Bán “thân” – Truyện ngắn Trần Phan Đinh Lăng

Vanvn- Đã đầu giờ chiều mà chưa thấy thằng Căng đi bán vé số. Ông Tường trưa không ngủ, đem chiếc ghế nhựa đỏ ra trước hiên ngồi, chân vắt hình chữ ngũ. Cây trứng cá cứ hễ có gió là lay qua lay lại, rớt vài chiếc lá hay đánh bộp vài quả trên mái tôn nóng hổi. Con Lu nằm gần đó ngã nào cũng giật mình.

Đấy, mới nói đã thấy thằng Căng đến. Hắn nằm trên một tấm gỗ dài, tấm gỗ trông bẩn nhưng như thể được đánh bóng bởi cái thân hình què quặt của hắn. Chiếc quần cũ chỉ đủ bao được đến đầu gối, để lộ hai cẳng chân teo tóp, huơ huơ trong không khí, yếu ớt. Âm thanh từ chiếc máy radio lại rền rền nghe sao mà não ruột. Mấy bản nhạc tân cổ phát ra từ chiếc loa nhỏ, cứ chốc chốc lại chập chờn nghe không rõ.  Mặt hắn hôm nay trông hốc hác hơn mọi hôm, đầu tóc thì bết dính, lâu lâu nó đưa bàn tay phải với móng tay đen thui thủi lên đầu gãi sột soạt.

Nhà văn trẻ Trần Phan Đinh Lăng ở Bình Dương

“Mua cho con tờ vé số, chiều xổ ông ơi.”

“Lấy hai tờ.”

“Dạ. Mà ông cho con xin ca nước, nãy đi vội nên con quên mang theo, giờ khát khô cả cổ.”

Mặt hắn nhăn lại vì bị nắng chói hẳn vào mắt. Hắn đưa cánh tay quệt mồ hôi chảy từ trán xuống, mồ hôi mặn chát.

Ông Tường ra nhà sau rót đầy một ca nước, với theo chai nước suối chưa khui.

“Cảm ơn ông.”

Gương mặt của hắn không có nhiều thịt nên trông cái cổ cứ dài ngoằng ra. Hắn uống ngụm nào ngụm nấy là thấy rõ mồn một sau lớp da mỏng dính màu đỏ hung vì cháy nắng ở cần cổ.

“Mày không cầm theo cái nón lá mà đội vào, đổ bệnh thì chết nha con.”

Những ngày đầu mới “vào nghề” hắn có đội nón, cái xe đẩy cũng có mái che nhưng than ôi, người ta thấy hắn ngồi mát quá nên có thương mà giúp hắn đồng nào nên thành ra hắn phải làm mình thảm thương thêm nữa.

Hắn cười trừ rồi lết đi, bàn tay chống xuống nền đất bẩn thỉu, hắn rẩy rẩy rồi chùi lên áo, giữ bàn tay trông có vẻ sạch để đưa vé số và thối tiền cho khách.

Xấp nhỏ ở đầu xóm Miễu đã bớt tò mò hơn về hắn. Ngày thằng Căng mới dọn về mảnh đất này ở. Tụi nhỏ hay nấp sau bức tường gạch, thích thú nhưng sợ hãi rồi bàn tán về con người có thân hình kỳ lạ kia.

“Người gì sao ghê quá vậy?”

“Trời ơi, nằm vậy sao mà thở nổi?” – Bé Liên giọng biểu cảm

“ Mày nói đi, tối ổng vào giường ổng bóp cổ á ngheng.”

Tụi nó hét lên rồi chạy tán loạn sau lời trêu chọc của Bách. Giờ thì khác, thằng Căng nó hiền mà, nên tụi nhỏ cũng thích chơi cùng. Có hôm các anh em còn chơi cả trò chạy đua trong khu đất trống. Hắn vẫn cười ngô nghê, hay tay xỏ hai chiếc dép, chống xuống nền đất. Tụi nhỏ luôn đứng thụt về phía sau một đoạn. Đôi khi bình đẳng cũng cần có nhượng bộ chứ nhỉ?

“Tụi em chấp anh chạy trước luôn á.”

Giọng mấy đứa nhỏ léo nhéo, chúng lấy đà rồi chạy. Hắn cũng chạy hết sức. Hắn chạy bằng đôi tay ốm o gầy mòn đó, ra sức mà đẩy, đẩy thật nhanh. Hắn luôn thua, nhưng hắn vui.

Ai đời anh hắn hôm nay mò đến, quét hết mớ tiền hắn dành dụm rồi cuốn mất. Đời nó bẽo lắm, trông hắn lại thảm thương hơn trước nữa.

Tranh của họa sĩ Lê Sa Long

“Dì Tám, mua dùm con ít tờ, chiều xổ trúng lớn dì ơi.”

“Thôi không mua.”

Ông Khải từ trong nhà bước ra.

“Lấy tao 5 tờ, lấy số giống nhau nha mày.”

Ông nhìn sang mấy người đứng gần đó, nói thêm.

“Mua cho nó ít tờ, chừng đó tiền bỏ vào mồm cái một hết trơn.”

Người ta ậm ừ rồi cũng có người mua thêm. Mới đi tới giữa chợ hắn đã bán được kha khá rồi. Tối đó anh nó lại về mang theo chiếc xe lăn cũ.

“Anh mày có thứ này, ngồi không xơi của ngon đấy.”

“Trả tiền của tôi đây.”

“Tiền quái gì, tao vay của mày thôi, sau này kiếm bộn thì tao trả gấp đôi cho chú em. Làm cái gì cứ lải nhải như bọn đàn bà.”

Mới tờ mờ sáng anh ta đã vác chiếc xe lăn đi, chiếc xe được bọc trong bao tải màu xanh. Anh ta đi, tối không rõ mặt người mới trở về. Kiếm được bộn tiền hả hê lắm. Căng ngồi dựa hẳn lưng vào bức tường cũ, tối nay chân hắn bị nhức do tiết trời trở chứng.

Anh ta lấy từ bị ra một xấp tiền lẻ, lác đác vài tờ tiền cứng. Hắn ngồi bệt xuống nền đất mà đếm tiền.

“Mày giỏi thật, nằm trên cái tấm ván đấy cả ngày, tao đây ngồi không giả mù mà còn toát mồ hôi hột, trưa nắng muốn xỉu tới nơi.”

Căng trợn mắt, nhận rõ cái sự xảo trá kinh tởm của anh ta.

“Đấy, trả mày món nợ, cho thêm vài đồng mà tiêu.”

“Khốn nạn.”

Anh ta nổi điên, đứng phắt dậy ném bể chiếc ly thủy tinh hắn vừa lượm được bên bờ kè.

“Mày cũng như tao thôi chứ hơn ai, bán “thân” hết cả, cao thượng gì.”

“Tôi què quặt ra đây, anh thì lành lặng thế kia. Đồ lừa đảo.”

“Ui giời, mày cứ chửi, tao vẫn có tiền xài, bữa nào cũng no nê, có sức thì để dành mà lết. Tao đã bảo giả mù đi, tao mướn người đẩy mày đi, mày trông vẫn còn lành lặng quá.”

“Anh Hào, anh của trước kia có phải là người đi lừa lọc như thế này đâu? Anh thương tôi, thương ba má đã nằm xuống mà sống cho đàng hoàng tử tế.”

Anh ta lại đi, một tuần trôi qua anh ta thu được món hời béo bở. Dù sao thằng Căng vẫn lo cho anh ta lắm. Một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua không thấy anh ta về nữa. Hắn vẫn đi bán vé số với tấm thân khổ sở và mòn mỏi này. Ông Tường lại cho nó thêm chai nước chưa khui nắp, còn nguyên.

“Đời con nó bẽo quá ông ơi!”

Tự nhiên hắn than. Bấy lâu nay hắn có não nề một lời nào.

“Mày đi làm đồ thủ công không? tháng tới thằng cháu tao bên tỉnh về, hắn có cái xưởng đan lát, để tao hỏi xin cho mày cái chân thợ. Không biết thì học, mày còn đôi tay. Chậm cũng được nhưng sẽ đỡ hơn việc cứ lết người đường thế này con ạ.”

“Thân con vầy, có người nào họ cưu mang sao ông?”

“Bây cứ yên, sớm tao đánh điện hỏi liền. Cứ sống cho thẳng thì lo chi, đời hẳn cho phúc. Tao coi bây như con cháu trong nhà. Bây phải sống thế nào tao mới giúp chứ bất nhơn thì tao có đoái hoài gì.”

Thằng Căng vui hơn, hắn bỗng thấy nhẹ nhõm vì tin vào cái mai mốt nào đó hắn không cần phải bán cái bộ dạng thảm thương này cho ai khác. Hắn muốn sự tay kiếm tiền, tạo ra thứ giá trị gì đó.

Nhưng giờ, ở cách đó chỉ một cái huyện anh hắn bị người ta đánh gãy cả chân.

“Bọn lừa đảo, đánh cho nó chết.”

“Bố mày, dám giả tàn tật hả con, tao đánh cho mày vừa què vừa mù luôn.”

“Đánh nó đi, đánh cho nó chết.”

Người nọ đá một cái vào ngực, người kia đấm hai cái vào lưng, uỳnh uỵch, nháo nhào, càng lúc càng đông. Người đứng ngoài không đánh tới thì ném cho anh ta mấy quả trứng gà, chúng nhầy nhụa vào đầu, vào mặt, vào áo quần. Lo gì, ai cũng có phần thì chẳng thể bắt hết đi đâu được. Đông người lại đánh hung hơn. Anh ta như ngộp thở đến nơi, đau quá! Không chịu nỗi nữa. Cái chân anh ta như chỉ có thể lết. Hẳn giờ anh ta nhớ đến cái chân tật nguyền của thằng Căng. Anh ta ngửi được cả mùi đất nồng xộc lên mũi, nếm cái vị lạt nhách của đất, xoàng xoạc, bám hết vào môi, vào lưỡi, vào lợi. Đời chiều anh ta, mong gì được nấy.

TRẦN PHAN ĐINH LĂNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *