Vanvn- Như một bữa tiệc dành cho anh, mọi người tranh nhau gắp thức ăn dồn đầy chén, anh ăn cầm chừng đôi mắt đẫm lệ không dám nhìn ai. Cái không khí gia đình đã tác động quá mạnh mẽ và đau đớn tới một người mà suốt cuộc đời không biết đến tình thương gia đình, làm một người mạnh mẽ như anh cũng như ngã gục…
Anh Thố – Phạm Văn Thố vốn là con cô cậu, chẳng biết tự bao giờ anh luôn ẩn hiện trong cuộc sống của mình. Sinh ra năm 1945, anh Thố không còn cha mẹ sau trận đói lịch sử và việc anh tồn tại qua nạn đói mãi mãi là một bí ẩn. Theo lẽ sinh tồn, anh lớn lên cùng làng xóm, lang bạt khắp nơi và làm đủ mọi nghề để sống. Đôi lúc trong tột cùng của sự đói khổ, anh cũng… ăn trộm. Với một lịch sử như vậy, anh Thố trở nên rất đặc biệt với mình và luôn song hành cùng niềm vui, nỗi buồn những dấu ấn từ thuở ấu thơ cho đến tận những ngày cuối cùng khi anh ra đi mãi mãi, năm 2015.

Anh Thố nhỏ thó da ngăm đen, khuôn mặt dày dạn phong trần già hơn số tuổi, hàng răng đều trắng bóc. Đặc biệt anh có đôi mắt đẹp, đen láy hàng lông mi dài cong vút, mỗi khi gặp ai anh luôn nở nụ cười nhẹ như khoe hàng răng và đôi mắt long lanh (cũng giống mắt… mình, gen trội bên Ngoại). Vậy mà hình như số phận tạo ra anh bằng sự lăn lộn với đời, ngôn ngữ phong cách khác người nên chẳng mấy ai thương anh.
Ba mình khi gặp thì gằn giọng “thằng Thố”. Má mình sau tiếng thở dài, nói nhẹ thì thầm với chút yêu thương “thằng Thố”… Nhưng với mình anh lại là người hùng, khí khái, rộng rãi trừ khi anh… đói. Anh sinh ra để không biết… sợ, dũng mãnh trấn áp với những kẻ nhỏ hơn đầy ranh ma láu cá, khôn khéo thông minh đối đầu với kẻ mạnh hơn mà không hề thấy lép vế. Vì vậy, trong trí nhớ trẻ thơ đầy ngưỡng mộ, mình luôn reo mừng nhảy cẫng lên, ôm chặt lấy chân khi gặp: “anh Thố”. Anh rất thương mình, làm như mỗi khi ghé qua nhà thì chỉ có lý do duy nhất là gặp mình để kể chuyện vặt như khoe những chiến công trong cuộc đời muôn khó.
Khi mình lên 10 tuổi, chiến tranh phá hoại ném bom miền Bắc lần thứ nhất chấm dứt (1968). Mình trở về sống cùng gia đình ở Hà Nội. Anh Thố đến gặp với đôi mắt đượm buồn, sau một vòng đi chơi hồ Bảy Mẫu, ăn uống khá bảnh với cuộc sống lúc bấy giờ bằng những đồng tiền nhàu nát cuối cùng. Anh buồn bã nói: “Tao phải đi bộ đội thôi, may ra đời khá lên được…”. Bấy giờ mình thương anh lắm, nhưng vì còn nhỏ cũng chưa hiểu biết nhiều. Anh rưng rưng tiếp: “Cuộc sống giờ khó khăn lắm, khoai sắn không đủ no, mùa lạnh áo không đủ ấm”. Có một điều anh và mình đều biết rất rõ câu trên sóng đài nghe lén “sinh Bắc, tử Nam”. Sự thật nghĩa là ra đi khó có ngày về trong cuộc chiến tranh ngày càng trở nên hung bạo, khốc liệt. Bây giờ nhớ lại mình vẫn rưng rưng thương anh nhiều lắm, thương thân phận con người trở nên nhỏ bé giữa dòng đời bạc bẽo nghiệt ngã, dòng lịch sử lạnh lẽo vô tình.
Tấm hình đen trắng trong công viên “Hồ Bảy mẫu – Hà Nội” nhỏ xíu ngày ấy được tô màu đến nay vẫn chưa phai còn in dấu theo suốt quãng đời còn lại của mình. Mình tặng anh cái huy hiệu quý nhất bộ sưu tầm mà hồi ấy cứ tưởng là bằng vàng (được phân phối khi có đăng ký kết hôn, mình thường thấy như một vòng nhỏ xíu như chìm trên ngón tay đeo nhẫn của các thiếu phụ có chồng đi B, hoặc được cột sợi chỉ đỏ treo quay vòng trên lòng bàn tay để đoán về sinh mệnh của người nơi chiến tuyến). Thế rồi anh lặng lẽ ra đi, Má mình thu xếp đồ đạc ít ỏi của anh cùng vài món có ý nghĩa gia đình. Lần đầu tiên vì anh, mình thấy Má đã khóc tiễn đưa người cháu mà thương như con lên đường ra trận.
Bẵng đi thời gian dài, cuối năm 1972 anh Thố lại xuất hiện. Về Hà Nội giữa mùa lạnh trong trang phục Quân Giải phóng bạc màu chiến trận, nón tai bèo, bên ngoài là chiếc áo khoác dày sĩ quan gọi là “Đại cán” đã ngả màu mòn vẹt cổ áo và kè kè bên hông con dao găm Mỹ trong bao da nhỏ gọn, chiếc ba lô nhiều dây xẹp lép như hành trang ít ỏi, nhẹ như long hồng của người lính ra đi không muốn trở về. Đi đến đâu anh cũng được mọi người ngưỡng mộ trầm trồ ngợi khen, còn đám thanh niên lêu lổng dạt ra né tránh. Tự hào đi với anh trong vài ngày phép ngắn ngủi đầy thú vị như đi tàu điện không soát vé, đi xem phim hay xem ca nhạc ở Công viên Thống Nhất không phải xếp hàng, mọi người còn dạt ra để hai anh em ngồi ngay vị trí hàng đầu trên bãi cỏ êm… Vẫn đạp xe đi ăn bánh tôm Hồ Tây, kem Tràng Tiền, nước dừa hạt sen đường Thống Nhất lại còn thêm bát phở bò Hồ Gươm ngon thơm phức và béo ngậy mà ít khi được ăn trong đời, vì ngày ấy thường chỉ được ăn phở Tàu bay không người lái (không thịt). Ngồi trong công viên Thống Nhất hàn huyên sau khi mình phô diễn kỹ thuật chèo thuyền, mình đặt ra hàng ngàn câu hỏi khiến người hay nói như anh cũng trở nên bối rối đỏ mặt ráng suy nghĩ nhanh để kịp trả lời.
Anh kể:
Ác liệt lắm, làm sao tránh được trong mưa bom bão đạn nhưng bom đạn hình như nó tránh mình… nên sống, âu cũng là số phận. Mùa hè 1972, sau khi vượt sông Thạch Hãn mà sự hy sinh nhiều tuyến đã hơn phân nửa. Lao vào trận đánh thành Cổ Quảng Trị ác liệt, đẫm máu đến cỏ cây, viên gạch chẳng còn nguyên. Cứ thế say máu, tiếc thương đồng đội hy sinh đánh như trận chiến cuối cùng. Hết cơ số đạn nòng súng đỏ rực lại mò xác đồng đội thay súng thêm đạn bắn tiếp cho đến khi bất tỉnh.
Tới đêm khuya tỉnh lại, trong ánh trăng nhạt nhẽo, bầu trời loang lổ đầy khói bom đạn tầng tầng lớp lớp xen lẫn trắng đen, toàn thân đau nhức, tai ù không nghe được, bị chôn vùi trong hố bom đè lên trên là xác đồng đội che chở nhờ vậy mà không một vết thương mà anh chỉ bị ngất vì sức ép của bom. Cả đại đội không còn ai, khung cảnh im lặng ghê rợn lạnh người. Mất hồi lâu anh mới tỉnh hẳn, lần mò trong đêm tối đầy xác người, hít vài hơi dài thấy mình nguyên vẹn, khoác khẩu AK anh chậm lê bước hướng về điểm tập kết mà chiến dịch quy định.
Chợt nghe tiếng rên nhẹ trong căn nhà đổ nát bên đường, nhìn ra một anh lính Cộng hòa trẻ tuổi da trắng bợt như thư sinh dưới đống gạch, tủ thờ vỡ nát. Sau một hồi bới rồi kéo ra, chàng lính trẻ bị đa chấn thương mất rất nhiều máu tỏ ra vô cùng sợ hãi khi nhìn thấy anh bộ đội mặt đen sì với hai mắt sáng quắc. Anh Thố bình tĩnh theo thói quen băng bó cầm máu cho anh lính trẻ, cho uống chút nước còn sót trong bi đông rồi nói: “Thế là số phận vô tình gắn hai chúng ta lại với nhau, sống cùng sống, chết cùng chết”.
Thế rồi sau gần ba giờ, trong tiếng bom đạn, tiếng sấm ì ầm xa xa, lâu lâu pháo sáng cháy rực trên bầu trời, trong tư thế đi sau cầm súng anh Thố cũng ra được bờ sông Thạch Hãn. Anh rút vội phong lương khô cuối cùng sót lại cho tên lính trẻ Cộng hòa như món quà chia tay kèm lời căn dặn “ráng sống thờ cha mẹ nhé”. Tên lính trẻ ngơ ngác, ánh mắt ngây thơ như biết ơn liếc nhanh qua khẩu AK rồi vội vã quay người cố gắng chống gậy lết nhanh hết sức theo chiều ngược lại. Chờ tên lính khuất dạng trong pháo sáng lập lòe, anh buông mình thiếp đi trên đám cỏ dày ven sông…
Sau chiến dịch khủng khiếp ấy, anh được thưởng Huân chương chiến công mà cái cuống nhỏ xíu gắn trên ngực áo còn đỏ tươi bên cạnh những cuống huy chương đã bạc màu và những ngày an dưỡng ở tuyến sau Quảng Bình. Nhưng chỉ sau hai ngày ở Trại an dưỡng, anh liền nhảy xe trở về Hà Nội chuyển những ngày an dưỡng còn lại thành nghỉ phép.
Thế rồi, ngày nào cũng vui như ngày hội của mình, sáng đưa trưa đón chiều dạo chơi làm cạn dần nguồn phí về phép ít ỏi. Những ngày vui như giấc mơ qua nhanh tựa “bóng câu qua cửa sổ”. Ngày chia tay, Má nấu bữa ăn thịnh soạn nhất có thể giữa thời buổi chiến tranh, bà con hàng xóm xôn xao cùng góp vui. Như một bữa tiệc dành cho anh, mọi người tranh nhau gắp thức ăn dồn đầy chén, anh ăn cầm chừng đôi mắt đẫm lệ không dám nhìn ai. Cái không khí gia đình đã tác động quá mạnh mẽ và đau đớn tới một người mà suốt cuộc đời không biết đến tình thương gia đình, làm một người mạnh mẽ như anh cũng như ngã gục…
Vẫn cái ba lô cùng trang phục Quân giải phóng bạc màu, chân đôi đi dép rọ màu nâu mới tinh (đôi dép cao su đúc của Trung Quốc anh đã tặng mình như món quà rất quý báu lúc bấy giờ; còn mình tặng lại anh viên bi đá đen bóng từ đá núi Hà Giang phải mất hơn tháng để mài), anh bịn rịn chia tay. Má vội dúi vào tay anh những tờ tiền để dành còn mới tinh được cuộn tròn, anh đẩy ra nói khẽ trong rưng rưng nước mắt “Má ơi, xe vẫy, cơm nhờ, nước xin. Vào đến chiến trường tắm bằng bom đạn thì tiền đâu có ý nghĩa gì…”. Thế rồi mình là người cuối cùng cầm tay anh ra đường Nam Bộ. Anh lên ngay chuyến xe đầu tiên chở Bộ đội đi B với những tân binh lạc quan hát hò huyên náo, quần áo mới tinh lá ngụy trang xanh mướt cả xe lẫn người. Sau những cái bắt tay vội vã với những đồng đội mới, xe chầm chậm chuyển bánh, bám mui cuối xe nhè nhẹ vẫy chào trong bụi đường cuộn dâng. Mình vui vì thấy anh như được trở về đại gia đình của lính nơi mà anh muốn cùng sống chết. Cuộc sống thật kỳ lạ vô thường, trong cái mạnh mẽ, nghĩa khí nhưng người ta vẫn cảm nhận được tính nhân văn, yêu thương rất đặc trưng con người…
Cuộc sống vẫn nhẹ nhàng trôi, Hà Nội vẫn bốn mùa yêu thương như cô gái xuân thì xinh đẹp, đỏng đảnh. Mùa xuân của vạn loài hoa khoe sắc. Những trắng hoa ban, cúc, loa kèn…; đỏ hoa gạo, đào, hồng…; vàng như hướng dương, cúc, cải…; tím của bằng lăng, bông giấy, pensse, lưu ly… nhưng thương nhớ da diết vẫn là hoa sữa với hương nhẹ nhàng bâng khuâng trên phố. Mùa hè, phượng đỏ rợp trời, ve kêu inh ỏi và luôn được đám học trò hiếu động đợi chờ với những trò chơi tinh nghịch lôi cuốn. Mùa thu đáng nhớ với những cây bàng lá đỏ dần rụng hiện ra thân hình khẳng khiu như vẽ lên bầu trời muôn hình thù kỳ lạ, đường dần trắng xóa se lạnh báo hiệu cho mùa đông tiếp theo với trời mưa phùn lất phất, ẩm ướt với cái lạnh buốt da, bàn tay lỗ mũi tái tê…

Thời gian qua nhanh, thấm thoắt đã bước vào năm 1975 lịch sử còn nhớ mãi. Lúc này chúng mình đang đua trong năm học cuối phổ thông, lớp 10D trường cấp ba Tây Sơn. Lớp tụi mình hầu hết đều song hành cùng nhau từ thuở nhỏ nên có nhiều kỷ niệm không thể nào quên và sau này khi đã là ông, là bà mà vẫn “mày, tao, tôi, tớ” tựa trẻ thơ. Cuộc thi đại học ngày ấy khốc liệt đến mức bài thơ hài còn tồn tại đến hôm nay:
“Giám thị nhìn em, giám thị cười
Em nhìn giám thị nước mắt rơi
Cổng trường đại học cao vời vợi
Mười đứa leo lên, chín đứa… rơi”.
Hồi ấy, để ôn thi mình thường thức trắng đêm thường là ở công viên Thống Nhất, có hàng dừa và cây cầu cong cong qua đảo nơi mình yêu thích nhất (nhà tập thể làm gì có chỗ cho riêng tư, học hành). Những câu chuyện lang thang học bài trong đêm tối với ánh đèn mờ vàng vọt, những chuyến nhảy lên xe tải chở hàng qua mãi bên kia sông Hồng… tất cả mãi vẫn hiện rõ trong ký ức như hành trang quý báu cuộc đời.
Thế rồi, đầu năm 1975 là đợt tuyển quân lớn. Hầu hết cả lớp 10D đều tham gia khám sức khỏe, mình bé quá bị phát hiện độn chân nhét gạch (làm cho cao lên, nặng hơn) thế là… đuổi ra. Kết quả, trong lớp có 9 bạn trúng tuyển với toàn tinh hoa của lớp. Đặc biệt có hai bạn nữ Kim Phụng, Kim Dũng. Mình gọi Kim Dũng là chị, nhà ở cùng khu khác cổng ra vào, chị là người con gái xinh đẹp tính tình nhút nhát e thẹn, có nước da trắng, đôi mắt to đen nhưng sáng lấp lánh, mái tóc đen huyền lúc nào cũng tết kỹ thành hai dải dài sau lưng. Tính hay châm chọc, có lần mình bắt sâu róm lén bỏ lên tóc chị, chỉ nhiêu đó thôi cũng làm chị phát khiếp, ngất xỉu – đúng là thằng em “quỷ sứ”. Ngày lên đường, cả lớp bỏ học để đưa tiễn mặc dù có lệnh hôm đó mà nghỉ là… đuổi học (nhưng rồi làm sao mà đuổi học cả lớp, kết quả chỉ có thầy Chủ nhiệm vô tình mang ác cảm đến tận bây giờ. Xem ra cũng là một tai nạn của… thời cuộc). Cuộc chia ly ấy vui buồn lẫn lộn và thấm đẫm nước mắt, tụi mình đạp xe mà ráng đuổi theo, bám đuôi xe chở tân binh hơn 10 cây số và những hình ảnh cuối cùng ấy đã trở thành tình cảm thương yêu, gắn bó trong đời.
Cuối tháng 4 năm 1975, tin vui chiến trường miền Nam dồn dập bay về. Trong sự đè nén, o ép đến tận cùng của tình cảm, thân phận con người giờ như chợt bùng phát. Trưa 30 tháng 4 tin miền Nam được giải phóng, nước nhà thống nhất, sum họp như một niềm vui rực rỡ, vỡ òa trong hạnh phúc rạng ngời. Mình đi bộ quanh hồ Gươm thưởng thức cái không khí mà niềm vui lớn như chưa từng có, nghĩ đến việc gặp gỡ ông bà nội, các chú thím mà chỉ được nghe qua lời kể ba má. Ngẫm nghĩ về cả quãng đời thơ ấu khổ đau, bom đạn về những mất mát, hy sinh của gia đình, làng xóm. Mình không còn biết sợ chiến tranh, nhưng thầm ước mong hòa bình là mãi mãi cho dân tộc này, đất nước này và như muốn hét lên cùng đất trời “chiến tranh như vậy đã đủ lắm rồi, không còn khổ đau nào có thể thách thức được nữa đâu”.
Năm học ấy, mình tốt nghiệp phổ thông và thi đậu Đại học Kiến trúc, có nghĩa gì đâu khi cả nhà chuyển vào sống tại Sài Gòn ngay trong những ngày cuối tháng 5. Một chuyến gia đình di chuyển bằng ô tô kéo dài từ Hà Nội vào Nam. Cả một thế giới như mở ra trước mắt mình cả những điều đã biết và chưa biết. Mình mến yêu đất nước này, những người dân Việt Nam thân thương, những vùng miền với phong cảnh đẹp như tranh vẽ, con người xinh đẹp cởi mở, thân thiện, chân tình với ngữ điệu giọng nói líu lo như chim hót… Thế rồi cuộc sống mới ổn định dù đêm đêm vẫn còn lệnh giới nghiêm với đường phố vắng tanh lặng yên đáng sợ, vẫn tiếng súng lác đác nổ như hận thù còn vương vấn khôn nguôi.
Không hiểu bằng cách nào, anh Thố lại tìm đến hể hả, vui cười và nói luôn miệng. Niềm hạnh phúc làm cho đôi mắt sáng hơn, nụ cười lớn hơn “sống rồi, về nhà thôi”. Ngạc nhiên, một người cả đời sống đúng nghĩa không gia đình bây giờ lại có nơi chốn nghĩ đến to lớn, hạnh phúc… “nhà”. Hóa ra khi anh làm Tiểu đội trưởng, một người em chiến sĩ nhỏ yêu thương quý mến anh qua những lần xung trận cùng sống chết đã gởi gấm cho anh người em gái ruột ở hậu phương. Cậu ta rồi cũng nằm lại ở bìa rừng cao nguyên do chính tay anh cõng về chôn cất, đánh dấu… (mấy chục năm sau anh Thố mới có điều kiện tìm kiếm mang về quê nhà) một câu chuyện buồn, cảm động. Nguyễn Thị Tình quê ở Thanh Trì, Phú Thọ người mà chính anh chưa từng gặp mặt chỉ có một bức ảnh chân dung trắng đen, nhỏ xíu bằng hai ngón tay với khuôn mặt trắng tròn, đôi mắt to, áo mặc màu sáng chấm bi và mái tóc dày… Kể cũng lạ, chỉ bấy nhiêu thôi đã cho anh đầy những ước mơ về một ngôi nhà vùng đồi núi yêu thương, về ruộng nương ám trong khói lam chiều, về con trâu những đứa trẻ nô đùa, về giếng nước, ao làng, sân đình, về bờ đê trong chiều lộng gió sau lũy tre làng, về hàng rào đỏ rực hoa dâm bụt với những cây cau cao vút nơi lối nhỏ vào nhà. Và từ đây khi nghĩ đến anh, mình lại luôn nhớ đến “bà chị dâu bất đắc dĩ”, nhưng hết mực yêu thương anh thay cả phần mình và trở thành bộ đôi cùng vui, cùng khổ (buồn khi chợt nghĩ lại hình như khổ nhiều hơn vui) cho đến tận những ngày cuối cùng của anh.
Rồi anh lại kể như bất tận về cuộc chiến của anh. Vẫn thế, anh may mắn thật, trong hòn tên mũi đạn chiến trận liên miên từ cao nguyên băng về thành phố, ông trời vẫn để anh nguyên vẹn đen thui, đôi mắt vẫn sáng long lanh và nụ cười hiền lành, hàm răng trắng… Trong trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử, vào thành phố hầu như trống rỗng do quân địch bỏ chạy vậy mà tiểu đội anh chỉ huy cũng mất hơn phân nửa từ khẩu đại liên trên nóc nhà căn phố. Bằng sự lanh lợi từng trải, anh cũng tiếp cận tiêu diệt được đối phương nhưng đó lại là một cậu bé tuổi khoảng 13. Tận sâu trong đáy mắt anh, người lính trận từng trải phong ba mình còn thấy như nỗi buồn vương vấn, chiến tranh sẽ là điều đáng ghét nhất của nhân loại… Thế rồi cả Quân đoàn của anh băng nhanh hết sức về thành phố bằng những phương tiện cơ giới thu được và chỉ chựng lại ở Xuân Lộc mấy ngày. Với anh đây là cuộc hành quân “hạnh phúc nhất” của đời lính, ngồi trên xe GMC của Mỹ phun khói đen kịt, bơ sữa thuốc lá đầy ba lô chỉ khi nổ súng kháng cự đã có xe tăng T54 đi trước giải quyết trong chốc lát. Vào Sài Gòn còn nhanh hơn cả ngày đầu tại Buôn Ma Thuột trước khi địch vỡ trận tháo chạy, anh mãn nguyện như “người nông dân cày xong thửa ruộng cuộc đời”, hạnh phúc là đây, cơm no áo ấm đây rồi.
Mình cũng muốn anh ở lại thi vào đại học như những người bạn cùng lớp khi ra quân, anh buồn buồn nói trình độ vừa biết chữ do anh em đồng ngũ dạy qua những lá thư, số mới đếm được một trăm… cả đời chỉ đánh lộn, cầm súng. Ngạc nhiên, khi anh tham gia quân đội đã lâu nhưng trên ve áo chỉ là hai ngôi sao nhỏ (binh nhất, mắc cười hồi ấy ở Sài Gòn cứ lầm tưởng cấp bậc là… tướng – thiếu tướng. Mấy đứa em cứ thắc mắc sao bộ đội nhiều tướng quá trời). Anh cười to, lên lon, xuống lon, lột lon mấy bận chỉ vì đánh lộn, vô kỷ luật trốn, đi chơi… mà cần gì mạng sống là quan trọng nhất còn chả thiết nữa là. Qua mấy ngày đêm tâm sự, mình dẫn anh đi ăn kem, cà phê nhạc những quán nổi tiếng lúc bấy giờ như Trang Đài, Hồng, Phượng… luôn có người bỏ nhạc với đĩa than chỉ sử dụng một bài, chủ yếu là nhạc Pháp, Mỹ; mỗi lần đến quán anh thường tròn mắt lên, thở nhẹ và tặc lưỡi?. Cuối cùng, anh cũng lên đường về bắc theo chiều dễ đi với giấy xuất ngũ trên tay cùng món quá anh rất quý là cái radio sony ba band đài và con búp bê biết mở mắt, nhắm mắt và biết khóc… mình cho anh chỉ vàng mà nhỏ em con chú mới dúi vào tay như quà gặp mặt. Lần đầu tiên, ôm mình anh khóc nước mắt thành dòng vì biết trước sẽ khó có ngày gặp lại trong điều kiện đường xá xa xôi.
Rồi đường ai nấy đi, cuộc đời không bao giờ như ý mình mong muốn. Mình học xong đại học, tham gia quân ngũ, đi làm rồi vợ con và già đi mỗi ngày… Lâu lâu vẫn nhận được tin anh từ những anh chị, bạn bè ở Hà Nội, nghe nói anh vất vả lắm. Người anh từng trải lăn lộn trong đời để tồn tại, cũng dễ hiểu khi lúng túng chuyện gia đình, đồng áng; đau lòng xoay xở lo ăn cho vợ cho con… sự phũ phàng ấy nhanh chóng ập đến đè lên giấc mộng gia đình hạnh phúc của anh… Nhưng cũng chỉ biết thương vậy mà thôi.
Năm 1979, một thời điểm lịch sử không thể nào quên. Khi cả nước dang chật vật, xoay sở với cơm áo, gạo tiền trong vòng vây cấm vận và nguồn nguyên liệu cho sản xuất đang cạn kiệt. Cơ chế kinh tế nước nhà như chiếc áo chật chội sắp bung ra những ý tưởng thần kỳ “đổi mới”. Tưởng rằng mãi mãi hòa bình thì chiến tranh biên giới Tây Nam rồi phía Bắc như tai họa giáng xuống cho dân tộc này, đất nước này.
Tháng hai, lần đầu tiên trong lịch sử Chủ tịch nước ra lệnh Tổng động viên. Đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Tổng hợp, mình lại các bạn náo nức chuyện tòng quân cứu nước. Rồi ngày nối ngày, lúc nào cũng ầm vang những bài hát đanh như thép, nóng như lửa (ngày nay không còn mấy ai nhắc đến nữa): “Khắp thế giới vang lên những lời hô; không được đụng đến Việt Nam; bọn bành trướng khát máu; cút ngay khỏi Việt Nam” hay “Hãy cho tôi lên đường! Tôi đi hỏi tội lũ quân phản bội đổi trắng thay đen, gian ác vô chừng… khi bao nhà tan cửa nát, tội ác không đếm được quân Bắc kinh reo giắc không ngừng”. Ngay đến tận bây giờ, khi nghĩ về những ngày ấy, mình vẫn thổn thức nhói đau và vương vấn câu hỏi vì sao?, vì sao?.
Nhưng rồi cũng nhanh chóng như khi xuất hiện, chiến tranh tạm kết thúc ngoài mặt nhưng vẫn khoét sâu bằng máu và lửa dai dẳng ở Campuchia, ở Tây Bắc… cho dù không khốc liệt, đau thương như trước đây, nhưng mình vẫn nhận thấy không gì có thể đánh gục con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Lịch sử đã chứng minh rồi, Mình sẽ lại đứng lên rạng rỡ, vỡ òa trong ngày vui chiến thắng. Nhưng khó khăn kinh tế lại rất thật, những bữa ăn bobo, mì sợi… kinh tế gia đình tự cung tự cấp dẫn đến phong trào nhà nhà nuôi heo, cá tra, chim cút… tự may vá, đến gia tài lớn nhất là xe đạp cũng dắt theo ống bơm, bộ đồ vá ruột xe… hàng hóa phân phối, khan hiếm những cảnh bốc thăm chia đồ thành tiếng cười dân gian:
“Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần… may ô”
“Tôn Đản là chợ vua quan
Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần
Đồng Xuân là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ Nhân dân anh hùng”
Rồi sự kiện Phạm Tuân năm 1980, người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ với “bèo hoa dâu”. Tự hào có, nhưng cám cảnh của đói nghèo thành những truyện cười không ít:
“Đất nước còn lắm gian truân
Tại sao lại bắn Phạm Tuân lên trời”
“Nhân dân khoai sắn, khoai mì
Mày vào vũ trụ làm gì hả Tuân?”
Năm 1986, “chiếc áo bao cấp” rách bung, nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật đã làm cho “đổi mới” nhanh từng ngày, thoát khỏi đói nghèo lạc hậu xã hội thay da, đổi thịt. Dần dần đã gần như không còn cảnh cơm không có ăn, áo không có mặc. Phố phường, làng mạc biến đổi trù phú, nhà nhà đua nhau làm giàu… và rồi cũng từ đây nảy sinh ra chuyện “tiền bạc” lên ngôi, ngự trị xã hội, tình cảm đạo đức suy thoái đảo lộn là có… thật.
Năm 1995, Mình thu xếp đưa Má ra miền Bắc “dối già” chào tạm biệt mọi người. Dù lúc ấy đi lại còn khó khăn lắm, nhưng hai mẹ con cũng đến được “nhà” của anh Thố. Nhớ mãi khung cảnh chiều mùa đông, trời sương mù giăng mờ mịt, mình lao lên ngôi nhà trên đồi, nép vào núi đá miệng gọi lớn “anh Thố ơi…”. Anh ngồi nơi bậc cửa thẫn thờ rồi cố gắng bám cánh cửa đứng lên nói không ra tiếng. Mới 50 tuổi mà nhìn anh giống như ông già dân tộc, nước da đen bóng nhăn nheo. “Trước đây, khó khăn lắm em ơi. Bây giờ tạm ổn hết đói rồi”, thửa ruộng cấp 5% đã bán lâu rồi, anh làm đủ thứ nghề (trừ làm nương, rẫy vì không biết) như buôn trâu bò qua Trung Quốc, buôn lợn, cây giống… nhưng rồi cũng không khá được. Làng xã cũng quan tâm đến cựu chiến binh trận mạc như anh. Nhưng bây giờ giấy tờ mất cả, Cái thương tật nằm trong não, trong phổi, trong tim cũng không có giấy thương binh để xin trợ cấp, đồng đội yêu thương hầu hết đã hy sinh, số còn lại cũng khổ như mình, nghe nói có người làm chức lớn nhưng không nhờ được đâu…
Phải nói, nhà anh vách nứa nhưng lớn ba gian dựa vào sườn núi thơ mộng, ngoài sân có đống gạch lớn đắp lá, anh bảo “cố gắng ba năm nữa cất nhà cho thằng con trai lấy vợ”. Thằng Nghĩa, con trai của anh đã trưởng thành khôi ngô đĩnh đạc, khác với anh, nó ăn học đến nơi đến chốn và đang dần làm chủ gia đình hiện đại mai sau… Rồi mình được diện kiến “chị dâu”, một phụ nữ xưa vùng núi, dễ nhìn xinh xắn, nụ cười bẽn lẽn theo kiểu sống hết mình với chồng, với con. Chị nói như không nói “cậu Trung”. Mừng vì cuối đường vẫn ló dạng bình minh tươi sáng, khó khăn hôm nay sẽ là hạnh phúc của ngày mai…
Mấy ngày ở lại cùng anh, ngoài những lúc tâm tình, hai anh em leo đèo lội suối ngắm những cảnh đẹp thôn quê. Ở đây cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời, núi đồi liên tiếp xanh ngát tận chân trời. Những đồi chè như tấm thảm xanh biếc miên man như khẳng định thương hiệu của chè ngon (trà) của quê hương Phú Thọ, rừng cọ xanh bàng bạc trong nắng chiều khiến nhớ nhung dày xé tâm can. Dòng suối mùa nước dâng cao vẫn ngọt ngào trong vắt, nhìn đàn cá nhỏ tung tăng làm tâm hồn rộng mở bình an. Xa xa những nương lúa bậc thang vàng ươm như những miếng vàng lấp lánh xếp lên nhau tầng tầng lớp lớp báo hiệu mùa gặt bội thu đem lại sung túc, ấm no… Nhưng đẹp nhất vẫn là cảnh hoàng hôn, chân trời như bừng tím rực rỡ sáng trong khói lam chiều lẫn trong sương phủ mờ nhạt. Cảnh đẹp núi sông mây khói tựa Thiên Thai khiến người ta không khỏi lưu luyến, bâng khuâng. Đâu khói lam chiều, đâu vầng mây trắng, đâu tiếng hát ầu ơ, đâu lòng người viễn xứ?… vẳng nghe tiếng chim rối rít giục bày bay về núi xa khiến cho lữ khách chạnh lòng nhớ quê nhà… cả rừng núi xanh biếc bạt ngàn lại điểm xuyến những cây lá vàng, lá đỏ sáng cả núi đồi trong nắng chiều. Những cây bằng lăng cổ thụ cũng đua nở chùm hoa tím như thương nhớ đợi chờ. Trời sụp tối nhanh vội vã bôi đen dần bức tranh tiên cảnh tuyệt sắc. Những khoang đen loang lổ len lỏi dần phủ khắp núi đồi, tiếng người trong làng gọi nhau í ới, trâu bò gà vịt… tìm về chuồng. Ngồi im lặng bên nhau không nói lời nào, hai anh em như bị cảnh đẹp thôi miên hay chính phong cảnh nên thơ đã nói dùm tình yêu thương đùm bọc nhau trong cuộc đời như chuyến tàu nhanh kỳ lạ với buồn vui, hạnh phúc lẫn khổ đau.
Ông bà mình nói không bao giờ sai “tuổi già đến nhanh sồng sộc”, nhanh sồng sộc như đầu tầu xe lửa đâm thẳng vào mình ngỡ ngàng, bối rối. Mình và anh Thố cũng vậy, đã mất đi sự sung sức trong đời, cuộc sống phía trước như chỉ còn biết an phận cầu trời lo cho hạnh phúc cháu con. Nhìn anh thân phận người lính qua chiến tranh, đêm đêm vẫn nghe tiếng súng, tiếng đại bác ì ầm, nằm ngủ mà vẫn gọi “xung phong”. Đã bao lần chết đi sống lại tiễn đưa bạn bè, đồng đội, nước mắt cạn khô, đau đớn nuốt vào nhiều khi nghĩ thà hy sinh còn ít đau đớn hơn người những người còn sống. Hành quân băng rừng để đồng đội vùi sâu sau lớp đất vẫn bị thú hoang moi lên chân tay giơ lên trời… thôi thì an ủi, chiến tranh mà tất cả chỉ chiến đấu vì một ngày mai hòa bình, no ấm. Nhưng rồi, cũng chính những người lính trận ấy lại ngơ ngác giữa đời. Ruộng nương không biết cày cấy, nghe con khóc khát sữa mà ước mong cầm cây súng xả đạn lên trời cho hả giận. Cuộc đời hình như chưa công bằng.. trách chi số phận, phải lạc quan đề sống. Nhớ câu ca dao ngày nào với chút hào hùng lẫn xót xa, thế thôi:
“Đầu đường Đại tá vá xe
Giữa đường Trung tá bán chè đỗ đen
Nhìn xa thì thấy quen quen
Hóa ra Thiếu ta bán kem… bờ Hồ
Đại úy chăn lợn, nuôi bò
Trung úy chèo đò cắt cỏ chăn trâu…
Tìm xem Thiếu úy ở đâu?
Ba lô lộn ngược xuôi tàu Bắc – Nam
Chừng nào Trung Quốc tràn sang
Trung ương có lệnh, các Quan… lại về”.
Trong cái buồn man mác với chút đớn đau, thương anh quá mình đã làm một việc sai lầm, đó là rủ anh cùng vào Sài Gòn sống cùng mình. Anh bảo “già rồi làm gì nổi”, mình nói “chỉ giữ xe thôi mà!”; “Giữ xe cũng không dắt nổi đâu”; “nhưng chỉ là ngồi một chỗ chỉ cho khách để xe gọn gàng”…
Thế rồi anh vào ở cùng mình. Ngày ấy vợ mình bán kem, cơm chay hình như phát đạt, loại làm ăn xổi “lượm bạc cắc” với 5, 6 tiệm khắp vùng quận 1, 3, 5, Phú Nhuận, Gò Vấp. Trung tâm vẫn là Quán kem – Cơm chay “Nhiệt Đới” số 48 Mạc Đĩnh Chi. Ban ngày gặp ngày rằm, mùng một không đủ cơm để bán. Đêm đêm khách cà phê, kem để xe dài trên vỉa hè hơn 100 mét. Tối khuya, nghe mùi vợ ủi tiền lẻ xếp đống cột lại với mùi bạc lẻ cũ ám ảnh giờ này còn như ác mộng… rồi hàng đêm nhìn anh ngồi “đồng” coi xe, mình chạy tới lui các quán xem chừng. Được hai tháng thấy không ổn, bữa cơm tẻ nhạt không hợp khẩu vị, bia rượu không buồn uống… nhớ vợ, nhớ con, thương con trâu già mùa đông giá buốt. Anh buồn muốn phát bệnh.
“Thôi anh về, phần lương em vẫn gởi…”. Rồi nhất định tiết kiệm không cho mua vé nằm xe lửa, “lính mà quen rồi, ngồi ghế cũng ngủ được thôi…”. Thêm đồ đạc quần áo cũ, một ít tiền được may dính chặt trong quần, anh cười gượng chia tay. Cứ như thế, vài ba tháng mình lại gởi tiền và nhiều hơn trong dịp tết (đôi khi vợ mình không vui, đành phải lấy trong phần tiêu xài cá nhân ít ỏi) chậm một chút, anh nhắc…
Quy luật đất trời không ai tránh được vòng sinh, lão, bệnh, tử… “Nhân sinh thất thập, cổ lai hy”. Mùa hè năm 2015, khi anh Thố vừa tròn 70 tuổi, đã lâu không nghe anh líu lo trên điện thoại, trước đó chỉ có gọi vào dịp tết về xuân sang với giọng nghe nhợt nhạt yếu ớt. Đang bận việc lại nghe điện thoại anh gọi liên tiếp hai ba ngày nhưng không nói gì cả… mình khó chịu không hiểu chuyện gì. Một buổi tối, con anh – thằng Nghĩa gọi “chú Trung ơi, Bố con… mất rồi”. Tin dữ làm mình quỵ luôn trên ghế, nhìn bầu trời đêm vần vũ những cơn giông. Những tia chớp trong đêm đen hung tợn như muốn xé cả trời bùng sáng một cách bất lực trong bóng tối. Một vòng hoa trắng đặc biệt mà cả anh và mình yêu thích, một ít tiền để chị lo cho anh. Nuốt nước mắt vào trong tạ lỗi, mình không ra được vì việc nhà, việc nước vây quanh…
Hôm nay, mình cũng đã 60, cái tuổi “tri thiên mệnh” việc đời sáng tỏ. Ngồi một mình trong đêm khuya như cùng anh tâm sự ngày nào. Những ngôi sao đêm sáng rực rỡ trên bầu trời như mơ ước tuổi thơ ngày nào… theo tử vi mệnh người gắn với một ngôi sao. Người ta thường than “tôi sinh ra dưới một vì sao xấu” để tự trách thân phận bạc bẽo trong đời. Với mình, anh Thố lại là hai ngôi sao liền kề trong rừng sao vô tận. Một ngôi sao sáng rực rỡ lấp lánh, tươi vui, yêu đời sáng như hàm răng trắng nhẹ cười mỗi khi anh gặp em. Một vì sao nhỏ hơn hấp háy như bỡn cợt bể đời đau khổ muôn trùng…
Vui nhé anh, Nhà anh Thanh Đình, Việt Trì, Phú Thọ giờ đã lên Thành phố và đường cao tốc đẹp nhất nước mở ngay bên cạnh. Thằng Nghĩa con anh giờ đã trưởng thành đầy đủ vợ con và làm ăn thành đạt. Chị Tình vẫn khỏe vui cùng con cháu và đêm nay chắc chắn đang nghĩ về anh… một ngày kia, ở nơi xa đó nhất định mình sẽ gặp lại và em lại như ngày nào kêu lên “anh Thố” nhảy chân chim ôm chầm lấy anh. Nhớ nhé.
NGUYỄN TRUNG