Vanvn- Cảm hứng chủ đạo trong thơ Phạm Quốc Ca là tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, đồng đội với cảm thức về thời gian sâu sắc. Thơ ông ít câu chữ nhưng có sức gợi về nội dung tư tưởng và giàu hình ảnh. Giọng thơ Phạm Quốc Ca hào sảng, mạnh mẽ, nhưng cũng rất tinh tế, chân thành, thấm đẫm nỗi đời và tình người.

>> Nhà thơ Phạm Quốc Ca qua đời ở Đà Lạt
Nhà thơ, Tiến sĩ Văn học Phạm Quốc Ca, bút danh khác là Khánh Thi, Đan Tâm, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh năm 1952 tại Diễn Kỷ, Diễn Châu, Nghệ An, ông nguyên là Trưởng khoa Ngữ văn Trường Đại học Đà Lạt. Tại Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng khóa V, nhiệm kỳ 2012 – 2017, nhà thơ Phạm Quốc Ca được bầu làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng.
Phạm Quốc Ca là học sinh giỏi văn của trường cấp 3 Diễn Châu 2, từng đạt giải Nhất học sinh giỏi Văn tỉnh Nghệ An. Ông làm thơ từ khi đang là người lính trực tiếp cầm súng bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Phạm Quốc Ca đã xuất bản 06 tập thơ và tuyển thơ, đạt 14 giải thưởng về thơ và lý luận phê bình. Phần lớn cuộc đời ông gắn bó với thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Phạm Quốc Ca viết sớm nên ông để lại khá nhiều tác phẩm, có thể nhắc đến các tập thơ: “Tiếng trầm” (1984), “Chân trời mở” (1994), “Làng trong nỗi nhớ” (1996), “Những cánh rừng những bài ca” (2004), “Thơ viết trong album” (2010), “Thơ và mấy vấn đề văn học” (chuyên luận, 2017), “Cơn mưa mạ vàng” (Nxb Hội Nhà văn, 2018)…
Cảm hứng chủ đạo trong thơ Phạm Quốc Ca là tình yêu Tổ quốc, quê hương, gia đình, đồng đội với cảm thức về thời gian sâu sắc. Thơ ông ít câu chữ nhưng có sức gợi về nội dung tư tưởng và giàu hình ảnh. Giọng thơ Phạm Quốc Ca hào sảng, mạnh mẽ, nhưng cũng rất tinh tế, chân thành, thấm đẫm nỗi đời và tình người.
Ta bắt gặp Phạm Quốc Ca luôn đau đáu về biển đảo quê hương với niềm yêu thương và kiêu hãnh:
“Mẹ Việt Nam ba ngàn con hải đảo
Tên hiền lành Hòn Mắt, Hòn Ngư…
Rừng Phú Quốc, hàng dương Côn Đảo
Ẩn giấu tươi xanh lửa thiêu cháy quân thù”.
Trong thơ Phạm Quốc Ca, đâu đó vẫn thấp thoáng hình bóng quê hương, tâm hồn ông luôn khắc khoải hình ảnh con sông Bùng in bóng làng Thọ Khánh thân thương: “Tôi để lại làng dừa Thọ Khánh/ Dòng sông trăng nơi tôi yêu em“.
Và cả cái lạnh miền Trung, cây rơm, hàng xoan hay con bò gầy gắn với tuổi thơ: “Nhớ hun hút những ngày gió bấc/ Mưa bay mờ mịt cánh đồng/ Cây rơm ướt bên hàng xoan trụi lá/ Con bò gầy rút từng sợi mùa đông“…
Có lẽ, những hình ảnh ấy đã đi vào thơ ông một cách tự nhiên theo tâm thức của người con xa xứ. Nó bịn rịn, có chút gì day dứt, luyến tiếc và rưng rưng.
“Cơn mưa mạ vàng” (tuyển thơ giai đoạn 1970 – 2017) là tập thơ thứ 6 của Phạm Quốc Ca. Tác phẩm thể hiện một hồn thơ rộng mở, giàu nội lực nhưng cũng thật lắng sâu, lấp lánh vẻ đẹp trí tuệ, mang màu sắc triết lý: “Trên ranh giới màu da, chủ thuyết, thánh thần/ Hòa bình là những giây lưỡng lự cò súng/ Giữa đời một con người và mấy chục gam đầu đạn/ Hòa bình gào lên tiếng khóc mẹ hiền”.
Hình tượng thơ trong “Cơn mưa mạ vàng” có sự hòa quyện giữa cảm xúc đằm sâu và những suy ngẫm về cuộc đời, của con người với vốn hiểu biết rộng sâu, vốn trải nghiệm phong phú: “Cô gái ăn sương ngáp bên tô hủ tiếu/ Gã xì ke ghế đá ngủ say/ Đêm tàn rụng/ Bình minh xe máy/ Tương lai đến trường áo trắng bay bay”
Tuyển tập thơ “Cơn mưa mạ vàng” đã khắc hoạ chân dung một hồn thơ đa sắc, đằm sâu suy tưởng, “một hồn thơ bình dị mà ám ảnh” (Vương Tùng Cương).
Những năm huyện Diễn Châu có Hội VHNT, nơi tập hợp những văn nghệ sĩ tại quê hương, Phạm Quốc Ca về quê nhiều hơn, ông cũng thường xuyên liên lạc với các bạn văn nghệ như Nguyễn Trọng Tạo, Cao Xuân Thưởng, Cao Khoa…
Nhà thơ Cao Xuân Thưởng kể lại, năm ấy, Hội VHNT Diễn Châu tổ chức Đêm Thơ Nguyên tiêu, Phạm Quốc Ca và một số người không về dự được, Ban Tổ chức đã kết nối điện thoại để mọi người được nghe nhà thơ Phạm Quốc Ca, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đọc thơ. Hồi ấy chỉ có điện thoại “cục gạch” thôi, không có điện thoại thông minh hay zalo, face book như bây giờ. Phạm Quốc Ca xúc động lắm, sau này ông nói, tôi ở Đà Lạt mà vẫn được đọc thơ và được kết nối với quê hương, buổi giao lưu ấy làm tôi xúc động đến rơi nước mắt. Chính vì vậy, thời gian sau đó tôi đã cố gắng thu xếp công việc để về quê, dù rất bận.
Phạm Quốc Ca đã về cõi thiên thu, “Cơn mưa mạ vàng” có thể xóa nhòa tất cả, cuộc đời ai rồi cũng có thể bị xóa nhòa theo cơn mưa nhưng những cảnh đời, những số phận, những gương mặt trong thơ ông vẫn còn đó, vẫn ám ảnh, suy tư và chất chứa nỗi niềm về thân phận con người.
TRẦN HỮU VINH
Tạp chí Sông Lam