Vanvn- Trác Phi tên thật Khổng Trường Chiến, sinh năm 1989 ở Bình Định, có thơ đăng nhiều ở các tờ báo, tạp chí; Hội viên Hội VHNT tỉnh Bình Định. Mẹ Trác Phi mất sớm, bố bị di chứng chiến tranh, lớn lên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Định. Trác Phi tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế – Đối ngoại TPHCM chuyên ngành quản trị kinh doanh, hiện đang phát triển mô hình kinh tế trang trại và tham gia vào các hoạt động VHNT của địa phương.
Trác Phi “tỏ tình” với thơ ca hơi muộn, tầm khoảng 6 năm trở lại đây, đã xuất bản tập thơ đầu tay Giấu thân vào nợ – Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2019. Trác Phi quan niệm “thơ không phải là thiên bẩm mà là quá trình trầm tích cảm xúc qua nhiều lần sang chấn tâm lý, vỡ ra thành câu chữ. Thơ là một góc nhìn khác của nhân sinh quan, là tấm gương phản chiếu thực tại”.
Đọc Trác Phi, nhận thấy anh đang xé cái tôi của mình ra, phân thân, nương níu về phương xa, “đi thật xa theo dấu chân của làng”, để soi ngắm lại mình, tự thú mình. Cái tôi bên trong gương đã lột trần cái tôi bên ngoài, cái tôi bên ngoài gửi gắm trong cái tôi bên trong: một Trác Phi nhạy cảm và giàu lòng trắc ẩn.
HOÀNG THỤY ANH giới thiệu

DẤU CHÂN CỦA LÀNG
Bầy chim xao xác trở về nguồn
Chiếc mũ trắng say mê kể về những con đường lớn
Rẫy bắp
Rẫy mì
Được tưới bằng vài ba lít rượu
Chiếc gùi,
Con chó
Ngày ngày vẫn đi theo dấu chân của làng
Cơ giới đâm rừng xẻ núi tan hoang
Bờ ta-luy sâu hun hút
Con suối tháng tư gào lên đỏ rực
Máu của làng thấm vào lá ủ
Ghè rượu cần chua lẫn đắng giữa nhà rông
Đêm thắp lửa không tiếng chiêng cũng chẳng tiếng cồng
Mấy chục ngôi nhà nằm bất động trong sương
Chiếc gùi và con chó
Ngày ngày vẫn đi
Đi xa hơn theo dấu chân của làng
Ở con đường lớn rượu tăm bông sóng sánh chảy tràn
Chiếc xe cũ xoáy nòng gầm lên khô rạc
Ào ạt gió
Lất phất mưa
Khét đất!
Ma làng đứng trầm ngâm ở phía nhà mồ
Tiếng gà gáy vang lên từ rừng phòng hộ
Lán trại mọc nhanh với máy cưa, lưỡi búa và lọ sơn màu đỏ
Không còn người cầm rựa
Chiếc gùi cùng con chó
Ngày ngày vẫn mò mẫm đi thật xa theo dấu chân của làng
Rồi họ không về nữa
Khói lam bay lên ở hẻm núi xa xa vào mỗi buổi chiều
Nơi dấu chân của làng phát tích
Chiếc mũ trắng
Vẫn còn
Khua tay múa chân say mê kể về những con đường lớn.
HOA DÃ QUỲ
Tháng chạp sắp về rồi
Lả lướt gió cao nguyên
Em đi qua khoảng trời riêng
Mỉm cười
Và…
Không quay đầu trở lại
Anh xót xa nhìn một loài hoa dại
E ấp sắc vàng
Bạc đãi bởi thời gian
Nỗi nhớ mênh mang
Dịu dàng đôi mắt
Gợn sóng màu ngọc bích lăn tăn
Xé tan im lặng
Anh mân mê chiếc khăn choàng trắng
Em thì thầm
Ấm áp không anh?
Gia Lai mùa đông tĩnh như một bức tranh
Thoang thoảng hương cà phê nở sớm
Giọt nắng vu vơ
Len lén gửi em nụ hôn thắm đượm
Em ngập ngừng
Ửng hồng đôi má
Giây phút ấy với anh là tất cả
Trò đời nghiêng ngả
Dẫm nát khóm dã quỳ
Từ đó em ra đi.
…..
Biển Hồ ơi! Chẳng biết đã nghĩ gì
Vẫn gợn sóng lam – xanh màu ngọc bích
Cơn gió hắt vào lòng anh cô tịch
Dã quỳ còn vàng rực một trời yêu!
MẬT NGỮ TRÊN CÀNH NGỌC LAN
Mật ngữ?
Đã ủ men hớp rượu từ giấc mơ trệu trạo
Để khói lạnh thấm vào cuống lá chớm thu
Mượn ô cửa tò vò đen thẫm
Nghe rả rích mưa phủ dấu chân khuya.
Từ lần rùng mình của thời gian
Mật ngữ gánh cả biến thiên giấu vào cỏ dại,
cả thăng trầm, đầy vơi trổ lên tiếng chuông vọng lại
Vừa tròn câu thơ sang sảng
Khát mấy trăm năm đủ lắng một chén trà?
Bản ngã cứ lang thang
Như bóng ma hắt lên môi chút lừng khừng ngây dại
Mảng thực bì run lên sau đêm giông rải rác
trên nhánh ngọc lan…
Trên nhánh ngọc lan
Thoang thoảng tràn theo nắng sớm trở về.
TÔI CHẲNG THỂ NÀO SAY
Tôi chẳng thể nào say
Bởi say chìm vào mộng
Giấc kê vàng trên miệng chén diễn giải đời sâu và rộng
Ngôn từ thốt ra để gột rửa chính mình.
Tôi không thể nào say
Bởi say tôi sẽ gặp
Gã đàn ông cầm trên tay con đầm nhép
Sang sảng cười rồi ngất đi
Ở nơi khai phá kho tàng vô tri của thằng người bội thực
Câu thuyết pháp thoát ra khỏi nóc chùa
Vẩy lên rêu phong những viên ngói hình vảy cá
Vỡ vụn
Rơi vào đâu?
Ở trong cơn say đó
Biến thiên của đôi tay đặt trên chiếc bàn cầu cơ hòng xoay vòng số mệnh
Hệ tuần hoàn như bay màu trong khoảnh khắc lóe lên ánh chớp ngoài kia
Cái kết mà thiên hạ vẫn thay nhau đồn thổi
Hãy sống như những con thiên nga…
Tôi vẫn chẳng thể say
Muôn ngàn hình hài sau đôi vai tôi gục xuống
Giấc mộng của kẻ khờ cố giải mã sự thoát thân bằng ẩn dụ
Đã có ai khắc lên bia mộ rằng tôi đã biết mình say?
Ở cái nơi tôi ngồi của ngày đã qua
Trào phúng với cỏ cây hóa thành vạch quang phổ không màu
Vô thức nhận ra giữa miệng chén tự sinh tự diệt
Cúi xuống rỉ tai nhau
Ai cho mượn cái gối đầu… *
Từ bao giờ tôi đã biết mình say?
________
* Lấy ý từ câu thơ của nhà thơ Vương Hoài

LẠI NHỚ MÙI MẮM CUA
Chân ruộng thấp chớm mùa nhẫy nước
Mẹ dậm theo bờ rách cả áo tơi
Bấc tạt liêu xiêu dáng mỏng giữa trời
Đổi lấy vị chua nồng nơi đầu lưỡi.
Nhà vắng mùi mắm cua từ lúc mẹ qua đời
Tiết tháng mười đau đáu nhìn theo người đi dậm
Hang hốc khoét sâu về nơi cỏ rậm
Chỗ mẹ nằm bây giờ chỉ cách một bờ mương
Mẹ chẳng dạy con bỏ xứ tha phương
Thấy đĩa rau lang nhớ món ngon mẹ nấu
Đừng cố bò ngang giữa vùng nước nổi
Mẹ đạp lên loài giáp xác đã ngàn năm
Phố sáng nay không phải ngày rằm
Ly cà phê đắng lời người ta nói
” Kẻ nhà quê gắng thương mùi mắm cua dân dã”
Bàn chân nhấc lên còn hăng rơm rạ
Lạ lắm mẹ à!
Họ cũng có quê hương…
CHIẾC VÒNG TAY BẰNG ĐÁ
Người con trai miền xuôi
Ngược cổng trời tìm nắng gió
Nương rẫy bung mầm xanh
Dáng người nho nhỏ
Gùi hạt ấm no về khắp buôn làng.
Lửa bập bùng cháy gam màu đêm
Thượng nguồn dòng Côn tháng sáu còn êm ả
Chiếc vòng tay bằng bạc vướng vào vòng tay bằng đá
Mình ngợp vào mắt nhau
Sơn nữ ơi! Em đã có chồng?
Có người chịu đeo vòng tay thì em không cần đi tìm nữa
Vết thời gian bám trên ngạch cửa
Vấp phải tiếng chiêng sũng ướt dưới mái rông
Em muốn bắt anh làm chồng!
Bok nói người dưới xuôi ngọt như con cá niên ngược nước
Vít đọt cần run run ấm theo hơi thở
Men lá rừng thương đã mấy ngàn năm?
Mai ta về Dak Tra có nhớ không?
Sơn nữ bên kia sông có còn ưng cái bụng
Con nghé thiếu hơi người nên lẻ đàn lạc giọng
Déo nắm cơm mình thưa chuyện trăm năm!
GỐM VỠ
Đốm lửa trên vai cha ông
Thế kỷ XV bừng sáng thương thuyền
Nắm đất bằng nắm tay
Là nắm cơm cưu mang nghề suốt dặm trường lịch sử
Câu ca như một nét riêng
Đời tre, dáng mây, sắc gốm
Đã qua…
Đốm lửa trên tay vài nghệ nhân già
Sau thế kỷ XX
Uể oải nhịp quay
Ngại ngần cách nắn
Khói cuộn hồn quê giữa bụng làng trầm lắng
Răng rắc sành đau
Bung vỡ nợ nần
Mạch cao lanh chìm dần theo lộ trình đô thị hóa
Và cả cuốn sách
Nhạt nhòa
Có những điều vừa đọc sáng nay
Tháng bảy lang thang
Gầy guộc lưng cong sắm sửa cho ngày cúng tổ*
Bao nhiêu va chạm xô bồ
Hòa âm cùng phố chiều sầm uất
Vọng từ phía xa xa
Nơi thế đất xòe ra hình đôi cánh nhạn
Bàn tay xoa xoa vuốt vuốt
Bàn chân đạp đạp xoay xoay
Chiều đổ qua mái hiên nghe rả rích giọt đời thủ công mỹ nghệ
Nhìn nhau cười dửng dưng…
________
* Ngày 6.7 âm lịch hàng năm là ngày cúng tổ nghề gốm.
KHẤN MẸ
Cha đem nước độc rừng thiêng
Chạm vào mẹ giữa chợ phiên lỡ thì
Dẻo thơm quan lộ cha đi
Tập tàng mẹ lựa thị phi mang về
Dầu hao nghiêng bóng câu thơ
Trà sen chưa đượm, tóc tơ chưa dày
Áo xô thấm khói cuối ngày
Con tung vốc trấu…từ rày mồ côi!
Ngoái trông sáu cửa luân hồi
Thưa mẹ! Hai mấy năm rồi còn đâu
Ngồi đong trọn gánh mưa ngâu
Cắn răng trích dẫn nông sâu riêng mình.
TRÁC PHI