Vanvn – “Tự nhiên tối qua tao mơ thấy thằng Sáu. Hết giãn cách sao chưa thấy nó về?” – ngoại nhìn ra con đường bên kia con kênh, lẩm bẩm.
>> Thể lệ Cuộc thi viết “Về nhà”

Mẹ tôi nghe thấy thế bèn tìm cách tránh đi, nói: “Anh Sáu phải chạy thận hàng tháng mà. Khi nào khỏe ảnh lại về thăm mình má à!”
Nghe mẹ tôi nói, ngoại tin. Ngày nào mà ngoại chẳng mong ngóng con cháu ở trên thành phố về. Cái lứa trẻ trẻ đi xa hết, nhà chỉ còn lại mấy cô cậu dì cũng đã hơn sáu mươi tuổi. Hết giãn cách ai cũng đi làm lại. Mà về thì sợ lỡ mắc Covid hồi nào không biết lại lây bệnh cho người nhà. Ở quê tình hình dịch bệnh vẫn còn căng thẳng lắm. Vắng tiếng cười đùa, căn nhà trống trải và buồn hơn.
“Cậu Sáu con mất rồi, nhưng chưa nói với ngoại…”
Đó là câu nói cách đây năm tháng trước khi cậu Sáu tôi mất đột ngột vì nhiễm Covid khi cậu đang nằm trong bệnh viện chạy thận. Chỉ sau vài ngày cậu tôi về thăm ngoại lần cuối cùng.
“Con hứa mai mốt lại vô thăm má. Con ở luôn với má, má chịu không?”
Đó cũng là lời hứa sau cùng của cậu Sáu tôi. Khi cậu mất rồi, ngoại không hay biết. Cả nhà không dám nói ngoại hay vì ngoại đã chín mươi tuổi rồi. Ngoại thương cậu lắm. Ngày nào bà cũng đi đi lại lại quanh sân, ngóng nhìn ra phía đường lớn trông theo những bóng xe xa lạ. Mắt ngoại đã mờ, tai ngoại không nghe rõ nữa, phải nói thật lớn ngoại mới nghe thấy. Vậy mà từng đứa con cháu và kỷ niệm riêng về họ, ngoại nhớ không sót một chút gì…
Cậu Sáu là con của bà Út, em ruột của ngoại tôi. Nhưng ngoại tôi xem cậu như con ruột. Những năm còn cơ chế bao cấp, nhà rất nghèo, cậu tới ở suốt nhiều năm liền trong nhà ngoại. Ngoại kể ngày xưa cậu ngoan lắm, lại hiểu chuyện. Còn nhỏ mà cậu biết phụ ngoại tôi ra đồng bắt cua bắt cá cải thiện bữa cơm, biết chăm sóc mấy cậu dì tôi, cậu còn hay lén phụ ngoại tự đi chặt chuối về xắt nhuyễn cho gà vịt ăn. Cậu nói: “Ba (ông ngoại tôi) mất rồi, con phụ má nuôi mấy em”.
Có một lần cậu tôi đốn cây chuối lớn ở một đồng xa, cậu vác không nổi nên ì ạch kéo về. Đến giữa đường thì ngoại tôi đang cấy mạ trông thấy. Vậy là ngoại tôi ôm đầu ngọn. Cậu nằng nặc đòi ôm đầu gốc cho ngoại đỡ nặng. Ngoại tôi đi phía sau nhìn thằng nhỏ gầy trơ xương đen nhẻm, thương cậu, ngoại lén lau những giọt nước mắt ứa tràn. Cậu tôi cứ làm như không mệt, cứ nói chuyện ríu ran suốt quãng đường đồng. Tới giờ ngoại không quên được hình ảnh đó.
Mỗi lần ai hỏi, ngoại đều nói rằng: “Thằng Sáu là con ruột của tôi chứ ai”. Cậu nghe thấy, cười khì, đứng sau lưng ôm chầm lấy ngoại vui mừng như đứa trẻ.
Sau này lớn lên, cậu Sáu theo một người bạn lên Sài Gòn làm cơ khí. Lần nào cậu về cũng ghé nhà ngoại đầu tiên, hôn hít ngoại rồi nói “Sau này có tiền con về ở với má luôn”.
Tết nào cậu cũng về ở tới nửa tháng. Mà lần nào về cũng mua cho ngoại bộ đồ mới, dúi vào tay ngoại ít trăm bạc rồi phụ cậu Hai tôi lui cui lau mấy cái lư đồng. Ngày đó tết năm nào tôi cũng nhận được đồng tiền lì xì cậu ban, chỉ một ngàn thôi, mà mới cáu cạnh, thơm tho và hình như còn có vết dầu máy từ bàn tay của cậu…
Những năm gần đây bệnh của tuổi già khiến ngoại hay đau yếu. Lần nào có ai về thăm, ngoại cũng ôm ấp rồi thủ thỉ nhắc chuyện ngày xưa. Và mỗi lần cậu Sáu về, như đứa trẻ con của ngày xưa rất xưa ấy, cậu phủ phục trong lòng ngoại. Ngoại mân mê đôi bàn tay, vuốt vuốt mái tóc cũng đã bạc nhiều của cậu và lại hỏi: “Khi nào về ở với má đây bây?”
Những lúc đó, mắt cậu đỏ hoe. Ngoại tôi nhìn mãi đôi bàn tay cậu bao năm vẫn to bè, trầy xước, dính đầy dầu nhớt đen nhèm…
Cậu tôi cũng từng như biết bao phận người ly hương khác ở Sài Gòn, tìm kiếm cho mình giấc mơ nơi phồn hoa phố thị. Sau này, cậu tích cóp tiền mua được một căn nhà. Cậu vẫn đi đi về về giữa Sài Gòn và quê. Chẳng mấy chốc, đã hết một đời người…
Hôm qua, ngoại lấy trong tủ ra mấy bộ quần áo còn mới tinh, ra ủi lại cho thẳng thớm rồi cười nhắc: “Của thằng Sáu cho hồi năm kỉa năm kia tao chưa mặc hết. Tết này, lại có thêm một bộ để dành. Đồ tao mặc của nó hết. Mà nó nói nó về ở với tao luôn…”. Mẹ và dì tôi nghe xong, quay đi, không dám nhìn ngoại. Không ai nỡ nói “Anh Sáu về rồi, sẽ chẳng bao giờ đi nữa…”
Trong đời người có biết bao cuộc hồi hương. Cậu tôi cũng trở về nhà như mấy chục ngàn người đã ra đi trong đại dịch. Cậu về chuyến cuối cùng của đời người, mang theo lời hứa ngày nao: “Khi nào có tiền, con về ở luôn với má!”. Cậu về rồi, nằm lại trong một ngôi chùa nghe tiếng kinh kệ bình yên giữa quê hương. Tôi tin rằng cậu có về với ngoại, nhưng ngoại chẳng bao giờ nhìn thấy cậu và ôm cậu như trước kia được nữa…
Mùa xuân năm nay vắng cậu. Tối qua cậu về trong giấc mơ của ngoại tôi.
TƯỜNG LINH (TP.HCM)