Vanvn- Tôi vẫn nghĩ thời gian của tôi còn rất nhiều. Tôi luôn trì hoãn mọi dự định để rồi một ngày trong cuộc đời, một cái tên đáng gờm xuất hiện lúc tôi chưa kịp làm điều gì. Mọi kế hoạch bị đảo lộn, ngưng trệ…

Nhớ ngày nào, tôi đã từng mơ, mình sẽ đi dọc khắp tất cả các ngóc ngách ở Việt Nam, khám phá xem quê hương tôi có điều gì tươi đẹp mà tôi chưa từng nhìn thấy. Đi hết Việt Nam tôi sẽ bay ra thế giới, tôi sẽ đến Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Rồi, tôi ôm mộng, bay sang Paris, cùng người yêu đi dạo dưới chân tháp Eiffel. Sau đó, tôi sẽ cùng người ấy nắm tay bước vào nhà thờ Duomo ở Italia. Từ Italia chúng tôi sẽ đáp chuyến bay thẳng đến thành phố Antwerp của Bỉ.
Tuổi trẻ mộng mơ của tôi đã ôm ấp nhiều chuyến du hành như thế. Tôi ôm mộng đi khắp mọi nơi trên thế giới. Thế mà trong ký ức của tôi, chẳng bao giờ, tôi có thể tìm thấy một ước muốn rằng: tôi sẽ đi đến một ngôi nhà nhỏ nằm ở cuối đường, cách nhà tôi tầm 2km. Một ngôi nhà có giàn hoa giấy leo đầy cổng. Chúng cứ khiến tôi nghĩ đến ngôi nhà trong những câu chuyện cổ tích thần tiên. Tôi muốn đi đến ngay nơi đó, nhưng vì một cái tên đã khiến mọi kế hoạch tuổi trẻ của tôi bị chệch khỏi quỹ đạo.
Tôi còn nhớ những ngày mà con người chưa xem khẩu trang là một thứ mang tầm vóc vĩ đại. Cái ngày mà Corona chỉ được người ta nghĩ đến khi thèm một cơn say cùng bè bạn, hay trong những buổi tiệc tùng, lễ lộc. Bởi lẽ, Corona trùng với tên của một hãng bia có xuất xứ từ Mexico vào năm 1925. Ấy vậy mà bây giờ, nó được xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong tâm trí của những người đang sống.
Corona có mặt trên bản tin thời sự. Corona xuất hiện đầy trên các mặt báo lớn, nhỏ. Corona được điểm danh khắp các trang mạng xã hội. Thậm chí, con hẻm nhà tôi cũng đầy ắp lời to nhỏ thì thầm về cái tên ấy. Đó quả là một cái tên nổi tiếng được người người nhà nhà săn đón. Nhắc đến đây chắc nhiều người cũng thấy cái tên này quen ngờ ngợ. Nếu bạn không biết đến nó, thì tôi xin chúc mừng. Bạn là người may mắn nhất thế giới khi chưa bao giờ biết cái tên này. Nhân vật mà tôi muốn nhắc đến, hắn cũng có tên là Corona nhưng thay vì là tên của một loại bia thì hắn sinh ra dưới cái tên của một loại virus. Một loại virus có khả năng khiến trật tự của thế giới đảo lộn. Sự đảo lộn thế giới đó đem đến ít chuyện vui nhưng lại lắm chuyện buồn. Và điều buồn nhất đã đến với những đám tang. Những đám tang không người dự.
Nhớ hồi còn nho nhỏ, tôi nằm nghe hát ru “ầu ơ ví dầu cầu ván đóng đinh” từ bà nội. Bà cũng thường hay kể cho tôi nghe về chuyện nọ chuyện kia. Một ngày, bà kể cho tôi những câu chuyện về đám tang của một con người sau khi chết. Lúc ấy, tôi vẫn tâm niệm đám tang là một nơi chứa đầy những câu chuyện kỳ ảo cần khám phá. Dần dần tôi mới hiểu được sâu sắc ý nghĩa của một lễ tang là gì.
Trong các câu chuyện kể của bà nội, bà có nhắc đến đám tang của bà cố tôi. Người đã mất lúc ba và mẹ tôi còn chưa gặp nhau. Thời mà cái gì cũng chưa phát triển. Không có điện thoại, không có internet, không có mạng xã hội như Facebook, Zalo như bây giờ. Mọi người đều trao đổi với nhau bằng thư từ. Vì vậy, sau khi bà cố trút hơi thở cuối cùng, ba tôi đã chạy đi khắp nơi, đi từ chỗ này đến chỗ kia để báo cho những người trong dòng tộc, để họ đến gặp cố tôi lần cuối, đến với cố trước khi bà bị chôn lấp dưới một lớp đất dày để từ bỏ thế giới này bay đến một nơi khác. Đó gọi là cái nghĩa cuối cùng đối với người đã khuất.

Sự ra đi của cố tôi cứ thế được lan truyền, từ ba tôi sang người này người nọ. Từ người này người nọ lại đi báo tin buồn đến nhiều người khác. Cứ thế, người đến nhà của tôi với mục đích gặp cố tôi lần cuối ngày một đông lên, không khí cũng bớt ảm đạm hơn. Vì nỗi tiếc thương lúc này đã được san sẻ cho vơi đi. Có lẽ vì vậy, mà câu “Xin chia buồn cùng với gia đình” trong đám tang thường là câu đầu tiên người ta nói khi đến viếng người đã mất.
Thế vậy mà, cái tên quỷ quái Corona kia là nguyên nhân khiến những lễ tang vốn dĩ đã buồn nay lại buồn hơn. Buồn vì tại hắn người ta không thể đến viếng thăm người mà ta yêu quý. Người đã bỏ lại ta đi sang thế giới khác. Chúng ta dằn vặt đấu tranh khi hay tin ai đó trong những người thân quen của chúng ta mất đi, được thông báo trên mạng xã hội. Thứ chúng ta có thể làm ngay lúc này chỉ có thể là thả một nút bày tỏ cảm xúc tiếc thương kèm theo một dòng bình luận bên dưới: “Xin chia buồn cùng với gia đình”. Ta không thể đến tận nhà để chia buồn cùng người thân họ. Vẫn là lời chia buồn nhưng nó đã chuyển sang một dạng thức khác. Một dạng thức động viên tinh thần online.
Corona đã khiến cuộc sống của chúng ta bị đảo lộn. Thế mà, bằng cách nào đó con người ta luôn nảy sinh ra những ý tưởng không ngờ để thích nghi tồn tại trong thời cuộc. Một lễ tang trong mùa Covid, không có người thân, không có bạn bè, nỗi tiếc thương cho người đã khuất không có nhiều người ở đó để san sẻ. Tôi chợt nhớ lại cuộc trò chuyện vui của các bà trong ngõ nhỏ: “Mùa này, bệnh gì cũng phải cố gắng vượt qua, vì nếu không, lỡ chết đi làm đám tang sẽ… lỗ không lời”!
Người ta động viên nhau vượt qua, biến Corona làm cái tên đáng để khinh bỉ và trêu đùa hắn. Song, người ta cũng biết rằng hắn vẫn là một tên đáng gờm không dễ đối phó. Hắn – một cái tên khiến người ta liên tưởng đến sự chết chóc. Và liệu cái chết có đáng sợ như chúng ta thường hay nghĩ. Hay chết đi chính là lúc ta thật sự bước vào hành trình của cuộc đời mới? Là lúc ta cởi bỏ lớp trang phục đã khoác lên từng ấy năm để chậm rãi bước sang một thế giới khác?
Và có lẽ, khi được sinh ra đời chúng ta đã chấp nhận rồi sẽ chết, chỉ là cái chết ấy đến với chúng ta sớm hay muộn.
Rồi tôi lại nhớ về ngôi nhà nhỏ có hàng bông giấy leo đầy cổng ở cuối hẻm cùng những mộng mơ mà tôi ôm ấp. Tôi vẫn nghĩ thời gian của tôi còn rất nhiều. Tôi luôn trì hoãn mọi dự định để rồi một ngày trong cuộc đời, một cái tên đáng gờm xuất hiện lúc tôi chưa kịp làm điều gì. Mọi kế hoạch bị đảo lộn, ngưng trệ nhưng hãy xem “đó là món quà của chúng ta trong thời điểm này. Dù nó là xấu hay tốt, thì đó vẫn là món quà của chúng ta”.
NGUYỄN THỊ KHÁNH TUYÊN