Chuyến về nhà cuối cùng – Tản văn dự thi của Nguyễn Minh Ngọc Hà

Vanvn- Có lẽ mỗi người đều ôm ấp cho riêng mình những ước mơ. Tôi cũng không ngoại lệ. Với đứa trẻ thôn quê khốn khó như tôi, ba từ “lên Sài Gòn” có sức hấp dẫn lạ kỳ. Sài Gòn trong tâm trí tôi là một miền đất hứa, chốn hoa lệ và rực rỡ ánh đèn qua giọng điệu xuýt xoa của những người “mới ở trển về” kể lại.

Cứ thế, tôi ôm giấc mộng Sài Gòn mà lớn lên.

Niềm vui giản dị mỗi ngày của mẹ

Mười tám tuổi, tôi làm một cuộc di cư với mong ước đổi đời bằng con đường đại học. “Đứa trẻ ngày xưa” đã đến thật gần miền đất hứa và biến ước mơ thành sự thật. Tuổi trẻ nào không nhiệt huyết, không khao khát sự nghiệp, công danh? Và Sài Gòn đã thành công níu chân cô sinh viên Đại học Kinh tế ở lại gầy dựng sự nghiệp cho riêng mình.

Tuổi thơ đã trải qua những ngày tháng khó khăn, đói kém, chứng kiến sự nhọc nhằn, vất vả của ba mẹ nên tôi nghĩ mình phải kiếm thật nhiều tiền mới có thể phụng dưỡng ba mẹ, để ông bà có cuộc sống an nhàn hơn.

Có người bảo rằng: “Tốc độ thành công của bạn nhất định phải vượt qua tốc độ già đi của bố mẹ”. Tôi đã thành công bước đầu, nhưng vẫn là không kịp, bởi tôi đã quên mất rằng trong lúc tôi đang bận bịu trưởng thành thì ba mẹ mình cũng ngày một già yếu.

“Giai đoạn này không còn liệu pháp chữa trị, chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân bằng chăm sóc y tế.”

“Thời gian sống trung bình là 6 tháng, ngắn hơn hay dài hơn tùy thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân”…

Từng câu nói như sét đánh giữa trời quang. Mẹ gục xuống sau khi nghe kết quả chẩn đoán từ bác sĩ. Tôi đứng im bất động, nước mắt lặng lẽ tuôn rơi. Đau đớn vô cùng! Cảm giác như tim mình vừa bị ai đâm một nhát chí mạng. Cổ họng nghẹn đắng khiến tôi không thốt nên lời. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc suốt buổi sáng hôm ấy. Tôi và mẹ ngoài mặt cố gắng vui vẻ để ba có thể sống vui chuỗi ngày còn lại. Nhưng vui vẻ thế nào đây? Làm cách nào vui vẻ khi mỗi ngày thức dậy là một ngày đếm ngược người thân yêu nhất của mình sắp lìa xa dương thế?

Rồi cái đêm mưa lạnh lẽo và kinh hoàng ấy cũng đến, ba tôi trút hơi thở cuối cùng. Mẹ tôi đã khóc cạn nước mắt trước nỗi đau quá lớn này. Trong đám tang của ba, mẹ ca hát, nhảy múa như “lên đồng”. Người bình thường nhìn vào đều hiểu rằng mẹ tôi đã phát điên. Trên đầu vẫn còn chịu tang ba, tôi không muốn phải mất thêm mẹ. Hoang mang và lo sợ tột cùng! Đó là giai đoạn mà mỗi ngày tôi đều rửa mặt bằng nước mắt, khóc thương ba, thương mẹ và khóc thương chính mình…

Những lúc nửa mê, nửa tỉnh, mẹ cứ lặp đi lặp lại câu nói: “Thời gian sống trung bình là 6 tháng” rồi lại khổ sở tự trách mình. Mẹ vừa hỏi tôi vừa rung lắc vai tôi thật mạnh: “Có phải nếu mẹ không bảo ba con đi khám bệnh thì ông sẽ có những ngày tháng cuối đời an vui hơn? Có phải ba con cũng sợ hãi khi cận kề với cái chết? Bác sĩ nói là 6 tháng mà ba con chỉ mới 5 tháng đã đi rồi! Tại sao vậy? Tại sao vậy?”. Mỗi câu hỏi xé lòng của mẹ vang lên là thêm một nhát dao cứa vào tim tôi đau đớn. Chính tôi cũng muốn hỏi tại sao? Tại sao cuộc đời lại tàn nhẫn cướp đi của tôi người cha thân yêu nhất? Ba tôi còn trẻ lắm! Ông chỉ mới 55 tuổi thôi, ông vẫn còn khỏe lắm mà! Tại sao lại như vậy?

Không một ai có thể trả lời cho những câu hỏi tại sao ấy, có chăng chính là cuộc sống vô thường. Tôi vẫn nghĩ ba mẹ còn trẻ và khỏe mạnh, tôi vẫn còn rất nhiều thời gian để chăm sóc và báo hiếu. Chỉ đến khi chăm sóc ba những ngày cuối đời trên giường bệnh, chỉ đến khi dỗ dành mẹ uống thuốc, ngăn cản mẹ những hành động bất thường tôi mới chợt nhận ra ba mẹ mình đã già đi rất nhanh, sức khỏe cũng đã giảm sút rất nhiều.

Tôi bỗng thấy hối hận vì những hành động và quyết định của mình trước đó. Giá như tôi biết mình chẳng còn nhiều thời gian ở bên ba, có lẽ tôi đã không chọn sinh sống và lập nghiệp xa nhà. Giá như tôi hiểu được những buổi đoàn tụ gia đình quý báu đến nhường nào, có lẽ tôi đã không vì những áp lực và mệt mỏi của bản thân mà chẳng trở về thăm ba mẹ.

Để đến hôm nay, mỗi khi nghĩ lại câu nói giận dỗi của ba “Mày ở trên đó luôn đi, khỏi về!”, tôi mới chợt hiểu và nhận thức sâu sắc rằng ba nhớ tôi đến nhường nào, ông muốn tôi về thăm ông biết bao. Giá như tôi hiểu được điều đó sớm hơn, giá như tôi biết trân quý những phút giây đoàn tụ bên gia đình hơn, có lẽ giờ đây tôi không phải hối hận và xót xa nhiều đến thế.

Đáng tiếc, cuộc đời lại không có những giá như.

Tác giả Nguyễn Minh Ngọc Hà

Tôi nghỉ làm ở Sài Gòn và dọn về sống cùng mẹ. Những ngày tháng kề cận bên mẹ là những ngày tháng tôi tìm được niềm vui và sự thanh thản trong tâm hồn. Thay vì tự trách bản thân đã không thể báo hiếu cho ba, tôi dồn sức để phụng dưỡng mẹ.

Từ vị trí quản lý cấp trung của một ngân hàng lớn, tôi sắm vai một người buôn bán nhỏ để tiện trông nom, săn sóc mẹ. Mấy năm sau, mẹ tôi dần tỉnh lại. Nhiều người cảm thấy tiếc cho sự học hành bao nhiêu năm của tôi. Có người lại bảo, sao không đón mẹ xuống thành phố ở cùng. Nhưng họ không phải là tôi, họ cũng không phải là mẹ tôi, họ không thể biết mảnh đất này gắn bó với mẹ đến nhường nào, cũng không thể hiểu tôi lo sợ sẽ mất mẹ biết bao.

Tôi lo sợ sự vô thường và tàn nhẫn của cuộc đời, như cái cách mà cuộc đời đã cướp mất ba tôi. Mười năm đã trôi qua kể từ biến cố ấy, tôi sống bình lặng mà vui vẻ bên mẹ. Chuyến về nhà cuối cùng đã đưa tôi về với niềm hạnh phúc lớn lao nhất của đời người. Ở đâu có mẹ, nơi đó có bình yên.

NGUYỄN MINH NGỌC HÀ (Bình Dương)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *