Chùm thơ Phạm Văn Dũng: Khúc ca người lính

Vanvn- Xếp lại những tháng năm cồng kềnh xa xôi/ Những tháng năm với nhiều gian khó/ Để mơ ước một tương lai rạng rỡ/ Mong đừng mất đi thăm thẳm gió đồng// Luễnh loãng đêm trăng/ Người lính xa nhà/ Bật rung ngón ghi ta/ Khiến đêm sâu hoắm/ Nơi phố thị/ Một ai đó đã từng mê mẩn/ Luôn khát khao/ Người lính ấy trở về

Nhà thơ Phạm Văn Dũng ở Thanh Hóa

TRÁI TIM THỜI HẬU CHIẾN

 

Cơn gió thổi từ Trường Sơn

Tướp táp lên vai cha

Mảnh đạn sượt qua

Một phần thịt nằm lại nơi tuyến lửa

 

Chiến tranh đi qua mảnh đất này một phần tư thế kỷ

Nơi đây, hằng đêm cha uống trăng

Để thắp lên bao ước mơ cha từng ấp ủ

Và chính nơi đây

Bao trận sốt rét rừng

Rồi những trận cuồng điên giặc giã

Bóp nghẹt tim cha

Làm lỡ nhịp trận đầu

 

Chiếc ba lô rạn rĩ với núi thẳm rừng sâu

Giờ cha treo nơi cột nhà thay tấm huân chương cha chưa được nhận

Chiến tranh đã lùi xa chôn theo cùng thù hận

Đồng đội cha, nơi cao xanh chắc họ cũng mỉn cười

Vì cha đâu có đeo trên ngực mình tấm huân chương ghi chiến công hiển hách

Bởi cha biết mọi cuộc chiến đều là mất.

 

Đồng đội ơi hãy yên nghỉ giữa mây trời

Để ngắm vầng trăng thanh khiết đang nhẹ trôi

Và lòng cha cũng đang vui vì trái tim đang căng tràn nhịp sống.

 

CHA TÔI – NGƯỜI LÍNH

 

Năm một chín bảy hai

Năm cha ghi tên mình vào quân ngũ

Vùng Trị Thiên khói lửa

Rồi vĩ tuyến Hiền Lương ngăn cách đôi bờ

 

Ngày tháng chiến chinh

thương những thân cò

Đôi cánh chẳng khi nào biết trời xanh và gió biếc

Len lỏi giữa tiếng súng

Dập vùi dưới làn mưa bom

Chúng lớn lên

Với niềm tin yêu mãnh liệt

 

Những trận sốt rét

Lá rừng ủ ấm bao phen

Sỏi đá dưới chân

Mềm tan nơi núi cao, vực thẳm

Cả dân tộc băng mình trong trận chiến

Máu xương sá gì

 

Những khoảng rừng cha đi

Những con khe cha tới

Vọng lời người thưa mỗi khi cha gọi

Thúc giục chân cha mau thắng giặc trở về

 

Đất Nước hôm nay đã đẹp dường kia

Thành quách, lâu đài, cầu, kênh phục dựng

Đồng đội cha không muốn mình hóa tượng

Giữa cao xanh vẫn luôn mỉm miệng cười.

 

RU PHẬN MÌNH TRÊN CÁT

 

Tiếng nấc côn trùng rạch vào không trung

Thế là trời làm mưa sau cơn vần vũ

Không gia hạn thêm

Cho cái nắng mỏi mệt bao ngày

 

Cha tôi

Người đã ngấm quá nhiều nỗi đau

Hoang phí quá đà với vị đắng

Khi này

Người đã giã tật được bao nhiêu?

 

Như bầu trời kia

Mệt nhoài

Lịm vào giấc ngủ

Để ngày mai lại đón một bình minh

Tự làm mới mình

Với những tảng mây nhiều hình khối

 

Cha tôi

Người đi qua cuộc chiến chinh

Để viết thêm chiều dài lịch sử

Lời phán quyết hôm nay với nhiều hướng mở

Miễn là ta bắt tay nhau

 

Tiếng gầm réo sâu đằm vào ký ức

Những lạnh toát sống lưng

Những trầy xước

Những giá buốt với rất nhiều cơn sốt

Giờ ta đã có thanh bình

 

Về với đời thường

Người chọn cho mình

Bờ ao góc ruộng

Không quân hàm quân hiệu

Chỉ là người lính trận năm xưa

Tìm kiếm đồng đội nơi thảm cỏ xanh rì

Ôm chặt từng người trong giấc mơ bỏng cháy

 

Bừng tỉnh

Nhìn trận mưa khét lẹt đang sôi

Người lặng thầm

Ru phận mình trên cát.

Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

NGÀY CHỊ GẶP ANH

 

Mùa cạn

Thao thức cánh chim

Bầu trời ngùn ngụt gió

Thanh âm ngúc ngoác về đâu

 

Trăng lưỡi liềm

Treo nơi cửa nhà im ỉm đóng

Vô nghĩa

Xám xịt những chòm rêu

Chỉ để lại dấu tích là vết xước lạnh toát

 

Thềm nhà

Ngóng tin chồng mòn lõm vào khuya

Chị cài vào heo may

Vết thương khó lành sẹo

Ủ chốn thinh không

Lặng câm

 

Thời gian mãi lấp vùi vào dĩ vãng

Ngôi nhà từng mơ ngập tiếng trẻ thơ

Giờ trống hoác không cần ổ khóa

Bóng dáng hai người lặn vào mây trời

Sau quãng dài chị tôi mòn mỏi đợi

 

Chỉ toàn nốt trầm

Cây ghi ta vọng lời non nỉ

Từ phía xa rồi lịm vào sóng biếc

Chị bước đi trong chới với

Bàn tay chạm được bàn tay

Chị thanh thản mỉm cười

Vết sẹo đã lành rồi anh ạ!

 

DI CHỨNG CHIẾN TRANH

 

Con tò he níu tuổi thơ ở lại giữa chợ đời

Con bọ xít kéo xe ngược thời gian trả ta về thời răng sún

Những nùn rơm lạnh tanh không cho mình hơi ấm

Giữa khoảng trời thâm, thịt cũng thâm theo

 

Người lính già nhìn cây

Ngẫm ra bao triết lý

Tại sao cành luôn cỗi trước thân

Ngày tháng trôi qua chúng cứ rụng dần

Để cho thân được mãi cao sừng sững

 

Người lính già hôm nay không còn ra trận

Nhớ về tuổi thơ lem lấm của mình

Cứ thế cả ngày hỏi trời “sao mà vàng võ

Có phải ít yêu đời mà kém sắc tươi xanh?”

 

Người lính già mang di chứng chiến tranh

Nên cứ sống trong thời tuổi thơ với nhiều giông bão

Mắc võng giữa không gian tràn lời ru huyên náo

Hai đầu mấu vào hai mốc thời gian nên giấc ngủ chênh chao

 

Người lính già xung trận giữa chiêm bao.

 

KHÚC CA NGƯỜI LÍNH

 

Ngột ngạt những âm thanh

Ngột ngạt những ánh sáng

Phố vào khuya

Khó phân biệt với ngày

 

Có những khi

Trời thả chùng mấy chùm mây sắp mưa

Phố cảm thấy lạnh sống lưng một chút

Tuổi thơ hôm nay chẳng khi nào biết mặt

Mấy vì sao biết chạy giữa bầu trời

 

Xếp lại những tháng năm cồng kềnh xa xôi

Những tháng năm với nhiều gian khó

Để mơ ước một tương lai rạng rỡ

Mong đừng mất đi thăm thẳm gió đồng

 

Luễnh loãng đêm trăng

Người lính xa nhà

Bật rung ngón ghi ta

Khiến đêm sâu hoắm

Nơi phố thị

Một ai đó đã từng mê mẩn

Luôn khát khao

Người lính ấy trở về

 

Cứ mặc nhiên khét lẹt những âm thanh

Cứ mặc nhiên khét lẹt chùm ánh sáng

Tiếng ghi ta thắp lên bao mộng tưởng

Một vầng trăng lặng lẽ rọi thanh bình

 

Người lính thản nhiên hát khúc quân hành

Dằng dặc chông gai không hề chùn bước

Phố lại lặng im với những đêm thao thức

Bờ vai mềm khúc ca ấy ngân rung.

 

VIẾT TIẾP BÀI CA

 

Chút hương thầm mắc cài vào gai gió

ngân ngấn bờ đê chỗ ta ngồi năm xưa

trăng thánh thiện tỏa tàu cau che bóng

thời gian như hơi may trôi theo đợt sang mùa

 

Năm xưa

gầy như bát canh rau trong hầm tối

cả nhà ta lấm lem với những loạt bom rơi

mẹ thao thức chở che từng mạch gân của đất

sợ nứt toác trong khuya cắm phập mảnh sét trời

 

Ta lớn lên

đón thanh bình từ bờ đê ngăn lũ

không còn thấy cháy xém con ngựa sắt hàng ngày bay rát tai

không còn cảnh cha lén về giữa khuya

chỉ hai mắt sáng làm con giật mình khóc thét

vượt qua những bão tố, chông gai

để con được vạm vỡ hình hài

 

Lịch sử lại được viết bằng những bài ca, những lời thơ không còn mùi thuốc súng

những rặng tre không hóa thành mũi chông

những ánh bình minh không còn mọc lên trong khắc khoải

đời tự do cho năm tháng tươi hồng!

 

PHẠM VĂN DŨNG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *