Vanvn- Tôi rời làng, đi học ở Sài Gòn hơn hai mươi năm trước. Những chuyến xe về nhà luôn là những chuyến đi được những đứa trẻ từ núi lần đầu xa quê háo hức mong chờ nhất là những đứa lần đầu rời mảnh đất quen thuộc mà mình đã gắn bó với rẫy nương, đồi núi, bản làng.
Từ Sài Gòn về Gia Lai hầu hết xe đi vào ban đêm nên trước buổi thi tôi đã xếp sẵn áo quần hành lý để thi xong chỉ việc nhanh chóng nộp bài, trèo lên xe buýt và ra thẳng bến xe Miền Đông. Từng chuyến xe buýt cuối năm cũng chộn rộn vị Tết bởi những chiếc vali, rương sắt to đùng của những đứa sinh viên như tôi. Bến xe là nơi Tết đến thật sớm. Ở đó không khí rộn rã tấp nập khác thường của người đến, người đi. Ở bến xe, nghe giọng nói của nhau, tiếng chào hỏi nhau râm ran với lời chúc cửa miệng bình an, thượng lộ. Chuyến xe ấy cho tôi thêm những người bạn đồng hương học ở những trường khác. Chúng tôi lấy địa chỉ để viết thư, trao đổi, hẹn hò. Vì sốt ruột về nhà nên đứa nào cũng nôn nao không ngủ.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
Tôi thức suốt chặng đường lăn bánh. Xe dừng lại ở quãng Bình Phước ăn cơm. Ánh trăng khuya sáng rõ tròn vạnh trên nền trời cao xanh. Gió se sắt, cái lạnh về đêm len vào lớp áo mỏng là tôi biết đường về gần đến nhà mình gần lắm, dù khoảng cách còn bốn trăm cây số nữa mới chạm ngõ nhà.
Tôi thao thức nhìn ra cửa sổ xe, những khoảng rừng còn sót nhấp nhô trên núi dưới ánh trăng về khuya vằng vặc. Những căn nhà còn sáng điện leo lét bên vệ đường. Trời khuya càng lạnh, chúng tôi ngồi sát vào nhau cho đến khi thiếp đi, thi thoảng giật mình vì xe phanh gấp hay có tiếng còi giật thột của những pha tránh gấp của chiếc xe ca cũ.
Tiết trời cuối năm của Pleiku lạnh. Cái lạnh ùa về từ khi trời tắt những cơn mưa đổi gió. Cha đã đứng co ro ở bến xe nhả từng sợi khói thuốc dài. Ông mặc chiếc áo lạnh dày, đầu đội mũ len trùm kín tai, huơ huơ đèn pin lên những chiếc xe vừa dừng kêu “Điệp, Điệp”. (Khi ngồi viết những dòng này tôi vẫn còn nghe tiếng cha gọi sau lưng mình thảng thốt dù khoảng cách âm dương chia lìa cha con đã bốn năm có lẻ). Trong dòng người tấp nập và tiếng ồn ã của bến xe tôi vẫn nhận ra dáng lêu khêu của cha với tiếng nói ồm ồm lẫn mùi rừng và khói bếp. Tôi nhón chân vẫy vẫy, kéo vali và kêu “cha cha” mừng rỡ xoắn xuýt.
Cha đưa tôi chiếc áo ấm thơm mùi tủ gỗ đã cất suốt cả năm rồi. Tôi xuýt xoa mặc tất tay đội mũ bảo hiểm và lập cập vì lạnh trong khi cha đã loay hoay chất xong vali lên trước xe. Hai cha con nói chuyện trên trời dưới bể về khung trời thành phố hấp dẫn trong đôi mắt trẻ 18 lần đầu xa quê. Cha kể về cái Tết thật gần mà cả nhà đã dày công chuẩn bị suốt bốn mươi cây số.
Lưng cha rộng chắn bớt hơi lạnh từ phía trước. Tôi ngồi sau vẫn co ro vì Sài Gòn đâu có mùa đông. Cô gái bé nhỏ của núi rừng đã xa cái lạnh từ núi lâu quá. Ông kể chuyện những đứa bạn ở nhà, những vật nuôi quen thuộc. Ông có lối kể nhân cách hóa, hài hước khiến hai cha con cười rung cả chiếc xe máy cũ khi qua những đoạn đường xóc dằn. Tôi ôm lưng cha, người cha gầy nhưng ấm, hơi ấm truyền qua hai chiếc áo dày khiến tôi an lòng giữa quãng đường dài hun hút tối.
Nhà tôi nằm trong một thung lũng hẹp, sau khi qua hết những thửa rừng thông xanh của lâm trường thì đến nhà. Gió rừng thông khẽ hát vi vu như chào người bạn nhỏ trở về. Mẹ tôi đã thắp sáng đèn, nổi lửa nấu sẵn nồi cháo gà để đãi con gái. Mấy đứa em trai tôi mùa đông ngủ lười cũng đã thức dậy ngồi xung quanh bếp lửa đợi chị Hai. Chúng ngái ngủ nhưng ráng bước ra khỏi cái chăn dày để nhận những món quà mà chị đã biên thư về kể hôm trước và cả câu chuyện có những căn nhà thật cao của Sài Gòn phố thị.

Cả nhà ngồi quây quần bên bếp lửa. Tôi kể bao nhiêu chuyện thì cũng đến lúc sương tan, trời sáng rõ mặt người. Tôi đi ra vườn. Trên cánh cổng đan bằng le để bảo vệ vườn rau khỏi đàn gà bới bậy, những giọt sương còn đọng lại từng hạt tròn ướt át. Giữa hai luống rau mẹ trồng vẫn còn đọng nước ở rãnh đường đi in dấu bàn chân nứt gót của mẹ. Hai mươi Tết những luống rau múp máp ươm những ngọn non xanh đợi mấy ngày nữa theo mẹ ra chợ quê bên mớ lá dong xanh, bó lạt giang cha cắm cúi chẻ. Mẹ phơi sương nắng những nắm ngò già trên hàng rào để đun nước cả nhà tắm cuối năm tẩy bụi. Con chó vàng trốn theo tôi ra vườn chạy lẽo đẽo trong vườn rau để mẹ phải xua tay đuổi. Nó ghé chân lên cái cọc hàng rào, đứng ngạo nghễ một lúc đánh dấu rồi mới đủng đỉnh rời đi. Ngoài xa, trên cánh đồng mới sạ mạ mới lên non lấm tấm trên những màn nước trắng loang loáng. Dãy núi vẫn còn im lìm ngủ trong màn sương dày đặc mỏi mệt chờ mặt trời ló dạng ban mai.
Thoắt cái tôi đi làm cũng đã gần hai mươi năm. Bây giờ đường sá rộng rãi, xe đỗ ngay cổng nhà. Mẹ nói Tết năm rồi dịch bệnh phức tạp, xe cộ thưa đi. Các con đã gọi điện báo không về nhà vậy mà những chuyến xe giáp Tết chạy ngang qua bà cứ thao thức chờ. Nghe tiếng còi gần là mẹ tỉnh giấc thao thức đợi. Cuối năm thấy có người về mẹ lại ngong ngóng hỏi tin con. Mẹ nói, biết đâu đó trên những chuyến xe cuối năm lỡ bánh dừng lại và con mình bước xuống, biết đâu mấy đứa nhỏ muốn tạo niềm vui bất ngờ ú tim tìm kiếm?
Năm nay trời lạ, đã cuối năm còn thảng thốt mưa về. Trước cửa phòng làm việc của tôi có bạn trẻ nào đó vừa huýt sáo vừa hát “đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa…”. Ô thì cũng đã chạm ngõ Tết, trẻ hay già, ở đâu cũng loáng thoáng hai chữ: Về nhà.
TẠ THỊ ĐIỆP (Gia Lai)