Bắc đẩu thất tinh

Vanvn-  “Thất tinh” Tự lực văn đoàn gồm có Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh; Trần Khánh Giư, bút hiệu Khái Hưng (đôi khi còn lấy bút hiệu Nhị Linh); Nguyễn Tường Long thành Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Lân thành Thạch Lam; Hồ Trọng Hiếu thành Tú Mỡ; Nguyễn Thứ Lễ thành Thế Lữ; và Trần Tiêu.

Nguyễn Tường Tam – một trong những chủ soái của Tự Lực văn đoàn

Người con trai thứ ba dòng họ Nguyễn Tường

Cuối thế kỷ XIX, ở huyện Cẩm Giàng, Hải Dương có một gia đình gốc Quảng Nam, họ Nguyễn, lấy chữ “Tường” trong tên núi Phước Tường ở Quảng Nam làm tên đệm, thành họ Nguyễn Tường. Qua nhiều đời, ông Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, có con trai là Nguyễn Tường Chiếu, thường gọi là Nhu, do có thời gian từng làm thông phán tòa sứ ở Sầm Nưa bên Lào nên còn được gọi là Thông Nhu.

Ông Thông Nhu kết hôn với bà Lê Thị Sâm, sinh được 7 người con, 6 trai, 1 gái. Người con gái duy nhất là bà Nguyễn Thị Thế, trong Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường-Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, cơ sở xuất bản Sóng in tại Sài Gòn năm 1974, kể rằng thứ tự bảy người con là anh cả Nguyễn Tường Thụy, anh hai Nguyễn Tường Cẩm, anh ba Nguyễn Tường Tam, anh tư Nguyễn Tường Long, thứ năm là Nguyễn Thị Thế, em sáu Nguyễn Tường Vinh (sau đổi thành Lân), em bảy Nguyễn Tường Bách.

Trong số này, người anh thứ tư lẽ ra tên ở nhà là Tứ nhưng vì trùng tên với một người bạn của cha nên được đặt tên là Tư. Sau vì học nhảy lớp, thiếu tuổi đi thi nên đổi tên thành Nguyễn Tường Long. Người em thứ sáu tên gọi ở nhà là Sáu, tên Nguyễn Tường Vinh, sau rồi vì không đủ tuổi để thi do học nhảy cóc nên đổi thành Nguyễn Tường Lân.

Người con trai thứ ba trong gia đình này, Nguyễn Tường Tam, là nhà văn Nhất Linh.

Người con trai thứ tư Nguyễn Tường Long là nhà văn Hoàng Đạo.

Người con trai thứ sáu Nguyễn Tường Lân là nhà văn Thạch Lam.

Trong số này, người con trai thứ ba Nguyễn Tường Tam có một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn chương và chính trị Việt Nam suốt từ đầu thập niên 1930 đến gần giữa thập niên 1960 của thế kỷ XX.

Cuối năm 1923, sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Tường Tam vào làm một chân thư ký ở Sở tài chính Đông Dương, nơi ông gặp và thân thiết với Hồ Trọng Hiếu, người cùng làm ở Ban kế toán, khi ấy đã có thơ châm biếm trên Việt Nam Thanh Niên Tạp chí. Tháng 11-1925, Nguyễn Tường Tam thôi việc ở Sở tài chính Đông Dương, vào trường Cao đẳng y khoa.

Đúng vào thời điểm đó, chính quyền bảo hộ mở trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội do Victor Tardieu làm hiệu trưởng. Nguyễn Tường Tam liền bỏ trường thuốc, thi vào trường mỹ thuật, học khóa đầu cùng với những người sau này trở thành danh họa như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ…Đó cũng là lý do sau này Nguyễn Tường Tam có thể kiêm thêm cả chân họa sĩ minh họa cho các tác phẩm của ông và bạn bè.

Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Năm 1927, có được học bổng của Hội Như tây du học, Nguyễn Tường Tam bỏ trường Mỹ thuật Đông Dương, sang Pháp du học theo ngành khoa học trong 3 năm, có bằng cử nhân khoa học. Theo Hồi ký song đôi của Huy Cận thì Nguyễn Tường Tam có bằng cử nhân về thiên nhiên học, sau này vẽ côn trùng hay những con vật rất khéo để minh họa cho những câu chuyện đăng báo của mình.

Năm 1930, Nguyễn Tường Tam về nước, vào dạy tại trường tư thục Thăng Long, nơi ông gặp và trở thành bạn tri âm với Trần Khánh Giư, một giáo sư giảng dạy trong trường. Trần Khánh Giư là người sau này sẽ lấy bút danh Khái Hưng, đảo các chữ cái trong chữ “Khánh Giư” mà thành.

Mua lại tờ Phong Hóa

Ngay từ thời còn theo học trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tường Tam đã ôm mộng văn chương. Thời kỳ này, Nguyễn Tường Tam viết hai cuốn tiểu thuyết là Nho phong (xuất bản năm 1926) và Người quay tơ (xuất bản năm 1927). Đến khi vào trường tư thục Thăng Long, theo nghề dạy học nhưng Nguyễn Tường Tam chuyển sang ôm mộng làm báo.

Khi ấy, trong làng báo Việt Nam chưa có một tờ báo trào phúng nào đúng nghĩa. Nguyễn Tường Tam làm đơn xin chính quyền cho ra báo Tiếng Cười, tập hợp một số anh em quen biết như Tú Mỡ, Trần Khánh Giư và hai người em Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân vào làm bộ khung cho tòa soạn báo, phụ trách các mục.

Tuy vậy, chính quyền lần lữa không cấp phép cho ra báo Tiếng Cười. Sau một thời gian chờ đợi, Nguyễn Tường Tam biết là khó có khả năng ra một tờ báo trào phúng của riêng mình. Lúc đó đang có tờ tuần báo Phong Hóa ra đời năm 1932 do mấy đồng nghiệp trong trường Thăng Long chủ trương, Phạm Hữu Ninh là người sáng lập trường Thăng Long làm quản lý, Nguyễn Xuân Mai là người chính thức đứng tên xin giấy phép làm Giám đốc chính trị.

Tôn chỉ của tờ Phong Hóa khi ấy, “xét trong hai nền văn hóa (Pháp và Việt Nam) cái gì tốt đẹp thì thu góp làm văn hóa của nước nhà” khiến cho tờ báo nhạt nhòa, mới ra hơn chục số đã có ít bạn đọc, đối mặt với nguy cơ bị đình bản. Nguyễn Tường Tam bèn đàm phán với Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai nhượng lại quyền chủ nhiệm của tờ báo cho mình, hàng tháng hai người vẫn lĩnh lương quản lý và giám đốc chính trị của tờ báo nhưng… không phải làm gì!

Thay vào đó, Nguyễn Tường Tam lấy bộ khung nhân sự chuẩn bị cho tờ Tiếng Cười chuyển sang làm báo Phong Hóa. Ngoài 5 người có sẵn (Trần Khánh Giư đã làm Phong Hóa từ số 1 đến số 13), Nguyễn Tường Tam chiêu dụ thêm Nguyễn Thứ Lễ, một cây bút mới mẻ đã có nhiều bài đăng báo mà Nguyễn Tường Tam thấy có nhiều triển vọng. Từ số 14 của tờ Phong Hóa đổi mới ra ngày 22.9.1932 đã bắt đầu một giai đoạn mới của tờ báo này với đội ngũ làm báo 6 người nòng cốt do Nguyễn Tường Tam làm chủ bút.

Báo Phong Hóa với hương vị châm biếm, hài hước, đả phá kịch liệt những cái cũ, nhanh chóng có được bạn đọc đông đảo. Tác giả Phạm Thế Ngũ, trong Lịch sử văn học Việt Nam tân biên giản ước (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên), tập 3, Quốc học tùng thư xuất bản tại Sài Gòn lần thứ nhất năm 1965, nhận xét: “Tờ báo nổ ra như một trái bom, mang lại cho xã hội Việt Nam khi đó món quà mà người ta chưa hề được thưởng thức: cái cười.”

Tuy vậy, do không có nhà in riêng, lại phải mua giấy với giá đắt nên hết sức chật vật để tồn tại. Nguyễn Tường Tam bèn tìm cách liên hệ với một nhà tư sản giàu có cảm tình với Phong Hóa để nhà tư sản này bỏ vốn thành lập cơ sở xuất bản lấy tên là An Nam xuất bản cục, lo đảm bảo các cơ sở vật chất để ra báo và in sách.

Ra mắt Tự lực văn đoàn

Sau một thời gian, nhóm làm báo Phong Hóa ngồi tính toán lại, thấy mọi lời lãi của tờ báo đều chui vào túi nhà tư sản nọ, còn lại những người nai lưng, đổ mồ hôi ra làm báo vẫn chẳng còn được bao nhiêu, khổ sở vẫn hoàn khổ sở.

Vậy là cả nhóm ngồi họp nhau lại, quyết định phải thành lập một hội đoàn mang tính tự lực cánh sinh. Tự lực văn đoàn ra đời.

Để tránh những rắc rối với nhà cầm quyền, tất cả quyết định rằng Tự lực văn đoàn sẽ không có quá 10 thành viên để khỏi phải xin phép. Hội đoàn cũng không có văn bản thành lập, điều lệ, chỉ dựa trên một điểm căn bản là tin tưởng lẫn nhau để cùng hoạt động.

Chính vì thế nên rất khó để có thể xác định chính xác ngày thành lập Tự lực văn đoàn. Chỉ biết rằng những thành viên nòng cốt đầu tiên của Tự lực văn đoàn cũng chính là những người làm báo Phong Hóa dưới sự chủ trì của Nguyễn Tường Tam.

Đến báo Phong Hóa số 87, ra ngày 2.3.1934 có một bài viết mang tên “Tự Lực Văn Đoàn”, mở đầu viết: “Tự Lực Văn Đoàn họp những người đồng chí trong văn giới; người trong đoàn đối với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, cùng nhau theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương”.

Cũng trong bài viết “Tự Lực Văn Đoàn” này đăng Tôn chỉ của Tự Lực Văn Đoàn gồm 10 mục, phía dưới ký bốn chữ Tự Lực Văn Đoàn. Vì thế, có thể xem đây như là cương lĩnh chính thức của Tự lực văn đoàn và ngày 2.3.1934 là ngày chính thức Tự lực văn đoàn ra đời.

Về các thành viên đầu tiên của Tự lực văn đoàn theo nhiều tài liệu khác nhau cũng có  thông tin khác biệt, mâu thuẫn. Sáu thành viên đầu tiên làm báo Phong Hóa là Nguyễn Tường Tam, Trần Khánh Giư, Nguyễn Tường Long, Nguyễn Tường Lân, Hồ Trọng Hiếu, Nguyễn Thứ Lễ chắc chắn là những thành viên đầu tiên. Nhưng theo ý của Nguyễn Tường Tam, cần phải kết nạp thêm một thành viên thứ bảy để đủ số “Bắc đẩu thất tinh”, tương ứng với bảy vì sao trong chòm sao Bắc đẩu. Sở dĩ Nguyễn Tường Tam có ý này là phỏng theo hình mẫu của nhóm Pléiade-Thất tinh-một nhóm gồm 7 nhà thơ Pháp thời Phục hưng thế kỷ XVI.

Có tài liệu nói thành viên thứ bảy này là họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Tuy nhiên, vì văn đoàn hướng chủ yếu các hoạt động vào địa hạt văn chương nên mặc dù Nguyễn Gia Trí có tham gia vào nhiều hoạt động của Tự lực văn đoàn nhưng thành viên thứ bảy khó có khả năng lại là một họa sĩ. Bởi vậy, thông tin đáng tin cậy hơn cả là theo lời giới thiệu của Trần Khánh Giư, người em ruột của Trần Khánh Giư là Trần Tiêu, khi ấy đang ở quê nhà Hải Phòng và viết tiểu thuyết Con trâu về nông thôn, trở thành thành viên thứ bảy của Tự lực văn đoàn.

Vậy là “thất tinh” Tự lực văn đoàn gồm có Nguyễn Tường Tam, bút hiệu Nhất Linh; Trần Khánh Giư, bút hiệu Khái Hưng (đôi khi còn lấy bút hiệu Nhị Linh); Nguyễn Tường Long thành Hoàng Đạo; Nguyễn Tường Lân thành Thạch Lam; Hồ Trọng Hiếu thành Tú Mỡ; Nguyễn Thứ Lễ thành Thế Lữ; và Trần Tiêu.

Sau này, Tự lực văn đoàn mới kết nạp thêm thành viên thứ tám là nhà thơ Xuân Diệu.

YÊN BA

 Văn Nghệ số 34/2021

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *