Vanvn- Trời xế chiều, đám cỏ dại trước hiên nhà được ngọn gió đùa giỡn, gió rít qua. Vài con chim cu đất bé nhỏ nhảy nhót trên bậc thềm xi măng tinh nghịch. Chúng kiếm tìm một thứ gì đó, như tôi đang cố kiếm tìm một buổi chiều của những ngày trước đây.
Một sớm thức dậy, tôi quyết định vào miền nam ở một thời gian. Tôi đến ga và bắt chuyến tàu vào tầm giờ trưa. Sàn tàu trông hơi bẩn, chiếc ghế gỗ dài dành cho hai người bỗng trở nên chật chội vì nó khiến tôi phải cố ngăn mình không được chạm vào người ngồi cạnh. Âm thanh còi tàu và đường ray vang lên xình xịch liên hồi, màn đêm bên ngoài khung cửa buồng nhanh để nhường chỗ cho thứ ánh sáng lập lòe của những ngôi nhà dọc đường ray hay bên rìa núi. Mọi thứ làm tôi nhớ về “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, chỉ bất chợt nhớ thôi. Chiếc ba lô không nặng nhọc mấy vì tôi chỉ để vài thứ linh tinh cho chuyến đi không chút kỳ vọng này.

Người đàn ông ngồi ở phía đối diện trạc 40 tuổi. Ông mặc một chiếc áo sơ mi sọc dọc, nhăn nhàu vì không được ai là thẳng, có vẻ ông ta là người nghiện thuốc lá, hơi thở nặc mùi, môi thâm và màu da trở nên sậm. Cứ tầm 30 phút người đàn ông lại cúi đầu xin phép đi ra để vào nhà vệ sinh. Ngồi ở đây tôi quan sát làn khói mờ ảo chen qua khe hở nhỏ phía trên căn phòng cuối dãy. Sự tảng lờ nhưng khó chịu của người phụ nữ ngồi cạnh bên thật dễ dàng nhận thấy. Cô ta có dáng người mảnh mai nhưng khuôn mặt đầy đặn, mái tóc đã bị cháy xém có lẽ do nhuộm quá nhiều lần.
“Anh nhà tôi bị nghiện hút, thật phiền mọi người quá.” Cô ta cúi đầu liên tục để thể hiện sự lịch thiệp khi ông ta vừa bước đi.
Đi được nữa ngày thì anh chàng ngồi kế bên tôi xuống tàu, không chút ấn tượng gì đặc biệt ngoài việc anh ta không có ngón tay trỏ. Chàng trai lặng lẽ bước đi. Tôi hình dung một ngôi nhà tường đất, những lời càm ràm của người cha khi gánh lúa về lúc trời chập tối. Và chiều nọ ngón tay trỏ của đứa con trai trưởng “nên được” chặt lìa đi.
“Nó ở nhà sẽ nuôi được cái gia đình này, đi rồi lấy gì mà ăn.”
Lúc nửa đêm người phụ nữ ngồi đối diện tôi xuống tàu trong khi ông chồng vẫn còn ngủ. Tôi hơi bất ngờ về sự rời đi thầm lặng. Trời trở sáng, ông ta nháo nhào tìm cái ví tiền.
“Mẹ kiếp đứa nào trộm cái ví tiền của tao.”
Ông ta nhìn tôi với sự tức giận nhưng thực ra là vẻ cầu khẩn nói cho ông ta biết điều gì đã xảy ra.
“Cô ta bảo ông là chồng của cổ.” Tôi ngừng nói và giấu đi việc nhìn thấy cô ta tự nhiên thò tay vào chiếc ba lô lấy thứ gì đó trong đêm . Ông ôm đầu ngồi rũ rượi rồi lục tìm bức hình cuối cùng của người vợ quá cố.
Miền Nam không khác mấy như tôi tưởng tượng, nhưng sự hoang sơ dần trở nên vắng bóng. Đón tôi ở ga Sài Gòn là thằng Thuận. Nó vẫn thế, điệu bộ không khác mấy, có chăng là cái đầu ba phân. Anh chàng ngồi trên dãy ghế chờ và đang quan sát một mảnh giấy dưới lòng bàn tay. Tôi bước chậm đến rồi vỗ vào vai nó khiến nó giật mình quay phắc ra sau.
“Ơ, tới rồi à. Đói chưa tao dẫn đi ăn nhé.”
“Chưa, tao ăn ổ bánh mì rồi. Cho tao về phòng mày đi, người mệt quá!”
Từ đoạn ở ga đến khi về đến nhà hai chúng tôi nói qua loa vài ba thứ chuyện. Chuyến đi phải mất hơn một ngày trời để di chuyển. Người tôi nặc mùi dầu máy. Ở dọc hai bên đường quán xá cũng bắt đầu nhộn nhịp hơn. Khu trọ của Thuận nằm trong con hẻm nhỏ của một cái đường lớn. Đó là căn phòng số bảy, tuy nhỏ nhưng cũng gọn gàng, sạch sẽ lắm. Thuận ở chung với một đứa khác, hình như cùng lớp đại học. Lát sau nó quăng cho tôi cái gối, tôi nằm ngủ suốt sáu tiếng liền. Khi thức dậy đã là mười giờ đêm, bên ngoài có một cái sân đủ rộng cho vài ván cầu lông ra trò, gió cứ thế thôi vào, mát lạnh. Tôi tắm rồi thấy ở bàn có hộp cơm để sẵn.
“Tao mua cơm cho mày á, ăn đi.”
“Cảm động quá đi.”
“Ăn đi rồi ra ngoài đây ngồi uống trà.”
Ngoài hiên có tiếng cười nói rôm rả và tiếng hát nhè nhẹ của một cô bé nào đó. Là một bản nhạc không mấy quen với tôi, phần lời là một chuyện tình dang dở. Tôi bước ra, cũng phải khoảng năm đến sáu bạn trẻ quay nhìn tôi. Thuận giới thiệu.
“Đây là Minh, bạn anh, vô đây chơi vài tuần.”
“Ngồi xuống chơi anh.” – Một cậu bạn nhích người qua nhường chỗ.
“Anh cùng quê với anh Thuận hở?”
“Ừm, anh ở chung xóm với nó, học chung từ hồi cấp II.”
“Dạ, em là Nga, học chung ngành với anh Thuận nhưng sau một khóa.”
Những khuôn mặt tuấn tú này phải hai đến ba hôm sau tôi mới nhớ được hết tên. Quả thực để nhớ tên người nào đó với tôi thì không mấy dễ dàng.

Thuận kiệm lời nên điều cũng đó ít nhiều giúp tôi cảm thấy thoải mái. Có những lúc tôi thầm cảm ơn nó đã vì nó không hỏi bất cứ điều gì về vấn đề của tôi nhưng lại có lúc tôi ước giá mà nó hỏi “Mày có chuyện gì phải không?” để tôi có thể nói ra hết, rằng tôi là đứa con hoang. Nỗi đau không đến từ sự bất ngờ mà nó khởi sinh từ sự lừa dối. Mẹ tôi, bà sinh tôi ra và giờ đây tôi lại mang thứ cảm giác tội lỗi với cha mình.
“Mày đâu phải con của tao, mẹ mày đi rồi, rồi mày ở đây làm cái gì nữa, đi luôn đi cho khuất mắt ?”
Cha đau xót, ổng đau là lẽ đương nhiên, trong giây phút đó tôi biết ông ấy đang tua lại những thước phim từ ngày tôi lọt lòng. Ổng thương tôi nhiều đến thế cơ mà. Nỗi đau thật dễ dàng khiến người ta muốn khước từ những gì đã xảy ra dù nó đẹp đến thế nào. Bỗng chốc tôi trở thành kẻ mồ côi trong khi có cả cha lẫn mẹ.
Ở dãy trọ có con mèo hoang, cứ đêm về, nó đến rồi đi qua đi lại trước khoảng sân, kêu ngao ngao ai oán. Có thằng nhóc đi ngang bảo:
“Chắc chị mèo lại đòi theo đực rồi!”. Nói xong anh chàng cười khanh khách. Tôi thấy bụng nóng lên và lao thẳng tới đấm nó một phát vào quai hàm rồi bỏ vào nhà trong sự bàn hoàn của mọi người. Sau đó là một loạt những âm thanh nhốn nháo trong khi tôi vùi mặt vào cái gối ở góc tường.
“Tao biết mày đang phải trải qua một số vấn đề. Mọi thứ kinh khủng thật, nhưng chuyện mày đánh thằng Sơn vô cớ thì không chấp nhận được.” – Thằng Thuận ngồi cạnh tôi thả từng từ thật chậm rãi.
“Tao biết, sáng mai tao sẽ đến gặp nó để xin lỗi.”
“Ừ…mà Minh, tao nghĩ mày nên về đi, đừng để ông già một mình, tội nghiệp lắm.”
“Ai chứa tao nữa mày?”. Tôi cười thành tiếng để dịu đi sự căng thẳng trong căn phòng chật hẹp này.
“Không phải khi tin yêu điều gì đó quá mức sẽ càng khiến họ đau lòng sao. Vốn dĩ chú Hai không muốn nhìn mày vì ổng có cảm giác bị đánh cắp mọi thứ thôi…Mẹ của mày đánh cắp quyền làm cha của ổng một cách ngang nhiên. Ổng thương mày, kỳ vọng ở mày. Thử hỏi có đứa con trai nào khi được sinh ra lại không chứa khao khát tuổi trẻ của một người làm cha. Ổng đã ở bên mày trong ngần ấy năm và hân hoan nhìn những thành công của mày như niềm hạnh phúc với những điều ông đã không làm được. Giờ thì mất hết, không phải vậy sao?”
“Nhưng tao đâu có ghét cha.”
“Vậy thì về đi, lăn tăn cái gì nữa.”
“Đối diện thế nào đây Thuận ơi? .” – Tôi nhíu mày lại hỏi.
“Có một chút lấn cấn nhưng mày hãy bỏ những thứ quái quỷ trong đầu ra rồi mọi chuyện sẽ trở lại ban đầu thôi. Tình thân không hẳn chỉ xuất phát từ những người ruột thịt đâu mày.”
Tôi im lặng và hình ảnh bàn tay không có ngón tay trỏ cùng với vẻ đau đớn khi ông già trên tàu nhìn tấm hình của người vợ vô tình lại hiện ra trong đầu tôi.
Sáng hôm sau gặp Sơn xong tôi ôm ba lô trở về quê. Thuận nhìn tôi qua khung cửa sổ tàu hỏa rồi nở nụ cười chào tạm biệt. Nó bằng tuổi tôi và cũng chẳng ai ngờ nó là đứa bạn tôi luôn tìm tới trong khi mẹ tôi đã có lần bị mẹ nó giật tiền rồi biến mất.
Con tàu chạy xình xịch rồi lăn bánh nhanh hơn. Người phụ nữ dãy bên kia đang quát tháo thằng con khi nó cứ đòi ăn cá khô mãi.
“Ăn mặn vậy khát nước chết cha mày.”
Thằng nhỏ khóc om sòm. Tôi nực cười khi thấy đời mình hình như đang “khát nước”. Ngồi đối diện tôi là một cô bé tầm lớp 2, lớp 3 gì đó. Cô bé chăm chú tô màu xanh đỏ trên một tấm giấy được lót bìa cứng phía sau. Một lát lại ngước lên nhìn tôi. Người mẹ hiền từ ngồi kế bên hôn vào mái tóc của cô bé rồi hỏi.
“Con gái mẹ vẽ đẹp quá đi, mốt lớn lên muốn làm gì nè?”
“Con muốn là con thôi!”. Mẹ nó đứng hình ba giây rồi nhìn tôi mỉm cười.
Rồi tàu cũng đến sân ga, mọi người hân hoan, mừng rỡ trước những mối nhân duyên được lần nữa nhen nhóm. Tôi lại thấy mình như đi ngược, nửa muốn đến nơi, nửa sợ hãi về sự chối bỏ.
Chưa bao giờ tôi thấy sợ khi trở về nhà như lúc này. Tôi đã cố bước thật nhỏ để khoảng cách về nhà thêm xa hơn. Lớp đất cát bên đường trở nên mịn do xe cộ đi lại nhiều lần, đám cỏ mọc dưới đất cũng bị cán dập hết lá và thân. Ở phía bên kia đường tôi thấy ai như cha, ổng đi nghiêng qua xẹo về, chắc lại say. Rồi tự dựng cha lao vào hai, ba người đang đứng cách đó vài mét đánh họ túi bụi. Ông hét lên, những cú đấm yếu ớt cùng với tiếng khóc than.
“Nó là con tao sao mày dám nói nó là con hoang…Nó…Nó là con của tao…là con của tao.”
Tôi chỉ còn nhớ mình vùi đầu vào tấm lưng nhiều mồ hôi và cát bụi của cha. Vị mặn ở khóe mắt chảy dài xuống miệng. Sau lớp nước mờ trong đôi mắt ấy tôi thấy ông quay người hôn lên mái tóc đầy mùi nắng của tôi.
TRẦN PHAN ĐINH LĂNG