằm vật vưỡng trên gác xép nóng hừng hực “Trời ơi, như tận thế đến nơi. Ước gì có ai lựa chọn giúp mình.” Tôi sợ điều mình chọn sẽ giữ tôi ở đó mãi, sợ bị chôn chân một chỗ.
“Em về làm quản lý cho trung tâm anh đi, anh cần cán bộ nồng cốt. Anh sẽ gửi em đi học rồi làm lâu dài cho anh luôn.” Anh dẫn tôi đi dọc cầu thang, nhẹ tay mở những cánh cửa nhỏ nhiều màu sắc – một trung tâm dạy kỹ năng mềm cho các bé mầm non và tiểu học.

Một cô giáo trẻ bước ra, mặc chiếc váy đen dài đến quá gối, sơ vin áo thun đỏ in logo lớn trên ngực trái, tóc cột nửa, cô chắc chỉ lớn hơn tôi 1, 2 tuổi. Cô khẽ chào tôi với nụ cười nhẹ. Bước ngược vào trong.
Tôi lôi trong ví ra chiếc đồng xu bạc to bằng ba ngón tay, tôi nhớ lời anh B nói.
“Em thử mặc định mỗi lựa chọn là một mặt, khoảnh khắc em tung đồng xu lên em sẽ biết được câu trả lời.”
“Anh vừa nói xong là em biết em chọn cái gì luôn rồi. Cảm ơn bro.”
Tôi từ chối công việc đó bằng cuộc gọi 15 giây.
Vừa tốt nghiệp, tôi phòng xe lên Sài Gòn rải hơn 20 chiếc hồ sơ xin việc. Tất cả đều là trường tư, trường quốc tế. Tôi không muốn dạy trường công, không muốn làm những công việc mất thời gian mà không mang lại nhiều giá trị cho học sinh, những không việc bắt buộc phải làm nhưng làm cho có, không ai đọc lại sau khi hoàn thành và cũng không có lợi ích thực sự nào.
Sau 3 tháng, tôi đậu vòng phỏng vấn trong số 20 người cùng phỏng vấn cùng, 5/20. Đó là trường của “con nhà giàu” ở quận 11. Tôi tự hào vì mình đã có việc và không cần phải về quê. Lúc đó, tôi tin rằng một khi đã về quê tôi sẽ không có cơ hội được đi nữa.
Sài Gòn không hoa lệ, tự do, giúp mình phát triển như tôi tưởng. Lúc đó, Sài Gòn chỉ là chiếc ghế đá trước sân nhà dì, nó hứng những giọt nước mắt đêm của tôi. Sài Gòn cho tôi cảm giác, khi xe hỏng, mặc chiếc váy ôm sát, dắt bộ khi trời mưa ngập mắt cá chân, người người ngoái đầu nhìn, không ai dừng lại.
Sài Gòn là những tiếng hét lớn “Tại sao trường không cho con tôi dùng điện thoại, tan học hơn 1 tiếng rồi mà nó chưa về nhà. Con tôi ở đâu?”
Tôi phóng xe trên đường khi trời đã nhá nhem tối để tìm thằng bé học lớp 10 viết chữ đẹp nhất lớp.
“Cô ơi, răng em bị sâu cái này, nó có lây qua cái bên cạnh không cô?” Nó hay cười với tôi mỗi khi hai cô trò vô tình nhìn nhau.
Tôi chạy như thể biết nó đang ở đâu. Tôi thấy mình như là kẻ giết người không cần súng.
“Mình có phải đi tù không?”
“Thằng bé có bị ai đó bắt không?”
“Mẹ nó sẽ không tha cho mình. Sự nghiệp của mình kết thúc sao?”
Tôi dừng xe cạnh thân cây cổ thụ lớn, cao đến mức phải ngước thẳng cổ mới thấy tán lá bên trên. Tôi mở tung cặp, tìm địa chỉ nhà nó đang ở.
Tôi đừng bên kia đường, nhìn chiếc cửa sắt đóng kín. Điện thoại reo.
“Cô ơi, cô ơi, em về nhà rồi, nãy em ngủ quên trên xe bus nên họ chở em xuống tuốt dưới bến xe luôn.”
Tôi khóc thành tiếng.
Tiếng cửa sắt kéo nhanh, chị nó đứng dừng lại để nó chạy qua đường. Hai tay nó nắm chặt chiếc gương chiếu hậu tróc lớp cao su của tôi. Nó nắm chặt.
“Cô ơi, em xin lỗi, cô đừng khóc cô ơi. Nãy mẹ em la cô nhiều lắm phải không, em xin lỗi cô ơi. Cô ơi, em xin lỗi”. Chân nó nhún nhún như có con kiến nào đó chạy rần rần khắp người.
Nó nói nhiều, từng lời thốt lên rõ mồn một, đi xuyên qua tôi, chúng mắc lại ở đó mãi mãi.
Tôi gạt nước mắt như người có vung cây đũa thần làm phép. “Không sao, lần sau đừng ngủ quên nữa nha. Cô về đây.”
Sài Gòn nhòe đến không thấy đường chạy.
“Tôi ở đây để làm gì?”
Câu hỏi đó theo tôi suốt những ngày còn là cô giáo.
TRẦN PHAN ĐINH LĂNG