Chùm thơ Nguyễn Đức Hưng: Mật mã Tây Nguyên

Vanvn- “Tây Nguyên không phải Shangri-La nhưng/ chứa đầy huyền thoại/ phía trong bình đài/ tộc người đi tìm tự do khi chân trời đã mất/ di chỉ còn là ánh mắt đồng vị/ và loài người lầm lụi bước đi/ biểu tượng Tôtem chỉ còn mật mã”

Nguyễn Đức Hưng sinh ngày 30.5.1987 quê quán Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh hiện công tác tại Trung tâm Y tế huyện Kon PLông ở thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum.

Đã có nhiều thơ viết về Tây Nguyên, nhưng với thơ Nguyễn Đức Hưng thì có khác. Vẫn là Tây Nguyên huyền thoại bí ẩn nhưng bằng tình yêu, cảm quan và góc nhìn của một trí thức khoa học trẻ, anh đã soi rọi, đối chiếu, tái hiện, dự cảm để tạo dựng trong thơ mình một không gian Tây Nguyên riêng từ vỉa tầng lịch sử, văn hóa đến số phận con người và thiên nhiên. Một Tây Nguyên bị mai một, tàn phá, mất mát, đớn đau như “lễ hội đâm trâu hoài niệm trong lời kể/ nền văn minh đã tuyên án mất rồi” nhưng vẫn còn nét phồn thực, lãng mạn bay bổng đầy quyến rũ “ghì chặt nhau điệu xoang rũ rượi/ thả hồn theo chiếc lá thông rơi”. (PH)

Nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Hưng

EM VÀ THÁNG BA

 

tháng ba nỉ non ghim vào ngón tay gầy

hoa lau trắng bung trời thương nhớ

em ngập ngừng giữa thênh thang đại lộ

phố phường in bóng nắng…

 

tháng ba

mùa con ong vội vàng đi lấy mật

vũ điệu hân hoan trong ánh chiều tà

sợi thổ cẩm mắc vào cơn gió

nhà sàn thấp thoáng khói xa

bông pơ lang thắp lửa hồng đỏ đót

 

em giấu điều gì hỡi những ưu tư

tháng ba nhảy vào dòng suối

quẫy tung nỗi nhớ vơi đầy

ghì chặt nhau điệu xoang rũ rượi

thả hồn theo chiếc lá thông rơi

những ngôi nhà cao tầng nép vào nhau mà lòng em chật chội

 

tháng ba

ánh trăng bạc lạnh rừng già

vệt mi em khép cong hồi ức

em mơ thấy

già làng cặm cụi đẽo những bậc thang bằng đất

cho em bước vào năm tháng xa xăm

tháng ba em cất giấu âm thầm

về một địa đàng tan vỡ.

 

CHẠY ĐI EM

 

nếu cánh cổng làng chật hơn đôi mắt

chạy đi em

mang theo tiếng thở dài của cha những đêm rừng động

nếp nhăn trên trên trán mẹ khi thác lũ tràn về

mang theo một cơn mê

con ma trành làm nhà sau đuôi hổ

voi mai táng chính mình trong nghĩa địa thâm u

chạy đi em

nếu gặp loài cua đỏ đè lên xác nhau tìm về tiên tổ

đừng quay lại… chạy đi

lễ hội đâm trâu hoài niệm trong lời kể

nền văn minh đã tuyên án mất rồi

cánh cổng làng trăm năm nay vẫn thế

tượng nhà mồ nhe hàm răng phóng đại mải mê cười

vía của làng treo nơi đầu suối

ngủ mơ một bát cơm tươi

gạt những dây gai bám quanh phận người bé mọn

ném chiếc dao cùn vào lửa cháy

chưa bao giờ gọt nên hy vọng

đạp gãy chiếc khung cửi già nua

chưa bao giờ dệt nên số phận

nếu cánh cổng làng quá chật

chạy đi em.

 

VIẾT TRƯỚC CỔNG CHÙA

 

những con chim sẻ buồn xo

ngơ ngác xếp hàng nhìn dòng người đạo đức

nối đuôi lặng im trước pho tượng nghìn tay nghìn mắt

linh thiêng trắng bợt, vàng ươm

con xù lông co rúm chán chường

con ưỡn ngực gồng mình

khao khát được rong chơi cõi phù sinh sung sướng

ranh giới nào trước cánh cửa Tam quan?

những con già hơn trải qua những kiếp nạn

 

bắt nhốt bất an

49 ngày rồi…

luân hồi ở đâu ra?

tháng bảy mưa ngâu

những linh hồn lưu lạc

nhảy nhót rong chơi khi tội ác

buộc lên đầu chú chim sẻ con con

những chú chim hoài nghi rúc đầu vào tượng phật

tưởng là cõi niết bàn siêu thoát

ngờ đâu, ấm ức hóa thân

tháng bảy mưa ngâu

tưởng được phóng sinh…

Tranh của họa sĩ Y Nhi Ksor

MẬT MÃ TÂY NGUYÊN

 

phía sau vách núi

lọt thỏm giữa lòng thung

người đàn bà Xơ Đăng ru con bằng lời cổ tự

bức tượng nhà mồ thô ráp buồn tênh

níu rách lưng trời bấu tay vào khe đá

nhặt đầy những mảnh vỡ phôi thai

tiếng đàn đá người Raglai

tiếng âm trầm cồng chiêng Cơ Ho

không chỉ là những thanh âm

chuỗi mã hóa của ngàn đời dội lại

hoa văn trên váy áo Ba Na

chấm phá trên khăn choàng Giẻ Triêng

không chỉ là màu sắc

bản đồ của nguồn cội hồng hoang…

 

hàng triệu năm trước

trong cuộc di trú lang thang

loài người hạnh phúc tìm ra hang đá

hàng triệu năm sau

trải qua biết bao chu trình tiến hóa

loài người xây hang đá để chui vào

Tây Nguyên không phải Shangri-La nhưng

chứa đầy huyền thoại

phía trong bình đài

tộc người đi tìm tự do khi chân trời đã mất

di chỉ còn là ánh mắt đồng vị

và loài người lầm lụi bước đi

biểu tượng Tôtem chỉ còn mật mã

khi bên ngoài vách đá

một chu trình ngược dòng tiến hóa

và loài người đang hối hả đào hang.

 

HỒI ỨC

 

già làng ngồi chống cằm bên ngôi nhà sàn lợp tôn

mắt đăm đăm nhìn chiếc cầu thang bạc phếch

mảng bê tông trắng như vòng quay ký ức

xoắn vặn vào buốt nhói mênh mang

những giai điệu từ cái thủa xa xưa trầm mặc hồng hoang

tiếng cồng chiêng

leng keng từ đĩa nhạc

vỡ thành từng mảnh thời gian khô khốc

dòng suối con sông khóc cạn dòng meo mốc

trơ khấc vài vũng nước nhỏ nhoi tôm cá mất đường về

lão thở dài nhìn lại mảnh trăng quê

trăng giận dỗi quay đầu tránh ánh nhìn trăn trở

ôi…

cái thời trăng còn bỡ ngỡ

rừng còn nguyên lành

khuôn ngực em chơm chớm mơ xanh.

 

NỖI BUỒN CỦA EM

 

em gùi nỗi buồn lên rẫy

nhấp nhô trên những đỉnh đồi

nơi đây trở trời nắng cháy

hững hờ thác đổ mây trôi

em gùi nỗi buồn trong đó có tôi

có lời hứa người đồng bằng

cùng em bữa cơm rau rừng bên suối

con chuột rừng mang tội

buồn hiu nằm dưới đáy gùi

em đổ nỗi nhớ ra phơi

nỗi nhớ chảy theo tiếng mưa

xóa mất dấu chân người quên lối

đôi mắt tôi sám hối

như cây non nhiễm nấm

quằn quại sau mưa vùi

em ngồi đếm mầm xanh sót lại

hy vọng nào nảy nở

trên đôi mắt em tôi

khói bếp thương ai ngủ mơ qua những mùa đứt gãy

sợi mây không trói nổi đời người

em xót xa đếm thanh xuân qua áng mây vời vợi

dưới tán lá rừng còn lại em thôi.

 

NỖI NIỀM XUYẾN CHI

 

Lặng lẽ

Những bông hoa xuyến chi

Nở một đời vội vã

Cũng như em

Cả một thời tất tả

Bám theo những bước lãng du

Xuyến chi mỏng manh khô đét xuân thì

Dành cả tuổi trẻ tròn căng phung phí

Chỉ cần

… giả vờ được yêu

… giả vờ che chở

quên đi lý trí

Tự huyễn hoặc mình mơ mộng gọi tên

Người phũ phàng gỡ những ngón tay gầy guộc… chẳng quen

Bấu chặt lấy mình khó chịu

Ném vội bên đường…

Những bông hoa xuyến chi thổn thức

đanh lại quắt queo

Thành những cái ngoắc câu

Tiếp tục cuộc hành trình đeo bám

Tìm kiếm thứ tình yêu chẳng đến lượt mình

Là xuyến chi dại dột niềm tin

Gieo hy vọng được một lần bung nở

Xuyến chi than thở

Nỗi niềm xuyến chi

Đời dài hay ngắn

Sống tạm bợ để yêu thương tạm bợ

Rồi chết mòn trên lối nhỏ hóa thơ.

 

NGUYỄN ĐỨC HƯNG

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *