Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng – Kỳ 1

Vanvn- “Bạn đọc thân mến, các bạn hãy cùng tôi trở về ngôi làng nhỏ nằm ven dòng Phước Long giang hùng vĩ, nơi có núi đá Bửu Phong và con đường độc đạo xuyên qua rừng Nai. Năm ấy, bọn cướp đã kéo đến hoành hành. Chúng cướp hết tất cả ghe thuyền của người dân trong làng, vét sạch lúa gạo, bắt đi cả bò và dê. Ai chống cự là chúng chém ngay. Sau đó, chúng bỏ đi, người dân trong làng sợ quá cũng tìm đường sang đất khác sinh sống. Chỉ còn một số gia đình ở lại, trong đó có gia đình một người thợ gốm tên là Lý Mạnh…” Đó là đoạn mở đầu truyện dài hấp dẫn viết cho thiếu nhi của nhà văn Trần Thu Hằng, một trong những cây bút tâm huyết và đạt nhiều thành công về thế giới tuổi thơ. Chuyên đề Văn học thiếu nhi của Vanvn.vn kỳ này sẽ lần lượt giới thiệu truyện dài Chàng thợ gốm thú vị của nhà văn xứ Đồng Nai.

Nhà văn Trần Thu Hằng của Đồng Nai

Chuyên đề Văn học thiếu nhi:

>> Một vấn đề rất khẩn thiết: văn học nhi đồng

>> Chùm thơ thiếu nhi của Khang Quốc Ngọc

>> Ba cây chỉ có một quả – Truyện ngắn thiếu nhi của Lê Toán

 

KỲ 1: TUỔI THƠ BÊN DÒNG PHƯỚC LONG GIANG

 

I.

Bạn đọc thân mến, các bạn hãy cùng tôi trở về ngôi làng nhỏ nằm ven dòng Phước Long giang[1] hùng vĩ, nơi có núi đá Bửu Phong và con đường độc đạo xuyên qua rừng Nai. Năm ấy, bọn cướp đã kéo đến hoành hành. Chúng cướp hết tất cả ghe thuyền của người dân trong làng, vét sạch lúa gạo, bắt đi cả bò và dê. Ai chống cự là chúng chém ngay. Sau đó, chúng bỏ đi, người dân trong làng sợ quá cũng tìm đường sang đất khác sinh sống. Chỉ còn một số gia đình ở lại, trong đó có gia đình một người thợ gốm tên là Lý Mạnh.

Không may cho ông, bọn cướp đã giết người vợ của ông trong trận càn quét ấy. Hai con trai của ông, Lý Trọng và Lý Quý, còn rất nhỏ. Thế mà ông quyết trụ lại trên mảnh đất này và vẫn tiếp tục làm nghề gốm.

Từ nhỏ, Trọng đã tỏ ra khôn ngoan, mưu lược, làm việc gì cũng biết suy tính trước sau. Còn Quý thì ngược lại, láu táu, hấp tấp, đi đến đâu là đổ bể đến đó. Nhìn Quý làm bể những cái tách sứ gia truyền mà ông Mạnh giận bầm gan tím ruột, và tự nhủ sẽ dứt khoát không trao gia nghiệp vào tay đứa con vô dụng này.

Biết cha không quý mình bằng Lý Trọng, Lý Quý vẫn vô tư. Trong khi Trọng chăm chú nhìn cha nhào đất sét, nắn bình, vẽ gốm thì Quý chạy như ngựa ngoài cánh đồng hoang cùng bầy dê của em. Lên bảy tuổi thì Lý Quý đen như một hòn than, đôi mắt sáng rất tinh nhanh và gương mặt em lúc nào cũng nở một nụ cười vô tư để lộ hàm răng trắng bóc. Còn Lý Trọng mới mười tuổi mà nét mặt đã đăm chiêu như ông cụ non, hai đầu gối chống tai, thường ngồi trên chòi lá nhìn ra sông mơ tưởng điều gì không rõ. Hai anh em chẳng bao giờ đi chơi cùng nhau, thế nên Quý thường bày trò chơi với muông thú quanh mình.

Đó là con Mực, con chó đã bước vào tuổi già nua và con Bạch, con mèo trắng lúc nào cũng lẽo đẽo theo chân Quý những buổi trưa đứng bóng. Theo lời kể của cha thì chính con Mực đã cứu Quý khi bọn cướp định bắt em đi. Giờ thì nó thường nằm ủ rũ trước cửa nhà, và chỉ ngóc đầu dậy tỏ vẻ vui mừng khi em đến gần vuốt ve nó và tặng nó một con chuột nướng thơm lừng. Còn con Bạch thì luôn theo sát, kể cho Quý nghe rành rọt những chuyện nó thấy quanh nhà, thậm chí là ở bìa rừng. Bề ngoài mọi người chỉ thấy vẻ trầm tư lười biếng và chỉ nghe thấy những tiếng ngoao ngao, gừ gừ của nó. Nhưng quả thật nó đang kể chuyện cho Quý nghe: “Hôm nay tôi phát hiện ra một ổ chuột đồng ngay gần vựa củi, nhưng chúng trốn sâu quá, tôi không bắt chúng được… Này, trên cây kia có một tổ chim đẹp lắm đấy nhá. Grừ … ước gì mà tôi bơi được qua sông nhỉ, tôi sẽ chẳng nằm gí một chỗ như lão Mực ấy…”

Quý hiểu hết tất cả những lời của Bạch. Chỉ có ông Mạnh và Lý Trọng thì cho là cậu lẩn thẩn khi suốt ngày nô đùa với chó mèo như thế.

Trong chuồng, đằng sau vựa củi, là con ngựa Ô. Chính Quý là người có trách nhiệm cắt cỏ và cho nó ăn. Mỗi buổi sáng Quý xuất hiện là con Ô lại vui vẻ hí lên một tiếng, rồi cúi xuống liếm mặt, liếm cổ em. Chiếc bờm như những ngọn cỏ lau mát rượi xoà cả vào đầu Quý. Em cười khanh khách và tung rơm lên như trong một điệu múa cổ xưa, con ngựa cũng nhảy cỡn lên phụ họa. Thỉnh thoảng, Quý còn được cha cho đi vào rừng đốn củi, để giúp ông xếp củi lên xe ngựa. Những lần như thế em cùng con Ô tha hồ đùa giỡn với nhau suốt một ngày dài.

Còn Trọng, tất nhiên vẫn suốt ngày tỉ mẩn trong xưởng gốm. Nhờ có Trọng mà ghe thương hồ lấy càng nhiều hàng hơn. Bình gốm Trọng làm ra đẹp và sang trọng hơn ông Mạnh làm rất nhiều, Trọng lại tưởng tượng được nhiều hoa văn đẹp, nhiều tranh tú nữ rất thướt tha để vẽ lên đồ men, sứ. Ông Mạnh nể Trọng bao nhiêu thì lại càng khắt khe với Quý bấy nhiêu. Ông cấm không cho Quý mở cửa lò cũng như chuyển đồ ra căn chòi lá, vì cho rằng thế nào em cũng làm đổ vỡ, hư hỏng.

Quý đã từng theo chân một anh thợ săn trèo lên núi Bửu Phong. Chính những bụi cây mọc trên vách đá dạy em vượt qua những rìa núi chật hẹp hiểm trở nhất. Bầy dê cũng luôn đua tài cùng Quý, chúng can đảm và liều lĩnh nhảy vọt qua những khe núi sắc nhọn và sâu hoắm. Những lúc ấy Quý có cảm giác em cũng là một chú dê dũng mãnh vậy. Bất chấp tiếng đồn về một con cọp ba móng độc ác lảng vảng trong vùng, Quý đã có nhiều cuộc du ngoạn và thám hiểm như thế.

Suốt một khoảng thời gian rất dài, sáng nào Quý cũng lên tận hưởng hương thơm và khí trời trên núi cao. Ánh sáng mặt trời đến vuốt ve đôi má trần trụi của em. Thần Đất, vị thần thân thiện luôn tỏ ra yêu quý chú bé can đảm, thần lắng nghe tiếng cười khúc khích của Quý. Em đang ngắm nhìn dòng sông toả rộng đến tận chân trời. Nơi trời nước giao nhau, những vòm mây rực rỡ cuồn cuộn bay như những con rồng trong cổ tích. Quý ước gì Trọng cũng lên được tới đây để nhìn thấy cảnh tượng này. Chắc chắn anh sẽ vẽ được nhiều thứ thật tuyệt vời. Một làn hương thanh khiết luôn ôm lấy bầu không gian bao la ở trên cao. Những con chim núi gọi Quý bằng tiếng hót lạ tai: “Quý ca, Quý ca[2]!” Sáng nào Quý cũng hít thở đầy lồng ngực hương thơm thanh khiết ấy của núi rừng, và đu qua những vách núi bằng những sợi dây rừng dẻo dai nhất trong tiếng ngợi khen của đàn chim và những chú vượn nhỏ.

Nhưng ẩn sâu trong hang núi, dưới những con đường ngoằn ngoèo sâu hút là nơi ở của nữ thần Bóng tối. Mụ đã trú ẩn ở đó hàng triệu triệu năm, lâu đến nỗi gương mặt và toàn bộ thân hình mụ trở nên đen đủi đến rợn người. Tất nhiên là mụ vô cùng căm ghét loài người và mụ thích bành trướng sự tăm tối lạnh giá của mụ đến tận cùng thế giới. Mụ có một phép thuật lớn lắm, lớn đến vô cùng, đó là có thể tàng hình đến bất kỳ nơi đâu không có ánh mặt trời chiếu đến. Con người bình thường nhìn thì chẳng thấy mụ đâu, nhưng cái bóng của mụ thì đã lướt tới, trùm phủ lên mọi vật. Mụ muốn bóng mụ vươn xa khắp thế gian này, để tiếng cú rúc, tiếng hổ gầm, tiếng con người kêu van hoảng sợ ru cho mụ ngủ yên giấc mãi mãi.

Mụ tiếp tay cho những tên cướp núi, làm cho những nạn nhân trượt chân, gãy tay và ngã lăn xuống những vách núi lởm chởm sâu hun hút. Thế là nữ thần Bóng tối cướp lấy trái tim của họ mang nhốt dưới hang sâu. Còn bọn cướp chia nhau ít của cải, lương thực của họ; chúng lủi vào hang núi, uống ruợu và khóc lóc một cách đầy thác loạn. Vậy là mụ khoái trá và yên ngủ suốt cả đêm dài.

Vì vậy, mụ thề không đội trời chung với những chú bé dũng cảm biết vượt qua cái bóng của mụ. Mụ ghét cay ghét đắng Lý Quý cùng với nụ cười tươi tắn và đàn dê vui nhộn của em. Đã bao nhiêu lần mụ vươn hai bàn tay đầy móng vuốt của mụ đến sát người Quý, định đẩy em rơi xuống hang sâu. Nhưng mụ đều thất bại vì ánh ban mai rực rỡ đã kịp chiếu đến nơi Quý đứng, hôn lên bàn chân em, tiếp cho em sức mạnh. Ánh nắng đã rọi vào đôi mắt đẹp của Quý, khiến nữ thần Bóng tối phải chùn bước. Mụ đành hậm hực chui vào hang tối, chờ đợi một cơ hội khác bằng tâm địa xấu xa càng lúc càng chất đầy ghen tức của mụ.

Chàng thợ gốm – Truyện thiếu nhi của Trần Thu Hằng, NXB Kim Đồng, 2005.

Thế rồi một lần mụ đã đẩy Lý Quý rơi vào một cái hang sâu nhất trong vương quốc bóng tối của mụ. Nhưng mụ không ngờ thần Đất đã dang rộng đôi tay của mình đón lấy em, và cho cây cỏ mọc lên vùn vụt làm một cái nôi đỡ lấy người em. Vì vậy mà Quý không hề hấn gì cả, em nhanh chóng tìm được đường lên núi. Nấp trong bóng tối, mụ gầm gào: “Tại sao, tại sao lại như thế? Nó là của ta. Trái tim non trẻ trong lồng ngực nó phải thuộc về ta. Nó đã rơi vào tay ta rồi!”.

– Không bao giờ, nữ thần Bóng tối! Mụ hãy đi đi.

Đó chính là tiếng nói êm dịu của các thiên thần Ban mai. Họ được thần Mặt trời phái đến để dẫn đường cho Lý Quý. Tuy họ nhỏ bé và trong suốt như những hạt sương nhưng tiếng nói của họ thật là du dương và mạnh mẽ.

– Đừng hòng ta bỏ đi. Ta không thể chịu thua nó. Từ nay, thằng ranh con này đừng hòng bén mảng đến đây nhé!

– Mụ đã lầm, mụ đã lầm – các nàng đồng thanh hát lên khiến nữ thần Bóng tối co rúm lại – Lý Quý đã đến và sẽ đẩy mụ đi thật xa khỏi thế giới loài người. Chàng sẽ lớn lên và sẽ đi khắp rơi. Rồi mụ sẽ phải lùi bước, lùi bước mãi cho đến khi mụ sẽ phải tan đi và biến mất…

Nữ thần hung hăng đáp: “Ta đã sống triệu triệu năm rồi, còn nó chỉ là một đứa ranh con…”

Các thiên thần Ánh sáng chẳng đếm xỉa gì đến mụ, và vẫn hân hoan tiếp tục bài hát tuyệt vời của mình:

– Hỡi những thế lực tăm tối và tuyệt vọng kia, các ngươi đừng hòng tiêu diệt được con người. Chàng có thiện tâm và chàng là con của thần Đất. Chàng sẽ đi băng qua mụ như những đường cày đi qua mặt đất. Chàng chẳng hề biết đến mụ cùng những lời nguyền rủa của mụ đâu. Chàng đã tha thứ cho mụ rồi đó, vậy thì mụ hãy biến nhanh đi để chúng ta tiếp tục tán dương và phụng sự cho con người…

Lý Quý đứng thẳng dậy trên hai chân trần và sung sướng hít thở làn hương tuyệt diệu. Nụ cười của em trở nên đẹp hơn bao giờ hết. Những thiên thần nắm tay nhau lướt trên mặt nước rộng mênh mông. Tuy không nhìn thấy được họ, nhưng em đã hiểu bài ca cùng những lời khích lệ chân thành ấy.

II.

Cứ mỗi tuần trăng, đúng vào ngày mùng năm, chiếc ghe của cha con ông Bảy thương hồ lại ghé đến căn chòi lá của gia đình ông Lý Mạnh, để mua những lọ gốm, bình gốm, nồi đất và đổi lấy các vật dụng, gạo mắm. Ông Bảy sống trên sông nước đã nhiều năm, cũng cảnh vợ mất sớm mà chỉ có mỗi mụn con gái. Cô bé tên Hồng, có hai chùm tóc dài rất dễ thương. Mỗi lần chiếc ghe của ông Bảy ghé lại, hai anh em Lý Trọng và Lý Quý chỉ thấy Hồng ngồi trong khoang, đôi mắt mở tròn nhìn quang cảnh chiếc chòi lá của ông Mạnh với đủ loại đồ gốm. Có khi Trọng giả vờ buông một câu hò học lỏm được từ những chiếc ghe xuôi ngược trên sông, thì Hồng vội quay đi với một nụ cười bẽn lẽn mơ hồ. Ông Bảy thường mang cho Lý Trọng những kiểu đồ dùng bằng đất ông mua được trên đô thành, và hỏi cậu có làm được không? Ông rất muốn Trọng làm thêm đồ tráng men, đồ sứ để mang đi bán ở nơi ấy. Nhưng Trọng tự lượng sức mình, ngắm nhìn mẫu vật mà không nói không rằng. Có khi ông Bảy lại mang đến cho cậu các hình vẽ mới đang thịnh hành, hoặc đồ dùng của người Trung Hoa. Bởi ông rất hy vọng vào tài năng của Trọng và đã ngỏ lời với ông Mạnh xin cho cậu lên đô thành học thêm về nghề gốm.

Sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông Mạnh cũng phải đồng ý, vì ông biết “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Vả lại, ông Bảy thương hồ là chỗ thân quen nhiều năm, đã hết lòng giúp đỡ cho cha con ông trong lúc hoạn nạn – khi các con ông còn nhỏ mà vợ ông đã qua đời, vì vậy ông không có lý do gì mà nghi ngại ý tốt của ông Bảy. Ông Mạnh chuẩn bị cho Trọng lên đường thật chu đáo, kỹ càng, vì cuối cùng, đời con ông sẽ khá hơn đời ông.

Trọng cũng dành nhiều thì giờ để tạm biệt mọi thành viên của gia đình. Thế nhưng cậu vừa ngồi xuống bên chó Mực thì chó Mực đã gừ gừ đứng dậy bỏ đi. Mèo Bạch mách với Quý: “Xem ra chú Trọng không thật lòng lên đó để học tập đâu. Thật đấy, anh Mực rất tinh đời, không qua mắt anh ấy được đâu”. Nhìn thấy Trọng quanh quẩn trước chuồng ngựa, mèo Bạch giả tảng nằm duỗi mình lim dim ngủ, nhưng quả thực đôi mắt vẫn mở hé để theo dõi Trọng. Nhưng Quý thì không tin chuyện ấy. Dù sao thì Trọng vẫn là người kế thừa nghề gốm của dòng họ Lý, còn Quý sẽ suốt đời kiếm củi, đốt lò, múc nước giúp anh mà thôi.

Nhưng đến đêm trước ngày Trọng ra đi, một sự thật được sáng tỏ. Trọng đã rủ Quý ra chòi lá bên sông để trò chuyện. Cậu nói rằng cậu ra đi để thử vận may, tìm cách đổi đời.

– Quý à, mày thử nghĩ xem, nếu tao với mày làm cái nghề gốm này suốt đời, thì thử hỏi có giàu sang lên được không? Tao chán làm anh thợ gốm lắm rồi.

– Nhưng anh Hai giỏi nghề nhất nhà, giỏi hơn cả cha. Em nghe cha dạy là “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”đó anh. Có gì đâu mà anh chán.

Trọng hừ hừ trong cổ họng, rồi nói nho nhỏ:

– Nhưng ở đô thành thì có bao nhiêu là người, có biết bao nhiêu là nghề hái ra tiền, làm quái gì phải tầm sư học đạo cho cực thân như vậy. Bộ mày không nghe những người khách thương hồ kể chuyện hay sao? Ở nơi ấy, chỉ cần một đêm thôi cũng đủ giàu sang cả đời rồi, chỉ cần mày may mắn và dám liều lĩnh. Chuyến này tao lên trên ấy, chẳng bao lâu nữa tao sẽ giàu có. Đến lúc ấy, tao sẽ mua hẳn một chiếc thuyền về đậu ở bến này cho cả vùng phải nể mặt Lý Trọng này.

Quý hỏi lại hết sức ngây thơ:

– Nhưng làm gì mà một đêm thôi đã giàu sang được rồi, hở anh Trọng?

– Xì… Mày thật là ngu dốt quá! Ở đô thành có những quán rượu, những sòng bạc mở cửa thâu đêm suốt sáng… Rồi lại có cả những tiệm vàng đi vào không biết đường ra. Ta sẽ đi học thợ kim hoàn, để làm những đồ trang sức sang trọng cho các bà nhà giàu. Hay là đi đánh bạc cũng không biết chừng…

Quý vội can ngăn anh:

– Anh đừng nghĩ như thế. Anh cứ lên đô thành vui chơi một chuyến cho thoả thích, rồi trở về đỡ đần cho cha. Không có anh, cha không sống nổi đâu. Em xin hứa sẽ làm tất cả mọi việc cực nhọc thay anh, em sẽ giặt giũ, nấu nướng cho anh, miễn là anh thấy vui mà làm việc thôi. Anh đừng bỏ nghề thợ gốm, tội nghiệp cha lắm.

– Thôi khỏi. Trọng nói cộc lốc – Chuyện này tao suy nghĩ lâu lắm rồi. Ngày mai tao đi rồi nên tao nói cho mày liệu trước. Từ lâu tao đã biết cái chốn khỉ ho cò gáy này không dành cho người tài giỏi như tao.

Nói rồi, Trọng bỏ vào nhà để ngủ. Còn một mình Quý ngồi giữa căn chòi lá, em nghe gió thổi ù ù bên tai mà không tin những điều Trọng nói là sự thật. Nếu anh Trọng bỏ đi thật thì Quý biết làm thế nào? Năm nay em đã mười lăm tuổi rồi, nhưng chưa bao giờ được ngồi vào cái bàn xoay gốm, chưa được chấm một nét vẽ nào lên mình gốm. Bởi vì cha không bao giờ cho Quý mó tay vào, sợ đổ bể, sợ xui xẻo. Thật em chẳng biết làm gì ngoài trò leo trèo và chạy nhảy với bầy dê.

Sáng hôm sau, ghe ông Bảy đến nhận hàng và đưa Trọng đi. Cậu ôm chầm lấy cha, hứa sẽ cố gắng học tập và sớm trở về. Nhưng trong khi hứa, mắt cậu cứ liếc nhìn Quý. Em đứng ở kè đá với bầy dê, lặng lẽ nhìn anh. Cô bé Hồng, con gái ông Bảy cũng lên hẳn trên bờ đứng cạnh cha, và chứng kiến phút giây tiễn biệt của hai cha con họ. Năm ấy cô bé đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp có khuôn mặt tròn vành vạnh như mặt trăng. Cô mỉm cười với Quý. Nụ cười đầu tiên của một người con gái dành cho Quý như thế nào nhỉ? Thật là dễ thương biết mấy, giống như một nụ hoa rừng mộc mạc và thơm ngát.

Khi Trọng đeo tay nải bước xuống ghe, cậu đã quay mặt ra sông, không nhìn cha, nhìn em và ngôi nhà nhỏ của mình nữa. Chỉ có Hồng giơ tay vẫy chào Quý, bàn tay rụt rè khiến Quý không bao giờ quên được. Ông Mạnh kêu to lên: “Con ơi! Trọng ơi!”Ông quá mủi lòng xúc động hay là ông quên chưa dặn dò một điều gì… Trọng quay lại nhìn cha, ông Mạnh giơ hai tay lên với với, và nói thật to: “Học xong mau trở về với cha nhé con!”Cậu ta gật đầu một cách miễn cưỡng, khiến Quý cảm thấy đau lòng. Em quyết định nói với cha sự thật.

– Mày nói láo! Ông Mạnh tát Quý thật đau. Ông còn đay nghiến: Tao không ngờ mày còn nhỏ như thế mà đã dám đặt điều nói bậy. Đúng ra tao không nên sinh ra mày.

Nói rồi ông hằm hằm bỏ về nhà.

 ***

Trọng đi rồi, một mình ông Mạnh lo làm hàng cho chuyến ghe sau. Quý phải một mình đi vào rừng đốn củi. Con ngựa Ô trở thành người bạn kề cận nhất của em, còn chó Mực và mèo Bạch luôn chờ em trở về để kể cho nghe những câu chuyện. Nào là cha em bồn chồn mong ngóng nhìn ra sông như thế nào. Nào là ông bực bội nhìn những cái bình không đẹp mắt. Quý biết cha đã lớn tuổi nên bàn tay run, khó mà làm theo những đồ dùng ở thị thành theo mẫu của Trọng để lại. Nhưng tất nhiên là Quý chẳng dám nói gì hết. Không phải em sợ cha nổi cơn thịnh nộ, mà em không muốn cha cảm thấy đau lòng hơn thôi.

Rồi ngày mùng năm lại đến. Ông Mạnh dậy rất sớm và ra căn chòi lá mong ngóng. Ông chờ ghe của ông Bảy đến để cho ông biết tin tức của Trọng. Nhưng suốt ngày hôm ấy chẳng có chiếc ghe nào đi qua. Ngày hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng vậy. Ông Mạnh tự nhủ: “Chắc là nó ham học quá thôi mà. Trò giỏi gặp được thầy hay, chắc chắn nó sẽ thành tài. Với lại trước sau gì ông Bảy cũng phải đến lấy hàng và mang gạo mắm đến cho nhà mình”. Những ngày ấy ông ngủ không yên giấc, lúc lúc lại trở mình và nói nhảm điều gì đó, khiến Quý nằm gần đó cũng bị giật mình.

Cuối cùng thì ghe ông Bảy cũng đến. Nhưng ông chỉ có một mình và dáng điệu của ông ủ rũ trông thật đáng sợ.

Ông cho ông Mạnh biết rằng Trọng đã chẳng học hành gì cả. Cậu ta đã trốn đi, dẫn theo cả Hồng, con gái ông. Bao nhiêu tiền ông dành dụm được, họ đều mang đi cả. Cả tháng nay ông tìm kiếm nhưng chẳng thể nào tìm ra tung tích của họ.

– Ông nói bậy – Ông Mạnh tức tối đáp lại. Con trai tôi không bao giờ lại tham lam ích kỷ như vậy. Có lẽ chính con gái ông dụ dỗ nó, làm hỏng sự nghiệp của nó.

Vừa nhìn thấy chiếc ghe quen thuộc xuôi dòng, Quý liền từ trên núi chạy như bay trở về. Em thấy ông Bảy ngồi bệt xuống đất, khuôn mặt hốc hác tiều tụy, râu tóc, lông mày trở nên bạc trắng như cước. Còn cha em lẩm bẩm: “Không đời nào, chắc con tôi bỏ ghe lên bờ cho tiện việc học thôi. Không đời nào nó lại nông nổi đến như thế. Từ bé nó đã là đứa khôn ngoan và tài giỏi rồi, không đời nào lại có chuyện ấy”.

Ông Bảy nói nhỏ:

– Ông đừng nghĩ như thế nữa. Phải biết rằng nó không còn là con ông nữa, cũng như bé Hồng đã từ bỏ cha đẻ của nó, là thằng Bảy thương hồ nghèo kiết xác, suốt đời chỉ biết ngược xuôi sông nước, đổi hũ gạo, con mắm mà nuôi nó lớn lên. Bây giờ thì đừng hy vọng hão huyền nữa, chúng nó đã đi đường chúng nó, còn thân già chúng ta phải làm lại từ đầu thôi ông ạ.

– Không, không đời nào… Ông Mạnh khăng khăng đáp lại – Nó sẽ học thành tài và sẽ trở về đây mở một lò gốm nổi tiếng nhất xứ này. Đến lúc ấy, ông đừng có vác mặt đến đây nữa. Thôi ông đi đi, chẳng cần ông nữa. Tự tôi xoay sở cái ăn cái mặc cũng được rồi.

Nói xong, ông Mạnh bỏ vào nhà. Quý ngần ngừ một lúc rồi bước đến gần ông Bảy, em thấy ông đang ôm mặt khóc. Nghe tiếng chân, ông ngẩng nhìn lên:

– Cậu là ai?

– Dạ, con tên Quý. Con là em anh Trọng.

– Thảo nào… Ông Bảy thở dài – Sao tôi chưa thấy mặt cậu bao giờ?

– Dạ, con đi chăn dê.

Ông Bảy gật đầu, rồi lại vò vò mái tóc thở dài.

– Thôi, tôi đi đây. Cậu ở lại mạnh giỏi, cố chăm lo cho ông già của cậu nghe. Đừng bắt chước thằng Trọng, rồi sẽ chẳng nên người đâu.

Nói rồi, ông sải chân bước xuống ghe, đẩy mái chèo đi một cách mạnh bạo. Quý đứng im nhìn dáng người ông còng còng cúi xuống bên mái chèo, không còn bé Hồng ngồi giữa khoang giơ tay vẫy chào cậu nữa. Ghe ra đến giữa dòng, Quý thấy ông Bảy buông mái chèo, lặng lẽ gieo mình xuống sông.

– Ôi, ông Bảy! Ông Bảy ơi!

Quý kêu lên, nhưng ông Bảy không hề ngoi đầu lên mặt nước. Hoảng hồn, em gọi cha:

– Cha ơi! Cứu, cứu ! Ông Bảy nhảy xuống sông rồi!

Quý vội nhảy xuống nước, bơi ra chỗ chiếc ghe đang lững lờ trôi trên sông. Tuy biết bơi từ nhỏ, nhưng em không được thành thạo lắm, nhất là phải mò tìm để cứu người. Vừa ngụp lặn trong dòng nước mạnh, em vừa khấn thầm: “Lạy trời cho con cứu được ông Bảy. Tội nghiệp ông ấy lắm!” Em cố sức gọi cha, nhưng chẳng thấy ông đâu.

Sau một hồi mò tìm gần như kiệt sức, cuối cùng em cũng ôm được ông Bảy đã bất tỉnh. Mừng quýnh, em ngoi lên mặt nước:

– Cha ơi! Giúp con với! Giúp con với!

Hai tai Quý đã ù đi, đôi mắt hoa lên và ngực em đau tức, không sao thở được. Lúc này, nếu em buông ông Bảy ra thì em vẫn bơi vào bờ được. Nhưng em đã phải cố sức mò tìm ông, lẽ nào em lại để ông chết đuối.

– Cha ơi! – Quý thều thào gọi, lồng ngực em gần như vỡ ra giữa mặt sông rộng mênh mông. Hai người đã trôi xa bờ lắm rồi, làm sao quay trở vào nếu không có sự trợ giúp.

Chợt em nghe tiếng hý vang. Ngựa Ô đang chạy trên bờ đá cao, hướng theo cậu. Một lát sau, có tiếng hú gọi của ông Mạnh:

– Quý ơi! Quý ơi! Con ở đâu?

– Con ở đây này cha ơi! -Quý giơ cao cánh tay còn lại vẫy cha.

Từ trên cao nhìn xuống dòng sông, em chỉ còn là một chấm nhỏ xíu giống như cây lục bình nhỏ nhoi. Ông Mạnh tuyệt vọng kêu trời, không biết phải cứu con như thế nào. Xung quanh chẳng còn nhà cửa, chẳng có một ai giúp đỡ ông.

Ngựa Ô chạy vụt qua. Chó Mực cũng chạy vụt theo – lúc này nó trở nên khoẻ mạnh phi thường. Ngựa Ô cõng chó Mực bơi ra sông. Đến chỗ nước xiết, chó Mực chồm lên mang theo sợi dây cương ngựa bơi ra chỗ Quý. Cảm nhận được hơi thở quen thuộc của con chó già thân yêu, Quý như được tiếp thêm sức mạnh, em nắm chặt lấy sợi dây để ngựa Ô kéo em và ông Bảy vào bờ.

Vừa lúc ấy thì ông Mạnh cũng bơi ra, giúp Quý đưa ông Bảy trở lên chòi lá. Khi ông Bảy tỉnh lại, ông Mạnh đã nắm bàn tay người bạn già để xin lỗi, ông nói với ông Bảy: “Anh là con người của sông nước mà lại muốn chết trong dòng nước sao anh? Ơn trời run rủi cho cha con tôi cứu được anh. Nếu anh có bề nào thì tôi ân hận suốt đời”. Ông Bảy mỉm cười đau khổ:

– Tôi chẳng trách cứ gì ông, chỉ buồn vì lòng người không sao lường được. Giặc giã tôi không sợ, cướp bóc tôi không sợ, nghèo khó đói rét tôi cũng không sợ. Nhưng tôi chỉ sợ tuổi già phải chịu cô đơn oan ức không ai biết đến. Tôi cảm tạ ơn cha con anh cứu mạng, tôi đi đây.

Nói rồi, ông Bảy gượng dậy, lê bước xuống bến sông. Nhưng chiếc ghe của ông không còn nữa.

III.

Ông Bảy ở lại nhà ông Mạnh hơn một tuần trăng để đóng một chiếc ghe khác. Ông Mạnh cố giữ chân thế nào cũng không được. Trước khi ra đi, ông Bảy nói với bạn một cách chân tình:

– Thôi, chuyện cũ bỏ qua. Cuộc đời của tôi gắn liền với sông nước, tôi không thể bỏ được. Còn gia đình anh nhiều đời làm nghề gốm, không vì việc thằng Trọng bỏ đi mà dẹp lò chịu đói. Để tôi đi tìm kế sinh nhai, nhân tiện tôi đi tìm con Hồng và thằng Trọng. Tôi tin là thế nào cũng tìm được chúng và khuyên chúng trở về.

Khi đã nhổ sào, ông Bảy còn ngoái lại nói thật to:

– Cứ làm nồi đi nhé! Tháng sau tôi quay lại đó.

Quý cùng bầy dê của em chạy xuống tận bờ nước để vẫy tay từ biệt ông Bảy. Người bạn già đi rồi, ông Mạnh trở nên suy sụp tinh thần, suốt ngày ông ngồi ở căn chòi lá ngóng ra sông, cơm không buồn ăn, đêm xuống ông cũng không buồn vào nhà để ngủ. Thế là Quý đành bỏ bê bầy dê của em, tìm cách giúp cha nguôi lòng. Nhưng em vốn vụng về, chỉ biết làm lụng và vui đùa với muông thú, nên chỉ khiến cho cha bực mình thêm. Suốt ngày em chỉ biết quanh quẩn gần chòi lá, không dám nói ra suy nghĩ từ đáy lòng mình. Mà thực ra, em cũng không biết phải mở miệng như thế nào nữa. Sống giữa khung cảnh rộng lớn đầy chim chóc muông thú, lâu lâu mới gặp một bóng người, Quý đã chẳng học được gì nhiều ngoài kinh nghiệm đi rừng, đốn củi. Rồi đến một ngày kia, cha em ngã bệnh thực sự. Người ông mềm nhũn, bộ ngực xẹp lép, còn hơi thở thì yếu hẳn đi. Quý lo sợ quýnh quáng, em van vỉ cha:

– Cha ơi! Cha đừng như thế, cha đừng bỏ con, cha ơi!

Lay gọi mãi mà ông Mạnh vẫn không hồi tỉnh. Quý sợ quá, em chạy ra trước cửa nhà, quỳ xuống khẩn cầu:

– Xin ông trời cho cha con sống lại. Chỉ cần cha con mạnh khoẻ, thì việc gì con cũng làm.

Ánh sáng chiếu vào đôi mắt đẹp của Quý những tia sáng cuối cùng. Gió từ sông thổi vào lồng lộng. Từ cõi âm u, nữ thần Bóng tối đang chuẩn bị một bữa tiệc linh đình, mừng có một con người sắp trút hơi thở tuyệt vọng vào tay mụ. Tiếng cười the thé của mụ vang đến tai Quý, y như lần em sảy chân rơi xuống khe núi đá.

Quá đau buồn, em quay lại chỗ cha nằm, ngã vật ra. Nhưng tinh thần của em vẫn không hề khuất phục. Trong cơn mê sảng, Quý thấy bóng cha gượng dậy, cầm con dao xắn lấy một tảng đất sét và trao cho em. Thế là Quý bừng tỉnh. Cha em vẫn nằm đó, thoi thóp trong tuyệt vọng. Nhưng em đã biết em phải làm gì để giúp cha.

Quý cố hết sức để điều khiển tảng đất sét. Em bắt chước dáng người của cha trong khi làm việc, và thầm mong mình sẽ xoay được một bình gốm vừa ý cha. Đất trong tay em mềm mịn lạ thường, như thể hai người bạn thân thiết từ lâu lắm rồi. Lần đầu tiên ngồi vào bàn xoay gốm, Quý cảm thấy công việc không khó khăn như em nghĩ.

Bóng chiều chạng vạng, ấy là dấu hiệu nữ thần Bóng tối đang rình rập nơi ngưỡng cửa ngôi nhà người thợ gốm. Quý hối hả nhào, nặn, cố tạo ra được một chiếc bình. Nhưng cái vật em làm chỉ cao gần một gang tay là đổ ụp xuống, vỡ nát ra. Không, không được nản lòng, em phải làm lại. Trống ngực em đổ liên hồi như thể chính em bị rơi xuống cái bàn gốm lì lợm này vậy.

Không thể cố sức thêm được nữa, Quý đành bê chiếc bình xấu xí lên nhà và lay gọi cha, “Cha ơi! Con vừa làm được đây này! Cha xem có được không?”

Ông Mạnh đang nằm thiêm thiếp, chợt bừng mở mắt “Trọng, con đó phải không? Cha mong chờ con mãi…”

Nghe giọng nói thều thào tội nghiệp của cha, Quý đành nhận bừa: “Dạ, con đây thưa cha…”Em dìu cha ngồi dậy, còn em cố tình đứng sau lưng cha.

– Trời! Cha nhớ con quá chừng! Ông Lý Mạnh bắt đầu nói – Con không có ở nhà, cha cũng không làm được việc gì cả. Còn thằng Quý em con nó mới tệ làm sao! Nó chẳng biết làm cái gì cả, còn dám bịa đặt rằng con đi luôn, không trở về nữa…

– Dạ… Quý sợ hãi vì thấy cha đã trở nên lú lẫn.

– Trọng con! Con nhớ cha lắm phải không? Con học hành xong chưa mà đã về đây rồi? Tiền lưng vốn cha đưa có đủ không con?

– Dạ… Quý lại dạ, và không biết phải trả lời thế nào. Nhưng hình như ông Mạnh chỉ cần hỏi cho yên lòng, chứ không cần nghe câu trả lời. Giọng nói của ông đã trở nên trong hơn, hơi thở cũng mạnh lên thấy rõ…

– Đâu rồi, con mới làm xong thứ gì vậy, cho cha xem…?

Ông Mạnh trở nên tỉnh táo và háo hức kỳ lạ, như thể cơn bệnh biến khỏi người ông lúc nào không biết. Nhưng khi ông cúi xuống nhìn thì, hỡi ơi, một cục đất rỗng và méo mó đang nằm co rúm giống y như Quý đang giấu mình trong bóng tối vậy.

– Quý, mày dám nói láo với cha hả?

Ông quát với vẻ tức giận tột cùng. Quý vội quỳ xuống:

– Thưa cha! Con không dám gạt cha đâu. Nhưng con muốn làm được những chiếc bình thật đẹp giống như anh Trọng đã làm, để cha được vui lòng. Cha sống khoẻ mạnh với con. Con học được mà cha, cực khổ mấy con cũng học mà cha.

– Thôi đi. Ông Mạnh giơ chân đá cái vật Quý mới làm xong, rồi nói nhỏ – Dẹp cái trò này đi. Mày không làm nổi cái gì đâu, dạy cho mày vô ích.

Nói rồi, ông lại nằm dài xuống chiếc giường tre. Quý vội vàng thu dọn xung quanh, rồi bắt tay vào làm một chiếc bình gốm mới. Em tìm cách thay đổi đủ các cách, cốt sao cho chiếc bình đừng bị đổ xuống. Cuối cùng, em cũng làm được việc đó.

Sau khi Quý bưng “sản phẩm”của mình lên, cha em đã không thèm đưa mắt xem thử, mà thẳng cánh phang cho nó vỡ nát ra trước đôi mắt sợ hãi của Quý. Và liên tiếp trong nhiều ngày liền, ông Mạnh đập vỡ hết tất cả những đồ vật mà Quý làm ra. Song hình như việc làm này khiến ông nguôi ngoai đôi chút, sức sống lại trở về mỗi lúc ông thấy đứa con trai nhỏ xuất hiện với vẻ mặt sợ sệt và chiếc bình đất méo mó trên tay.

Quý không dám kêu ca nửa lời, vì em biết là em làm chưa nên, còn cha cũng chẳng có chút tin tưởng nào đối với em cả. Bàn tay của em sao cũng vụng về giống hệt suy nghĩ của em vậy. Trong thâm tâm, Quý rất mong anh Trọng đột nhiên trở về.

Một ngày kia, Quý đã ngủ thiếp đi ngay bên cạnh bàn xoay gốm, vì suốt đêm phải hì hục với những tảng đất sét bướng bỉnh. Khi tỉnh dậy, em nhìn thấy một chiếc bình thật đẹp, còn tươi rói màu đất ướt đang đứng trên bàn xoay. Kêu lên một tiếng mừng rỡ, em định bưng nó lên cho cha xem. Nhất định cha sẽ hài lòng vì chiếc bình tròn trịa, cân đối chẳng khác nào nó đã được bàn tay người thợ gốm lành nghề làm ra. Nhưng chợt nghĩ lại, em không dám mang lên trình cha nữa.

– Mình không thể nắn được chiếc bình đẹp như thế này. Bàn tay mình, mình biết mà…

Quý ngần ngừ mãi. Nếu em mang khoe chiếc bình này, biết đâu cha sẽ lành bệnh. Nhưng sau đó thì thế nào, liệu em có làm nổi chiếc bình thứ hai giống như thế này không?

Em quay đầu nhìn ra ngoài. Chó Mực đang nằm ngoài vựa củi, có vẻ chẳng để ý gì đến Quý. Mèo Bạch thì hấp háy con mắt nhìn em với vẻ khích lệ. Quý lần mò nắn một chiếc bình đất khác, nhưng em hoàn toàn thất bại.

– Lẽ nào đây chỉ là một trò đùa?

Trong lúc đầu óc rối bời, em chợt nghĩ ra một việc. Em quyết định ra chuồng ngựa, ôm lấy cổ con ngựa Ô dũng cảm và thì thầm nói với nó:

– Ngựa Ô này, bạn có biết đường lên đô thành không? Có lẽ chúng ta phải lên đó một chuyến để đi tìm anh Trọng. Chỉ có cách ấy mới giúp cha tôi khoẻ lại mà thôi.

Ngựa Ô cọ cọ chiếc bờm vào cổ Quý, ra chiều đồng ý. Thế là Quý vào buồng xin phép dìu cha đứng dậy.

– Cái thằng khốn này, mày muốn làm gì tao vậy?

– Dạ, thưa cha. Con đưa cha đi tìm anh Trọng. Con đã lót một cái khăn lên lưng con Ô cho cha ngồi. Xin cha cố chịu đựng…

– Sao hả? Tại sao mày không làm bình gốm. Chẳng lẽ cái lò gốm này đóng cửa hay sao?

Quý nhẫn nhục thưa với cha:

– Dạ, sau khi tìm được anh Trọng, con sẽ học. Cực khổ mấy con cũng sẽ học. Nhưng bây giờ cha đang bệnh nặng, cha nhớ thương anh Trọng. Con sợ cha không chờ đợi được…

– Thằng quỷ! Mày muốn tao chết hay sao? – Ông Mạnh gắt lên, nhưng giọng lại dịu hẳn đi.

– Dạ thưa không, con nào dám nghĩ như vậy. Nhưng gia đình ta mấy đời sống bằng nghề gốm, mà con lại bất tài vô dụng. Chỉ có anh Trọng…

– Đừng nhắc đến thằng Trọng nữa – Ông Mạnh nói nhỏ nhưng đau đớn và buồn bực – Nó đã bỏ nghề của cha ông, bỏ nhà bỏ cửa, mày cũng đành đoạn bỏ luôn sao?

Mấy lời nói như một tia sáng chói loà chiếu thẳng vào đầu Quý. Em chợt tỉnh ngộ, liền quỳ xuống xin lỗi cha.

– Thưa cha, con đã hiểu rồi. Dứt khoát con sẽ không được bỏ nghề gốm, cũng không đưa cha đi đâu cả. Xin cha nằm xuống nghỉ ngơi, con đi nấu cháo cho cha ăn rồi lập tức đi làm việc ngay.

TRẦN THU HẰNG

(Còn tiếp)

_______________

[1] Tức sông Đồng Nai.

[2] Nghĩa là: “Anh Quý! Anh Quý!”

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *