Bài thơ của Nguyễn Thúy Hường không phải là thơ tứ tuyệt luật Đường

Vanvn- Về bài gọi là thơ của Nguyễn Thúy Hường gây nhiều tranh cãi trong chương trình “Vua tiếng Việt” phát trên VTV3 mới đây, nhà thơ Trần Nhuận Minh có ý kiến…

Nhà thơ Trần Nhuận Minh

 

Là bài thơ tứ tuyệt thì đúng rồi, vì thơ có 4 câu, mỗi câu có 7 chữ, và hết câu thứ 4 thì tuyệt, tức  là cái ý đã nói hết. Bài này xét về thơ là dở, nhưng nói là “hò vè” cũng không phải. Hò vè là một thể loại riêng và có cái hay riêng của nó, không lẫn với thơ được.

Hiện nay có 1 số người nhầm thơ 4 câu và thơ tứ tuyệt. Thơ 4 câu là thơ có 4 dòng thơ, có thể có câu dài câu  ngắn, có thể có vần hay không vần. Còn thơ tứ tuyệt thì  4 câu, mỗi câu chỉ 5 chữ hay chỉ 7 chữ, nhưng phải có vần. Còn nếu là thơ luật Đường thì phải có niêm. Bài thơ của Nguyễn Thúy Hường có 4 câu thì  câu 2 và câu 3 không có niêm.

 Biết bao di sản quí vô ngàn

Thiên nhiên văn hóa cùng thời gian

Cật lực bảo vệ và gìn giữ

Trường tồn còn mãi với non ngàn

Nếu có niêm thì câu thứ 2, câu thứ 3, vẫn ý ấy, vẫn chữ ấy, phải viết:

Biết bao di sản quí vô ngàn

Văn hóa thiên nhiên đẹp thế gian

Bảo vệ  gìn giữ luôn cật lực

Trường tồn còn mãi với non ngàn.

TRẦN NHUẬN MINH

One thought on “Bài thơ của Nguyễn Thúy Hường không phải là thơ tứ tuyệt luật Đường

  1. BÙI CÔNG THUẤN says:

    Tôi đồng ý với nhà thơ Trần Nhuận Minh. 4 “câu thơ” ấy không phải Tứ tuyệt Đường luật.
    Lỗi về dùng từ: ở câu 1, hai từ “biết bao” và vô vàn” có cùng một nghĩa; Câu 3, hai từ “bảo vệ ” và giữ gìn”, có nghĩa bổ sung cho nhau. Câu 4, hai từ “trường tồn” và “còn mãi” cùng một nghĩa. Chữ “non ngàn” là núi rừng, nghĩa không phù hợp, còn mãi với Giang san (núi sông) thì còn tạm được.
    Về luật bằng trắc: Chữ “nhiên”, chữ “hóa” ở câu 2 và chữ “vệ” câu 3 sai luật bằng trắc
    Tóm lại, không thể coi đây là một “bài thơ”, càng không là một bài tứ tuyệt Đường luật.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.