Con hoang – Tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên – Kỳ 4

Vanvn- Đạn xuyên áo chị Năm. Thúng nhãn tan tành, từng mảnh nhỏ và nhẹ bay bay, rơi rơi như cánh én cùng ngàn ngàn tia máu sáng láng như cầu vồng như những chùm pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời trong vắt gió im. Những mảnh vụn da thịt chị Năm quyện trong máu đỏ thành dòng xối xả như mưa lửa táp vào mặt thằng tây, đẫm dày mặt đất, loang trên mặt hồ, đọng trên tàu lá sen vương trên ngàn lá nhãn như ngàn con mắt, ngàn con mắt vằn lên ngầu đỏ.

Nhà văn Lê Hồng Nguyên

>> Về tiểu thuyết “Con hoang” của Lê Hồng Nguyên 

>> Tiểu thuyết Con hoang: Ám ảnh phận người trong vũ điệu thời gian

>> Con hoang – Tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên – Kỳ 1

>> Con hoang – Tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên – Kỳ 2

>> Con hoang – Tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên – Kỳ 3

 

Chương 12

Để thay đổi cuộc đời, để cuộc sống bớt tẻ nhạt cô đơn, bà gia nhập đội du kích Hoàng Ngân. Quãng đời làm du kích vào sinh ra tử, chiến công là những sáng kiến, những âm mưu tiêu diệt kẻ thù. Bà tôi chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt quân thù không kém đàn ông. Trong những thành tích chiến công ấy, có một chiến công ám ảnh bà, bám theo bà suốt quãng đời còn lại. Dư âm của chiến tranh, ám ảnh của tội lỗi, hồn ma kẻ bị bà giết khiến bà không chỉ hay mơ đêm mà thường xuyên nói mơ cả khi còn thức. Những năm già yếu cuối đời, hồn ma kẻ bị bà giết cứ lừng lững hiện về ngồi đối diện, đấu khẩu tay đôi với bà.
Bà tôi mất hồn ma vẫn còn ở lại. Hồn ma, chất độc của chiến tranh đã ăn vào cơ thể mẹ tôi, đã trú ẩn trong tâm hồn mẹ tôi. Ký ức ấy, chất độc ấy, hồn ma ấy ám ảnh mẹ ngày một dữ dội hơn, sâu sắc hơn khi mẹ tôi ở tuổi gần đất xa trời.
Đêm, người già khó ngủ, lũ mèo gào gọi bạn tình thảm thiết thê lương, trẻ sơ sinh khóc dạ đề nằng nặc canh khuya; Ngày, tiếng lao xao trong buổi sớm mai bắt đầu ngày mới, tiếng gà gáy trưa lưa thưa đây đó, tiếng trẻ nhà ai khóc nỉ non trong hoàng hôn nhớ mẹ… Tất cả, tất cả, ngày lại ngày, năm vẫn năm, dậy lên cảm giác  xao xác, xót xa. Mẹ bảo ký ức như một thứ dịch vị, ngửi thấy mùi là tứa ra, là nhớ lại, là hiện về mới nguyên như là vừa mới xảy ra, như là đang hiện hữu.
Năm ấy Thắm, mẹ tôi lên mười.
Chuyện xảy ra vào một buổi sáng.
Một buổi sáng mặt trời chưa tỉnh ngủ, nhưng bầy chim đã hát loạn trong vườn, làm thức dậy thói quen bản năng con trẻ của Thắm. Thắm quờ tay tìm mẹ để được mẹ yêu, để được ấp ủ, để được gối đầu tay, để được vỗ về. Thắm thấy bên này, những gối những chăn như thể người lớn để chặn cho con trẻ sơ sinh khỏi giật mình. Thắm sợ hãi khi nhận ra, hình như suốt đêm ngủ không có mẹ! Thắm run rẩy gọi “Mẹ ơi!”. Không thấy tiếng mẹ trả lời. Thắm bật dậy khỏi giường, bước ra bậu cửa. Ban mai còn vương lớp màng của đêm, lằng nhằng ảo ảo. Thắm dụi mắt đi quanh nhà tìm mẹ. Thắm đi xuống bếp, dụi dụi đôi mắt, rấm rứt: “Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi…”.  Nghe tiếng gọi của con, phản xạ của tình mẫu tử, từ trong chuồng trấu mệt mê man, bà bật dậy ùa ra, ôm con. Tóc tai xũ xượi, vỏ trấu bám đầy người, trông ngoại như một con ma dại.
Thắm hét to:
– Bà ba bị!
Bà ôm chặt Thắm. Mùi tanh của bùn, mùi tanh của máu bốc ra từ bà ba bị khiến Thắm rùng mình ôm mặt. Bà nghẹn ngào trấn an con:
– Mẹ. Mẹ đây con…
Thắm thấy những vết xước bờ giậu rào mây cào chằng chịt như những con cuốn chiếu hằn trên má bà. Tóc bà són lại từng lọn, rối bời. Thắm không nhận ra mẹ mình. Gương mặt sợ hãi của con gái khiến ngoại bộc phát thốt lên:
– Tên phản bội khốn kiếp!…
Đứa trẻ hãi quá, thấy mẹ khóc cũng khóc to thành tiếng:
– Mẹ, mẹ ơi, mẹ đâu rồi, hu hu hu.
Ném con dao xuống đống tro tàn, bà ôm chặt con gái:
– Mẹ xin lỗi. Mẹ xin lỗi. Mẹ là mẹ của con thật đây. Đêm qua con gái mẹ ngủ một mình. Mẹ xin lỗi! Mọi chuyện xong rồi. Mẹ xin lỗi…
Thắm nhìn bà.
– Hu hu hu. Mẹ bị làm sao thế? Ai đánh mẹ đau thế này! Hu hu hu. Con đi lấy dầu xoa cho mẹ.
– Không. Mẹ không sao. Mẹ đi rình bắt ông ba bị, mẹ phải giả vờ giống ba bị đấy mà…
Hai mẹ con chìm trong giấc ngủ muộn.
Mặt trời xé toạc màn sương đêm tự lúc nào, ánh nắng tuôn trào chứa chan từng lối ngõ, hai mẹ con vẫn say ngủ. Tiếng bước chân người nhộn nhịp ngoài đường cùng những tiếng xôn xao náo động, bà ngỡ mình mơ ngủ:
– Khủng khiếp quá.
– Một nhát dao phi trúng yết hầu.
– Phải là tay giết người chuyên nghiệp
– Sao? Ai giết ai? Ai bị giết?
– Lão Hiểu bị giết đêm qua.
– Chập tối, tôi vẫn nhìn thấy lão trên đường cái cơ mà.
– Chết thì làm sao mà biết trước được.
– Hắn có thù oán với ai nhỉ?
– Thời loạn. Biết ai giết ai bây giờ…
– Chả biết ra làm sao nữa. Thật là rùng rợn!
– Chắc Việt Minh nhà mình ra tay. Nghe đồn đâu đó, tay Hiểu làm chỉ điểm.
– Khe khẽ cái mồm thôi. Tội vạ gì đến nhà ông…
– Chẳng lẽ bọn chỉ điểm giết hại nhau?
– Lão Hiểu đĩ lắm. Hay rình bóp vú đàn bà. Vô phúc quờ quạng phải nữ du kích bị dính chưởng là cái chắc…
Nữ du kích. Rành mạch từng câu từ ngoài đường cái giội vào tai bà. Bà bật dậy, chạy xuống bếp đốt lửa đùng đùng cho bớt run. Bà ném bộ áo quần tanh máu vào lửa. Lửa tắt. Bà lấy cái gậy kều lửa, ngọn lửa trội dậy, bùng to, bập bùng, bập bùng, xua đi hãi hùng, xua đi bóng tối, xua đi tiếng xôn xao, xua đi bóng ma, xua đi sợ hãi ẩn nấp trong lòng bà. Mùi thơm của nồi cám lợn hòa lẫn mùi cháy xém của đít nồi quyện vào khí quyển bay ra đường lẻn vào từng nhà chòm xóm. Cháy nồi cám lợn. Bà lôi nồi ba mươi treo trong chuồng trấu ra đun. Thường mỗi năm người ta chỉ dùng nồi ba mươi có một lần vào dịp tết để luộc bánh chưng, bà tôi lôi ra đun nước tắm. Bà thoăn thoắt phát lá mây, phạt cỏ mần trầu bên bờ ao ném vào nồi ba mươi nước đang sôi sùng sục. Lá bưởi, cỏ mần trầu, lá mây ngùn ngụt bốc hơi lan tỏa như sương, như khói, mùi hương dễ chịu vô cùng.

Sự sợ hãi khiến bà không làm chủ được hoạt động của mình. Bà xông khói, bà tắm truồng ngay trong bếp. Nước lá mây, cỏ mần trầu pha thêm nước lạnh, bà dội xối xả lên thân thể, tràn xuống nền đất bếp. Đất sủi bọt màu nâu túa ra thềm, chảy thành dòng xuống cái sân gạch, bò ra ngõ. Tắm gội xong, bà túm gọn mớ tóc ướt rối xù lên đỉnh đầu. Bà bưng nồi cám lợn ra chái bếp, mở vung cho bớt nóng. Đàn lợn thính mũi eng éc đòi ăn. Chúng đớp cám nóng tờm tợp, tờm tợp, bỏng, chúng dí cái mõm xuống sàn chuồng, eng éc kêu, tiếng kêu làm nhòe tiếng người nhốn nháo ngoài đường vọng lại.
Hình như ai đó gọi cổng:
– U cái Thắm ơi, ngủ ngày kỹ thế. Ông Hiểu, bố thằng Hạnh chết rồi đây này. Hàng xóm láng giềng sang xem thế nào chứ.
Tiếng ai đó như phép màu điểm huyệt, bà như chết lặng, mặt vàng bệch như sáp, tim ngừng đến vài giây. Hít một hơi thật sâu, bà nắm chặt cái cột bếp để đứng được vững hơn. Lửa vẫn cháy đùng đùng trong bếp, mồ hôi vã đầm đìa, chân tay bà bủn nhủn.
Trực cảm xuất thần trong giấc ngủ như tỉnh như mơ, Thắm bật dậy.
– Mẹ! Nhà Hạnh làm sao, Hạnh bị làm sao, mẹ?
Từ dưới bếp bà nói vọng lên nhà:
– Chắc là ông ấy bị cảm.
– Con sang nhà Hạnh. Mẹ cho con sang nhà Hạnh!
Tiếng ngoại thất thanh:
– Không, con đừng đi.
Tiếng ngoài đường vọng lại:
– Ông ấy chết thương tâm quá. Tội nghiệp thằng bé mồ côi mẹ, giờ lại mồ côi nốt cả cha.
Như sợ người ta cướp giật con mình, bà chạy vút lên nhà, ôm chặt cô con gái:
– Mẹ xin con, con đừng đi.
Thắm vuột khỏi tay mẹ, lao ra ngõ.
– Con không được sang lúc này. Trẻ con không được nhìn người chết.
– Mẹ bỏ con ra!
Tiếng khóc của Hạnh thảm thiết át cả tiếng ồn ào. Thật không thể tin nổi, sau một đêm ngủ dậy Hạnh thấy cha nằm bất động trong vũng máu ngoài hiên.
– Cha, cha ơi, cha làm sao? Cha làm sao thế này?
Thằng bé quỳ gối ôm bố, áp tai vào ngực bố:
– Các bác ơi cứu bố cháu với, tại sao bố cháu lại bị thế này!
– Các bà kéo nó ra, đừng để nước mắt nó rơi vào người ông ấy.
– Thằng bé làm gì nên tội! Chịu cảnh bố con gà trống nuôi nhau, giờ bố chết thương tâm thế này!
– Bố làm bố chịu, giết người ta thì cũng phải nghĩ đến con người ta chứ, nó còn bé thế này, nó làm sao sống được một mình.
Thắm sợ hãi, ôm chặt mẹ. Chuyện như ma quỷ. Thắm đứng lập cập bên ô cửa sổ mở ra đường nhìn sang bên ấy. Người run như một cái lò xo. Những câu hỏi cứ liên tiếp được đặt ra trong ý nghĩ: Tại sao, tại sao? Trọn đêm qua, cả làng không có tiếng ồn, không một tiếng súng, cớ làm sao có chuyện mẹ Thắm bị ai đó đánh bầm dập xác xơ, còn cha Hạnh bị ai đó đâm lén chết trong vũng máu giữa thềm nhà. Tại sao hai chuyện kinh hoàng lại xảy ra cùng một lúc trong một đêm? Tại sao lại xảy ra với hai đứa trẻ chơi thân với nhau, hai nhà đối diện nhau?

 

Chương 13

Ông Hiểu, người cha của Hạnh có thói xấu, hằng tháng vào trung tuần trăng sáng, ông thường mò mẫm đâu đó suốt đêm. Có người bảo ông là gián điệp, làm chỉ điểm cho Pháp chuyên hoạt động về đêm. Chị em phụ nữ buổi tối có chuyện gì phải ra ngoài đường, chẳng may gặp ông Hiểu, hay chỉ cần nhìn thấy bóng dáng giông giống ông Hiểu chứ chưa chắc đúng là ông Hiểu, cũng đủ sợ hãi chạy bán sống bán chết. Họ bảo ông Hiểu là giống mèo hoang động đực. Từ ngày vợ ông mất, có biết bao chuyện kể về ông. Có lẽ, người đàn ông tứ tuần không chịu nổi cô đơn, không cưỡng lại được sự khát thèm bản năng sinh học của cái cơ thể ông. Đêm, ông đi lang thang, đi vô định, đi giải sầu. Có đêm có người nhìn thấy ông ôm thân cây chuối bên đường dập dìu rên xiết. Cô đơn với bao nỗi niềm, không đào được hố để chôn, không có ai để chia sẻ, cây chuối là chỗ để ông trút mọi bí bức, u sầu. Cây chuối cho ông ôm ấp, cho ông hả hê khóc hả hê cười, hả hê tâm sự.
Đêm qua, ông Hiểu đi việc ấy, làm việc ấy với một cô nàng nào ấy ở làng bên ấy, mỹ mãn và toại nguyện. Lòng dạ lâng lâng, bước chân bồng bềnh, ông trôi theo mây, ông vẽ theo trăng, ông rẽ cây, rẽ gió, trở về nhà. Sợ làm con trai thức giấc, ông rón rén trải manh chiếu giữa hè, hết ngồi lại nằm, vắt chân chữ ngũ, nhâm nhi ly rượu, ông những hát thầm: “Thế là anh đã có nơi đêm đêm anh đến, anh đền khoai em…”.
Rượu và ông, và cây và đất làm đêm thêm sẫm lại. Đêm. Ông giống như một cành cây khẳng khiu, lòng khòng cong keo dưới sàn đất hiên nhà. Mớ tóc trên đầu ông xoăn tít lông bông như tổ quạ. Khó mà nhìn thấy gương mặt ông tâm trạng ông trong đêm đông. Ông nằm, như cái quẩy đã được chiên giòn co quắp hình số 8. Thỉnh thoảng ông rung đùi, cái đùi gầy không bắp như thể cái phao câu nằm ngang trên mặt nước bị con cá nhằn nhằn đớp đớp mồi. Và khi ông ngồi dậy, trầm tư ngẫm ngợi, cái đầu gối cao quá tai, hai bên lườn, hai tảng xương sườn như cung đàn piano mòn phím. Bụng ông thót lại, mỏng như chiếc lá, khiến cái lưng trơ đốt sống cột sống giống như một chiếc ghế ngồi của người chơi dương cầm trải qua nhiều thể kỷ, giờ đã bị vẹt, lõm, săn sắt buồn.
Sương khuya nặng hạt đọng trên tàu lá chuối rỏ xuống lá giong lộp bộp đánh thức đàn gà cất tiếng gáy sang canh. Doi chín rụng từng quả thùm thụp xuống sân gạch. Đàn chuột no nê, hả hê, chin chít sít kẽ răng vờn nhau chạy quanh vườn. Độ ẩm của sương đêm cho ông cảm giác ướt lạnh da. Ông vê viên thuốc lào, xoè diêm lóe lửa, nghiêng đầu như chú chó phốc, ghé miệng rít một hơi thật sâu cái điếu cày. Hơi ấm thuốc lào căng đầy hai lá phổi. Ông nín, giữ thật lâu hơi ấm đó cho nó lan truyền đến từng mao mạch nhỏ. Làm thế, ông cảm thấy vô cùng dễ chịu. Và rồi, ông ngửa cổ lên trời, nhè nhẹ nhả khói. Khoan thai. Khoan thai.
– Phập!
Nhanh như mũi tên vừa bật khỏi ná, lạnh như kim chích buốt. Con dao nhọn, nhỏ như đầu ngón tay xuyên thủng yết hầu ông, máu phun trào những tia như tia nắng. Bong bóng đỏ tươi liên tiếp tuôn. Bong bóng máu bung ra từ cổ họng ông, phồng to, phồng to, phì, phì, tan, vỡ, tứa tràn trên chiếu, loang lổ như những hoa văn, lăn, lênh láng hiên nhà, đọng thành vũng.
Ông Hiểu chỉ kịp rú lên một tiếng gọi Hạnh, đứa con duy nhất của ông.
Thằng bé ngủ say trong nhà.
Không thấy tiếng trả lời. Máu và đau. Hoa mắt và hoảng sợ. Ông không thể đứng dậy được. Ông cố gắng, dồn tất cả sinh lực còn lại, ông gọi tên con.
– Con ơi!
Nhưng tất cả tuyệt vọng. Phế quản đứt. Thanh quản trồi ra lèo phèo rách bướp, không ngừng nghỉ phun những tràng bong bóng máu tan, vỡ, chảy liên hồi. Môi khô tím phập phồng không âm tiết.
Đám ma ông Hiểu đi qua sân đình. Hai con sấu đá mắt hiu hiu buồn. Đám xe bò cải tiến rúm rụm góc sân đình. Trong đám xe ấy, có cái xe nào từng là xe hoa rước cô dâu Thắm chú rể Hạnh, để lũ trẻ con trong làng lũ lượt chạy theo sau, chơi trò đám cưới của trẻ con? Đống rơm vàng những sợi rơm bã bời tươm nát chồng lên nhau đan trong nhau hòa vào nhau thành mảng khối. Đống rơm nào được khoét làm phòng cưới, chùm nhót đỏ treo cao thay quả cầu hồng, hoa đồng nội tết dài thành dây giăng khắp “phòng”? Đâu rồi những trò chơi hể hả, cô dâu chú rể nằm bên nhau, ngủ quên đến tận tối mịt trời. Tất cả chỉ như mới hôm qua thôi mà giờ dửng dưng như chưa từng thế bao giờ, như là đã lùi xa hàng ngàn thế kỷ? Cô dâu Thắm trẻ con cười hơ hớ hôm qua, hôm nay đã thành bà cụ. Bà cụ trẻ đi đám ma đưa tiễn một linh hồn trở về với cát bụi. Chú rể tuổi mười hai sau đêm mất cha thành một gã đàn ông già cỗi héo hắt mặc áo tang, đi sau linh cữu cha. Lão già tuổi mười hai từ nay một mình đơn độc trong ngôi nhà đơn độc, đơn độc với nhân gian!

(…)

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thúy

Chương 16

Từ ngày ông Hiểu bị giết. Thắm và Hạnh thân nhau như anh em ruột, như vợ như chồng, như đôi bạn già lạc lõng với xung quanh. Càng lớn, Hạnh càng giống cha. Điều này làm bà ngoại sợ. Trưa hè nắng héo cây, hai đứa lụi hụi trong vườn nhà Hạnh. Thắm lấy dao khía vào vỏ cây, nhựa sung tứa trắng như sữa bò lăn thành dòng trên lưỡi dao, rơi xuống mảnh sành Thắm cầm hứng trên tay. Gốc sung già, những cái rễ nhô lên như những chiếc ghế bên bờ ao. Những cái rễ như những cái bắp tay săn chắc duỗi trên mặt đất. Hạnh ngồi lên đó nắn nót vót từng thanh tre làm khung diều. Cái tâm thế cần mẫn say sưa, cái dáng lòng khòng, mớ tóc bồng bềnh, bờ vai vuông, Hạnh giống ông Hiểu y hệt.
Trưa, bà ngoại đi tìm con. Bà không dám gọi to mà chỉ ra bờ ao bờ đầm ngó nghiêng xem con bé có mải chơi bắt chuồn chuồn châu chấu hay vặt cỏ gà chơi chọi linh tinh. Không thấy. Bà vào sân nhà Hạnh, nhìn ra bờ ao, thấy hai đứa.
Bà hoảng sợ, xô đến đạp Hạnh ngã nhào:
– Mày hãm hại con tao phải không?
Hạnh đứng dậy, khoanh tay:
– Dạ thưa cô…
– Thưa với gửi cái gì. Từ nay tao cấm mày chơi với con tao.
– Mẹ! – Thắm dậm chân xuống đất quát mẹ.- Sao mẹ lại làm thế?
Không để cho Hạnh giải thích, bà ngoại ôm con, kéo con bỏ chạy.
Bà hốt hoảng lo sợ cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù Hạnh chưa bao giờ và có lẽ sẽ không bao giờ biết được bố mình bị ai giết. Nhưng vong linh ông Hiểu biết. Vong linh ông ấy, oan hồn ông ấy bà tin lúc nào cũng ở bên Hạnh, đi theo Hạnh, vì Hạnh là đứa con trai duy nhất của ông ta. Đặc biệt đôi mắt Hạnh. Đích thị đôi mắt Hạnh đôi mắt ông Hiểu. Ý nghĩ tâm hồn thể hiện trong ánh mắt, bà như thấy ông ấy là Hạnh hiện diện trước bà, nhận dạng, nhìn thấu tim gan. Bà sợ ông ấy trả thù. Bà sợ ông ấy cướp mất đứa con gái duy nhất mà bà khổ sở lắm mới có được! Bà sợ oan hồn cướp mất đứa con.

 

Chương 17

Thắm và Hạnh, hai đứa có một người bạn thân duy nhất đó là chị Hải.
Chị Hải là một cô gái từ quê khác về làm dâu làng tôi. Hôm cưới chị Hải lấy anh Hải, ai cũng tấm tắc khen, anh Hải keo kiệt lấy được cô vợ xinh. Thế mà đến sớm hôm sau, cô dâu rửa bát cầu ao, trẻ con chăn trâu đã có bài đồng thanh: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.
Nghe trẻ con kêu tên kêu tật của mình, cô dâu xấu hổ chạy vào nhà. Bọn trẻ thừa thắng càng la to: “Hải cọm kiết sỉ kiệt keo. Lấy phải cô vợ bị khèo một tay”.
Thế là từ đó, vợ anh Hải rất ngại ra đường, ngại tiếp xúc với xung quanh. Đi đâu chị cũng mặc áo có tay thật dài, bịt khăn kín mặt.
Người ta bảo, vợ chồng mới, có khác nào vợ chồng sam, đi đâu, làm gì cũng có nhau. Ác thay, chỉ vì câu hát vè bông đùa của bọn trẻ, vợ chồng anh Hải không có được hạnh phúc ấy. Ngày lại ngày, mùa nhãn, sớm tinh mơ, chị em phụ nữ hàng nối hàng kĩu kịt gánh nhãn trên vai, tung tẩy, rổn rảng nói cười trên con đường đê yên ả chạy dài tới tận chợ bán nhãn. Là dâu mới nơi đất khách, chị Hải bỡ ngỡ, ngại ngùng. Vì thế, người nhà quê tâm lý, ai cũng đon đả nồng hậu với chị. Nhưng, bài đồng dao thể hiện sự tinh mắt soi xét người lạ của bọn trẻ đã làm chị sợ. Chị tự ti, xấu hổ, chị ngại đám đông, lặng lẽ một mình.
Đợi tiếng nói, tiếng cười của chị em trong làng thật xa, không còn nghe thấy nữa, chị Hải mới lủi thủi, kẽo kẹt gánh nhãn đằng sau, đơn chiếc như một nàng chim di trú bị lạc bầy.
Con đê cao vắng vẻ. Gánh nhãn nặng trên vai. Bước chân nhanh thoăn thoắt. Cỏ ven đường đẫm sương quệt ướt đẫm ống quần lụa sa tanh chị mặc. Mồ hôi ướt đầm áo. Nặng và mỏi, chân như muốn khuỵu xuống, chị Hải đành dừng lại, ghé gánh nhãn bên vệ cỏ, nghỉ. Áo và quần ướt như tắm tạo nên một khuôn hình phụ nữ Á Đông sắc nét và mềm mại. Mặt phừng phừng đỏ như mặt trời, những sợi tóc bết mồ hôi trên má, chị đưa tay kéo chiếc nón trên đầu làm quạt. Ồ, đằng kia, sau những khóm tre ngà, vườn nhãn, xa xa là sông là chân trời sớm quá đang hé dần một làn môi đỏ thắm. Nhìn về phía ấy, chị phấn chấn, nón trắng trên tay, ghé vai gánh nhãn, chị dẻo bước cho kịp buổi chợ.
– Chào em…
-…
– Dừng lại đi. Anh mua hết cho em…
Người đàn ông lạ đứng chặn trước mặt chị.
Chị đưa mắt xung quanh tìm người cầu cứu. Con đê quai co quắp ngủ yên mang trên mình con đường trắng vắng tanh vắng ngắt. Chị tái dại vì sợ. Tim đập mạnh chị cố chạy thật nhanh. Nhưng, gánh nhãn quá tải lắc lư chòng chành trên vai như kéo chị ngược lại. Bất lực quá. Chị nghĩ đến việc bỏ của chạy lấy người. Chạy thoát thân. Nhưng, chị mới về làm dâu, gánh nhãn là tài sản của nhà chồng. Dâu mới, chị không có quyền được vứt bỏ gánh nhãn.
Người đàn ông, kẻ mạnh, nhìn chị, không nhịn được cười. Như thể thích đùa, hắn bước theo sau, thỉnh thoảng vươn bàn tay đàn ông quàng dây quang gánh, kéo lại.
Gánh nhãn trên vai chị chòng chành, lúc lắc, đánh đu.
Phụ nữ thôn quê đôi mắt như nai. Đôi mắt ấy, khi sợ, giống như con bồ câu gặp nạn, ánh lên nỗi sợ hãi rất hiền.
Thằng đàn ông, phong tỏa ánh nhìn. Hắn giang tay ôm, ghìm chị dừng lại. Chị bủn nhủn tay chân, gánh nhãn rời khỏi vai, rơi bịch xuống đường, lăn theo vệ đê xuống vực. Chị gồng mình, nghiến răng cắn vào tay hắn, vuột ra, chị lao theo thúng nhãn, đê cao dốc thoải, cỏ trơn sương ướt, chị ngã soài lăn tròn nằm lên những bó nhãn tan tác dưới chân đê.
Đê dốc, cỏ trơn, thằng đàn ông cũng bị trượt cỏ. Hắn giống như một mũi tên, đổ nhào vào chị, nằm lên chị, ghì chặt chị, hổn hển.
Rặng nhãn ven đê xù xì thân gốc, những tán lá lùm cây chằng chịt sợi tơ hồng.
Thằng đê tiện vạm vỡ sức voi. Xong rồi, nó đứng dậy, đi. Hắn để lại con bồ câu bé nhỏ đớn đau.
Ê ẩm, ê chề, nặng nề nhích nghiêng người, chị Hải co gối kéo chiếc quần rúm rụm dưới bàn chân mặc cao tới bụng. Chị tủi thân khẽ gọi: “Mẹ ơi!”
Giá như ở quê nơi chôn nhau cắt rốn của chị, chị sẽ chạy đến dòng sông trẫm mình. Nhưng đây không phải quê chị. Đây là quê chồng, chị về làm dâu mới được có vài tuần. Đất khách quê người. Sông xa và lạ. Chị chết cũng chẳng dễ dàng.
– Con khổ quá mẹ ơi. Con đau quá mẹ ơi…
Giác quan thứ sáu của con và mẹ. Linh cảm linh thiêng, xương cha huyết mẹ… Chị muốn có mẹ quá, mẹ ơi!
Tiếng chuông chùa ngân vang! Vị cứu tinh đúng lúc. Chị lê bước vào chùa. Bên trong cổng chùa có một đống rơm to, hõm một lỗ trông giống như một túp lều, chị chúi đầu chui vào, thu lu, rưng rức.
Hết giờ tụng kinh, cụ sư điếc ra rút rơm đun nước, thấy chị. Cụ đến tận nhà gọi anh Hải đến đón chị về.
Nhìn thấy vợ, mặt anh Hải sa sầm. Anh ta không căm thằng hãm hại vợ anh ta, anh ta giận vợ. Giận vợ, anh ta đánh vợ bằng cách đập vỡ các đồ vật trong nhà. Anh ta vào buồng chồng vợ, tóm tai đôi gối trắng có thêu chỉ đỏ đôi chim bồ câu với dòng hạnh phúc, vứt ra sân, châm một mồi lửa. Chưa đã cơn giận, anh chạy đi chạy lại, ném cả tấn nhãn vừa bẻ xuống ao. Anh đập vỡ chum tương, anh tìm con dao phay băm vằm những thân cây nhãn. Anh xé áo xé quần.
Và từ đó. Anh sợ đám đông. Anh hạn chế ra đường. Mùa nhãn chín. Mặc mẹ nhãn! Anh chẳng thèm tha thiết tiền với bạc. Mùa nhãn, chim muông cứ việc thoả sức đến ăn, xây tổ, đẻ con và đái ỉa.
Và từ đó, vợ chồng anh Hải chẳng ai nói với ai một lời, âm thầm như những thân cây, lẳng lặng như những người câm điếc.
Đêm. Buồn quá. Chị Hải ra hiên tựa cột ngắm trời, ngắm những vì sao chi chít. Chị lặng nghe tiếng cỏ cây hoa lá thầm thì, tiếng râm ran ri ri hát đồng ca của đồng loại côn trùng cất lên từ lòng đất. Gương trăng rười rượi rọi mặt đất sầu. Đợi sáng, giết đêm, chị Hải lụi hụi kiếm tìm những hạt nhãn rơi rụng trong vườn, trong ngõ ngách nhà chị. Chị gom lại, phơi đầy sân. Những hạt nhãn tròn đen như mắt người, lấp lánh căng tròn rướn lên nhìn trăng, nhìn chị, không chớp.
Và một đêm như thế, anh Hải bỏ nhà ra đi trong khi ngàn ngàn những mắt đang mộng du cùng chị. Trời sáng, tỉnh mơ, chị Hải hái lá pha ấm trà đặt lên bàn, không thấy cái mũ, cái túi của anh treo trên cột. Chị Hải biết, thế là anh đi rồi. Một cảm giác khó tả. Thảng thốt, chếnh choáng. Tủi thân và đơn độc. Chị thực sự cảm thấy sự sống của mình vô nghĩa vô hồn.
Nhưng chị vẫn phải sống. Chị sống lủi thủi như một cái hình nộm. Cái hình nộm bằng rơm lặng lẽ im lìm giữa vườn trại mênh mông, dế, giun và gió. Chị không có khái niệm đêm và ngày, chị cũng không đoái hoài tới tháng, tới năm.
Chẳng có ai ân tình chỉ cho chị biết tóc chị bỗng dưng bạc sớm đây này.
Vườn nhãn nhà chị, sai trĩu quả. Lũ dơi tự do khểnh ăn và sành điệu. Chúng chỉ thưởng thức, chỉ xơi những quả nhãn ngon mỏng vỏ thơm ngọt và mọng cùi. Nhãn thơm chúng chỉ nếm có một nửa, để lại nửa quả lõm một cái hố chơ cái hạt nhãn đen tròn long lên như mắt cú trên ngọn cây.
Thời gian trôi. Lạ thành quen. Quen thành lạ. Chị Hải khóc. Khóc chán lại cười. Cười mãi lại buồn. Buồn quá chẳng biết làm sao, chị đâm ra lẩn thẩn tâm tình với ngọn cỏ, cành cây, với cái chổi quét nhà, cái quạt mo cau, cái cuốc làm vườn, cái thùng gánh nước, con chó, con gà, cái củi đun bếp, ngọn lửa nấu cơm…
Một buổi chiều, chị Hải cảm thấy tức ngực, khó thở. Hình như là chị ốm. Hay là trở trời. Chị bước ra sân, ngửa mặt lên trời nghe ngóng. Vô tình, chị nhìn lên mái nhà. Ngôi nhà cổ, hàng nối hàng những phiến ngói chiếu rêu phong ngăn nắp thẳng hàng, lá rụng mục mủn dày. Thế là có việc, quên ốm, chị Hải bắc thang, một tay cầm chiếc chổi tre trèo lên dọn. Lá mục, cành khô lâu ngày kết lại, chị Hải lom khom như người thợ cấy nhổ mạ mùa đông gieo trên sân. Chị bóc từng tảng từng mảng cho vào bao tải lăn theo mái ngói rơi xuống sân. Chị cần mẫn, lom khom như một dấu hỏi giữa trời. Bất chợt, một luồng gió mạnh từ đâu thổi tới, xống áo chị phồng lên như cánh diều no gió. Chị đứng dậy, gió thổi bạt tóc rối tung, nghiêng ngả. Chị bám tay vào nóc nhà. Cái nóc nhà giống như cột sống lưng người, nhô lên như con rồng nằm dài trên mái ngói. Chị chống tay vào đầu gối dần dần đứng dậy, hiên ngang và lộng lẫy giữa sân khấu trời bất tận đang tấu lên bản giao hưởng bất hủ của giông gió mây bay.
Bọn trẻ trâu ham đá bóng dưới chân đê, thấy cơn mưa đen xì, gió lạnh đang ào tới, thế là bỏ cuộc chơi, nháo nhác tìm trâu, đánh lồng phi nước đại về nhà.
Về đến đầu làng, mây vẫn đen gió mỗi lúc một mạnh. Trời vẫn chưa mưa, những chàng ngự lâm chễm trệ trên lưng trâu điềm tĩnh giật dây cương ghìm trâu đi chậm lại, nuối tiếc, khoan thai ưỡn ngực hít gió, ngửa mặt lên trời hứng những hạt mưa lác đác mát lạnh. Bỗng một đứa trông thấy chị Hải đang “múa lân” trên nóc nhà:
– Chúng mày ơi, nhìn kìa.
Rồi thằng bé làm quản ca bắt nhịp:
– Cây khô không lộc, người độc không con. Cây khô không lộc người độc không con…
Tất cả bọn chúng cùng hét lên gào lên theo:
– Cây khô không lộc người độc không con.
Gió thổi bạt thứ âm thanh to, mảnh, khàn và rè của những cái thanh quản đang độ tuổi gà trống tập gáy ấy, thứ âm thanh ấy chui vào tai chị làm chị tái người, chết lặng.
Lại thêm đám trẻ khác, chúng cũng đánh trâu lồng bổ từ bãi về. Chầm chậm, dừng lại và nhập hội. Rầm rập bước chân trâu cưỡi trên lưng là những kỵ sĩ như lũ quỷ. Những chàng kỵ sĩ ác độc ùa theo, đồng thanh hòa trong gió, xé không gian:
– Cây khô không lộc, người độc không con. Cây khô không lộc, người độc không con.
Mưa. Mưa hung dữ, mưa xối xả, mưa rát mặt. Mưa xô cây, mưa đẩy ngã người. Và sấm. Và chớp. Chớp loằng ngoằng như quăng dây điện. Sét đánh sẹt mang tai, tóe lửa trên ngọn cây, xòe trên mái ngói. Chị Hải vẫn đứng đó, lom khom như dấu hỏi. Chị chập chững, lần mò, lững thững tiến tới cái thang, mò mẫm bước từng bậc xuống nhà.

Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thúy

Chương 18

Mẹ chồng chị Hải xưa kia cũng đẹp nhất làng. Nhưng số phận hẩm hiu, lấy chồng, chưa kịp có con, bà bị lính Pháp hiếp, thế là từ đó, bà mất khả năng sinh nở. Bà nhận anh Hải làm con nuôi khi anh còn đỏ hỏn. Bố nuôi anh Hải mắc bệnh lao, ông qua đời khi tuổi chưa kịp già.
Người làng chép miệng thương chị Hải thì ít mà thương cho dòng dõi nhà chồng chị thì nhiều. Thương thay dòng họ bị tiệt giống, nhận nuôi con người, yêu con người như yêu con mình mà trời vẫn không thương. Trời vẫn không cho chị Hải làm mẹ, có con. Thương chán thương chê, người ta lại đồn thổi đất nhà chồng chị Hải có ma. Đất ma ám, quỷ ám. Ban ngày, ma trèo trên cây, ma lang thang dưới gốc nhãn. Ban đêm, ma lên giường, ngủ chung với chị. Người làng còn nói, chị làm vợ của ma. Những kẻ râu xanh cứng bóng vía trong làng đã từng đột nhập rình mò chị. Chúng vành mắt căng tai cố nghe tiếng rì rầm vọng từ giường chị. Chúng nghe thấy tiếng chị, khi thì rủ rỉ tâm tình, khi khóc nỉ non, khi cười đến vỡ bụng. Chúng kháo nhau rằng, bọn ma đã từng cãi nhau vì ghen tuông tình cảm, phân bại, thắng, thua. Chị Hải đã phải đứng ra làm trung gian hòa giải, lựa từng câu nói nhẹ nhàng ngộ như lừa trẻ con thế mà bọn chúng cũng êm, đùa vui chí chóe…
Thắm và Hạnh tình cờ quen chị Hải cũng bởi con trâu nhà Hạnh lẩn trốn trong vườn nhà chị.
Hạnh nhìn thấy cái lưng to mòng bóng nhẫy của con trâu đang quần đảo vườn nhà chị Hải. Hai cái sừng của nó như hai cái lưỡi hái đánh gục những cây chuối đang oằn lưng cõng buồng quả. Bốn cái chân con trâu đen xì, to như chân con voi quần nát cả vườn dong. Hạnh chạy băng xuống chân đê, chui qua hàng rào măng rô dày rậm. Gai dậu măng rô cào rách toạc cả lưng, chi chít cánh tay bàn tay những đường xước tứa máu. Gặp trâu đây rồi, Hạnh bứt một nhánh mây khô quất mạnh vào mông anh chàng. Chàng ta đau quá, lồng bổ, vượt rào thoát ra khỏi vườn.
Xong việc, Hạnh mới thấy sợ. Chết cha rồi, lãnh địa ma! Mình đang ở trong lãnh địa của ma. Run quá, nhưng Hạnh vẫn cứ nhìn, cứ tìm xung quanh. Chẳng thấy con ma nào! Mà cũng chẳng thấy hiện tượng nào của ma. Xung quanh Hạnh là những trái mít to tròn bám đầy thân cây, hạnh phúc bình yên như đàn con xúm xít,quây quần, quanh cây mẹ. Nhãn chín vàng lúc lỉu. Doi nặng quả, trĩu cành soi bóng xuống ao nước trong xanh. Bưởi trọc lốc như những trái bóng treo lơ lửng dưới giàn trời xanh. Những chú chim sâu cần mẫn tước những lá cây thành từng sợi dây rất mảnh, cái mỏ xinh xinh, cái chân bé xíu kết những sợi thành những cái tổ như giỏ thị mắc trên cành sum suê lá. Những chú chim mới ra ràng cánh chưa mọc đủ lông có đôi mắt trong veo, lích tích, vụng về và bình thản chuyền cành, nhảy ra nhảy vào cái tổ của mình. Ve sầu kêu miên miên ướt đẫm những gốc cây. Ve sầu gầy đét khô rạc xếp hàng trên thân cây. Nắng như bướm trắng rập rờn trong vòm lá in xuống gốc xuống vườn cây.
Trưa hôm sau, Hạnh làm thám tử đột nhập vào “lãnh địa ma” bắt chim sâu mang về nuôi trong lồng. An toàn. Trưa hôm sau nữa, Hạnh lại rủ Thắm đi. Thế là thành thói quen. Hai đứa quên cả sợ ma quên cả cái tên “lãnh địa ma” là cái tên dân làng đặt cho vườn nhà chị Hải. Một lần, giữa trưa vắng, hai đứa chui vào vườn nhà chị Hải. Cây nhãn cổ thụ có cái ba chạc thật là to, hai đứa nằm trên đó đọc sách, hái lá hái quả chơi bán hàng. Hạnh giả làm tiếng chim hót, đàn chim tưởng tiếng của đồng loại tụ về cùng hoà theo như một cái chợ. Hai đứa tước vỏ cây đay đan thành võng, mắc vào thân cây, nằm quay đầu, đu đưa, kẽo kẹt, như chàng Thạch Sanh, công chúa ngủ trong rừng.
Vườn nhà chị Hải thành vườn chơi bí mật của Thắm và Hạnh.
Và một lần, hai đứa nằm đọc sách ngủ quên đến tận chiều muộn, nghe thấy tiếng nghé con ngoài đê gọi mẹ, Hạnh giật mình tỉnh dậy. Hạnh ngạc nhiên thấy mình nằm trên giường chứ không phải nằm trên thân cây nhãn. Nhưng hình như có cái gì khang khác không phải giường nhà mình. Hạnh mở to mắt nhìn lên trần nhà, nhìn ra bậu cửa. Hạnh ngồi dậy. Ngọn đèn leo lét trên bàn thờ có tấm hình một ông cụ mặc áo the, đầu đội khăn xếp, bên kia là ảnh bà cụ đội khăn mỏ quạ. Hạnh cất tiếng gọi “Mẹ ơi!” Một bàn tay nhè nhẹ vỗ vỗ vào vai Hạnh “Ngủ đi con!” Hạnh mồ côi mẹ, Hạnh mới mất cha, cử chỉ ân cần của mẹ, giọng nói yêu thương tình mẫu tử niềm khát khao của Hạnh như thật như mơ, Hạnh nằm xuống chìm vào giấc ngủ. “Ngủ đi con” lâu lắm rồi Hạnh mới được nghe như thế. “Ngủ đi con” dẫn Hạnh vào giấc mơ gặp mẹ.

Không gian chiều tĩnh lặng đến rợn người. Ngoài vườn, thỉnh thoảng vọng vào nhà tiếng quả chín rụng xuống tàu lá, xuống đất, xuống ao, xào xạc, bịch, bộp. Thắm tỉnh dậy. Tưởng mẹ nằm bên cạnh, Thắm quàng tay ôm. Nhưng lạ quá, đó chỉ là chiếc gối! Thắm quờ tay bên này thấy Hạnh. Sao lại như vậy? Thắm toan vùng dậy bỏ chạy. Nhưng vây khắp nhà là màn đêm đen sậm. Lấp loáng ngoài sân có ánh lửa bập bùng, những bóng người kỳ quái đang nhảy múa dưới sân. Tai ù đi vì sợ, Thắm nghe như có tiếng cười, tiếng mẹ nói chuyện với ai đó. Thắm bước xuống giường chạy về phía những bóng người. Chà, bậu cửa cao quá, vấp, Thắm ngã sõng soài. Đứng dậy. Bước qua. Chạy tiếp. Ôi, không phải là mẹ, không phải người, mà là những cái bóng của những đồ vật chum tương vại nước, những cái bóng của hàng cau, cành cây nhãn bập bùng dưới ánh lửa hồng của bếp củi đun nồi cám lợn! Ngoài ngõ tối om bởi những vòm cây ken dày che khuất hết bầu trời. Sợ quá. Thắm chạy ngược vào nhà. Dưới cuối giường, mẹ đang đứng mắc màn, Thắm giang tay ôm mẹ: “Mẹ ơi!”. Nhưng không phải mẹ. Đó chỉ là chiếc áo dài treo cuối giường giống như dáng mẹ! Chiếc áo dài chị Hải mặc duy nhất có một lần. Đó là lần chị đi lấy chồng. Từ ngày anh Hải bỏ đi, chị treo mãi nó ở đó. Thắm hoảng sợ ngã lăn ra giường. Thắm nghe rõ tiếng tim mình thình thịch như tiếng trống. Hạnh vẫn ngủ say như chết. Thắm tức tưởi, lấy can đảm cấu một cái thật đau vào bụng Hạnh. Bịt mồm Hạnh lại, không kịp cho Hạnh biết điều gì, Thắm thì thầm: “Dậy, dậy đi về, nhanh, nhanh lên”. Hai đứa dắt tay nhau lén lút ra khỏi nhà chị Hải. Mới có bảy giờ tối mà trong nhà, ngoài vườn, khu nhà chị Hải đã tối mịt như thể đêm đã rất khuya.
Một buổi chiều hôm khác, nhớ vườn xưa, hai đứa mom men bên bờ ao muốn lẻn vào vườn nhà chị Hải. Chúng không để ý chị Hải đứng bên cầu ao ngóng đợi:
– Này, hai đứa. Sao đứng nắng thế kia? Sang vườn nhà chị chơi không?
Chị Hải nhổ sào, mau lẹ lướt thuyền nan sang đón. Áo lụa Hà Đông, ao đầy hoa súng, chị đẹp như một bức tranh thủy mặc.
– Xuống thuyền đi hai em.
Chị hoạt bát bơi thuyền, nhanh nhảu như một cô thôn nữ chưa chồng:
– Khi nào thích, các em cứ sang vườn nhà chị mà chơi nhé. Chị vui lắm, các em đừng ngại.
Vào nhà, chị Hải không mời nước. Chị xuống gác bếp, mang một bọc mo cau, bảo:
– Long nhãn chị làm. Ăn thử xem. Nhà nhiều lắm, chị treo đầy gác bếp. Sang chơi với chị, thích ăn, cứ tự nhiên mà lấy nhé.
Lâu dần thành thân. Ngày nào Thắm và Hạnh cũng rủ nhau sang nhà chị Hải chơi. Chị Hải làm thức ăn, nấu bánh đúc ngô, luộc khoai mời hai đứa. Những củ khoai ngứa xù xì, bùi và dẻo. Ăn xong, ngứa móc họng, nhớt nhãi chảy dề dề hai đứa nhổ phì phì làm chị Hải phì cười vội vàng pha nước muối cho hai đứa ngậm. Hết việc hết chuyện, ba chị em đi nhặt cành củi khô, trèo cây hái nhãn, tước bẹ cây đay đan võng mắc vào thân cây, chơi trò chơi hàng xóm. Những hôm trời mưa, mấy chị em ngồi trong nhà tách cùi nhãn mọng nước ra khỏi hạt, nghe Hạnh đọc truyện cổ tích từ trong sách giáo khoa.
Nhưng rồi một hôm, con chó Vện nhà chị Hải bỗng dưng tìm đến được nhà Hạnh. Trông nó thật thiểu não, mắt van lơn trĩu buồn. Hạnh ngạc nhiên:
– Ơ Vện, sao mày biết mà đến được đây?
Con Vện không nhìn Hạnh mà tru lên. Cổ họng khe khẽ rên, cuống quýt, nó dùng chân trước khều khều tay Hạnh như thể cầu cứu Hạnh đi theo nó.
Hạnh chạy ra đường, ghé ô cửa sổ gọi Thắm. Con vện chạy phía trước, thỉnh thoảng nó lại dừng lại ngó lại phía sau, ánh mắt cuống quýt cầu khẩn như thể thúc giục Thắm và Hạnh hãy nhanh nhanh lên.
Con Vện chạy thẳng ra vườn, chỗ gốc nhãn mắc võng. Nó chạy đi chạy lại gọi ra hiệu cho hai đứa chỗ chị Hải nằm. Chị Hải bất động trên chiếc võng được làm bằng sợi tơ đay do hai đứa đan từ ngày đột nhập vào vườn. Con Vện chạy quanh chị Hải, rũi mõm vào tóc chị, vai chị, cổ chị hít hít hà hà rên rên khóc. Con Vện khều khều nhấc nhấc bàn tay chị, bàn tay cứng đờ bất động. Bất lực, nghếch mõm về phía Thắm và Hạnh, Vện khịt khịt mũi như thể cầu cứu. Có vẻ đôi bạn chẳng hiểu gì, Vện húc đầu vào phía sau Hạnh, đẩy Hạnh đến chỗ chị nằm. Chẳng thể làm gì được, Vện đau khổ nằm phủ phục bên thi thể chủ của mình như một đứa con ngoan bên mẹ.
Thắm và Hạnh. Hai đứa trẻ run sợ không khóc nổi thành lời. Chúng không nghĩ được gì, không lý giải được và không hiểu được tại sao lại như thế. Chúng trở nên câm lặng. Câm lặng không kể không thông báo chuyện này với bất cứ một ai.
Ít ngày sau, một con trâu nhà khác chui vào vườn nhà chị Hải bứt nõn chuối ăn, quần nát những khóm dong riềng đang mơn mởn. Người ta đi tìm trâu và phát hiện xác chị Hải trên chiếc võng đan bằng sợi đay tươi. Con Vện chết trong tư thế nằm ngoan dưới chân chủ. Người ta kết luận, chị Hải bị trúng gió đột tử.

 

Chương 19

Đã hết đâu những chuyện đau thương đổ lên đầu đàn bà con gái quê tôi. Còn đây nữa, bà ngoại kể cho mẹ tôi nghe cái chết thảm của chị Năm xinh đẹp.
Vòm trời này, làng xóm này bí ẩn mông lung. Thắm và Hạnh như đôi chim tu hú trú ẩn trong nhà. Sợ ánh sáng, sợ bóng đêm, sợ súng đạn, sợ những con người. Sợ tất cả những gì đã từng tồn tại và đang tồn tại.
Nhà chị Năm có cái cầu ao trên mặt nước đầm sen ai qua đường cái quan cũng nhìn thấy mỗi khi chị xuất hiện ở nơi này. Chị Năm hồn nhiên lắm, lần nào ra cầu ao rửa rau giặt giũ chị cũng điệu đàng viên mãn ngắm hình mình in trên mặt nước. Người qua đường liếc nhìn, chị càng điệu đàng hơn, như thể chị là diễn viên đang biểu diễn trên sân khấu.
Chị Năm bất ngờ lấy chồng. Bao trai làng buồn tênh.
Tháng Bảy năm ấy lũ sông Hồng lên to. Cả làng ùa ra bãi, lội ruộng nước sông ngập quá đầu, lặn ngụp giành giật với lũ từng bắp ngô, củ khoai.
Chị Năm mới sinh con đang thì ở cữ. Tháng Bảy mùa lũ cũng là mùa nhãn chín. Nước to cũng là năm nhãn được mùa. Nhãn chín, bẻ không kịp, bão tràn về là mất đứt thu nhập một vụ nhãn.
Chị Năm làm dâu ở với bố mẹ chồng.
Ở nhà một mình, chị Năm trèo cây bẻ nhãn. Cây nhãn to nhiều cành, chị thoăn thoắt như chim sâu nhảy, chuyền từ cành này sang cành khác bẻ những chùm nhãn chín mọng thả vào thúng, cái thúng được chị treo lủng lẳng trên cành. Nhãn đầy thúng, chị xuống đất thả lỏng dây thừng cho thúng nhãn từ từ hạ xuống, chị bưng vào nhà đánh đống dưới sàn.
Nuôi con nhỏ, chị Năm nhiều sữa lắm, bầu sữa đầy như quả bóng căng hơi thấm ướt làn áo mỏng lộ núm vú hồng tươi xinh xinh nhỏ xíu. Chị Năm, con chim sâu chăm chỉ say sưa cố bẻ cho hết quả một cây nhãn sai, chị mới chịu nghỉ vào nhà đánh thức con dậy cho con bú.
Chị Năm đâu biết, dưới đất, thằng tây mê mẩn toà thiên nhiên của chị. Cái ống quần lĩnh chị mặc rộng thùng thình che sao nổi cái nhìn từ dưới nhìn lên thấu đến tận cạp quần. Chị không mặc áo yếm. Cái áo bà ba rộng che sao nổi bầu vú nuôi con bằng sữa mẹ đẫy đà, những giọt sữa ấm nóng nhinh nhích từng giọt rỏ xuống gốc cây.
Mồ hôi ướt đẫm lưng, nhễ nhại trên gương mặt đỏ hồng thanh khiết. Chị Năm ngừng tay bẻ nhãn, thõng chân ngồi nghỉ trên cây nhãn. Những quả nhãn chín mọng ngọt lịm, hết mệt, tỉnh người.
Chợt chị giật mình nhận thấy, hạt nhãn như những viên bi chị nhả rơi xuống đất bật tiếng kêu coong, coong. Chị cúi xuống nhìn. Trời, cái mũ sắt trên đầu thằng tây! Hắn ngửa cổ nhìn chị, nhe nhởn cười. Đôi mắt hắn xanh lè, ánh mắt man dại của một thằng nghiện lên cơn thèm thuốc. Chị bủn nhủn chân tay vì sợ. Cái chỗ đầy râu không thấy mồm, một âm thanh ngọng nghịu phát ra:
– Xuống đây, ồ, xuống đây nào…
Chị Năm run. Cây nhãn cũng run.
Thằng tây như con lợn đói ngửi thấy mùi cám mà chưa được ăn. Hắn cuống quýt, xoắn xuýt, khẩn khoản:
– Ồ. Ma đam, xuống đây nào. Đừng sợ.
Thằng tây khẩn khoản. Nó tháo chiếc đồng hồ trên tay giơ lên. Nó cởi áo khoe bộ ngực đầy lông. Chị Năm bám chặt cành cây. Chị kiên định nghĩ cách. Thằng tây ôm gốc cây ngửa cổ ngóng đợi như con sói thèm nho. Chị Năm bất ngờ nhảy vào thúng nhãn, chìm nghỉm và lặng im.
Thằng tây ngửa cổ lên không thấy chị Năm đâu, nó đu người lên, toan với thúng nhãn treo lơ lửng cành bên. Nhưng, cành nhãn bị sâu, gãy khục, tạo thành một đòn chí tử giáng xuống lưng tây. Đau điếng, tức giận, thằng tây giương súng bóp cò. Bằm bằm bằm.
Đứa trẻ sơ sinh giật mình khóc thét.
Đạn xuyên áo chị Năm. Thúng nhãn tan tành, từng mảnh nhỏ và nhẹ bay bay, rơi rơi như cánh én cùng ngàn ngàn tia máu sáng láng như cầu vồng như những chùm pháo hoa rực rỡ giữa bầu trời trong vắt gió im. Những mảnh vụn da thịt chị Năm quyện trong máu đỏ thành dòng xối xả như mưa lửa táp vào mặt thằng tây, đẫm dày mặt đất, loang trên mặt hồ, đọng trên tàu lá sen vương trên ngàn lá nhãn như ngàn con mắt, ngàn con mắt vằn lên ngầu đỏ.
Sợi dây thừng lõng thõng đong đưa. Đứa trẻ trong nhà im bặt.
Bốn chín ngày mất, nhà chùa làm lễ cầu hồn cho chị Năm. Trời hôm ấy nở một trận mưa rào lịch sử. Mưa nhuần nhuyễn nhiều ngày. Máu khô rẻo quánh, quyện vào mưa sền sệt chảy, ngấm, thấm sâu vào lòng đất. Mưa. Mưa tiễn đau thương lùi vào quá khứ. Mưa rửa u buồn. Mưa tắm đất, cỏ cây hoa lá, con người quê tôi cũng như được gột rửa tinh thần, bừng tỉnh tươi mát sống cho ngày mai.
Những chuyện này, tôi được nghe mẹ kể khi tôi còn rất nhỏ, mẹ vẫn chưa già. Và sau này, mẹ vẫn kể. Mẹ kể cho tôi chỉ là cái cớ để mẹ tự kể cho chính mình, để mẹ trở về với quá khứ với những kỷ niệm của chính mẹ.
Vẫn là những câu chuyện ấy, mỗi năm thêm tuổi, lời kể, lời bình của mẹ bớt cay nghiệt hơn, tôi nhận thấy, càng già, nhìn nhận của mẹ càng trở nên độ lượng, đôi khi dễ dãi, nhẹ như lông hồng.
Mẹ chép miệng thở dài, ở đâu có gái đẹp, ở đó có tai ương! Con gái làng mình đẹp. Hồng nhan thì bạc mệnh. Người ngoan thì chóng già. Bọn thực dân nó hãm hiếp con gái làng mình nhiều nhất vùng. Bị hãm hiếp, có cô xấu hổ nhảy sông tự vẫn. Có cô buộc bụng, chui vào ruộng ngô đẻ vụng, tự tay chôn sống con. Tiểu thư nhà cai Loọng bị thằng Pháp mắt xanh mũi lõ muốn lấy làm vợ. Thằng tây thập thò đầu ngõ thường ngày, hắn lân la học nói tiếng Việt để làm quen. Một hôm, có người bẩm báo với Cai Lọong, họ nhìn thấy thằng tây đang đi đến đầu làng, chắc là vào nhà ông. Cai Loọng nghe vậy, vội vàng bảo con gái trốn ngay vào kiệu thóc, đậy kín lại. Ông dự định nội đêm nay sẽ phải đưa tiểu thư đi gửi nhà người họ hàng trên miền ngược. Thằng tây hôm ấy đến nhà ông cai Loọng thật. Hắn gan lì đề xuất ở lại ăn bữa cơm chiều, đợi gặp được tiểu thư mới ra về. Gia nhân mổ gà, rượu ngon thết khách. Rượu say, thằng tây ngồi ì. Cả nhà ông cai Loọng sốt ruột, sợ lộ, không ai dám đến gần kiệu thóc để xem tình hình tiểu thư ở trong đó thế nào. Khuya lắm thằng tây mũi lõ mới chịu về. Đợi thằng tây đi thật xa, ước chừng nó đi gần về tới doanh trại, gia nhân ra đường canh gác, cai Lọong trong nhà mới dám mở nắp kiệu cho con. Nào ngờ ở trong kiệu thóc kín lâu quá, thiếu khí, tiểu thư chết ngạt, người vẫn còn ấm nóng.
Đám ma tiểu thư, thằng tây bắn hết một băng đạn. Chôn cất xong ai về nhà nấy, mình thằng tây ở lại, ngồi chết lặng bên mộ tiểu thư.

LÊ HỒNG NGUYÊN

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *