Bút ký Nguyễn Thảo Nguyên: Cảm lòng mưa xứ lạ

Vanvn- Thời trẻ con vào trời mưa, nếu không lao ra ngoài cùng đám bạn với những trò đùa nghịch, tôi thường ngồi bên hiên nhìn và nghe nhịp mưa rơi. Và, cũng từ khi ấy ở tôi đã hình thành cảm giác gần gũi, có lúc say với mưa; cho dù trong trạng thái hiếu động ướt sũng ngoài trời hay chỉ lặng yên nhìn đếm những chiếc bóng nước được tạo ra, trôi nổi rồi vỡ vụn. Đến tận bây giờ, thói quen “cảm mưa” thường theo tôi ở những chuyến đi và góp phần tạo chất liệu để tôi cầm bút.

Nhà văn Nguyễn Thảo Nguyên ở Bến Tre

1.

Mưa Huế mang nét buồn rất riêng, không đâu có! Đó là điều tôi được nghe thời ngồi đại học từ một người bạn cũng là người con đất Huế. Sau này tôi tự cảm nhận “nét buồn đặc trưng” đó, đồng thời giải đáp được nguyên nhân của nó theo trải nghiệm và suy nghĩ riêng mình: do mùa mưa ở Huế bắt đầu song hành với mùa thu gợi cảm; khi ấy những hạt mưa quyện vào không gian cổ kính của đất Thần Kinh gợi nhớ, có áng mây bàng bạc vờn núi Ngự Bình, có con thuyền xuôi dòng sông Hương qua chợ Đông Ba với câu hò mái đẩy, có tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân trầm mặc trong mưa…

Lần đầu đến Huế tôi đã được trải nghiệm một phần những không gian gợi buồn nói trên, dù các trận mưa đầu thu khi này không lớn đến mức “trắng trời” nhưng cũng thừa sức tạo “nỗi niềm” cho khách.

Buổi sáng, dòng sông Hương ngừng trôi; khách đến viếng chùa Thiên Mụ, theo lời cô hàng nước gần đó nói với tôi, trở nên thưa vắng hơn thường ngày do thời tiết. Trong màn mưa, tiếng chuông thanh tịnh từ chùa phủ trầm lên những con thuyền đang neo bến chờ đón khách, lan tỏa đến tận dãy núi mờ giăng mây phía xa. Lác đác có vài cánh phượng hồng lạc mùa treo trên những cành cây soi bóng lên mặt sông càng làm tăng nét thơ và đậm chất buồn cho quang cảnh tôi nhìn thấy, khi đứng tại sân trước tháp Phước Duyên của chùa nhìn ra xung quanh.

Ngoài các không gian gợi cảm hòa điệu mưa buồn đó, nỗi niềm trong tôi càng sâu lắng trong suy nghĩ hoài niệm về vương triều cuối cùng nước ta, một vương triều gắn liền vùng đất Thần Kinh – Huế dù đã chấm dứt sự tồn tại gần 80 năm nhưng vẫn còn để lại hậu thế nhiều tranh luận, đánh giá khác nhau; trong đó có cả sự phê phán kèm những nuối tiếc, trăn trở và ray rứt.

Một chút về lịch sử có liên quan. Năm 1558, sau khi anh ruột của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Uông bị anh rể Trịnh Kiểm sát hại, Nguyễn Hoàng đến gặp Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm hỏi kế sách. Trạng Trình lẩm nhẩm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Hiểu ý, Nguyễn Hoàng trở về xin Trịnh Kiểm cho được vào Nam, băng qua Hoành Sơn đến trấn giữ Thuận Hóa để tránh hiểm họa. Từ đây Nguyễn Hoàng lập nên nghiệp lớn, mở đầu quá trình quản lý và cai trị của các đời chúa cùng các triều vua nhà Nguyễn, kéo dài suốt gần 400 năm (1558-1945).

Giai thoại truyền rằng sau khi vào Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng nghĩ đến việc tìm nơi có địa thế tốt để xây dựng kinh đô. Một đêm ông mơ thấy một bà lão bảo ông hãy đi về hướng Đông ba dặm sẽ tìm được địa linh. Hôm sau, Nguyễn Hoàng cùng tùy tùng làm theo lời được căn dặn trong mơ đến nơi có sơn thủy hữu tình và phong thủy phù hợp. Ông hạ lệnh xây dựng đại bản doanh nơi đó và sau này được phát triển thành kinh đô của cả nước.

Vùng đất phương Nam sau cai quản của các đời chúa Nguyễn, đến năm 1802 sau khi đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long mở đầu triều đại quân chủ cuối cùng nước ta…

Buổi chiều tại khu Hoàng thành Huế, ánh tà dương nhàn nhạt xuyên qua màn hơi nước dày ngay sau cơn mưa vừa đi qua đã tạo hình ảnh mờ ảo, càng gợi niềm hoài cổ ở tôi và một số người trong nhóm khách đến. Xen trong niềm hoài cổ đó có nỗi buồn và nuối tiếc khi nhìn thấy rất nhiều nét thể hiện sự xuống cấp của Hoàng thành, một công trình kiến trúc đồ sộ mang nhiều nét độc đáo tồn tại xuyên ba thế kỷ nếu tính từ đời vua Gia Long, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Không dám lạm bàn về công – tội của một vương triều nhưng với thiển ý của mình, tôi nghĩ Hoàng thành Huế có thể đã được chăm chút giữ gìn hơn và biết đâu tâm trạng buồn, nuối tiếc trước khu di tích cổ nói trên của khách đến tham quan có thể sẽ giảm, thậm chí không còn nếu giai đoạn lịch sử triều Nguyễn được đánh giá lại theo hướng tích cực hơn trong quan điểm chính thống hiện nay.

Tại hội nghị thông tin khoa học “Một số thành tựu mới trong nghiên cứu lịch sử Việt Nam” do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức vào sáng 22/2/2017 diễn ra ở Hà Nội, giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ khóa II đến khóa VI (1990-2015) – người được đánh giá là một trong “tứ trụ” của nền sử học Việt Nam – bên cạnh việc nhắc lại hai tội lớn của nhà Nguyễn là để mất nước vào tay quân Pháp và quá bảo thủ, từ chối các đề nghị canh tân đất nước của nhiều nhà trí thức tiến bộ; đã nhấn mạnh: “Một trong những công lao rất lớn của chúa Nguyễn và nhà Nguyễn là mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, khai phá đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1757, chúa Nguyễn đã định hình được lãnh thổ Việt Nam hiện nay từ phía Bắc vào Cà Mau, từ Tây Nguyên ra biển, bao gồm cả vùng biển, các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Nhà Nguyễn có công rất lớn trong việc hình thành và định hình một nhà nước thống nhất và xác lập lãnh thổ – không gian sinh tồn của nước Việt Nam. Công lao của nhà Nguyễn về phương diện này không thể chối cãi. Đã đến lúc cần nhìn rõ công, tội của nhà Nguyễn.”. (Nguồn: Tuổi trẻ online 23/2/2017.).

2.

Nói đến mưa rừng, người ta dễ có suy nghĩ đó là những cơn mưa thật to kéo dài, có khi là lê thê. Mưa rừng tạo cho tôi nhiều cảm nhận khác nhau về thiên nhiên, khi rất dữ dội cũng có lúc âm trầm, sâu lắng nhưng dù thế nào cũng làm đọng lại nỗi đau da diết về những tổn thương mà thiên nhiên phải gánh chịu từ chính những hoạt động của con người gây ra.

Trong một chuyến đi trại sáng tác, những cơn mưa xuất hiện đan xen trong phần lớn thời gian của đoạn đường gần 250 cây số đưa đoàn người từ nơi xuất phát – Hội Văn học Nghệ thuật đến điểm đích là vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Cả chuyến trở về sau đó vài hôm cũng thế. Vì vậy thật may mắn khi có một buổi sáng trời râm, nắng dịu thuận lợi; vừa đủ để đoàn có chuyến băng rừng theo kế hoạch đã định. Nói vừa đủ bởi sau hơn ba giờ vượt qua các dốc đèo cùng những khe nước, các thảm lá mục và tầng cây bụi với đầy những con vắt, các tầng cổ thụ mà trong đó có những cây phải dùng đến vòng tay nhiều người nối lại mới có thể ôm giáp phần thân dưới của chúng…; đoàn người vừa ra khỏi rừng và kịp sang bên kia sông ngồi vào một quán nước bên đường thì cơn mưa thật lớn trút xuống. Gió mạnh thổi bạt các tấm che của quán và dù bị đã khuất tầm mắt, tôi vẫn nghe rất rõ tiếng khua của các tán rừng bên kia sông cùng âm thanh va đập vào các tảng đá trên dòng chảy của con suối ven rừng.

Ý tưởng xuất hiện từ cảm nhận sự dữ dội của cơn mưa, nối kết các hình ảnh thu thập về con người và sự vật của chính chuyến băng rừng vừa xong đã tạo cho tôi cảm xúc viết. Đó là câu chuyện về những người ngày đêm lao động ở trạm cứu hộ của rừng và cư dân của xóm nhỏ nơi đây. Trong cuộc sống, có những người may mắn bắt gặp điều kiện và nhờ đó làm thay đổi đời mình, nhất là về vật chất theo hướng tốt hơn. Tuy nhiên cũng trong hoàn cảnh ấy, có người sẵn sàng chối từ cơ hội đổi đời, chọn giữ cho mình cuộc sống vốn có dù cơ cực; bởi họ không thể trút bỏ được những kỷ niệm cùng ân tình vương mang. Ở vùng đất ven rừng, điều níu giữ chân người có thể là tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình cùng trong mối quan hệ với thiên nhiên và con người hiền hòa xung quanh; những kỷ niệm gắn bó họ với bến chợ, con đò ngang trước cửa rừng, những tiếng chim lảnh lót và sảng khoái trong khoảng trời tự do cùng hương hoa lan rừng với nhiều loài hoa dại vào mỗi sớm mai… Họ tự thấy mình còn nặng nợ với vùng đất, sinh vật và con người nơi đây. Có thể khái quát đó là nợ rừng.

Lần khác vào tháng 10, thời điểm mùa mưa đi vào giai đoạn kết thúc ở Tây Nguyên nhưng có thể đâu đó trên vùng đất này, người ta còn nhìn thấy những cơn mưa rào bất chợt. Tôi đã bắt gặp điều đó khi cùng đoàn du khảo trên con đường trở về thành phố Buôn Ma Thuột từ vườn quốc gia Buôn Đôn. Mưa như trút nước nhưng rồi đi qua bất ngờ và nhanh chóng như khi nó đến. Ánh nắng sau mưa chiếu xuyên qua tàn cây kơ – nia bên đường tạo những tia mờ ảo do hơi nước còn đọng lại nơi này gây khúc xạ. Nhiều người trong đoàn không thể cưỡng lại để có được ảnh đẹp của mình dưới bóng loài cây huyền thoại đã gắn liền với đời sống lao động và tâm linh đồng bào Tây Nguyên. Trong cuộc “săn ảnh” đó, tôi thoáng nghe tiếng cười trong trẻo của hai cô gái mang sắc phục đồng bào dân tộc với gùi trên vai bên kia đường. Có lẽ họ đang trên đường về từ nương. Hình ảnh đó tạo cho tôi cảm xúc viết. Và rồi, những giọt mưa thu ngoài trời ở cuộc vui đêm đó trong quán “Thiên đường cà phê Mêhycô” tại thành phố Buôn Ma Thuột, do Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk chiêu đãi những người bạn văn đến từ miền đồng bằng sông Cửu Long càng góp thêm ý tưởng cho cảm nhận của riêng tôi về một đêm cao nguyên:

“Ta đã gặp trên vùng đất Tây Nguyên/ Những trận mưa trút nguồn rồi chợt dứt/ Như tiếng cười thoắt thay bằng tiếng khóc/ Lúc vui lúc buồn của cô gái chớm yêu.

Ta gặp em trên vùng đất cao nguyên/ Giữa một chiều thu nắng vàng phai sắc/ Nơi phố núi sương chóng về giăng khắp/ Có sợi nào đi lạc vướng lòng ai.

Có duyên gì giữa phố núi với miền xuôi/ Để sóng Hàm Luông cùng gió ngàn trăn trở/ Đêm ta nghe cả tiếng rừng than thở/ Ban Mê cũng buồn với khách đường xa.

Đêm thu tàn phố vắng một mình ta/ Ly cà phê dưới mái hiên lặng lẽ/ Tiếng giọt đắng hòa nhịp mưa rơi nhẹ/ Gã nhện sầu, tơ đứt, chẳng buồn giăng.

Mai ta rời thành phố mù sương/ Muốn mang theo cả tiếng rừng, tiếng gió/ Nuối tiếc chăng, một lời sao không ngỏ/ Để sắp xa rồi lòng mới biết đã yêu.”.

“Đêm ta nghe cả tiếng rừng than thở”. Có những lúc tôi thấy như đang trải nghiệm điều ấy. Đó là khi ngồi trên chiếc xe đi qua hai tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai để đến Kon Tum vào một đêm tháng 7. Thêm lần khác với tâm trạng ấy khi được xuyên vườn quốc gia Buôn Đôn vào một buổi sớm mai. Sáng hôm ấy cơn mưa bụi trong bầu trời nhiều mây che mờ không gian, càng tối hơn khi xe di chuyển trên con đường độc đạo dưới các tán rừng. Và, trong tôi đã vang lên tiếng rừng. Bao giờ cũng vậy, tiếng rừng đến êm đềm nhưng khắc khoải cùng cả rát bỏng, đau thương. Nó đến đúng vào lúc tôi xót xa nghĩ đến thảm họa chặt phá rừng đã và đang diễn ra chưa có biện pháp chặn đứng hiệu quả.

Trong thời gian chuẩn bị bài viết này tôi cố tìm lại tư liệu có lần đã được đọc trên mạng, về so sánh mức độ rừng bao phủ ở Tây Nguyên thời Pháp thuộc và gần đây. Tư liệu mà khi tiếp xúc, tôi hãi hùng về lượng rừng đã bị tàn phá. Tiếc là đã không tìm lại được nhưng chút thông tin từ Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, tỉnh vốn được xem là thủ phủ của Tây Nguyên rất đáng được quan tâm: Chỉ tính trong năm 2020, các lực lượng chức năng của tỉnh này đã phát hiện, xử lý 1407 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 2441,7 m3 gỗ và 717 phương tiện các loại…, trong đó có nhiều vụ phá rừng với quy mô lớn và táo bạo.

Xin đừng tưởng những vụ việc xử lý nói trên đã ngăn chặn được nạn chặt phá rừng. Ngày 5/5/2022, báo Tin tức online đưa tin: “Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2022 về tình hình kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 439 vụ vi phạm lâm luật. Riêng tháng 4/2022, Đắk Lắk đã có 166 vụ vi phạm, tăng 50 vụ so với tháng 3/2022; trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ chặt phá 382 ha ở xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp), vụ phá hơn 67 ha ở huyện Lắk. Đó là các vụ việc phát hiện, xử lý được chỉ ở một tỉnh trong những khoảng thời gian không phải quá dài. Vậy thì nếu tính gộp cả 5 tỉnh của Tây Nguyên nói riêng và trong cả nước nói chung, trên thực tế mức độ tàn phá rừng đáng sợ như thế nào?

3.

Cơn mưa được xem lớn nhất tôi đã trải qua trong những chuyến đi xa của mình xuất hiện ở vùng biển Nam Du thuộc tỉnh Kiên Giang. Vùng biển phía Tây này của Tổ Quốc nằm trong vịnh Thái Lan có phong cảnh tuyệt đẹp. Trước khi cơn mưa xảy ra không ai nghĩ rằng nó sẽ lớn đến mức như vậy vì lúc ấy là vào cuối tháng 11, cũng bởi nó không phải là mưa bão; mặc dù thực tế, theo chu kỳ nhiều năm có thể xuất hiện bão ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm cuối năm.

Suốt buổi sáng hôm ấy trời quang và ánh nắng chan hòa kéo dài đến giữa trưa, khi mọi người bước xuống con tàu cao tốc để rời Nam Du về đất liền. Ai cũng nghĩ sẽ được trở về trong biển lặng giống như chuyến đi. Nhưng chỉ nửa giờ sau đó, khoang tàu cao tốc bị tối sầm bởi những mảng mây đen nhanh chóng kéo đến che phủ bầu trời rồi mưa trút xuống. Nhìn qua kính tàu lúc này chỉ còn nhìn thấy một màu trắng xám mờ và những dòng nước tuôn ào ạt từ nóc tàu xuống, xen vào đó là những đám nước dày liên tục bị bắn tung lên do lực va chạm mạnh của lườn tàu với sóng biển khi di chuyển tạo nên sự rung lắc con tàu.

Trong trận mưa chiều Nam Du này, tôi thật sự sợ hãi khi nghĩ đến cơn bão Linda vào năm 1997 thổi qua một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rồi quần thảo với cấp độ bão cuồng phong ngay trên khu vực mà lúc này con tàu chở tôi và nhiều người đang đi qua. Cơn bão được xem là thảm khốc nhất trong lịch sử ít nhất 100 năm trước đó ở Việt Nam khiến hơn 3.000 người chết, 200.000 ngôi nhà bị tàn phá, 383.000 người trở thành vô gia cư… “Con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên” – tôi nghĩ và hình dung thân phận của tiền nhân vào thời kỳ bình minh của thuở khai phá để mở rộng bờ cõi phương Nam. Ngồi trong con tàu cao tốc khá hiện đại tôi còn thấy kinh hoàng trước sự hung tợn của đại dương. Vậy mà tổ tiên chỉ chống chọi bằng những con thuyền bé nhỏ, đơn sơ thì sự hy sinh phải lớn đến mức nào để có được dãy đất phương Nam gấm vóc để lại hậu thế.

Góp thêm vào công sức của tổ tiên vào thời kỳ mở đất phương Nam còn có những người mang thân phận ly hương. Hơn ba trăm năm trước, trong các dòng người Trung hoa chạy trốn sự cai trị của trều đình nhà Thanh, có Mạc Cửu cùng gia đình trên những chiếc thuyền hướng về Nam. Trong cuộc tìm đường mưu sinh đó, họ Mạc đã lãnh đạo cuộc khẩn đất để sau đó hình thành Hà Tiên trên bản đồ Đại Việt. Cần nhớ rằng trấn Hà Tiên vào thời nhà Nguyễn độc lập khi ấy rất rộng, bao gồm các vùng đất ngày nay thuộc các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau cùng một phần các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Công lao to lớn đó đã được ghi nhận khi vào năm 1708, chúa Nguyễn Phúc Chu chuẩn ban Mạc Cửu làm Tổng binh trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc Hầu. Từ đó đến nay, hình ảnh Mạc Tổng binh sống trong lòng của người dân Nam Bộ. Gần hai thế kỷ trôi qua, đền thờ và các khu lăng mộ họ Mạc tọa lạc ngay chân núi Bình San luôn được trân trọng giữ gìn.

Được may mắn vài lần đến Hà Tiên và trong những lần đó, bất kể thời tiết thế nào, tôi đều phải đến được khu di tích nói trên. Bởi trong khoảng không gian mờ ảo nhất là khi dưới những hạt mưa nhẹ đượm nét trang nghiêm nhưng bình dị, thanh tú nhưng thật gần gũi của nơi này, tôi tìm được cho mình cảm giác thư nhàn trong hoài niệm về hành trình một thời mở cõi phương Nam của tiền nhân.

4.

Vẫn biết với đôi trận mưa trong vài ngày đặt chân đến xứ lạ khó làm cho khách hiểu những nét đặc thù về mưa, càng không thể nói được nhiều điều về đặc điểm khí hậu thủy văn nơi đến. Nhưng điều đó không sao, quan trọng là nó gợi nguồn cảm hứng cho việc viết lách và đó cũng là mục đích của những chuyến đi. Với tôi, đi không chỉ để được học hỏi bổ sung cho bản thân vốn ngôn từ, chất liệu sáng tác, có khi cả bản lĩnh cầm bút; nó còn là dịp để có thể chia sẻ, cảm nhận sâu sắc hơn về các sáng tác của đồng nghiệp.

Miền Tây Nam Bộ có điều kiện địa lý sông rạch chằng chịt, do vậy tổ tiên trong quá trình khai phá dựng làng lập ấp nơi này đã chỉ có thể chọn sông ngòi, kênh rạch làm phương tiện để giao lưu với nơi khác. Giai đoạn người Pháp vào nước ta, những con lộ nhựa bắt đầu được xây dựng cũng chủ yếu ở nơi có địa thế thuận lợi nhất, là cạnh các sông rạch. Từ khoảng đầu thế kỷ XX, những con đường mới được xẻ mở ngày càng nhiều để phù hợp với nhu cầu phát triển dân cư, đô thị. Nhưng dấu tích của một thời tự hào ở giai đoạn bình minh trong sự hình thành, phát triển của các đơn vị hành chính vùng đồng bằng sông Cửu Long hẳn sẽ còn mãi. Đó là những con sông và lộ nằm sát chạy song song thể hiện hai hình thức vận chuyển trên xe dưới thuyền, nó cũng có thể xem là một nét văn hóa riêng của vùng đất Tây Nam Tổ quốc.

Có những hạt mưa chiều không ai nghĩ có thể rơi suốt một quãng đến khoảng bốn mươi cây số, trên một phần của con đường rất dài đưa đoàn dự trại sáng tác rời Cà Mau về quê. Không nghĩ bởi đó đã là tháng 12, thời điểm mùa mưa Tây Nam Bộ bình thường đã đi qua đôi tháng trước. Hơn hai mươi con người trong chiếc xe xuôi trên đường cạnh dòng sông dường như ai cũng trầm tư; một phần do mệt vì vừa trải qua mấy ngày đi thực tế, phần khác hẳn là đang có sự lắng đọng khác nhau ở mỗi người về sự kiện, con người mà họ đã tiếp xúc, thu hoạch được. Những giọt mưa nhỏ và thưa trong khoảng không gian không ánh mặt trời rơi xuống sông tạo những vòng sóng giao thoa lan tỏa không ngừng. Hình ảnh khiến tôi nhớ lại truyện ngắn của một đồng nghiệp, lúc này cũng đang trên xe. Tôi quay nhìn tác giả: “Mưa bên kia sông kìa, N.V!”. Anh cười, đồng cảm nhìn tôi.

Mưa bên kia sông là truyện ngắn hay viết về một người phụ nữ. Chị đã đưa tuổi xuân của mình vào cuộc chiến, rồi quên đi vì công tác và kéo dài đến tuổi lỡ thì. Đến khi chị chợt nhận ra nhịp tim khắc khoải bởi một người thanh niên cùng đơn vị có lòng với mình, cũng là lúc chị lãnh một sứ mạng quan trọng. Vì sứ mạng ấy, chị bị kẻ thù bắt rồi tra tấn tàn độc tạo ra di chứng trên hình thể và tâm thần của mình. Cuộc đời còn lại của chị kéo dài qua từng ngày trong vô thức ở trại dưỡng lão. Chị không còn có thể nhớ về các kỷ niệm của mình với người yêu và đồng đội. Trong đầu chị có lẽ cũng đã bị xóa nhòa đi hình ảnh đêm cuối cùng mình còn ở lại đơn vị trước khi vào vùng đất địch vì nhiệm vụ, cái đêm mà chị còn cố giành giật chút ít thời gian có thể để tìm bắt chuẩn bị cho người yêu túi thịt cóc bằm để anh nấu cháo – món ưa thích của anh. Đó cũng là đêm mà lời ước hẹn với anh từ mong muốn của chị chờ ngày mình hoàn thành nhiệm vụ trở về bị nén lại bởi sự ngượng ngùng, rồi sau đó rơi vào không gian lúc chị bỏ chạy vào bóng đêm.

Cho nên không chỉ cứ mưa lớn mới gây xúc động, nỗi niềm. Chỉ những vòng sóng nước trên mặt sông rồi giao thoa, lan tỏa do những giọt mưa nhẹ chiều ấy đã tạo ra ở tôi nỗi cảm thương, day dứt về hình ảnh của nhân vật là người cựu chiến binh sau cuộc chiến được thể hiện trong truyện. Ở trại dưỡng lão, hàng ngày chị thường thốt lên câu nói đã trở thành phản xạ mang tính bản năng: “Đồng chí để tôi đi!”. Đó là câu nói của chị trong cuộc họp khi còn ở đơn vị để giành với người chị yêu phần nhiệm vụ nguy hiểm về mình.

NGUYỄN THẢO NGUYÊN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *