Cánh cửa mở ra của các nhà văn tại Đồng bằng sông Cửu Long

Vanvn- Hội nghị Công tác văn học khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tỉnh Bạc Liêu tổ chức đã khai mạc vào chiều 11.5.2023 tại thành phố Bạc Liêu. Thường trực Hội và đại diện các Chi hội của khu vực đã về tham dự. Nhiều hoạt động có ý nghĩa của đoàn nhà văn cũng đã diễn ra tại Bạc Liêu.

“Đây là một sự kiện đặc biệt về văn chương chưa từng có ở Bạc Liêu”. Quả thật, chuyến công tác với nhiều hoạt động ý nghĩa của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã mang đến cho Bạc Liêu một sinh khí văn chương mới, như lời chia sẻ của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu – Đỗ Ngọc Ẩn dành cho đoàn.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu khai mạc

Nhiều đột phá tâm huyết

Sự “chưa từng có” ấy cũng bởi, hiếm khi cả 3 vị trong Ban lãnh đạo Hội cùng tham gia một đoàn công tác đến một tỉnh như thế này. Đó là Chủ tịch Hội – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hai Phó Chủ tịch Hội – nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

“Chưa từng có” vì đoàn đã mang đến đây quá nhiều hoạt động ý nghĩa: tặng sách cho trẻ em huyện vùng sâu, lắng nghe, tiếp thu, gỡ rối để mở hướng đi phấn chấn hơn cho văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), giao lưu chia sẻ với sinh viên để làm dấy lên tình yêu văn chương, để văn chương gợi mở cho các bạn những chân trời mới, những điều thiện lành, tốt đẹp phía trước…

Các nhà văn tham dự hội nghị

Trong Hội nghị Công tác văn học ĐBSCL tổ chức tại Bạc Liêu dịp này, BCH Hội trình bày nhiều phần việc đã làm trong nửa nhiệm kỳ qua và dự kiến sắp tới; lắng nghe ý kiến của các nhà văn khu vực ĐBSCL góp ý việc điều hành của Hội. Những đột phá mang tâm huyết của BCH Hội thật sự đã tạo luồng sinh khí cho văn chương cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng.

Như việc tổ chức giải thưởng văn học cho tác giả trẻ, mở cuộc vận động viết cho thiếu nhi và sắp tới là trại sáng tác cho thiếu nhi, mở “Dự án sách miễn phí cho các em thiếu nhi vùng sâu, vùng xa và dân tộc miền núi”. Bên cạnh đó là khâu xét kết nạp hội viên sẽ được Hội cân nhắc kỹ hơn, chỉ đưa ngòi bút có trách nhiệm vào hàng ngũ các nhà văn, nhà thơ Việt Nam; ngăn chặn những gì phi văn chương vào Hội chính là phục dựng lại đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm xã hội của “mái nhà văn chương” của cả nước.

Hiến kế cho văn chương ĐBSCL

Những nội dung trao đổi tại hội nghị công tác văn học khu vực ĐBSCL hướng đến mục tiêu làm sao để văn học khu vực này “đập cánh bay lên” – là cách nói nôm na, dễ hiểu của Chủ tịch Hội! Cần tạo thế hệ các nhà văn tiếp nối các nhà văn đi trước, làm cho thế hệ trẻ có ý thức, trách nhiệm hơn đối với trang viết của mình, khi thế hệ trước đã chuyển giao sứ mệnh văn chương cho họ, để người trẻ mỗi khi viết phải tự đặt câu hỏi vì sao mình viết. Nếu không trả lời được câu hỏi này thì trang viết sẽ nhiều bóng tối hơn ánh sáng, tuyệt vọng nhiều hơn hy vọng, khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Người trẻ hiện nay được đọc, được học nhiều hơn, điều còn lại là lương tâm, trách nhiệm của bạn trẻ. Đánh thức điều này ở các bạn trẻ, là trách nhiệm của Hội, trách nhiệm của mỗi hội viên, nhà văn, nhà thơ khi đã đứng vào hàng ngũ hội viên của Hội. Đây là những hiến kế đáng quan tâm!

Không nhiều thời gian nên dường như chưa nói hết những trăn trở của mình về văn chương khu vực. Tuy vậy, mỗi ý kiến đều là những hiến kế cho văn chương khu vực này.

Đoàn nhà văn giao lưu ở Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu. Ảnh: Vũ Hồng

Ông Trần Dũng (Hội VH-NT tỉnh Trà Vinh) cho rằng bộ phận biên tập lâu nay còn khuyết, trong khi đây là phần rất quan trọng đối với các tạp chí VH-NT. Thế hệ biên tập lớn tuổi cần được thay thế, nhưng đội ngũ biên tập hiện nay đa số không đúng chuyên môn. Còn ông Lê Đình Trường (Hội VH-NT tỉnh Cà Mau) nhận định chuyến đi này, BCH Hội đã làm dấy lên luồng sinh khí mới, gợi mở nhiều hy vọng cho văn chương ĐBSCL. Vì không khí sinh hoạt ở nơi đây, theo ông, qua nhiều nhiệm kỳ còn rời rạc. Theo nhiều đại biểu, thành viên BCH các chi hội văn học cần đọc và theo dõi các sáng tác của hội viên, đọc để thấu hiểu đồng thời có kế hoạch đánh thức tiềm lực tác giả trẻ. Việc mở lớp, trại sáng tác cho đề tài thiếu nhi, kinh phí hoạt động cho các chi hội cũng được đề xuất…

“Được chia sẻ những điều sâu thẳm trong lòng, để từ đây mỗi hội viên thấy rằng cần hành động hơn nữa, sống mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết hơn nữa trên con đường đã chọn. Sau cuộc gặp mặt ở đây, tôi tin sẽ là một giai đoạn mới, tinh thần mới để văn học ĐBSCL “đập cánh bay lên” mang theo vẻ đẹp từng có trên mảnh đất này, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của văn học Việt Nam hiện đại”, là lời đúc kết cho chuyến đi của Chủ tịch Hội. Riêng ở vị thế đón khách quý trong chuyến về đặc biệt này, Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh mong muốn rằng “các nhà văn có một chuyến trải nghiệm thú vị vùng đất của bác Sáu Lầu, Công tử Bạc Liêu và có những sáng tác hay về quê hương yêu dấu của chúng tôi”.

Cánh cửa mở ra của các nhà văn tại ĐBSCL

Khi đến thăm Khu Căn cứ Cái Chanh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu rằng: “Chuyến đi này vừa là ý định, vừa là cơ hội, vừa là duyên ngộ nào đó đã cho chúng tôi – đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và các nhà văn tại các tỉnh, thành ĐBSCL hành hương về một vùng đất lịch sử và chúng tôi vừa được mở ra những vẻ đẹp của văn hóa mà mỗi nhà văn đến đây đều dâng trong lòng mình ý thức đó.

… Tôi rất hạnh phúc, xúc động đứng ở đây, trong sự tĩnh lặng của khu rừng này, trong tĩnh lặng trong trái tim mỗi người, nhưng tôi nghe thấy được tiếng đập lớn lao của lịch sử. Và chắc chắn trong cuộc gặp hạn hẹp, nhỏ bé trong thời gian ngắn nhưng sẽ là cánh cửa mở ra cho giai đoạn mới của sự sáng tạo của các nhà văn tại ĐBSCL cho nền văn học của vùng đất này, con người này, thiên nhiên này, lịch sử này, của văn hóa này và cho chung toàn quốc. Tôi nghĩ rằng chúng tôi muốn trở lại đây nhiều hơn nữa, và có lẽ đây là cơ hội tạo cho chúng tôi (về nhiều nghĩa, nhiều mặt) để có thể làm tốt nhất công việc của BCH Hội.

Đoàn công tác Hội Nhà văn Việt Nam tham quan Di tích Lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Cái Chanh (ấp Cây Cui, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Ảnh: C.T

Nền văn học đầy mơ hồ trong trang văn, trang thơ nhưng đầy cụ thể, đó chính là những thành trì quan trọng nhất! Vừa rồi tôi có trả lời một phim tài liệu về chống tham nhũng, họ hỏi tôi vũ khí nào quan trọng nhất chống lại cái ác (vì tham nhũng là một tội ác), tôi nói không có gì ngoài VH-NT, và đặc biệt là văn học. Nếu một đứa trẻ, một con người không tìm thấy vẻ đẹp trong một cuốn sách, thì sẽ thất bại ngoài đời. Và vì thế văn học sẽ trở thành chiến sĩ tiên phong, thành trì đầu tiên và thành trì cuối cùng bảo vệ lương tri con người và chống lại cái ác.

Chính vì thế, các nhà văn môt lần nữa nhìn lại sứ mệnh của mình, con đường, trang viết của mình để bắt đầu một hành trình mới, cho dù chúng ta ở tuổi nào, 40, 50, 70 hay 90, tất cả như mới bắt đầu. Và tôi có cảm giác rằng, hôm nay, ở đây và ngày mai, trong những trang viết của cá nhân tôi, đã có những thay đổi lớn lao ở bên trong đó, bởi vì tôi đã được trở lại đây, một vùng đất lịch sử có những con người đã dâng hiến để bảo vệ cho độc lập của dân tộc này. Và mỗi nhà văn ở ĐBSCL đã nỗ lực để làm nên vẻ đẹp của văn chương Việt Nam và trở thành bức thành trì bảo vệ những điều tốt đẹp nhất của chúng ta.

CẨM THÚY

Báo Bạc Liêu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *