Chấm đỏ ở vùng xanh

Vanvn- Chưa cần sáng tạo chính sách, Hà Nội hoàn toàn có thể áp dụng cách làm của TP HCM. “Không phân biệt thường trú, tạm trú, không cần xác nhận, người ta đi bán dạo khắp nơi, chỉ cần xác minh rằng họ đúng là bán dạo là được hỗ trợ”…

Những cơn đói cồn cào khiến thanh niên 35 tuổi tuần trước phải sang hàng xóm xin gạo thổi cơm ăn với bột canh.

Hoàng Tá, quê Nghệ An, đang trọ trong một con ngõ sâu thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trong những ngày Tá nằm co ở nhà trọ tồi tàn chờ được giúp, tôi tình cờ tìm ra cậu.

Tôi vào trang yêu cầu trợ giúp khẩn cấp, nhấn vào các chấm đỏ để xem người cần giúp đỡ quanh tôi. “Hoàng Tá, quê Nghệ An, dịch bệnh thất nghiệp, không thể về quê, cần hỗ trợ chút lương thực để sống”, dòng chữ khiến tôi chú ý.

Nhìn tên và ảnh đại diện rất quen, tôi chat với người này và nhận ra Tá – nhân vật mình đã phỏng vấn trong chuyến đi công tác ở huyện Yên Thành, Nghệ An cách đây mấy năm.

Lúc đó, hầu hết thanh niên trong làng như Tá đều bỏ quê đi làm ăn xa vì không đủ sống. Tá đã chuẩn bị khăn gói vào miền Nam làm công nhân, hồ hởi nói với tôi: “Vào đó làm công nhân, mỗi tháng cũng được trên năm triệu chứ ở quê làm ruộng cơ cực quá. Có đi khỏi làng, em mới đổi đời”.

Gần năm năm từ ngày đó, khát vọng “đổi đời” đã không diễn ra.

Qua điện thoại, Tá kể cho tôi nghe về hành trình làm thuê của mình. Vào TP HCM làm công nhân trong nhà máy chế biến gỗ được sáu tháng, cậu bị tai nạn lao động gãy chân phải nghỉ. Điều trị nửa năm, chân vẫn đau và đi “chấm phẩy”, Tá gượng dậy đi làm thợ xây. Công việc cực nhọc, thu nhập thấp, Tá cố được một thời gian rồi ra Hà Nội làm trong xưởng cưa của người cùng làng.

Mấy tháng sau, trong một cơn buồn ngủ, Tá bị lưỡi cưa cắt gần lìa cánh tay. Cũng may bác sĩ kịp thời nối được, nhưng những sợi gân đã đứt rời khiến cánh tay Tá không còn làm được việc nặng.

Ông chủ trợ cấp cho Tá hai tháng tiền nhà, cậu bắt đầu tự kiếm sống khi một chân đã què, một tay gần liệt. Đúng lúc ấy, Hà Nội thực hiện “ai ở đâu ở đấy”, nhưng Tá không thể ở yên trong nhà trọ vì đói. Xin mãi thức ăn hàng xóm cũng ngại, cậu lên mạng kêu cứu.

Tôi mang ít thực phẩm đến, Tá khóc khi nhận ra tôi: “Em rất xấu hổ khi đang tuổi này mà đi xin đồ ăn. Nhưng nếu không thì em chết đói mất, em cũng không thể về quê lúc này”.

Đầu ngõ khu trọ của Tá treo biển “vùng xanh”. Nhưng trong vùng an toàn đó có nhiều chấm đỏ. Xung quanh Tá là anh xe ôm, chị bán trà đá, trẻ đánh giày, ông già bán vé số – tất cả đều mất việc vì giãn cách xã hội và trở thành những chấm đỏ đang chờ trợ giúp để tồn tại.

Tá khó mà nằm yên trong phòng trọ khi cái bụng sôi réo, như nhiều người cùng cảnh, dù biết rằng hành trình này rất khó khăn, họ có thể nhiễm Covid-19 và lây lan cho người khác. Làm sao khi gạo tiền đã cạn, sinh kế đã mất, không bảo hiểm y tế, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm thất nghiệp. Tá thậm chí không tồn tại trong hệ thống quản lý hộ khẩu vì cậu thuê trọ đúng vùng sắp giải tỏa nên không được đăng ký tạm trú, tạm vắng, vì thế không được tiêm vaccine phòng Covid-19 và không được cấp giấy đi đường.

Hà Nội đang triển khai Nghị quyết 68 của Chính phủ với gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ cho lao động tự do bị mất việc. Mặc dù thành phố đã tháo gỡ quy định lao động tự do không phải về quê xin xác nhận hỗ trợ, nhưng Tá vẫn không thể nhận 1,5 triệu đồng của chính quyền vì không có đăng ký tạm trú.

Ngoài gói trên, Hà Nội dành 345 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc 10 nhóm đặc thù: hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng, lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập… Tá cũng không ở trong nhóm đó, vẫn vì lý do thiếu tạm trú, “bọn em ở ngoài vùng phủ sóng anh ạ”.

“Tiền phải đến đúng người”, ông Nguyễn Hồng Dân, một quan chức Sở Lao động Thương binh xã hội giải thích về thủ tục phát gói cứu trợ của Hà Nội. Tại Quốc hội, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết gói cứu trợ 26.000 tỷ “đã được giảm 2/3 thủ tục”. Quãng đường 1/3 thủ tục còn lại với những lao động mất việc giữa Thủ đô như Tá, lại hoàn toàn bất khả.

Hoạt động từ thiện ở Hà Nội không rầm rộ như phía Nam, song không có nghĩa số người bị đứt bữa vì giãn cách ở đây là ít dù không có thống kê đầy đủ. “Không có tạm trú coi như không cư trú hợp pháp, không thể nào cho vào danh sách nhận cứu trợ”, một cán bộ phường nói với tôi.

Theo quy định, chủ nhà trọ, chủ thầu thuê thợ hồ phải đăng ký tạm trú cho người thuê nhà, lao động tự do, nhưng họ thường ngại mà bỏ qua thủ tục này. Những người thuê trọ không có đăng ký tạm trú là hiện tượng rất phổ biến, nếu không nói chiếm đa số trong lao động tự do, theo khảo sát của chúng tôi khi tìm hiểu về nhóm người khó khăn do đại dịch. Những người này đang bị gạt ra khỏi lưới an sinh của Hà Nội.

Chưa cần sáng tạo chính sách, Hà Nội hoàn toàn có thể áp dụng cách làm của TP HCM. “Không phân biệt thường trú, tạm trú, không cần xác nhận, người ta đi bán dạo khắp nơi, chỉ cần xác minh rằng họ đúng là bán dạo là được hỗ trợ”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, phường 15, Quận Gò Vấp cho biết. Người khó khăn chỉ cần liên hệ tổ trưởng dân phố, cung cấp chứng minh thư kèm đăng ký tạm trú (nếu có), tổ trưởng lập danh sách, chuyển cho cảnh sát khu vực xác nhận rồi chuyển phường xét duyệt. Và nếu đến những xóm trọ như nơi Tá ở, các cán bộ thực thi chính sách sẽ thấy không quá khó để “tiền đến đúng người”.

Trở nên vô hình với lưới an sinh và những gói cứu trợ được rót xuống qua nhiều tầng bậc thủ tục, những người như Tá đang thiếu bệ đỡ và bị tổn thương sâu sắc bởi cảm giác bị chối từ.

Vùng xanh nơi Hoàng Tá trọ có nguy cơ biến thành vùng đỏ khi một chị đồng nát ra ngoài cố nhặt ít phế liệu để bán, khi trở về có dấu hiệu nhiễm Covid-19. Cả xóm trọ nháo nhác, có thể phải đi cách ly.

Tá bảo với tôi, đi cách ly có khi lại tốt vì không phải lo cái ăn, không phải trả tiền nhà trọ, và ít ra thấy mình được quan tâm.

PHÙNG NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *