Vanvn- Ngô Bá Hoà sinh năm 1987, quê Lạng Sơn, tốt nghiệp Khoa Sân khấu – Điện ảnh – Viết văn, Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội, là hội viên Hội VHNT các Dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn. Anh đã cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ: Lớp học mùa mưa (thơ thiếu nhi) năm 2009; Cánh đồng cỏ úa năm 2014. Ngô Bá Hòa đã đoạt các giải thưởng: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn lần III năm 2009, lần IV năm 2014; Giải A cuộc thi thơ Tạp chí Xứ Lạng 2014; Giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2009; Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam năm 2014.
Ngô Bá Hòa viết thơ từ rất sớm, anh khởi đầu bằng thơ thiếu nhi với những bài thơ thơ hồn nhiên, mộc mạc, đậm chất dân tộc, miền núi. Sau này, khi học xong Đại học, Ngô Bá hòa có sự đổi mới và bứt phá trong phong cách, nhưng hình ảnh con người, văn hóa, làng bản miền núi vẫn hiện hữu trong những sáng tác của anh: “Tôi lớn lên mang hình cánh đồng/ rộng trong tim và sâu trong mắt/ mẹ vẫn về trong lời gió hát/ em lớn lên trên ngọn cỏ non/ Tôi ra đi một chiều cỏ úa/ bỏ sau lưng đám cháy tro tàn/ đâu biết rằng tàn tro cỏ cháy/ lại bật lên ngàn vạn cỏ non!…” (Cánh đồng cỏ úa); “Đặt bàn tay lên ngực/ Nhịp đập truyền xuống dưới chân/ Đất run lên lắng nghe điều tôi nghĩ…” (Phố ngả hai)…
NÔNG QUANG KHIÊM giới thiệu

CÁNH ĐỒNG CỎ ÚA
Tuổi thơ tôi thơm mùi cánh đồng
úa vàng nỗi đau bỏ ngỏ
trên mi mắt cha buồn
mẹ vẫn về theo từng ngọn gió
Tuổi em tôi gửi theo nhánh cỏ
xác xơ mỗi chiều
tôi chạy theo tiếng gọi
nơi nào cũng em mà không nhìn thấy em!
Tôi lớn lên mang hình cánh đồng
rộng trong tim và sâu trong mắt
mẹ vẫn về trong lời gió hát
em lớn lên trên ngọn cỏ non
Tôi ra đi một chiều cỏ úa
bỏ sau lưng đám cháy tro tàn
đâu biết rằng tàn tro cỏ cháy
lại bật lên ngàn vạn cỏ non!
Ngày trở về đầy những héo hon
cánh đồng vẫn thơm những chiều cay mắt
mẹ vẫn về trong lời gió hát
cỏ mướt xanh!
HOÀNG HÔN TRÊN BẢN
Nhóm ngày vào bếp lửa
Rực lên ánh hoàng hôn.
Khói hay sương
Sương hay khói
Thật thà như lời nói
Người vùng cao
Bản ta chênh chao
Mây ngàn
Gió núi
Hoàng hôn chở dáng người lầm lũi
Gùi hương rừng về bản
Tiếng chim thay tiếng hát
Giữ tâm hồn ta xanh!
Bản ta có suối
Gột rửa hết tháng ngày nông nổi
Cho gái, trai trưởng thành…
Bản ta có rừng
Mênh mông đo sức trai
Thẳm sâu nỗi lòng con gái.
Những ngôi nhà hoàng hôn phủ đầy trên mái
Lấp lánh tương lai
Ta mở toang cánh cửa ngày mai
bập bùng ánh lửa.
PHỐ NGẢ HAI
Chùm quả chín muộn
Đợi lũ chim cất tiếng reo vui rúc rích
Tôi về thăm phố ngả hai
Đặt bàn tay lên ngực
Nhịp đập truyền xuống dưới chân
Đất run lên lắng nghe điều tôi nghĩ
Đường về lối cũ
Nắng, gió và… tôi
Phố ngả hai trong kí ức một thời
Tôi – mười chín tuổi
Đã phải lựa chọn một trong hàng trăm con đường
Phố đã bao tuổi – vẫn chỉ ngả hai?
Ngả hai, ngả hai ơi!
Cho tôi mơ cuộc đời mình được thế
Chỉ có hai con đường để chọn một mà thôi…

HƯƠNG RỪNG
Dư âm của cánh hoa tàn
làm thao thức gió
mùa sang
ta đợi em mòn khung cửa.
Ngày nối ngày
thời gian làm nở những loài hoa khác
không gian man mác
hương rừng ngây ngây…
Ta hái hoa đầy tay
hương rừng làm chiều lịm say
làm hoàng hôn chất ngất
Em về còn dấu mặt
ta nhận ra em bởi chút hương rừng.
Em về ta bâng khuâng
qua chín bậc cầu thang cửa mở
Em về hồng thêm bếp lửa
hương rừng càng say.
NHỮNG ĐỨA TRẺ BẢN MÂY
Những đứa trẻ lớn trên lưng trâu
giọng nói trưởng thành như nứa vỡ
ước mơ được bay cao hơn chim
và lớn hơn cây cổ thụ
Những đứa trẻ tóc mọc trong mây
bước chân làm đau đá sỏi
khúc đồng dao đếm tuổi
suối ru hồn trong veo.
Những đứa trẻ lớn trong màu xanh
Có ánh mắt thấu đại ngàn
Có đôi tai lắng trăm ngàn núi
Và nụ cười vỡ ánh hoàng hôn.
Cứ lớn lên
Lớn lên
Những đứa trẻ khát khao bầu trời mới
CHIẾC ÁO CỦA CHA
Tuổi chiếc áo bằng một nửa tuổi Cha
mỗi nếp gấp mang dáng hình đồng đội
mỗi mảnh vá chứa bao điều muốn nói
về một thời trận mạc của Cha.
Ngày con sinh ra
đất nước hoà bình
với bạn bè con hay xấu hổ
khi thấy Cha mặc chiếc áo xanh cũ kĩ
đâu biết với Cha là kỉ vật cuộc đời
Nơi nghĩa trang nghi ngút khói hương
trước hàng hàng ngôi mộ
cha đắp áo sẻ chia hơi ấm
với đồng đội xưa yên nghỉ chốn này
Khoé mắt con chợt cay
khi chứng kiến nghĩa tình người lính
không khoảng cách nào giữa người còn người mất
chiếc áo bạc màu hoá gạch nối âm dương.
NGÔ BÁ HÒA