Bộ sách giúp hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của L. Cadiere

 (Đỗ Trinh Huệ biên soạn, NXB Thế giới & MaiHaBooks, 2021)

Tên tuổi Léopold Michel Cadière (1869-1955) rất thân thuộc đối với Huế – và không chỉ Huế mà cả với giới nghiên cứu Việt Nam ở nhiều quốc gia – bởi ông là chủ bút Tập san Bulletin des amis du Vieux Hué (B.A.V.H). Tờ báo mỗi năm ra 4 số và có tuổi thọ 30 năm (1914-1944), cho đến nay là nguồn cung cấp nhiều tư liệu gốc về Huế và miền Trung cho giới nghiên cứu.

Tuy vậy, “thiên hạ” sử dụng di sản tinh thần Léopold Cadière (L.C) để lại nhưng chưa có điều kiện hiểu biết đầy đủ cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chính là với mục đích đó, dịch giả Đỗ Trinh Huệ (ĐTH) nguyên Trưởng Khoa Pháp văn Đại học Sư phạm Huế, hơn 10 năm qua đã bỏ rất nhiều công sức dịch và biên soạn bộ sách lớn về L.C. Có thể nói như thế vì cuốn thứ nhất “Văn hoá, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt” (NXB Thuận Hóa in lần 1 năm 2010; đến năm 2015 đã tái bản và năm nay in lần 3 tại NXB Thế giới – có bổ sung, đính chính) đã gồm 3 Tập, 900 trang khổ lớn; cuốn thứ hai “Hồi ký của một ông già Việt học” (HKLC) dày trên 300 trang khổ lớn vừa ra mắt bạn đọc mùa Xuân này.  Bộ sách này không chỉ giúp hiểu toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp L.C mà còn giúp chúng ta hiểu sâu hơn lịch sử, văn hoá của Việt Nam.

Léopold Michel Cadière (1869-1955)

Ở đây, xin được giới thiệu kỹ hơn về HKLC. Có thể nói ngay rằng, tên sách có từ “Hồi ký” nhưng những ai quen đọc những hồi ký với nhiều sự tích éo le và chuyện tình duyên ly kỳ sẽ không thỏa mãn khi đọc HKLC. Ngược lại, bạn đọc cần tư liệu và kinh nghiệm sống, học tập, nghiên cứu –  nhất là ở vùng đất mới, sẽ rất thích thú.

Cuốn sách gồm 4 phần: 1- Thân thế và sự nghiệp của L.C; 2- Ấn  phẩm của L.C; 3- Tâm thức tiếp cận của L.C với văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam; 4- Hồi ký của một ông già Việt học.

Như vậy 2 phần đầu cuốn sách giúp bạn đọc nắm được đầy đủ những điều cốt yếu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của L.C – một “cuộc đời dài 86 năm nhưng đã để ra hết 63 năm phục vụ ở Việt Nam’’. Tháng 6/ 1953, khi được đưa từ Vinh trở lại Huế, mặc dù có đề nghị để L.C trở về Pháp, “L.C lúc ấy đã 84 tuổi vẫn một mực từ chối; “Cả đời tôi, tôi đã dâng cho xứ sở này rồi. Cho tôi được ở lại và chết ở đây!” L.C đã được toại nguyện…” L.C đã qua đời tại Huế ngày 6/7/1955.

Hơn 250 ấn phẩm của L.C được ĐTH “thống kê”, phân loại trong 9 mục cho thấy di sản ông để lại thật đồ sộ và phong phú: Dân  tộc học, phong tục tập quán, triết học, tín ngưỡng, tôn giáo – Văn hoá, văn minh, khảo cổ học, nghệ thuật – Địa lý tự nhiên, địa lý nhân văn, lịch sử, ký sự… – Ngôn ngữ, văn học, giáo dục – Thực vật học, sinh vật, môi trường – Du lịch – Một số nhà văn tên tuổi…

Để giúp bạn đọc dễ tiếp cận và hiểu đúng những giá trị cũng như nguyên tắc, phương pháp mà L.C tuân theo để làm nên những công trình đó, ĐTH dành Phần 3 cuốn sách cho tiểu luận công phu dài 60 trang sách: “Tâm thức tiếp cận của L.C với văn hoá, ngôn ngữ, tín ngưỡng và gia đình Việt Nam”. Qua tiểu luận này, độc giả – nhất là những ai đang/sẽ làm công việc nghiên cứu, bất cứ thuộc lĩnh vực nào, cũng tiếp nhận được những bài học bổ ích, trong đó, ĐTH đưa lên hàng đầu là phải “luôn làm việc trên chứng từ hiện thực của cuộc sống, từ các sự kiện thấy được, quan sát được: hòn đá, cỏ cây, nhưng gì mắt thấy tai nghe…” Một “bài học” tưởng chẳng có gì lạ, nhưng vẫn rất “thời sự”, nếu chúng ta chưa quên những vụ mua bằng giả, lấy cắp công trình nghiên cứu của người khác đã bị tố cáo gần đây… Với L.C thì để có 250 công trình để đời, ông đã trả giá bằng cả cuộc đời mình. Qua các dẫn chứng trong tiểu luận và nhất là đọc HKLC, chúng ta khâm phục công phu và cả sự quả cảm của “ông già Việt học” đã luôn trung thành với nguyên tắc “mắt thấy tai nghe”, đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất, thậm chí đe dọa tính mạng mình chỉ để… hiểu một từ địa phương, để biết vì sao con chim này, chim kia lại có tên như thế… ĐTH dùng từ “tâm thức” để nói về cách tiếp cận văn hoá Việt Nam của L.C là rất chính xác, vì sau khi trình bày vấn đề, ĐTH đã viết: “Ngoài những biện minh lý giải trên, xin được phép kết luận còn do một tấm lòng.” Bản thân L.C, trong dịp mừng Kim Khánh 50 năm sống ở Việt Nam, đã tâm tình:

“… Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ. Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ…vì những đức hạnh tinh thần…”

Cũng chính vì thế, trong công trình lớn vừa in lần thứ 3 của L.C, khi bàn về tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, ông đã bày tỏ “… một ước nguyện là đừng làm suy yếu gia đình tại xứ Việt Nam này, mà trái lại hãy củng cố bằng mọi cách. Than ôi, liệu có được chăng! Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực.”

L.C viết điều này hơn trăm năm trước! Nhờ nghiên cứu sâu sắc nên đồng thời ông có tầm nhìn xa. Có thể nói như vậy, vì ông đã cảnh tỉnh việc đừng làm suy yếu gia đình, sau khi khảo cứu kỹ lưỡng – rất kỹ lưỡng hết sức chi tiết tập tục, nghi lễ… trong các gia đình người Việt, viết 60 trang sách khổ lớn trong Chương “Gia đình và tôn giáo người Việt”. Xin trích một đoạn ông đã viết:

“…Hãy xem các xóm dân cư thợ thuyền… đang mọc lên trong quá trình phát triển xứ sở; hãy nhìn xem các công trường xây dựng đường bộ hay đường sắt, các khu phố thợ đang được thiết lập, các đồn điền khai thác rừng hoang, than ôi, luân lý với đạo đức!… Chúng ta sẽ gặp những người không gốc, không gác, không vợ, không chồng, cha cũng không, mẹ cũng chẳng có… những người chẳng còn được sống bầu không khí gia đình, hết ngăn hết cản, hết cả tình cảm danh dự níu kéo…”

Thế đó! Trớ trêu thay, sự phát triển luôn là nhu cầu của con người, của mọi thể chế và ngày càng gây ra những “mặt trái” trong việc xây dựng gia đình nề nếp. Chỉ còn có thể gửi niềm hy vọng khi mọi người cùng nhận thức ra vấn đề, thấy rõ con người ta, nhiều khi cần một tổ ấm hơn sự giàu sang! Vâng! Nhưng đến bao giờ mọi người hiểu ra điều đó? Lại phải nhắc lại lời của L.C:
“Liệu có chống chọi nổi những biến đổi với bao là mãnh lực.”

Và “thời sự” nhất là “mãnh lực” Dịch Covid đang làm bao người bị “nhốt” trong các khu cách ly, vợ xa chồng, mẹ phải xa con, bà xa cháu…! Chịu! Chỉ có… Trời mới hiểu vì sao? Và nên làm gì là đúng đắn nhất?… Dù sao thì chúng ta vẫn hy vọng. Nhân loại từng vượt qua biết bao thử thách cam go để tiến về phía trước…

Trong phần “Hồi ký…” chiếm 2/3 cuốn sách, L.C chủ yếu ghi lại quá trình học và nghiên cứu tiếng Việt của ông từ lúc lên tàu sang Việt Nam. L.C không có ý định kể lại chi tiết cuộc đời mình  mà cuối đời viết theo yêu cầu cầu của toàn quyền Đông Dương lúc đó “với tư cách một nhà Việt học”. ĐTH phải rất công phu mới tiếp cận được hơn 30 số Tạp chí “Đông Dương” (Indochine) từ năm 1942 đến 1945 tại các văn khố nước ngoài có đăng hồi ký nói trên của L.C. Tuy chú trọng mặt học thuật – thực hành và nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, nhưng với quan niệm “quá hiển nhiên rằng là ngôn ngữ không được học qua sách vở”“phải là một từ “sống” được phát ngôn qua đến mười, hai mươi người khác nhau…” nên ông đã “dẫn” chúng ta đi khắp hang cùng ngõ hẻm từ Đà Nẵng đến Huế, Quảng Trị, Đồng Hới, Phong Nha… thời mà Đà Nẵng cũng như Đồng Hới còn toàn cát với cát, từ Đà Nẵng ra Huế chưa có đường quốc lộ. Cũng qua HKLC, chúng ta mới biết ông từng “rất hân hạnh đã được dạy vài bài tiếng Việt cho bác sĩ Yersin” –một “người Tây” cũng yêu Việt Nam đến mức xin được chết trên đất Việt. Vì thế, HKLC rất có ích cho người học ngoại ngữ, đồng thời cung cấp nhiều tư liệu sinh động về đời sống xã hội, tự nhiên hơn một thế kỷ trước – chủ yếu trên dải đất Bình Trị Thiên, trong đó vùng đất Quảng Bình nơi L.C đã sống 9 năm, được ông đặc biệt trân trọng …

***

Xin dẫn những trang viết L.C ghi lại quang cảnh Quảng Bình hơn một thế kỷ trước, kể cũng là một điều thú vị. Trích ít dòng trong chuyến đến Đồng Hới đầu tiên:

“Tháng 7 – 1893, nghỉ hè đã đến, …tôi làm một chuyến du hành ra Quảng Bình… Đoàn chúng tôi 6 người , mỗi người có người gánh cáng, có người mang đồ đạc và vài kẻ tùy tùng… Ôi, con đường  Cái Quan hồi ấy, cát đâu là cát, cát chuyển di, cát mù mịt, cát nóng bỏng suốt cả đoạn đường 50 cây số!… Có đôi nơi người ta trải chút rơm ở giữa đường nhằm làm giảm bớt cái nóng bỏng của cát…”    

L.C sinh năm 1869, tức là ông đặt chân lên Quảng bình lần đầu lúc mới 24 tuổi, cách nay 128 năm. Một chàng trai từ nước Pháp – trung tâm văn hoá châu Âu thời đó, rời bỏ gia đình và mọi tiện nghi đời sống hiện đại, đến cái nơi không có cả đường đi, nên chàng đã phải thốt lên: “Khi mới đến, tôi nhủ thầm: “Ôi làm sao nơi này mà có thể ở nổi được!” Vậy mà sau khi ở Đồng Hới một năm rưỡi, được cử đến nơi khác, L.C đã viết: “Lúc phải rời nhiệm sở này, nước mắt tôi bỗng tràn ra, hóa ra nơi này đã quá thu hút tôi rồi…”

Vì thế mà L.C đã ở Quảng Bình đến 9 năm, trong đó 6 năm ở vùng Cù Lạc, Phong Nha. Nhớ lại thời kỳ ở đây, L.C đã viết một đoạn dài về chuyện “hổ” – thực ra ông không nghiên cứu về con vật này, mà nhân bàn về các danh từ gọi tên con hổ khác nhau ở các tỉnh Bắc Miền Trung (như cọp, khái…), ông kể lại:

“…Thượng nguồn thung lũng Nguồn Son quả là xứ sở của hổ. Nơi nơi đều có, ngày cũng như đêm. Tôi đã đặt bẫy giữa nhà bếp và chuồng bò, thấy nó thường xuyên để lại dấu chân to tướng ở lối vào nhưng không bao giờ đi vào cả. Chắc là nó sợ cái phiến gỗ to tướng có đinh nhọn phập vào làm gãy sống lưng nếu nó mò mẫm đến vồ con chó  mồi nhử hổ… Về chân hổ thì tôi có kích thước chúng ngay trong bàn tay; thường xuyên tôi đã từng đo đạc như thế. Một hôm tôi lên đường đi săn, đúng ra là đi săn cây dương xỉ như thường lệ và leo men theo ngọn suối… chúng tôi thấy dấu chân của 4 con hổ khác nhau… Một hôm đi rừng, chúng tôi đến một nơi gặp một con hổ và một con lợn rừng to tướng, cả hai đều đã quỵ ngã trong đêm. Một khoảng rộng chừng 8 đến 10 mét đường kính, đất dẫm nát lá với cành; những thân cây to bằng cánh tay … Bản thân tôi một lần thấy hổ. Tôi đi săn công, không xa nhà là bao. Tôi theo trườn dốc lau sậy um tùm để xuống trũng trồng lúa. Trên cao khoảng 30 mét, một con hổ đang trườn mình nhẹ nhàng nhảy ngược lên, đuôi phất phơ trong gió…”

Tôi trích dẫn hơi bị… dài, không chỉ để bạn đọc biết chuyện hổ ngày xưa vùng quanh Phong Nha cho… vui mà đây là một bằng chứng về phong cách và nguyên tắc bất di bất dịch trong nghiên cứu của L.C mà dịch giả ĐTH trong Phần 3 cuốn sách.

Trở lại chuyện về con hổ, bạn đọc tiếp câu sau đây sẽ hiểu “ông Tây” L.C đã hiểu sâu sắc con người ở vùng quê hẻo lánh Quảng Bình như thế nào:

“… Người Việt sống ở những vùng nhiều hổ thường ít nói đến nó. Họ không dám gọi tên cọc, khái, mà gọi trịnh trọng bằng “Ông”, bằng “Mệ”, hoặc bằng “Ngài”. Lắm lúc họ dùng cả một cụm từ, hoặc một danh xưng vô ngã, cả những hữu từ lóng (để hiểu ngầm) như yên, không yên, hoặc sợ, lện, động. Và thế là mọi người  đều hiểu.”         

Cũng trong thời gian L.C “đi thực tế” tìm hiểu ngôn ngữ, văn hoá ở Quảng Bình, ông đã ghi lại nhiều huyền thoại, giai thoại về các loài vật.

“… Có lần tôi đến làng Bùng, đang đêm thì nghe một tiếng chim kêu: quy, quy…quy. Ít ra thì tôi nghe như thế… Tiếng kêu chắc vẳng từ rất xa, tiếng tiếp theo như gần lại, rồi bỗng lại lùi xa. Cứ thế liên tục suốt đêm…” Thế nhưng ông hỏi bà con trong vùng thì họ lại nghe ra tiếng kêu là “bóp, bóp…bóp” và ông thuật lại một huyền thoại về con chim này như sau:

“…Chuyện kể về một cô thiếu nữ và một cậu con trai, có thể là hai chị em mà cũng có thể là hai người tình. Cậu con trai muốn bóp cô thiếu nữ một cái. Nàng ta liền cầm đùi đuổi theo đánh. Cậu con trai chạy trốn. Cứ thế chạy mãi, chạy mãi. Cô thiếu nữ hoàn hồn nghĩ lại, đuổi theo vừa chạy vừa kêu: “Bóp một cấy (cái) thì bóp… Cứ thế đêm đêm, cuộc đua đuổi như lại bắt đầu…”

Câu chuyện này có lẽ nhiều bạn đọc đã biết, ghi lại để thấy L.C đã tỉ mỉ thế nào trong quá trình nghiên cứu; và biết đâu, huyền thoại về con chim này lần đầu lên văn bản chính từ những trang hôi ký của L.C…

Trong thời gian ở Cù Lạc, L.C còn ghi chép về sinh vật, thiên nhiên nhiều hơn nữa. Ông viết:

“… Nơi đây tôi được ngập tràn sống với thiên nhiên cùng cỏ cây muông thú. Các tín hữu của tôi gồm hai họ đạo làm nghề nông, một họ đạo chài lưới… Thật thán phục là họ biết hết các loài vật, sở năng, thói quen cũng như ý định kể cả sinh tật của chúng… Chỉ cần nhìn dấu chân hổ, họ biết ngay chúng qua đây khi nào…; gà rừng, công, trĩ thì chỉ cần nhìn dấu vết chúng cào nhẹ trên đất là biết chúng về đâu, ăn uống, ngủ nghỉ nơi nào…

Về loài cá thì hay hơn nữa. Tôi đã từng muốn làm một nghiên cứu về  tâm lý của cả hai bên, của cả cá cũng như của cả bác chài. Bởi vì nếu người đánh cá rình mò và nghiên cứu thói quen tập quán đi về của loài cá thì cá cũng chẳng dễ dầu gì để cho mình bị đánh bắt; chúng cũng biết đường đi nước bước của bác chài để đánh lừa bác ta. Đúng là một cuộc chiến sinh tử, ít nhất là về một phía. Phía chài lưới thì cũng phó sinh mạng mình cho biển cả sông sâu…

Hồi ở Bồ Khê, nơi cửa sông Gianh, biên giới lâu đời vương quốc Đàng Trong và Đàng Ngoài… nơi đây tôi được biết đến loài cá nục. Ta dùng ngón trỏ và ngón cái áp vào tai chúng… ta sẽ nghe được luồng điện phát đến khuỷu tay. Thử nghiệm lần hai thì chỉ nghe được đến cổ tay…”

Ông còn viết về nhiều sinh vật nữa, từ con rươi, đến con chim tu hú, “con vạc, chim rụ rị, đa đa, cò, chuột chù; cả nhóm này bài bạc với nhau…”; và ông thuật lại giai thoại từ đó sinh ra tên “vác” hay “vạc” cũng như tên “chuột chù”…

Trích dẫn thế, hẳn lại có người trách dài dòng; nhưng tôi chợt nhớ các nhà nghiên cứu gần đây rất thích thú về “Văn học sinh thái”; có thể nói những trang hồi ký của L.C thuộc lớp “khai canh” dòng văn học này. …

Rất nhiều chi tiết thú vị về ngôn ngữ; ở đây chỉ xin trích dẫn một vài từ không “dính” tiếng Pháp cho dễ hiểu; hơn nữa còn để chứng tỏ ngôn ngữ liên quan mật thiết đến đời sống. L.C kể chuyện bà chủ bảo Nam nấu nước “thật nóng”; khi Nam bưng lên thì bà chê “Nước đâu có nóng” ; chỉ vì “ý niệm nóng” thay đối khác nhau ở người này kẻ khác. Cũng vậy, ý niệm về “giặt cho sạch”, về “món ăn ngon”… hoặc “nói to lên”… là ngàn ngàn trường hợp…” Chính vì không hiểu điều đơn giản này mà không ít trường hợp nảy sinh mâu thuẫn, cãi cọ một cách rất… vô duyên!

***

Còn rất nhiều-nhiều giá trị L.C để lại cho hậu thế. Cũng chính vì thế, trong buổi giới thiệu các công trình của dịch giả ĐTH về L.C tại Viện Pháp tại Huế mới đây, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng biên tạp Tạp chí Sông Hương và Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên Huế,  trong lời phát biểu đã dùng từ “vĩ đại” để nói về L.C và đề nghị Huế cần sớm có tên đường mang tên ông.

Tôi nghĩ: Cả Đồng Hới và thị trấn Phong Nha, rồi Cửa Tùng – Di Loan (Quảng Trị) nơi L.C đã sống hơn hai chục năm, đã viết nhiều công trình nghiên cứu ở đây,  cũng rất nên có tên đường mang tên L.C. Nha Trang, Hà Nội, T.P. Hồ Chí Minh đã có tên Yersin, từ rất lâu rồi! Mà cả hai người đều yêu Việt Nam đến… chết! Hơn thế, L.C còn là “người thầy đầu tiên” dạy tiếng Việt cho Yersin!

Đừng vì cách nghĩ ấu trĩ về chính trị và tôn giáo mà đất nước ta đã bỏ qua từ ngày Đổi mới che phủ lên một giá trị văn hoá hiển nhiên. Và nếu tôi không nhầm, trong vô vàn định nghĩa về “văn hoá” thì định nghĩa được nhiều người bỏ phiếu OK nhất đại ý như sau: “Văn hoá là những gì còn lại sau khi tất cả đã biến mất.”

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *