Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú – Truyện dài của Phương Huyền – Kỳ 3

Vanvn- Trước lúc chia tay, có biết bao điều tâm sự với nhau, thế nhưng, lại chẳng biết phải nói gì. Khi Cái Mũi tỏ ra luyến tiếc và buồn bã vì liệu chúng tôi có còn gặp lại nhau không, Cún bác học bèn triết lí: – Trái đất tròn. Tớ nghe con người hay nói vậy đó. Biết đâu ngày đẹp trời tụi mình sẽ hội ngộ.

Nhà văn Phương Huyền

>> Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú – Kỳ 1

>> Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú – Kỳ 2

 

Bài học từ các bạn đồ chơi

Tớ cá với các cậu, không cô cậu bé nào có nhiều đồ chơi như cô chủ của tớ.

Cái Mũi thường bắt đầu câu chuyện của nó bằng những lời tuyên bố hùng hồn.

Đêm đó chúng tôi nằm bên nhau dưới mái hiên chật hẹp nhà Vàng. Nhìn ánh trăng chênh chếch qua mái hiên, tự dưng tôi lại nhớ vườn thú da diết. Tôi nhớ đêm tôi rời khỏi vườn thú, trăng lưỡi liềm mờ ảo lấp ló trên những tán cây. Hình như, chính ánh trăng đó suýt nữa thì níu chân tôi ở lại. Tôi chưa từng ra khỏi chiếc chuồng của mình vào ban đêm. Tôi cũng chưa từng mơ mộng ngắm trăng, ngay cả những đêm trăng tròn vành vạnh. Nhưng ánh trăng đêm đó với tôi, vừa lạ lẫm, vừa thân quen. Nó đẹp một cách lạ lùng. Đêm nay, khi nằm bên những người bạn của mình, những người bạn đường thú vị, ánh trăng ấy lại đang soi rọi tâm hồn tôi. Ánh mắt của Vàng cả chiều nay ám ảnh tôi.

Từ khi cô chủ bệnh, Vàng không có bạn nên nó rất buồn. Hôm nay có chúng tôi, lại thêm cô chủ nhỏ của nó đã tỉnh lại nên nó rất vui. Nó bảo chúng tôi “ở lại nhà nó chơi, tâm sự”. Bọn tôi nghe nó nói “tâm sự” thì cười quá chừng. Nhưng nhìn mắt nó tha thiết quá cả bọn biết là nó thèm có những người bạn. Vậy là tụi tôi, đứa này nằm lên đứa kia, vừa ngắm trăng vừa nghe cái Mũi kể chuyện.

– Các cậu biết không, cô chú tớ có hẳn một phòng riêng để chơi và đựng đồ chơi á. Trong phòng đó, nào là búp bê Barbie, nào gấu Teddy,… nào búp bê gì gì nữa, nhiều lắm. Lúc thì cậu từ Nhật gửi về, lúc thì bác từ Pháp tặng sinh nhật. Nói chung là không kể hết. Suốt ngày cô chủ tớ chỉ việc thay váy đầm, chải đầu cho búp bê là cũng hết ngày rồi. Nhưng mà chưa hết đâu, cô ấy có cả một kho những thứ đồ chơi khác như là nhà banh, đồ chơi xếp hình, đồ nấu ăn, các loại thú nữa… nhiều vô kể. Nhưng mà tớ thấy, trong tất cả các thứ đồ chơi, cô chủ thích nhất là chú gấu Misa màu hồng, quà tặng của mẹ từ hồi cô bé mới lên hai. Nhưng trẻ con quen được cưng chiều, nên thường không biết yêu quý những thứ mình có. Lúc nào cũng vậy, chơi xong không bao giờ cô bé chịu dọn dẹp gọn gàng. Mẹ cô bé tuy yêu con nhưng rất nghiêm khắc. Khi có mặt ở nhà, bà không bao giờ cho phép người giúp việc dọn đồ chơi giúp cô bé. Bà bắt cô phải tự làm lấy. Bà thường nói với cô: “Con phải biết đối xử tốt với các bạn đồ chơi. Có các bạn ấy thì con mới vui phải không nào? Vậy nếu con làm cho các bạn ấy tổn thương, ví dụ sau khi chơi con cứ vất lăn lóc các bạn trên sàn nhà rồi để chó mèo giẫm đạp lên, hay chuột gặm nát, thì các bạn sẽ giận con, sẽ bỏ con mà đi.” Khi nghe lũ đồ chơi biết giận dỗi bỏ đi, tớ thấy tức cười quá. Tớ còn không tin nổi, nói gì là cô chủ tớ. Vậy mà không ngờ, chuyện đó đã xảy ra thiệt.

Cái Mũi dừng lại hít một hơi thật sâu rồi kể tiếp:

– Đêm đó, lúc cả nhà đang ngủ khò, bỗng Mèo Mun đánh tín hiệu rằng nó vừa nghe thấy có tiếng thì thào rất khả nghi. Nó nghĩ, hình như bọn trộm đang rình mò khu nhà. Việc giữ nhà, bắt trộm không phải là việc của mèo, nhưng không có nghĩa là thấy mà im lặng. Nó nín thinh để nghe ngóng. Còn tớ thì ra sức đánh hơi. Nhưng thực tình, tớ chẳng thấy có mùi gì lạ khả nghi cả. Vậy là tớ kêu nó cứ xuống dưới nhà coi có chuyện gì. Bằng những động tác nhẹ nhàng nhất mà bọn tớ vẫn rình để bắt lũ chuột, bọn tớ xuống nhà mà không hề gây nên một tiếng động nào. Nép mình ngay sau cầu thang, bọn tớ mới biết được đang có một cuộc họp vô cùng căng thẳng của đám đồ chơi. Có lẽ, chúng đã bàn bạc khá lâu trước khi bọn tớ phát hiện ra. Lúc đó, tớ nghe Cá sấu sành to tiếng:

“Tôi không chịu nổi cảnh cứ phải nằm lay lắt, lạnh lẽo dưới sàn nhà như vậy được. Cô ấy là người không biết quý trọng đồ vật.”

Tiếng mấy trái banh nhốn nháo:

“Cháu cũng nghĩ vậy đó. Hổng khi nào bọn cháu được nằm gọn gàng hết trơn á. Hôm bữa, chút xíu nữa là cháu bị con chó quần cho tơi tả. Nó nghĩ bọn cháu là đồ chơi của nó chắc.”

Bộ đồ xếp hình tòa lâu đài thì kêu lạo xạo, giọng buồn hiu:

“Tụi tớ chẳng còn ra hình thù gì nữa, mỗi thứ nằm lăn lóc một nơi.”

Chiếc đàn hình con Trâu thì kêu lên thảm thiết:

“Tớ thường xuyên bị chú mèo cưng của cô chủ cào cấu hành hạ.”

Kể đến đây, Cái Mũi dừng lại cười khì khì. Nó bình luận:

– Đó là một cái đàn đồ chơi rất xinh, phát ra tiếng rất hay. Mỗi lần cô chủ quên không cất, thể nào Mèo Mun cũng nghịch phá, nó cứ lấy hai chân trước ấn lên, hoặc cào cào để nghe những âm thanh vui tai.

Cuộc họp có vẻ ngày một căng thẳng. Tất cả đồ chơi đều lên án cô chủ vì cô ấy không biết quý trọng tình bạn. Cuối cùng, họ quyết định sẽ bỏ trốn. Nhưng gay go ở chỗ trốn bằng cách nào? Căn biệt thự kín như bưng thế này. Bác cá sấu bảo, chỉ cần ra khỏi nhà là được. Hàng rào thì cách nào cũng có thể lọt qua. Nhưng ra khỏi nhà là cả một vấn đề. Làm sao mà leo ra đây? Đúng lúc đó, Mèo Mun khẽ meo nhẹ một tiếng để tất cả khỏi giật mình rồi mới lên tiếng:

“Tôi sẽ giúp các cậu rời khỏi đây.”

Dù Mèo Mun nói rất nhỏ nhưng tất cả đều hoảng hốt. Nhưng khi định thần và nhận ra Mèo Mun, các bạn đồ chơi mới tạm yên tâm.

“Cậu nói thiệt chứ? Cậu là mèo cưng của cô chủ mà.” – Chiếc xe đồ chơi lên tiếng.

“Nãy giờ tôi lén nghe hết rồi. Tôi hiểu các cậu rất bức xúc. Tôi hứa sẽ giúp. Thề đấy! Nhưng tôi cảnh báo, ngoài kia đầy rẫy cạm bẫy, các cậu nghĩ cho thật kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.”

Vẫn lại là tiếng bác cá sấu già:

“Lúc còn ở cửa hàng đồ chơi, tôi đã thấy rất nhiều cô cậu bé ngày nào cũng đến nhìn ngắm thứ này thứ nọ. Thế nhưng, họ chẳng bao giờ sở hữu một món nào, vì bố mẹ họ quá nghèo. Nếu thoát khỏi ngôi nhà này, tôi sẽ đưa các bạn đến với những cô cậu bé ấy. Còn cô chủ của chúng ta, nếu không có chúng ta, cô ấy lại có ngay những bạn đồ chơi khác. Và quan trọng nhất, chúng ta phải làm cho cô ấy thấy rằng, đồ vật cũng có cảm xúc, cần phải được trân trọng và yêu thương.”

Tất cả đều gật gù xúc động khi nghe bác cá sấu phân tích. Lúc đó thực sự Mèo Mun và cả tớ chẳng hiểu hết ý nghĩa những lời bác nói. Có điều, bọn tớ cũng cảm nhận được cô chủ đối xử không công bằng lắm với các bạn đồ chơi. Hơn nữa, bọn tớ rất khoái ba cái vụ phiêu lưu, mạo hiểm.

– Vậy là các bạn đồ chơi bỏ đi hết sao? Cũng phải lắm. – Nhà bác học của chúng tôi gục gặc đầu.

– Đúng rồi. Cái nhà banh mà sau khi cô chủ chơi xong chưa kịp xếp lại ấy, Mèo Mun đã kéo nó đến gần cửa sổ. Bạn nào tự leo lên cửa sổ được thì leo, còn không thì bám lên lưng Mèo Mun. Chỉ cần một cú nhảy nhẹ nhàng, bạn đã ngự trên cửa sổ, và thêm một cú lao điệu nghệ nữa, bạn đã hạ cánh an toàn ngoài hiên. Trong vòng khoảng một tiếng đồng hồ, gần như tất cả đồ chơi đã thoát ra ngoài an toàn. Chỉ còn lại cô búp bê tóc vàng, chiếc đồng hồ cát và một vài thứ lặt vặt khác là không chịu đi. Cô búp bê tóc vàng khóc ướt cả chiếc đầm xinh đẹp lẫn bộ tóc vàng óng. Cô nói cô sẽ rất nhớ các bạn, cũng rất muốn đến với các em bé nghèo, thế nhưng… vì một lời hứa, cô ấy sẽ ở lại.

Sau khi tiễn đám đồ chơi ra đi, bọn tớ trở về với căn phòng vắng vẻ, chịu đựng tiếng khóc của búp bê tóc vàng. Bọn tớ không biết bác cá sấu đã dẫn cả bọn đi đâu, đến được những nơi chúng cần đến hay không. Nhưng thực sự “cuộc cách mạng vĩ đại” đó đã làm cho cô chủ của tớ thay đổi hoàn toàn. Từ đó, cô ấy biết quý trọng các bạn đồ chơi hơn, không bao giờ để các bạn rơi vãi lung tung hay nằm chỏng chơ giữa sàn nhà trong những đêm lạnh lẽo nữa.

Tiếng cái Mũi nhỏ dần, nhỏ dần. Tiếng thở của Cún, của Vàng đều đều bên tôi. Một đêm thật yên bình sau nhiều ngày rong ruổi mệt nhoài của đám chúng tôi.

Những ngón tay xinh

– Nè, Cái Mũi, cậu ngồi yên một chỗ giùm tớ đi. Cậu cứ leo lên leo xuống hoài tớ chịu hổng có nổi.

– Hay là để tớ xuống gần chỗ cái mũi của cậu nha. Như vậy là cậu có tới hai cái mũi. Hi hi…

– Tớ khó chịu quá đi mất. Cậu làm ơn đi, đừng có chọc tớ nữa.

Tôi không nhịn được cười khi thấy Cái Mũi cứ chạy lên, chạy xuống trên đầu của Cún. Thỉnh thoảng, nó còn dùng mấy sợi lông ngoáy ngoáy lỗ mũi Cún rồi cười ha hả. Cún ta bực mình nhưng chẳng biết làm sao. Lúc cùng nhau đi, vì sợ Cái Mũi đi chậm nên Cún bảo cậu cứ leo lên lưng tớ mà ngồi, trên đó mát lắm, lại không có bọ chét đâu nghen.

Cún không lường trước được Cái Mũi quá hiếu động. Bực nhất là lúc nó tụt xuống làm Cái Mũi Thứ Hai. Lúc đó, Cái Mũi Cún vô cùng khổ sở. Làm thế nào mà đánh hơi như Cún được khi mà có một Cái Mũi Mèo sát bên? Nó nghiêng bên này, hất bên kia cũng chẳng xi-nhê gì. Cái Mũi vẫn kiên trì đùa giỡn trên đầu Cún.

Thực ra tôi hiểu Cái Mũi đang rất hưng phấn. Nó muốn Cún chạy thật nhanh bởi vì chúng tôi đang đi xem một cuộc thi rất đặc biệt. Bạn sẽ biết ngay thôi.

***

– Kính thưa ban giám khảo, theo con, một đôi bàn tay đẹp là đôi bàn tay được mẹ chăm sóc kỹ càng. Những ngón tay múp míp, móng dài, được giũa thật đẹp. Mỗi lần mẹ đi tiệm làm móng hay làm tóc thì mình cũng không thể vắng mặt để được chăm sóc những ngón tay xinh. Thích nhất là những móng tay được sơn màu sặc sỡ.

Tiếng vỗ tay rào rào vang lên. Tiếng xuýt xoa, trầm trồ khi cô bé Sóc nâu chìa đôi bàn tay xinh xắn với những chiếc móng được sơn màu vàng chanh nổi bật. Sóc nâu cúi chào ban giám khảo một cách điệu nghệ rồi sải những bước tự tin về chỗ ngồi. Cả khu rừng nhìn Sóc nâu với ánh mắt thán phục, có chút ganh tị nữa.

Sau khi Sóc nâu đã yên vị, bạn Voi con hùng dũng bước lên sân khấu. Cũng với kiểu cách của Sóc nâu, sau khi chào ban giám khảo, Voi con nghiêng mình chào một lượt khán giả rồi bắt đầu bài thuyết trình của mình. Theo Voi con thì những ngón xinh cũng là những ngón tay được chăm sóc kỹ lưỡng hàng ngày. Những chiếc móng không nên để dài mà phải cắt tỉa gọn gàng. Để cho những chiếc móng thật sạch thì phải dùng chanh để rửa, cũng giống như ở tiệm làm móng người ta hay làm vậy đó.

Khi nghe Voi con trình bày, ban giám khảo tỏ ra ngán ngẩm. Đã quá trưa mà số thí sinh tham dự mới đi được một nửa. Cũng do ban giám khảo sơ sót về việc quy định thời gian. Thành ra, những ai lên trước cứ tha hồ nói.

Sau phần thi của Voi con, ban giám khảo lui vào một góc hội ý. Cả khu rừng nhốn nháo bàn tán.

– Tớ tin chắc Sóc nâu sẽ đoạt giải nhất. Tay bạn ấy được chăm sóc chẳng thua gì mấy cô hoa hậu. – Ngồi trên cổ Cún, chiếc mũi nói giọng khàn khàn.

– Tớ thì không nghĩ vậy. Trẻ con mà bày đặt sơn móng tay, đâu có tốt. – Cún phản đối.

– Nếu nói vậy, chắc chắn Voi con sẽ giựt giải nhất. Bởi vì tay của Voi con cũng được chăm sóc rất kỹ mà không sơn phết gì. – Cái Mũi có ý kiến.

– Tất cả im lặng, im lặng. Chúng ta tiếp tục cuộc thi tuyển những ngón tay xinh. – Giọng bác Sư tử vàng oang oang vang dội cả khu rừng. – Tuy nhiên, có một chút thay đổi trong thể lệ cuộc thi. Do đã quá trưa, mà chúng ta còn rất nhiều thí sinh đăng ký, chính vì vậy ban giám khảo quyết định sẽ không làm theo cách cũ, nghĩa là thay vì từng thí sinh sẽ lần lượt lên giới thiệu, thì bây giờ tất cả những thí sinh còn lại sẽ cùng bước lên sân khấu.

– Ủa, gì kỳ vậy? Vậy là sao? Vậy thì đâu còn gì hấp dẫn nữa!

Cả khu rừng lại nhốn nháo khi nghe bác Sư tử vàng tuyên bố.

– Yêu cầu giữ trật tự. Ban giáo khảo có lí do riêng của mình. Nào, xin mời tất cả các bạn thí sinh còn lại bước lên sân khấu. Xin mời!

Gấu xám, Hươu sao, Nai vàng, Khỉ cụt đuôi, Gà gô, và cả Heo lùn nữa. Các bạn đứng thành một hàng ngang trên sân khấu. Nét mặt bạn nào cũng có vẻ rất hồi hộp.

Ban giám khảo, từ bác Sư tử vàng, cô chim Công xinh đẹp, bác Nhím thông thái chậm rãi cầm từng bàn tay của các bạn lên.

Vừa cầm bàn tay Gấu xám, cô Công cười hỏi:

– Bạn Gấu, tại sao ngón tay lại có vết chai vậy nè? Bạn có phải làm việc cực nhọc gì đâu?

– Dạ cháu, cháu… – Gấu xám bẽn lẽn không nói thành câu.

Đám đông dưới sân khấu nhao nhao:

– Bởi vì họ hàng nhà gấu chuyên mút chân, mút tay vào mùa đông mà. Ngón tay của Gấu chai sần là do gấu hay mút tay đó.

– Tất cả im lặng! – Bác Sư tử vàng quay sang Gấu xám. – Các bạn nói vậy có đúng không? Bạn Gấu xám trả lời cho mọi người cùng nghe đi nào.

Gấu lại càng cúi mặt thấp hơn, miệng ấp úng không thành tiếng.

Đúng lúc đó, cô Công xinh đẹp đỡ lời:

– Thực ra thì cô biết và mọi người cũng đều biết, mút tay là một thói quen xấu, cả việc cắn móng tay cũng vậy. Đây, móng tay của bạn Khỉ cụt đuôi, các bạn nhìn mà xem, – vừa nói cô vừa giơ cao hai bàn tay của Khỉ cụt đuôi làm chú mặt đỏ tía tai. – Tất cả đều nhìn thấy đấy, mười cái móng tay của Khỉ cụt đuôi chẳng có chiếc nào mà không bị cắn nham nhở. Không những thế, hình như bạn í còn thích cả trò ngoáy lỗ mũi nữa, phải không nào?

Bạn Khỉ mặt càng cúi thấp hơn, chân mân mê trên sàn sân khấu. Cô Công xin đẹp hạ bàn tay Khỉ cụt đuôi xuống rồi quay ra nói tiếp:

– Bàn tay của chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các đồ vật nên rất dễ nhiễm vi trùng, vi khuẩn. Nếu các bạn không chịu vệ sinh sạch sẽ, mà lại còn có thói quen mút tay, hay cắn móng tay, ngoáy mũi, ngoáy tai… thế nào vi khuẩn cũng sẽ đi vào miệng, rất dễ gây bệnh. Các bạn phải nhớ kỹ điều này. Mút tay hay cắn móng tay là một thói quen không tốt, cần phải khắc phục. Bạn Gấu và bạn Khỉ đã nhớ chưa nào?

– Chúng cháu nhớ ạ.

Cả Gấu và Khỉ trả lời lí nhí trong miệng rồi lầm lũi bước xuống. Lúc này khu rừng không còn nhốn nháo như trước nữa. Nhiều bạn nhỏ len lén nhìn xuống đôi bàn tay mình. Có bạn còn cố giấu những ngón tay với chiếc móng bị cắn nham nhở vào trong áo.

Ban giám khảo lại tiếp tục làm việc. Bạn Nai vàng và bạn Hươu sao hãnh diện khoe đôi bàn tay cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ chẳng thua gì Voi con. Chỉ có Heo lùn là lạ lùng nhất. Lúc bác Nhím thông thái bảo Heo lùn chìa tay ra thì nó cứ cố thu tay mình vào trong lớp áo mỏng. Mãi đến lúc cô Công động viên bằng những lời nhẹ nhàng nó mới từ từ làm theo yêu cầu. Thế nhưng, khi Heo lùn giơ hai bàn tay lên, ban giám khảo sững sờ, còn cả khu rừng bừng lên la ó.

– Tay gì mà xấu ghê xấu gớm vậy? Tay xấu mà cũng bày đặt đi thi. Đúng là… lì như heo!

Heo lùn hoảng sợ, luống cuống thu vội tay vào trong áo.

Ngay lúc đó, cô Công xinh đẹp lên tiếng:

– Cô muốn tất cả các bạn hãy im lặng để lắng nghe câu chuyện của bạn Heo lùn. Heo lùn cứ trả lời đúng với những gì mà con đã làm nha. Con hãy cho mọi người biết, tại sao con lại tham gia cuộc thi này?

– Dạ… con… con…

– Con cứ bình tĩnh. Con hãy nói sự thật, sẽ không có ai chê cười con nữa.

– Dạ, mẹ con bảo, bàn tay của con… bàn tay của con rất đẹp ạ.

– Nhưng, con có thấy tay mình đẹp không?

– Dạ… không ạ. Tay của con sần sùi, nhiều vết chai, nó rất xấu xí ạ.

– Vậy sao con vẫn quyết định tham gia cuộc thi này?

– Dạ… vì con muốn mẹ con vui. Mẹ con cả đời vất vả nuôi anh em con. Mẹ chỉ có niềm vui là nhìn thấy anh em con vui vẻ, hòa thuận, hay ăn, chóng lớn, biết giúp đỡ lẫn nhau.

– Uhm, rất tốt. Nhưng, con còn bé, tại sao tay con lại như vầy? Chắc do con làm việc cực nhọc lắm?

– Dạ thưa cô, vì con là anh hai nên con phải giúp mẹ rất nhiều việc ạ. Con phải chăm các em, con phải dọn nhà, rửa máng, con còn phụ mẹ ủi đất, nhổ cỏ rau nữa. Nhiều lúc mẹ không cho con làm, nhưng thương mẹ, con cũng lén làm để mẹ bớt cực nhọc.

Một tiếng vỗ tay, hai tiếng vỗ tay, rồi cả tràng pháo tay vang lên rộn rã khắp khu rừng. Heo lùn làm việc tốt, Heo lùn biết giúp mẹ làm mọi việc dù nó còn rất nhỏ. Hèn chi, những ngón tay của nó sần sùi, xấu xí. Thế nhưng, lúc này đây muôn loài đều thấy nó đẹp lạ thường.

Đúng như Cún nói, đây là một cuộc thi không bình thường. Không phải kiểu ngón tay được chăm sóc, chải chuốt hàng ngày – mặc dù như vậy thì đảm bảo vệ sinh tốt, càng không phải những ngón tay nhăn nheo do bị mút quá nhiều, hay những chiếc móng bị gặm nham nhở rất dễ nhiễm bệnh, mà giải nhất ngón tay xinh đã thuộc về đôi bàn tay biết làm việc tốt để giúp đỡ mẹ: đôi bàn tay của chú Heo lùn.

Tôi choàng tỉnh trong tiếng vỗ tay vang động cả khu rừng.

Ồ không, chẳng có khu rừng nào xung quanh đây cả. Bên tôi là những người bạn vẫn còn say giấc nồng. Thì ra tôi vừa trải qua một giấc mơ thật tuyệt vời. Tôi bất chợt nhìn về phía khu rừng sau nhà Vàng và nảy ra một ý định thật lí thú. Phải vào rừng một chuyến. Nhất định như vậy!

Cái bẫy săn và chuyến phiêu lưu cuối cùng

Buổi sáng, trời trong vắt. Sau giấc ngủ thật ngon bên mái hiên nhà Vàng, chúng tôi đứa nào cũng cảm thấy thật sảng khoái. Tôi nói với cả bọn là tôi thích vào rừng. Cái Mũi chọc tôi “nhớ nhà” rồi khịt khịt cái mũi kiểu thấy ghét. Tôi không nói gì về giấc mơ đêm qua vì nói ra chắc chắn tôi sẽ bị Cái Mũi chọc là “suốt ngày chỉ mơ với mộng”. Cún nghe tôi nói vào rừng thì gật gù:

– Bữa giờ mình toàn chạy trên đồng. Hay là vào rừng một chuyến.

Vàng cạp cạp ra vẻ đồng ý

– Lâu lắm rồi tớ không được đi rừng, từ ngày cô chủ ốm.

Vậy là cả bọn nhất trí buổi chiều, chúng tôi sẽ có một chuyến phiêu lưu cùng khu rừng bí hiểm. Đó là cách nói của Cái Mũi. Nó luôn thích những câu chuyện li kì, hấp dẫn, đôi khi là hoang đường theo cách nghĩ của nó.

Vàng vui lắm. Đã lâu lắm rồi nó không có bạn. Nó bảo có những đêm nằm nghe lũ dế nói chuyện với nhau mà thấy tủi thân vô cùng. Bọn chúng kể chuyện về những chuyến đi, những trò nghịch ngợm. Lũ dế có tài ủi đất, làm nhà, làm đường, làm trận giả. Nó chỉ biết nằm lắng nghe. Cũng có lúc nó nghĩ đến chuyện ra đi. Nhưng vì quá thương cô chủ nên đành ở lại. Nghe nó kể, bọn tôi đứa nào cũng thương nó. Cả bọn lại càng có động lực để lên đường.

Khi bóng nắng vừa treo chếch chếch xuống ngọn Tre, đám chúng tôi đã “nai nịt” gọn gàng. Là tôi nói theo kiểu của các bạn nhỏ mỗi khi “ra trận”. Thực ra, chúng tôi chẳng có chuẩn bị gì ngoài tinh thần hưng phấn cực độ, nhất là Vàng. Nhìn nó, Cún nói một câu cực kì thời thượng:

– Cậu làm gì mà phải xoắn lên thế?

Vàng hơi…vàng mặt. Còn cả bọn chúng tôi thì cười khoái trá trước câu đùa của Cún.

Vàng dẫn đầu đoàn chúng tôi. Cái Mũi thì cứ lăng xăng nhảy từ đầu Cún qua lưng Vàng, lúc thì lại vắt vẻo đu theo tôi. Tôi có cảm giác nó giống như mấy đứa nhỏ nghịch quá nên hay bị đùa là “tăng động” ấy, chẳng có lúc nào yên được.

Tôi sống trong một khu rừng lớn, nhưng lại không phải là rừng. Ở vườn bách thú, hầu như tất cả muông thú, chim chóc đều được ở trong chuồng, trong lồng. Chỉ một số ít được tự do bên ngoài. Với những con thú có mức độ nguy hiểm cao như Hổ, Báo, Sư Tử…thường sẽ có những khu chuồng trại đặc biệt. Xung quanh chúng tôi, cây cối, hoa lá reo vui tưng bừng. Một cuộc sống yên bình. Chúng tôi không phải lo kiếm ăn, không phải lo tranh giành nhau, không sợ những con vật mạnh hơn mình, cũng chẳng sợ loài người săn bắn. Nói chung, chúng tôi được bảo vệ tuyệt đối trong “ngôi nhà” lớn của mình.

Lần đầu tiên vào rừng, cảm giác của tôi cũng giống như lần đầu tiên “xa nhà” vậy. Một chút lo lắng, một chút hồi hộp, thêm nhiều chút tò mò. Vàng thì có vẻ đã rất quen với khu rừng này nên nó khá hoạt bát, vui vẻ. Cún thì ra chiều tập trung ghê lắm. Nó quan sát mọi thứ với vẻ mặt rất thận trọng. Thấy gì lạ là là nó đánh hơi kĩ lưỡng. Cái Mũi thì cứ lăng xa lăng xăng thổi cái này, hít cái kia.

Đang đi, tự nhiên cái mũi nhảy lưng tưng. Chẳng biết có chuyện gì mà nó cuống quýt đến nỗi đu hẳn xuống mũi Cún. Như một phản xạ tự nhiên, Cún nhảy phóc lên tảng đá ven đường. Cái Mũi mất trớn, văng ra xa. Nó kêu lên thất thanh:

– Cha mẹ ơi, cái mũi của tôi

Tôi và Vàng hốt hoảng chạy đến. Cái Mũi nằm lọt thỏm trong bụi rậm đầy gai xung quanh. Nó bẹp dúm đến nỗi muốn nhận không ra. Cún lúc đó cũng hoàn hồn chạy lại. Nó lấy chân trước vạch vạch gai cho Cái Mũi bò ra. Cái Mũi bỗng nhiên lao vọt ra ngoài như tên bắn. Nó nhảy xổ qua bụi rậm kế bên. Cũng lúc đó, từ trong bụi rậm, một mũi tên khác lao ra đâm sầm vào Vàng rồi biến mất.

– Bắt nó lại!

Cái Mũi la to

– Bắt nó lại

Cún lúc đó như vừa bừng tỉnh. Nhưng nhà hiền triết thì có cách phản ứng rất bình thường. Nó ngồi bệt xuống lớp đá lởm chởm, nói:

– Là Chồn đấy

– Sao cậu biết là Chồn? Không phải Chồn. Đó chính là kẻ địch của chúng ta. Nó đã rình rập chúng ta suốt đường đi. Cậu không phải là chó. Là chó cậu phải biết đánh hơi chứ.

Cái Mũi làm một tràng dài, vừa nhảy loi choi như muốn tìm kiếm.

Cún vẫn bình tĩnh bứt bứt mấy cọng lá đưa lên miệng nhấm nháp, làm như nó là họ nhà Thỏ chúng tôi vậy.

– Tớ bị mùi Mèo át hết rồi. Còn ngửi gì được.

– Bọn mình phải hết sức thận trọng. Kẻ địch có mặt ở khắp nơi. Khu rừng này hết sức nguy hiểm. Có thể chúng ta đã bị bao vây.

Nói xong, Cái Mũi bứt ngay chiếc lông nơi cánh Vàng làm Vàng giật mình la oai oái.

– Ta sẽ sử dụng thanh bảo kiếm này để bảo vệ quân lính của ta. Các ngươi yên tâm, đã có ta đây.

Cái Mũi vừa nói vừa huơ huơ chiếc lông Ngỗng (lông của Vàng) như thể đang cầm thanh bảo kiếm.

Vàng sau khi hết đau thì nằm ngửa ra cười khùng khục.

– Cậu thật là hài. Thật là hài. Nhưng mà tớ thích. Từ bây giờ tớ sẽ là lính của cậu. Tớ sẽ là người chuyên vận chuyển vũ khí cho cậu.

– Tốt. Rất tốt!

Cái Mũi ra chiều tâm đắc khi thu phục được quân lính. Tôi cố lắm cũng không nhịn được cười khi nhìn điệu bộ của Cái Mũi. Nó đúng là quá hiếu động.

Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Vàng bảo sẽ đưa chúng tôi đến khu đầm lầy. Đó là khu đầm lầy rất đẹp mà nó đã từng đến do một lần đi lạc cô chủ.

– Tớ sẽ là người dẫn đường – Nó nói

– Chúng ta sẽ chinh phạt vùng đầm lầy, khu rừng của những kẻ huỷ diệt – Cái mũi lại vung “bảo kiếm”.

Nó múa mấy đường theo tuồng cải lương mà tôi từng coi người ta diễn vào ngày chủ nhật ở vườn Bách Thú. Nhưng nó nhỏ xíu, ngã lăn quay. Nó thản nhiên đứng dậy rồi hùng dũng đi tiếp.

Cún vẫn vừa đi vừa đánh hơi. Bỗng nhiên nó dừng phắt lại.

– Hình như tớ nghe có tiếng gì đó lạ lắm.

Cái Mũi vung kiếm lông Ngỗng lên. Nó nhảy phắt lên trước:

– Để đó cho ta. Kẻ nào dám xâm phạm lãnh địa của ta. Hãy nhận lấy nhát kiếm này.

Tôi không nhịn được cười nhìn nó:

– Bây giờ tớ mới hiểu đúng nghĩa của từ “hiếu động” mà tớ hay nghe được.

Cún điềm tĩnh:

– Cậu ấy hơn cả một đứa trẻ hiếu động. Phải gọi là “tăng động” mới đúng.

Như chẳng để ý gì đến những lời đùa vui của chúng tôi, Cái Mũi vẫn chìm đắm trong thế giới tưởng tượng đầy kịch tính của cậu ấy. Cậu ấy đưa tay lên…mũi suỵt nhẹ:

– Im lặng. Nếu không chúng ta sẽ bị kẻ địch phát hiện.

Vừa lúc đó, Vàng sung sướng la lên:

– Đến rồi. Chúng ta đến rồi.

Vừa nói dứt lời, Vàng bỗng im bặt vì biết mình lỡ lời. Nó nhìn Cái Mũi cúi đầu vẻ hối lỗi. Nó rón rén bước đi dùng mắt ra hiệu.

Trước mắt chúng tôi, thật không thể tin nổi. Đằng sau những ngọn đồi đã bị khai thác gần như muốn cạn kiệt, là bãi đầm lầy đẹp như một bức tranh. Bãi cỏ mênh mông. Những bụi Sim, bụi Mua nhỏ nhỏ nằm rải rác xen lẫn trong cỏ. Có những bụi cỏ lau cao quá đầu người phất phơ trong nắng chiều. Mùa này những bông hoa mua nở tím biếc. Những cánh hoa Mua chấp chới như cánh Bướm trong gió chiều. Tôi đứng lặng mất vài giây. Hình như Cún cũng thế. Nhà hiền triết của chúng tôi không nói gì nhưng đã thôi thận trọng. Cậu ấy bước đi điềm tĩnh. Còn ba chúng tôi, chưa bao giờ có thể hưng phấn hơn thế. Chúng tôi chạy nhảy tung tăng khắp khu đầm lầy. Cái Mũi tinh nghịch nhảy lên mũi Cún bắt bằng được Cún phải nhập bọn. Chàng hiền triết của chúng tôi cũng không thể nào cưỡng lại được sức hấp dẫn của khung cảnh ở đây. Bọn tôi lăn lông lốc trên bãi cỏ. Chán, Cái Mũi bảo mình chơi trò trốn tìm. Hình như nó đã quên mất vai trò thủ lĩnh mà nó đã gầy dựng suốt chuyến đi. Bốn đứa chúng tôi xoay vòng oẳn tù xì. Vàng là đứa phải tìm bắt ba chúng tôi. Cũng như bọn trẻ hay chơi năm mười, Vàng quay mặt vào khóm Mua tím ngắt đếm: năm, mười, mười lăm…một trăm. Ba đứa chúng tôi, mỗi đứa một hướng tìm chỗ trốn cho thật kĩ. Tôi nhìn quanh, chẳng biết phải trốn đi đâu vì xung quanh toàn một màu xanh. Lông tôi trắng quá, chui vào đâu cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện. Tìm mãi, tìm mãi, cuối cùng tôi tìm ra được một bụi cây có những bông hoa trắng thật đẹp. Tôi co mình trong đó, nằm nghểnh tai chờ Vàng đi tìm mình. Chắc còn lâu cậu ấy mới tìm ra tôi vì tôi đã thu mình thật gọn. Vàng cũng không có tài đánh hơi như Cún hay Cái Mũi nên sẽ chẳng dễ dàng gì tìm ra ba đứa tôi. Có vẻ như cuộc trốn tìm này sẽ thú vị lắm đây. Mà đúng ra, suốt chuyến đi của chúng tôi thật sự rất thú vị.  Tôi không nghĩ rằng mình có thể có được những trải nghiệm tuyệt vời như thế với những người bạn đường của mình. Tự nhiên tôi thấy buồn. Nếu một mai đây khi trở về, vâng, chắc chắn tôi phải trở về đúng chỗ của mình, bạn bè tôi cũng vậy, có lẽ sẽ nhớ nhiều lắm. Chúng tôi, mỗi đứa một nơi, cuộc sống khác nhau, biết khi nào gặp lại. Đang mơ màng suy nghĩ về những ngày đã qua, tôi chợt nghe tiếng gọi thảng thốt của Vàng:

– Mọi người ơi, tới đây, nhanh lên, nhanh lên

Tôi định phi ngay ra khỏi bụi cây nhưng chợt định thần lại. Đây có phải là Vàng làm bộ cố tình để dụ bọn tôi ra. Nghĩ vậy nên tôi lại co mình nằm im. Nhưng rồi tiếng Vàng lại la lên thất thanh:

– Nhanh lên, Mũi bị sập bẫy rồi.

Nghe Cái Mũi bị sập bẫy tôi không còn suy nghĩ thêm điều gì nữa. Khi tôi vừa chạy đến thì đã thấy Vàng và Cún đang hì hục dùng chân, dùng mỏ tìm cách nhấc cái bẫy để lôi Cái Mũi ra. Cái Mũi đã dính phải cái bẫy của một lão thợ săn độc ác nào đấy.

Nhìn Cái Mũi oằn mình dưới thanh bẫy cứng như gọng kìm, tôi biết nó rất đau nhưng cố gắng không kêu la. Ba chúng tôi tìm đủ mọi cách nhưng vẫn không làm cho cái bẫy xê dịch gì hết. Cún ra chiều suy nghĩ:

– Cái bẫy này lạ quá. Mình phải dùng cách khác, không thể dùng sức được.

Nói rồi nó đi tìm cành cây tha về.

– Tớ sẽ chèn cái cây này vào. Tớ và Vàng sẽ làm mọi cách để nâng thanh chắn lên. Cái Tai cậu là khéo nhất, cậu giúp Mũi chui ra nhé.

Vậy là cả bốn chúng tôi hì hục. Năm phút. Rồi mười phút trôi. Đứa dùng chân, đứa dùng mỏ… còn tôi dùng bộ lông mềm mại của mình lôi cái mũi ra khỏi nanh vuốt tử thần. Khi lôi được Cái Mũi ra cũng là lúc Cún và Vàng lăn quay ra thảm cỏ vì quá mệt. Còn tôi, thật sự lúc này tôi mới thấy mình quá vụng về vì không biết phải làm sao để giúp bạn mình bớt đau. Có lẽ, Cái Mũi đã rất hoảng sợ nhưng nó đã kiềm chế để chúng tôi không quá lo lắng.

Không ngờ chuyến đi rừng đầu tiên và cuối cùng của chúng tôi lại gặp chuyện không may như thế. Cũng do chúng tôi đã không lường trước được có bao nhiêu nguy hiểm ở bên ngoài luôn rình rập. Vàng bảo vì nó quá chủ quan đã không nghe lời cô chủ nên Cái Mũi mới ra nông nỗi này. Cô chủ đã dặn nó nhất định không được đi vào khu đầm lầy một mình vì rất nguy hiểm nhưng nó đã không nghe. Nó chỉ nghĩ chắc cô chủ sợ nó đi lạc nên mới cảnh báo vậy thôi. Nó không biết rằng ở khu đó người ta thường xuyên đặt bẫy những con thú tìm đường xuống suối uống nước.

Chúng tôi an ủi Vàng là thôi chuyện đã xảy ra rồi không nên tự trách mình mãi. Nhưng có vẻ như nó cảm thấy rất có lỗi với Cái Mũi. Còn Cái Mũi thì tuy đã bớt đau nhưng nó bảo không biết khi nào cái sống mũi đẹp của nó mới trở lại như cũ được. Nó rất buồn. Nó chỉ sợ khi trở về mọi người không nhận ra nó.

Đúng là một chuyến phiêu lưu quá nhiều cảm xúc!

Trở về

Những đêm sáng trăng khiến cả ba chúng tôi đều thích thú. Cún bác học tỏ ra mơ mộng. Nó thường nằm nghếch đầu ngắm trăng, đôi khi bâng quơ há miệng táp một con muỗi bay ngang. Cái Mũi thì khoái trò đoán mùi. Nó bảo ở lầu son gác tía mãi nên không hề biết là hương đồng gió nội có mùi đặc biệt như thế: thơm, thanh và ngọt. Tôi thì cảm thấy bình yên, thanh thản, và tự do. Bao nhiêu năm sống trong vườn thú xinh đẹp, ở trong chiếc lồng lộng lẫy, được chăm chút từng miếng ăn giấc ngủ, tôi tưởng mình là Cái Tai hạnh phúc nhất. Nhưng giờ thì tôi hiểu, có những thứ hạnh phúc thật giản đơn. Vâng, khi nghe những lời này, chắc bạn sẽ nói rằng mấy đứa trẻ ranh cũng bày đặt triết lí này nọ. Nhưng, thực sự cuộc sống luôn là bài học giá trị nhất. Những ngày lang thang cùng hai người bạn đường bất ngờ này đã cho tôi nhiều bài học quý giá. Tôi biết được ở bên ngoài vườn thú là một thế giới mênh mông, có đi cả cuộc đời tôi cũng không khám phá hết được. Tôi còn biết thế nào là tình người, là sự yêu thương, là cuộc sống lao động chăm chỉ sẽ mang lại thành quả xứng đáng. Cũng từ đó tôi hiểu ra được, vẫn còn rất nhiều bạn nhỏ đang sống cơ cực, giống như cô chủ nhỏ của Cún hay Vàng vậy. Tôi yêu cuộc sống này biết bao. Tôi cũng yêu những người bạn của tôi biết bao. Thế nhưng, ngày mai, chỉ ngày mai thôi là chúng tôi phải chia tay nhau, mỗi đứa trở về vị trí cũ của mình. Tôi không thể là Cái Tai xinh đẹp khi không thuộc về Thỏ Trắng. Cái Mũi Mèo cũng trở thành vô nghĩa cho dù nó có được gắn vào mũi Cún. Chỉ có Cún, trở về hay không, cuộc sống của nó từ trước đến nay vẫn vậy. Nó bảo, nó sẽ trở về thăm cô chủ nhỏ của nó, nhưng chắc chắn rồi nó lại tiếp tục bước “giang hồ” của mình. Một con Cún bác học biết mình phải làm gì.

Đêm nay trăng rất đẹp, gió mát, trời trong. Thường thì Cái Mũi hay kiếm chuyện gì đó để chọc cho cả ba cùng cười. Cún hay kể những câu chuyện mà nó gặp. Nhưng đêm nay, cả ba chúng tôi đều im lặng. Sau sự việc xảy ra ban chiều, cùng “nỗi nhớ nhà” khiến cả ba chúng tôi quyết định trở về. Vâng, phải trở về thôi. Chúng tôi phải trở về nơi chúng tôi đã ra đi. Dù sao, mỗi đứa đều có một “ngôi nhà” của mình. Dù sao, chúng tôi cũng luôn có người chờ đợi và mong ngóng. Với riêng tôi, thì có hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ đang chờ đợi tôi trở về. Hẳn bọn chúng sẽ lo cho tôi lắm lắm.

Trước lúc chia tay, có biết bao điều tâm sự với nhau, thế nhưng, lại chẳng biết phải nói gì. Khi Cái Mũi tỏ ra luyến tiếc và buồn bã vì liệu chúng tôi có còn gặp lại nhau không, Cún bác học bèn triết lí:

– Trái đất tròn. Tớ nghe con người hay nói vậy đó. Biết đâu ngày đẹp trời tụi mình sẽ hội ngộ.

Tôi cũng hùa theo:

– Đúng rồi đó. Rồi một lúc nào đó các cậu sẽ được chủ dẫn vào vườn thú thăm tớ. Tớ sẽ dành hẳn cho hai cậu một suất đặc biệt.

Cả ba chúng tôi cùng cười trong niềm vui, sự bịn rịn, nỗi luyến tiếc và cả hy vọng nữa. Riêng Vàng, nó lặng im mang rất nhiều tâm sự. Tuy không nói ra nhưng tôi biết nó không nỡ rời xa chúng tôi nhưng cũng không thể từ bỏ ngôi nhà của mình.

Chúng tôi nằm lặng im bên nhau trong những phút giây còn lại.

Ngày mai, chúng tôi chia tay.

Ngày mai, chúng tôi trở về.

Nhưng, trái đất tròn, tôi cũng tin thế.

PHƯƠNG HUYỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.