Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 5

Vanvn- Đứng mãi, mỏi chân Vàng ngồi phịch xuống đất, bỗng ngồi ngay phải một đám lạo xạo. Vàng giật mình, cái gì đây?

– Thầy Dủn! Thầy Dủn!

Vàng kêu toáng lên không còn giữ được bình tĩnh khi nhận ra cái đám mình vừa ngồi vào cũng là một đám xương được bọc trong tấm vải lanh giống hệt những gì thầy đã chuẩn bị.

Thầy chạy lại, soi sáng loà gói xương ấy. Máu dồn lên mặt thầy giần giật, miệng thầy cứng lại không nói được. Vàng thì chưa rõ chuyện là thế nào nhưng có lẽ thầy đã đoán ra đống xương này dùng để làm gì.

Nhà văn Chu Thị Minh Huệ

Thầy quay lại lão giúp việc vừa đi lấy rượu về. Vàng cũng quay lại, thấy hắn run lập cập, nhưng có vẻ đã chuẩn bị cho tình huống này. Thầy hét:

– Pa!… Mày…!

Lão vẫn không có vẻ sợ sệt, không xin tha, không giải thích mà đứng im chịu trận.

– Ai sai mày làm?

– …..

– Có phải thằng Giàng?

Hắn không nói. Thầy tức muốn bóp cổ hắn chết mà không được. Thầy muốn biết đứa nào đứng sau âm mưu này. Nhưng Vàng vẫn chưa hiểu đây là âm mưu gì.

– Thầy Dủn, âm mưu gì?

– Nó… nó… chắc chắn là âm mưu của thằng Giàng. Nó vẫn chưa từ bỏ âm mưu chiếm cái vị trí chủ đất đâu. Nó sai thằng này đổi xương của bố ông.

– Hả!?

Vàng không kìm được xông vào tống một quả vào mặt hắn. Máu chảy ròng ròng xuống cổ, xuống áo. À, mày dám đổi xương của bố tao lấy xương gì nào? Mày ăn gan hổ hay sao mà dám thế? Mày chỉ là một thằng thầy cúng thì sao dám làm việc này, mà dám thì dòng nhà mày cũng không làm chủ được, vậy thì chắc chắn mày làm theo lời thằng Giàng. Đúng không?

Vàng giật tay thầy Dủn ra, kẹp cổ hắn trong bàn tay cứng như sắt của mình. Hắn trợn mắt, lè lưỡi kêu ặc ặc. Thầy bảo lỏng tay ra cho hắn nói, nhưng hắn vẫn không nói.

– Thầy Dủn! Làm thế nào với nó bây giờ?

– Cứ để nó ở đây cũng không được. Giết nó ngay bây giờ thì hỏng việc lớn. Thằng Sầu, canh nó, không được để nó thoát.

Người giúp việc Sầu đã dúm vào một góc, giờ mới dúm dó bò dậy, túm lấy thằng Pa để giữ. Hắn còn run sợ hơn Pa thì liệu có giữ được nó không. Nhưng không giữ cũng không được. Hơn nữa hắn cũng biết rằng xong việc này cả hắn và Pa sẽ không thằng nào sống sót. Chết thế này hắn không muốn. Hắn không có tội trong chuyện này cơ mà. Nhưng rồi hắn cũng hiểu luôn rằng, dù có tội hay không thì sau việc này hắn cũng chết. Cái chết đã chọn hắn ngay từ hôm thầy Dủn đến nhà nhờ đi giúp việc rồi mà hắn không nghĩ ra. Hắn không được biết là việc gì, không được phép hỏi, chỉ được phép tuân theo. Nhưng hắn không nghĩ ngay được đến cái chết từ hôm ấy mà chọn cách chết cho mình. Mà dù có nghĩ ngay ra được và chọn cái chết từ hôm ấy thì cả nhà hắn cũng không được phép sống. Đằng nào thì cũng phải theo thầy, xong việc thầy sẽ chọn cho hắn cái chết và chọn luôn người về báo cho nhà đến mang xác hắn về chôn. Tại hắn, tất cả là tại hắn sinh không đúng chỗ đất đẹp mà thôi cho nên đến cái chết cũng không được biết. Để bây giờ hắn phải canh một thằng cùng chết. Nhưng hắn phục thằng Pa, nó đã biết rằng sẽ chết ngay từ khi thầy Dủn bước vào nhà. Đúng là thầy vào nhà như ma vào ngõ!

Hắn phải gồng mình lên đứng chắn đường ra khỏi hầm. Chỉ duy nhất một lối thoát ra ngoài. Không để thằng Pa chạy là được, cứ canh đến khi nào thầy xong việc rồi muốn ra sao thì ra. Vàng đã bình tĩnh hơn, cũng đành ngồi gần để canh thầy rửa xương cho bố. Vàng sợ, thằng Pa chơi bài cuối cùng mà xông vào phá nát đám xương của bố. Vàng vẫn chưa hiểu tại sao thằng Pa lại làm thế.

– Thầy Dủn, nó làm thế là như thế nào?

– Chắc chắn là thằng Giàng vẫn căm ông lắm. Nó vẫn chưa thôi âm mưu chiếm vị trí của ông. Cái máu xưng vương vẫn âm ỉ chảy trong người nó. Nó sai thằng nay tráo xương của ông cụ để nó mang xương của ông cụ về cho thằng Giàng băm vằm, đốt thành tro rồi vãi khắp nơi để ông cụ không đầu thai được thì sẽ quay lại quấy nhiễu con cháu, làm cho dòng họ nhà ta tiệt giống người, sinh ra toàn giống quái vật.

– À, thằng này thâm thật! Buồng gan nó to thật! Ài, nó mà thần phục tôi thì tốt biết bao.

– Người như thế không bao giờ thần phục ai. Chỉ có đứng trên vạn người mà thôi. Giờ hắn chỉ có đứng dưới ông cho nên hắn luôn luôn nuôi mộng đứng trên ông. Hắn còn làm đến khi nào thắng được ông thì mới hả.

– Không bao giờ có chuyện đó.

– Nhưng tại sao thằng Giàng biết được việc bí mật này của ta thì nó mới sai thằng Pa này làm?

– Hỏi thằng Pa.

– Đừng hỏi! Hắn không bao giờ nói. Ma nhà nó đã ngậm bạc của Giàng trong mồm rồi. Hắn mà mở mồm thì đời đời kiếp kiếp nhà nó không bao giờ thành người nữa.

– Vậy thầy nói xem, tại sao thằng Giàng lại biết?

– Ngay từ đầu đây đã là âm mưu của nó rồi. Người lạ mặt đến đúng hôm làm lễ ma bò cho ông. Người ấy cũng đã bị Giàng khống chế để thực hiện âm mưu phá xương cốt của ông cụ để hại ông. Người ấy mở màn cho chuỗi âm mưu này. Tôi đã bị hắn lừa.

– Nhưng tại sao hắn không sai người tự đào mộ bố tôi mà cứ để chúng ta phải làm?

– Nếu thế thì không có gì phải bàn. Nếu hắn tự sai người đào thì hiệu quả của việc tiệt dòng giống họ Vàng chỉ được vài đời. Còn để chúng ta tự làm là muốn chúng ta tự huỷ hoại dòng Vàng của ông. Huỷ hoại như thế này là đời đời, kiếp kiếp. Kể cả khi làm kiếp ma cũng không qua được con đường sâu róm, không qua được dòng sông lửa để đoàn tụ với tổ tiên. Hắn đã làm cho quan tài của ông cụ bục sẵn, cho nên khi chúng ta đào đường hầm thông tới nơi nó mới bục ra thế này làm cho chúng ta phải thay quan tài để tạo cơ hội cho thằng Pa thay xương.

– Mà kia là xương gì?

– Xương dê!

– Bọn khốn!

Vàng gầm lên và quay lại định đánh thằng Pa thì nó đã chết ngồi rồi. Nó đã ăn thuốc mà chết chứ không chờ Vàng chọn cho nó cái chết. Nó đã chuẩn bị sẵn các tình huống có thể xảy ra. Dù điều gì xảy ra thì cái đích cuối cùng của nó cũng là cái chết. Dù có thuận lợi thì khi về đến đất Mèo Vạc cũng sẽ được Giàng thưởng cho cái chết. Vậy thì chết thế nào đều không quan trọng nên hắn đã chuẩn bị cái chết cho mình, không để bất kỳ ai bắt hắn phải chết.

Vàng bất lực nhìn cái xác chết ngồi, bởi cũng không ngờ thằng Pa chết kiểu này. Sầu cũng chỉ nghĩ canh cho nó không chạy ra khỏi đường hầm chứ không nghĩ thằng này ăn thuốc để chết. Nó càng sợ rúm người và nghĩ chết ngay bây giờ và tại đây.

Nó được chết thật. Thầy Dủn không thèm nhìn hay nói với nó một lời. Thầy đến nhét vào mồm nó một cục thuốc bắt nó nuốt. Thầy bành mồm nó, nhét hẳn vào cổ họng nó, lấy tay đẩy hẳn xuống. Nó trợn mắt và không bao giờ nhắm lại nữa. Nó không cam tâm.

Khi bọn Pao về đến nơi, thấy một đống xương trắng hếu, hai cái xác nằm chồng lên nhau, một cái không nhắm mắt. Pao quá sợ nhưng không dám nói gì. Pao khom người bò qua hai cái xác, đưa tay vuốt mắt cho xác thằng Sầu nhưng thế nào nó cũng không nhắm. Pao lấy rượu rửa tay rồi vuốt tiếp một lần nữa nó cũng không nhắm. Pao hiểu chuyện xảy ra quá tàn nhẫn nên không dám nói một câu nào. Thầy Dủn để Pao làm, làm xong nó vẫn mở trừng trừng thì mới nói:

– Nó không được phép nhắm. Ta đã bắt nó làm ma cũng phải mở mắt để trông gương thằng Pa mà làm kiếp ma hiền, không được làm ma ác.

Pao rùng mình nhìn thầy, càng ngày thầy càng độc. Bất chợt Pao thấy trong thầy có còn hồ ly trắng đang cười. Con hồ ly thành tinh trú ngụ trong thầy. Pao bắt đầu sợ. Sợ rằng không biết bao giờ đến lượt mình rơi vào cảnh này.

Chỉ còn lại thầy, Vàng, Pao với hai người khiêng quan tài sang núi Khía Lìa. Việc đáng ra không phải làm thì đã làm rồi. Không thể đặt quan tài vào chỗ cũ nữa, dẫu không phải đúng mắt Rồng, thì khi đã dịch chuyển thì phải dịch chuyển, mộ mới đã chuẩn bị xong. Tất cả đều chỉ có từng này người biết chuyện gì đã xảy ra. Cho đến mãi về sau này, không ai được biết điều gì đã làm trong đường dẫn từ núi Đầu Rồng sang núi Khía Lìa. Ngay từ khi về đến đường hầm, nhìn thấy việc đã xảy ra thì Pao từ bỏ hẳn lời xin Vàng cho Chơ được sống, vì không biết mình có cơ hội mở lời nữa không. Nhưng đến giờ thì thầy Dủn chỉ cho hai người giúp việc ăn thuốc. Pao được thoát.

Pao chợt nghĩ mình thật hèn. Nếu thầy Dủn có bắt mình chết mình cũng không chết chứ. Tại sao mình lại phải giống những người kia? Mình – Vàng – thầy Dủn là ba chân kiềng. Những gì mình làm từ ngày đầu gặp Vàng đến giờ không kém thầy Dủn, thì cớ gì thầy có quyền hơn mình. Thầy không bao giờ có quyền định đoạt việc cho mình. Thầy là người lo đường âm, còn mình lo đường dương cho Vàng cơ mà. Không có mình Vàng có được đứng ở vị trí chủ đất như ngày hôm nay không? Hơn nữa, việc thôn tính đất Mèo Vạc còn chưa làm xong, thằng Giàng Thụ Ngãi vẫn đang âm mưu chiếm đất Đồng Văn. Thì mình mới là người quan trọng hơn thầy.

Lên được đến mặt đất trời mờ sáng, Tuyết rơi lấp kín đường hầm. Pao đẩy tuyết đi trước, Vàng đi giữa, thầy Dủn đi sau cùng. Cửa đường hầm lại được lấp lại, không còn dấu vết gì. Bốn người nằm trong để giữ đường hầm được bí mật mãi mãi. Nhiều lúc Pao tự hỏi: “Có nhất định phải tàn độc như vậy không?” Nhưng không bao giờ dám nói ra mồm. Thầy Dủn có gan làm tất cả. Vàng cũng đủ mạnh làm tất cả. Mình cũng đã cưỡi lên lưng cùng hai con hổ này phi trên đại ngàn rồi thì không được phép dừng. Quay bước về dinh Pao chợt nhìn thấy con hồ ly trắng vụt ra khỏi thầy Dủn phóng thẳng vào rừng. Nó tự rời khỏi thầy hay thầy đẩy nó đi? Nó có còn quay lại thầy nữa không?

Rồi Pao cũng chợt nghĩ: “Ảo giác thôi! Mình không sợ thầy, không sợ hồ ly. Thầy cũng chỉ như mình thôi”. Pao không muốn về dinh lúc này mà muốn về Lũng Phìn. Pao muốn chui vào căn nhà trình tường thấp mà ấm mùi khói của vợ. Vợ nhất định không theo Pao sang Sà Phìn. Vợ muốn ở nhà giữ lửa cho căn nhà không lạnh lẽo để đợi Pao về. Sà Phìn không phải nhà của Pao. Mà dù Pao có mua đến bao nhiêu nhà bên này cũng không phải nhà của Pao. Đất của Pao là ở Lũng Phìn.

Đã có lúc Pao nghĩ xin Vàng cho về bên này làm một Lý trưởng. Pao sẽ quản đất mạn đông cho Vàng. Pao sẽ làm tốt việc nuôi quân mạn đông và nộp thuế đầy đủ. Nhưng cũng chưa bao giờ dám nói ra.

Pao không vào dinh nữa mà xin về Lũng Phìn luôn. Tết đã đến đầu núi rồi. Pao có nhà, cần phải về. Vàng cũng không giữ được. Việc đã làm thì xong rồi, việc sẽ làm chưa đến lúc.

Pao về trong đầu nghĩ giờ này Lũng Phìn đang vui hội Vỗ Mông. Ngày này hơn mười năm về trước mình cũng ở hội Vỗ Mông đầu núi Lì Tro Tổng.

Nắng đổ dài trên từng sườn núi. Năm nay ấm áp, hoa đào, hoa lê nở sớm. Người già bảo, ấm đến sớm sẽ được mùa sớm. Pao chẳng nhớ năm ấy nhà có được mùa không nhưng Pao thì được vợ. Lý trưởng Lũng Phìn mở hội Vỗ Mông cho cả vùng. Pao vác sáo dọc đi, lượn khắp núi đồi. Đám vui nào cũng sà vào. Rượu và thắng cố không quyến rũ Pao. Pao thích đám múa khèn, thổi sáo hơn. Pao đã cưỡi con ngựa ô của mình lên núi rồi xuống núi mấy ngày nhưng chỉ để chơi, không nhằm chủ định điều gì. Nhưng người ấy lại như con gà trống đẹp mã vỗ cánh phành phạch trên mỏm đá để Pao phải để mắt tới. Đứa con gái đẹp mã ấy đã cất lên tiếng vỗ cánh mời gọi Pao. Quả tình là nó đẹp hơn tất cả những đứa con gái chơi hội và Pao hiểu nó vỗ cánh gọi mình. Nó không phải là một đứa bình thường, váy áo kia không phải của nhà dân.

Pao đến trước mặt nó. Nó vẫn đứng thổi kèn lá cho Pao nghe. Chân Pao đã xuống ngựa đến đứng trước mặt rồi mà nó vẫn không dừng thổi. Mắt nó ướt nước long lanh nhìn Pao. Cái hồ mắt rồng lóng lánh này có dành cho Pao không? Một thằng trai đã đi nhiều núi, vượt nhiều đá nhưng hôm nay mới gặp một đứa con gái có đôi mắt mùa thu đầy dịu dàng mà sâu lắng đến vậy.

Pao xích lại thật gần. Nó dừng thổi, tay cầm cái lá nhìn Pao không nói. Pao nghĩ luôn đến tín hiệu cần dùng mà đưa tay vỗ nhẹ vào hông nó. Nó để yên cho vỗ, nở một nụ cười tròn xoe như xoáy trôn ốc. Pao điếng người với cái mặt nó như mặt trời ngày nắng sáng. Sự rực rỡ này Pao cũng không dám chắc là có dành cho mình. Mặt nó sáng trắng như ánh sáng toả từ trời cao xuống. Nó lại không phản ứng mà để yên cho Pao vỗ. Trong lòng Pao đang mong nó vỗ lại mình một cái, vậy mà nó lại đứng yên. Pao nhìn nó nhiệt thành nhưng không dám nói gì. Tâm trí đang chạy lung tung làm cho không biết nói gì, làm gì tiếp theo. Pao chưa từng nghĩ mình sẽ gặp một người như thế này trong hội chơi xuân nên chưa hề tưởng tượng ra sẽ thế nào. Ấy vậy mà nó lại đi. “Ơ, đi à?” – Pao bất chợt kêu lên không định trước làm nó giật mình quay lại nhìn. Pao xấu hổ quá, làm sao đây, nó mà mắng thì biết làm sao.

Nó lại quay đầu bước tiếp, nhưng trong ánh mắt quay lại nhìn thì rõ ràng là không trách móc mà là mời mọc. Pao nghĩ mình sẽ đi theo. Nó đi không nhanh không chậm. Lại đi dọc lên núi, chứ không đi xuống phía dưới chỗ đông người. Pao hiểu ngay rằng nó muốn tách đám đông để lên đỉnh núi. Thế là nó đồng ý à? Nó không từ chối Pao à? Và Pao đi theo sau, không gần quá, cũng không xa quá. Nó đặt cái lá lên môi. “Núi lên đầu núi, đồi lên đỉnh đồi/ Đôi ta phải chim gù chim gáy thì mới sánh được đôi.” Pao cũng đưa sáo lên miệng đáp lời “Chim gù, chim gáy có đôi/ Phải anh, phải em sánh đôi đi cùng.”

Nó biết Pao muốn nói gì, Pao cũng hiểu rồi. Đến khi không còn người nào xung quanh nữa thì nó dừng. Mồ hôi vã ra trên trán thành những giọt óng ánh, long lanh dưới ánh mặt trời làm cho khuôn mặt càng sáng trắng trên đỉnh đồi. Pao đến đứng cạnh, nó đưa tay vỗ nhẹ vào mông. Pao rùng mình một cái rất nhẹ, như thể đã chờ đợi tín hiệu này lâu lắm rồi. Cả người Pao đã căng ra từ khi cất bước theo nó, đến giờ mới được trùng xuống. Pao nhìn nó cười và nhận được cái cười đáp lại. Pao đưa tay về sau, vỗ nhẹ cái nữa vào hông nó, lần này thấp hơn cái vỗ lúc trước. Nó cười toả nắng vỗ lại thêm một cái nữa. Nhưng sao nó vẫn chưa nói. Hay là nó xấu hổ, đúng rồi, thế thì Pao nói trước vậy.

– Tôi trông em như ánh mặt trời ngày mới vậy.

Nó cười khúc khích làm Pao hơi sợ. Nói thế có quá lời không nhỉ? Không quá mà. Khuôn mặt này đẹp như mặt trời mới mọc thật mà. Pao đành cũng cười với nó và nhận được một cái vỗ mông nữa. Cứ thế, Pao và nó đã vỗ đủ chín cặp vỗ rồi nó mới nói.

– Anh Pao cũng không phải mạnh dạn lắm nhỉ!

– Tôi….

– Em đã trông thấy anh từ đầu núi bên kia, từ mùa xuân năm ngoái.

– Thế thật à?

Pao thấy mình ngốc hơn đứa gái này rất nhiều. Vậy mà Pao vẫn được nó chấp nhận thì mình sẽ không bỏ lỡ. Pao kéo luôn nó xuống núi và về nhà. Pao nghĩ không cần cướp, không cần lôi quá mạnh. Lần đầu tiên Pao nắm tay một đứa con gái. Tay nó mượt và mềm như bắp ngô non. Nó vẫn để yên cho Pao kéo đi thì Pao sẽ đưa luôn nó về hỏi mẹ xem một đứa như này làm dâu mẹ có được không.

Nó cứ đi sau Pao về đến nhà thật. Và từ khi nó bước vào nhà thì không có ý định quay ra nữa. Cả đời nó và đời Pao đã gắn với nhau từ ngày ấy. Cho đến bây giờ, khi bước qua cái ngưỡng cửa thì đã thấy nó ngồi sẵn ở cửa cái bếp lò rồi. Vợ luôn luôn đợi Pao ở chỗ ấy, nơi ấy ấm áp hơn bất kỳ chỗ nào. Pao biết dù có đi khắp muôn nơi cũng không bao giờ bằng ở nơi cửa bếp nhà mình khi có vợ ngồi đợi mình về.

Ấy thế mà có lần vợ nói: “Anh Pao cứ tìm một người thay áo, rửa chân ở bên Sà Phìn cũng được.” Mình đã trợn mắt lên mà nhìn nó. Cái ý nghĩ này chưa nảy ra trong đầu mình thì vợ đã lo đến rồi. “Không phải mình không còn muốn ở bên tôi nữa chứ?”, “Không phải, mà là em nghĩ anh cần một người giúp đỡ ở bên nhà bên ấy.” “Tôi không có nhà bên ấy mà, đừng nghĩ như thế nữa nhé!”

Thế mà vợ khóc. Vợ không muốn thế, mà vẫn phải nghĩ thế thì Pao biết vợ khổ tâm đến thế nào. Nhưng không bao giờ vợ muốn sang bên Sà Phìn ở hẳn. Cả Pao cũng biết, bên ấy là đất của Vàng chứ không phải của Pao, vậy thì một nơi tốt nhất cho Pao dù sau này có ra sao thì vẫn chỉ là Lũng Phìn mà thôi. Vợ cũng hiểu điều ấy và nhất định ở đây giữ gốc cho Pao. Vì thế mà Pao không bao giờ muốn có thêm một nhà bên Sà Phìn. Pao sợ điều gì đó có thể xảy ra mà không định đoạt được nếu có hai nhà. Điều này càng hiển hiện khi Vàng có thêm một người đàn bà nữa. Người thứ hai đã ra đi rồi. Người cả thì vẫn còn đầy đủ vị thế của mình, thế mà người thứ ba đã muốn chuyển sang căn buồng lớn rồi. Đàn bà, có một thì tốt, có nhiều thì loạn. Pao không biết thời gian tới Vàng có đủ vững vàng để thu xếp chuyện trong dinh hay không, trong căn nhà ấy, có quá nhiều oan trái rồi, Vàng cần phải thu xếp tốt thì mới đứng vị trí chủ đất mãi mãi.

***

Người vợ thứ ba ấy, Vàng đem về từ Phó Bảng. Người ấy lại đem theo một thằng Pháp. Rồi nó lại trở thành cố vấn cho Vàng. Pao không hiểu cố vấn là cái gì nhưng không thích nó. Thầy Dủn bảo cũng như Pao thôi, giúp việc cho Vàng, giúp phiên dịch tiếng của thằng Pháp để đánh đuổi nó đi. Cũng cần phải có người biết tiếng nó thì mới hiểu bọn Pháp muốn gì. Pao nhìn không thấy điều tốt ở thằng Prăng-xoa này. Nó lại hay rủ rê cậu cả lên Phó Bảng chơi bời. Vàng lại bảo kệ cậu, để cậu học tiếng Pháp, đến lúc học được thì tống cổ thằng Phrăng-xoa đi, để lâu nóng mắt lắm. Thế mà mấy năm liền, ông lại còn cho cậu cả xuống Hà Nội học nữa, không biết cậu sẽ theo con đường nào, theo Pháp, theo Việt Minh hay theo con đường riêng của người Mèo? Sự tính toán của Vàng không bao giờ Pao lường được.

Chưa dẹp được thằng Pháp nên càng ngày Vàng càng đau đầu. Chúng càng ngày càng hung hăng, Vàng không muốn có sự tồn tại của chúng nữa, nhưng hiệu lực của cái thoả ước từ ngày thắng đồi Đồn Cao chúng đã không coi ra gì nữa. Chúng lại giúp sức thằng Giàng nên nó càng ngày càng mạnh, Vàng muốn loại bỏ thằng Giàng trước, để không còn vây cánh cho Pháp, bớt đi một đối thủ sẽ có nhiều thời gian đánh thằng Pháp hơn, thêm nữa, mối thù hại mộ bố Vàng còn chưa trả được nên càng căm thằng Giàng hơn. Song đôi khi Vàng cũng thương đứa em gái khốn khổ đã được gả cho Giàng Thụ Ngãi từ ngày đầu kết thân. Từ khi không còn là thông gia nữa thì em gái cũng phải sống cuộc sống địa ngục ở bên nhà Giàng. Song không thể mang em về được, đưa em ra khỏi kiếp làm dâu nhà Giàng là việc không thể. Đàn bà Mèo đã đi làm dâu là không bao giờ quay về nữa. Cho dù Vàng có cho người sang bắt em thì em cũng không về, không bao giờ thay đổi được số phận của em nữa rồi. Em là đứa Vàng yêu quý nhất, chọn một thằng xứng đáng với em nhất để gả những mong em sống trong dòng họ ấy được nở mày nở mặt hơn mấy đứa em khác chỉ làm vợ những thằng Lý trưởng cho Vàng. Nào ngờ cái yêu quý nhất đã vuột khỏi tay, bay về phía kẻ thù rồi. Không biết em có oán trách Vàng không?

Mà cả Pao nữa, sao Pao không nhận đứa em gái út? Pao mới chỉ có một đứa vợ bên Lũng Phìn thôi, Vàng muốn để đứa em gái út làm vợ để Pao thấy rằng Vàng trân trọng Pao đến mức nào. Thế mà Pao không nhận, lại còn bảo tài hèn của mình chỉ đảm đương được một nhà thôi. Đàn ông Mèo mà chỉ chung chăn gối với một đứa đàn bà thì liệu có được không? Lý do ấy là không chính đáng, nhưng còn bắt Pao nói ra tại sao thì chắc chắn không bao giờ Pao nói. Pao sợ phụ thuộc chăng? Không phải, có Pao mới có ta cơ mà. Nhiều lúc ta cũng không giải thích được về Pao nữa.

Nhưng đã lâu rồi ta không có tin tức gì về em gái Trò bên Mèo Vạc. Hay là sai người sang xem em sống ra sao nhỉ? Thế mà thầy Dủn bảo dạo này ta hơi uỷ mị, không cứng cỏi thì làm sao mà tiêu diệt được thằng Giàng. Ôi, cuộc chiến quyết định sắp bắt đầu rồi, ta biết phải làm sao cứu được em ra. Ta đã ra lệnh cho lính không được làm hại em, nhưng biết làm sao được đạn hay hướng nào. Có phải thằng lính nào cũng biết mặt em đâu.

– Thưa Vàng, vài ngày nữa kế hoạch bắt đầu, tôi muốn làm một việc để có sự phù hộ cho chúng ta đại thắng. Xin Vàng đồng ý!

– Là việc gì? Thầy Dủn sẽ lại làm việc đường âm chứ?

– Đúng ạ!

– Thầy cứ nói.

– Tôi muốn cho thằng Giàng ăn tim ạ!

– Sao? Dòng nhà nó kiêng ăn tim cơ mà.

– Chính vì thế tôi mới muốn cho tổ tiên nhà nó bực mà không phù hộ cho nó thì ta chắc thắng cả về đường âm và đường dương.

– Ai sẽ làm việc này?

– Thằng Prăng-xoa! Chỉ có nó mới đảm nhận được việc này. Nó ra vào đồn Sảng Pả với bọn quan Pháp bên ấy không khó khăn gì.

– Liệu nó có chịu giúp ta không, bên ấy chúng nó trọng thằng Giàng lắm.

– Tôi đã có cách. Vàng cứ để tôi lo việc này trước khi chúng ta tiến công về Mèo Vạc.

– Được. Miễn là không ảnh hưởng gì đến kế hoạch đã chuẩn bị, gần đến ngày rồi đấy.

Vàng biết thầy Dủn đã nói ra là đã có sự chuẩn bị trước rồi. Thầy phải chắc chắn thì mới bàn với mình. Chưa bao giờ thầy làm hỏng việc nên việc này để chuẩn bị cho cuộc tiến quân về Mèo Vạc thành công thì cứ để thầy làm. Nhưng Vàng cũng lo lắng, thằng Prăng-xoa không biết gì về cuộc tiến công, là cố vấn thực ra cũng chỉ là thằng dạy tiếng Pháp cho con ta mà thôi. Nó lại còn thông dâm với vợ ba của ta. Ta đã căm nhưng chưa làm gì được nó. Ta chỉ cần một nhát thì nó hết đời. Nhưng thằng Pháp sẽ không để ta yên. Giết cố vấn của nó thì sẽ hỏng hết kế hoạch lâu dài của ta. Ta đã nhịn lâu rồi, nhịn thêm nữa cũng chưa vội. Lần này thầy Dủn chọn nó làm việc này là một tên trúng nhiều đích. Ta hiểu thầy dùng nó vào việc gì rồi.

Phrăng-xoa không muốn đi Mèo Vạc, dù là việc gì thì cũng không có việc của nó ở bên ấy. Nó ở bên này có việc quốc mẫu giao cho. Số nó thế mà thanh nhàn, chỉ cần ở trong cái dinh thự này, chức phận cố vấn thì ít, nội gián thì nhiều, việc dạy tiếng Pháp cho thằng con Vàng cũng không quan trọng, thế mà nó lại được gần gũi với người đàn bà quyền lực nhất xứ Đồng Văn. Đàn bà ở đâu hắn cũng gặp rồi, nhưng chưa đứa nào làm nó thích thú bằng con đàn bà lẳng lơ mà lắm tài này. Thân là chủ cái dinh thự thế này, cái gì nó cũng có, chỉ có một điều không ai làm nó thoả mãn. Bọn đàn ông Đông Dương, lại là đàn ông Mèo chả được mấy nả. Ả này đáng lẽ phải được sinh ra ở bên Tây mới đúng. Xung lực của nó mạnh thật, nhiều khi mình còn chưa làm nó thoả mãn thì đã đến đỉnh của mình. May mà đời mình gặp được nó, không thì không biết sống ra sao những ngày mù mịt ở xứ thâm u tù mù này.

Xa nó vài ngày cũng không quan trọng, quan trọng là mấy thằng Mèo này định dùng mình vào việc gì mà sai mình sang Mèo Vạc đây? Mấy cái đầu u tối này nhiều khi nảy ra những ý định oái oăm lắm, mình phải cảnh giác. Nhưng không đi cũng không được với chúng nó. Thằng Dủn quá nguy hiểm, mình không lường được những gì nó đang đặt ra sau lưng mình.

– Anh Prăng-xoa ạ, việc này anh phải giúp Vàng. Ông ấy bận việc nên muốn nhờ anh giúp đi Mèo Vạc một chuyến.

– Mèo Vạc không có việc của tôi mà.

– Không phải việc, mà là nhờ việc riêng thôi.

– Việc gì?

– Lâu lắm rồi Vàng không được gặp cô Trò, không biết cô sống bên ấy có tốt không, nay nhờ ông đi sang thăm cô ấy một chuyến, chuyển lời thăm của ông đến cô ấy. Nếu nhờ tài khéo léo của anh mà đón cô ấy về đây chơi một chuyến thì đội ơn anh lắm.

– Các ông đúng là rắc rối quá. Cứ cho người đi đón cô ấy về mà thăm nom nhau cho đỡ nhớ thì sao nào?

– Anh không phải người Mèo anh không biết đâu. Tục người Mèo khắt khe lắm, đã đi làm dâu nhà khác thì về nhà hơi khó, đằng này hai nhà lại không phải thân thiết như xưa nữa. Thế nên trong chuyện này chỉ có anh mới giúp được Vàng thôi.

– Tôi sẽ sang nhà Giàng, nhìn thấy cô ấy, thăm hỏi là được chứ gì?

– Ấy, như thế thì bình thường quá. Hơn nữa, anh vào được nhà ấy cũng không dễ mà. Anh là cố vấn cho Vàng, Giàng sẽ không tiếp anh mà.

– Vậy thì làm thế nào?

– Anh cứ lên đồn Sảng Pả với các quan Pháp chơi như bình thương. Anh sẽ mở một bữa tiệc mời các quan bên ấy gọi là gặp mặt. Bữa tiệc ấy anh nhờ quan trên đồn mời nhà Giàng lên ăn cùng cho vui. Nhờ luôn là đưa cả cô Trò đi nữa. Trong bữa tiệc ấy, anh tranh thủ thăm hỏi cô Trò và tặng quà của ông Vàng cho cô ấy nữa.

– Đơn giản thế thôi sao?

Phrăng-xoa không nghĩ chỉ đơn giản như thế. Dòm tận mặt thằng Dủn mà hỏi nó cũng chỉ cười cười: “Đơn giản thôi, đơn giản thôi, chỉ là ông nhớ cô Trò quá, muốn thăm hỏi cô ấy thôi mà.” Có hỏi thêm cũng không tìm được kẽ hở trong kế hoạch của thằng này. Prăng-xoa chỉ còn cách đi Mèo Vạc.

Vàng cho vài người đi cùng hắn. Gọi là mang đồ đi tặng cô Trò và nấu tiệc đãi các quan trên đồn Sảng Pả. Lại thêm rất nhiều thuốc tặng các quan nữa. Prăng-xoa biết mấy thằng đi theo này có nhiệm vụ của nó chứ không chỉ đơn giản như vậy, nhưng biết làm thế nào mà moi mồm chúng nó nói ra được.

Đoàn người rễu rện đi trong sương mờ. Prăng-xoa biết người tình đã dậy từ sớm, đứng trước cửa phòng mà nhìn đoàn người ra đi. Tối qua, nó đã bảo mình không nên đi, hoặc là đi thì không đến nơi. Nhất định Vàng đưa mình vào một cái bẫy nào đó. Liệu có còn trở về với người tình thân yêu không. Nhưng mình biết làm thế nào đây. Không phải đi một mình mà muốn rẽ đâu thì rẽ, mấy thằng lính này chính là giám sát mình. Một mình mình không thể chống lại chúng. Trong những cái hòm kia đâu phải chỉ riêng bạc và thuốc, chắc chắn còn cái gì đó nguy hiểm cho ta hoặc cho thằng Giàng. Nhưng trên đường một mình ta không làm gì được. Các quan trên đồn cũng sẽ không giúp gì được trong việc này. Thôi kệ, cứ đi, khi đã ở trên đồn Sảng Pả rồi thì sẽ mật báo cho các quan cảnh giác. Chắc nó muốn giết thằng Giàng thôi. Kệ nó, thằng nào chết ta cũng có lợi. Hổ báo đánh nhau, tiều phu đắc lợi, lo gì.

Vàng Sì Lử được trở về Mèo Vạc trong vai trò đi giúp đỡ Prăng-xoa, nó lấy làm mừng trong bụng. Kế hoạch của Vàng giao lần này không phải nhỏ. Phải một mũi tên trúng nhiều đích. Đã bao nhiêu năm nay, giấu mối thù phá nhà, giết cha đối với Giàng Thụ Ngãi đã nuôi lớn trong bụng. Từ khi mất vị thế chủ đất vào tay Giàng Thụ Ngãi thì không còn con đường nào khác để sống. Đăng lính thì Pháp không nhận, thằng Ngãi đã chặn đường của mình, nó đã hối lộ Pháp để không nhận mình vào lính. Bao nhiêu năm trốn chui trốn lủi may mà không chết. Mối thù lớn dần trong lòng nặng hơn quả núi. Khi nó sắp đè mình chết bẹp thì may đã tìm được dòng Vàng. Tổ tiên mình vẫn phù hộ mình phục thù. Mình đã tìm được quả núi lớn để dựa, để vùng lên đạp nó xuống đất đen.

Sì Lử dắt con ngựa đi ngay sau Prăng-xoa. Trong lòng mấy thằng lính đều  nghe lời chỉ huy của nó và nó chỉ chịu sự chỉ huy của Prăng-xoa, nhưng nhiệm vụ thực sự thì mấy thằng đều biết nó mới là đứa chỉ huy. Prăng-xoa cũng không thèm đếm xỉa gì tới bọn này, chỉ tổ mua cái bực vào người. Sang Mèo Vạc, lên đồn đánh chén một bữa, mượn mấy đứa gái chơi một đêm rồi lại về cho sướng cái thân, còn kệ cha đứa nào đánh đứa nào. Nhưng không hiểu thằng Vàng nó nhét những gì vào mấy cái thùng kia mà dặn nhất nhất phải nghe theo, hộp nào dành tặng cô Trò, hộp nào tặng các quan trên Sảng Pả. Nó phải định rõ cho mình như thế, chắc chắn có mục đích. Không moi được bí mật trong những cái hòm kia cũng là một thất bại của thằng cố vấn là mình, nhưng cái đám Mèo mọi rợ này cũng lắm mưu nhiều kế mà mình không thể lường trước được.

Mèo Vạc quả là một mảnh đất thiêng, đã sinh ra thằng Giàng Thụ Ngãi này để đối chọi với Vàng Chính Thềnh bên Đồng Văn. Nguồn nước đồi Sảng Pả là nguồn nước rồng phun ra nên mới nổi dòng máu rồng ở đất này. Có khi thằng này còn hơn thằng Vàng ấy chứ, chả đã có câu: “Con chim có tổ, người ta có quê/Quê ta là Mèo Vạc” là gì. Đất này là đất quê, sẽ sinh ra những thằng ghê gớm. Mẫu quốc cũng đã nghiên cứu phong thuỷ thì mới đặt đồn ở Sảng Pả chứ không phải chỉ vì đất rộng, đất bằng hơn những nơi khác.

Mèo Vạc – cái tên như thể không phải của xứ Đông Dương mà của Tây Âu mới đúng. Mẫu quốc chọn vùng đất này để biến cả xứ Đông Dương làm thuộc địa thật là sáng suốt. Khi nào bình định xong mình sẽ làm một cái biệt thự ngay bên con suối Chúng Pủa kia để an hưởng tuổi già. Mình sẽ lấy ngay cái dinh thự của thằng Giàng này mà sống, đỡ phải xây dựng lại. Nó đã được chọn từ thời thằng Vàng Vả Pó đến Giàng Thụ Ngãi mà vẫn phát thì chắc chắn cũng chẳng khác nào đồi Kim Quy bên Sà Phìn, hơn nữa nó còn có dòng suối thiêng chảy xung quanh. Nguồn suối ấy đã được đôi chim chờ gia ngày ngày nhặt hết những lá độc để suối được bổ dưỡng thì ai ai cũng được trường thọ. Chả biết truyền thuyết có đúng không nhỉ? Rằng: ………..

Sì Lử chịu trách nhiệm nấu bếp chính, hôm nay nó sẽ làm chủ bếp để đãi các quan Pháp đặc sản của người Mèo. Nó đã mang rượu ủ chum, chè chảm mã, thịt thỏi khô, tỏi vùng đá, hạt tiêu rừng từ Sà Phìn sang để trổ tài những món ngon chỉ có của người Mèo. Bữa tiệc mang danh Prăng-xoa bao trọn cả đồn Sảng Pả, mời thêm các chức dịch trong vùng về. Tất cả những gì sang trọng của người Mèo được Lử bày ra cho Prăng-xoa tha hồ khua môi múa mép. Vị trí oai nhất trong các vị khách hàng chức dịch đương nhiên dành cho Giàng Thụ Ngãi. Sì Lử cho người đi bắt bò về nấu thắng cố đãi tiệc. Rượu ngon và thắng cố bò người Mèo nấu thì chưa ai có thể từ chối. Từ khi bếp nổi lửa, mùi hương liệu đã dậy điếc mũi các quan. Thắng cố thì vùng Mèo nào cũng có, nhưng ở Mèo Vạc, thắng cố được nấu từ nước lấy từ hồ Mắt Rồng có vị riêng, mùi riêng mà chưa ai tả nổi. Đồi Sảng Pả thơm lựng mùi rượu già hương bắp, chan hoà vị men lá nồng nàn, quyện hương thảo quả, hạt dổi, củ sả quấn quyện vị béo ngậy của thịt làm ấm không gian trong tiết trời lạnh giá. Khi Lử nếm thấy thịt ăn giòn giòn thì cắt nhỏ phần tiết đã được đánh đông từ trước thành những miếng vuông vuông nho nhỏ xinh xinh đổ vào chảo. Prăng-xoa không chịu được mùi hấp dẫn đến nghẹt thở liền chạy xuống khu nấu đòi nếm. Lử bảo: “Ông cứ từ từ, tiết còn chưa chín thì chưa làm gì được đâu.” Prăng-xoa không hiểu thâm ý trong câu nói của Lử, lại lấy muôi to đảo đều chảo thắng cố cho dậy mùi thêm rồi dỏng cái mũi lõ lên hít hà rồi lơ mơ thưởng thức như đang say vị nồng đượm. Tiết chín, Lử bảo: “Ăn thắng cố phải ngồi xổm như mọi người Mèo khác, ông ra dãy ghế kia ngồi nhé!” Prăng-xoa chạy ngay ra chỗ Giàng Thụ Ngãi ngồi như hắn. Những tấm gỗ dài xếp thành dãy, thành dãy trước sân đồn, san sát xin xít nhau là những rá mèn mén, thịt bò khô xào tỏi, thịt lợn treo xào bóng mỡ, rượu cả chum, cùng những chiếc muôi gỗ gợi dạ dày nao nao. Quyến rũ hơn nữa là những bát muối ớt. Muối được lấy của đồn nên Lử làm thật nhiều. Muối rang vàng vàng, sầm sậm, nướng ớt chỉ thiên cùng giã nhỏ, thêm nhiều nhiều lá chanh thái chỉ nữa, trộn đều được bát muối ớt màu đẹp như màu thổ cẩm người Mèo. Muối ớt làm đậm đà hơn cho thắng cố, dậy mùi hơn cho thảo quả, hạt dổi. Ăn thắng cố đã thành từng nhóm, từng nhóm, rôm rả chuyện trò, tôi mời anh một bát, anh mời tôi một bát. Đám tiệc tưng bừng bởi những tiếng Mèo, tiếng xì xồ của tiếng Pháp. Thế mà chỉ riêng thằng Giàng lại khinh khỉnh, không thèm để mũi đến món thắng cố. Lử hiểu nó lo lắng điều gì, liền bảo Prăng-xoa đến bảo Giàng cứ yên tâm ăn thắng cố. Giàng vẫn khinh khỉnh, không thèm bắt lời:

– Ông cứ yên tâm ăn đi, tôi đã biệt đãi riêng đối với dòng họ của ông là không cho tim vào bất cứ món nào. Tim vẫn để riêng ra đây, mời ông xem.

– Xem ra ngài cũng biết phong tục, tập quán người Mèo nhỉ!

– Cũng là do thằng làm bếp bảo tôi vừa mới biết. Nhưng nó bảo vậy thì nghe vậy, chứ tôi cũng chưa lý giải được tại sao nhất định dòng Giàng của ông hay bất cứ dòng Giàng nào của người Mèo đều không ăn tim. Chắc là quan niệm nhỉ? Ông có thể hân hạnh cho tôi biết được không?

– Ồ, được, chả gì thì các ông cũng nên hiểu chúng tôi, thì mới cày chung trên một mảnh nương được.

– Được, được, ông kể tôi nghe!

– Truyện cổ của chúng tôi kể lại rằng, khi thiên di xuống phương Nam để tránh Hán tộc thì chúng tôi đã mất hết, cha mẹ đã chết trên đường chạy nạn. Đến khi chúng tôi chọn được mảnh đất Mèo Vạc này để ở, không còn chiến tranh với người Hán nữa thì anh em mới kiếm được một con bò để mổ làm ma khô cho bố mẹ. Thằng em út họ Giàng chịu trách nhiệm mổ bò ở bờ suối. Đến khi nấu nướng xong, đem lên cúng thì không thấy quả tim đâu. Người anh cho người xuống nồi tìm cũng không thấy đâu, hỏi em em bảo không biết. Người anh nghi ngờ em vì đói quá đã ăn mất quả tim rồi, cho là em bất kính với bố mẹ nên tức giận quá đã chém chết người em. Cuối cùng, khi việc đã xong, mọi người đem bát đũa ra suối rửa thì lại thấy quả tim mắc vào một búi cỏ, liền về báo cho người anh. Người anh biết là em mình bị oan rồi, anh đã giết nhầm em rồi thì ân hận quá khóc thét lên và thề rằng, từ giờ về sau hễ là người họ Giàng thì không được ăn tim để chuộc lỗi với người em. Từ đó, ai là người họ Giàng thì không bao giờ ăn tim.

– Ồ, truyện cổ của các ông quả là rất thú vị. Tôi rất tôn trọng các ông, sẽ không nấu tim.

Mặt Giàng nở ra, tươi hơn hớn vì biết mình rất được tôn trọng, bọn Pháp xem ra cũng biết tôn trọng phong tục tập quán đấy. Một phần là chúng còn sợ ta, sợ một Thống lý đất Mèo Vạc, chứng tỏ uy thế của ta không phải vừa. Cuộc rượu rôm rả hơn, các quan Pháp đều xì xụp món thắng cố. Lòng dạ hả hê, thằng Prăng-xoa cũng là thằng biết ăn biết uống, tấm tắc khen bọn Mèo thế mà sáng tạo ra món ăn này lạ thật. Ồ, giá như mà không có cái truyện cổ kia thì dòng Giàng sẽ được ăn món tim tuyệt ngon, mà nếu nồi thắng cố này có tim bỏ vào thì chắc sẽ bổ dưỡng hơn một tí. Hà… hà…. Hôm khác sẽ nấu một nồi không có thằng Giàng và sẽ có tim. Hay thật! hay thật!

– Này ông Giàng, ông có thấy thiệt thòi không?

Giàng Thụ Ngãi mặt mũi đã phừng phừng, lại bị hỏi một câu động chạm đến lòng tự tôn dòng họ thì tức muốn lộn tiết với thằng Pháp mất lịch sự này. Hay là hắn muốn chọc ngoáy mình đây, xỉ vả truyền thống của ta à? Mày say rượu nên không nhớ gì à? Hay là thằng Vàng xúi mày chọc tức ta? Ta vừa kể cho mày nghe lý do tại sao ta không ăn tim thế mà giờ mày đã quên ngay được, hay là cố tình quên? À, mày cố tình à? Mày muốn chết à?

– Tôi nghĩ chỉ là chuyện thôi mà, không phải sự thật. Ông cũng là người, chúng tôi cũng là người, ai mà chả ăn tim, có sao đâu. Lại còn bổ là đằng khác đấy. Hay là ông thử tí nhỉ! Bọn bay, nấu quả tim này cho ông Giàng ăn.

– Ô, thằng này, xỉ vả ta à?

Đúng lúc này, một thằng lính chạy lên rỉ tai Giàng là thằng Prăng-xoa chơi đểu, nó băm tim nhỏ ra rồi cho vào thắng cố nấu lẫn rồi. Nó còn chìa ra cái cuống tim trước mắt Giàng. Giàng vồ lấy quả tim vẫn còn đỏ đòng đọc trên cái đĩa ném ngay giữa mặt Prăng-xoa. Nó giật mình, ngã ngửa ra sau không hiểu chuyện gì.

– Sao thế ông Giàng? Tôi đùa cho vui cuộc rượu thôi mà.

Giàng thì không đùa được, không đùa với thằng ác man này được, chắc chắn thằng Vàng xúi giục nó lừa mình ăn tim để hại dòng giống nhà mình đây. Sao mình không cảnh giác nhỉ? Nó có thể kiếm một quả tim khác về nấu mà. Tổ tiên nhà mày, mày hại ông rồi. Giàng xông vào, chém một nhát cụt đầu Prăng-xoa. Các quan Pháp bất ngờ quá, tỉnh rượu luôn. Giàng sai lính khiêng xác Prăng-xoa xuống chợ Mèo Vạc mổ phanh ra, moi tim để tế tổ tiên chuộc tội, lại thêm móc mắt Prăng-xoa ném mỗi cái một nơi cho kiếp kiếp nó thành ma mù mắt không nhìn thấy điều gì nên kiêng điều gì không nên kiêng. Giàng hận không làm được gì thêm để tổ tiên tha tội và hiểu dòng Giàng từ giờ trở đi sẽ không thuận lợi để làm ăn làm mặc nữa rồi. Giàng hận Prăng-xoa thì ít, hận mình thì nhiều, vì đã không cảnh giác với đám xâm lược nhiều mưu sâu kế độc. Giàng sai băm vằm tim Prăng-xoa đem thả trôi suối cho tim không bao giờ gặp được xác, nó sẽ không bao giờ đầu thai được nữa, sẽ làm ma lang thang để về quấy nhiễu con cháu. Để làm tận cùng với cái xác, một đống củi nghiến được đốt giữa chợ, lửa cháy đỏ trời, liếm cả đến cành cây gạo cổ thụ thì vứt xác Prăng-xoa vào đống lửa. Khói bốc lên mịt mù, mùi khét ám vào chân tóc từng người. Cột khói dựng cao đến ngọn cây gạo cổ thụ góc chợ. Càng lúc củi vứt vào càng nhiều. Đốt, đốt đến bao giờ hết nghiến rừng Mèo Vạc thì thôi. Cho xương nó cũng tan hết ra, hoà cùng với tro, tan luôn vào đất cho không bao giờ nó có thể đầu thai làm con vật chứ chưa nói gì đến con người. Giàng nghĩ ra tất cả những gì có thể để làm tan hết xác, không còn nơi cho hồn trú ngụ nữa. Nhưng vẫn không biết hồn nó đi đâu. Giàng sai thầy bói xem hồn thằng Prăng-xoa đang ở đâu. Thầy bói bảy ngày bảy đêm không tìm thấy hồn, cũng không dám nói là không thấy. Thầy bảo: “Chắc nó về bên Pháp rồi, về với bố mẹ nó bên ấy”. “Không được, ông phải chặn ngay nó lại, không cho về bên ấy gặp được tổ tiên, phải cúng gọi hồn nó về đây, rồi chặn lại cho lang thang khắp chốn, cắt đường về với tổ tiên của nó.” Thầy lập đàn cúng để làm theo ý Giàng, nhưng trong thâm tâm biết mình là người Mèo, may lắm thì điều khiển được con ma Mèo chứ sao điều khiển được ma ở tận bên Pháp, nhưng không dám nói, cứ làm, nếu không làm thì cũng thành con ma dưới thanh kiếm của Giàng thôi.

CHU THỊ MINH HUỆ

(Còn tiếp)

XIN XEM:

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 1

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 2

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 3

>> Chủ đất – Tiểu thuyết của Chu Thị Minh Huệ – Kỳ 4

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *