Vanvn- 350.000 tỷ đồng là số tiền Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch dự kiến đề xuất để thực thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.
Số tiền này không phải là nhiều mà là… rất lớn. Thử so sánh với con số tổng thu ngân sách của cả nước năm 2022, khoảng 1.800 nghìn tỷ đồng, sẽ hình dung ra mức độ lớn. Song, vấn đề không nằm ở số tiền mà là cách tiêu tiền, tính khả thi và hiệu quả của nó.
Theo đề xuất của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Chương trình sẽ hướng tới nhiều mục tiêu cụ thể, trong đó có việc đảm bảo đến năm 2030 có 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa như trung tâm văn hóa nghệ thuật, bảo tàng, thư viện. Cấp huyện và cấp xã có trung tâm văn hóa thể thao; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thụ hưởng, tham gia các hoạt động văn hóa…
Hình thành các thiết chế văn hóa là điều cần thiết và từ bao lâu nay đã có rất nhiều nhà hát, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa… từ cấp Trung ương đến địa phương, được xây dựng trên cả nước. Tuy nhiên, không ít công trình không phát huy hiệu quả, được sử dụng sai mục đích, thậm chí bị bỏ hoang vì không có người cũng như kinh phí hoạt động, quản lý nên nhanh chóng xuống cấp.
Cách đây chưa lâu, để đảm bảo tiêu chí nông thôn mới, các địa phương đã “cố sống cố chết”, kể cả vay nóng, để xây dựng bằng được nhà văn hóa tại các làng xã. Xây xong, nhiều nơi phải đóng cửa, bỏ hoang cũng vì lý do không người và kinh phí hoạt động. Đó là bài học nhãn tiền cho việc chạy theo phong trào. Trong tình cảnh đó, nếu tiếp tục nhồi thêm các thiết chế văn hóa tương tự, liệu có ích gì ngoài sự lãng phí tiền của, đất đai?
Điều quan trọng hơn cả mà mọi người dân đều mong muốn là hồi sinh những thiết chế văn hóa đã có, biến chúng thành thực thể sống, có ý nghĩa và giá trị chứ không phải tiếp tục đẻ ra những thứ tương tự để rồi tiếp tục rơi vào trạng thái tê liệt và trở thành những cái xác không hồn.
Chương trình mục tiêu quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất gồm 10 nội dung thành phần; trong đó nhiều nội dung hướng đến phát triển “phần mềm” của con người như xây dựng hệ giá trị đạo đức, chuẩn mực con người thời kỳ mới; thúc đẩy quyền, nghĩa vụ, văn hóa sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh,…
Thực ra, các chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức của con người được xây dựng, trao truyền từ đời này qua đời khác chứ không chỉ ngày một ngày hai, đồng thời được hình thành từ quá trình giáo dục và “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Một trong những cách giáo dục để hình thành các giá trị đạo đức tốt nhất và hiệu quả nhất là sự làm gương của người lớn với con trẻ, của người đi trước đối với người đi sau và của kẻ trên đối với người dưới. Chỉ cần làm tốt điều đó từ trong mỗi gia đình đến trường học, cơ quan… thì chuẩn mực và hệ giá trị đạo đức xã hội sẽ hình thành.
Ngoài ra, nhiều nội dung liên quan, như quyền và nghĩa vụ của công dân cũng đã được luật pháp quy định rõ, chỉ cần hệ thống quản lý xã hội thực hiện nghiêm túc là có thể hình thành được các giá trị văn hóa, đạo đức. Điều đó cũng có nghĩa, không phải tiêu tốn thêm đồng tiền nào cho việc này.
Chấn hưng văn hóa trước là bằng từng hành động nhỏ nhưng rất cụ thể và thiết thực, chứ không phải chỉ bằng những dự án hay chương trình nghìn tỉ, rầm rộ.
ĐẠI DƯƠNG/ TPO