Cỗ quan tài – Truyện ngắn của Đào Quốc Minh

Vanvn- Tưởng chết. Rồi lại ngoe nguẩy sống tiếp. Cứ thế, đến mỗi đêm rằm, dân làng lại la hét om sòm có đứa nhảy ao. Là hắn. Hắn tự tử để tìm lại mảnh trăng khuya. Theo lời hắn thì là như vậy. Nhưng sáng sớm, hắn lại lóp ngóp bò lên bờ, thân mình trần truồng, dính đầy rêu và bèo.

Nhà văn trẻ Đào Quốc Minh ở Hà Nội 

Hắn lại chết. Cái tin hắn chết chẳng còn loang khắp ngôi làng bên bờ nam sông Đuống. Người ta đã nhanh chóng cho qua. Cái tin đó đã nhanh chóng chìm vào dòng lũ thông tin ngập ngụa rác thải đổ về từ thành phố. Mặc cho cái chết của hắn, thêm một lần lại là cái chết hụt. Không ai còn nhớ hắn đã chết hụt bao nhiêu lần. Lũ trẻ con vốn đã đặt cả đồng dao về cái chết của hắn. Bài đồng dao từng như miếng cơm, ngụm nước hằng ngày. Cái chết của hắn cũng từng là câu hát ru và lời đe nẹt mỗi đêm. Thậm chí từng biến hóa ra vô số chuyện phiếm của làng. Tại sao hắn chết. Không ai rõ. Thỉnh thoảng, có người thấy hắn đi làm về, bất thần lao đầu đánh bốp một cái vào tường, lăn quay ra đất, máu me đầm đìa. Chấn thương sọ não. Đó là chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện huyện. Tưởng chết. Mà lại không chết được.

Cũng có lúc, trước đám đông đang xì xụp dưới chân một bức tượng vàng vàng, hắn tưới nguyên chai xăng lên bộ đồ lem luốc, nhảy bổ vào đống mã đang cháy bùng bùng. Bỏng toàn thân. Tưởng chết. Rồi lại ngoe nguẩy sống tiếp. Cứ thế, đến mỗi đêm rằm, dân làng lại la hét om sòm có đứa nhảy ao. Là hắn. Hắn tự tử để tìm lại mảnh trăng khuya. Theo lời hắn thì là như vậy. Nhưng sáng sớm, hắn lại lóp ngóp bò lên bờ, thân mình trần truồng, dính đầy rêu và bèo. Dù cả đêm không ai tìm vớt được hắn, cứ như đã chìm rất sâu vậy. Nhưng đừng ai nghĩ là hắn bị khờ và bị khùng. Không. Hắn rất thông minh. Và vô cùng tỉnh táo. Từ ngày dân Yên Mỹ bỏ hoang nghĩa địa phía bắc làng, đêm đêm, có tin đồn về một kẻ, chẳng biết ma hay người, đôi khi lập lòe cái đốm đo đỏ, bên các hố huyệt lạnh ngắt không một làn hương ngọn khói. Hắn chăng. Bởi hắn nghiện thuốc lá nặng. Và chưa bao giờ hàng xóm thấy bóng đèn vàng trong nhà hắn sáng về đêm. Một tiếng động nhẹ cũng không. Căn nhà của hắn từ lâu mọc toàn cỏ cao tới đầu…

Nhưng điều đó thực ra cũng chẳng quan trọng với dân làng. Người ta còn quá nhiều việc phải lo toan hơn là điều tra về một vài cái đốm lửa ở nghĩa địa, hay để tâm đến một căn nhà trống rỗng. Hắn cứ chết. Mỗi lần hắn chết, càng về sau, câu chuyện càng nhạt dần. Đôi khi rộ lên tin đồn. Và người ta còn cố gắng để bịt nó đi. Bởi các các chú rể đang lo một lý lịch đẹp để đón rước các cô dâu của mình. Bởi các hương chức còn cần danh hiệu làng văn hóa. Làng phải truyền thống, phải văn minh, phải oai hùng và tinh túy. Đâu thể để người đời cho rằng làng có huyết thống cuồng điên được, dù chỉ là một giọt máu. Người đời sẽ nghĩ sao. Các ban bệ sẽ nghĩ sao. Nếu tự dưng nhân một dịp lễ, có một thằng nào đó, nhảy ra, và dùng dao cứa cổ giữa sân đình. Ôi. Thật là. Không thể chấp nhận được. Và cái chết của hắn, dù thật, hay hụt, cũng đều bị ém đi. Cho đến khi đám trẻ con lớn lên, chẳng đứa nào được nghe và truyền miệng về vô số lần chết hụt của hắn nữa.

Hắn lại chết. Lần này, hắn lại chết. Nhưng là cái chết chẳng ai buồn chứng kiến. Chỉ còn tôi. Một lão thợ mộc hết thời. Đã đóng không biết bao nhiêu cỗ quan tài cho dân Yên Mỹ. Giờ đây, cả trăm kiệt tác của đời tôi đều đang nằm chỏng trơ và ngổn ngang trên nghĩa địa. Tôi vẫn sống ở nơi đây để ngắm lại từng cỗ một, bởi tất cả đã được quật lên, để phục vụ cho kế hoạch của kẻ trên cao. Dù hắn đang nằm khếch trong một cỗ quan tài gỗ vàng tâm trăm tuổi vỡ nắp. Nhưng điều đó cũng chẳng can hệ gì đến tôi. Cả trăm cỗ quan tài tuyệt đẹp biến thành phế vật đã khiến tôi rớt nước mắt. Đây đó, rất nhiều con chó què chân và mù lòa vì bị đánh đuổi khỏi nhà, sục những cái mõm hôi hám vào lòng từng cỗ quan tài, cái bụng hóp lại trơ ra bộ xương sườn dính sát vào lớp da trụi sạch lông. Nghĩa địa của làng Yên Mỹ mỗi ngày đón tiếp không biết bao nhiêu xác chó. Chúng rời làng và đành chết đói ở nơi đây, trong từng hộc gỗ. Những hộc gỗ khiến tôi như chìm vào cơn mơ mỗi khi ngắm lại đường nét chạm trổ loáng màu sơn vàng son.

Làng Yên Mỹ nằm trong một vòng cung huyện lộ hình ô van. Vốn là một quần thể kiến trúc hỗn hợp của cả bên lương, phật và giáo. Cả cái nghĩa địa cũng vậy. Người ta từng dễ dàng trông thấy cây thập giá xam xám từ đằng xa. Không phải một cây, mà là hàng trăm cây. Và khách bộ hành, ai cũng có thể ngửi được mùi nhang đèn nồng nàn phả ra từ mỗi căn nhà nâu sòng, bên ngoài mỗi cánh cửa bằng gỗ lim dán một lá bùa mật chú. Chiếm một khoảng đất rộng thênh là trụ sở nhà văn hóa với lá cờ tung bay phần phật. Nhưng đó là câu chuyện đã qua lâu lắm rồi. Tôi phải bắt đầu kể từ đâu nhỉ? À. Phải rồi. Có lẽ là. Bắt đầu từ lần đầu tiên hắn chết. Lần đầu tiên hắn chết là tại chính cái nghĩa địa này. Đó là cái chết rúng động. Bởi di thư hắn từng gửi cho cô gái vô danh, xin hãy chôn xác hắn dưới chân thập giá, trong ánh nến trắng và hồi chuông cầu nguyện, không cho phép gia đình, dù bất cứ ai, chạm vào thân xác chưa tàn lạnh của hắn. Cha hắn. Một người phục viên già đến mức cái lưng còng nhô lên cục bướu, đã ngã vật ra chết vì cơn tức tối, vì không thể nào chấp nhận nổi. Hắn chết, nhưng thình lình sống lại…

Y sĩ trong làng chẩn đoán hắn chết giả. Chết giả. Là trạng thái hôn mê sâu. Hơi thở ngắt hẳn. Toàn thân gần như tê liệt. Tuy vậy, các cơ quan vẫn hoạt động ở mức độ rất thấp. Tim hắn đập vẫn vô cùng chậm. Dễ tưởng ngưng hẳn. Từ ngày đó, hắn hay tha thẩn nơi âm trạch này. Nhiều năm trôi đi, làng Yên Mỹ xây dựng nông thôn mới, quần thể kiến trúc pha tạp của làng đã quy hoạch thuần nhất. Nhiều hộ dân đã chuyển đi, mang theo cả chứng nhân và chứng tích văn hóa. Cũng không còn ai chôn cất tại chỗ cũ nữa. Nhiều gia đình học đòi nhau mua đất táng cho cha mẹ họ ở công viên Vĩnh Hằng mới mở rộng gần đây. Cũng từ ngày đó, hắn bắt đầu bập vào thuốc lá như con nghiện. Và cái chết của hắn chưa bao giờ dứt. Câu chuyện về hắn, người đời đã quên sạch. Sự thực là như thế. Chỉ còn tôi – lão thợ mộc hết thời, ngày nào cũng ra thăm nom lại những mảnh gỗ đầy hoa văn và đất bùn – là nhớ đôi chút. Dù ngay cả cái tên hắn, tôi cũng không đoan chắc nữa. Hắn là con nhà ai? Hắn có vợ và có con cái hay không? Hắn bao nhiêu tuổi? Tôi chẳng làm sao nhớ lại hay đoán ra được. Mấy năm trước, thỉnh thoảng tôi còn gặp hắn, sau mỗi lần chết hụt, trong những đêm dài, hai người cùng chia nhau một đốm thuốc chập chờn, cùng ngồi trên đống gỗ tanh lợm, quay lưng về ngôi làng, hướng mặt ra bờ sông lành lạnh gió, ù ù hơi thở của mùa đông đất bắc. Ký ức lãng đãng của một lão thợ mộc già nua cũng chỉ lưu lại được bấy nhiêu…

Hắn làm công cho một nhà máy. Mấy năm gần đây, số lượng nhà máy, công xưởng tăng lên theo cấp số nhân, xâm chiếm toàn bộ các vùng ven đô và thay thế cho cánh đồng hay các vườn tược. Khu công nghiệp tập trung đã làm rung chuyển tận gốc rễ của những cây đa, giếng nước, sân đình. Người già thì ở nhà nhận đồ gia công cho các cơ sở kinh tế kỹ thuật nhỏ lẻ. Trung niên và thanh niên thì dễ dàng, với sức vóc nông dân, có thể kiếm được một công việc trong dây chuyền sản xuất, lắp ráp, đóng gói và phân phối của các công ty lớn hơn. Ngay cả lũ trẻ con, cũng lăng xăng chạy việc trong các quán ăn, hàng bia hơi hay phát tờ rơi, lô đề. Hắn cũng không phải là ngoại lệ. Tuy vậy, người cùng làm không bao giờ nhìn được rõ gương mặt của hắn. Hắn, luôn bịt khẩu trang kín mặt. Ngay cả lúc giao ca mỗi sáng, trong mươi phút giải lao hay khi tiếng còi báo hiệu tan tầm réo lên rồi ngắt hẳn. Hắn, vẫn luôn bịt khẩu trang kín mặt. Nhưng dù bịt khẩu trang, khoảng không xung quanh hắn vẫn nồng nặc mùi khói thuốc lá. Người ta chẳng thể hiểu hắn hút thuốc vào lúc nào và ở đâu với cái miệng bị che mất như vậy. Dù rõ ràng là khói thuốc phả ra từ bộ trang phục công nhân và miếng vải khẩu trang với những lỗ thông khí li ti, phủ một màn mịt mù trắng đục khắp nhà máy. Nhưng cũng có thể lắm chứ, khói thuốc, không từ đâu khác, mà bốc lên từ chính họ… Ngay trong chính mũi họ, vòm họng của họ, hay hai lá phổi thủng toang hoác của họ. Mà chẳng ai dám nhận là của mình. Riêng hắn, hắn mặc kệ những cái xua tay. Không những không bỏ khẩu trang ra, mà hắn cũng chẳng nói, chẳng chửi thề, hay bất cứ một câu gì được gọi là tiếng người. Người ta đã nhiều lần đánh hắn, quấy rối hắn, cúp lương hắn, đuổi việc hắn. Hắn không cãi, không chống trả. Làm cho ai cũng vậy. Hắn đúng giờ đến mức tuyệt đối. Và thành thục các động tác kỹ thuật không kém gì tờ hướng dẫn sử dụng. Đến xưởng, chỉ làm việc, rồi rời xưởng.

Tôi không bao giờ theo được thứ luật trong các nhà máy. Chính vì thế, tôi vẫn chỉ là một lão thợ mộc già. Thui thủi sống quanh quẩn bên nghĩa địa. Ngày đêm lao lực để đóng duy nhất một cỗ quan tài. Có thể nói là đẹp đẽ nhất, tinh xảo nhất, bằng thứ gỗ quý nhất và được xức dầu. Cỗ quan tài đó, tôi dành riêng cho mình, nếu không, thì chắc chỉ dành cho hắn, như một sự lựa chọn thứ hai, nhưng không kém phần danh giá! Hắn chết. Hắn lại chết. Chết giả. Rồi chết hụt. Rồi tin đồn mới chết. Hay đang hấp hối. Hoặc hồi quang phản chiếu. Vân vân… Nhưng tôi đồ rằng còn khướt hắn mới chết hẳn được. Tôi chợt phì cười vì ý nghĩ châm biếm của mình. Không để ý đến cái lồng chim khướu bạc má treo lủng lẳng trên mái hiên từ lâu lắm rồi chẳng còn động đậy nữa. Tôi vươn vai, vặn mình sang hai bên để xương cốt được vận động thoải mái, giảm những cơn nhức mỏi kinh niên của một người thợ thủ công. Lồng chim nay đã chẳng còn tiếng hót. Con khướu mun thì vẫn còn đấy. Nhưng nó đã chết khô. Chơi chim, đối với tôi, giờ là một thú chơi xa xỉ. Quăng chiếc lồng vào xó vườn, tôi đứng dậy, mười đầu ngón tay chai sạn với mười hoa tay từng tròn đẹp, vuốt nhè nhẹ lên tấm nắp quan tài, cảm giác mân mê, say sưa ngắm nhìn tạo tác của chính mình khiến lòng tôi nao nao khó tả. Cả dòng họ tôi, bốn đời đóng quan tài, bây giờ chấm dứt ở thế hệ tôi, trong chính cỗ quan tài này. Bất giác, lòng tôi nhói lên, mái tóc bạc rủ xuống ủ dột.

Lại nói về cô gái vô danh. Không ai từng biết tên của người con gái ấy. Ngay cả gương mặt cô ra sao, vóc dáng cao hay thấp, nước da sáng hay xạm màu, giọng nói miền bắc, miền trung hay miền nam… cũng chẳng mấy ai còn nhớ nổi. Người ta đã từng râm ran hỏi nhau, truyền khẩu nhau những phiếm đàm đầy nghi hoặc về thân thế của cô, về mối quan hệ giữa cô và hắn, về lý do cô đứng trước quan tài của hắn ngay trước giờ hạ huyệt năm đó, và về di thư mà hắn đã trao truyền cho cô, cái thứ đã cướp đi sinh mạng của cha hắn và dường như đã khiến hắn không thể nào chết nổi. Đã lâu lắm rồi, lời đồn năm đó về bào thai trong bụng cô cũng đã lặn vào tiềm thức hoang đường của làng Yên Mỹ. Tôi cũng loáng thoáng nghe được họ kháo nhau, rằng vào một đêm mùa đông giá lạnh, cô đã đặt đứa bé mới sinh có màu da đen đúa vào máng cỏ trong chuồng bò của gia đình hắn, rồi đoạn trường lạc thủy lưu hoa, đến nay cũng đã hơn mười ba năm. Tuy vậy, có người đi xa về từng kể lại là đã thấy một gương mặt hao hao giống người năm ấy, lẫn vào trong đám gái làng chơi, của một quán karaoke lớn nhất vùng này, được mở ra cũng từng ấy năm rồi, ngay trên mảnh đất đầu làng, trước kia vốn là đất công do đình làng quản lý. Dù thế, tôi chẳng khi nào tin đó là sự thật. Những chuyện đơm đặt trên đời này nhiều vô thiên lủng. Bởi tôi là nhân chứng số một, vào một buổi sớm mùa đông, chính tôi đã nhìn thấy cô gái trầm mình xuống dòng sông, và mảnh áo trắng tinh khôi mà tôi vớt vát lại được, nay vẫn còn nằm trong một cỗ quan tài bằng gỗ xoan do tôi đóng, nằm ọp ẹp cách chỗ tôi đứng không xa, như một nấm mộ gió cô đơn, tôi cất riêng cho người đàn bà bạc mệnh.

Cũng từng ấy năm, hắn đam mê hát karaoke. Chẳng bao giờ người ta thấy hắn uống bia hay nốc rượu, dù là trong quán, khi hát hay khi làm tình. Nhưng dễ dàng bắt gặp bộ dạng vật vờ của hắn, đứng trước cánh cổng gỗ lim còn lại duy nhất của làng, cánh cổng nhà hắn, miệng nôn thốc tháo, vầng trán đỏ bừng nhăn nhúm lại, và con ngươi lồi ra nhìn tròng trọc vào bóng tối. Có lúc hắn đẩy cửa bước vào, và có lúc hắn quay đầu bỏ chạy. Hắn làm gì trong quán thì chẳng ma nào quan tâm. Hắn rời phòng hát cũng chẳng ma nào để ý. Chỉ tội đứa quét dọn vệ sinh phải thu lượm hàng chục vỏ bao thuốc lá bẹp dúm bẹp dí la liệt trong căn phòng. Nhưng thế quái nào mà hút thuốc lá lại có thể say bí tỉ như con ma men thì không bà chủ chứa nào lý giải nổi. Và người ta cũng chẳng thèm lý giải thêm. Sau lưng hắn, tiếng nhạc xập xình trong ánh đèn xanh đỏ vẫn rừng rực mỗi đêm. Ở đó, hắn đã ngốn hết cả tháng lương bèo bọt của một thằng công nhân nhà máy sản xuất bóng đèn điện. Ngoài trời đêm, làng Yên Mỹ sáng bừng như giữa buổi trưa hè. Bóng hắn đổ dài trên ngã ba, trở về nhà hoặc trốn vào nghĩa địa, nơi bóng tối mịt mùng đang ngự trị. Quanh đây, sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy bầy đom đóm xanh lè như chòm sao buồn của đất đai màu mỡ. Chúng đã chết. Và đã tan thành bụi. Đám bụi cuốn tung lên trong gió, phủ vàng mái tóc kẻ lưu vong. Tôi đi tìm hắn. Đang đứng như trời trồng. Mếu máo như trẻ lên năm. Ánh mắt long lanh một vì sao lạc…

Tranh của họa sĩ Nguyễn Khôi

Hắn trở về nhà. Chẳng hề chợp mắt. Dường như hắn chưa bao giờ ngủ lại sau từng ấy năm. Hắn ngồi đó. Trên một chiếc giát giường sắp sập. Trong gian nhà tăm tối và ẩm thấp. Đốt thuốc. Và đốt thuốc. Chiếc gạt tàn cũ đã vỡ toác được thay bằng một chiếc gạt tàn khác hình ô van đen tuyền cũng chẳng lành lặn gì, nhưng là thứ hắn nhặt được trên đường về nhà. Những tàn thuốc cuộn lên trong cơn gió đêm thổi xuyên qua khe cửa, rồi lại lắng xuống, nằm gọn trong chiếc gạt tàn. Chút tàn lửa âm ỉ giây lát le lói như màu mắt đỏ, rồi nhanh chóng rời rã và đành lụi tắt. Nhưng cũng đủ để sợi dây chuyền bạc có móc hình chữ thập ánh lên trong màn đêm. Trên tấm ngực trần đỏ gay và rậm rịt đầy lông lá xoăn tin tít của hắn. Từng nhịp thở nghèn nghẹn. Nghe như tiếng ợ hơi nặng nhọc vì một vật chẳng nuốt trôi. Mà lại giống như hơi thở hắt, khó khăn lắm mới trút ra được. Thỉnh thoảng, hắn ngước mắt nhìn đăm đăm vào bức vách có treo một cây súng hơi bắn chim mà hai nòng đã giăng mắc toàn mạng nhện. Như muốn nhấc mình dậy thật nhanh. Nhưng lại vô cùng yếu ớt và chồn chân. Rốt cục. Hắn lại vẫn ngồi đó. Đốt thuốc. Và đốt thuốc. Hắn có thể quên tất cả thế gian. Nhưng chẳng khi nào quên đêm nay là cái đêm gì. Dù từ lâu lắm rồi đôi tai của hắn không còn vểnh nghe hồi chuông giữa đêm ngân vang khắp chốn. Mười hai giờ đêm. Hắn dúi tàn thuốc lá. Ngẩng đầu lên. Đợi chờ. Và thổn thức. Tất cả các giác quan của hắn như tươi mới lại. Như sống lại tuổi hai mươi của nhiều năm về trước. Mười hai giờ một phút. Rồi hai phút. Rồi ba phút. Hắn vẫn ngẩng đầu. Vẫn đợi. Rồi năm phút. Mười phút. Hắn lại ngẩng đầu. Và đợi. Rồi mười lăm phút. Rồi nửa tiếng. Rồi một giờ… Tiếng xương gáy khục xuống. Hắn đành gục đầu. Hai mí mắt của hắn, thâm quầng, tối sầm, từ từ khép lại. Hắn ngồi như thế rất lâu. Rất rất lâu. Rồi bất giác nâng chiếc đầu lại vị trí cũ. Hai ngón tay xạm khói kẹp lại điếu thuốc đã hóa tàn tro, chỉ còn lại đầu lọc màu ố vàng, nhợt nhạt và ẩm đẫm toàn nước bọt, và tiếp tục đặt đầu lọc lên miệng, rít một hơi dài không thành khói thuốc. Cặp môi tím tái mím chặt, như để giữ lại một tiếng thở dài tuyệt vọng. Con ngươi đùng đục và lờ đờ. Tất cả ánh sáng lòa đi. Ba giờ sáng, hắn vùng dậy, xô cánh cửa sắp long ra từ bản lề, vụt chạy về phía bóng tối, mà theo tưởng tượng của hắn, thì đó là con đường trở về cõi linh thiêng. Tiếng bước chân thình thịch nặng nề và chao đảo. Hắn đã chạy rất xa làng. Về phía dòng sông. Nơi có xưởng mộc của tôi. Hắn cứ chạy như thế. Chạy rất lâu. Nhưng dường như mấy tiếng đồng hồ, tôi vẫn chỉ nhìn thấy cái bóng của hắn chạy về phía tôi, mà không tài nào nhìn gặp được hắn bằng xương bằng thịt. Rõ ràng là hắn đang chạy về phía tôi. Nhưng có lẽ không thể nào chạy tới nơi. Ban mai đang lên cao trên nghĩa địa. Cái bóng của hắn chẳng còn nghiêng ngả trên con đường nữa. Có lẽ, giờ này, hắn đã có mặt ở nhà máy, làm việc đúng giờ, trong bộ đồ lem luốc và cái khẩu trang bịt kín gương mặt, trong màn khói thuốc mịt mù, gần thành phố.

Lâu rồi tôi không về làng. Nghe đồn năm ngoái người ta đã quyên từ các hộ gia đình nhẫn vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng, khuyên tai vàng, rồi cả mảnh vàng lá, chỉ vàng, lượng vàng thương mại được tích trữ trong tủ sắt, và đúc ra một bức tượng đầu bò bằng vàng, được đặt nghiêm mật trong một miếu thờ ở cuối làng. Dưới chân bức tượng đầu bò, ngày đêm nến trắng sáng bừng, ngày đêm có hàng đoàn người, không chỉ là dân bản địa, mà còn là những kẻ hành hương từ phương xa đến, để lễ lạt và cầu khẩn. Xin một được trăm. Kỳ lạ là thần bò còn hiểu được tâm ý của con người. Dù không đến tận nơi, nhưng riêng với quan cao lộc hậu, thì chỉ cần hàng đêm tâm niệm danh xưng thần bò, tức khắc được ban phát. Những câu chuyện truyền kỳ về thần bò truyền tụng trong dân gian. Bức tượng đầu bò được coi là có thần khí vô địch, không kẻ nào có thể hủy hoại nổi. Cũng bởi tượng còn được làm bằng vàng nữa. Thần bò linh thiêng đến độ đã được dân chúng khắp nơi thờ phượng. Và người ta coi làng Yên Mỹ là đất tổ của thần bò. Đất tổ biến thành trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa và thủ phủ tâm linh.

Vậy mà. Chập tối hôm nay. Cái đầu bò đã bị đập vỡ. Chỉ bằng cái chày giã thịt của một đứa trẻ đen nhẻm chừng hơn mươi tuổi. Từ tối, tiếng khua xoong gõ chảo vang dậy cả vùng. Người ta săn lùng nó. Săn lùng kẻ đã dám mạo phạm thánh thần. Phen này chắc chắn sẽ có một lễ tế sống. Và máu của kẻ vô tri chắc chắn sẽ phải được dùng để tắm gột cho vị thần chí tôn vô thượng. Thần bò. Suốt tối. Tôi ngồi thu lu trong gian nhà gỗ dựng mục nát bên nghĩa địa. Tôi sợ đến nỗi không dám đặt nửa bàn chân ra bên ngoài bậu cửa. Chưa bao giờ không khí căm phẫn của dân làng lại dâng lên cao như thế này. Ánh đèn pin và ánh lửa rực sáng, chiếu những đường khai quang từ phía làng, dọc trên khắp các ngả đường dẫn về gian nhà của tôi. Nhưng dường như họ vẫn kiêng giè cái gì đó, mà chẳng thấy một ai tiến sâu về phía bóng tối đang bao trùm trên mấy cây thập giá đổ gục…

Tiếng lạch xoạch bên ngoài khiến tôi giật mình. Qua khe gỗ nứt, tôi trông thấy một vóc dáng thâm thấp, gầy còm, mái tóc xơ xác, sực lên mùi hôi hám lâu ngày của da thịt. Tôi đánh bạo. Lăm lăm cái rìu sắc lẻm. Mở toang cánh cửa. Một thân xác rúm ró đột nhiên lao ập vào người tôi. Gương mặt nhăn nhúm. Con ngươi loạn thần. Răng nghiến kèn kẹt. Hai cánh tay căng cứng. Bàn tay gồng lên và nắm chặt. Thân mình giãy giụa và co giật. Những giọt máu loang lổ trên mảnh áo màu cháo lòng. Đó là một đứa trẻ. Nó đang lên cơn. Có thể là động kinh. Có thể là tâm thần phân liệt. Cũng có thể là ngáo đá. Nhưng nhiều phần là do quá kinh hãi. Thật tội nghiệp. Tôi dìu nó. Nhưng không thể dìu nổi. Nó quằn quại trên nền đất. Miệng sùi ra những đám bọt trắng đục. Tiếng gào rú của nó khiến tôi rợn tóc gáy. Tôi thừ người. Ngồi thụp xuống. Dựa lưng vào bức tường đối diện với nó. Đăm đắm nhìn nó. Không dứt. Suốt tối hôm đó. Nó vật vã, đau đớn và điên loạn. Nửa đêm. Nó chết. Tôi bồng nó lên. Cái xác nhẹ bỗng, lọt thỏm trong cỗ quan tài tôi đã đóng cho riêng mình và có thể cho hắn nữa. Bỗng nhiên. Cỗ quan tài nứt toác. Sáu tấm ván gỗ sập xuống. Ập lên thân thể bé mọn của đứa trẻ. Tôi bàng hoàng. Chẳng còn tin vào đôi tay nghề mộc của mình. Đôi chân tôi lùi lại. Và ngã khuỵu xuống. Bên bức tường sàn sạt những tổ mối trắng. Ngoài kia. Tiếng giầy ba ta của hắn thình thịch và nặng nề đã trở lại nơi đây. Tôi lại trông thấy đốm lửa lập lòe đo đỏ trên đống ván gỗ đằng xa. Tháng mười hai, đợt gió mùa đông bắc ùa về.

Bước đến bên hắn. Tôi buồn hơn bao giờ hết. Hắn vẫn đốt thuốc. Không nói câu gì. Chỉ còn tiếng nói thầm thì và u uẩn trong tâm khảm hoang phế của tôi, như từ trong giấc mộng du của một lão thợ mộc già mang số phận và sứ mệnh đầy đau khổ. “Tôi đã già rồi. Chẳng thể đóng cho riêng tôi và cho anh một cỗ quan tài nào như thế nữa”. Hắn đưa tôi điếu thuốc sắp lụi. Ánh lửa lần cuối sáng lên.

ĐÀO QUỐC MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *