Vanvn- Trương Mỹ Ngọc sinh ngày 20.5.1996, quê quán Trà Vinh, tốt nghiệp Khoa Văn học – Ngôn ngữ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, hiện là biên tập viên truyền hình ở TPHCM; đã nhận Tặng thưởng Thơ 1-2-3 của Văn Học Sài Gòn.
Là một trong những gương mặt thơ trẻ đáng chú ý gần đây, Trương Mỹ Ngọc đam mê nhưng kỹ tính lẫn cá tính khi xuất hiện trên thi đàn. Từ thời sinh viên, Trương Mỹ Ngọc đã chứng tỏ một cây bút giàu năng lượng bằng những bài thơ chắt chiu, tinh lọc bụi vàng tri thức sách vở, đời sống, môi sinh và diễn ngôn một cách tinh tế, uyển chuyển, sâu lắng. Ký ức văn hóa và tình yêu quê hương miệt vườn sông nước cũng là đề tài thường trực mang lại cho Trường Mỹ Ngọc những tứ thơ xúc động, truyền cảm: “Em lớn lên bằng mùa hoa trái đâm chồi/ Uống nước sông quê, tắm đồng chiều lộng gió/ Khói bếp mênh mông, thương em bé nhỏ/ Đi mãi chẳng hết dòng sông gắn bó một đời”.

Chỉ cần là đồng bào thì nơi nào cũng là quê
Cô bạn òa khóc giữa trưa
Khi hay tin bão quét qua quê nhà yêu dấu
Mẹ buộc vội đàn bò đang nghỉ chân bên bờ giậu
Dắt mấy đứa em qua nhà hàng xóm nương nhờ
Anh bạn lặng người đi trước lớp kính mờ
Từng hồi chuông ngân dài đầu bên kia không có người nhấc máy
Trên báo đài bắt đầu liệt kê về những tang thương thiệt hại
Nước mắt cuốn thành dòng, thấy nhà mình chìm trong bão lũ phía xa xa
Mẹ ở ngoài quê cạn nước mắt khóc đàn gà
Chuẩn bị bán đi lấy tiền cho thằng Út năm sau vào đại học
Lũ lụt lại kéo về cả xóm làng bật khóc
Miền Trung chất chồng những khó nhọc, gian nan
Những trận bão đi qua chưa nhòa dấu thời gian
Vài trận lụt tang thương ám ảnh thành lịch sử
Miền Trung đỏ au trong mắt đứa con xa xứ
Sạt lở vùi chôn anh, chú, bác quê nhà…
Mái ngói nhà ai vừa bị gió cuốn đêm qua
Cuốn cả tấm bằng khen đứa nhỏ nhiều năm nâng niu hãnh diện
Những hàng cây bật gốc như phận người la liệt
Anh quân nhân bốc đất bằng tay vì sợ cuốc xẻng làm đau đồng đội của mình…
Chú thạch sùng không còn tắc lưỡi mỗi bình minh
Trận cuồng phong đêm qua cuốn tới hiên nhà ai lạ hoắc
Cụ bà nhóm đèn dầu trên mái nhà leo lắt
Ngó đàn bò trôi dài theo dòng nước… mà thương!
Hôm nay lại có tiếng khóc òa của mấy kẻ tha hương
Anh bạn nhà bên mười mấy năm không nhớ đường về quê Mẹ
Chiều nay ngồi bên thềm nhà rưng rưng như đứa trẻ
Ruột thắt từng cơn mỗi khi nghe bão lũ kéo về
Chỉ cần là đồng bào thì nơi nào cũng là quê
Cầu bình an cho miền Trung
… khúc ruột yêu thương quanh năm rỉ máu
Cầu những cánh chim bay có nẻo về nương náu
Trước hiên nhà, mai sớm, nắng sẽ lên!
Thương lắm phù sa
Em muốn trở về quê đi giữa cánh đồng xanh ngát
Nghe mẹ hát bài dân ca, thương quá đồng bằng…
Em nhớ thềm nhà lấp lánh những đêm trăng
Lớn lên bằng nước mắt khóc oà những buổi thả diều trượt ngã
Quê hương em bốn mùa vất vả
Vậy mà phù sa vẫn ngọt ngào như sữa mẹ thuở đầu nôi…
Em lớn lên bằng mùa hoa trái đâm chồi
Uống nước sông quê, tắm đồng chiều lộng gió
Khói bếp mênh mông, thương em bé nhỏ
Đi mãi chẳng hết dòng sông gắn bó một đời
Nếu sẵn lòng, hãy để em dắt về quê
Ngắm cây trái xum xuê mà phải lòng miền châu thổ
Sông quê em bên bồi bên lở
Nhưng tuổi thơ em chưa khó nhọc bao giờ…
Hay để em kể anh nghe những khúc hát thuở ấu thơ
Mẹ ngắt cọng ngò gai thương ba tảo tần đứt ruột
Nhớ rãnh nước biếc xanh chảy ngang nhà những mùa gió chướng
Gió nuôi tóc em dài,
Khói lam chiều quanh quẩn mắt em trong!
Buổi chuyển mùa, thương quá Cửu Long
Chín nhánh phù sa như bài ca dao chín đợi mười chờ thời ba về với mẹ
Em đã đi qua bao nhiêu mùa quạnh quẽ
Chưa lần nào nhớ quê mà lòng quặn thắt, xót xa…
Em nhớ quê hương bằng nỗi nhớ bao la
Nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ đồng, nhớ bếp
Nhớ nhánh sông quê cuộn trào da diết
Nhớ câu vọng cổ bến sông buồn ai hát chiều qua
Hò ơi… Thương lắm phù sa
Nhớ gì như nhớ khúc ca đồng bằng…
Gia tài của mẹ
Dù sau này mẹ chẳng còn gì để lại cho con
Xin con cũng đừng dày vò làm đau lòng mẹ
Mẹ đã bán hết cả một thời son trẻ
Dốc hết gia tài mua lấy tuổi thơ con
Xin đừng vì lợi danh mà hành hạ mẹ héo mòn
Mái tóc xanh này ngày xưa đã vì con mà bạc
Ánh mắt này cũng từng thương con mà xơ xác
Trái tim này, không giây phút nào ngừng đập, vì con…
Con lớn lên mơ trời bể núi non
Mẹ ngồi dưới hiên nhà đợi con buồn hiu hắt
Gia tài của mẹ chẳng có gì ngoài con là duy nhất
Đất cát bán đi nuôi con học thành người
Mẹ cũng không còn là cô gái tuổi đôi mươi
Con lớn khôn, lưng mẹ oằn theo năm tháng
Mẹ chẳng có gì ngoài đôi tay thô ráp
Nhường cho tóc con mềm, nhường cho bụng con no
Dù sau này mẹ chẳng có gì để con cân đếm đong đo
Không có kho báu sau nhà, cũng chẳng có khu vườn nào trong di nguyện
Mẹ chỉ để dành tình thương bất biến
Và một trái tim hồng, như trời biển, thương con…
Con lớn lên, mắt biếc hóa trăng tròn
Nhưng lòng mẹ thiếu con thành trăng khuyết
Con đi xa, mẹ thương con da diết
Hiên nhà cũ mẹ nằm, vò võ ngóng tin con
Con lớn lên biết đong đếm mất, còn
Đong luôn những tháng ngày dầy công nuôi mẹ
Mẹ còn gì đâu ngoài tuổi già lặng lẽ
Xin con đừng đay nghiến mẹ, nghen con!

Dã quỳ
Dưới những triền đồi thênh thang
Dã Quỳ đang nở…
Ta ngắt một chùm Dã Quỳ cài lên mái tóc của em
Mái tóc không đen
Không dài và không mượt
Mái tóc xác xơ màu thời gian và khô còng nắng đổ
Vậy mà ta vẫn yêu em…
Đôi khi tình yêu,
Không đến từ đôi mắt long lanh
Không đến từ bờ môi nồng nàn chỉ ưa đong đầy lời mật ngọt
Tình yêu đến từ đôi tay thô ráp
Và đôi mắt luôn tìm kiếm một nửa đời mình bằng sự chân thành đến cả tin
Em ơi em
Tình yêu là những sớm bình minh
Em đi vội trên con đường vàng hoa Dã Quỳ để kịp giờ lên rẫy
Ta đứng bên triền đồi với con tim run lẩy bẩy
Nhìn người đàn bà lam lũ của đời mình bằng nỗi xót xa…
Em đã yêu ta bằng tình yêu non nớt thật thà
Hệt như Dã Quỳ vào những mùa vàng trong sáng nhất
Tình yêu biến em thành người đàn bà chật vật
Vậy mà em vẫn giống kiếp Dã Quỳ bền bỉ với gió sương…
Dã Quỳ ơi…
Ai đã thắp cho em ngọn lửa của yêu thương?
Để mãi mãi em tin vào những điều vĩnh cữu
Em như Dã Quỳ – loài hoa không quyến rũ
Mà chất phác thật thà trọn kiếp để ta yêu…
Chị qua cầu
Em tiễn chị đi qua con đê
Cánh diều tuổi thơ nức nở mùi rạ đồng tháng Sáu
Hoa xoan tím rụng đầy trong vạt áo
Lẫn những nghẹn lẫn với những lao xao
Chị bước qua cầu em thì biết làm sao
Thấy mặt nghiêng rơi hình bóng chị
Tay ngắt vội một chùm bông bí
Bông bí vàng bươm bướm chẳng bay theo
Chị bước lên cầu em bé bỏng liêu xiêu
Tóc thắt ngang vai hai chùm bím nhỏ
Chị qua cầu chị cầm hoa xanh đỏ
Mắt em tím vàng những hoa bí hoa xoan
Em tiễn chị đi qua đoạn đường ngang
Từng dấu chân lấm lem mùi nức nở
Chị qua cầu tuổi xuân thì rực rỡ
Áo trắng ngọt ngào chị bỏ lại cho em
Em quay về trời chập tối nhá nhem
Nghe chị khóc sau lưng lòng dặn đừng ngoảnh lại
Chị qua cầu em hãy còn thơ dại
Chú rể cả làng không biết mặt là ai
Em đi qua mấy khúc sông dài
Nghe người ta xì xào về ngày vui của chị
Em nắm chặt trong tay chùm bông bí
Cũng bởi gạo tiền
Biết thương giận thế nào
Chị ơi….
Màu
Sài Gòn màu đen
Nỗi buồn len lỏi suốt đời qua những con hẻm nhỏ
Sài Gòn màu đỏ
Như ly rượu vang chòng chành phố Bùi Viện tối qua
Sài Gòn màu nước mắt của những kẻ xa nhà
Mấy chục mùa xuân vẫn học đòi tập quên tập nhớ
Sài Gòn màu bỡ ngỡ
Như vẻ mặt những kẻ lạc đường ngơ ngác chốn phồn hoa
Sài Gòn có màu của xót xa?
Đứa trẻ con giữa trưa nắng đổ đứng ở ngã tư Ga xin ít tiền mua gạo
Sài Gòn màu phôi pha còn vương đầy vai áo
Xanh đỏ tím vàng thấy đó cũng để…quên
Sài Gòn có màu của chông chênh?
Màu nhớ màu thương màu buồn màu giận
Màu nào cho chúng mình giữa đôi lần quá bận
Kéo rèm cửa khóc òa ngắm thành phố thật cao?
Màu nào cho những kẻ lớn đầu lạc giữa hư hao
Giữa cơm áo gạo tiền mưu sinh lẩn quẩn
Màu nào cho tiếng thở dài đôi lần thơ thẩn
Rẽ nhầm con hẻm thưa người vì cái tật… hay quên?
Sài Gòn chẳng có một màu nào có thể dễ đặt tên
Và tuổi trẻ của tụi mình cũng nhiều lần chênh vênh giống vậy
Sài Gòn đâu có giản đơn như những gì chúng ta từng trông thấy
Vậy mà vẫn thương Sài Gòn, thương chừng ấy, đó thôi.

Voi mẹ mang thai ngậm quả dứa đầy bom
Trong tâm tưởng vẫn tin rằng loài người đều tốt bụng
Chú voi không giẫm lên bất kỳ ngôi nhà nào gần đó
Dù cổ họng đớn đau bởi thú tiêu khiển của loài người
Thiên nhiên trả lại bình yên cho mẹ con voi
Ở nơi thiên đường chẳng có con người nào trú ẩn
Phải mà ai cũng nhận ra loài vật biết đau buồn
Chú chim sẻ rạc người trên tán cây non ngày lạc mẹ
Chú thỏ trắng mắt đỏ au vào khoảnh khắc sắp bị lột da
Chúa sơn lâm ủ rũ trong chuồng cho loài người tiêu khiển
Con người không có nghĩa vụ can thiệp vào tự nhiên
Sự khổ đau nhân tạo này vốn dĩ nên gọi giản đơn là “tội ác”…
Hãy trả lại vây cho những chú cá mập đáng thương
Dù con người luôn đổ lỗi cho loài vật ưa “cắn cáp”
Con người không sở hữu đại dương và cánh rừng xanh thẳm
Ta chẳng có đặc quyền gì để tàn phá chúng đi
Thiên nhiên tổn thương bởi lợi ích của loài người
Chúng chẳng trả thù gì, chỉ dửng dưng… biến mất
Hãy nói thêm về những cánh rừng xanh
Nơi sóc, thỏ, hươu, chim sẻ, đại bàng cùng chung sống
Chúng cai quản những cánh rừng và chơi đùa với tự do
Chim sẻ làm tổ, sóc chuyền cành, đại bàng ngậm lửa
Chúa sơn lâm ngày ngày săn mồi nuôi con cái
Cho đến một ngày xuất hiện bác thợ săn
Bầy cừu không chỉ biết lặng im
Cừu non khóc trong bụng mẹ
Cừu mẹ khóc lúc đẻ con
Chúng còn biết khóc khi bị phanh da xẻ thịt
Chỉ có loài người là vui sướng nhiều hơn
Lúc khoác lên mình chiếc áo lông đầy kiêu hãnh!
Robert the Bruce – trái tim lạc lối nơi sa trường
Trước lúc chết vẫn muốn trừng phạt những người vô đạo đức
Trái tim không đến được Jerusalem, không đến được nơi đất thánh
Trái tim vẫn sống mãi trong lòng dân chúng Scotland
Còn điếu văn nào hùng hồn hơn sự tưởng niệm của người dân?
Trái tim lạc lối trong muôn ngàn trái tim luôn bỏng cháy
Ai đã hát tình ca bên sông Volga
Để bản sonate đêm nay lấp đầy nước mắt
Hãy khóc cho sông, cho mặt trời, cho muôn loài nằm xuống
Khóc cho gấu mẹ ôm con trong một trận cháy rừng
Pushkin không sống dậy để mặt trời mọc tiếp đằng Tây
Nhân loại phải tập tin rằng những đau đớn này, là sự thật!
Có kỳ tích như “chiếc lá cuối cùng” của O. Henry
Người họa sĩ già sống một đời với khao khát làm nên kiệt tác
Kiệt tác mang một con người trở về từ cõi chết
Nhưng cũng cướp đi sinh mệnh của kẻ tài ba
Chiếc lá cuối cùng không rụng xuống trong cơn bão đêm qua
Vì Trái Tim viết hoa của Behrman là giá đỡ bao la nhất
Chẳng có tiếng kinh cầu nào dành cho kẻ sát nhân
Dù đôi khi hắn chỉ giết người trong ý nghĩ
Ai đã buộc tội Quasimodo vì ngoại hình xấu xí?
Ai đã cố bức tử Jean Valjean chỉ vì mẩu bánh mì?
Con người chẳng có quyền gì để buộc tội lẫn nhau
Hãy tự định tội chính mình vì tâm hồn không trong sạch!
Khi nút CAPS LOCK không dùng để in hoa
Một vài người chỉ dùng để chì chiết nhau trên mạng
Không ai caps lock nỗi nhớ thương dịu dàng, da diết
Họ chỉ tô thêm học hằn và nhấn mạnh những đắng cay
Không ai caps lock nỗi buồn của thành phố những sớm mai
Vậy mà nhớ như in lỗi lầm chị lao công đêm qua quên quét rác…
TRƯƠNG MỸ NGỌC