Vanvn- Đọc tập thơ và trường ca Giấc mơ của một loài Cỏ của tác giả Thèn Hương – một tác giả còn rất trẻ, tôi cứ bâng khuâng mãi với câu hỏi: Vì sao tác giả là một cô gái trẻ mà suy tư, triết luận không hề trẻ. Tôi gặp một giọng điệu già giặn trước tuổi trong những bài thơ có những chi tiết nghệ thuật non tơ. Tại sao lại như thế?
Thì ra tác giả, bằng cả ý thức và vô thức, đã hoá thân thành hình tượng Cỏ, một hình tượng nghệ thuật được điệp lại nhiều lần, mang những lớp nghĩa hàm ngôn sâu xa, rồi trở thành một biểu tượng nghệ thuật đắt giá trong tập thơ đầu tay của thi sĩ mang hai dòng máu Tày – Nùng này.

Mà làm sao không đích đáng và lôi cuốn đến đắm lòng Cỏ ơi? Cỏ là biểu tượng của thân phận – tâm tư người con gái vùng cao?! Nhỏ nhoi và lớn lao; yếu đuối và mạnh mẽ; vô tư và sâu sắc; mong manh và bất diệt… những cung bậc hết sức trái ngược nhau lại gắn kết hoà quyện trong một biểu tượng Cỏ. Cỏ là biểu tượng cho con người miền núi nói chung, đặc biệt là người phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, chịu thiệt thòi vô hạn vẫn giàu ước mơ, vẫn dũng cảm trong hành động trên hành trình số phận của mình. Biểu tượng Cỏ của Thèn Hương thua thiệt nhưng không bi quan, vật vã đi tìm chính mình, vấp ngã nhưng không ảo não, có sự quật cường và lạc quan trong biểu tượng Cỏ, trong hồn thơ ấy.
Quả thực, nếu nhiều nhà thơ khác có sự khác biệt, giữa thơ với cuộc đời của họ, thì với Thèn Hương lại đúng như Hàn Mặc Tử đã viết “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Có thể linh hồn triệu năm của bao loài Cỏ trên đỉnh núi đã đầu thai vào chị, nhờ trái tim chị hát lên ba khúc hát vừa đau buồn vừa kiêu hãnh về Cỏ, về Người phụ nữ vùng cao trong hành trình thực hiện giấc mơ của mình. Hay Thèn Hương cũng là loài Cỏ Tiên biết hát phải không? Ba khúc hát ấy mang ba giai điệu da diết: Thân phận Cỏ – Tâm tư Cỏ – Hành trình đi để trở về của Cỏ. Chạm tay vào trang thơ này, nghe Cỏ khóc cười, hát ca, ra đi và mơ ước… với bao ý nghĩa nhân văn cao đẹp, nói hộ, hát hộ cho triệu con người miền núi rừng lộng gió, đẫm mưa, đầy bão nhưng vẫn chan hoà hương thơm của tình nghĩa, của ước mơ cao đẹp…
1. Thân phận và tâm tư của Cỏ
Có rất nhiều bài thơ vừa khắc hoạ thân phận vừa phản ánh tâm tư của Cỏ – mà trong nhiều cung bậc tâm tư kia, giấc mơ của Cỏ là một cung bậc đắm say nhất. Đó là các bài thơ: Tôi và giọng nói nhỏ; Trở lại trinh nguyên; Tôi học đi; Ba đoản khúc cỏ; Cỏ và giấc mơ; Bài ca về loài rêu …
Đây cũng là giấc mơ phi thường của Cỏ, được nhổ sạch những cọng rễ sầu đau uất ức, được hét lớn làm rung chuyển vũ trụ khi thổ lộ khát vọng lớn lao của mình. Đây là lần tuyên ngôn thứ nhất có tính khái quát nhất, cho giấc mơ khẳng định mình trước thế giới của Cỏ:
-“nguyện làm cỏ
cho đôi tay thô kệch em nhổ sạch nhổ tận gốc nhổ không còn sót dù chỉ một cọng rễ sầu đau uất ức (…)
… em hét vang đỉnh trời
rung chuyển cả vũ trụ
sa xuống một vì sao
rơi vào mắt
để em bật giọng cười trong vắt
bình yên.”
(Nguyện làm cỏ cho em )
Hầu hết các bài thơ trong tập thơ này thuộc tiểu loại thơ tự sự: Tự do về số lượng câu chữ, phóng túng như sông tràn bờ như gió lang thang, phù hợp với dòng cảm hứng tuôn trào bất tận như sóng biển khơi; ít nhiều, đậm nhạt cốt truyện – cái cớ để chủ thể trữ tình bộc bạch cảm xúc và suy tư… Việc chọn lựa thể loại thơ Tự sự là phù hợp với chủ đề và bút pháp của tập thơ – một bút pháp nghệ thuật tôi tam đặt tên là “Bút pháp Thuỷ triều”, lớp lớp câu thơ như sóng triều dâng, để tâm hồn người đọc là bờ cát thổn thức không ngủ yên…
Cũng với mạch thơ Tự sự ấy, bài Vô danh cỏ nằm trong trường ca khắc hoạ gần như trọn vẹn nỗi buồn thân phận vô danh, đẹp không ai biết, tàn không ai hay của Cỏ trên vùng cao nghèo khó: “… cỏ buồn chạm đáy/ nỗi buồn không tên (…) … vô danh vô duyên sống đời lận đận …/… tất cả đều bỏ đi không hẹn ngày trở lại còn trơ tôi – cỏ dại đi hay ở bây giờ? cỏ ước một tên gọi/ cỏ thèm tờ giấy khai sinh/ cỏ muốn bay/ cỏ mơ giấc mơ của cỏ …” (Vô danh cỏ). Trong phần này, tác giả xây dựng một số câu hỏi – đáp, một kiểu độc thoại nội tâm của Cỏ. Đến một số bài thơ khác, hình thức độc thoại ấy chuyển thành “Đối thoại giả định” – một kiểu loại độc thoại nội tâm độc đáo:
Tôi:
– Tôi muốn xoá bỏ tôi của ngày hôm qua
tôi cần phiên bản mới, tốt hơn
Giọng nói nhỏ:
– Đừng, xin đừng, hỡi chủ nhân
thay đổi làm gì, khi người đã có đủ?
khéo lại hoàn không!…
(Tôi và giọng nói nhỏ)
Đây cũng là thủ pháp nghệ thuật còn trở đi trở lại trong tập thơ và trường ca này.

Sau khúc dạo đầu bộc bạch khái quát về thân phận và tâm tư của Cỏ, bắt đầu từ mục 3. Cỏ & giấc mơ, với 11 khúc ca, bắt đầu từ khúc ca “Mảy” – kết thúc bằng khúc ca “Bài ca của loài rêu”, nhà thơ đã miêu tả và suy ngẫm về những giấc mơ của những phận người có tên, không tên như Cỏ. Có những giấc mơ đuổi theo giá trị vật chất và chỉ vì mình. Có những giấc mơ theo đuổi cả giá trị vật chất và tinh thần, vì mình và vì người, thậm chí quên mình vì người thật cao quý. Cỏ đi sai hoặc đi đúng đường, hạnh phúc hay bất hạnh…?! Có thành công nào không phải trả giá? Ngàn đời qua tìm đường đúng đắn mà đi có bao giờ dễ dàng? Rồi hai bài thơ miêu tả hai phận Cỏ cao quý làm người đọc chảy nước mắt:
– “Khun Làn như mọi ngày
hôm nay
lũ trẻ vẫn ngóng chờ thầy
dòng suối vắng tiếng gọi kawm ntawv thân thuộc
bặt tiếng hihi haha vách đá lặng câm
lớp học chỉ còn tiếng nấc
Thầy Phà ơi!”
(Thầy Phà)
Và đây nữa:
– “Giấc mơ kỹ sư gác lại
thuyền Bát nhã vẫy gọi
cháu bước lên
thương kiếp người ngắn như chiếc lá
Bỉ ngạn ơi xa quá đường đi…”
(Giác Khoa)
Hàng loạt bài thơ còn lại của phần 3 này như Khúc Vĩ thanh cho Cỏ và những giấc mơ. Cỏ nhỏ nhoi vô danh nhưng không thôi khát vọng trên đỉnh núi cao khắc nghiệt. Cỏ hoá thân vào những phận người nhỏ bé nhưng có sức sống tiềm tàng như Mảy, Luyến, Mây, Dì Lèng tôi, Lục, Ngần… Có giấc mơ sai đường và đúng đường. Có buồn vui và nặng trĩu yêu thương: Cỏ thương Cỏ và thương mình, từ đó suy tư – triết luận về hành trình đi tới giấc mơ hạnh phúc của Cỏ – của phận người như Cỏ vùng cao.
Có một hành trình hai chiều nghịch đảo: – Khát khao về với thành phố tắm trong hào quang rồi khát khao trở về quê nhà còn đầy gian khó. Con đường trở về trong hành trình kia không chỉ biểu hiện trí tuệ, bản lĩnh của nhà thơ còn khá trẻ này. Nó cho thấy bản năng thi sĩ và dự cảm tinh nhạy của người Thơ, điều mà không phải cây bút trẻ dân tộc thiểu số nào cũng đạt tới.
2. Hành trình ra đi để trở về của Cỏ
Trong hiện thực cũng như trong sáng tác, khá nhiều cây bút trẻ là người dân tộc thiểu số khao khát đến với ánh sáng đô thị văn minh, rồi có thể vỡ mộng nhưng thấy ai miêu tả một hành trình trở về như Thèn Hương. Ra đi đã khó, trở về còn khó hơn nhiều! Rời núi về đồng bằng đã gian nan, bỏ nước máy trở về uống nước suối khe còn gian nan bội phần. Chúng ta hãy chia sẻ hành trình trở về của chủ thể trữ tình. Đầu tiên là nỗi lạc lõng cô đơn khi Cỏ về thành phố:
“- Tôi của rừng già, đồi đá
của suối hát, thác reo
của đồng xanh dịu mát
của ngọn khói lam chiều (…)
… Tôi đâu ?Tôi đang trôi giạt chốn nào…
Cỏ lặng lẽ bỏ đi
(Niềm vui qua mau)
Sau bao bầm dập lạc lối, Cỏ trở về quê hương:
– “Cỏ được trở về quê nhà
trên ngọn đồi cao, dưới kia là thảo nguyên bát ngát
từng ngọn gió đưa hương nhè nhẹ vỗ về
tâm hồn cỏ mát lịm lắng dịu
cỏ thảng thốt:
– Sao trước đây tôi không nhận ra quê mình đẹp thế!
Cỏ cất lời ca bài ca quê hương…”
(Quê nhà tìm thấy)
Biết trở về còn gian khó, hạnh phúc chắt chiu, giấc mơ khó nhọc, đó là cái nhìn vừa mơ mộng vừa hiện thực của nhà thơ khi hoá thân vào Cỏ:
“- giữa gió núi, mưa rừng
trong ánh mắt buồn sâu, sau nụ cười héo úa
em đến cầm tay giấc mơ đứng dậy
giũ bụi đất
bước đi
Lặng lẽ
băng hờ hững nỗi đời
xuyên bóng tối lòng người
về phía sáng
giấc mơ.”
(Coda)

Sau phần 3. Cỏ và những giấc mơ, tác giả dành phần 4. Thổ cẩm về xuôi cho những khúc hát thấm đẫm văn hoá vùng cao nói chung, văn hoá Tày – Nùng; Mông; Cao Lan… văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tuyên Quang. Đó là khi Cỏ trở về cố hương, vượt thử thách gian khó, Cỏ sẽ tự tin ra đi, hội nhập, khoe sắc hương trong hình dáng thiếu nữ vui say:
– “Hôm nay
thổ cẩm về xuôi
bao hoa văn của núi đồi về theo
này là suối nhỏ trong veo
kia là nắng quái chân đèo hoàng hôn
bướm bay, ong đậu dập dờn
hoa vàng khai hội con đường em đi…”
(Thổ cẩm về xuôi)
Với tập thơ và trường ca đầu tay của tác giả Thèn Hương, tôi vui mừng và hi vọng trong kho tàng thơ dân tộc thiểu số Việt Nam có thêm một gương mặt đặc sắc, có tính sáng tạo độc đáo. Nếu tác giả giữ vẹn nguyên ngọn lửa đam mê, tôi tin chị sẽ còn thành công và đóng góp được nhiều hơn nữa. Trong tập thơ và trường ca này, bên cạnh thể thơ Tự sự giàu trí tuệ, biểu tượng Cỏ với nhiều lớp nghĩa hàm ngôn, giọng điệu trữ tình – triết luận vừa thâm trầm, vừa lấp lánh vẻ đẹp khát vọng, tác giả còn đan cài nhiều từ – câu bằng tiếng Tày, Nùng, tiếng Mông, tiếng Anh, tiếng Nhật và cả tiếng Phạn trong kinh Phật… vào các bài thơ. Việc đan cài ngôn từ ấy không chỉ mang lại “hương sắc lạ” mà còn tạo ra vẻ đẹp đa văn hoá cho tập thơ này. Tập thơ và Trường ca này có trữ lượng văn hoá vùng cao giàu có, có ý vị triết học chìm sâu đợi chờ khám phá: – Hành trình kiếm tìm khám phá chính bản thân của mỗi cá nhân trong thế giới bất an, nhiều biến động.
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC HẠNH