Chỉ ước làm một cái cây – Tản văn dự thi của Nguyễn Thị Như Hiền

Vanvn- Trước ngày Sài Gòn thực hiện chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” hai ngày, bạn nhắn tin cho tôi hỏi: “Về không? Được 5 xe rồi. Về thì sáng mai tập trung ở Ngã Tư Ga”. Lòng tôi như lửa đốt trước quyết định có rời Sài Gòn ngay lúc này hay không.

Thành phố những ngày đó thật tang tóc, đau thương. Phố phường giăng kín dây thép gai, thoi thóp trước dịch bệnh. Tôi liên lạc với đứa em đang mắc kẹt tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã mấy tháng để em có thể về quê theo anh em đồng hương. Nhưng em bảo chỗ em giăng kín dây, không thể ra khỏi dãy trọ chứ huống hồ lên Sài Gòn để về chung. Và rồi tôi cũng không có can đảm để ngồi xe máy từ Sài Gòn qua Bình Dương rồi vòng vèo những cung đường Tây Nguyên đầy hiểm trở để về quê.

Tôi ở lại Sài Gòn dõi theo hành trình gần 1000 cây số của bạn bè, anh em. Trước đó, đã có nhiều tốp trả nhà trọ vội vã để trở về. Bạn bảo, bây giờ không về thì chẳng biết bao giờ có thể về được. Sài Gòn, Bình Dương bây giờ đã chẳng cưu mang nổi những phận đời công nhân bám trụ vào phố. Giấc mộng thị thành vỡ tan, dịch bệnh lơ lửng trên đầu. Lúc đó không tính toán thiệt hơn, không nghĩ tới được mất, chỉ có một niềm khao khát mãnh liệt là được trở về. Cửa ngõ thành phố chật cứng dòng người. Hôm ấy mưa to tầm tã, những em bé co ro, đói ướt dưới làn mưa lạnh. Dòng người cứ dài thêm, đông thêm mãi. Ông già hàng xóm bảo rằng mấy chục năm sống ở Sài Gòn chưa bao giờ thấy người ta rời bỏ Sài Gòn như chạy nạn như thế. Nhìn những hình ảnh ấy tôi thương họ và thương Sài Gòn quá đỗi!

Chỉ ước làm một cái cây cắm rễ ở quê nhà. Ảnh: Mộ Đức

>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Một ngày sau, bạn đưa một tấm hình lên Facebook là đã tới địa phận Phú Yên. “Đoàn người hồi hương đông lắm, ở thôn mình có ba xe máy, 6 người cứ thay nhau mà lái, mệt thì nghỉ một lát rồi lại đi tiếp”. Quê nhà Quảng Nam cách Phú Yên mấy trăm cây nữa thôi! Lái xe máy gần 1000 cây số! Gió rít hai bên tai, đôi tay tê cứng, lưng đau ê ẩm và đôi mắt đỏ lừ vì gió quật vào. Có lúc, bạn bảo mệt quá chỉ muốn nằm vật ra đất mà ngủ một giấc nhưng rồi đoàn người vẫn lái xe mải miết trong đêm. Hôm sau, tôi vỡ òa khi bạn thông báo đã về tới Quảng Nam rồi. Về quê, mọi người chạy tới trạm y tế khai báo rồi được sắp xếp cách ly tập trung tại một trường tiểu học được dùng làm nơi cách ly.

Cách ly 14 ngày hay cách ly cả tháng cũng chẳng quan trọng nữa bởi chỉ cần bước chân ra khỏi chỗ cách ly tập trung này đi bộ mười phút là về đến nhà. Bạn nhắn như thế. Quê mình những ngày tháng đó, những mẹ, những chị, những bà chở củi, chở gạo, người bó rau, con cá tới ủng hộ khu cách ly. Rồi tỉ mẩn gọt bí, gọt bầu nấu những những suất cơm cho lũ con tha hương trở về. Bạn bảo ngồi ăn tô mì Quảng mà cứ rưng rưng. Ngoài kia mệt nhoài, tang thương là thế nhưng đặt chân về đất mẹ là được an ủi, vỗ về.

Có những cuộc trở về đầy đau đớn. Đó là lúc một người đồng hương của tôi run run đặt lên bàn thờ hũ tro cốt của người thân. Có những đồng hương đã vĩnh viễn tan đi như sương khói, vĩnh viễn chỉ còn lại trong hoài niệm của người khác. Nhưng dẫu sống chết, niềm an ủi cuối cùng vẫn là được trở về đất mẹ.

Đại dịch này đã khiến bao người xác tín lại điều – mình – cần. Ở lại hay rời bỏ? Chạy theo giấc mộng phố phường hay về quê có cha có mẹ? Một người anh đồng hương đã nói lời từ biệt Sài Gòn sau hơn 20 năm làm kẻ tha hương đất khách. Anh bảo đi xa mãi rồi đến bạc đầu cũng phải quay về. Một người chị đã ước rằng kiếp sau đừng làm người mà muốn làm một cái cây. Một cái cây cắm rễ sâu vào đất mẹ để khỏi phải bị chia cách khỏi những người ruột thịt, thương yêu.

Những ngày này quê mình đang lắc rắc mưa kèm cái lạnh thấm sâu vào da thịt. Bạn khoe đang cuốc đất trồng rau ăn Tết. Cải thì mới nảy mầm lơ thơ, dưa leo, bầu bí đã lên một gang tay rồi. Vài ngày nắng lên, bạn lại có một vườn rau xanh um mượt mà. Tới bữa cơm chỉ cần dĩa rau xanh, chén mắm cái đỏ ớt bày ra cái bàn ngoài hiên là đã đã thấy mình sung sướng, đủ đầy. Bạn đã vượt một hành trình mệt nhoài, xa lắc để trở về. Giờ thì bạn không đi đâu nữa!

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN (TP.HCM)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *