Vanvn- Kalang tên thật là Pơloong Plênh, sinh năm 1986 là người dân tộc Ka Tu (còn gọi Cơ Tu), ở Thôn Pơr ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Hiện anh là cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Tây Giang. Anh có thơ in trên các báo, tạp chí và đã in chung với nhiều tác giả trong tập Xôn xao đại ngàn – NXB Đà Nẵng, 2013.
Thơ của Pơloong Plênh mang đậm bản sắc và văn hóa của người Ka Tu. Tư duy thơ của anh mang tính trực quan, mộc mạc, giản dị, chân phương, thường lấy thiên nhiên nâng cánh tâm hồn: “Em ơi về Zơng thôi!/ Về với mái nhà tranh/ Về với cánh rừng xanh…/ Sáng mình đi hái rau/ Trưa về nghe suối hát/ Chiều thả bè nuôi cá/ Tối quay quần lửa hồng/ Ấm nồng tình yêu thương…”. Xin giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ sau của Pơloong Plênh.
HOÀNG THỤY ANH giới thiệu

Bếp quê
Ôi! Cái bếp quê ta
Linh hồn sống muôn nhà
Bao đời nay luôn sáng
Ấm tình làng Ka Tu…
Bếp hồng như lời ru
Ấp hơi thở Ma(1), Mế(2)
Bồng con qua nương rẫy
Qua bao ngày gian nan
Con nhớ mái nhà xưa
Nhớ Gươl(3) làng nguồn cội
Chiếc gùi củi nặng trĩu
Mẹ gùi mỗi chiều đông
Con nhớ bếp nhà xưa
Nhớ giọng bà nồng ấm
Nhớ bao câu chuyện cổ
Bà thường kể hằng đêm
Chuyện giữ làng, giữ nước
Chuyện đoàn kết dựng xây
“Củi tặng mùa giá rét
Tục chia phần có nhau”
Bao đời nay vẫn thế!
Bếp lửa hồng cháy đỏ
Ấm tình người miền núi
Giữa đất trời biên cương…
Bếp gửi ngàn yêu thương
Qua khúc ca mẹ hát
Qua hát lý già làng
Ấm lòng người con xa.
______
(1) A mế: mẹ (tiếng Ka Tu)
(2) A ma: Cha
(3) Gươl: Ngôi nhà chung trung tâm sinh hoạt của buôn làng người Ka Tu
Nói với Ch’roonh(1)
Ch’roonh ơi! Không xa đâu mà rất đỗi gần
Những bản làng thấp thoáng trong thung mây
Những hàng cây, đường làng, máng nước
Những rẫy nương, ngô, sắn, lúa xanh màu
Ch’roonh ơi! Không xa đâu mà rất đỗi gần
Những cung nhạc thanh thoát giữa đêm trăng
Những câu ca, điệu khèn, ba boóch(2)
Gọi yêu thương, gọi mùa xuân sum vầy
Gọi lứa đôi giữ ngọn nguồn sông suối
Giữ rừng xanh, giữ xóm làng bình yên
Ch’roonh ơi! Em có nghe nhịp sống mới
Đất trời hoan ca thắm nồng vào xuân.
__________
(1) Chi roonh: Người yêu
(2) Ba booch: Câu hát dân ca của người Ka Tu
Sắc xuân đại ngàn
Em có nghe núi rừng mang hơi ấm
Bạt ngàn xanh đâm chồi lá non tơ
Dáng Ka Tu xôn xao chào ngày mới
Ya yá(1) tay nghiêng say ngất cả nương đồi…
Em có nghe thượng nguồn đang tuôn chảy
Nhựa sống bừng lên sinh sôi khắp buôn làng
Thêm những chiếc cầu thắm nghĩa tình biên giới
Sắc xuân hồng tươi đại ngàn đẹp như mơ!
______
(1) Ya yá: điệu múa truyền thống của người phụ nữ Ka Tu

Tự tình trên đỉnh Tiên Sơn
Xưa nghe các cụ kể
Đỉnh cao nhất miền Trung
Đỗ quyên xanh điệp trùng
Rêu phủ thành chiếc áo
Tiên Sơn – Đỉnh A rung*.
Trập trùng bao đồi cao
Chim rừng hót đón chào
Nắng xuyên qua tầng lá
Lung linh cánh hoa lan
Nghe ngập tràn sức sống
Muông thú gọi bày đàn
Suối nhuộm vàng lá đỏ
Tùng tỏa hương nồng nàn.
Đêm trên đỉnh Tiên Sơn
Đỗ quyên thông xanh rờn
Mây hôn nhẹ đỉnh núi
Gió đưa hồn lâng lâng.
Giữa rừng sâu bâng khuâng
Chân trần tìm cội nguồn
Câu hát lý vang vọng
Trong đêm ngàn rừng thiêng.
Câu bhơ nooch trao nghiêng
Như nhịp chiêng vọng về
Giữ rừng xanh xum xuê
Dòng Ra ai tràn trề.
Ngàn năm thề đinh ninh
Rừng khơi nguồn văn hoá
Rừng tạo nguồn suối mát
Cho câu hát bay xa.
Trên đỉnh mây ngàn ca
Nhịp võng đưa theo gió
Bạt ngàn mùa lá đỏ
Trải dài giữa lưng đồi.
Trên vùng cao quê tôi
Chín quả đồi chùm lại
Tạo dáng Rồng, dáng Hổ
Mang tên đỉnh Tiên Sơn.
Muôn đời ta ghi ơn
Mế rừng thiêng đại ngàn
Cho dân làng bình an
Cho mùa màng bội thu.
Cho Ka Tu nơi nơi
Việt Nam, Lào sáng ngời
Sáng hơn ánh mặt trời
Xây cuộc đời xanh tươi.
Cho tình người tình đất
Son sắc bao tấm lòng
Đồng tâm cùng gìn giữ
Mạch sống của quê hương.
__________
* Đỉnh núi Arung tác giả đặt tên mới đỉnh Tiên Sơn vì vẻ đẹp huyền bí độc đáo nhất trên thế giới. Tiên Sơn có hai quả núi cao. Một đỉnh Tiên Sơn cao 1.999 mét so với mực nước biển. Hai đỉnh thân Rồng đầu Hổ có độ cao 2050 mét so với mực nước biển. Hai quả đồi này cách nhau 600 mét theo đường chim bay. Trên một bình nguyên rộng lớn hơn 100 ha, nơi quần tụ nhiều cây gỗ quý hiếm: đỗ quyên, tùng, thông,… và nhiều động vật hoang dã quý hiếm: hổ, báo, gấu, vượn, chồn bay, khỉ, voọc, heo rừng… cùng nhiều cây dược liệu quý hiếm như sâm tam thất, bảy lá một hoa… Nơi đây đợt 1 đã công nhận 435 cây đỗ quyên cổ từ 200 tuổi trở lên là cây di sản Việt Nam.
Tháng tư
Bản làng em tháng tư
Rẫy nương đốt tỉa xong
Mế, Ma mắt chờ trông
Hạt mưa ngàn xuống trần.
Cho bắp, lúa nảy mầm
Vươn mình trên lưng núi
Uống mạch nguồn sông suối
Tắm hạt mưa của rừng.
Làng cúng ơn thần rừng
Mừng mưa thuận gió hòa
Mừng mùa màng tươi tốt
Cho dân làng ấm no.
Tháng tư về trên núi
Mưa, gió, sấm sét gào
Tiếng nước chảy ào ào
Tiếng thác đổ rì rầm.
Tháng tư về trên núi
Cha ngồi vót nan tre
Đan chiếc gùi Tơ leeh(1)
Cho con trai đi rừng
Giữ đầu nguồn sông suối
Giữ muông thú cây rừng
Cho rừng lim sừng sững
Cho Pơ mu nồng nàn
Bạt ngàn Đỗ Quyên cổ
Hùng vĩ rừng cây Đa.
Tháng tư trên quê ta
Mẹ ngồi bên bếp lửa
Kể những câu chuyện cổ
Nấu nồi sắn thơm nồng.
Trên những con sông quê
Mưa tạnh đi xúc cá
Hái rau rừng bên suối
Chiều về nấu cháo rừng
Qua mùa lũ đầu nguồn.
Tháng tư về trên buôn
Hoa sim tím núi rừng
Hái tặng em bên suối
Đêm trao vòng Cơ lim(2)
__________
(1) Tơ leeh: Chiếc gùi ba ngan của người đàn ông Ka-tu.
(2) Cơ lim: Vật để làm tin ( vòng hạt cườm, vòng mã não)

Phía núi đợi chờ
Phía kia xanh xa núi tháng ngày ngóng đợi
Dáng mây nỏn nà đẹp tuyệt trần tựa hoa đỗ quyên
Đợi nghe câu hát cất lên từ hơi thở ấm gọi tên
Cháy lên từ trái tim hồng khao khát thương yêu!
Phía kia núi đứng đợi vàng cả nắng chiều
Đợi lứa đôi hò hẹn những Mùa yêu
Đợi mùa lễ hội dân làng cúng tạ ơn thần rừng
Đợi mùa trăng lên mùa đôi lứa đi Sim.
Ta hẹn nhau về nơi Thung lũng A rớch – Tình Yêu
Cho giấc mơ yêu hạnh phúc tràn đầy
Cho nhớ nhung đầy thôi còn xa cách
Cho nụ hôn đầu nồng cháy theo bình minh!
Và từ đây Mây Núi chung bóng hình
Xanh núi đồi hạnh phúc với mùa xuân
Nhịp cồng chiêng mừng vui ngày cưới
Da dá Tân tung thôn làng đến chúc mừng.
Và từ đây núi rừng vui tưng bừng
Nhà sàn ấm lửa tình gia đình mừng đông vui
Tiếng con thơ nói cười giữa thung núi
Tổ ấm bình yên đông đầy suối mát thương yêu.
Mùa sim(1)
Em có nghe núi rừng đang thức dậy
Bầy chim ca vui hót say đất trời
Em có nghe rạo rực sức sống mới
Mây trôi bềnh bồng phơi phới nơi nơi.
Em có nghe lời tự tình gọi tới
Trên mây ngàn xanh tươi đời ca vang
Tâm hồn núi rừng rộn ràng xanh ngát
Lời của rừng thiêng tiếng hát tiếng lòng.
Em có nghe nhịp sống mới chờ trông
Bếp sàn Gươl(2) chờ chiêng cồng cất lời
Cột Xà nur(3) chờ Ăn trâu vào hội
Tấm thổ cẩm chờ Da dá, Tân tung(4).
Em có nghe ở bên kia thung lũng
Suối gọi em! Thác đợi chờ em!
Trắng màu thủy chung. Xanh màu hy vọng!
Máng nướng nguồn sông tháng ngày đợi em.
Hẹn mùa trăng tròn nơi sàn duông lửa đỏ
Háo hức mùa Sim vòng hẹn thề Cơ lim(5) tìm tỏ tình
Mây hôn Núi – Tình Yêu…!
_________
(1) Đi sim (lướt dơng): Mùa đôi lứa đi tìm hiểu nhau, hẹn hò với nhau vào những đêm trăng rằm, đây là nét văn hóa về tình yêu của người Ka Tu.
(2) Gươl: Ngôi nhà chung của làng
(3) Xà nur: Cây nêu nơi diễn ra lễ hội ăn trâu mừng ngày cưới và các lễ hội lớn của làng.
(4) Da dá, Tân tung: Điệu múa truyền thống của người Ka Tu.
(5) Cơ lim: Vật để làm tin khi đi hẹn họ vào mùa sim.
PƠLOONG PLÊNH