Đào tạo viết văn: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Vanvn- Ngày nay, câu chuyện sinh viên ra trường không có việc làm, sinh viên bị lừa đảo khi đi xin việc, sinh viên làm trái ngành nghề… không còn là chuyện ngạc nhiên hay hiếm hoi, chúng ta vẫn thường nghe đến, bắt gặp nhan nhản ở hầu hết các trường đại học như một “vấn nạn” thường trực.

Nằm trong quy luật đó, có một chuyên ngành đặc thù khiến nhiều người quan tâm là ngành viết văn với số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm không nhiều, nhưng câu chuyện… thất nghiệp của họ thì đúng là những câu chuyện… cười ra nước mắt!

Các thế hệ nhà văn dự kỷ niệm 35 năm Trường Viết văn Nguyễn Du – Khoa Viết văn, Báo chí Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nơi nuôi dưỡng những ảo mộng văn chương hay chỉ là để cần một tấm bằng Đại học?

Thời còn là đỉnh cao, nơi nuôi dưỡng những tài năng văn chương của nước nhà, nhiều người khi nhìn vào Trường Viết văn Nguyễn Du, là như đang được chiêm ngưỡng một “thiên đường” mà ở đó có rất nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng, là tác giả của rất nhiều áng văn chương trác tuyệt trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX như Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa…

Xã hội phát triển, cùng với sự đổi thay ồ ạt của nhiều sự kiện xã hội, ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du cũng có nhiều sự thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Thay vì lớp bồi dưỡng 3 năm (chỉ tuyển sinh cán bộ đã có tác phẩm đi học), chuyển sang hệ Đại học chính quy (thành Khoa Viết văn của Trường Đại học Văn hóa) tuyển sinh cả học sinh phổ thông, thì đến nay, khoa đổi thành tên “Viết văn – báo chí” chỉ chủ yếu tuyển sinh học sinh phổ thông.

Theo PGS.TS Văn Giá thì hiện nay khoa tuyển sinh hằng năm chuyên ngành viết báo còn viết văn thì đặc thù 3 năm tuyển một lần…

Phạm Thanh Thúy, 35 tuổi, sinh viên K12 (tốt nghiệp năm 2013) Khoa Viết văn Trường đại học Văn hóa Hà Nội là người sáng tác nhiều truyện ngắn được in trên nhiều tờ báo nổi tiếng ngay khi còn là sinh viên. Nhiều người biết đến chị. Những tưởng con đường công danh sự nghiệp của chị sẽ hanh thông, ra trường chị sẽ có một nơi nào đó nhận về để ổn định cuộc sống và sẽ tiếp tục cống hiến nhiều tác phẩm văn chương. Tuy nhiên, mọi thứ không như chị mong muốn.

Ra trường, với nhiều lý do khác nhau, không một nơi nào từng in truyện cho chị hoặc có những người thân quen… nhận chị vào làm việc. Thúy đành trở về quê, làm tiếp công việc mà trước đây chị từng làm là thợ may quần áo, gác lại giấc mộng văn chương ở phố thị ồn ào với đủ đầy những cám dỗ.

Gặp Thúy, chị chia sẻ thật lòng: “Tôi đã theo học với lý do đơn giản nhất, không hề nghĩ rằng sau khi học xong mình sẽ làm gì, mình có trở thành một nhà văn hay không. Tôi đi học vì nghĩ mình còn có thời gian học thì nên học, và tôi chắc chắn 4 năm học ở trường ấy tôi sẽ “được” nhiều và điều tôi “mất” lúc đó chỉ là công việc cũ ở địa phương”.

Nhưng khi đã được học, và khi cầm bút, lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu cái tư tưởng: “Mình là người viết được đào tạo chuyên nghiệp” thì điều gì sẽ xảy ra? Tôi còn nhớ lời thầy tôi, khi đó chỉ nói vui với sinh viên, rằng: “Truyện của tôi không hay, nhưng tôi kéo lại được nhờ kỹ thuật”.

Khi đó chúng tôi đã cười rất hồn nhiên vì câu nói đùa của thầy, nhưng ngẫm lại, thầy nói rất đúng. Ít nhất đúng ở khía cạnh là: Nỗi khổ của những người biết quá nhiều. Đọc nhiều khiến bạn biết rộng, khiến bạn tránh được những án oan đạo văn (có thể) và nhiều cái lợi khác. Nhưng điều đáng chán nhất là không còn viết được những trang văn giàu cảm xúc. Nhìn đâu cũng thấy công thức, kỹ thuật…

Nhưng như tôi nói ban đầu, tôi không ra phố học để trở thành nhà văn. Tôi không đi học chỉ vì tấm bằng, vì thế, thời gian học ở trường cũng có những lúc tôi chán nản và khi đó, chỉ cần một cú hích là tôi có thể bỏ học. Vì tôi  hiểu như mọi người nói, viết văn không phải là một nghề kiếm sống suốt đời. Nếu viết văn để in báo và nhận nhuận bút, thì văn chương được tính công rất rẻ, rẻ đến nỗi khi viết xong một truyện ngắn, gửi đi, đăng báo rồi nhận nhuận bút, tôi vẫn sững sờ, công viết truyện của tôi không bằng công đi phụ hồ…”.

Cũng như Thúy, C.D. (sinh viên viết văn K13 vừa tốt nghiệp ra trường) có cảm giác tương tự, chị chia sẻ rằng, chị cũng như một phần không ít những sinh viên khóa chị và các khóa trước đó, vào học trường viết văn như là một “cứu cánh” vì không còn sự lựa chọn nào khác khi Khoa Viết văn và báo chí (Trường đại học Văn hóa) thường tuyển sinh muộn hơn so với các trường đại học khác và chị thi vào trường với vốn văn chương “cấp tốc” đủ để lọt qua các vòng sơ tuyển, chung tuyển. Đối với chị, ngôi trường ban đầu vốn xa lạ này cuối cùng cũng cho chị một tấm bằng đại học để đi xin việc, chứ không phải chị lựa chọn nó để nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương (vốn không phải là năng khiếu) của mình.

Mặc dù chị khẳng định rằng “có học có khác” vì thầy cô ở đây đã trang bị cho chị khá cơ bản về mặt kiến thức nền tảng. Nhưng chị cũng cho rằng, vì phải học quá nhiều thứ kiến thức nền chung cho các trường đại học, lại bị “đổ đồng” cùng sinh viên các khoa khác của Trường đại học Văn hóa, không có môi trường riêng, không có không gian riêng…

Mặt khác, nếu đào tạo ngay từ đầu mà chỉ học có 4 năm thì lại quá ít (như ở môi trường âm nhạc thì sẽ phải mất cả chục năm để rèn luyện thành tài) nên vô hình trung, họ cũng không thể trau dồi cho mình những “mầm mống” văn chương đang bắt đầu được nhen nhóm.

“Thất nghiệp” không phải là câu chuyện… hiếm hoi

Phải thừa nhận rằng, khi được đào tạo trong môi trường tốt, cộng với năng khiếu trời cho và sự nỗ lực lớn thì có những sinh viên ở ngôi trường này đã thành tài và gặt hái được nhiều thành công trên con đường văn chương và báo chí, song con số đó thực ra chỉ đếm trên đầu ngón tay và càng ngày, con số này càng hiếm hoi.

Nhà thơ, nhà báo Vương Tâm, một người từng giảng dạy và giúp đỡ nhiều sinh viên viết văn làm báo, đã chia sẻ: Nhiều sinh viên tại đây bị mang tiếng là “nửa mùa”, hay “dở ông dở thằng”, cũng nên thể tất cho xu thế đào tạo kiểu “đa ngành nghề” hiện nay. Tất nhiên nó có nhiều trở ngại khó tránh khỏi, bởi tính không chuyên nghiệp trong quá trình đào tạo. Sinh viên ra trường rất lúng túng khi đứng trước những thử thách của thực tế và sự đòi hỏi riêng biệt của mỗi tờ báo, hay mỗi nhà xuất bản.

Cùng với đó, sinh viên ở trường này thông thường có khuynh hướng phải mưu sinh nên hay muốn xin về các tòa soạn báo, tạp chí, hoặc chí ít là về các tờ báo điện tử hoặc các trung tâm truyền thông. Nhưng tất cả các loại hình nghề nghiệp này đều mang hình thái hoạt động báo chí chuyên sâu mà sinh viên của khoa khó đáp ứng nổi, nên đa số họ ra trường đều phải chuyển nghề. Tôi có dịp tiếp xúc với nhiều sinh viên qua nhiều khóa của trường, mới biết số lượng các em xin được việc ở các tòa soạn báo, hay trung tâm truyền thông với tỉ lệ khá thấp khoảng 1/3. Số còn lại phải làm nghề khác.

Ví dụ có khóa đã ra trường được 3 năm, có không ít em lăn lộn cộng tác với các tờ báo ở Hà Nội. Đằng đẵng mấy năm trời, thi tuyển khắp nơi, nhưng đều thiếu những kỹ năng cơ bản mà các em không được đào tạo, nên đành bỏ cuộc. Em H. (khóa 10) chẳng hạn là một trong số đó, cuối cùng đành phải về quê thi tuyển đài phát thanh huyện.

Nhưng như vậy là còn khá, riêng em T. cùng lớp với H, xin mãi đây đó không được, đã chuyển sang làm cán bộ phường. Em lấy vợ và mọi ước mơ về văn chương, báo chí chấm dứt từ đây. Riêng em D. bỏ hẳn ý nghĩ trở thành nhà văn mà xin về Hội Người mù làm việc, hoặc em M.A. hiện đi bán hàng thuê cho một cửa hiệu…

Hồi tôi còn làm việc ở báo Hà Nội Mới, có không ít các em ở Trường Viết văn Nguyễn Du đến thực tập và đều có ý định xin về. Có em làm thơ khá hay, còn em T.T. đã từng được giải truyện ngắn ở một tờ báo trung ương, nhưng khi thi tuyển đều không đạt yêu cầu về những kỹ năng cơ bản khi thể hiện một bài báo. Cho dù trong quá trình thực tập, các nhà báo phụ trách các em đều giúp đỡ những kỹ năng tối thiểu, nhưng vì không được đào tạo chuyên nghiệp nên khó nắm bắt và hiểu cặn kẽ những gì được chỉ dẫn.  Những hiện tượng trên là khá phổ biến đối với những sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du khi đi xin việc. Do đó việc họ chuyển nghề làm không đúng với tấm bằng được đào tạo là điều cực chẳng đã.

Theo tôi, sứ mệnh của Trường Viết văn Nguyễn Du trước đây coi như đã an bài, bởi nó đáp ứng được nhiều điều do yêu cầu thực tiễn đặt ra trước đó. Mục đích ra đời của trường ngay từ ban đầu đã không định hình một tương lai cho nó. Nay phải chuyển đổi thành một khoa của Trường đại học Văn hóa cũng là một điều khiên cưỡng. Nếu tiếp tục đào tạo theo hướng “đa ngành nghề” hiện nay, ắt từ khâu đầu vào (thi tuyển) đến đầu ra (xin việc), càng gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Tình trạng “dở ông, dở thằng” sẽ lặp lại, thậm chí sẽ trở thành thảm họa. Bởi lẽ ai cũng biết, về ngành nào của khoa cũng đều có các trường đại học chuyên nghiệp đào tạo bài bản hàng nửa thế kỷ qua. Bằng tốt nghiệp của các trường này rất rõ ràng, dễ cho sinh viên đi thi tuyển và hành nghề. Còn việc đào tạo để cho ai đó trở thành nhà văn quả là một sự phiêu lưu.

Lời giải cho một bài toán khó…

Thực tế mà nói, để giải đáp cho bài toán này, không thể một sớm một chiều. PGS.TS, nhà văn Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn và báo chí, một người dành nhiều tâm huyết và trăn trở để xây dựng cho ngôi trường này cũng “lực bất tòng tâm”, vì bản thân cá nhân ông cũng không thể cáng đáng nổi sứ mệnh này. Khi được hỏi, nhà văn Văn Giá cho biết ông miễn bình luận về vấn đề này.

Nhà văn Vũ Đảm, sinh viên khóa 5 Trường Viết văn Nguyễn Du (trước đây), hiện đang phụ trách lớp Bồi dưỡng ngắn hạn của Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du (Hội Nhà văn) đã chia sẻ: Hiện nay Hội Nhà văn đã lấy lại tên Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du và đã tổ chức được 8 khóa ngắn hạn. Hiện nay đang có một lớp 80 học viên trên khắp cả nước, họ là những cán bộ ở các hội văn học nghệ thuật, có nhiều người được giải thưởng trong các cuộc thi văn chương. Họ đến gặp gỡ để các nhà văn đi trước truyền đạt kinh nghiệm. Mô hình này theo tôi là phù hợp với xu thế hiện nay.

Còn riêng với Khoa Viết văn và  báo chí của Trường đại học Văn hóa, tôi cũng có dịp gặp gỡ tiếp xúc với nhiều sinh viên ở đó, tôi cho rằng không nên đào tạo kiểu “nửa nạc nửa mỡ” như hiện nay, mà nên chuyên môn hóa, mấy năm một khóa cũng được nhưng phải thực sự tìm kiếm được tài năng văn chương về để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để thành tài. Thực sự phải rất mất công mới kiếm tìm được tài năng, đặc biệt là các tài năng trẻ, chứ tài năng thời buổi này khó có kiểu “tự phát” hay “nhặt được”.

Còn nhà thơ Vũ Quần Phương, một người từng nhiều năm giảng dạy tại đây đã chia sẻ: “Tiếp xúc nhiều tôi biết rằng phần lớn thí sinh thi vào đây không phải vì yêu văn chương mà là không thi vào đâu được mới thi vào đây. Bộ môn đòi hỏi sự sáng tạo mà lại không đủ tầm kiến thức trung bình thì không trở thành nhà văn được, nó không logic. Họ vừa thiếu năng khiếu viết văn, thiếu sự tinh tế, lại không có ngoại ngữ, chưa có kiến thức chung… thì vào học 4 năm trang bị còn chả kịp, làm sao mà thành nhà văn được.

Vấn đề này không nên tồn tại lâu dài vì càng cố đào tạo giúp sinh viên kiếm cái bằng thì cũng xong nhưng rồi không xin được việc. Ai đó có họ hàng quen biết thì xin làm được anh cán bộ chứ không thành nhà văn giỏi, không thành nhà báo xuất sắc vì nhà báo giỏi đã có hai cơ sở đào tạo chuyên nghiệp là Học viện Báo chí và Khoa báo chí Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Bài toán này khó, chỉ có cách người đứng đầu phải chịu khó đi tận các vùng miền để tìm kiếm tài năng, đưa về để bồi dưỡng, cần chắt lọc về chất lượng chứ không cần số lượng. Còn thì vẫn có thể tuyển sinh một vài lớp nào đó để các cháu thành những cán bộ văn hóa như Trường Văn hóa vẫn đang làm.

Thực tế cho thấy, để có được một tài năng văn chương, không chỉ mở một ngôi trường là xong, nó còn phải hội đủ nhiều yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa mà thời nay vốn dĩ không dễ dàng có được

THIÊN KIM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *