Chùm thơ Nguyễn Đình Ảnh: Thương những kiếp người xưa cô đơn!

Nguyễn Đình Ảnh (1942-2006)

Vanvn- Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh (1942-2006) từng là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả các tập thơ đã xuất bản: Chào đất nước (1970), Trăng rừng (1977), Hoa cỏ miền đồi (1982), Trước cổng trời (1989), Giã biệt một ánh sao chiều (1992), Sắc cầu vồng (1996), Vầng sáng và những kỳ tích – thơ – trường ca (2000). Là một trong những gương mặt nổi bật của văn chương Đất Tổ, nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh để lại những trang thơ giá trị và hình ảnh đẹp về nhân cách. Đọc di sản thơ phong phú của ông, chúng ta như Lại trở về nơi đất Tổ Hùng Vương/ Sau bao nhiêu tháng năm xa cách/ Đứng dưới gốc thông già mà muốn sa nước mắt/ Thương những kiếp người xưa cô đơn!”

>> Nguyễn Đình Ảnh – cặm cụi một nhà thơ đi bộ

 

Chào Đất nước

 

Sáng mùa thu, lên thăm Đền Hùng Vương

Sim chín mọng, treo từng chùm trước mặt

Mấy nghìn năm! Bóng người xưa đã khuất

Cột đá thề còn nguyên nơi đây…

 

Giữa muôn trùng cây lá sáng chân mây

Chim gõ kiến rung cành thông thành tiếng hát

Hoa đại rải mái đền vàng bát ngát

Ngôi mồ xưa bâng khuâng trong thời gian

 

Giếng nước nào soi khuôn mặt Tiên Dung

Đâu nơi bà Âu Cơ sinh ra trăm trứng

Bác Hồ đến thăm, bước lên Đền Thượng

Khuyên cháu con gìn giữ nước non này…

 

Ôi! Đời ta, từ buổi có trâu cày

Trẻ em mặc áo hoa đi học

Sông Hồng chở phù sa hòa với nước

Tưới đẫm đồng cho lúa lên xanh

 

Âm vang sau tất cả tiếng bom

Là tiếng em ta học bài trong lớp

Là tiếng mõ trâu rền trên đỉnh dốc

Tiếng hát theo chân người đi mở đường…

 

Lại trở về nơi đất Tổ Hùng Vương

Sau bao nhiêu tháng năm xa cách

Đứng dưới gốc thông già mà muốn sa nước mắt

Thương những kiếp người xưa cô đơn!

 

Mặt tối sầm, lam lũ cả hoàng hôn

Bao nếp nhăn còn hằn trên trán mẹ

Ấy là lúc cuộc đời còn nô lệ

Lửa âm ỉ cháy từng giờ…

 

Cảm ơn! Cảm ơn màu đỏ lá cờ

Làm thắm lại những sắc da vàng vọt

Mẹ cầm bát cơm trắng thơm từng hạt

Nước mắt trào ra đằm cả áo con!

 

Hai mươi lăm năm! Thời gian trôi qua

Nước sông Hồng vẫn không ngừng chảy xiết

Chào đất nước của Hùng Vương bất diệt!…

 

Lâm Thao, thu 1970

 

Trước cổng trời

 

Giữa hai bên vách đá

mở ra một khoảng trời

 

Trên chót đỉnh cao vời

tôi nhìn ra xa thẳm

chưa thốt được thành lời

lại rơi vào yên lặng

ngước lên: màu đá xám

cúi xuống: sắc rêu xanh

xòe tay ngỡ gặp bạn

nắm lại hóa tay mình

 

Như lạc giữa ngàn xanh

khi bước lên chóp núi

giữa muôn trùng hoang dại

bao sắc màu cỏ hoa

con thác réo ngân nga

đàn dê soi đáy suối

giữa ngút ngàn cây trái

dọc vùng rừng nguyên sơ

không biết thực hay mơ

ráng chiều như hơi khói

 

Bỗng hiện ra chói lói

như nắng rọi qua mưa

không thể chép bằng thơ

không thể ghi bằng nhạc

và dẫu bao màu sắc

cũng bất lực mà thôi

như gió thoảng mây trôi

làm sao mà vẽ được?

 

Nhưng cổng trời, cổng trời

ở ngay trên mặt đất

những vạt nương màu mật

lúa chín ngợp lòng thung

và tiếng nhạc ngựa rung

suốt triền rừng hoang dã…

 

Người Tày từ khắp ngả

đi gặt lúa, trồng rau

những người Giáy, người Dao

đi tìm măng, hái nấm

vạt áo chàm thấp thoáng

nhuộm xanh cả nắng chiều

và gió thổi, suối reo

ấm giữa rừng sương giá…

 

Quản Bạ, chiều 3/10/1978

Tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều

Sắc cầu vồng

       (Tặng T)

 

Chỉ cách một dòng sông

Mà hóa hai vùng đất…

 

Qua một cồn cát hẹp

Chiếc thuyền nan bềnh bồng

Chỉ sang bên kia sông

Là hai ta gặp mặt!

 

Nhưng tôi vẫn chưa sang

Vì sao, em có biết?

 

– Em ở trong xa cách

Như một sắc cầu vồng

Tôi sợ… nhỡ qua sông

Sắc cầu vồng biến mất!

 

1979

 

Vào thăm Đền Giếng

 

Vào thăm Đền Giếng, buổi trưa

Sao đang nắng bỗng òa mưa trắng trời

Sân đền ríu bước chân người

Tôi cùng em với một trời ở trên…

 

Khẽ khàng bước dưới mái hiên

Lòng như hát trước lặng yên bốn bề

Giữa đền, gương giếng tròn xoe

Từ xa xưa nước tụ về đây chăng?

 

Trước đền, mưa cứ giăng giăng

Làn mưa như thể dệt bằng cỏ hoa

Ô hay, trưa nay tôi qua

Mưa và gió cứ la đà trong cây…

 

Hai nàng công chúa đâu rồi

Chỉ nghe lộp độp trên đồi mưa mưa

Hoa sim từng đóa lưa thưa

Tưởng như tím cả buổi trưa quanh đền

 

Bão giông, giặc giã liên miên

Mà sao nước vẫn trong nguyên đến giờ

Đứng bên miệng giếng, sững sờ

Ai từng soi… để bây giờ là tôi?

 

Lo toan suốt cả một thời

Soi vào lòng giếng, thảnh thơi lạ lùng

Kìa em, mưa tạnh gió rung

Hơi mưa tan giữa vô cùng đất đai…

 

Nắng lên sáng cả đền đài

Dắt tay em – bước ra ngoài thềm xưa

Tiếng còi vang phía sân ga

Lúa xanh ngợp suốt lối ra cổng đền

 

Cầm tay sóng bước bên em

Thấy tin hơn lá cỏ mềm trước sân

Tin vào lòng giếng trong ngần

Thẳm sâu, dù chỉ một lần tôi qua…

 

Mùa hoa sim, 1978

 

Ngày ấy và bây giờ

 

I –

Bây giờ xa, mọi sự ngỡ là xong

Nhưng em có tin không

rằng sẽ có lần tôi trở lại

tôi sẽ đến căn phòng nhỏ ấy

sẽ ngồi bên chiếc bàn gỗ ấy

chỗ ngày xưa em vẫn thường ngồi…

 

Không phải để tìm em,

để tìm tôi hay để tìm ai khác

tôi đến đây để tìm

cái thời tôi đã mất

– cái thời mà tất cả những gì trong trẻo nhất

tôi đã dành cho em

 

Không biết đến bây giờ

em có giấu… trong tim?

 

II –

Rồi sẽ có một ngày tôi lại đến tìm em

như ngày nào tôi đã đến.

 

Em có thể vẫn như xưa

cũng có thể…

và câu chuyện bây giờ trở thành câu chuyện cũ

một vầng trăng xanh, một căn phòng nho nhỏ

chiếc gương soi, chồng sách trên bàn…

 

Lại bỡ ngỡ quay về từ sâu thẳm lãng quên

quãng đời ấy cùng những câu chuyện ấy

nơi chóp núi mờ xa và con suối

mây mơ màng như ngủ giừa rừng thông.

 

Cái đã qua, dấu tích có còn không

tôi tự hỏi. Và bây giờ tôi ước

giá dấu tích trong veo như giọt nước

để ta soi qua suốt cả đời mình!…

 

1976 – 1980

NGUYỄN ĐÌNH ẢNH

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *