Chuyện gì đang xảy ra với sách giáo khoa mới?

Vanvn- Đã sang năm học thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, triển khai ở các lớp 1, 2 và 6. Chương trình tiếp tục triển khai ở lớp 3, 7 và 10 trong năm học 2022-2023. Ấy thế nhưng, dư luận xã hội một lần nữa lại nóng lên vì những bất cập trong công tác biên soạn, quy trình thẩm định, lựa chọn, tiếp thu góp ý, sửa chữa sách giáo khoa thời gian qua.

Lớp tập huấn, nâng cao trình độ sư phạm cho giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Huy Hoàng

Lỗi hệ thống?

Báo chí và nhiều ý kiến chuyên gia đã phân tích, chỉ ra không ít “sạn”, “lỗi” trong một số bộ sách giáo khoa mới. Vấn đề này tiếp tục hâm nóng không khí nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vào tháng 11 năm ngoái. Nhiều cử tri, nhà giáo đã bày tỏ quan tâm, lo lắng về cả năm bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ phê duyệt.

Sách giáo khoa là sản phẩm đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy và học. Mặc dù, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa tuy không còn mang tính pháp lệnh như trước đây, nhưng rõ ràng, cả nội dung lẫn hình thức của sách giáo khoa luôn cần chuẩn chỉ, không được xảy ra sai sót, nhất là đối với lớp 1 và các lớp đầu mỗi cấp học. Vậy mà, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn khác nhau, các ý kiến đã chỉ ra nhiều lỗi, từ việc lựa chọn ngữ liệu, dẫn chứng thiếu chính xác, kém chất lượng, thậm chí sai kiến thức cho đến vấn đề không bảo đảm tính khoa học, không bám sát chương trình mới – như trường hợp “không dạy chữ P” như một bài riêng trong sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. “Có thể thời gian đầu triển khai chương trình mới còn vội vã nhưng đến thời điểm này, sau hai năm rồi, ngành giáo dục phải có kế hoạch, thực nghiệm, xem xét kỹ lưỡng về vấn đề sách giáo khoa. Nếu bộ sách nào sai ở mức độ nhẹ thì phải tiếp thu, sửa chữa, còn ở mức độ không thể chấp nhận được thì phải hủy bỏ”, PGS, TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Đến đây, đồng quan điểm với ông Nhĩ, nhiều ý kiến đã bày tỏ nghi ngại về chính phương cách tiếp thu, sửa chữa, lắng nghe góp ý của những tổ chức, cá nhân liên quan các sai sót đã được dư luận phản ánh.

Vẫn biết để thích nghi với những vấn đề mới bao giờ cũng cần “độ trễ thời gian” nhất định. Song, với những gì đã xảy ra, sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại, hao tốn tiền của và công sức không ít người, thì một số sách giáo khoa mới áp dụng cho năm học 2020-2021 như đã nói ở trên, rồi đến sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 sau đó cũng vậy, vẫn bộc lộ sai sót, có những lỗi được chuyên gia nhận định là nghiêm trọng.

Từ những sai sót, lỗi, “sạn” trong cả mấy bộ sách giáo khoa mới như công luận đã chỉ ra thời gian qua, xã hội mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có biện pháp xử lý, khắc phục hiệu quả, triệt để những vấn đề bất cập mà báo chí đã phản ánh. Đồng thời, Bộ cần rà soát lại quy trình biên soạn, thẩm định cũng như lựa chọn sách giáo khoa, tìm ra những “lỗ hổng” để kịp thời điều chỉnh, khoa học và minh bạch.

Sửa đổi Thông tư, lấp lỗ hổng cơ chế

Phải khẳng định rằng chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện để phụ huynh học sinh, các cơ sở giáo dục được lựa chọn bộ sách mà mình thấy phù hợp, tránh độc quyền trong xuất bản sách giáo khoa. “Nhưng điều đó không có nghĩa là các tác giả viết sách giáo khoa được tự do sáng tác theo cảm tính, mà ngược lại, họ phải tuân thủ các nguyên tắc và các yêu cầu tối thiểu trong mỗi phần học của từng môn học. Tuân thủ các quy định trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là yêu cầu bắt buộc”, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hai Bà Trưng, Hà Nội), nêu ý kiến từ góc độ người chịu tác động của chương trình và sách giáo khoa mới.

Trong quá trình tìm hiểu căn nguyên của những sai sót mang tính hệ thống trong sách giáo khoa mới, phóng viên được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chia sẻ rất nhiều tài liệu, thông tin liên quan. Trong đó, có không ít những đề xuất, kiến nghị của cử tri, chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trọng tâm những kiến nghị của vị đại biểu Quốc hội này là đề xuất sửa đổi Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Thực tế cho thấy, dù qua nhiều vòng thẩm định, sau cùng là Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, nhưng chỉ đến khi sách giáo khoa đưa vào giảng dạy, những “hạt sạn” không đáng có mới được chính các giáo viên, phụ huynh phát hiện ra. Phân tích nguyên nhân, bà Thúy kiến nghị sửa đổi Thông tư số 33 theo hướng nâng cao tiêu chuẩn thành viên Hội đồng thẩm định. Theo đó, nhấn mạnh yêu cầu về kinh nghiệm, “đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa; hoặc có ít nhất ba năm trực tiếp dạy học ở cấp học có sách giáo khoa được thẩm định”. Bà Thúy cũng đề xuất áp dụng nguyên tắc “hồi tị” trong quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (tức là những người thân hoặc người có liên quan lợi ích, có nguy cơ xảy ra tiêu cực thì không được tham gia), nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Về công tác lựa chọn sách giáo khoa, thời gian qua cũng đã cho thấy những bất cập trên thực tế. Việc này đã được thực hiện ngay trong năm học đầu tiên (2020-2021) cả nước triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều cơ sở giáo dục, sau khi nghiên cứu các cuốn sách giáo khoa của từng môn học trong tất cả các bộ sách, đã tiến hành thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu kín để quyết định lựa chọn những cuốn sách mà các thầy, cô giáo và nhà trường cho là chuẩn mực nhất, bám sát chương trình mới nhất để sử dụng trong cơ sở giáo dục của mình. Tuy nhiên, sang năm học thứ hai (2021-2022) triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi (2019) và Thông tư 25 thì việc lựa chọn sách giáo khoa lại do Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Để khắc phục và hạn chế việc lợi dụng Thông tư 25 và để bảo đảm thực hiện đúng đắn chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm sửa đổi Điều 8 Thông tư 25 theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của tập thể, cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa chỉ kiểm tra để xác nhận sách được cơ sở giáo dục lựa chọn là sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt cho sử dụng, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định. Trong trường hợp sách giáo khoa chỉ được dưới 10% cơ sở giáo dục trên địa bàn lựa chọn, Hội đồng khuyến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo cho cơ sở giáo dục đó biết tỷ lệ lựa chọn của các cơ sở khác trong toàn tỉnh (thành phố) để xem xét, nghiên cứu, lựa chọn lại nếu cần. Việc lựa chọn lại thực hiện theo đúng quy trình từ tổ chuyên môn trở lên, như quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 8. Trong trường hợp cơ sở giáo dục vẫn giữ ý kiến đề xuất của mình thì Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định trên nguyên tắc bảo đảm quyền dân chủ của tập thể và cá nhân trực tiếp sử dụng sách giáo khoa.

Mới đây nhất, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh: Tinh thần chung là cố gắng bảo đảm sự lựa chọn chuyên môn từ các cơ sở giáo dục, phát huy được tiếng nói của người trực tiếp dạy học, đồng thời phát huy được ý nghĩa của việc có nhiều bộ sách giáo khoa thông qua việc giáo viên có thể chọn một bộ để sử dụng nhưng có thể tham khảo nhiều sách… Các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên trong quá trình lựa chọn và giảng dạy sách giáo khoa mới, nếu phát hiện vấn đề cần sớm có ý kiến chính thống một cách chủ động về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

HÀ THÂN

Báo Nhân Dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *