“Con hoang” của Lê Hồng Nguyên – Tiểu luận Lê Thị Tuyết Hạnh

Vanvn- Câu chuyện trong “Con hoang” của Lê Hồng Nguyên được chính đứa con hoang kể lại, dưới hình thức nhân vật người kể chuyện ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Chính vì vậy mà câu chuyện có một điểm nhìn tin cậy, nhìn từ trong nhìn ra, nhìn tự thân soi chiếu, vừa khách quan lại vừa chủ quan, vừa như đang chứng kiến tại từng thời điểm hiện tại lại vừa như “biết tuốt” mọi điều… Nhưng thực ra, cái nhân vật xưng “tôi” ấy dù đã được đặt vào vai đứa con trai, và tự nhận là tính cách có nhiều phần “nữ tính”, vẫn chỉ là một ngôi kể “giả”, ngôi kể mà người kể chuyện thật tạo ra để làm điểm tựa cho mình. Người kể chuyện đích thực trong “Con hoang” chính là người kể chuyện ngôi thứ ba – người kể chuyện toàn tri, và chắc chắn mang tâm hồn người nữ…

Tiến sĩ Ngôn ngữ học Lê Thị Tuyết Hạnh ở Canada

Tính nữ ấy trước hết thể hiện ở hệ thống nhân vật xâu chuỗi nên cốt truyện của truyện. Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của những nhân vật nữ mà “tôi” chứng kiến, “tôi” nghe kể lại: bà ngoại, mẹ (cô Thắm), chị Hải, chị Năm, chị Tỏi… Những số phận như cùng hiển hiện một mẫu số chung: nỗi đau truyền kiếp của những người phụ nữ. Đó là những thân phận bị “cuộc đời xô đẩy” dập vùi, đau khổ cùng bởi một lí do: họ sinh ra là phụ nữ, và là phụ nữ trong những tháng năm đất nước đầy thử thách với cuộc chuyển mình đau đớn và dữ dội sinh thành một thể chế mới, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ gian khổ …Bà ngoại tuổi thanh xuân lấy chồng làm kế, đảm đang, chăm chỉ, yêu chồng tha thiết nhưng không được đáp đền. Ngược lại, bà phải chịu cảnh lạnh lẽo phòng không, đơn côi gối chiếc vì lòng thủy chung cố chấp có phần khắc kỉ của người chồng điền chủ nông dân, giàu ruộng nhiều vườn nhưng hẹp lượng yêu thương. Cảnh ngộ cô đơn, ghẻ lạnh và khát khao bản năng đàn bà, khát khao tuổi trẻ đã đẩy bà vào quan hệ bất chính với Mã, kẻ làm công trong nhà để rồi cũng chính bà phải hứng chịu nỗi nhục nhã của dè bỉu dư luận, sự căm hận và khinh bỉ đến vĩnh viễn ra đi của người chồng và cả những ẩn ức trong nỗi đau nội tâm ám ảnh cả cuộc đời con gái. Thắm- con gái bà sinh ra trong mối tình chiếm đoạt và “vụng trộm” với chính người chồng của mình như một nỗ lực giành hạnh phúc, nhưng không thể làm “thắm lại” mối tơ duyên bạc bẽo. Sự lớn lên trong dung nhan tươi thắm của cô lại là đầu mối gieo mầm những hiểm họa của cuộc đời cô, bắt đầu từ sự cưỡng bức của tên cán bộ Mã dâm ô, sự chà đạp mối tình thủy chung, trong trắng suốt đời của cô với Hạnh – Mối tình oan nghiệt, éo le bởi đôi gái sắc trai tài, thanh mai trúc mã lại chính là hai nạn nhân của chiến tranh khốc liệt: con gái của người nữ du kích ra tay giết bố của cậu con trai tên chỉ điểm lại yêu chính anh ta, lại thiết tha chờ đợi người con trai tên phản bội lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc trở về. Và khi Hạnh trở về, thì Thắm đã là vợ hai chủ tịch Mã, đã có cùng ông ta một đứa con chung từ cuộc chiếm đoạt định mệnh nơi đầm Vạc. Thắm đã từ căm hận, trốn chạy để rồi chấp nhận và xót thương Mã. Bản thân Mã cũng đã đổi thay: từ anh nông phu dan díu cùng bà chủ trẻ thành anh xã đội, gia nhập bộ đội chính quy, tham gia chiến dịch Điện biên, chiến đấu ngoan cường và suýt trở thành anh hùng…Trở về làng, Mã thành ông chủ tịch, bí thư chi bộ, chủ nhiệm HTX. Mã từng là chiến sĩ gan dạ, tuân thủ kỉ luật sắt trong quân đội, hoàn toàn “miễn dịch” với đàn bà. Về làng, Mã thành “sát thủ” phụ nữ, một tay hoành hành cả “Ban chấp hành Thủ trưởng”, phá nát cuộc đời bao cô gái ngây thơ như Mỵ, như Thắm, chà đạp rồi bỏ rơi bao người phụ nữ có chồng như chị Tỏi…Mã cũng là người cán bộ xông xáo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, không tham ô, hà lạm, hết mình vì công việc chung, vì sự an vui, no ấm của dân làng như đã từng vì độc lâp tự do dân tộc. Mã cùng ăn, cùng ở, cùng chân lấm, tay bùn, cùng quăng mình trong nước lũ, thức trắng thâu đêm, bạc tóc để xây cống ba cửa, giữ con đê bối, bảo vệ dân làng. Và Mã cũng vì tình mà chịu mất tất cả: chức tước, danh vọng, tay trắng ra đầm Vạc chia sẻ cuộc sống chung cùng tình yêu với ngó sen, đọt sắn. Mã che chắn cho vợ hai, bảo vệ vợ cả. Rồi Mã buộc phải chọn lựa: Mã đi theo tiếng gọi của trái tim, từ bỏ tất cả để về sống chung cùng vợ lẽ, con thêm trong sự dè bỉu, khinh khi của người đời…Và Hạnh – người yêu suốt đời của vợ Mã trở về: phần xác vẹn toàn nhưng nửa hồn thì mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khốc liệt đạn bom, lẫn lộn, nhớ quên và tinh thần tật nguyền mãi mãi. Đoạn kết của cuộc đời cô Thắm là màn đoàn viên truyện Kiều thời hiện đại, kết tinh mọi bi kịch của những cuộc đời chị Hải, chị Năm…Thể xác thuộc về Mã từ khi là cô thiếu nữ mới lớn cho đến khi qua đời, nhưng trọn vẹn tình yêu tinh thần của Thắm đã giành cho Hạnh. Cho đến khi chết, Thắm cũng từ chối không cho đặt mộ Mã cạnh mộ ông Hạnh, để chỉ bà nằm cạnh ông thôi, trong cõi sau vĩnh hằng. Gặp lại Hạnh- người yêu suốt đời, người Thắm từng khát khao, chờ đợi, nhưng hai người mãi mãi chỉ là hai mảnh ghép không thể nào ráp được với nhau. Con bệnh tâm thần do chiến tranh để lại đã khiến Hạnh được trở về với cuộc sống mà không thể sống, càng không thể nào hạnh phúc…Bi kịch của mối tình Thắm – Hạnh cũng là bi kịch chung của một dân tộc vừa kinh qua cuộc chiến, mà dư âm của “nỗi buồn chiến tranh” còn đeo đẳng mãi…

Tính nữ đằm sâu trong sự cảm thông như trải nghiệm bằng máu thịt, tâm hồn với nỗi đau của những thân phận phụ nữ bị chà đạp, xô đẩy ấy, đến mức nhiều khi khó có thể phân biệt đâu là cảm nhận của nhân vật và đâu là cảm nhận của người kể chuyện xưng “tôi” mặc nhiên quy định là đàn ông trong truyện! Những xúc cảm đầu tiên của cô thôn nữ dậy thì là tự sự của Thắm: “Mẹ ngửa mặt lên trời, giang rộng đôi tay như đôi cánh, duỗi nằm trên bãi bờ nâu mịn phù sa. Mầm cỏ ấu non, mềm, nhọn lâm xâm làn da mỏng. Tỉnh ngộ và si mê. Si mê và hoang tưởng. Gương mặt mẹ rạng rỡ, thân thể mẹ căng đầy, mẹ ôm chặt lồng ngực, khe khẽ âm thầm mơ ước, đắm say…’’. Rõ ràng là điểm nhìn người kể chuyện đã được di động chuyển vào điểm nhìn nhân vật, để nhân vật “tự bạch”. Để tâm hồn người nữ được thể hiện hồn nhiên, chân thực. Cũng chỉ chính “bà ngoại’’ là người có thể thấu hiểu hơn ai hết cảm xúc cô đơn, khao khát yêu thương chồng vợ của mình: “Lại đêm nữa, bà đơn phương vùi khát thèm bằng trắng đêm giã gạo. Những đêm trăng quê yên tĩnh trải rộng, miên man dài. Những đêm giã gạo toát mồ hôi, gió vừa đủ lạnh thấm lỗ chân lông gời gợi. Những đêm không chịu nổi, bà ôm chặt cái thân cối giã gạo, òa khóc cho hả lòng hả dạ, cho bớt tủi nhục, cô đơn’’…Cũng như những khát khao giải phóng bản năng đau khổ ở người phụ nữ có chồng mắc bệnh lậu là chị Tỏi chỉ có thể được cảm thông từ những cảm nhận đàn bà: “Chị đi như chạy, Chị chạy như bay lướt trên gương mặt những cô gái non tơ đang nằm như phơi rạ trên đường trực chờ ngăn lũ. Chị như tia chớp rung động bầu trời làm vài ngôi sao bất chợt đổi ngôi…Chị nghe thấy tiếng tim chị đập dồn dập, tiếng máu chạy giần giật trong từng tĩnh mạch phừng phừng bên tai chị..”.

Nhưng có lẽ chất nữ tính đậm đà hơn cả lại là ở tâm hồn quê hương trong những trang viết miêu tả thiên nhiên gió trăng, đồng bãi… như vô tình mà thực chất có chức năng liên kết những sự kiện, tình tiết, làm nên văn mạch truyện. Đây chính là nơi tác giả có thể thỏa sức phô bày thế mạnh của mình: vốn sống dày dặn như am tường từng bãi đất, luống cày, bờ đê, con bối…, và trên hết là một tâm hồn thấm đẫm từng hơi thở quê hương. Có cảm giác rằng, hương thơm ứa mật nhãn lồng hay hương nồng cỏ ấu, sự mát mềm nâu mịn phù sa hay cái ram ráp lá ngô đầy nhựa sống…đã ủ sẵn, lên men trong tâm hồn, kí ức nữ nhà văn. Không gắn bó đến thành máu thịt, không thể tái hiện cả một lịch sử biên niên làng xã, lịch sử những đời người là lẽ đã đành. Không gắn bó đến thành một phần cơ thể của quê hương, không thể thổi hồn cho những dòng sông, cánh đồng, bãi ngô, vườn nhãn… để như chính cái làng quê xưa đang sống dậy, hiện hình trước mắt. Lê Hồng Nguyên cũng thể hiện một khiếu quan sát tỉ mỉ và tinh tế, khi vẽ nên những bức chân dung phong cảnh hay miêu tả sự vật tự nhiên, như những trang miêu tả chuyện tình đôi bọ ngựa nơi vườn chuối, bãi ngô non chứng kiến lần đầu Thắm bị cưỡng bức, và cái đêm đầm Vạc oan nghiệt mà bao dung đã sinh ra nhân vật xưng “tôi’’…Song có lẽ cái chất Hưng Yên không thể nào trộn lẫn không chỉ trong câu chuyện có liên quan đến quãng đời tham gia du kích của nhân vật ngoại, mà nhiều hơn là ở sự có mặt với mật độ dày đặc, rải khắp thiên tiểu thuyết của nhãn lồng quê hương : lá nhãn, chùm nhãn, quả nhãn và vườn nhãn… “Đường bãi hiện ra, nhãn rộ hoa vàng’’là con đường Thắm chạy ra sông khi nhớ Hạnh. “Những vườn nhãn nở bung hoa vàng, đầy đặn tươi thơm như trăm ngàn mâm xôi khổng lồ dâng trời đất”  là khi ông ngoại – chàng trai xứ Thanh lần đầu bén duyên với quê hương nhãn lồng. Lê Hồng Nguyên có liên tưởng phong phú và sự tinh tế trong những so sánh như một thủ pháp nổi trội ưa dùng khi miêu tả. Chỉ riêng hạt nhãn lồng mà với chị, thật muôn hình vạn trạng trong những cảnh huống khác nhau. “Hạt nhãn đen tròn như mắt cười thiếu nữ” trong hồi ức tuổi thơ. “Những hạt nhãn tròn đen như mắt người, lấp lánh căng tròn ngước lên nhìn trăng, nhìn chị, không chớp” chứng kiến những đêm cô đơn, lạnh lẽo của cuộc đời chị Hải. Chứng kiến cuộc đời buồn tẻ, tuổi thanh xuân lụi tàn theo năm tháng của chị là những đàn dơi ăn nhãn một cách khỏng khảnh “Nhãn thơm chúng chỉ nếm có một nửa, để lại nửa quả lõm một cái hố chơ cái hạt nhãn đen tròn long lên như mắt cú trên cây’’. Vườn nhãn cũng là nhân chứng trước nỗi đau đớn phân thân bởi xác thân nhục nhã đã thuộc về kẻ cưỡng bức quyền uy tên Mã, nhưng tâm hồn tha thiết yêu thương vẫn một mực ngóng chờ người yêu phương xa của Thắm. ‘’Nhãn vàng chín rộ. Những chùm nhãn trĩu cong nặng quả. Những quả nhãn bị dơi khoét vỏ trơ hạt đen tròn lấp lánh ánh trăng trông như mắt bồ câu trìu mến chớp chớp hàng mi’’. Báo trước sự cố oan nghiệt trong cuộc đời chị Năm xinh đẹp lại là “những hạt nhãn như những viên bi chị nhả rơi xuống đất bật tiếng kêu coong coong…Trời, cái mũ sắt trên đầu thằng Tây!’’…

Nhà văn Lê Hồng Nguyên

Đặc trưng đồng bãi sông Hồng, sau nhãn là ngô. Ngô cũng trở thành một nhân vật thiên thiên gần gũi, góp phần làm nên gương mặt tâm hồn quê hương của “Con hoang”. “Bãi ngô xanh rủ lá âu sầu chả khác gì một đoàn quân thất trận’’ trong cái đêm trăn trở đầy khát vọng yêu đương của Thắm. “Bãi ngô xanh lực lưỡng như đoàn quân chờ lệnh rì rào’’ khi Thắm chạy trốn trong căng thẳng và hoảng loạn. Và khi cô bị nạn, “những thân ngô xanh mướt mỡ màng như những chàng lính trẻ măng tơ mơn mởn tuổi dậy thì gục ngã lên nhau…’’. Thiên nhiên trong tiểu thuyết của Lê Hồng Nguyên đã không còn chỉ là yếu tố tạo nền phông cảnh nữa. Và tiểu thuyết “Con hoang” chính là con đẻ của quê hương xứ nhãn ven đê sông Hồng…

Chỉ có thể lý giải điều này bằng tình yêu máu thịt với quê hương ở chị. Tình yêu đã khiến những kí ức tuổi thơ ùa về sống động. Tình yêu khiến mỗi con sông, ngọn gió, cánh đồng …đều như cất lời thầm thì kể chuyện xưa. Tình yêu khiến những câu chuyện ấu thơ cha kể như có khối có hình, có thịt, có xương…Tình yêu khiến người viết nhập tâm như quỷ ám, như thể chính mình đã khóc, đã yêu, đã dằn vặt và đau khổ…Những trang văn đẫm tràn cảm xúc. Chất nhạc ngân lên từ chính trái tim mình. Không cố ý, nhưng để diễn tả cảm xúc dâng trào, chị thấy cần thiết phải dùng những điệp từ, điệp ngữ, cấu trúc câu ngắn, dài trùng điệp, vượt qua khuôn khổ ngữ pháp thông thường, tạo nên những câu văn giàu tính nhạc. Nhạc tính ấy, cùng với những hình tượng được tạo nên bởi trí tưởng tượng phong phú và liên tưởng bất ngờ, làm thành chất thơ trong văn xuôi Lê Hồng Nguyên, như chính tâm hồn mộng mơ của chị. Rất dễ dàng bắt gặp trong “Con hoang’’ những đoạn như thế này: “Gió ù vù vù vút vút. Sông Hồng ầng ậc ưỡn lồng ngực đập tung trắng xóa. Gió. Gào. Dạt dào. Cây. Lào xào. Thì thào. Mẹ chạy. Con đường cụt, hụt, tụt xuống lòng sông”. Có những trang miêu tả phảng phất hơi thơ của thi sĩ họ Hàn: “Và trăng nữa, lộng lẫy trăng, điệu đàng trăng, ảo ảnh trăng, quyến rũ trăng, tình tứ trăng, lộ liễu trăng, khát khao trăng, dịu dàng trăng…Bụi chuối bên bụi chuối, cây bên cây tựa vào nhau, va vào nhau vươn những tấm lá dài to như tấm phản hứng mưa trăng, lếnh láng trăng, ướt sũng trăng, yêu mến trăng”…Và đây là cái kết của nhân vật chính: “Tôi vục đầu vào lòng mẹ. Mẹ bình yên trôi trong đêm, trôi trong đêm, trôi trong giấc ngủ êm đềm. Tôi nín lặng khô dòng nước mắt. Trong thinh không nghe du dương tiếng mẹ thầm thì, ngày xưa, ngày xưa, mẹ trẻ đẹp nhất làng… Ngày xưa, ngày xưa, mẹ có một mối tình…”.

Tình yêu đã khiến điều nghịch lý thành có lý. Người phụ nữ tràn đầy năng lượng yêu thương và hạnh phúc mới có thể thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ sâu sắc nỗi khát thèm, bất hạnh của những người phụ nữ thiếu thốn và đau khổ, bị chà đạp, đọa đầy trong tủi nhục, cô đơn. Chính vì thế mà chúng ta trân trọng hơn nỗ lực đòi quyền sống và hạnh phúc cho những người cùng giới của chị. Chúng ta trân trọng tình yêu, tình nghĩa với quê hương của chị, dù cho đây đó còn những câu, từ chưa thật chọn lọc; đôi chỗ sử dụng đại từ nhân xưng chưa thật khớp, cũng như hình ảnh tân kì phá vỡ không khí cổ trang, như tấm áo dài trắng trong tay Thắm và danh xưng “ nàng” lạc lõng với xuất thân, thời đại sống của cô, như hạt thóc trong bát cơm gạo mới…Những điều đó trở thành nhỏ bé trước trái tim đang thắt lại vì đồng cảm, xót xa cùng những thân phận đàn bà đau khổ, bé nhỏ trước tình yêu. Đọc Lê Hồng Nguyên, ta bất giác nhớ câu thơ Xuân Diệu: “Làm sao sống được mà không yêu”?…

LÊ THỊ TUYẾT HẠNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *