(Tặng Nguyễn Mỹ Quyên)
Vanvn- Thứ mùi tôi thích nhất trong khoang máy bay hẳn là hương hoa nhài được ướp trong khăn lạnh mà cô tiếp viên lịch sự phát cho mình giữa chặng. Một mùi thoảng nhẹ nhưng biết cách đọng lâu trên da người. Nó còn len vào dòng suy nghĩ vẩn vơ về những chuyện không đâu của tôi. Nó táo bạo như một sợi dây mảnh nhưng chắc chắn, trói chặt tôi trên ghế ngồi.
Hôm nay, tôi bay từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Chuyến về nhà lạ lùng nhất, ưu tư nhất.
Trong chuyến bay im ắng đó, tôi biết chắc mình may mắn khi là một trong những người rời Sài Gòn sau cùng, khi đợt dịch mới bùng phát, giữa lúc thành phố chuẩn bị siết chặt vòng đai an toàn quanh mình.
Chiếc máy bay chắc chỉ còn là một chấm nhỏ trên bầu trời, nó đang cố tách mình, chỉ tạm thời thôi, khỏi xã hội đang oằn mình bên dưới vì đại dịch. Khi bay qua biển Đông, tôi còn tưởng tượng ra cảnh Mai An Tiêm ưu tư trên hòn đảo nọ, sau buổi thả dưa hấu trôi về quê hương xứ sở… Để bay hết một vòng ngôi sao lớn nhất UY Scuti, chiếc Boeing 777 sẽ mất chừng 1200 năm. Con số chợt nhớ đó khiến tôi dễ hình dung ra sự nhỏ bé và chậm chạp của khối kim loại tượng trưng cho tiến bộ loài người mà tôi đang ngồi trong.

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”
Trong cái chấm nhỏ xíu trên trời đó, là tôi. Mang theo mình những nỗi toan lo của tuổi ba mươi, vài ba trải nghiệm không gọi là nhiều, hướng về phía gia đình. Tôi sẽ phải chịu cách ly, tôi sẽ phải hồi hộp chờ đợi cả tuần lễ, tôi sẽ phải gọi cho ba mẹ để ông bà đỡ lo… Những ghi nhớ này cũng biết rung xóc theo những lần máy bay gặp một mảnh “turbulence” giăng giữa không trung.
Công việc của tôi thời gian qua cũng giống một mảnh mây xám. Ngành du lịch lao đao, tôi xộc xệch trong cơn gió xoay chiều. Chỗ làm và quê hương tôi chỉ cách một giờ bay, nhưng đã lâu tôi chưa muốn về. Hay đúng hơn tôi chưa thể về.
Trong va li lần này về nhà ngoài mấy gói kẹo làm quà cho các cháu, tôi chỉ đem theo sách. Có lẽ tôi cần học thêm một thứ gì mới hơn, có lẽ tôi cần đổi mới.
Về, sẽ là một áp lực vì tôi sẽ nhốt mình 24/7 trong bốn bức tường lockdown, tự an ủi mình mọi việc sẽ tốt lên, tự học, tự đọc, tự quan sát các chuyển động trong tư tưởng, và dù có muốn hay không, cũng phải tự tạo cho mình vài ba niềm vui nhỏ.
Có những phút, tôi nhìn bên dưới thấy một đốm sáng đuổi theo máy bay như hình với bóng. Nó giống một con báo đốm đuổi theo con mồi của mình. Nó giống một mũi tên bạc hơn. Sáng rực và lao vun vút. Rồi không hiểu tại sao, những lời ca Việt Anh viết không lâu lại xuất hiện rất khẽ trong tâm trí: “Giấc ngủ vùi chiều hôm, giữa đền đài bỏ hoang. Những dại khờ đầu tiên, những thề nguyền ngày xưa“. Cảnh trí của một vùng quê hương nắng gió, tươi đẹp bày ra trước mắt cho những người thưởng thức với tâm trí sạch sẽ những nỗi lo âu, bận bịu. Tất nhiên, tôi chưa thể đạt đến trạng thái đó.
Tôi nhắm mắt và tưởng tượng dòng xe ngược xuôi, chắc phải bằng một nửa dân số Sài Gòn đang đổ về quê hương như những dòng suối nhỏ. Không phải những chuyến về tết rộn ràng ta thường thấy chở theo mai đào, mà là cuộc hồi hương với đầy nhóc ba lô, áo quần, nhu yếu phẩm. Tôi mơ màng nghĩ về những chuyến tàu Bắc Nam lăn bánh, những toa tàu dày ken người sẽ hướng về quê hương, mang theo bao tâm sự, nỗi niềm. Có phải Paul Morand đã viết: “Tôi muốn khi tôi chết đi, có người thuộc da tôi làm chiếc va li“? Người theo chủ nghĩa xê dịch, “thiếu quê hương” như cụ Nguyễn Tuân thì sẽ trôi đi đâu nếu không có nhà, không có quê cha và gia đình? Và lời hát như rủ rê của ca sĩ Triệu Hoàng, thời nổi loạn, viết lại từ một bài nhạc Hoa: “Về nhà làm gì khi đau thương dày xéo cõi lòng. Đã cất bước ra đi, em chớ có hoài nghi…” càng làm tôi thấy nôn nao.
Những cuộc đoàn viên không trông đợi sắp sửa diễn ra, để người ta tìm về nguồn cội như lá rụng. Thị trường chao đảo, sự nghiệp chưa được như ý, thì tôi may mắn còn nơi để tìm về. Chuyến này, tôi tự dặn sẽ phải đi viếng người cậu ruột, em kế mẹ tôi, mới mất cách đây không lâu, cũng vì bí bách trong cái lồng chật hẹp tuổi già và Covid.
Nguyễn Thiên Ngân, nhà thơ, thần tượng văn chương của tôi, viết mấy dòng sau trong bài Biệt Ca:
Mỗi nắng xuống là một lần chia biệt
Mỗi mai lên lại một cuộc bắt đầu
Đời luân chuyển, ta làm gì khác được
Chẳng thể nào dừng mãi để chờ nhau.
Lần đi về nhà này, dẫu gói ghém rất nhiều tâm sự bên trong va li, dẫu chao đảo vì cuộc đời cười cợt, thì còn đó chút an ủi từ gia đình, để khỏi phải buồn như cây bách cây tùng trong thơ Thiên Ngân, để còn cảm được “bông lúa cành dâu” như Jimmy Nguyễn, để động viên mình và mọi người xung quanh rằng đại dịch sẽ chỉ là tạm thời. Đoàn viên, niềm vui, hy vọng sẽ nằm không xa ở phía trước.
Khi tôi nhìn qua cửa kính của máy bay, một góc sân bay Đà Nẵng hiện ra trong nắng gội, nổi bật hơn cả là mảng xanh công viên phủ lên bức họa đồ bên dưới. Nhà đây rồi! Tôi khẽ reo. Trong tâm trí, mùi hoa nhài lại xuất hiện như một màn hương trắng. Nó nói tôi hãy đứng dậy, hít thật sâu cái không khí quê hương thân thuộc và dũng cảm bước tiếp trên chặng đường trước mặt.
Đà Nẵng, 26.11.2021
NGUYỄN ĐỖ VĨNH PHONG (ĐÀ NẴNG)
Giọng văn đượm buồn nhỉ?