Vanvn- Theo lời Vàng thì bố của cô bé bị mất do một tai nạn giao thông. Ông là công nhân vệ sinh. Ông đã làm công việc đó gần hai mươi năm. Một đêm mưa, ông cố làm xong đoạn đường cuối rồi mới về, đột nhiên bị một chiếc xe ô tô sang trọng đâm vào. Khi đó khoảng bốn giờ sáng nên đường phố hãy còn vắng vẻ. Lúc ngã gục, ông còn kịp nhìn thấy gã lái xe bước xuống, ngó nghiêng, rồi không thấy ai nên gã nhanh chóng leo lên xe chuồn mất…

>> Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú – Kỳ 1
>> Cái Tai và cuộc phiêu lưu kỳ thú – Kỳ 3
Phát hiện mới mẻ từ Cún
Những ngày sau đó rất vui. Dường như hai đứa chúng tôi quên hết mọi chuyện buồn xảy đến với mình. Chúng tôi chơi đùa, nhảy múa, hò hét. Cảm giác tháo cũi sổ lồng có lẽ chính là những gì mà hai chúng tôi đang tận hưởng lúc này.
Chơi mấy hôm toàn những trò cũ, cả hai đứa đâm chán. Cún đề nghị:
– Hay là tụi mình phiêu lưu thử một chuyến xem. Dù gì thì coi như cả hai đã bỏ nhà đi, vậy hãy đi cho biết đó biết đây.
Tôi thấy ý này cũng hay. Lúc một mình tôi còn cảm thấy có chút sợ hãi, nhất là khi bị lão chuột cống mon men rình mò. Nhưng từ khi có Cún, tôi cảm thấy mình can đảm hơn rất nhiều. Cún bảo chúng tôi cứ đi. Đi tới đâu, hay tới đó. Dù sao thì Cún cũng chưa thể trở về lúc này, còn tôi thì vẫn muốn ở bên ngoài một thời gian nữa.Thế là chúng tôi lên đường.
Ban đầu chúng tôi đi qua những cánh đồng bát ngát mênh mông. Chúng tôi gặp rất nhiều trẻ nhỏ. Trẻ con ở vùng nông thôn không nuột nà, trắng trẻo, tinh tươm như trẻ con thành phố mà tôi gặp. Thế nhưng, bọn chúng lại đáng yêu vô cùng. Những đứa trẻ đồng ruộng không bị nhốt sau những khung cửa kín mít với chú bẹc-giê làm vệ sĩ bên cạnh. Những đứa trẻ đồng ruộng cũng không phải bịt kín từ đầu đến chân khi ra đường. Những đứa trẻ này lấm lem bùn đất, nhưng chúng có tiếng cười sảng khoái và ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo. Cún ra vẻ hiểu biết, giảng giải cho tôi nghe:
– Trẻ con nông thôn là vậy đó. Chúng sinh ra và lớn lên tự nhiên như cây cỏ. Chúng không được bảo bọc kỹ lưỡng bởi cha mẹ chúng là nông dân chân lấm tay bùn. Nhưng cũng vì vậy mà đề kháng chúng rất tốt. Nói theo khoa học là chúng được hấp thụ vitamin D từ ánh sáng mặt trời đủ để khỏe mạnh.
– Trời đất, – tôi la lên, – cậu nói chuyện cứ như là nhà khoa học vậy.
– Có gì đâu, quan trọng là mình biết nghe ngóng và quan sát thôi. Thực ra thì từ lúc lên thành phố trọ, mẹ của cô chủ tớ làm nghề thu mua ve chai. Ngày nào cũng vậy, bà mang về nhà rất nhiều đồ phế thải, trong đó có sách báo cũ. Cô chủ tớ thì rất ham đọc, lại thích đọc cho tớ nghe. Ban đầu cô đánh vần lâu ơi là lâu làm tớ cũng ngán tận cổ. Có khi cô đánh vần được hai hàng thì tớ đã ngủ khò. Thế nhưng, lúc cô đọc thông thạo hơn thì tớ được biết nhiều thông tin lắm.
– Cậu có để ý thấy trẻ con thành phố thường mắc phải một căn bệnh rất khó chữa không? Đó là bệnh béo phì, hay còn gọi là thừa cân, nhưng rất yếu ớt. Những đứa béo phì do ăn quá nhiều đồ béo, đồ ngọt. Cha mẹ thường có tâm lý lo sợ con mình gầy, thiếu cân, thế là bắt con ăn đủ thứ, kể cả sơn hào hải vị. Đến một lúc đứa bé phát phì lại khó kiềm chế. Bởi vì khi ấy hình như chúng luôn thèm ăn vô độ. Cha mẹ thấy vậy, dù biết không tốt cho con cũng khó mà cấm con được. Thế là bác sĩ cũng đành bó tay. Mà những đứa trẻ này thường rất lười vận động. Hơn nữa, ngoài giờ lên lớp hoặc thi thoảng đi chơi với cha mẹ, chúng ít được ra ngoài. Lười vận động, thiếu ánh nắng tự nhiên và không khí trong lành khiến chúng dễ ốm yếu. Trong khi đó, trẻ con nông thôn không được tẩm bổ nhiều của ngon vật lạ, vì đơn giản là chẳng có những thứ đó cho chúng ăn, nhưng chỉ cần ăn đầy đủ bữa là khỏe mạnh rồi.
Lại một lần nữa, tôi không giấu được sự ngưỡng mộ dành cho Cún. Người ta vẫn bảo, chó là loài thông minh. Lúc còn trong vườn thú, tôi từng thấy những con chó được huấn luyện làm toán, làm xiếc. Làm xiếc thì không khó. Chúng được dạy đi dạy lại một chuỗi động tác. Trước lúc học, chúng bị bỏ đói. Trải qua huấn luyện, con nào làm tốt sẽ được ăn. Cứ theo động tác của con người mà làm. Dần thành quen. Còn làm toán mới là điều đáng nói. Thực ra thì bọn chúng không thể cầm phấn hay cầm bút viết như người. Thầy giáo của chúng sẽ viết những phép cộng trừ đơn giản lên bảng, sau đó bọn chúng có nhiệm vụ đưa ra đáp án. Đáp án bằng bao nhiêu chúng sẽ sủa lên chừng ấy tiếng. Mọi người thường rất khoái xem lớp học của các chú chó thông minh. Lúc nào những chú chó cũng sủa đúng số lần với đáp án. Thế nhưng, theo suy đoán của tôi thì có lẽ có những ký hiệu đặc biệt nào đó mà bọn chó có thể nhận biết để luôn đưa ra đáp án đúng. Bởi thực sự tôi chưa tâm phục khẩu phục về trí thông minh của bọn chúng. Thế nhưng, càng tiếp xúc, trò chuyện với người bạn mới này, tôi càng cảm thấy vô cùng thú vị.
Cái Tai và Cún con kết bạn mới
Ai đã từng được nằm trên những đống rơm mới sau mùa gặt mới hiểu được thế nào là mùi của rơm rạ, mùi của đồng nội. Đêm đầu tiên rúc mình trong đống rơm còn thơm mùi lúa mới, cả hai chúng tôi cứ thao thức mãi. Trăng mười bốn sáng dịu, ngọt ngào. Lần đầu tiên trong đời, tôi được thấy trăng đẹp đến thế. Lúc ở trong vườn thú, tôi chẳng biết trăng là gì. Đêm nào cũng chỉ thấy ánh điện vàng vọt, hơi nóng bức bao phủ không gian cả vườn thú. Sau này khi thực hiện chương trình tiết kiệm điện, những bóng đèn tròn, đèn chùm được thay bằng đèn compact lại hắt một thứ ánh sáng chói lóa, khó chịu đến mức đôi khi tôi cảm thấy rất dị ứng. Hơn nữa, vườn thú lâu đời nên có nhiều cây cổ thụ, cành lá đan dày, thành thử, nếu không có đèn cũng khó mà thấy trăng. Đêm nay tôi thỏa thích ngắm trăng đẹp một cách lạ kỳ. Thấy tôi cứ nghệch mặt ra nhìn, Cún phì cười:
– Cậu tìm chú Cuội hay chị Hằng?
Tôi lại được một phen ngơ ngác. Lúc này, Cún cho tôi thấy anh chàng còn có cả kiến thức văn học uyên thâm. Cún kể cho tôi nghe chuyện “Nói dối như Cuội”. Rồi Cún ngân nga:
Chú cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Bài đồng dao thật lạ. Cún bảo Cún không hiểu ý nghĩa nó ra sao. Chẳng là hồi đó nghe tụi trẻ con đọc nhiều lần rồi thuộc. Mà có lẽ tụi trẻ cũng chẳng hiểu, hoặc không muốn tìm hiểu nội dung, ý nghĩa của những bài đồng dao ấy. Những bài học trên lớp đã khiến cho tụi nó cảm thấy mệt mỏi. Được cưỡi trâu, cưỡi bò, mò cua, bắt cá, hát những bài đồng dao hay những bài vè truyền miệng chính là niềm vui dân dã của chúng.
Cún lại nói Cún nhớ những ngày lang thang đi mót lúa, mót khoai cùng mẹ con cô chủ nhỏ. Cực khổ thấu trời. Cún chỉ nói có vậy rồi im lặng. Tôi hiểu Cún đang nhớ và thương cô chủ nhỏ bất hạnh của mình. Nghĩ đến cô bé, tôi tự hứa với lòng, lúc nào trở về vườn thú, tôi nhất định sẽ dành tặng cho cô bé chiếc thẻ đặc biệt. Với chiếc thẻ này, cô bé có thể ra vào vườn thú bất kỳ lúc nào cô bé muốn. Mà nếu được, tôi còn muốn dành tặng chiếc thẻ đó cho nhiều đứa trẻ khác nữa – những đứa trẻ kém may mắn.
Nằm ngắm trăng chán, Cún quay ra chơi trò bắt bóng. Cậu chàng nhảy loi choi như bị ai thọc lét. Vừa nhảy, vừa cười, có lúc lại rên gừ gừ một cách khoái trá. Tôi vẫn thả hồn theo ánh trăng, thỉnh thoảng quay qua cổ vũ người bạn đường thông thái đáng yêu của mình. Đến lúc mệt nhoài, Cún lăn mình vào đống rơm thở phì phò.
Sau một hồi im lặng, tôi bỗng nghe một tiếng đập khá lớn cùng những tiếng sủa gắt gỏng: gâu, gâu, gâu. Tôi hốt hoảng bật dậy vì nghĩ có chuyện lớn. Suốt chặng đường chúng tôi đi cùng nhau, Cún rất ít sủa. Lâu lâu nó mới sủa lên một tiếng khi nghi ngờ có kẻ thù. Thế nhưng, tiếng sủa này hoàn toàn khác. Tôi nhìn quanh, Cún cũng dáo dác, tiếng sủa càng lúc càng lớn.
– Cậu làm sao vậy?
– Tớ không biết, có cái gì đó rất lạ? Mà… hình như tớ ngửi thấy mùi mèo. Cậu có thấy gì không?
– Tớ có thấy gì đâu. Hay là cậu đánh hơi nhầm.
– Không thể. Tớ chắc chắn. Mà hình như… nó ở rất gần mũi tớ.
Cún dừng lại, dí sát mõm vào tôi. Tôi vừa kịp trông thấy một cái gì đó rất lạ… không phải là mèo. Theo phản xạ, tôi nhảy thụt lùi.
– Cậu… cậu nhìn thấy cái gì? Nói cho tớ biết đi.
– Ha… ha… meo… meo
– Đúng là mèo rồi. Mày trốn ở đâu vậy? Ra ngay đi.
– Hi… hi… tớ là chiếc mũi của cậu nè.
Cún hốt hoảng, lắc đầu lia lịa.
Tôi bình tâm lại và nhìn kỹ vào mặt bạn mình một lần nữa. Thì ra là… Cái Mũi Mèo.
– Hi… hi… cậu là chó mà cũng sợ mèo sao?
Cái Mũi cất tiếng hỏi Cún khi nó vừa nhảy khỏi mặt Cún. Cún nhe nanh, hai hàm răng nó trắng cũng chẳng thua lão chuột cống mà tôi gặp khiến tôi lại một phen rùng mình.
– Mày ở đâu tới đây?
– Ơ, bất lịch sự ghê chưa. – Cái Mũi trêu chọc.
– Tao hỏi mày ở đâu tới đây? – Cún chưa hết bực tức và đề phòng.
– Cậu phải đổi cách xưng hô thì tớ mới nói chuyện với cậu. Tại sao tớ nghe cậu nói chuyện với Cái Tai rất là lịch sự mà.
– Cái Mũi này chắc là của một ả mèo lắm chuyện đây. – Cún thầm nghĩ rồi dịu giọng.
– Tại sao cậu lại leo lên đầu tớ mà ngồi chứ? Bộ hết chỗ rồi sao? – giọng Cún đầy hậm hực.
– Vậy có phải dễ nghe không, – Cái Mũi vừa nói vừa cười vẻ đắc thắng, – tớ tính thử xem nếu cậu có hai Cái Mũi thì cậu sẽ đánh hơi như thế nào đó mà.
Trời đất ơi, đúng là sự lạ khó lường: Cái Tai Thỏ, Con Chó và Cái Mũi Mèo. Ba chúng tôi gặp nhau trên bước đường phiêu bạt và trở thành bạn đường của nhau.
Từ lúc có thêm Cái Mũi, tôi lại còn biết thêm nhiều chuyện vui buồn của con người. Và cũng từ đó, cuộc phiêu lưu của chúng tôi thêm phần thú vị.
Cái Mũi cũng biết dỗi
– Tớ là chiếc mũi của con mèo được cưng nhất, thiệt đó.
Cái Mũi cứ nhắc đi nhắc lại cái điệp khúc đó từ lúc nó gặp chúng tôi.
– Mọi người, kể cả người trong nhà lẫn khách đến chơi ai cũng khen mèo mun là con mèo thông minh, giỏi giang. Mà tớ hỏi các cậu, mèo để bắt chuột, mà để bắt được chuột thì trước hết cần phải đánh hơi giỏi phải không? Nhờ tớ chứ còn ai. Vậy mà hắn chẳng bao giờ trân trọng tớ. Tớ nói thiệt, đánh hơi bọn chuột thì tớ khoái thiệt, nhưng mà xơi chúng thì tớ chẳng thích tí nào. Tớ là mèo nhà mà, đâu phải mèo hoang. Tớ chỉ khoái món cá chiên với tép rim thôi hà.
Vừa nói Cái Mũi vừa khụt khịt ra vẻ thèm thuồng. Còn Cún ta thì nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu rồi buông một câu:
– Đúng là cái giọng nhà giàu.
Cái Mũi làm như không nhìn cũng như không nghe thấy thái độ khó chịu của Cún, nó lại kể tiếp:
– Cô chủ xin chúng tớ (có nghĩa là cả con mèo mun đó) từ một người bạn. Nhà tớ tới 5 anh em lận, mỗi đứa được cho về nhà một người bạn của cô chủ cũ. Lúc đó tớ bé tí, mới biết ăn nên chẳng nhớ gì hết. Tớ chỉ nhớ hôm cô chủ đến đón chúng tớ là một ngày mưa tầm tã. Nhưng không sao vì cô chủ rước tớ bằng taxi mà. Đó cũng không phải là lần đầu tiên tớ được đi taxi đâu nha. Sau này, nhiều lúc tớ vẫn cùng cô chủ ngao du phố xá bằng taxi vì bà chủ không muốn cô chủ đi xe máy sẽ phải hít bụi đường. Nói thiệt, đi taxi thì sang trọng nhưng mà cả bọn tớ lẫn cô chủ đều không thích bởi vì chẳng thoải mái chút nào. Tớ ghét kinh khủng mùi xe, mùi da của những chiếc ghế. Nó làm tớ nhảy mũi liên tục. Tớ khoái hít thở không khí đường sá, tuy có hơi bụi bặm nhưng đã lắm.
Cái Mũi kể say sưa về quãng thời gian được ở trong ngôi nhà sang trọng nào đó. Có vẻ như nó rất yêu cô chủ nhỏ của mình. Vậy mà không hiểu sao nó lại bỏ đi. Cả tôi và Cún đều thắc mắc điều đó nhưng không đứa nào muốn chen ngang dòng hồi tưởng của Mũi. Chúng tôi im lặng chờ đợi.
– Nhà cô chủ tớ là một căn biệt thự to nhất vùng.
Cún lại khịt mũi. Có vẻ như Cún cũng giống những đứa trẻ, nhất là những đứa trẻ hay bị phân biệt đối xử chỉ vì chúng nghèo. Cún đã sống cuộc đời của một kẻ lang thang, bị săn bắt, bị rượt đuổi. Cún đã từng đứng ngoài hàng rào những ngôi nhà kín cổng cao tường ngắm nhìn những con chó khác được tắm rửa bằng xà bông thơm, mặc áo bông hoa sặc sỡ. Cún cũng nhiều lần lang thang công viên và hiểu một con chó giàu có được cưng chiều thì sẽ được dắt đi tè đường hoàng mà không bị ai rượt đuổi vì tè bậy. Cả tôi và Cái Mũi đều có cuộc sống khác xa chú Cún đáng yêu này. Thế nhưng, Cún chỉ tỏ vẻ khó chịu một tí xíu rồi lại gác đầu lên người tôi lắng nghe tiếp.
– Ban đầu, tụi tớ cảm thấy thích thú vô cùng vì tha hồ vui chơi mà không cảm thấy chán nản tí nào khi sống trong một khuôn viên rộng lớn. Những lúc cô chủ đi học, bọn tớ chui rúc khắp nơi, khám phá đủ thứ. Khu vườn là nơi tớ thích nhất. Ở đó có hầu hết các loại hoa.
Cún lại khịt mũi, lần này coi bộ khó chịu hơn lần trước.
– Mèo mà cũng bày đặt thích hoa. – Giọng Cún nghe khàn khàn.
– Chẳng lẽ mèo không có quyền được thích hoa sao? Cậu đúng là nhà quê.
Bị chê là nhà quê, Cún gằn lên một tiếng nhỏ xíu trong cổ họng. Tôi sợ Cún không kiềm chế được nó sẽ nhào tới vồ lấy Cái Mũi mà nhai cho bõ tức. Nhưng không, Cún một lần nữa lại tỏ ra là một con chó quân tử. Tôi liên tưởng Cún giống như những chú bé đường phố biết cư xử.
– Có điều lạ, chơi được một thời gian thì bọn tớ cảm thấy chán. Lúc đầu tớ cứ tưởng do được nuông chiều quen nên đâm hư đốn, nhưng không phải.
– Bởi vì bọn cậu cũng chỉ là một con mèo. – Cún lại lên tiếng.
– Cậu nói đúng. Mà là Mèo thì không thể không bắt chuột. Canh những lúc cô chủ đi vắng, bọn tớ bắt đầu lao vào lùng sục. Ban đầu, thật chẳng dễ tìm ra những nơi có thể có bóng dáng của lũ chuột. Nhưng tớ không tin, bất cứ căn nhà từ bình thường cho đến sang trọng nào cũng có thể thấp thoáng bóng dáng những con chuột xấu xí. Mấy ngày trời, bọn tớ lùng sục gần như khắp căn nhà, khu vườn. Mỗi lần tớ đánh hơi thấy khả nghi là bọn tớ lại miệt mài đào bới, nhưng vô vọng. Có điều, như vậy phần nào cũng làm cho bọn tớ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi cứ phải nằm ườn trước hiên nhà hay lang thang ngắm hoa. Tuy nhiên, sau những lần lao vào tìm kiếm, bao giờ cả thân mình mèo mun cũng lấm lem bùn đất. Có những khi, cả người nồng nặc những mùi khó chịu. Mỗi lần đi học hay đi đâu đó về, cô chủ chưa kịp tắm rửa cho bản thân mình đã phải ôm ngay mèo mun đi xử lý. Và chỉ sau khoảng hai mươi phút, bọn tớ thơm tho trở lại. Lúc ấy cô chủ thường đánh yêu lên tớ (là chiếc mũi đó) bảo đừng có hư đốn như thế. Một con mèo ngoan là không nghịch ngợm phá phách mà phải biết vâng lời. Tớ biết cô chủ không hiểu những gì bọn tớ đang làm. Tớ dụi dụi chiếc mũi xinh đẹp của mình vào tay cô chủ để nói cho cô biết bọn tớ đang muốn làm việc, lao động, muốn là một con mèo đích thực. Bởi vì, nếu không bắt được chuột, thì không phải là mèo. Thế nhưng, cô chủ lại không hiểu. Cô ôm bọn tớ vào lòng, gãi gãi lên tớ, vuốt ve bộ lông đã được chải một cách khéo léo rồi đi lấy thức ăn cho bọn tớ. Mỗi ngày của chúng tớ đều kết thúc bằng một bữa no sực mùi các loại cá.
Cún nằm im có vẻ như đã ngủ. Nhưng tôi biết nhà hiền triết của chúng tôi đang lắng nghe rất chăm chú. Tiếng thở của cậu ấy rất nhẹ, khẽ khàng bên cạnh tôi. Tôi vắt phần đuôi chiếc tai đặc biệt của mình ngang người Cún để cậu cảm nhận thật rõ rằng dù không có gia đình bên cạnh, cậu ấy cũng không lẻ loi. Chúng tôi đang ở cạnh nhau. Cún không chỉ là ân nhân cứu mạng tôi, mà cậu ấy còn là một người bạn đường đáng tin cậy.
Chiếc Mũi vẫn kể say sưa về cuộc kiếm tìm của mình. Sau những vất vả sục sạo, cuối cùng mèo Mun cũng đã tìm đến được cái nhà kho bí hiểm mà trước đó chưa bao giờ cô chủ dẫn chú tới.
“Ban đầu, bọn tớ có đôi chút sợ hãi vì hình như đó là một căn phòng bí mật. Tớ nhìn thấy một tấm bảng đặt ngay cửa, giống như kiểu “không phận sự miễn vào”. Bọn tớ đi xung quanh do thám. Nhưng quả thực, để đột nhập vào căn nhà kho đó chẳng dễ chút nào. Sau cả tiếng đồng hồ tìm kiếm, chúng tớ mới tìm ra cái lỗ thông gió nhỏ xíu có thể chui lọt. Chắc các cậu khó mà tưởng tượng được nỗi phấn khích của bọn tớ đâu. Tớ cảm thấy mình run lên vì vui sướng, bởi tớ tin chắc tớ sẽ tìm ra được những kẻ chuyên đi ăn trộm ở đấy.
Khi chui qua cái lỗ thông hơi ấy, tớ cảm nhận một làn hơi lạnh lẽo bao trùm. Căn phòng tối om. Phải mất mấy chục giây Mèo Mun mới quen được với ánh sáng mờ mờ ảo ảo trong căn phòng. Thì ra đó là một nhà kho. Tớ sướng rơn, bởi vì tớ biết cái nhà kho nào cũng lộn xộn như nhau, đủ thứ đồ dùng được dự trữ tại đây và vì vậy nó luôn là lãnh địa trú ẩn của bọn chuột. Ngay khi lấy lại tinh thần, tớ bắt đầu đánh hơi. Đúng như dự đoán, tớ phát hiện ra ngay đối tượng. Nhưng một lần nữa, bọn tớ nhận thấy không hề dễ dàng. Tuy là mèo, nhưng chưa bao giờ bọn tớ bắt chuột cả. Tuy nhiên, bản năng lại mách bảo rằng bọn tớ sẽ làm được. Và các cậu biết không, sau hơn nửa ngày vật lộn, bọn tớ đã lôi cổ được lão chuột chù to đùng ra khỏi hang ổ. Các cậu không thể tưởng tượng được đâu, lúc mà hai chân trước của Mèo Mun quặp cổ lão chuột to vật vã, hai chân sau ép sát bụng lão, tớ có cảm giác như cả thân mình Mèo Mun đang rung lên vì khoái trá. Nhưng đến khi bọn tớ mang được chiến lợi phẩm về đến trước căn biệt thự, Mèo Mun như mất hết sức lực, nó nằm lăn ra. Còn tớ, chiếc mũi xinh đẹp thì gần như ngạt thở. Chẳng biết hơi ở đâu mà lắm thế, đua nhau trào ra.
Cô chủ vừa đi học về, trông thấy bọn tớ te tua tơi tả thì mặt mũi méo xẹo, hết lật bên này, lại lật bên kia. Nhưng khi phát hiện ra lão chuột chù nằm chết dí trước sân thì cô chủ hiểu ngay. Cô chủ tự tay tắm rửa cho bọn tớ, lấy sữa cho uống rồi ủ vào chiếc chăn thơm ơi là thơm. Chiều hôm ấy, Mèo Mun đánh một giấc no say đến khi mặt trời lặn mới tỉnh.
Sau chiến thắng oanh liệt đó, bọn tớ tiếp tục lên kế hoạch thăm dò để diệt cho sạch bọn chuột trong nhà kho. Phải nói, đó là những ngày tuyệt vời nhất mà tớ trải qua. Những cuộc phiêu lưu, những giây phút hồi hộp đến nghẹt thở, cả những lúc tưởng như cận kề cái chết. Các cậu biết không, chiến công của bọn tớ là bắt được cả tá chuột sau một tháng ròng. Nhưng, khổ nỗi, ngoài cái nhà kho ra, chẳng còn chỗ nào trong căn biệt thự đó có chuột. Sau khi tiêu diệt hết lũ nó, bọn tớ lại trở về trạng thái nhàn rỗi. Buồn bực, khó chịu, Mèo Mun bắt đầu nảy sinh những tích cách kỳ cục. Ban đầu nó xoi mói tớ bằng cách thỉnh thoảng lại nhéo một cái xem tớ có phản ứng gì không. Hẳn Mèo Mun nghĩ tớ bị điếc, có nghĩa là không thể đánh hơi được nữa. Ý nó là không phải không có chuột, chẳng qua do tớ không biết đánh hơi. Tớ khẳng định tớ hoàn toàn tỉnh táo, lành lặn. Tớ có thể đánh hơi được lũ chuột cách cả nửa cây số. Nhưng sự thực thì chẳng có một mống chuột nào xung quanh đó cả. Nó không tin. Nó nằm khểnh săm soi hai chi trước, vuốt ve hai chi sau. Có vẻ như bốn chi của nó, cộng với hai hàm răng nữa, vô cùng ngứa ngáy, khó chịu. Rồi nó cào cào lên tớ. Nhưng, như thế tớ vẫn chịu được. Chỉ đến khi, nó dùng đuôi để ngoáy vào bên trong tớ, tớ mới thực sự nổi khùng. Ban đầu, tớ nhột kinh khủng, nên tớ cười lăn lộn. Sau đó, nó thấy tớ không chịu nổi thì cứ làm tới tới. Rồi dần dà, nó đâm ghiền cái trò ngoáy mũi bằng đuôi. Các cậu đã từng thấy bọn trẻ con chuyên dùng tay ngoáy mũi chưa? Ôi, thật kinh khủng. Tay bọn chúng vừa cầm đồ chơi, bốc thức ăn, thậm chí vọc đất cát nữa, vậy mà chúng thản nhiên đưa lên ngoáy mũi. Các cậu không biết chuyện đó mất vệ sinh như thế nào đâu. Tớ đã từng thấy có con bé con đến nhà cô chủ tớ chơi, con bé khoảng hai tuổi, sau khi nó lăn lê bò trườn chán chê trên sàn nhà, vật lộn với cả tớ nữa chứ, rồi nó thản nhiên đưa tay lên mũi ngoáy. Nhưng mà chưa hết đâu. Ngay sau khi lôi được một tí xíu vật cứng cứng mà người ta gọi là ‘cứt mũi’ ấy, nó lại thản nhiên bỏ vào miệng. Ôi, gớm chết đi được.”
Lại “ôi”! Những tiếng “ôi” cứ liên tục thoát ra từ Cái Mũi xinh đẹp. Hơn ai hết, tôi là người hiểu Cái Mũi nhất, bởi vì một trong những lí do mà tôi ra đi cũng giống như Cái Mũi vừa kể. Chỉ khác một điều, tôi bị ép buộc làm việc đó, còn Cái Mũi thì phải chịu đựng việc đó.
Câu chuyện của Cái Mũi vừa dứt, tự nhiên Cún lăn ra cười sằng sặc như bị hóc xương. Cười chán, nó bảo:
– Tại các cậu ở sạch quá làm chi. Tớ thấy chuyện đó rất ư bình thường. Những ngày lang thang, tớ toàn chơi với bọn trẻ con nhà nghèo. Bọn chúng ngoáy mũi, ngoáy tai, thậm chí cả… liếm mũi cũng chẳng thấy bị ai la mắng gì cả. Người lớn hay bảo “chuyện vặt ấy mà”.
– Nhưng như vậy là mất vệ sinh, là rất dễ bị bệnh, là… kinh tởm lắm cậu biết không? – vừa nghe Cún nói, Cái Mũi lập tức phản ứng. – Vi trùng, vi khuẩn có mặt khắp nơi, chỉ chờ cơ hội là tấn công ngay tức khắc. Chưa nói đến chuyện thiếu thẩm mỹ nữa chứ.
Tôi cứ tưởng Cún sẽ lại bật cười thật to để trêu chọc Cái Mũi. Nhưng không, mặt nó buồn hiu, giọng trầm tư y như lúc nó kể về cuộc sống của cô chủ nó:
– Thực sự, cũng là do cuộc sống cả thôi các cậu à. Tớ lang thang nhiều nên tớ biết, trẻ con nhà nghèo khổ lắm.
Từ lúc đó, cả ba chúng tôi im lặng, mỗi đứa theo một dòng suy nghĩ riêng. Cả tôi và Cái Mũi ra đi vì sự bất bình. Tôi thì bị bắt buộc phải ngoáy mũi, cái việc mà tôi hoàn toàn không thích. Còn Cái Mũi thì không chịu nổi sự thô bạo và mất vệ sinh vì bị chọc ngoáy. Thế nhưng, sau câu chuyện ngoáy mũi mất vệ sinh, thiếu thẩm mỹ ấy thì với Cún là cuộc sống của những đứa trẻ nghèo không được chăm sóc, đói ăn, bệnh tật. Cún sâu sắc hơn chúng tôi là vậy.
Câu chuyện về trái tim
Một buổi trưa, khi cả ba chúng tôi đang nằm nghỉ dưới một tán cây, Cún hỏi tôi:
– Khi cậu đi khỏi vườn thú, cậu nghĩ gì?
Ôi, lại là một cách hỏi của nhà hiền triết.
– Tớ chỉ muốn thoát khỏi Thỏ Trắng để cậu ấy nhận ra giá trị của tớ và ân hận về những gì đã làm với tớ. – Tôi trả lời và chờ đợi sự phán xét, bởi sau những ngày làm bạn với cậu ấy, tôi hiểu, mỗi lời nói của cậu ấy đều ẩn chứa những hàm ý sâu xa.
– Cậu là một Cái Tai nổi tiếng.
– Đã có lúc tớ rất hãnh diện vì điều đó, nhưng giờ thì không.
– Cậu là niềm mơ ước của tất cả các cô cậu bé trên đất nước này và có thể là cả trên thế giới nữa đấy.
– Tớ biết, nhưng lúc này thì cũng không. Tớ đang ở một nơi rất xa, tớ không thể giúp những đứa trẻ thôi khóc, biết nghe lời hoặc chỉ là cảm thấy vui sướng.
– Cậu vẫn có thể làm được điều đó, nếu cậu muốn.
– Tớ không thể, bởi vì tớ chỉ là một Cái Tai. Các bạn nhỏ thích nhìn tớ khi tớ trên đầu Thỏ Trắng kìa.
– Không cần phải nhìn thấy cậu, cậu cũng có thể làm cho họ vui.
Tôi vẫn chưa hiểu Cún đang muốn ám chỉ điều gì. Thực sự, lúc ra đi tôi cũng từng nghĩ, tôi muốn đến với những đứa trẻ ngoan, biết vâng lời. Tôi rất muốn được mang niềm vui đến cho ai đó. Nhưng, làm thế nào thì tôi hoàn toàn không biết.
– Cậu biết không, có những cô cậu bé từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được bố mẹ mua cho đồ chơi.
Cách nói của Cún cho tôi biết Cún đang chuẩn bị kể cho tôi nghe một câu chuyện, hoặc một cuộc đời.
– Tớ biết bé Na lúc tớ bắt đầu lang thang ra khu chợ. Cô bé là con một đôi vợ chồng mù. Thiệt khó mà tin được, hai vợ chồng mù, xấu xí nữa nhưng lại sinh ra một bé con vô cùng kháu khỉnh. Bé Na mắt to, sáng long lanh, da trắng. Nói chung là nó rất xinh. Nếu nó được khoác lên mình những chiếc áo rực rỡ như những cô bé con nhà khá giả khác, chắc chắn nó sẽ giống một nàng công chúa xinh đẹp. Song nó chỉ là một cô bé lọ lem nghèo khổ. Nhưng nó không buồn vì điều đó, thực ra là chưa biết buồn, bởi nó còn quá nhỏ, chưa hiểu được thế nào là giàu sang và nghèo khổ, nó cũng chưa biết được cuộc sống của nó sau này sẽ ra sao. Hàng ngày nó theo ba mẹ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán vé số. Cứ khoảng một tuần thì lại thấy gia đình nó ngồi ở cổng chợ. Điều đặc biệt là khi nhìn vào gia đình nó ai cũng có cảm giác một bầu trời u ám đang đè nặng. Nhưng không phải vậy, gia đình nó lúc nào cũng vang tiếng cười nói, đùa vui. Tớ thấy cả nhà nó rất hạnh phúc. Nhưng tớ vẫn thường xuyên bắt gặp ánh mắt nó nhìn đăm đăm vào cửa hàng đồ chơi một cách thèm thuồng. Nó chưa bao giờ có một món đồ chơi nào khác ngoài những tờ vé số đã xổ. Nó thường dùng những tờ vé số đó để tập đếm, để chơi đồ hàng một mình. Bởi vì, cũng chẳng có đứa trẻ nào thích chơi chung với một con bé bán vé số có bố mẹ bị mù.
Lần nào cũng vậy, câu chuyện của Cún cứ cuốn tôi đi. Cún có cuộc sống khác tôi, những va chạm khác tôi nên Cún sớm trưởng thành. Cún cũng quen tiếp xúc với những mảnh đời lang bạt nên tấm lòng Cún đầy sự yêu thương dành cho những con người ấy. Cún kể rất lâu. Cún bảo đã có lần đi theo chân gia đình đó suốt một ngày trời. Và cuối cùng thì Cún biết nơi ở của họ, trong một căn miếu hoang đổ nát ở khu ngoại thành. Cún bàn với tôi nếu có dịp trở lại chúng tôi sẽ tặng cho bé Na một món đồ chơi.
– Cá kho, mùi cá kho.
Cái Mũi ở đâu xộc tới bỗng la toáng lên làm cả tôi và Cún đều giật mình.
– Tớ nói thiệt đó, tớ ngửi thấy mùi cá kho rõ ràng. Hướng này nè. Các cậu đi với tớ nha.
Nói rồi, Cái Mũi nhảy phắt lên đầu Cún. Cún lúc lắc cái đầu như muốn đẩy Cái Mũi xuống:
– Nhưng cậu đến đó để làm gì? Cậu có ăn được đâu? Mà tớ thì không hảo cá.
– Thì tớ ngửi mà. Mình đi nha. Tới gần ngửi cho nó đã.
Biết rằng Cái Mũi đã thích thì có trời mới cản nó được nên chúng tôi đành nghe theo. Vả lại, tôi biết Cún nói vậy thôi chứ thực ra suốt mấy ngày vừa qua lang thang cùng chúng tôi, việc ăn uống của nó cũng thất thường. Tuy vậy nó đã từng có một gia đình, từng có cô chủ nhỏ yêu thương, cưng nựng. Mùi cá kho, làn khói bếp khiến nó thèm lắm những bữa tối với chén cơm đạm bạc chỉ có ít đầu cá thừa, chút nước canh loãng. Có khi, nhà hết gạo, cô chủ nhỏ ăn khoai lang qua bữa, nó lại được vài cái đụt khoai chát, hoặc những vụn khoai ngọt thơm trên tay cô chủ. Với một con Cún bụi đời, có tình yêu thương sẽ giúp nó cảm thấy đầy đủ và ấm áp hơn hết thảy.
Cái Mũi chẳng khác gì một đứa trẻ hiếu động. Mặc dù đã chễm chệ trên đầu Cún tha hồ ngắm gió, vờn hoa nhưng nó vẫn không thể ngồi yên được năm phút. Cứ thoắt cái nó lại nhảy bên này, lát lại trườn qua bên kia. Những lúc cao hứng, nó còn chơi trò cầu tuột từ trên đầu xuống lưng Cún. Thật kỳ quặc, Cún chẳng bao giờ cảm thấy khó chịu khi Cái Mũi quá nghịch ngợm. Có lúc tôi còn để ý thấy Cún chun mũi một cách dễ chịu khi Cái Mũi giả bộ khều khều cổ nó. Có lẽ cu cậu nhớ cô chủ nhỏ lắm.
– Ê, tớ thấy rồi. Cậu dừng lại đi.
Cãi Mũi lại la toáng lên. Trước mặt chúng tôi, cách chừng trăm mét là một căn nhà nhỏ lợp lá. Đó chính là nơi bốc ra mùi thơm ngọt ngào quyến rũ đã thu hút chúng tôi. Như những kẻ trộm, chúng tôi rón rén tiếp cận căn nhà nhỏ. Chỉ nhìn thoáng qua cũng biết được gia đình này rất nghèo. Khu vườn của họ nhỏ xíu, lưa thưa dăm ba luống rau cằn cỗi. Ba chúng tôi mon men nép sát vào hàng rào quan sát. Cái Mũi hít lấy hít để như sợ chỉ lát nữa thôi tất cả sẽ tan biến.
– Cạp… Cạp…
Cả ba giật bắn. Một con Vịt, à không phải, một con Ngỗng ốm nhách, mỏ và chân dài ngang mình, từ trong sân phóng ra. Những bước chân đầu tiên của nó như muốn ăn tươi nuốt sống bọn tôi. Có điều, vẫn là cách dáng lạch bạch của loài Ngỗng. Nó hùng hổ lắm. Nhưng khi nhìn thấy ba kẻ kỳ dị nó bỗng khựng lại.
– Cạp, cạp.. chúng mày là ai? Sao lại lấp ló ở đây? Nhà này chẳng có gì đâu mà rình mò.
Thấy chúng tôi im lặng không phản ứng gì, nó càng tỏ ra tức giận:
– Chúng mày không thấy sao, tao cũng chẳng còn gì để ăn. Đi chỗ khác mà kiếm chác.
Cún nói nhỏ với tôi:
– Cậu nằm im nhé, để tớ nói chuyện với nó. Thằng này ra vẻ vậy thôi chứ không dám làm gì tụi mình đâu. Gầy trơ xương thế kia, chỉ cần tớ quất đuôi một cái cũng đủ làm nó gãy vài cái răng.
Cái mũi cắc cớ
– Sao cậu biết nó là thằng?
– Thì mấy thằng nhóc mới thích chứng tỏ vậy thôi – Cún lại triết lí.
Cái mũi định nhảy xổm lên cãi tiếp nhưng tôi quàng lấy nó để nó không nhảy loi choi phá đám. Tôi tin Cún có tài thương thuyết, vì với tôi Cún vốn là một nhà hiền triết mà.
– Mày tên Vàng phải không?
– Cạp, cạp… sao mày biết tên tao?
Tuy đề phòng nhưng Vàng không giấu vẻ ngạc nhiên. Cả tôi và Cái Mũi cũng ngạc nhiên không kém, sao Cún lại biết tên thằng này cơ chứ?
– Tao còn lạ gì mày – Cún cười chẳng có vẻ gì đắc chí mà ra chiều cầu hoà một cách rất thiện chí.
Cãi mũi lại loi choi, nhảy hẳn ra khỏi vòng tay tôi:
– Hả? Sao một con Ngỗng lại tên là Vàng? Ha ha. Mắc cười quá đi.
Vàng dậm chân lạch bạch, vẻ gầm gừ như chú chó vàng thực sự. Thế như cổ họng nó chỉ có thể kêu lên những tiếng cạp cạp tức tối.
Cún đưa chi trước, gạt cái mũi ra sau. Tôi lại lấy bộ lông bớt trắng của mình quàng chặt cái mũi.
– Cái áo của mày, tố cáo mày
Vàng bối rối nhìn xuống cái áo, mà không, chỉ là một mảnh vải vừa đủ quấn quanh cái cổ dài ngoẳng của nó. Miếng vải màu vàng đã ngả sang màu cháo lòng. Hẳn lâu lắm rồi, miếng vải chưa được tháo ra khỏi cổ nó để đem nhúng nước.
Nghe Cún nói xong, Vàng cụp cái mỏ dài của nó xuống. Đôi mắt nó tự nhiên long lanh như muốn khóc. Cổ họng nó cũng không còn gầm gừ những tiếng cạp cạp khó nghe nữa.
– Đúng là tao tên Vàng. Nhưng suốt cả tuần nay, chẳng còn ai gọi tên tao nữa. Có một mình, tao cũng chẳng buồn gọi tên mình.
Giọng Vàng trở nên buồn thảm. Vậy là cô chủ nhỏ của nó đang gặp chuyện gì rồi. Hay là cô ấy ốm?
Cái Mũi lại cựa quậy không yên. Nhưng tôi đã giữ nó thật chặt.
Cún tiến lại gần Vàng hơn:
– Mày có thể cho bọn tao biết vì sao không? Bọn tao có thể giúp mày.
– Bọn mày không giúp được đâu. Cô ấy ngã bệnh mấy ngày nay, trong nhà chẳng còn đồng nào nên cô chủ không có gì ăn để bồi bổ.
– Tao nghe thấy mùi cá kho mà. Mày nói dối.
Chẳng biết từ lúc nào Cái Mũi đã tuột khỏi tôi chui ra ngoài, lên tiếng. Nó đúng là Cái Mũi của con mèo háu ăn. Cứ ngửi thấy mùi cá là quên hết mọi phép tắc.
– Tao không nói dối. Mày thì biết gì. Cô bé rất thích ăn cá kho nên hôm nay mẹ cô ấy phải bán cái xe đạp cà tàng dùng đi mua ve chai hàng ngày để mua thuốc với chút cá về kho cho cô bé ăn. Mẹ cô ấy nói hy vọng mùi cá kho sẽ giúp cô bé khỏe lại. Tao đã ngồi canh cho cô bé suốt buổi. Chết rồi, để tao chạy vào xem sao. Tụi mày không được chui vào đâu đấy.
Ba chúng tôi nhìn nhau. Cún trở lại vẻ trầm ngâm của một nhà hiền triết.
– Mình có thể làm gì để giúp cô bé không?
– Làm được gì chứ? Mà có ai biết cô bé ấy bị bệnh gì đâu.
– Tao nghĩ, chắc là do thiếu ăn thôi.
– Cô bé tỉnh lại rồi chúng mày ơi. Thiệt đó. Hồi nãy thấy tao, cô bé ngoắc tao lại rồi gọi “Vàng”. Vậy là cô ấy không chết. Cô ấy không chết!
Cún nói đúng. Do hoàn cảnh quá khó khăn, chỉ mới hơn năm tuổi đầu mà cô bé đã phải ăn uống kham khổ. Thiếu chất, đuối sức, suy kiệt. Vì vậy mà chỉ cần nghe mùi cá kho là cô bé đã tỉnh lại liền.
Câu chuyện của cô chủ Vàng khiến chúng tôi chùng hẳn xuống. Cún từng nói với tôi, trên thế giới này còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay tôi mới thực sự chứng kiến một hoàn cảnh bi đát đến vậy. Khi cô bé tỉnh lại, Vàng không còn dè chừng chúng tôi nữa. Nó nằm kê cằm lên hai chân trước kể chuyện cho chúng tôi nghe (giống y con vàng thực thụ), nhưng được một lát lại chạy vào thăm cô chủ nhỏ.
Theo lời Vàng thì bố của cô bé bị mất do một tai nạn giao thông. Ông là công nhân vệ sinh. Ông đã làm công việc đó gần hai mươi năm. Một đêm mưa, ông cố làm xong đoạn đường cuối rồi mới về, đột nhiên bị một chiếc xe ô tô sang trọng đâm vào. Khi đó khoảng bốn giờ sáng nên đường phố hãy còn vắng vẻ. Lúc ngã gục, ông còn kịp nhìn thấy gã lái xe bước xuống, ngó nghiêng, rồi không thấy ai nên gã nhanh chóng leo lên xe chuồn mất. Gã sợ trách nhiệm nên chẳng kiểm tra xem ông còn sống hay đã chết. Khi những đồng nghiệp phát hiện thì ông đã mất máu khá nhiều. Rồi ông ra đi sau mấy ngày nằm viện. Từ đó, cuộc sống hai mẹ con trở nên khốn đốn. Mẹ cô bé làm tạp vụ cho một công ty nhỏ, lương không đủ sống. Lại thêm tình hình kinh tế khó khăn chung, nên bà có ngày làm ngày nghỉ. Đến một ngày, cái công việc tạp vụ bé mọn đó cũng rời bỏ bà, vì người ta không cần nữa. Cuộc sống của hai mẹ con càng thêm chật vật. Bà bắt đầu chuỗi ngày rong ruổi khắp các xóm nghèo với công việc thu mua ve chai bên cạnh đồng vốn ít ỏi…
Ba chúng tôi trầm tư trước câu chuyện Vàng kể. Cái Mũi cứ khịt khịt liên tục. Hình như nó rất xúc động, bởi nó, Cún và cả tôi nữa, chúng tôi đều có một trái tim.
Còn vì sao nó tên Vàng, bởi vì chỉ có những con Vàng, con Cún, con Ki… thì mới trông nhà. Ý là chỉ có chó mới là loài vật được sinh ra để trông nhà cho chủ. Cũng chỉ có chó, mèo, hay những con vật cực kì dễ thương như chim, như sóc mới làm bạn với chủ. Có ai, chơi với một con Ngỗng. Có con Ngỗng nào lại đi coi nhà. Vì vậy, nó phải tên là Vàng, để vừa là bạn của cô chủ, vừa là chú Vàng bảo vệ ngôi nhà nhỏ đáng thương này.
PHƯƠNG HUYỀN
(Còn tiếp)