Đám cưới trên đảo – Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải

Vanvn- Cái tên Nam Du được giải thích là “đi về phương Nam” vì quần đảo này nằm về hướng Đông Nam của đảo Phú Quốc trên vịnh Thái Lan. Nhưng cũng có người giải thích rằng tên đúng mà các cụ đồ Nho gọi là Nam Dự, nghĩa là “đảo phía nam” nhưng người Pháp viết không bỏ dấu!

Nhà văn Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải

Út Tự mới mười sáu tuổi nhưng đã là một người có vai vế trong đám cưới này! Ba má nó có năm người con thì chị Hai, chị Tư đi lấy chồng trên bờ đất Kiên Giang, anh Ba đi làm xa, tuốt miệt vườn miền Đông, đem theo cả gia đình một vợ hai con. Nhà chỉ còn ba má, chị Năm và Út Tự. Ba nói: “Giàu con út, khó con út! Nghe ông bà mình nói vậy chưa Út Tự?”  .  Chị Năm đi lấy chồng, các anh chị đều thu xếp về dự trước một ngày, Út Tự được gọi là “Cậu Út”, được ba cho đi trong đoàn nhà gái đưa dâu. Hỏi không vai vế thì là gì!

Nhà Út Tự ở Hòn Ngang, đảo đông dân nhất trong 21 đảo của quần đảo Nam Du. Nghe ba nói cũng chỉ ngàn người lớn bé già trẻ. Cái tên Nam Du được giải thích là “đi về phương Nam” vì quần đảo này nằm về hướng Đông Nam của đảo Phú Quốc trên vịnh Thái Lan. Nhưng cũng có người giải thích rằng tên đúng mà các cụ đồ Nho gọi là Nam Dự, nghĩa là “đảo phía nam” nhưng người Pháp viết không bỏ dấu!

Nhiều năm gần đây Nam Du trở thành điểm du lịch thu hút du khách trong nước, ngoài nước đến chơi. Người ta nói rằng Nam Du giống như “thiên đường du lịch Maldives” ở Ấn Độ Dương. Chẳng biết nơi ấy đẹp thế nào chứ riêng Út Tự, nó thấy Nam Du mới là đẹp… nhất!

Quần đảo nằm trong hai xã thuộc huyện Kiên Hải. Hòn Ngang thuộc xã Nam Du còn Hòn Củ Tron hay Hòn Lớn, quê anh Sơn, anh rể tương lai của Út Tự, thuộc xã An Sơn. Bên ấy ít dân hơn nhưng diện tích lớn hơn, là điểm chính đón khách du lịch tới quần đảo. Nhà anh Sơn có khách sạn ba tầng cho khách lưu trú, có hai chiếc tàu nhỏ chở khách đi chơi các đảo. Chi Năm về làm dâu nhà này, nghe nói sẽ theo nghề du lịch, làm quản lý tiếp tân chi đó.

Bữa trước ngày lễ rước dâu, má đã sắm một cái lễ là mâm nhang đèn, trái cây, dẫn chi Năm đi lễ Miếu bà Chúa Xứ. Chi Hai, chị Tư đi theo. Út Tự cũng có mặt trong đoàn, thấy má và ba chị xì xụp vái lạy rất thành kính. Nó cũng lầm thầm khấn xin Bà Chúa ban cho chị Năm gặp mọi chuyện hanh thông.

***

Đàng trai đến đúng 10 giờ sáng để đón dâu, đúng boong ngày giờ tốt ông thầy cúng đã coi cho. Đứng sau cổng đám kết bằng lá dừa, trên có treo tấm bảng “Lễ Vu Quy”,  Út Tự nhìn dàn nhận lễ vật của đàng gái đứng chờ sẵn, toàn người quen mà sao bữa nay coi ai cũng đẹp như tiên. Ông chủ hôn đàng gái và ba nó ra tiếp đoàn nhà trai rồi dẫn vô nhà. Dàn bưng lễ vật đàng trai trao các mâm lễ, theo sự chỉ huy của chú chụp hình, đứng “diễn” để có những tấm hình ưng ý. Đoàn nhà trai chỉ những người có vai vế mới vào bản trong nhà, còn thì ngồi bàn bên ngoài sân có phủ vải đỏ lịch sự, có bày sẵn bánh trái và nước ngọt. Lẽ ra Út Tự cũng phải ngồi ngoài nhưng nó được giao nhiệm vụ chụp hình riêng cho gia đình nên chạy tới chạy lui trong ngoài. Nó “đóng bộ” như một chàng trai thanh lịch: áo sơ mi trắng dài tay, cổ thắt nơ đỏ; quần dài màu đậm, đi giày thể thao trắng. Lễ lộc vẫn tuân theo thủ tục truyền thống nhưng có gia giảm đôi chút. Nó nghe lóm như vậy khi trước đó, người lớn hai bên bàn bạc thống nhất với nhau.

Tranh của họa sĩ Uyên Thao

Sau khi hai họ chia nhau ngồi theo thứ bậc của mỗi gia đình từ lớn tới nhỏ, ba má Út Tự thắp nhang kính báo gia tiên là nhà có khách. Ông chủ hôn đàng trai mặc áo dài the đen, đội khăn đóng, xin trình lễ vật đặt trước bàn thờ. Đầu tiên ông mở mâm trầu cau rồi sau đó mới tới các mâm khác. Mở mâm nào, ông trình lễ vật mâm đó có những gì rất rõ ràng. Gia chủ tiếp nhận lễ vật và vẫn để nguyên tại chỗ.

Má Út Tự vô nhà trong dẫn chị Năm ra mắt họ hàng. Trời! Chị Năm đẹp mê hồn luôn. Chị mặc áo dài, đội khăn rộng vành đều màu vàng rực rỡ như một nàng công chúa. Chị cúi chào mọi người rồi được xếp đứng bên anh Sơn cũng mặc bộ áo dài nam kiểu tân thời, đầu đội khăn xếp, đều máu trắng ngà. Anh chị đốt cặp đèn cầy Long Phụng rồi thắp nhang lạy gia tiên, nghi lễ lạy cha mẹ vợ được gia giảm.

Tân lang trao nhẫn cho tân giai nhân. Rồi gia đình họ đàng gái tặng quà cho cô dâu. Người thì hộp vàng nhẫn, sợi dây chuyền, cái vòng đeo tay, người là bao thư tiền… Chị Năm nhận quà mừng, nét mặt lúc vui lúc trầm buồn tùy theo lời chúc mừng hay dặn dò của người tặng quà. Tuy nhiên chị không khóc. Út Tự nghe má dặn chị như vậy vì đó là tục lệ ông bà xưa để lại. Khóc sẽ đem lại xui rủi cho mình và gia đình.

Xong phần nhận quà là đến nghi lễ cô dâu chú rể rót rượu mời quan viên hai họ. Hai ông chủ hôn thay nhau hướng dẫn và giới thiệu người được mời rượu để cả hai anh Sơn, chị Năm nhận họ.

Lễ tất và mọi người mời nhau ăn bánh kẹo, trái cây thay vì ăn tiệc mặn. Là để ra về đúng giờ, kịp làm lễ và dự itệc bên đàng trai. Các nâm lễ vật đem tới, đàng gái chỉ giữ lại một nửa, nửa kia “trả lễ” cho đàng trai. Chú chụp hình lại yêu cầu hai dàn nam nữ “diễn” để có những tấm hình ưng ý.

***

Nhà trai đi hai chiếc tàu của gia đình và thuê một chiếc nữa từ Hòn Củ Tron qua. Vậy là bữa nay khách sạn không nhận tour với khách. Phải vậy thôi. Ngày trọng đại của anh Sơn, người con trai duy nhất nhà bên ấy mà. Một tàu dành cho người đàng trai, lượt về san bớt dàn bưng mâm quả qua hai tàu còn lại, để làm tàu rước dâu, hai con tàu dành cho đàng gái vừa chở đi vừa chở về. Vậy là quá chu đáo và “ga-lăng” – Mấy người lớn nhà Út Tự nhận xét. Ba nó đếm người nhà mình và nói lớn: “Nhớ đi lẻ, về chẵn nghe chưa!”. Nghĩa là chị Năm là người “lẻ” ở lại thì số ra về sẽ chẵn. Ba cũng nhắc má và chị Năm: “Bà ở nhà theo lệ, đừng buồn. Mà lúc con Năm đi cũng không được ngoái nhìn má mày nghe chưa. Ông bà mình dạy sao thì mình cứ làm y như vậy. Có kiêng có lành!”.

Hơn mười một giờ trưa, trời trong, biển êm. Coi như trời đất ủng hộ đám cưới rồi. Tàu đi từ Hòn Ngang qua Hòn Củ Tron mất quá nửa giờ, làm lễ ở nhà đàng trai chừng hai chục phút rồi ra nhà hàng là vừa văn mười hai giờ trưa, đúng Ngọ, để nhập tiệc.

Hai chiếc tàu nổ máy xình xịch. Chiếc đi trước có cô dâu chú rể ngồi, được trang hoàng đặc biệt hơn hai chiếc chở khách đàng gái. Trên đường, mấy chiếc tàu ngược xuôi chở du khách của các tour nhìn là biết tàu đám cưới, nhiều người lấy máy hình ra chụp, nhiều người khác nói lời chúc mừng vọng qua.

Út Tự từng đi chuyến Hòn Ngang – Hòn Củ Tron nhiều lần mà chuyến này cũng cảm thấy nôn nao, hồi hộp và cả… lo lắng. Vậy là chị Năm đã theo chồng, nhà chỉ còn một mình nó sống với ba má. Cuộc đời chị Năm sẽ ra sao, có đúng là hạnh phúc như hiện tại mọi người đều nghĩ hay không? Lạy trời…

Ba con tàu vẫn chạy êm. Út Tự đã thấy một phần con đường độc đạo quanh Hòn Củ Tron hiện ra giữa màu xanh của cỏ cây và ngọn núi cao hơn ba trăm mét với ngon hải đăng chót vót lên trời.

Tàu sẽ vô bến Bãi Chệt. Mọi người sẽ đi bộ chừng nửa cây số mới tới nơi. Thế nào cũng được bà con nhà dọc đường và các du khách nhòm ngó. Dễ gì gặp cái đám cưới quê đảo thế này…

***

Lễ đón dâu lố giờ chút đỉnh so với dự định. Họ hàng đàng trai đông nên tặng quà đến hơn nửa tiếng mới xong. Thì mỗi người tặng, nói vài lời, lại phải đứng “diễn” theo yêu cầu của chú chụp hình.

Khách sạn nhà anh Sơn dành nguyên tầng trệt làm nơi tiếp tân bên ngoài cùng và làm nhà ở mấy phòng phía trong. Nơi làm lễ là phòng thờ gia đình đặt kế bên phòng tiếp tân vẫn hoạt động đón du khách. Lại cũng là lễ gia tiên, đốt cặp đèn cầy bự, thắp nhang, vái lạy. Lễ này có phần mẹ chồng đeo nhẫn cho con dâu. Lễ ở nhà rồi, tới nhà hàng tiệc cưới lại có “lễ” ở đây với anh dẫn chương trình nói lời nào cũng văn hoa bóng bẩy.

Út Tự được xếp ngồi chung bàn với gia đình có hai ông bà sui ngồi chung. Những người trong họ ngồi ở bàn thứ nhì. Số bàn còn lại là khách của cả hai họ.

Một màn múa chào mừng được biểu diễn, anh Hai nói là không khác gì ở thành phố trên đất liền. Chấm dứt phần lễ nghi, anh dẫn chương trình mời mọi người nâng ly và “Một, hai, ba…Dzô” thật lớn. Cùng lúc này tiếng pháo bong bóng vang lên thật vui tai.

Thực đơn tới tám món, gồm cả tráng miệng và chè sen nhãn nhục kết thúc. Út Tự chấm điểm cao món cá xương xanh nướng bẹ chuối. Loài cá này tên có tiếng “xương” mà lại ít xương, thịt trắng và ngọt lịm.

Giữa tiệc đám cưới, ban nhạc chơi những bản nhạc không lời. Khi có khách đăng ký lên hát thì họ chuyển qua đệm nhạc. Phần lớn người lên sân khấu là thanh niên nam nữ. Riêng có bác Bảy khách bên đàng gái ca vọng cổ. Ban nhạc không đệm được cổ nhạc nên đứng im coi như nghỉ xả hơi. Quan khách vỗ tay rần rần, cò người đòi bis nhưng “nghệ sĩ” nói “Hết hơi rồi. Bà con thông cảm”..

Tận ba giờ chiều, đàng gái mới từ giã ra về. Đang đứng chờ tới lượt xuống tàu, Út Tư nghe có ai gọi tên mình. Thì ra một người nhà anh Sơn đem tới cho nó một túi quà, nói: “Anh Sơn gửi tặng riêng em Út”. Ut Tự nhận quà đem xuống tàu mới mở ra xem. Quà là bốn lọ nước me để nó pha nước đá me uống.  Anh Sơn quả là tâm lý, nói quá lên là biết “nịnh em vợ” vì lần nào qua Hòn Củ Tron, Út Tự cũng đòi uống nước đá me, thức uống nổi tiếng ở ngoài chợ. Chớ đi ngang đó để tới nhà anh Sơn, ngửi cái mùi me nấu ở các hàng quán thơm nức mũi thì chịu sao nổi!

Con tàu lại lướt sóng. Biển vẫn êm.

Út Tự ngồi quay lưng, nhìn về Hòn Củ Tron. Nó nghe một ông cậu đọc bài thơ về các hòn đảo ở Nam Du:

Hòn Mấu đâm thấu Đô Nai

Đô Nai quay sang Bờ Đập

Bờ Đập tấp lại hòn Lò

Hòn Lò mò đến hòn Ngang

Hòn Ngang tạt sang hòn Đụng

Hòn Đụng cụng vào hòn Dầu

Hòn Dầu nằm chầu Bỏ Áo

Bỏ Áo tháo ngược hòn Ông

Hòn Ông dông đến hòn Dâm

Hòn Dâm đâm thẳng hòn Tre

Rồi… dài quá tui quên mất khúc đuôi rồi…

Út Tự quay lại, lên tiếng:

– Con nhớ. Để con đọc tiếp…

Hòn Tre te đến hòn Mốc

Hòn Mốc xốc lại hòn Nhàn

Hòn Nhàn tràn thẳng hòn Hàn

Hòn Hàn quàng cổ ba hòn Nồm

Hòn Nồm chồm đại lên hòn Khô

Hòn Khô vô bãi Chệt

Bãi Chệt lết lên hòn Lớn..

– Thằng Út giỏi dữ ta. Nè, nghe nói dân Nam Du mà thuộc hết tên hai mười mốt hòn đảo lại qua Hòn Củ Tron tắm biển Bãi Ngự đúng một ngàn lần thi lớn lên sẽ được… làm vua!

– Tại sao vậy?

– Vì Bãi Ngự là nơi ngày xưa chúa Nguyễn Ánh từng tới dóng quân, cho đào giếng lấy nước uống nên cái giếng giờ có tên là Giếng Vua.

– Thời buổi này mà vua chúa gì bay! – Ba Út Tự lên tiếng – Có mấy cái bè nuôi thủy sản lứa nào cũng trúng là ngon lành rồi!

Người kia giải thích:

– Tui đâu có nói làm vua, làm chúa cai trị dân! Tui nói là “vua tắm biển” mà! Khi đó được vô sách kỷ lục Ghi-nét là cái chắc!

NGUYỄN THÁI HẢI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *