Chúa đất miền Khau Sưa – Tiểu thuyết của Hoàng Thế Sinh – Kỳ 6

Vanvn- Tiếng cười của Tử Pín va vào vách đá nghe như tiếng đá vỡ khô lạnh, nghe hoang dã như tiếng thú kêu, rờn rợn. Mãi, Tử Pín mới xuống núi. Tử Pín cưỡi ngựa trắng, vó ngựa khấp khểnh đường đất đá trơn trượt. Vệ sỹ Rô và Báo cưỡi ngựa đỏ, theo sau. Tử Pín vừa ghìm cương ngựa vừa nghển cổ nhìn xuống chân núi. Ô, mênh mông nước! Tưởng chỉ hình dung ra thế thôi, đâu ngờ nước từ hồ Hoang Thủy đã đổ ào ào xuống cánh đồng Cò Nòi và cánh đồng Nà Lai, nước mênh mông thế kia! Tử Pín giật phắt cương ngựa. Con ngựa chạy như bay xuống núi.

>> Chúa đất miền Khau Sưa – những điều muốn nói

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ 1

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  2

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  3

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  4

>> Chúa đất miền Khau Sưa – Kỳ  5

Chương 16

1

Bão Snol!

Cơn bão khủng khiếp tưởng đã “tan xác” ở Quảng Đông-Trung Quốc, đâu ngờ nó lại quẫy cái đuôi sang Việt Nam. Hoàn lưu bão gây mưa dữ dội. Mưa mờ xám Fansifang 3143m. Mưa mờ trắng Pú Song Sung 2986m. Mưa mờ nhòe Lũng Cung 2913m. Sông Nậm Rốm đỏ đục, cuồn cuộn chảy. Sông Đà đỏ đục, cuồn cuộn chảy. Sông Lô đỏ đục, cuồn cuộn chảy. Sông Chảy đỏ đục, cuồn cuộn chảy. Sông Hồng đỏ đục, cuồn cuộn chảy. Thủy điện Sông Đà xả lũ. Thủy điện Thác Bà xả lũ. Thủy điện Nà Hang xả lũ. Ngã ba Hạc ứ hự nước duềnh lên, tràn trụa khắp đồng ruộng, đường phố. Miền Khau Sưa chìm nghỉm trong mưa. Cả vòm trời vang động tiếng nước đổ ào ào. Mãi, mưa mới dứt từng đợt, giảm nhẹ, chỉ còn mưa lưa thưa. Mưa lưa thưa lúc gần trưa, lập tức Tử Pín gọi Rô và Báo, cùng nhảy ngựa, phi ngược núi, lên Thủy điện Hoang Thủy. Ôi giời! Hồ Hoang Thủy đầy ăm ắp. Nước đục ngầu. Rều rác. Gỗ. Nứa. Vầu. Cây cành. Lều phều. Ngổn ngang. Cả trăm lồng cá của dân bản Cò Nòi bị rều rác ép rúm, rách vỡ, cá chết nổi lềnh phềnh trắng mặt hồ như vừa qua một trận ẩu đả của thủy quái. Con đập cảm giác oằn cong, sắp vỡ. Tử Pín xuống ngựa, chạy thốc vào nhà điều hành thủy điện. Rô và Báo cũng xuống ngựa, chạy theo cậu chủ. Quản gia Miêu bỏ Camry ngoài đường lớn, đi bộ đường tắt lên Nhà máy thủy điện Hoang Thủy từ sáng, đang ngồi thừ mặt ở nhà điều hành. Tử Pín dừng ngoài cửa nhà điều hành thủy điện, quát tướng:

– Kỹ sư Hàn đâu?

– Dạ, thưa cậu! – Kỹ sư Hàn lật bật chạy ra, tóc dửng ngược, mặt tái xám,  khom lưng trước Tử Pín – Cậu vừa lên ạ?

– Ông cho xả lũ ngay!

– Thưa cậu! Bây giờ chưa xả được ạ!

– Xả ngay!

– Thưa cậu! – Hàn ngần ngừ – Mực nước chưa đến mức báo động. Hơn nữa, cuối nguồn suối Leo nước đang dâng ngập cánh đồng Cò Nòi, suối Be phía Nà Lai cũng đang lũ lớn, nước đang tràn vào cánh đồng Nà Lai. Nếu xả lũ hồ Hoang Thủy thì dưới kia mương phai sẽ vỡ hết, cánh đồng Cò Nòi và cánh đồng Nà Lai sẽ ngập hết, dân Nà Lai sẽ mất mùa lúa, có khi còn mất cả nhà, mất cả người nữa, nguy hiểm lắm.

– Mặc xác dân Cò Nòi với dân Nà Lai!

– Thưa cậu… – Quản gia Miêu nói chen vào – Tôi cũng đã có ý kiến với kĩ sư Hàn nhưng bàn đi tính lại, còn ngại dân bản Cò Nòi và Nà Lai dưới kia, nếu xả lũ, sẽ rất nguy hiểm…

– Nguy nguy cái con khỉ! – Tử Pín trợn mắt, nhìn thẳng mặt Miêu, nói như quát – Tôi cho ông lên đây từ sáng, bảo tay Hàn cho xả lũ ngay, tại sao?

– Thưa cậu… – Kĩ sư Hàn ngập ngừng – Ông Miêu với em bàn bạc kĩ lưỡng, nhưng thưa cậu…

– Thưa thưa cái con khỉ! – Tử Pín quát to – Tôi hỏi, ông ăn tiền của tôi hay ăn tiền của dân Cò Nòi với dân Nà Lai, hử?

– Thưa cậu…

– Xả lũ ngay! – Tử Pín chỉ ngón tay vào mặt kỹ sư Hàn, cái nốt ruồi lông trên mi mắt cứ giật giật, Tử Pín nghiến sít răng – Tôi không nuôi những thằng ngu, ông hiểu chưa?

Nghe cậu Tử Pín nói thế, kỹ sư Hàn im lặng, biết rằng không thể trái lời. Lập tức, kỹ sư Hàn ra lệnh cho công nhân xả lũ hồ Hoang Thủy. Xả liền hai cửa đáy. Nước đổ ầm ầm. Kỹ sư Hàn hai tay bịt chặt hai tai, chúi đầu vào tường, tim đập thon thót, buốt nhói. Kỹ sư Hàn biết rằng, nguy hiểm đang đổ xuống đầu dân bản Cò Nòi và dân bản Nà Lai. Tội tày trời này ai gánh chịu? Ngoài kia, quản gia Miêu cúi đầu, đứng khom khom như một dấu chấm hỏi. Cậu Tử Pín thì ngồi bệt lên tảng đá, hai bên là vệ sỹ Rô và Báo đứng nghiêm, cậu ngồi trên tảng đá là bia kỷ niệm, có ghi dòng chữ: Thủy lợi – thủy điện Hoang Thủy sự phồn vinh của nhân dân Cò Nòi và nhân dân Nà Lai! Cậu Tử Pín nghênh mặt nhìn dòng nước đục ngầu đang đổ ầm ầm, vẻ rất hài lòng. Cậu hình dung ra, chỉ lát nữa thôi, con suối Leo, con suối Be duềnh nước hung dữ, cánh đồng Cò Nòi và cánh đồng Nà Lai ngập mênh mông, bản Cò Nòi và bản Nà Lai chìm nghỉm trong mênh mông biển nước. Mặc xác dân Cò Nòi! Mặc xác dân Nà Lai! Bản làng, đồng ruộng là của các người. Thủy điện Hoang Thủy là của ta. Của ai người nấy giữ. Không biết giữ cái của mình thì cho chết, ai thương chứ! Bao nhiêu tiền của ta đấy, không biết giữ thì có mà thằng ngu à? Tử Pín đưa mấy ngón tay xoa xoa nốt ruồi lông trên mi mắt, miệng lẩm bẩm, hừ, hừ, ta cho dân các người về mo mo mo, ta biến dân các người thành zêrô zêrô zêrô, mà… Bỗng Tử Pín bật cười. Lạ thế! Cứ mỗi khi cảm xúc dâng lên tột độ là cậu Tử Pín cười thành tiếng lớn.

Ặc

ặc ặc

ặc ặc ặc

ặc ặc ặc ặc

ặc ặc ặc ặc ặc

ha ha

ha ha ha

ha ha ha ha

ha ha ha ha ha

ha ha ha ha ha ha

ha ha ha ha ha ha ha

ha ha ha ha ha ha ha ha…

Tiếng cười của Tử Pín va vào vách đá nghe như tiếng đá vỡ khô lạnh, nghe hoang dã như tiếng thú kêu, rờn rợn. Mãi, Tử Pín mới xuống núi. Tử Pín cưỡi ngựa trắng, vó ngựa khấp khểnh đường đất đá trơn trượt. Vệ sỹ Rô và Báo cưỡi ngựa đỏ, theo sau. Tử Pín vừa ghìm cương ngựa vừa nghển cổ nhìn xuống chân núi. Ô, mênh mông nước! Tưởng chỉ hình dung ra thế thôi, đâu ngờ nước từ hồ Hoang Thủy đã đổ ào ào xuống cánh đồng Cò Nòi và cánh đồng Nà Lai, nước mênh mông thế kia! Tử Pín giật phắt cương ngựa. Con ngựa chạy như bay xuống núi. Ôi cha! Nước cuộn đỏ ngầu, hung dữ. Nước cuốn phăng phăng tất thảy. Một nửa cánh đồng Cò Nòi và Nà Lai chìm nghỉm trong nước dữ. Ngang chiều quản gia Miêu mới về, qua bản Cò Nòi và Nà Lai, buốt mắt nhìn nước đỏ cuồn cuộn đổ, nước ngập tràn mênh mông, nhà cửa, cây cối, trâu, bò, gà, lợn, trôi phập phềnh, tiếng kêu cứu thất thanh, tiếng chửi những thằng thủy điện khốn kiếp, tiếng khóc thảm thiết, nghe nghẹt thở. Gì thế? Lửa cháy rực. Khói mịt mờ. Sao mà dân khóc ríu ríu cả bản Cò Nòi, mà trống nổ tùng tùng tùng, mà thanh la phèng phèng phèng, mà kèn tò-tí-te-te-tí-tò, mà cờ phướn rập rờn, mà khăn trắng nhấp nhóa. Ô, có người chết! Dân bản khóc người chết. Quản gia Miêu ghé đám đông, hỏi một người dân mới biết trận lũ sáng nay làm chết năm người, đã tìm thấy xác, còn hai người mất tích, xác năm người được đưa lên sân nhà trưởng bản Tềnh trên gò Trám cao để tránh nước. Khốn khổ cho trưởng bản Tềnh, tận mắt chứng kiến sự tan hoang, mất mát và những dân bản chết do lũ cuốn, ông quá ân hận vì đã vận động dân bán đất, bán rừng, bán hồ, bán suối cho ông Tử Pín làm thủy điện, nên ông đã treo cổ tự tử trên cành cây trám ngay vườn nhà. Thế là đám ma ông trưởng bản Tềnh với mấy người dân thành đám ma chung của cả bản Cò Nòi. Đau thương quá! Tai họa khủng khiếp là từ cái “quả bom nước” của cậu Tử Pín chứ đâu nữa, quản gia Miêu nghĩ thầm, dân bản lo xa cấm có sai, bây giờ ai cứu dân? Bỗng đâu từ sâu thẳm, tiếng cười của cậu Tử Pín bật lên, ặc-ặc-ặc… ha-ha-ha… như mìn nổ tung, siết muôn mảnh đá vỡ sắc nhọn vào ngực Miêu, đau đớn. Ôi, cậu Tử Pín! Trước dân, câu nói nào cậu cũng bảo tất cả là vì dân, thế mà bây giờ, cậu nỡ lòng nào cho xả lũ hồ Hoang Thủy, để tàn hại dân thế kia?! Nghĩ buồn, quản gia Miêu còn lang thang mãi trong bản Cò Nòi và bản Nà Lai, nơi nước rút để lại cảnh tượng ngổn ngang, tan hoang, mãi gần tối mới về đến dinh thì cậu chủ Tử Pín đã ăn cơm xong, đang nằm chềnh ềnh xem ti vi. Quản gia Miêu chào cậu chủ, về. Một mình Tử Pín xem chương trình thời sự, thấy đưa tin một tay trưởng phòng của một tập đoàn kinh tế lớn, hắn mới bốn mươi tuổi mà đã có cả vạn đôla, cả mấy chục nghìn tỷ đồng Việt Nam gửi ở nước ngoài, lại còn đương sở hữu bốn mươi biệt thự nằm rải rác khắp đất nước Việt Nam nhỏ bé này, bây giờ bị bắt, nghĩa là cháy nhà mới ra mặt chuột, khổ thế, Tử Pín vừa bái phục vừa nghĩ thương hắn, miệng cười khểnh, nghĩ, chắc hắn thường nuốt mồi một mình như con trăn nuốt con nai, con lợn lòi, chẳng thèm dâng cho sếp bề trên nên mới tai vạ thế chứ, ta đây á, còn lâu nhé, phải làm bằng thật, ăn bằng thật, dâng biếu các sếp bằng thật, dựa dẫm bề trên bằng thật nhé, thì muôn năm, chẳng việc gì sất, cứ việc ăn hết phố phường Mã Sơn, ăn hết núi rừng Khau Sưa, sẽ ăn cả núi Chúa hùng vỹ và giầu đẹp kia nữa, chứ đùa. A, Tử Pín dán mắt vào ti vi, người ta không chỉ bắt tay trưởng phòng, mà còn bắt cả mấy ông lãnh đạo công ty, tổng công ty, lãnh đạo tập đoàn, khiếp thật đấy, thôi kệ, mệt. Tử Pín tắt ti vi, vào phòng, ngả vật xuống giường, kéo chăm chùm kín đầu. Nằm mãi vẫn không ngủ được. Hình ảnh nước hồ Hoang Thủy ào ạt đổ, cuốn trôi bao nhiêu thứ của dân bản Cò Nòi và dân bản Nà Lai, khiến Tử Pín dằn vặt. Lúc hăng lên, cứ nghĩ chuyện xả lũ là chuyện thường, đâu ngờ? Tệ lắm! Mà thôi, mặc kệ dân Cò Nòi với dân Nà Lai, sao không làm quan, sao không làm tướng, ai bảo làm dân, thảo dân, dân đen con đỏ, thân phận con sâu cái kiến, người xưa bảo thế mà, ừ, thời nào thì dân cũng phải chịu thiệt thòi, không cam chịu á, thì dân ơi, cho dân về mo mo mo nhé, biến dân thành zêrô zêrô zêrô thôi, hi hi, thôi kệ dân. Một lúc, Tử Pín lật chăn, xuống gường, đi chân trần đến bên tủ rượu, mở tủ, lấy chén tống múc một chén rượu ngâm tay gấu, tợp từng tợp to, hi hi, ngon thế chứ lị, hết, Tử Pín bỏ chén vào tủ, đi ra, vừa đi vừa lắc lư đầu, ngả vật lên giường, chùm chăn kín đầu, ơ, rạo rực, lịm lịm, mơ mơ. Tử Pín mơ thấy mưa giông, lũ cuốn, ơ, sao đông người thế nhỉ, mà toàn là dân Cò Nòi với dân Nà Lai, họ khênh cáng gì như khênh cáng người chết, ơ, cái lũ dân đen con đỏ kéo đến dinh của ta làm gì mà đông thế chứ? Tử Pín chạy ra cổng, uy hiếp đám đông bằng tiếng quát lớn: “Bọn dân đen con đỏ kia! Các người kéo đến đây làm gì, hử?”, một người dân nói to: “Ông xả lũ hồ Hoang Thủy làm chết mấy người dân Cò Nòi và dân Nà Lai. Ông phải đền mạng!”, Tử Pín nói: “Ừ, thì đền mạng! Ta hỏi các người, mỗi mạng người đáng giá bao nhiêu tiền, hử?”, một người dân nói to: “Mạng người vô giá, tiền không mua được mạng người!”, Tử Pín nói: “Sao các người bảo phải đền mạng?”, một người dân nói to: “Phải xử tử ông thôi!”, Tử Pín nghĩ là không thể nhỏ nhẹ với bọn dân đen con đỏ này được nên cũng thể hiện oai oách, lớn tiếng: “Sao dân các người ngu thế! Ta là sếp, là đại gia, rất nhiều tiền, rất nhiều đôla, rất nhiều vàng bạc châu báu, lại có người nhà làm quan to, các người xử tử ta làm sao được!”, một người dân nói to: “Sếp hay đại gia, dù rất giầu có, dù có người nhà làm quan to, thì cũng là con người, nếu phạm tội, đáng xử tử thì phải xử tử, không chừa đâu nhé!”, Tử Pín lớn tiếng: “Dân đen con đỏ ơi! Đừng có đùa với lửa nhé! Nếu không xử tử được ta thì ta sẽ xử tử cả nhà các người, xử tử cả làng cả bản các người, chứ đùa!”, một người dân nói nhỏ: “Hãi ghê! Thế thì… thôi vậy!”, Tử Pín cười hi hi, tiếng nhỏ: “Dân ơi! Dân biết điều thế thì mai ta sẽ đền cho mỗi mạng người chết  một chút tiền, kha khá đấy, sẽ đủ để mai táng, làm lại nhà cửa, mua lại trâu, bò, gà, lợn, được chứ?”, một người dân lẩm bẩm: “Mẹ cha bọn chức quyền! Mẹ cha bọn nhà giầu! Cái gì cũng tính bằng tiền, là xong hết!”, một người đàn ông, hình như là trưởng bản Tềnh, dáng lòng khòng, hai mắt như hai ngọn lửa cháy rực, tay cầm con dao quắm, ngoắc ngoắc về phía Tử Pín, quát ầm ầm: “Tao không cần tiền! Tao phải giết mày! Giết mà-à-à-ày!”

Tử Pín hãi quá, vùng dậy, chạy nhào ra cửa.

2                                                                                                                      

Sớm mai.

Mặt trời đỏ lừ đỉnh núi Mã Sơn.

Gió heo may nhẹ bay.

Đô thị Lâm Viên mơ màng trong sương mờ se lạnh. Con đường dài gần ba cây số được đặt tên là đường Bảo Châu – cậu Tử Pín muốn giữ một  kỷ niệm đẹp về quê hương thứ hai của mình – con đường chạy xuyên khu đô thị được thảm nhựa apphan rộng rênh, bóng nhoáng. Bên phải, dọc theo con đường là dãy phố hoàn toàn mới, ngất ngư những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà hoành tráng và đẹp bởi dáng vẻ kiến trúc hiện đại và đa phong cách. Bên phải, dọc theo đường phố, trên miệt đất rộng lớn là một loạt các công trình thiết yếu phục vụ cho cả khu dân cư, như Công viên Ngàn Hoa, Nhà văn hóa cộng đồng Lâm Viên, Nhà trẻ Mầm Xanh, sân bóng chuyền, sân bóng đá mini, sân tenit, bể bơi, Nhà hàng Ngon, Siêu thị Rau Sạch, Siêu thị Bách hóa tổng hợp, Khách sạn Như Ý… Đô thị Lâm Viên là công trình mơ ước nhất của cậu Tử Pín.

Hôm nay đô thị Lâm Viên có hội.

Cờ đỏ sao vàng rực rỡ.

Cờ phướn nhà chùa tua rua giăng từ chân đồi Cây Đa Đôi lên tận đỉnh, ánh đen-vàng-đỏ phấp phới. Muôn màu hoa huệ trắng, hoa lan tím, hoa ly hồng, hoa thược dược đỏ, hoa cúc vàng, hoa hồng đỏ, hoa hồng vàng, hoa hồng trắng, hoa hồng xanh, hoa hồng nhung, hoa lẵng, hoa bó, hoa dây, hoa đặt liền liền bên lối lên Công viên Hỷ Hỷ, hoa đặt trên từng ngôi mộ, hoa dâng tận chân tượng ông Vũ Tử Khuyết trong Phủ thờ dòng họ Vũ Tử ngự giữa đỉnh đồi Cây Đa Đôi – tên quả đồi do dân làng Bảo Châu đặt từ xưa vì có hai cây đa, mỗi cây mọc gắn đôi thân, hai cây đa đôi chẳng biết đã mấy trăm năm mà cao to, cành lá sum suê, phủ rợp cả đỉnh đồi. Đứng trên đỉnh đồi Cây Đa Đôi có thể phóng tầm mắt nhìn khắp trung tâm thành phố Mã Sơn tráng lệ, nhìn thấy cả Vincom PLAZA, nhìn thấy cả cây cầu đẹp, có tên là cầu Qui Sơn – tên cầu lấy tên đền Qui Sơn, coi như cây cầu anh rể Vương xây tặng em cậu và những cộng sự thân thương. Không kể cây cầu Công Sứ đầu thành phố và cầu Phù Vân nối với đường cao tốc Hà Nôi – Lào Cai, thì cây cầu Qui Sơn cùng với cầu Bách La, như hai con rồng nghênh Thủy, chầu Sơn, chầu luôn cả mấy chục trang trại, nhà hàng, siêu thị của sác sếp với các đại gia bên làng Phiêng Cải và làng Phu Lơ nữa, xem ra phong thủy tốt nhất đời rồi. Ý tưởng xây Công viên Hỷ Hỷ, xây Phủ thờ dòng họ Vũ Tử, xây điện thờ cha Khuyết mẹ Na, theo lời quản gia Miêu, là do cậu Tử Pín vô cùng thương yêu mẹ cha. Chuyện xưa, mẹ Na là thôn nữ nghèo khổ nhưng xinh đẹp quê Bích Tràng, Hưng Yên, còn cha Khuyết, vốn là thầy giáo cấp Hai quê Tiền Hải, Thái Bình dạy học ở Bích Tràng, Hưng Yên. Duyên đời đưa đẩy, cha Khuyết gặp mẹ Na, hai người cưới nhau chưa đầy ba năm thì cha Khuyết đi bộ đội, là chiến sỹ vận tải C2 của Binh đoàn Trường Sơn. Năm 1969 cha Khuyết bị sốt rét, lại bị bệnh viêm cầu thận nặng, sức khỏe yếu nên cha Khuyết được ra quân, về quê vợ Hưng Yên. Đầu những năm Tám mươi bão lụt liên miên, mất mùa liên miên, cuộc sống quá đói khổ, hai đứa con gái đầu của cha Khuyết mẹ Na vừa bị đói vừa bị bạo bệnh chết, cảnh nhà khốn đốn, buồn thảm, cha Khuyết đành đưa mẹ Na với chị em Kim Hy và Tử Pín còn bé tẹo, đi xây dựng kinh tế mới ở làng Bảo Châu – thành phố Mã Sơn cùng với mấy chục gia đình thuộc  làng Bích Tràng, sau này gia đình lại chuyển lên ở thị trấn Khau Sưa, bố Khuyết dạy học, còn mẹ Na thì làm nương vườn, kết hợp buôn hàng xén ở chợ thị trấn Khau Sưa nên cuộc sống gia đình ngày càng khá giả. Thực lòng, cậu Tử Pín muốn cha mình sẽ trở thành “thượng tổ” dòng họ Vũ Tử ở thành phố Mã Sơn, phải được ở nơi cao  nhất, sang nhất. Cậu Tử Pín thật đáng mặt quí tử dòng họ Vũ Tử. Nhìn kia, đường quanh đô thị Lâm Viên kín sít các loại xe con, xe BMW, xe Camry, xe Mercedes, xe Mazda, xe LanD CRUISER, xe Lexus, xe Toyota VIOS, xe OPTIMA, xe Acura, xe NISSAN, xe ELANTRA, xe Moning, toàn xe sang, xe đẹp, xe đưa các sếp, các đại gia là bạn hữu và đệ tử của sếp Vương với bà Kim Hy, cũng là bạn của Tử Pín. Đường vào đô thị Lâm Viên, đường lên Công viên Hỷ Hỷ ngàn ngạt dân phố, ríu bước, chân chen chân, vai chen vai, tiếng cười, tiếng nói xôn xao. Một đội nhạc cụ với đội múa long-lân-sư quần áo vàng đỏ, lùng thùng, nghênh nghênh. Trống gõ tùng tùng tùng. Kèn te te tò te tí tò te. Sáo đồ rê mi pha son la si đồ. Nhị í í í e e e ò ò ò í í í e e e. Thanh la phèng phèng phèng.

Rộn rã cả phố phường.

Vui quá!

Ngày làm lễ khánh thành đô thị Lâm Viên, cũng là ngày cậu Tử Pín làm lễ cúng tế cha Vũ Tử Khuyết tại Phủ thờ dòng họ Vũ Tử. Mở đầu chương trình, cậu Tử Pín thay mặt chủ đầu tư lên lễ đài báo cáo quá trình xây dựng đô thị Lâm Viên, đề cao ý nghĩa và tầm quan trọng của khu đô thị mới, rồi cùng mấy sếp ra cắt băng khánh thành ngay cổng chính. Phóng viên thành phố và trung ương líu ríu quay phim, chụp ảnh. Chương trình nghị sự quan trọng xong thì chín giờ cậu Tử Pín mới làm lễ cúng tế cha Khuyết. Đoàn người đông nghịt chen lên Công viên Hỷ Hỷ ngó xem chuyện lạ, vì lần đầu tiên dân thành phố Mã Sơn mới được chứng kiến một công viên vừa hiện đại vừa rất đẹp cả về cảnh quan, kiến trúc và phong thủy, dành cho người đã khuất. Đẹp như công viên mà lị! Kia là ngôi chùa Lâm Viên, ngôi chùa mới xây rất hoành tráng, chùa ngự dưới bóng hai cây đa đôi, cột chùa đen bóng toàn bằng gỗ lim Lào to cả vòng tay người lớn, mái chùa ngói đỏ tươi, còn Tam quan phía sau thì cột toàn bằng đá màu, vân đá như mây bay, như rồng lượn, như hoa nở, tuyệt đẹp. Điện thờ chính trong chùa, thứ tự từ trên xuống, từ trái qua phải, ngự đủ ba pho tượng Tam Thế, Phật Di Đà, Phật Di Lặc, Phật Tuyết Sơn, A Nan, Ca Riếp, Thích Ca Liên Hoa, La Hầu La, Quan âm Tống Tử, Quan âm Tọa Sơn, Đức Ông, Thánh Hiền, Hộ pháp Thiện, Hộ pháp Ác. Ban thờ trước điện có lư hương lớn bằng đồng, cây nến đồng, đĩa đồng, hai bên ban thờ đặt đôi hạc đồng cao to và hai bình hoa cũng cao to vượt đầu người. Tử trên điện xuống dưới bàn thờ còn có nhiều lư hương nhỏ cắm hương điện, suốt ngày cháy đỏ dù không có hương thơm. Ngôi chùa Lâm Viên mới khánh thành mà tăng ni, phật tử khắp vùng đến chiêm bái, thắp hương, linh thiêng lắm. Kia là nhà chờ. Kia là nhà tang lễ. Kia là nhà cài đặt hoa và hương. Kia là khu mộ lẻ. Kia là khu mộ đôi. Kia là khu mộ dòng họ. Kia là Phủ thờ dòng họ Vũ Tử. Đồi Cây Đa Đôi vốn đã đẹp bởi những cây rừng cổ thụ tự nhiên cao to, xòe rộng tán lá lên trời xanh, bây giờ lại được hòa hợp bởi những hàng cây xanh, hàng cây bằng lăng hoa chùm chùm tím ngát, hàng cây phượng vỹ chùm chùm hoa đỏ như lửa cháy, hàng cây hoàng yến thả chùm chùm hoa vàng rượi, còn miên man những diềm hoa quanh các khu mộ, hoa hồng, hoa râm bụt, hoa nhài, hoa cúc, hoa huệ, hoa hải đường, hoa mười giờ – như thế, người về thế giới bên kia cảm giác như được dạo chơi công viên ngan ngát một miền hoa tươi thắm. Riêng Phủ thờ dòng họ Vũ Tử na ná nhà thờ họ dưới đồng bằng châu thổ, rất hoành tráng, thâm nghiêm. Điện thờ trong phủ nhấp nháy ánh điện xanh, đỏ, tím, vàng, ngự điện thờ là tượng Đức Phật ngồi tòa sen, tượng Sơn thần, Thổ địa, ngự ngay trước điện thờ là tượng ông Vũ Tử Khuyết – người cha thân yêu của cậu Vũ Tử Pín, pho tượng nghe nói được tạc bằng đá cẩm thạch khảm vàng, pho tượng bán thân mô phỏng hình ảnh ông Vũ Tử Khuyết to đậm, với gương mặt cương nghị, mắt nhìn thẳng, bộ ria vểnh rất đẹp, cái miệng mím mím dễ thương. Những người lính trận xưa còn sống sót, mấy ai vinh hạnh được như ông Vũ Tử Khuyết, cũng là nhờ ơn trời con trai ông may mắn thành người giầu có nhất miền Khau Sưa, giầu có nhất nhì thành phố Mã Sơn. Giờ này, cậu Tử Pín với chị Kim Hy, cô Xinh, các cháu Vũ Nữ Ly Ly, Vũ Nữ Phăng Phăng, Vũ Tử Nhiên, cùng người nhà thân thích ở quê Thái Bình và Hưng Yên lên hành lễ, người người khăn trắng, khăn vàng, khăn đỏ, là con, cháu, chắt. Mọi người quì gối trên chiếu hoa ngay sau các hòa thượng, sư thầy, thầy Khổng Xích Tồ và các ni cô. Hương đã thắp, khói tỏa thơm nồng. Chuông thỉnh boong boong boong. Mõ gõ cốc cốc cốc. Lời khấn rì rầm: Nam mô A Di Đà Phật! Con lạy chín phương trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương, lạy Đức Đương cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, lạy các ngài Thần linh, Thổ địa, Sơn thần cai quản xứ, lạy chư gia tiên Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ! Hôm nay ngày Mười tháng Ba năm Đinh Dậu, thành phố Mã Sơn, quận Cô Giang, làng Bảo Châu nay là đô thị Lâm Viên, khánh thành điện thờ cha Vũ Tử Khuyết. Thương xót cha xưa, vắng cha trần thế. Thác về, sống gửi, đất ba thước phải vùi chôn. Phách lạc hồn bay, hình trăm năm khó gìn để. Lúc trước việc nhà bối rối, đặt để còn chưa hợp hướng phương. Tới nay tìm đất tốt lành, sửa sang lại, cầu an hình thể. Phần mộ rời xong, lễ ngu kính tế. Hồn thiêng xin hưởng, nguyện cầu vĩnh viễn âm phần. Phúc để di lưu, phù hộ vững bền miêu duệ! Nam mô A  Di Đà Phật!

Lời khấn rì rầm, tiếng chuông binh boong, tiếng mõ lốc cốc, tiếng khóc than rỉ rả hòa lẫn khói hương nghi ngút thơm nồng khiến mọi người lử lả, như mê, như mơ. Cậu Tử Pín cúi đầu khấn vái, mãi lặng lặng, cảm giác thổn thức, tâm thần u mê, chìm thẳm cõi mơ hồ, như chợt thấy cha Khuyết hiện về. Cậu Tử Pín ngẩng đầu, miệng lắp bặp: “Thưa cha! Mời cha về ngự điện thờ!”, cha Khuyết hỏi: “Con lấy đâu ra nhiều tiền thế, để xây đô thị, xây Công viên Hỷ Hỷ, xây Phủ thờ dòng họ Vũ Tử, xây điện thờ cha mẹ?”, cậu Tử Pín thưa: “Thưa cha, tiền con tích cóp bao năm tháng mới có đấy ạ!”, cha Khuyết hỏi: “Con làm gì mà tích cóp được nhiều tiền thế?”, cậu Tử Pín thưa: “Con lao động mà có tiền đấy, thưa cha!”, cha Khuyết hỏi: “Con cấy lúa hay trồng rừng à?”, cậu Tử Pín thưa: “Không ạ!”, cha Khuyết hỏi: “Con nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, cá à?”, cậu Tử Pín thưa: “Không ạ!”, cha Khuyết hỏi: “Con không buôn bán ma túy đấy chứ?”, cậu Tử Pín thưa: “Không ạ!”, cha Khuyết hỏi: “Con không buôn bán chức tước, không tham ô, không tham nhũng, không cướp đoạt của ai chứ?”, cậu Tử Pín thưa: “Không ạ!”, cha Khuyết hỏi: “Vậy con lao động gì thế?”, cậu Tử Pín thưa: “Con chỉ trồng sắn, trồng ngô, trồng khoai, trồng đao giềng, trồng rau má, lên rừng lấy củi, lấy lá dong, làm chổi chít là nghề chính, chổi chít xuất khẩu khắp Châu Á, Châu Âu, thế thôi mà bộn tiền đấy, cha ơi!”, cha Khuyết lắc đầu, bảo: “Những việc ấy làm sao cho nhiều tiền? Cha chẳng tin con đâu! Bây giờ cha về với các bạn lính của cha ở Nghĩa trang Trường Sơn thôi, mỗi đồng đội chỉ vài tấc đất với ngôi nhà giản dị cũng vui lắm! Ở Công viên Hỷ Hỷ này hoành tráng, lộng lẫy quá, mà cao quá, bao nhiêu người ngoài kia thì nắng lửa, mưa dầm, gió táp, sương sa, cha làm sao ngủ yên chứ?”, vừa dứt lời, cha Khuyết quay lưng, bước ra khỏi điện thờ, lững thững xuống đồi, cậu Tử Pín sợ quá, vội chạy theo cha, vừa chạy vừa gọi: cha ơi, về với con, cả đô thị Lâm Viên, cả Công viên Hỷ Hỷ, cả phủ thờ, điện thờ là con dành cho cha mà, cả đời cha chỉ là thảo dân khổ lắm, bây giờ con muốn cha trị vì nơi cao… cha ơ-ơ-ơ-ơi…, tiếng gọi của cậu Tử Pín chới với, đứt quãng, còn bóng của cha Khuyết thì cứ mờ dần, mờ nhòe trong ánh nắng nhạt nhòa, cậu Tử Pín vừa chạy theo cha, vừa gọi tha thiết, chạy mãi, chạy mãi, bóng cậu cũng mất hút dưới chân đồi Cây Đa Đôi.                                               

Nhà văn Hoàng Thế Sinh ở Yên Bái

Chương 17

 

Theo ý quản gia Miêu, cậu Tử Pín gọi Rum thư ký riêng của anh rể Vương cùng với Lỉn chủ tịch Khau Sưa, và các sếp Phi Nam, Đà Giang, Gia Tuấn, cùng các đại gia Hoàng Tử Sơn, Quách Sừ, Trần Lô Sy, Lò Văn Phèng, vắng  bí thư Sò và công chúa Le Le, tất cả gặp nhau ở Đại Tửu Lầu – một nhà hàng nổi tiếng của Khừu Ngân Lượng gốc người Vân Nam, Trung Quốc. Xe con hạng sang của các sếp, các đại gia đỗ nghênh nghênh giữa sân Đại Tửu Lầu. Nhậu thôi mà! Quản gia Miêu mời các bạn nhậu qua lễ tân, rồi vào ngay chiếc lán lợp gỗ thông, không có vách ngăn, sau khu nhà sàn. Ngay giữa gian lán thoáng rộng, một người đàn ông y phục mầu đen kiểu như võ sỹ trên sàn đấu, đầu tóc cắt bốc, mặt lạnh và đanh, ống quần, ống tay và cổ áo đều có những đường viền màu đỏ. Dáng đứng uy nghiêm, người đàn ông cầm con dao nhọn nhỏ, cong dài, sáng loáng, một tay cầm đuôi con rắn hổ mang trắng, ô, con bạch sà vảy lấp lánh ánh bạc, con bạch sà dài ngoẵng bị treo cổ lên sà ngang, ngay dưới trải chiếc chiếu hoa, có để sẵn chiếc khay sứ  hoa lớn với mấy chiếc cốc thủy tinh to đã rót sẵn rượu trắng thơm nồng. Bất chợt, con dao trong tay người đàn ông vung đánh loáng như ánh chớp nhỏ, pheng đứt đuôi con bạch sà. Người đàn ông thạo nghề, một tay cầm đuôi con bạch sà mà nó không quẫy được. Ngay đấy, quản gia Miêu vào chiếu, cầm một cốc hứng dưới đuôi con bạch sà, thấy đủ, liền dâng cho cậu Tử Pín ngồi ở ghế chủ nhậu. Chuyện thường ngày ấy mà, cậu Tử Pín nhếch mép, cầm cốc rượu, tợp một hơi, khà một tiếng rõ to, vẻ sướng. Sau đấy đến lượt Rum, Phi Nam, Đà Giang, Gia Tuấn, Tử Sơn, Sừ, Sy, Phèng, Lỉn chủ tịch, cuối cùng là Miêu, tất cả phải quì gối, tự tay hứng tiết vào cốc mà ngửa cổ uống cạn, tận hưởng hết cái khoái chá của đời thằng nhậu. Xong, quản gia Miêu mời mọi người lên nhà sàn, một gian khép kín, có toilet, quạt điện Sony, điều hòa Sam Sung, tivi Panasonic, quanh vách treo mấy bức ảnh khoe ẩm thực tuyệt hảo, mấy ảnh trai gái khỏa thân tình tứ. Một mâm được em chân dài mắt xanh mỏ đỏ bưng lên, hai em nữa cùng lên hầu rượu, bảo rằng bữa nay nhậu cầy vòi, nào dồi – món mà cậu Tử Pín thích nhất đấy, thịt nướng, hấp, nhựa mận, xương hầm khoai sọ tím, toàn thứ ngon. Còn con bạch sà thì làm món vẩy rán, băm viên nướng, miếng hấp sả ớt, khoanh miếng nấu cháo đỗ xanh. Nào, mời anh em! Mọi người hỉ hả nâng cốc, chạm cốc, uống, khà khà, thơm nồng. Mọi người hỉ hả, gắp, gắp, ăn, ăn, ngon ngon. Thơm nồng. Ngon ngon. Nào, mời! Mời. Mời. Biêng biêng. Tử Pín nâng chén. Chén này mừng hội ngộ. Cạch. Cạn chén. Chén này chúc sức khỏe. Cạch. Cạn chén. Chén này chúc tình bạn. Cạch. Cạn chén. Chén này chúc tình yêu. Cạch. Cạn chén. Chén này chúc sự sắp ra đời của khu biệt thự sinh thái Cò Lả. Cạch. Cạn chén. Chén này chúc Tiền – chúa tể của muôn loài, sẽ vào túi anh em như nước thác Mây ngàn năm không cạn. Cạch. Cạn chén. Ôi, sướng! Bạn hữu ơi, Tử Pín líu ríu, nhậu thoải mái nhé, nhậu thật lòng nhé, ngày mai chúng mình sẽ xây biệt thư sinh thái Cò Lả, xong rồi, chúng mình sẽ sướng như vua như chúa, mà vua chúa ngày xưa chắc gì đã sướng hơn chúng mình bây giờ nhỉ, vua chúa làm gì có nhiều ô tô đẹp như chúng mình nhỉ, vua chúa làm gì có nhiều biệt thự hiện đại như chúng mình nhỉ, vua chúa chưa chắc nhiều tiền hơn chúng mình nhỉ, vua chúa chưa chắc đã nhiều em ún hơn chúng mình nhỉ, ôi giời, sướng, sướng. Mọi người nghe Tử Pín nói, liền vỗ tay rôm rốp tán thưởng. Nào, sướng, thế thì u-ô-uô-uống nữa, u-ô-uô-uống nữa…

Nhậu đã đời rồi, cậu Tử Pín sai ba em chân dài lê gối quanh mâm, luôn tay rót rượu cho các anh. Rượu dái dê. Rượu tay gấu. Rượu sâu chít. Rượu hổ mang chúa. Rượu cẩu ngọc dương. Rượu mật gấu. Rượu sâm CaoLy. Rượu mật kỳ đà. Uống tất. Uống hết. Chạm cốc. Khà. Khà. Sướng. Sướng. Ngả nghiêng. Ngả nghiêng.

Cậu Tử Pín lên tiếng:

– Các ông đã sướng chưa?

– Sướng lắm! – Chủ tịch Lỉn nghênh mặt xỉn xỉn, mau mồm.

– Đã đời lắm! – Lò Văn Phèng ưỡn ngực, vênh mặt to bè, nói to.

– Ngon quá, cậu Tử Pín ơi! – Hoàng Tử Sơn vuốt ria dài, khen.

– Đồ rừng đậm đà hơn đồ biển nhiều! – Sếp Phi Nam mặt hồng tươi, mắt long lanh kính trắng, gật gù khen.

– Nhậu ngon thế này thì lên Mã Sơn mà ở cho sướng! – Đại gia Quách Sừ gừ gừ kính râm, phảy tay, cười khềnh khệch.

Tất cả sướng!

Ơ, thế mà tay Rum không nói gì nhỉ? Tử Pín nghĩ, nó vẫn chưa thấy sướng à? Hơi ái ngại cái tay này, vì dù sao nó cũng là thư ký riêng, suốt ngày cập kè bên anh rể Vương, thì thầm to nhỏ, đầu sai tin cậy nhất. Ừ, xem nào, Tử Pín gõ gõ ngón tay vào đầu, nghĩ, có lẽ thiếu một thứ gì đó, hơi líu lưỡi, cái gì nhỉ, thứ gì nhỉ? A, anh ta muốn món lẩu rết chứ gì? Thư ký Rum muốn lẩu rết đây mà. Tử Pín ghé tai quản gia Miêu, khẽ bảo: “Tay Rum muốn lẩu rết đấy!”. Quản gia Miêu “dạ” ngọt, rồi vẫy một em chân dài, ghé tai, bảo “lẩu rết”. Thế là ba em chân dài mắt xanh mỏ đỏ lại xốn xang lên xuống, bưng bê. Ba em đặt ngay ngắn chiếc âu sứ to, có hoa văn rất đẹp, trong đó lểu nghểu bầy rết nâu xám chớp chớp muôn vàn tia chân bé. Bầy rết cả trăm con bò lũng bũng trong con gà sống lớn đã bị chúng ngoạm hết da thịt, chỉ còn trơ xương. Mùi rượu trong âu sứ sực nức. Một cái cầu tre bẹt dáng cong cong như cầu vồng bắc từ âu sứ qua cái chảo nhấp nhoáng thứ dầu gì đó đang được đốt cháy xanh lét, kế bên là một chiếc đĩa sứ hoa to, cũng rất đẹp. Bên cạnh là một nồi lẩu to, sôi sục, ngút khói mờ, đã ninh sẵn xương nai. Ngọn lửa xanh trong chảo bốc cao, biến cái cầu tre dẹt thành chiếc cầu vồng lửa, nóng rực, mê mê. Một lúc, em mắt xanh mỏ đỏ cầm đũa gõ gõ vào âu sứ. Lũ rết bị bỏ đói, giờ no thịt gà lại say rượu, khát nước, được bắc cầu thoát đi, tức thì lũ rết lểu nghểu, dặt dẹo kéo nhau ríu ríu bò qua cầu vồng lửa, ngang chừng bị nóng bỏng, lả tả rơi xuống chảo lửa xanh. Hai em mắt xanh mỏ đỏ gắp nhanh từng con rết, tuốt xác nâu xám, bỏ vào đĩa sứ. Con nào con nấy trắng ngần, béo mọng vì đã no căng thịt gà. Bây giờ các em mắt xanh mỏ đỏ mới nhúng từng con rết trắng ngần, béo mọng kia vào nồi ninh xương nai với nào rau cacay, rau cubui, rau hoa chuối rừng, rau nồn nâu, rau vón vén, rau budaity, rau cải mèo, rau sam Nhật, tòm bóp, rau rệu, ô, đủ thứ rau rừng, rau sạch, rồi múc vào bát các bợm nhậu. Nào ăn. Ô, lẩu rết bùi bùi.  Lẩu rết ngọt lịm. Lẩu rết thơm thơm. Ừ, lẩu rết là đồ nhậu lạ nhất trên trái đất này. Rượu nữa. Rót. Rót. Rót. Cạn chén. Cạn chén. Cạn chén. Ôi lạ lắm! Sướng ghê! Thật đã đời thằng nhậu! Tất cả biêng biêng. Hứng khởi. Quản gia Miêu ngoảnh ra, vỗ tay rốp rốp, miệng a a a, ra hiệu cho các em chân dài… Phút chốc mấy em chân dài ríu rít mời rượu các chàng nhậu, chén này, chén nữa, chén nữa, chuếnh choáng và cùng hát: Rượu này, tay ngọc tay ngà em mời. Rượu vui bạn bè một chén cũng như ngàn chén, chẳng bao giờ say.  Rượu này, tay ngọc tay ngà em dâng chén rượu đầy, mời chàng vui cùng bạn bè. Dù say rồi, đừng bao giờ quên, tình em yêu, tình bạn thương, mãi mãi chàng ơi. Rượu này tay ngọc tay ngà em mời, một chén cũng như ngàn chén, rượu uống ba năm miệng vẫn còn thơm, thơm tình em, thơm tình chàng, thơm tình ta… A a, hay lắm! Mọi người nghến cổ, ríu lưỡi khen. Mỗi em chân dài chuốc mỗi chàng một chén nữa, lại hôn chút một cái vào má chàng, mỗi chàng lại chuốc mỗi em chân dài một chén nữa, lại hôn chút một cái vào má em, lại hát nữa, tay ngọc tay ngà ư, em dâng chén rượu đầy ư, một chén như ngàn chén ư, rượu uống ba năm miệng vẫn còn thơm ư, thơm tình em ư, ôi giời, vui thế chứ, sướng thế chứ, nào uống nữa, các em ơ-ơ-ơ-ơi…! Ôi giời, sướng! Mê ly. Mê mị. Mê mẩn. Mê man. Bỗng Tử Pín gọi:

– Các em chân dài đâu? – Nốt ruồi lông trên mi mắt Tử Pín giật giật.

– Chúng em đây ạ! – Ba em mắt xanh mỏ đỏ quì gối trước mặt Tử Pín.

– Quản gia Miêu đâu? – Tử Pín quát, liếc Miêu – Chơi đẹp với các em nào!

Quản gia Miêu hiểu tính cậu Tử Pín, lấy tệp tiền xanh năm trăm nghìn đưa cậu Tử Pín. Cậu Tử Pín nhìn các em âu yếm, cười hi hi, rồi rút từng tờ năm trăm xanh thả khéo vào ngực căng nức của các em. Khoái thế chứ! Chia tiền xong thì cậu Tử Pín vẫy tay, ra hiệu cho các em mắt xanh mỏ đỏ, khép cửa,  ra ngoài. Cậu Tử Pín rút iPhone bấm, có tiếng nhạc reo đầu sóng bên kia, Tử Pín nghênh đầu, dẩu môi, giọng ngọt xớt, a lô, a lô, anh rể yêu quí à…, đầu sóng bên kia vang giọng ấm và gọn…, Tử Pín cười tươi, vâng, cậu có chuyện quan trọng thưa với anh rể yêu quí, vẫn cái chuyện xây dựng khu biệt thự sinh thái Cò Lả ấy…, vâng, thưa anh, bọn em đang ngồi cùng nhau bàn chuyện ấy đấy, mà quan trọng nhất vẫn là chuyện tiền thôi…, vâng, thưa anh rể, có đủ anh em ở đây, ở Đại Tửu Lầu của Khừu Ngân Lượng đấy…, vâng, em hiểu rồi, đấy toàn là các đàn em, là các đệ tử trung thành của anh rể, họ tốt lắm, quí lắm, đáng tin cậy lắm…, vâng, họ sẽ góp vốn vô tư…, à, vâng, đưa máy cho Phi Nam nghe à?… Tử Pín cười tươi, đưa iPhone cho Phi Nam nghe, một lúc líu ríu chuyện với sếp, Phi Nam chuyển máy cho Đà Giang nghe, chuyện một lúc, Đà Giang chuyển máy cho Gia Tuấn nghe, rồi lần lượt Sơn, Sy, Sừ, Phèng, chuyện qua chuyện lại với sếp Vương…, vâng vâng, em nghe rõ ạ…, vâng em hiểu rồi ạ…, vâng em sẽ hết lòng cho chuyện đại sự này ạ…!

– Anh em với sếp Vương chuyện vui quá nhỉ? – Tử Pín nghênh đầu, nốt ruồi lông trên mi mắt giật giật, mắt gừ gừ nhìn mọi người, có vẻ hách.

– Chuyện với sếp to phải vui chứ! – Hoàng Tử Sơn cười tươi.

– Cậu Tử Pín yên tâm đi! Công trình có sếp Vương hậu thuẫn, lại có công chúa Le Le tham gia, là coi như xong khu biệt thự sinh thái Cò Lả, chuyện nhỏ ấy mà. – Sếp Phi Nam ra giọng bình thản.

– Xong phứt nhé! – Lò Văn Phèng cười khà khà.

Ờ, xong!

Mọi người chém tay, nhất trí, góp vốn cùng chơi. Ai cũng nghĩ, nhiều tiền để làm gì? Nhiều tiền rồi thì bắt tiền đẻ ra tiền, càng nhiều càng thấy ít, lạ thế? Nhiều tiền thì chơi tiền. Nhiều tiền thì đi chơi khắp Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông…, nhậu món ngoại đã đời, gái gú ngoại đã đời, cho đáng mặt người giàu. Tiền mua chức to. Tiền xây biệt thự sang trọng. Tiền sắm ô tô đẹp. Tiền chơi gái Việt trẻ xinh. Tiền ăn nhậu bạn bè Bắc, Trung, Nam. Tiền biếu sếp bề trên. Tiền mua bất động sản cho con, cháu, anh, em. Tiền mua biệt thự, ô tô sang cho bồ nhí. Tiền gửi ngân hàng. A, tiền Việt rẻ lắm, thì mua đôla, gửi sang ngân hàng Thụy Sỹ, nếu cuộc sống có trắc trở gì thì bay vù sang Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn…, là yên ổn thôi. Thế gian này rộng lớn vô cùng! Người giầu ơi, sung sướng lắm! Sắp có biệt thự sinh thái Cò Lả nghỉ chơi cho cái đời sung sướng. Hình như quản gia Miêu cảm nhận được ý nghĩ của các vị đây, nên Miêu cũng giơ tay chém gió, cười hì hì.

Cuộc nhậu đã đời, coi như bước đầu thuận buồm xuôi gió về khu biệt thự sinh thái Cò Lả. Mọi người chia tay hỉ hả. Tối về, Tử Pín không ăn cơm cùng mọi người. Ngồi trong phòng riêng, một mình Tử Pín với chai Remy Martin, rót từng ly nhỏ, nhấp từng ngụm nhỏ, đầu óc loằng ngoằng bao ý nghĩ về cái dự án Cò Lả, nghĩ xa nghĩ gần, vẫn thấy chưa thật yên tâm, Tử Pín liền nhấn iPhone cho chị Kim Hy.

– A lô! Chị gái à?

– Chào cậu! – Đầu sóng bên kia, giọng Kim Hy mềm ngọt – Chị biết chuyện của cậu chiều nay ở Đại Tửu Lầu rồi.

– Ư, em ghét chị! – Tử Pín ra giọng nũng – Chẳng việc gì qua mắt chị được, đúng là phu nhân của sếp to có khác, mà chắc tay Miêu bắn tin cho chị chứ gì. Chị gái yêu quí ơi! Chuyện ban chiều ấy…

– Chị biết rồi! – Kim Hy ngắt lời em trai – Cậu lại lo tiền chứ gì?

– Vâng! – Tử Pín ngập ngừng – Chị gái ơi, còn chuyện quan trọng không kém gì tiền, đấy là chuyện làm sao có quyết định của thành phố thu hồi đất để thực hiện một dự án gì đấy, dự án khu vui chơi giải trí Cò Lả chẳng hạn, là cái cớ để bọn em xây biệt thự sinh thái, chị nói với anh Vương nhé?

– Cậu chỉ được cái khôn! – Kim Hy im lặng một lúc, nói nhỏ – Việc thu hồi đất của dân không phải chuyện nhỏ đâu, chị nghĩ, anh Vương có thể sẽ nói với lãnh đạo Khau Sưa tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cậu, cũng có thể có quyết định thu hồi đất làng Cò Lả để thành phố thực hiện dự án xây dựng khu vui chơi giải trí, còn điều quan trọng là, cậu nên tìm cách tiếp cận với dân làng Cò Lả, ngỏ ý mua một ít đất nông nghiệp trên cánh động mà họ đang cầy cấy và mua núi Cò Lả, như vậy, dân thấy cái lợi ở việc mua bán đất, chắc họ sẽ thuận ý.

– Ôi, chị gái tài thật đấy! – Tử Pín khen – Chị đúng là Gia Cát Lượng tính toán như thần. Em sẽ nghe lời chị.

– Này, cậu nhớ, mọi việc phải hết sức kín đáo, chẳng có lại vỡ chuyện, hại đến uy danh của anh, mà cậu cũng hỏng ăn, nghe chưa!

– Em nghe rõ!

iPhone tắt.

Tử Pín thấy nhẹ nhõm. Cảm giác lơ mơ. Lơ mơ. Lim dim. Lim dim. Tử Pín  ngả xuống nệm, khì khò, khì khò. Một lúc, Tử Pín mơ. Mơ thấy bao nhiêu là biệt thự, cứ hiện dần, hiện dần lên quanh thác Mây, nơi chân núi Cò Lả. Biệt thự xây theo phong cách Gothyque Pháp, rất giống với nhiều biệt thự ở Đà Lạt, đẹp ơi là đẹp. Đây, biệt thự Pín – Xinh, ngự ngay bên hồ thác Mây, nép dưới bóng cây dẻ cổ thụ sum suê cành lá, mái ngói đỏ tươi khiến biệt thự chẳng khác gì một bông hoa chuối rừng, nhìn sướng. Biệt thự Pín – Xinh như ngôi nhà cổ tích giữa núi rừng hoang dã. Thác Mây đổ ào ào. Gió núi thoảng mát. Sơn ca hót líu ríu. Hoa rừng nở tràn cửa sổ. Thấp thoáng bóng hình ai?  Ô, nàng nào thế? Từ trong biệt thự, Tử Pín ngó qua cửa sổ. Cô Xinh à? Không phải! Nàng Tiên ư? A, không phải, ta nhận ra rồi, em Sương bản Nà Lai. Ôi, em Sương làn da trắng tươi, dáng cao dỏng, tóc dài xanh mượt như dòng suối Be, mắt bồ câu ngây thơ long lanh, mũi thẳng, làn môi tươi thắm như hoa đào mùa xuân, mông mẩy, chân thon dài, eo thon như eo con ong vàng, ngực nức nức như măng vầu mới nhú, ô, em Sương, thì em là nàng Tiên núi Chúa, yêu lắm, yêu ghê, em không ở Khách sạn Hoa Ban Tím nữa, về biệt thự Cò Lả sống với ta, sung sướng vô cùng, Tử Pín chạy ào ra, nắm tay Sương, dắt vào biệt thự, chưa kịp khép cửa, cô Xinh bước nhanh từ trong rừng ra, bước lên thềm biệt thự, cô Xinh tròn mắt, miệng tru tréo, a, Tử Pín, biết ngay mà, anh chán vợ già này rồi chứ gì, anh bỏ vợ, bỏ con, đi theo gái, anh bồ nhí, anh tệ lắm, anh bạc lắm, anh tưởng anh nhiều tiền thì anh muốn làm gì cũng được à, cuộc đời còn có cả luật rừng nữa nhé, anh liệu hồn đấy, a, còn con bé kia, mày là đứa nào mà trẻ trung xinh đẹp thế, mày quyến rũ chồng tao hay chồng tao quyến rũ mày, hả, hả, hả, cô Xinh nghiến răng kèn kẹt kiểu ghen nồng, cô Xinh xông vào túm tay hai người, kéo một mạch ra hồ thác Mây, và tùm cả ba người xuống hồ, thôi chết, Tử Pín nghĩ, sắp chết đuối mất, Tử Pín nắm tay Sương cố nhoai lên mặt nước, không được, nước lạnh toát, nghẹt thở, lạnh toát, chết, chết mất, ôi, ai cứu, cứu… Tử Pín giật mình, vục dậy, thấy chai Remy Martin nằm đổ trên ngực, toàn thân toát mồ hôi lạnh.

Khiếp cô Xinh!

Khiếp đàn bà ghen!

 

Chương 18

 

Ngày 23 tháng 2 Âm lịch.

Cậu Tử Pín làm giỗ mẹ.

Nhân ngày giỗ, cậu Tử Pín làm lễ rước cốt mẹ từ Nghĩa trang thị trấn Khau Sưa về Công viên Hỷ Hỷ, để gần cha Khuyết, trên gò Cây Đa Đôi thuộc đô thị Lâm Viên. Dịp may, Neo nhấn iPhone cho ông Mùi: “A lô! Bác Mùi ơi, có chuyện hay đấy!”, ông Mùi bấm Nokia: “Ừ, chuyện gì hả Neo?”, Neo: “Hôm nay nhà ông Tử Pín có giỗ to đấy!”, ông Mùi: “Việc nhà người ta, ai quan tâm chứ?”, Neo: “Thế bác không muốn đến để xem chuyện kia à?”, ông Mùi: “Ờ nhỉ, bác muốn nhưng làm sao đến đám giỗ nhà người ta được?”, Neo: “Cháu đưa bác đến!”, ông Mùi: “Mày đùa! Hừ, cái thằng, mày đang ở tít Hà Nội, có mà đưa?”, Neo: “Hì hì! Cháu được nghỉ mấy ngày, đang ở nhà. Nghe cha cháu nói, ông Tử Pín làm giỗ mẹ to lắm. Ông ta mời các pháp sư, thượng tọa, sư thầy, ni cô ở tận chùa Tây Thiên, chùa Cỏ, chùa Am, chùa Rối, chùa Bách Lẫm về cúng rước mẹ về Công viên Hỷ Hỷ. Ăn giỗ, ông ta mời khắp thị trấn Khau Sưa, mời cả dân các bản làng quanh thị trấn, mời các sếp trên thành phố nữa, nhà cháu cũng được mời mà, hì hì, giỗ mẹ bà Kim Hy vợ sếp Vương mà lị.”, ông Mùi: “Ờ, thằng Neo tốt! Mày ở nhà, bác lên ngay, đi nhé!”… Thật là dịp may hiếm có, ông Mùi nghĩ, phải theo thằng Neo nhân dịp đi ăn giỗ, chẳng ai để ý, đến dinh Tử Pín, xem sao? Nỗi niềm thôi thúc, ông Mùi vận quần tây xanh, áo sơ mi xanh, mũ lưỡi trai, đi dép nhựa, chỉnh tề, thuê xe ôm, vù ngay lên nhà Neo. Vào bản Nà Lai, vừa nhảy xuống xe ôm, ông Mùi đã thấy Neo đứng chờ dưới chân cầu thang. Nhà đi vắng cả. Neo đón ông Mùi bằng nụ cười tươi rói. Sinh viên có khác. Ông Mùi vui vì thấy Neo lớn bổng, quần bò xám, áo thun trắng, tóc cắt cao, gương mặt hồng tươi, mắt to sáng, chững chạc hẳn. Neo đã chuẩn bị sẵn chai rượu, thẻ hương, phong bì góp giỗ theo tục lệ truyền thống. Không chần chừ, ông Mùi và Neo lại lên xe ôm, phi thẳng lên thị trấn Khau Sưa. Cuối chiều. Râm mát. Ông Mùi tròn mắt, ngó nghiêng. Ô khiếp! Các loại xe ô tô con – xe đen, xe trắng, xe xanh, xe đỏ, xe bạc, xe bốn chỗ, xe bảy chỗ, xe bán tải, xe BMW, xe camry, xe Mercedes, xe Mazda, xe Toyota Vios, xe Golla Aitis, xe LanD CRUISER, xe Carmudi, xe Ford, xe Moning…, xe nối xe như ruồi bâu tắp tắp! Kia, dân bản làng khắp miền Khau Sưa – người sát người, chân nối chân, nhít nhít như đàn kiến, đàn mối rừng. Ai dà, xe ơi là xe, người ơi là người! Giỗ mẹ cậu Tử Pín mà cứ như trảy hội mùa xuân, thích chưa! Chen mãi, ông Mùi và Neo mới vào đến ngõ nhà ông Tử Pín, toát mồ hôi. Ông Mùi lại ngó nghiêng. Khiếp chưa! Cỗ la liệt. Bàn nối bàn, quanh bờ hồ bán nguyệt, bàn nối bàn kín sít sân dinh, cả trong dinh nữa, vài trăm mâm, chứ đùa! Cỗ to. Mâm nào cũng ngồn ngộn xôi ngũ sắc, thịt lợn, thịt dê, thịt bò, thịt chim, thịt nướng, thịt xào, thịt quay, thịt luộc, dò, cá mực xào, tôm sú nướng, canh, nộm, bánh đúc nữa. Ơ, bánh đúc mới lạ chứ! Ông Mùi chớp chớp mắt. Biết rồi, ông Mùi thầm nghĩ, cậu quí tử nhớ mẹ, yêu mẹ lắm, là bởi, mẹ Na quê Hưng Yên nơi chiêm khê mùa thối, những năm tháng nghèo đói tột cùng, miếng cơm độn khoai độn sắn bữa có bữa không, còn những ngày ăn cháo rau má loãng cầm hơi, hết cháo thì ăn khoai, ăn sắn, hết nữa thì ăn trấu và thóc lép rang rồi giã thành thính ngoạp với nước lã nuốt chậm mà thoi thóp sống, còn miếng bánh đúc, may phiên chợ nghèo, dành dụm dăm ba xu từ lúc bán con chó còm giơ xương, mẹ Na mua miếng bánh đúc làm quà cho hai chị em Kim Hy, Tử Pín, ấy là lúc hai chị em cảm thấy sung sướng nhất trần đời, thế thì con nào mà không yêu mẹ nhất trên đời cơ chứ! Cậu quí tử Tử Pín thật có hiếu với mẹ!

Hoàng hôn.

Cỗ vẫn bày la liệt.

Ô tô đưa đoàn cúng tế từ Công viên Hỷ Hỷ về.

Hàng dài áo vàng hoa cúc và nâu sồng, các pháp sư, thượng tọa, sư thầy, ni cô nghiêm ngắn mũ Đường Tăng, mắt khép hờ, gương mặt trầm trầm buồn,  tay bấm bấm vòng tràng hạt to, miệng lẩm nhẩm đọc kinh, phía sau là các ni cô đội mâm lễ hoa, quả, bánh, kẹo, vàng, hương, sớ, tiền âm phủ, còn cậu Tử Pín thì quần áo tang trắng, chít khăn trắng, tay chống gậy trúc, mặt căng đỏ, vẻ mệt nhọc vì đi hầu lễ cả ngày. Đoàn cúng tế được mời lên thẳng điện thờ, ánh điện sáng lòa, hương, hoa ngào ngạt. Một lúc, tiếng mõ cốc cốc cốc giòn đều, tiếng chuông binh boong thỉnh thoảng, tiếng đọc kinh lúc to lúc nhỏ âm trầm xao xuyến. Ông Mùi ngó lên điện thờ, thấy thấp thoáng các ni cô áo cà sa nâu sồng, mũ Đường Tăng nghiêng nghiêng, hai tay nâng hai đĩa nến cháy sáng, chân bước nhẹ như bay quanh điện thờ, thỉnh thoảng cùng gióng lên: Nam mô A Di Đà Phật!… Thế là người ta đã rước linh mẹ Na về điện thờ dinh quí tử Tử Pín! Nhân lúc trên điện thờ cúng bái, Neo kéo ông Mùi xuống bếp gặp cô Mê ôsin. Thấy cô Mê đương mải với nồi to canh măng, canh miến nóng, chẳng biết có người vào bếp, Neo đến gần, nhỏ giọng:

– Cháu chào cô Mê!

– A, ơ, à, cháu có việc gì?

– Thưa cô! – Neo lễ phép, nghĩ cần phải nói thẳng, nói cho nhanh – Cháu là Neo con ông Sa Thổ trưởng bản Nà Lai với bác Mùi đây là bạn bộ đội của cha cháu, đến ăn giỗ mẹ cậu Tử Pín, có tí việc thưa với cô.

– Chuyện gì thế? – Cô Mê ngoảnh nhìn, cậu bé đẹp trai, còn ông kia, ô khiếp, sao mặt lắm sẹo đỏ sẹo tím, nom ghê chết.

– Thưa cô! – Neo nhìn thẳng mặt cô Mê đang lấm chấm mồ hôi, một gương măt đẹp mà hiền, nên nói thật – Có phải trên điện thờ nhà ông Tử Pín có pho tượng Đức Phật đồng đen không?

– Ơ, sao cháu lại hỏi chuyện này? – Cô Mê cảnh giác – Hay là cháu với bác đây muốn tìm mua đồ cổ.

– Ấy không! – Ông Mùi vội thanh minh, – Cô ơi! Chả là… chuyện dài lắm, chả là, nhà tôi mất pho tượng Đức Phật bằng đồng đen, mất đã lâu, tôi vừa nghe nói điện thờ dinh cậu Tử Pín có…

Ông Mùi nói lấp lửng, muốn dò xét qua cô Mê nhưng chưa kịp nói hết ý thì  cô Mê đã vung cái thìa to ngang mặt, nói cắt ngang:

– Thôi thôi, bác với cháu ra đi, không nhỡ cậu chủ biết chuyện thì tôi chẳng còn đường sống đâu!

– Cô ơi! – Ông Mùi quì xuống chân cô Mê, ngước lên, mắt rưng rưng, giọng run run – Tôi là người thật thà, lương thiện, mong cô có lòng thông cảm cảnh lao động nghèo khó với nhau. Cũng bởi pho tượng Đức Phật bằng đồng đen có liên quan đến số phận đau khổ của cha tôi…

Đột nhiên ông Mùi bật khóc hu hu khiến cô Mê bất ngờ, lúng túng, đưa tay đỡ ông Mùi đứng dậy. Cô Mê vội cho ông Mùi số điện thoại Nokia của mình, hứa sẽ nói chuyện sau, rồi bảo hai bác cháu ra ăn cỗ kẻo cậu chủ nghi ngờ chuyện gì thì nguy hiếm lắm. Ông Mùi và Neo nghe lời cô Mê, trở ra. Lúc này, những người thân trong nhà cậu Tử Pín lần lượt lên điện thờ thắp hương, khấn vái và dâng phong bì tiền góp giỗ. Tục thế, còn dân thiên hạ Khau Sưa thì đút phong bì tiền vào chiếc hộp giấy nhỏ đặt ngay đầu bàn cỗ. Neo huých tay vào sườn ông Mùi, ra hiệu theo người nhà lên điện thờ. Lưỡng lự một lúc, đợi cho đoàn người nối dài, ông Mùi kéo nhẹ tay Neo, hòa vào dòng người, đi lên. Chẳng ai biết những ai là người thân của nhà cậu Tử Pín nên ông Mùi và Neo cứ dấn bước. Vào điện thờ, Neo lùi ra, còn ông Mùi dâng phong bì tiền góp giỗ lên đĩa, ôi giời, chợt ông phát hiện trên điện thờ có pho tượng Đức Phật ngồi tòa sen, tượng đen, ông Mùi nghĩ nhanh, có lẽ nào pho tượng Đức Phật đồng đen của cha lại ngự ở điện thờ nhà cậu Tử Pín, ông run rẩy rút bảy thẻ hương, ông Mùi chủ định thế vì mọi người chỉ thắp một thẻ hương thôi, ông châm hương cắm vào lư đồng lớn, rồi cúi đầu vái lạy, miệng lầm rầm khấn khứa, lạ chưa, bảy thẻ hương mà cháy thành ngọn lửa bập bùng, tí chút, ông lại ngước nhìn nhanh lên điện thờ, miệng lẩm bẩm khấn, lạy Đức Phật, lạy cha linh thiêng, nếu pho tượng Đức Phật trên kia thật là của cha thì Đức Phật và cha phù hộ, giúp con lấy lại pho tượng, con cúi đầu lạy…! Biết không thể đứng lâu, ông Mùi lùi ra, nhường chỗ cho người khác. Mãi, cuộc dâng phong bì góp giỗ mới xong, tức thì, cậu Tử Pín cầm micro, kính mời quí khách ăn cỗ. Nhân lúc cả mấy trăm người ào ào chúc rượu, sến đi, sến nào, sến nữa, thì ông Mùi kéo Neo ngược lên điện thờ. Hai người bước vào điện thờ, nhìn trước nhìn sau, ông Mùi nhanh tay với lên pho tượng, thì bất thần, con Pốp từ dưới sân ngẩng cổ gừ-gừ-gừm như hổ gầm, cái bóng xám phóng như tên bắn từ ngoài sân lên cầu thang điện thờ. Neo vội giật tay ông Mùi chạy tút xuống cầu thang phía bên, có cửa khóa, Neo khép chặt cửa, chốt khóa, con Pốp sủa như sấm giội phía ngoài. Lộ rồi! Hãi quá, ông Mùi và Neo chạy nhanh, cuống quýt tìm lối thoát thân. Thôi chết! Buồng này? Buồng này? Buồng này? Cửa khóa chặt. Lối nào? Lối nào? Ông Mùi cuống lắm, thực lòng chỉ lo cho thằng Neo thôi, chứ ông thì…, lạy Đức Phật, lạy cha linh thiêng, hãy cứu chúng con! Ông Mùi đang lẩm bẩm thì cô Mê chợt vào. Ơ, cô Mê! Cô Mê vào phòng khách. Cứu chúng tôi với! Ông Mùi líu lưỡi. Cô Mê tròn mắt nhìn hai người, thôi rồi, cô nghĩ nhanh, chạy đâu, lối nào, còn đâu thì giờ mà hỏi han, mà trách cứ gì nữa, biết rồi, hai người liều mạng đây mà, sao không nói trước một tiếng để còn liệu, đành liều…! Cô Mê vẫy hai người chạy theo, lấy chìa khóa mở cửa phòng cậu Tử Pín, nhào vào. Cô Mê ấn nút điện mở một cánh tủ tường, chui vào rất nhanh, ấn nút điện mở cửa hầm, rồi quay ra, bảo hai người chui vào, chui mãi xuống, có đường hầm dẫn ra hồ bán nguyệt, liệu mà tìm đường thoát thân. Ông Mùi và Neo vội dò dẫm chui xuống hầm, tối như hũ nút, thỉnh thoảng ông Mùi phải bật lửa ga nhìn, lối hơi dốc lên, có nhiều bậc, dò dẫm một lúc, ơ chết, gì thế này, ông Mùi bật lửa ga, nhìn, ô cửa khóa, sao cô Mê bảo có lối ra hồ bán nguyệt nhỉ, ông Mùi bảo Neo phải quay lại xem sao, hai người quay lại, lúc lâu, chợt nhấp nhóa sáng phía trước, a, có hai đường hầm, chắc một đường ngược lên núi Khau Sưa, còn đây chắc là đường hầm ra hồ bán nguyệt, đi nữa, ô, một cái hầm rộng, có cả đèn điện, ô, một cái sập gỗ to, có cả ấm chén pha trà, một cái tủ gỗ to, mấy cái két sắt to, hàng chục hộp cac-ton, để làm gì nhỉ, ông Mùi thầm nghĩ, cứ xem nào, ông Mùi vẫy Neo đến bên chiếc sập gỗ, rón rén mở thử một chiếc hộp cac-ton, ôi giời đất ơi, toàn tiền là tiền, ông Mùi và Neo cầm lên xem, toàn tệp tiền 500 ngàn đồng Việt Nam mới khửng, thơm nức, mở hộp khác, cũng thế, sao không có tiền đôla và vàng nhỉ, hay là vàng và đô la giấu trong các két sắt kia, mở nữa, các hộp cac-ton vẫn ăm ắp tiền 500 ngàn đồng Việt Nam, một, hai, ba, bốn… mười ba hộp, khiếp chưa, tất thảy là bao nhiêu tiền nhỉ, ối giời ơi, ông Tử Pín ơi, ông làm ra nhiều tiền mà để trong hầm sâu thế này thì thành tiền chết, tiền ma, tiền thuyệt tự à? Mà thôi, kệ người ta, ông Mùi nhìn thằng Neo, mắt nó lấp lánh, chắc thèm tiền lắm đây, ông bảo, giá mày có một hộp tiền này để ăn học thì tốt biết mấy, chết rồi, phải ra ngay thôi không thì mất xác chứ đùa! Ông Mùi kéo Neo dò dẫm ra khỏi hầm tiền, thằng Neo cứ ngoái nhìn lại, tiếc tiền lắm nhưng nghĩ tiền của người ta, mình lấy trộm thì chẳng xứng đáng là con người. Hai người dò dẫm một lúc lâu, chợt ánh sáng mờ mờ phía trước. Neo rờ tay lên nóc hầm, ô, Neo khẽ kêu, bác Mùi ơi, một cái lỗ thông hơi, có lẽ đây là cửa hầm, ông Mùi bật lửa ga sáng nhấp nhóa, có ánh sáng, Neo rờ tay khắp miệng hầm, khốn kiếp, nắp hầm tròn bằng sắt, trang trí nhiều hoa văn nổi hình bông hoa, không có khóa, thế thì mở nắp hầm bằng gì nhỉ, chắc chắn phải có nút bấm điện, dinh ông Tử Pín hiện đại cơ mà, Neo bảo bác Mùi bật lửa ga tiếp, nhấp nhóa, miệng hầm tròn vạnh, không thấy có công tắc hay nút bấm, Neo rờ cả hai bàn tay, những ngón tay rờ rẫm, rờ rẫm, gợn, a, phải thế chứ, Neo khẽ reo lên, có một cái nút bé xíu gắn sau bông hoa trang trí, Neo bấm nhẹ, ai dà, lạ chưa, cánh cửa hầm từ từ mở ra, gió bên ngoài ùa vào mát lẹm, sướng quá, hai người lặng đi một lúc, rồi nối nhau tuồn ra ngoài. Đám ăn cỗ đã về hết. Hồ bán nguyệt yên tĩnh, ánh điện tỏa lung linh mặt nước, những cây tùng Mã-lai như mũi tên xanh phóng lên bầu trời thăm thẳm, rập rờn cành dương liễu rủ tóc mặt hồ. Hai người nhoai nhẹ xuống mép nước, nhẹ tay đẩy nhau, kéo nhau vượt lên, bò nhanh qua hàng cây tùng Mã-lai, luống cuống, Neo rơi tõm xuống rãnh nước bên ruộng lúa, tiếng rơi dù nhỏ cũng đủ cho con Pốp tinh khôn phát hiện ngay, nó từ trong dinh chồm ra, gừ-gừ-gừm, tiếng gừ-gừ-gừm vang như hổ gầm, nghe khiếp, và cái bóng xám Pốp lao như tên bắn, ông Mùi vội nhảy xuống ruộng, lôi Neo khỏi rãnh nước, rồi cùng nhau co chân chạy bạt vía vào cánh đồng lúa, chạy vòng về phía núi Khau Sưa, chạy ngược núi, con Pốp không bao giờ đuổi người ra khỏi ngõ, nó được huấn luyện chỉ canh giữ trong nhả cậu chủ, nhưng lập tức, Rô và Báo nhảy ngựa, cầm đuốc đuổi theo hai cái bóng người phía trước, hai cái bóng liêu xiêu, chập chờn, một lúc, hai cái bóng biến mất trong dãy núi đá Khau Sưa.

HOÀNG THẾ SINH

(Còn tiếp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *