Đạo Nguyễn Đình Chiểu trong đời – Kỳ 1: Còn ai ‘nói thơ’ cụ đồ mù tiết tháo

(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)

Vanvn- Truyện Lục Vân Tiên không những cung cấp cho sinh hoạt nói thơ một bổn thư mới hấp dẫn, mà còn làm nảy sinh một điệu nói thơ mang tên của chính nó. ‘Nói thơ Vân Tiên’ trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật ở Nam Kỳ.

Đã tròn 200 năm (1.7.1822) cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu đến với cuộc đời, với đất Gia Định, với Nam kỳ lục tỉnh. Sống 66 năm đầy những biến cố dân tộc và mất mát cá nhân, ông để lại cho đời những tác phẩm thơ biết cách đến với từng người, từng người bằng cái vỏ mộc mạc, dân dã và tưới tắm, chiếu sáng họ bằng đạo làm người được chở trong ấy…

“Có một lão già mù ăn xin ngân nga các đoạn Lục Vân Tiên

Trên những chuyến phà ngang Rạch Miễu

Có một gã thanh niên say rượu ghếch chân lên thành lan can đứng tiểu

Có cô con gái móc bóp lấy chiếc gương soi và tô lại mặt mình

Cùng lúc lão già mù bắt đầu ngân nga

“Trước đèn xem chuyện Tây Minh…”

Có đứa bé gái mải mê với chiếc chong chóng giấy màu sặc sỡ

Có một bà già thọt chân gánh bó củi dừa ngồi than thở chuyện củi nặng, đường lầy, gạo đắt…

Có gã trung niên vận jean ngồi nhóp nhép kẹo cao su

Có những chị bán hàng thản nhiên bóc vỏ những trái chuối nhét vào cổ chú gà tơ đến nỗi trợn trừng

Không có ai

Cam đoan là không có ai hay tin

“Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng

Để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa…”.

Tranh Nguyễn Đình Chiểu sáng tác thơ, Sương Nguyệt Anh ghi chép – Họa sĩ: Nguyễn Phi Hoanh 1973

1. Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên bắt đầu buổi tập huấn “nói thơ Vân Tiên” với các cô giáo trẻ ở Bến Tre bằng những câu thơ ấn tượng như một đoạn phim quay chậm của cố nhà thơ La Quốc Tiến. Những ngày chưa xa lắm trên chuyến phà Rạch Miễu xình xịch giữa sông Tiền như hiện về trong tiếng ngâm ngợi “Trước đèn xem chuyện Tây Minh/ Gẫm cười hai chữ nhơn tình éo le…”.

“Không có ai hay tin Lục Vân Tiên đang thọ nạn giữa rừng, để tỏ chút âu lo cho con người trung nghĩa… Câu thơ như tiếng thở dài, phản ánh sự thật mà chúng ta đang đối mặt là các di sản phi vật thể đang mai một đi trong cuộc đời” – tiến sĩ Mai Mỹ Duyên dường như cũng thở dài trước khi bước vào bài giảng “nói thơ”.

Gương mặt bà tươi trở lại khi kể chuyện đi điền dã đã gặp được mấy ông bà cụ ở Ba Tri, Chợ Lách vẫn còn thói quen nói thơ Vân Tiên trong những buổi cúng đình, giỗ chạp.

“Tôi vui mừng biết mấy khi tỉnh Bến Tre có ý tưởng mở các lớp tập huấn đến nhiều đối tượng trẻ như giáo viên, thanh niên phong trào, dịch vụ du lịch hòng khuyến khích làm sống lại tục nói thơ” – tiến sĩ Mai Mỹ Duyên đưa hàng trăm người nghe háo hức trở về với hàng trăm năm trước, suy ngẫm và tìm ra người đã nói thơ Vân Tiên đầu tiên…

Còn ai khác nữa, người đầu tiên chính là cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, ông viết Lục Vân Tiên khi đã lâm cảnh mù lòa. Tôi bật ra câu trả lời khi tưởng tượng cảnh ông đồ ngồi bên án thư ngâm từng câu thơ để học trò chép lại. Từng câu. Từng đoạn. Rồi học trò đọc lại để thầy sửa chữa. Rồi thầy giảng giải, trò thảo luận…

Cứ vậy, những buổi nói thơ Vân Tiên đầu tiên đã xuất phát từ chính lớp học của cụ Đồ. Mái chùa Tôn Thạnh ở Gò Công (Tiền Giang) vẫn u trầm tịch mịch, “năm canh ưng đóng lạnh” dưới bóng cổ thụ như những ngày ấy, nhưng lẽ đời “kiến nghĩa bất vi” thì rất mau chóng lan xa.

Trong bản dịch Lục Vân Tiên ra tiếng Pháp lần đầu năm 1864, Gabriel Aubaret viết trong lời nói đầu: “Truyện thơ Lục Vân Tiên này phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam Kỳ không có một người đánh cá hay một người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo ghe.

Những ngày xa xưa ấy, ở các bến đò, phà, chợ búa, bến xe, đâu đâu người ta cũng thấy “những người ngồi xổm, xúm quanh một người ăn mặc rách rưới, thường là một kẻ mù lòa, đề nghị anh ta gân cổ lên kể chuyện Lục Vân Tiên, nghe đến hàng giờ không biết chán. Ai ai cũng thuộc lòng”.

2. Đến tận hôm nay, “ông già Nam Bộ nhiều chuyện” – nhà văn Trần Bảo Định – vẫn say sưa với những dòng hồi tưởng: “Năm này tháng nọ, nơi bến Vàm Kỳ Hôn, thủy trình huyết mạch tấp nập ghe thuyền miệt Hậu Giang lên và Sài Gòn xuống chẳng lúc nào ngớt vắng tiếng nói thơ Lục Vân Tiên giữa những người đàn bà, con gái bán vàm với khách thương hồ hay hành khách của những chuyến tàu đò.

Họ dù thuộc tầng lớp nào trong xã hội cũng đều nằm lòng, thấm ngẫm “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.

Nhiều năm rồi tục nói thơ mai một, những người miền Tây đang ngân nga câu vọng cổ “ông lão chèo đò” của soạn giả Viễn Châu: “Con nước mơ màng, mây vẩn vơ. Thì còn lão với một con đò. Có tiền mua lấy vài chai rượu. Nhấp rượu xong rồi lão nói thơ…” cũng chưa chắc đã biết “nói thơ” ấy chính là “nói thơ Vân Tiên”.

“Khi xưa, cha mẹ tôi ru tôi bằng nói thơ Vân Tiên” – tâm sự của tiến sĩ Mai Mỹ Duyên cũng chính là ký ức của rất nhiều người từ thế hệ của bà trở về trước. Lớn lên, những câu thơ “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình” đinh ninh trong dạ, góp phần hun đúc cho họ trở thành những con người trung trinh tiết liệt chẳng kém gì chuyện thơ xưa.

Bản thảo tranh màu Lục Vân Tiên do họa sĩ Lê Đức Trạch, một thư lại chuyên vẽ đồ bản trong cung đình Huế thực hiện, đại úy Pháp Eugène Gibert tổ chức bản thảo. GS Phan Huy Lê phát hiện bản thảo tại một thư viện Pháp năm 2011 – Ảnh tư liệu

3. Đúng vậy. Ai đọc hồi ký của giáo sư Trần Văn Giàu đều xúc động trên mỗi đoạn ông nhắc đến cha mình – người cha đã bán đất cho con đi du học để thành bác sĩ, luật sư nhưng rồi người con ấy lại chọn trở thành một nhà cách mạng, con đường vào tù ra khám.

“Trung cũng là hiếu chứ biết làm sao được”, ông bảo con vậy, và Trần Văn Giàu trong khám lớn tự nhủ mình vững lòng khi nghe tin cha bệnh nặng: “Trung cũng là hiếu”.

Nhưng xúc động hơn nữa là những dòng ông kể về vợ mình, bà Đỗ Thị Đạo, năm ấy mới chỉ là cô gái chưa tròn đôi mươi: “Ai cắt nghĩa giùm tôi sao tôi không mất vợ? Đáng lẽ năm 1930, nhà bên vợ chưa cưới không cho tôi làm đám cưới mới phải, vì khi đi Pháp, tôi hẹn về nước với hai bằng tiến sĩ, nhưng tôi về tay không, bị trục xuất khỏi Paris.

Đáng lẽ, cho dù làm đám cưới rồi, mà tháng sau tôi đi đâu biệt tích bốn năm lần, sống chết không biết, thì cha mẹ vợ lại có thể gả con gái cho mấy chỗ quyền quý đi hỏi. Nhưng không, vợ tôi thà vô chùa dệt vải chứ không chịu lấy chồng lần nữa.

Và đáng lẽ sau khi tôi bị kêu án năm năm tù, bị đày ra Côn Lôn, thì theo lời khuyên của tôi, vợ tôi lại tự do lập gia đình, nhưng cũng không, cô ấy chờ đến hôm nay, đi đón tôi ở Khám Lớn ra. Sao mà chung thủy đến thế…”.

Và khi về nhà, xóm giềng đến thăm mừng, ai cũng kể với anh Mười Ký (tên thường gọi của Trần Văn Giàu) chuyện cô Sáu Đạo vào chùa học dệt vải, làm tương, đi tu mà không chịu xuống tóc, trong túi áo lúc nào cũng có quyển Lục Vân Tiên và ảnh của Trần Văn Giàu.

Cô Sáu Đạo đã làm một Kiều Nguyệt Nga giữa cuộc đời như thế, và đến lượt cô trở thành tấm gương trung trinh, tiết hạnh cho cả vùng từ đó về sau.

Vân Tiên – Nguyệt Nga cứ từng đoạn lịch sử mà lại hiện thân sống giữa đời như thế, để mỗi người lại được nghe được biết lại có những “ký ức nên người” của riêng mình. Cuối buổi tập huấn, những người trẻ của Bến Tre hôm nay cùng nhau ngân nga “Trước đèn xem chuyện Tây Minh…”.

“Truyện Lục Vân Tiên không những cung cấp cho sinh hoạt nói thơ một bổn thư mới hấp dẫn, mà còn làm nảy sinh một điệu nói thơ mang tên của chính nó.

“Nói thơ Vân Tiên” trở thành hiện tượng đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật ở Nam Kỳ: từ nội dung truyện thơ này đã được tái tạo thành nhiều sáng tác thuộc các loại hình biểu diễn khác nhau, từ chặp ca ra bộ khởi đầu cho sân khấu cải lương, các tiểu phẩm tấu hài, hò hát, làm sống lại sinh hoạt diễn xướng truyện thơ cổ lẫn các truyện thơ vè lịch sử xã hội…” – nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ.

***

Bà Âu Dương Thị Yến, bà Châu Anh Phụng là hai người phụ nữ kỳ lạ, giống nhau ở một điểm: niềm say mê với những giá trị mà cụ Đồ Chiểu để lại.

Kỳ tới: Theo bóng cụ Đồ

PHẠM VŨ/TTO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *