Vanvn- Sau khi được Hội Nhà văn Việt Nam mời sang tham dự Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 và giao lưu ở Hà Nội, hai nhà thơ Hungary là Attila F. Balázs và Sándor Halmosi đã vào phương Nam thăm, dâng hương Văn Thánh Miếu Vĩnh Long và giao lưu với Trường Đại học Cửu Long.

Nhà thơ, dịch giả Attila F. Balázs – Giám đốc Nhà xuất bản AB-ART, Chủ tịch Hội VHNT Danube, hội viên các Hội Văn học Hungary, Rumania và Slovakia; nhà thơ Sándor Halmosi còn là dịch giả văn học, nhà toán học, hội viên các Hội Văn học Hungary và Rumania.
Cùng tham gia với hai nhà thơ Hungary có nhà thơ Phan Hoàng – Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Chủ biên vanvn.vn; nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu, Ủy viên Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam; hai nhà thơ ở Vĩnh Long là Trần Thái Hồng – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và bạn thơ trẻ Lê Đỗ Lan Anh cùng các nhà giáo của Trường ĐH Cửu Long
Buổi sáng, các nhà thơ nhà văn đã đến thăm, dâng hương Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Đây là di tích hợp cùng với Văn Thánh Miếu Biên Hòa ở Đồng Nai, Văn Thánh Miếu Gia Định là bộ ba Văn Thánh Miếu của Nam Bộ được xây dựng từ thế kỷ 19, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là địa chỉ văn hóa, tâm linh quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Vĩnh Long cũng như cả miền Tây Nam Bộ.

Buổi chiều ngày 7.2, đoàn nhà thơ Việt Nam và Hungary đã có cuộc giao lưu với Trường ĐH Cửu Long. Phía Trường ĐH Cửu Long có nhà thơ, nhà giáo ưu tú, PGS -TS Lương Minh Cừ – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; TS Nguyễn Thanh Dũng, Phó Hiệu trưởng cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên đam mê lĩnh vực văn học nghệ thuật; trong đó có những giảng viên người nước ngoài đồng thời cũng là các nhà thơ, nhà văn.
PGS-TS, nhà thơ Lương Minh Cừ còn là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Phát biểu tại buổi giao lưu, ông cho biết Trường ĐH Cửu Long đào tạo 4 lĩnh vực, gồm: Kỹ thuật, kinh tế, khoa học sức khỏe, khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được trường đào tạo từ ngay những ngày đầu thành lập.

“Thơ ca nói riêng và văn chương nói chung là tiếng lòng của con người hướng về những gì là chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Nó chứa đựng những buồn vui, những đau khổ, những rạo rực đắm say. Thơ ca là nhịp cầu nối trái tim với trái tim, đưa tâm hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu… Chúng tôi mong được gắn kết với đoàn nhà thơ Hungary để quảng bá hình ảnh, con người Việt Nam vươn ra thế giới” – PGS-TS Lương Minh Cừ nhấn mạnh.
Nhà thơ Sándor Halmosi bày tỏ cảm xúc khi đến Trường ĐH Cửu Long. Theo nhà thơ, thi ca có vai trò rất quan trọng, giúp chúng ta tìm lại cân bằng trong thế giới muôn hình vạn trạng. Với sự phát triển của mạng xã hội thì thơ ca giúp chúng ta kết nối những tâm hồn với nhau. Con đường đến thơ ca rất khó khăn. Chính thơ ca giúp chúng ta bước qua vùng an toàn, trở lại cuộc sống yên vui.

Dịp này, đoàn nhà thơ Hungary đã trao tặng những quyển tập thơ do chính các nhà thơ sáng tác và được dịch sang tiếng Việt cho thư viện Trường ĐH Cửu Long. Đây là nguồn tư liệu dành cho cán bộ, giảng viên, sinh viên có nhu cầu đọc, tham khảo và nghiên cứu.
Nhà thơ Phan Hoàng với tập thơ “Chất vấn thói quen” vừa được trao Giải thưởng Nghệ thuật quốc tế Danube cũng đã tặng cuốn sách cho nhà trường có chữ ký của nhiều nhà thơ, nhà giáo để làm lưu niệm.
VĂN ĐÔ – CẨM HƯƠNG