Vanvn- Là cư dân của đất “nghìn năm văn hiến” – nơi hội tụ, tích hợp các “luồng” văn hóa, nên người Hà Nội có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc tinh hoa để tạo nên nét đẹp riêng có từ phẩm cách đến tâm hồn… “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. “Người Hà Nội”, “chất” Hà Nội, “thanh lịch Tràng An” là những danh xưng – hình mẫu tự hào. Thế nhưng, làm thế nào để phát huy phẩm chất riêng có ấy trong đời sống đương đại luôn là một câu hỏi đau đáu…

“Thanh lịch Tràng An” – hình mẫu người Hà Nội
Nhiều năm trước, tôi có duyên làm việc bên cạnh nhà văn, nhà báo Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến… và thi thoảng được học chuyện nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân… Mỗi người nhìn Hà Nội qua một lăng kính, nhưng đều ăm ắp tình yêu với Kẻ Chợ – Kinh kỳ. Và, trong những câu chuyện về người “hàng phố”, qua nhiều “lát cắt” nhuộm màu thời gian, tôi hiểu được phần nào về “thanh lịch Tràng An”. Tuy nhiên, không một định nghĩa nào có thể “lột tả” hết khái niệm này và dường như mọi định lượng đều ở xa cảm nhận.
Cắt nghĩa về “thanh lịch Tràng An”, nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc cho rằng: “Thanh có thể là thanh tú, thanh nhã, thanh cảnh, thanh cao…; lịch là lịch thiệp, lịch duyệt, lịch lãm và lịch sự. Thanh lịch chính là chỉ nếp sống, lối sống có văn hóa…”.
Trong cuốn sách “Hà Nội thanh lịch”, nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy viết: “Người Tràng An rõ ràng là người cần cù, cứng rắn, vẻ thanh lịch, đôi lúc hào hoa, yêu văn, yêu hoa, sành mỹ thuật, ăn mặc đơn sơ và trang nhã, nói lời văn vẻ dễ nghe, dễ hòa hợp với bà con phường, xóm, hay động lòng vì việc nghĩa, tình người, ghét cay ghét đắng những chuyện tục tằn kệch cỡm, hoạnh họe, lố lăng, đê tiện. Người Tràng An ở với nhau, “biết nhịn”, “biết nể”, “biết ngượng”, “suy bụng ta ra bụng người…”.
Một lối sống đẹp hình thành từ sự ngưng tụ văn hóa, qua thời gian ăn sâu vào máu thịt, trở thành nét riêng có của người Hà Nội. Đó cũng là hình mẫu “thanh lịch Tràng An” trong tâm thức những người yêu Hà Nội. Song, hơn hết là mỗi người đều có thể cảm nhận sự thanh lịch đậm chất Kinh kỳ – Kẻ Chợ ấy theo cách riêng, trong mỗi con ngõ, nếp nhà… và đôi khi chỉ là một dáng áo dài thong dong trên phố, một nụ cười sau khung kính cửa hàng… Đó chính là linh hồn của cái đẹp, cái duyên mang tên Hà Nội!
Tuy nhiên, cùng với những biến thiên lịch sử, những cuộc đổi dời, cái thanh lịch hào hoa một thuở đã trôi dần vào hoài niệm. Trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” – sáng tác năm 1990, nhà văn Nguyễn Khải ngậm ngùi: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất Kinh kỳ chói sáng những ánh vàng…”.
Là Kinh đô – Thủ đô, Thăng Long – Hà Nội là đầu cầu tiếp nhận, dẫn nhập các trào lưu văn hóa thế giới, nên văn hóa Hà Nội, văn hóa người Hà Nội có tính mở. Biên độ “mở cửa” càng lớn, sự va đập văn hóa càng mạnh. Trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, những hành vi phản văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều và “bún mắng, cháo chửi” chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện về sự phôi phai của những “ánh vàng” mang tên “thanh lịch Tràng An” trong đời sống đương đại.
Trong câu chuyện này, cũng phải kể thêm, một người họ hàng sau nhiều năm sống ở nước ngoài trở về Hà Nội nói với tôi: Phố không khác nhiều, nhưng hồn cốt Hà Nội thì không còn bao nhiêu nữa. Nhiều câu hỏi đặt ra: “Chất” Hà Nội đang bị pha loãng? Người Hà Nội có còn hào hoa, thanh lịch?… Người yêu Hà Nội vật vã tiếc nuối một thời chưa xa khi “thanh lịch Tràng An” thấm đậm trong đời sống phố phường. Nhưng với tôi, thành phố “nghìn năm văn hiến” vẫn cần mẫn với sứ mệnh của mình, hội tụ – kết tinh – lan tỏa tinh hoa dân tộc và nhân loại để bồi đắp những giá trị mới cho văn hóa Hà Nội, văn hóa người Hà Nội.
Không là “của để dành” trong dòng chảy đương đại
Trong tiến trình hội nhập và đô thị hóa, hồn cốt phố phường mờ phai trong vòng xoáy thị trường và mặt trái của văn hóa thị dân tràn vào các miền quê ngoại thành là một thực tế… Lo lắng về sức đề kháng của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, văn hóa Xứ Đoài trước những cơn “gió độc” của văn hóa ngoại lai là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, “chất” Hà Nội vẫn là một mạch ngầm chảy qua mọi không gian, thời gian. Minh chứng rõ nhất là trong những ngày cam go nhất của cuộc chiến với đại dịch Covid-19, bản lĩnh người Hà Nội đã tỏa sáng. Sau “cơn sóng” thứ nhất, đến thứ hai, thứ ba, thứ tư, có ngày F0, F1 “nhảy số” liên tục; nhiều khu nhà chung cư bị phong tỏa; người dân một con phố phải đi cách ly tập trung…, nhưng không có sự hoảng hốt, lo sợ, hoặc thái độ bất chấp với cộng đồng. Trong lòng thành phố chan chứa tình yêu thương, chia sẻ và tinh thần trách nhiệm… Người Hà Nội điềm tĩnh, tự tin bước qua thử thách. Có lẽ cũng vì thế mà thành phố “văn hiến ngàn đời” đã được nhiều tổ chức du lịch chọn là “điểm đến” giữa những cơn sóng mới của đại dịch toàn cầu.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long – người có thời gian dài gắn bó với ngành Văn hóa Thủ đô, “cái làm cho Hà Nội đẹp và cường tráng hơn trong mắt bạn bè chính là ở chiều sâu văn hóa, ở vóc dáng của một thành phố văn minh, yên bình và thân thiện”. Tôi hiểu chiều sâu văn hóa ấy chính là cốt cách con người, là nét thanh lịch riêng có của người Hà Nội. Và như vậy, “thanh lịch Tràng An” không chỉ là một hình mẫu quá vãng để tự hào hay một thứ “của để dành” cất trong tủ kính mà phải trở thành nguồn lực phát triển của thành phố thời kỳ hội nhập.
Phát huy nét “thanh lịch Tràng An” trong đời sống đương đại chính là tạo dựng văn hóa đô thị, lối sống đô thị trên nền tảng tích tụ văn hóa truyền thống và kết tinh giá trị thời đại. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trong lĩnh vực thiết kế, một “điểm đến” hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới… và hướng tới sẽ là “Kinh đô sáng tạo” của khu vực Đông Nam Á… Như vậy, tinh thần Thăng Long, “chất” Hà Nội phải được định hình như một giá trị cốt lõi và “thanh lịch Tràng An” phải trở thành thương hiệu có sức cạnh tranh của Hà Nội trong dòng chảy thời đại.
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, nhưng trước hết cần khẳng định rằng, để có trong mỗi người một tâm thức Hà Nội là điều không đơn giản. Bởi lẽ những thanh lịch, hào hoa, tinh tế, trí tuệ… phải là phẩm chất con người toát ra từ cung cách ứng xử một cách tự nhiên trong đời sống thường nhật.
Nền nếp gia phong, môi trường văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hình thành nhân cách. Người trẻ lớn lên phải được giáo dục về tình thương, lòng trắc ẩn để sống hướng thiện, biết bao dung; phải được tiếp thu một nền phong học dồi dào để phát triển trí tuệ, năng lực sáng tạo; phải được trao truyền tình yêu nghệ thuật để có tâm hồn lãng mạn, hào hoa… Giáo dục phải được xem là yếu tố hàng đầu để tạo nên “thanh lịch Tràng An – “chất” người Hà Nội.
Hà Nội là Thủ đô “nghìn năm văn hiến”, với nhận thức, văn hóa là nguồn lực, là mục tiêu phát triển, thì “chất” Hà Nội phải được khai thác một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, cùng với việc đưa các quy tắc ứng xử vào đời sống nhằm căn chỉnh hành vi, thành phố cần có giải pháp khôi phục những nét đẹp đã trở thành bản sắc và hình thành hệ giá trị văn hóa mới của người Hà Nội, phù hợp với xu thế thời đại.
Khi “thanh lịch Tràng An” xuất phát từ nhu cầu tự thân trong mỗi con người, từ cảm hứng trước cái đẹp mới có thể trở thành thương hiệu, phong cách, động lực cho sự phát triển của Thủ đô…
MIÊN HẠO
Báo Hà Nội Mới