Thơ Phạm Công Trứ: Trong khổ đau, Bụt chưa hiện bao giờ

Vanvn- Vẫn nguyên vẹn trong tôi khoảng trời man dại ấy/ Có ve kêu, phượng cháy bập bùng/ Có cô Tấm, có mẹ con nhà Cám/ Có Thạch Sanh và cũng có Lý Thông…// Tuổi bốn mươi, đời không là trang sách/ Trong khổ đau, Bụt chưa hiện bao giờ/ Chẳng vì thế ta hoài nghi cổ tích/ Và phàn nàn rằng đã trót yêu thơ.

Nhà thơ Phạm Công Trứ

Phút quay về

 

Từ buổi tiễn đưa, chưa một lần gặp lại

Bạn bè ơi! Thèm một phút quay về

Vòng phấn trắng viên bi lăn run rẩy

Phút chạm cười tung toé hết đam mê…

 

Quên sao được quãng đường xưa tới lớp

Tóc bím thề nhảy nhót lưng thon

Em ngoảnh lại, tôi nhìn đi chỗ khác

Đường rùng mình rụng tím mưa xoan

 

Quên sao được những năm trời sơ tán

Từ tranh tre, nứa lá dựng lên trường

Mảnh giấy viết bút cày lên cọng rạ

Mỗi lưng người một chiếc mũ rơm

 

Quên sao được giọng thầy giáo cũ

Trang sử xưa những bài học đầu tiên

Mẹ Âu Cơ đẻ ra bọc trứng

Nhà Vua đầu tục gọi Hùng Vương…

 

Ô, thoắt vậy ba mươi năm có lẻ

Lứa bạn xưa: Ai mất? Ai còn?

Ai là nông dân? Ai thành trí thức?

Tháng năm này Ai vẫn mặc áo xanh?

 

Ta kịp đến Trường Sơn vào trận cuối

Chẳng chờ đợi được nhau, em đã lấy chồng

Em đã khóc vào cái đêm gặp lại

Trong chuyện này em có lỗi cả không?

 

Vẫn nguyên vẹn trong tôi khoảng trời man dại ấy

Có ve kêu, phượng cháy bập bùng

Có cô Tấm, có mẹ con nhà Cám

Có Thạch Sanh và cũng có Lý Thông…

 

Tuổi bốn mươi, đời không là trang sách

Trong khổ đau, Bụt chưa hiện bao giờ

Chẳng vì thế ta hoài nghi cổ tích

Và phàn nàn rằng đã trót yêu thơ.

 

Trách

 

Lòng buồn ta tự trách ta

Loanh quanh một lúc hoá ra trách mình

Trách mình học giỏi lại xinh

Môi mình đã đỏ, mắt mình còn đen

Trách mình ngồi đúng bàn trên

Đôi lần vương cả tóc mềm vào ta

Tóc mềm, mềm đến thướt tha

Mà sao rối được chân gà, mình ơi!

 

Bước chân vừa đến lớp mười

Tim ta đã vỡ nhịp đôi trước mình

Thế rồi ngồi viết linh tinh

Mặt bàn đầy những tên mình cộng ta

Tên mình đã tươi như hoa

Còn mềm như lụa, kiêu sa như mình

Tên ta vừa cứng như đinh

Vừa khô như ngói, vừa khuỳnh như ta

*

Trách gần thôi lại trách xa

Ngơ ngơ, ngẩn ngẩn như ma bắt hồn!

 

Nơi

 

Nơi lẫm chẫm tập đi

Nơi bi bô tập nói

Từ đồng về mẹ gọi:

“Cu đâu rồi: măm… măm”

Nơi bính-bong khai tâm

Nơi cắc-tùng khai trí

Buổi nhập tr­ường lí nhí:

“Con tên Tr., thư­a thầy!”

Nơi tím tái cỏ may

Nơi óng vàng cỏ mật

L­ưng trâu đồng vãn gặt

Gấu quần cỏ bám đầy

Nơi bờ tre trăng ló

Nơi bờ cỏ trăng rơi

Thuở ban đầu bối rối

Anh gọi “đằng ấy ơi!” ….

Mẹ anh vừa mới mất

Thầy giáo mắt đã loà

Đằng ấy sắp lên bà

Anh ng­ười đầy bệnh tật

Thời gian trôi sấp mặt!

Tranh của họa sĩ Thành Chương

Khoảng trời tuổi thơ

 

Rủ nhau chơi tập tầm vông

“Tay nào có?”, “tay nào không?”, để rồi

“Chịu thôi!” Em gỡ tay tôi

Mắt cười trong suốt khoảng trời tuổi thơ

Khoảng trời chợt nắng, chợt mưa

Chập chờn cánh bướm, thấp thưa cánh chuồn

Cái năm em chớm  biết buồn

Cũng là năm phía chiến trường giục tôi…

*

Gặp em, em gặp hôm rồi

Tuổi ba mươi sống lại thời tầm vông

“Tay nào có”, “tay nào không”

Nựng con, em giấu vào lòng … lời ru.

 

Tự cảm

“Em đến để chào thầy em về Tết…”

 

Em đến để chào tôi em về Tết

Ngại mọi người tôi chẳng tiễn em

Đã đi rồi, em nào có biết

Tôi đứng bâng khuâng mãi trước thềm

 

Giữa bao nhiêu chuyến tàu tết ấy

Con tàu nào đưa em đến quê hương?

Giữa bao nhiêu những  người ngóng đợi

Tôi biết rằng trong ấy có bà em

 

Tôi cũng biết bố em là liệt sĩ

Trong những ngày đánh Mỹ hôm qua

Tôi còn biết mẹ em đi bước nữa

Em lớn lên trong tấm lòng bà

 

Rồi có lúc bên bà em sẽ kể

Đời sinh viên biết mấy buồn vui

Ước gì giữa những câu chuyện ấy

Có lúc nào em lại nhắc đến tôi

 

Rằng, trường cháu có một người thầy giáo

Chẳng hiểu vì sao cứ hay hỏi thăm bà

Quê thầy ấy ở vùng Hải Hậu

Cũng có đồng, có biển giống quê ta…

 

Lòng thầm hẹn có một ngày trời đẹp

Tôi cùng em bước xuống sân ga

Dưới mái ấm thơm mùi rơm rạ

Tôi cùng em quỳ xuống: “Thưa bà…”.

 

Những ngày này

 

Mỗi khi đến hè lòng man mác buồn…

Những ngày này im lặng quá, trường ơi

Cây phượng đứng trầm tư, gió đong đưa chùm quả

Lang thang gió đi tìm cửa sổ

Cửa sổ đóng cả rồi, cơn gió mồ côi!

 

Cái vòi nước hôm xưa rộn rã tiếng cười

Giờ đứng lặng không tay người vặn khoá

Âm thầm nước trào ra miệng bể

Tưởng đâu đây có tiếng chân người

 

Cái bậc lan can kia, nơi em vẫn thường ngồi

Chiều mùa hạ ôn thi bao nhiêu là câu hỏi

Có một câu… nhưng rồi thôi không nói

Đến bây giờ lửa vẫn đốt lòng tôi

 

Heo may đã về, lác đác lá rơi

Tôi ngước nhìn trời thu thăm thẳm quá

Trong trập trùng lòng tôi hoa cúc vàng lại nở

Xin ngắt tặng em, thương mến của hồn tôi

 

Em đi về nơi ấy xa xôi

Bụi năm tháng có mờ không, áo trắng?

Mùa thu này có nhớ về trường cũ?

Có nhớ về hoa cúc? Nhớ về tôi?

 

Những ngày này im lặng quá, trường ơi!

 

Chuyện cái que kem

 

Cắn chung cùng một que kem

Góp xu mua để giải thèm chút thôi

Nào ngờ môi cắn phải môi

“Ăn gian” em đấm lưng tôi… “đúng là”

Đúng là nhất quỷ nhì ma

Ăn gian chỉ đứng thứ ba… học trò

 

Ra trường hết tuổi vô lo

Tôi em mỗi đứa mỗi đò nổi lênh

Người lên thác, kẻ xuống ghềnh

Dần quên cái thuở hữu tình mình ta

Hội lớp nay thành hội già

Chỗ mày tao, chỗ ông bà rất vui

 

Người xưa, chuyện cũ bồi hồi

Còn răng đâu nữa để mời… cắn kem!

 

Một thời mày tao

       Tặng các bạn Khóa I, Khoa Luật ĐHTH HN (1976-1980)

 

Gặp nhau những nói cùng cười

Hội lớp sống dậy một thời mày tao

Tao thì vậy, mày thế nào?

Tao giờ vẫn cứ lào phào thế thôi!

Này Cúc, đã mấy con rồi

Này Hương, chồng mới lên đời phải không?

Nhìn nhau một thoáng ngượng ngùng

Ngày xưa đã tưởng vợ chồng của nhau

Như là chẳng đâu vào đâu

Chao ôi cái thuở ban đầu sinh viên

Thằng tầng dưới, đứa tầng trên

Những ngày cơm bụi, những đêm chong đèn

Cơm không thịt, túi không tiền

Chưa tích của nả, chỉ nghiền sách thôi

Ra trường mỗi đứa mỗi nơi

Chia tay chia cả cái thời… mày tao

Bây giờ ai thấp, ai cao?

Ai còn ai mất? Chụm vào tản ra

 

Người đến hội, kẻ nằm nhà

Vài câu sáu tám gọi là… tặng nhau!

 

PHẠM CÔNG TRỨ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *