An ninh cá nhân trong “thế giới ảo” 

Vanvn- Sau khi Truyền hình quốc gia công chiếu phim tài liệu “Ranh giới”, mô tả những hình ảnh chân thực của những thai phụ nhiễm covid đang ở lằn ranh sinh tử, đã có những tranh luận trái chiều trong dư luận xã hội. Cho dù các nhà làm phim cho biết, đã có sự đồng ý của đương sự về việc sử dụng hình ảnh riêng tư, nhưng những phân tích dưới đây của LS. Nguyễn Tiến Lập đã chỉ ra những thách thức giữa việc bảo vệ quyền riêng tư, không chỉ trong hoạt động báo chí mà cả những rủi ro an ninh cá nhân trong thời đại mà thế giới mạng là một phần sinh động của đời sống.

Trước hết nói về phạm trù an ninh cá nhân, về cơ bản chúng ta hiểu đó là khả năng tự vệ của một cá nhân chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Sự tấn công đó có thể diễn ra dưới hình thức hành động vật lý hay xâm phạm quyền.

Trước đây, theo truyền thống, đúng là chỉ khi nào thân thể, tài sản hay không gian ở của một người bị người khác xâm phạm thì ta mới gọi là mất an ninh. Còn giờ đây, người ta nhấn mạnh đến yếu tố thông tin cá nhân và không gian trên mạng. Tức mỗi cá nhân quan tâm đến các thông tin về đời sống riêng, bí mật cá nhân và gia đình sẽ bị công khai, chia sẻ thế nào; đồng thời không chỉ nơi ở mà còn cái không gian ảo trên mạng mà hàng ngày mình thể hiện bản thân và tương tác xã hội có thể dễ dàng bị các đối tượng bất kỳ từ bên ngoài xâm phạm, can thiệp trái với ý muốn của mình hay không?

Khoảnh khắc các bác sĩ tập trung cấp cứu bệnh nhân thì bệnh nhân bất tỉnh thường không được quay cận. Ảnh: ĐPCC 

Quan sát thực tế ở Việt Nam, tôi thấy có hai xu hướng ứng xử. Thứ nhất, đối với nhóm những người rất hiểu biết về quyền riêng tư, họ luôn luôn có ý thức bảo vệ, hạn chế công khai các thông tin cá nhân của mình và cũng thận trọng khi tiếp cận, sử dụng thông tin của người khác. Thứ hai, cũng có khá nhiều người thuộc nhóm còn lại, do nhận thức hạn chế, họ sẵn sàng và thường xuyên chia sẻ công khai mọi thông tin về mình và đương nhiên dễ bị các đối tượng khác xâm phạm và lợi dụng. Chỉ khi phải gánh các hậu quả rồi, họ mới kêu ca và tìm cách ngăn chặn thì đã quá muộn. Cái hậu quả mà tôi muốn nói tới không chỉ đơn giản là tình trạng ai đó bị bêu riếu sau khi các bí mật cá nhân bị tiết lộ và cảm thấy tổn thương về tinh thần, mà nghiêm trọng và nguy hiểm hơn, đó là người nào không còn bảo về được đời sống riêng tư của mình thì rất có thể sẽ bị người khác xâm phạm bằng cách tước đoạt quyền lực để chi phối mọi quyết định.

Nói một cách khác, an ninh cá nhân từ góc độ pháp luật chính là các quyền tự do cá nhân. Thước đo về tự do cũng là thước đo về giá trị nhân bản. Quyền tự do cá nhân đó có thể được thực thi bằng nhiều phương tiện và cách thức, tuy nhiên cần phải nhận thức rằng tất cả sẽ vô nghĩa nếu quyền riêng tư không được bảo đảm. Chính vì thế ở bất cứ quốc gia nào, khi chính quyền sử dụng các biện pháp công nghệ để theo dõi công dân, thu thập các thông tin về hành xử và đời sống riêng tư của họ mà không có sự thông báo trước hay được đồng ý, dù biện minh cho bất cứ mục đích quản trị công nào, thì ở đó quyền tự do cá nhân đã bị vi phạm.

Phim tài liệu Ranh giới mà VTV vừa công chiếu, trước hết tôi thấy bộ phim này được công chúng đón nhận với nhiều tình cảm trân trọng và quả thực nó cũng lấy được nhiều nước mắt của họ, trong đó có cả tôi. Như vậy, đó là một phóng sự thành công, ít nhất xét từ góc độ truyền thông về đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau khi xem xong, có thể do ý thức nghề nghiệp thức tỉnh, tôi khá băn khoăn về khía cạnh bảo vệ quyền riêng tư đối với các nhân vật được xuất hiện. Tôi lại càng băn khoăn và thậm chí không đồng tình hơn nữa sau khi nghe giải thích của người trong cuộc chịu trách nhiệm làm bộ phim này.

Cụ thể hơn, ai cũng biết vấn đề quyền riêng tư trong phim này liên quan đến hai khía cạnh, đó là hình ảnh cá nhân và thông tin sức khoẻ y tế của các cá nhân đang là bệnh nhân. Cả hai khía cạnh đó đều được coi là nội dung nhạy cảm và được pháp luật bảo vệ đặc biệt. Tại các bệnh viện ở nhiều nước, và tôi biết ở một số ít bệnh viện ở nước ta cũng vậy, có một thiết chế gọi là “Hội đồng đạo đức” có cả luật sư tham gia, phụ trách tuân thủ các quy tắc đạo đức của ngành y. Tức là, trước khi có một bộ phim được quay trong bệnh viện, lại là thể phóng sự, thì Hội đồng đạo đức phải có ý kiến đồng ý và rà soát các nội dung được ghi hình và truyền tải.

Tiếp đến các y bác sỹ và bệnh nhân, họ phải được hỏi ý kiến và chấp thuận. Tuy nhiên, là một luật sư, tôi xin lưu ý rằng việc hỏi ý kiến không đơn giản là một câu hỏi và trả lời có hay không, mà nó gắn với một quy trình và các điều kiện. Chẳng hạn, bệnh nhân phải được giải thích kỹ về lý do, mục đích, phạm vi sử dụng hình ảnh và thông tin cũng như các hậu quả có thể xảy ra, để cân nhắc rồi mới trả lời. Hơn nữa, nếu bệnh nhân do sức yếu không còn tỉnh táo và sáng suốt để cân nhắc thì phải được người nhà hay thậm chí luật sư hỗ trợ. Còn trong trường hợp bệnh nhân tử vong thì xin khẳng định rằng quyền riêng tư của người chết vẫn tiếp tục được bảo vệ.

Có người sẽ hỏi quyền riêng tư có xung đột với quyền tự do báo chí không? Tôi xin thưa có sự khác biệt và mâu thuẫn nhất định tuỳ theo tình huống. Đó là việc xác định ranh giới giữa lợi ích tư và lợi ích công liên quan đến tin tức. Chẳng hạn, nếu một phóng viên đưa tin thời sự vì lợi ích công chúng thì một số yêu cầu về quyền riêng tư như xin phép cá nhân có liên quan có thể được miễn trừ. Như vậy với phim Ranh giới, tôi e có vấn đề cần làm rõ, bởi đó là phim tài liệu. Ở đây, chúng ta nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp của báo chí và truyền thông.

Tôi khẳng định quyền riêng tư là một vấn đề cốt yếu của các quyền tự do cá nhân về dân sự và xã hội, tức đó là quyền cơ bản của mỗi con người. Vì thế nó được Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 của Liên Hợp quốc ghi nhận và được xác nhận trong hầu hết Hiến pháp của các quốc gia. Một cách ngắn gọn, nó cho mỗi cá nhân được toàn quyền quyết định về cách thức, thời điểm và phạm vi các thông tin về đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của mình được chia sẻ với người khác. Tuy nhiên, pháp luật của mỗi quốc gia không chỉ điều chỉnh lĩnh vực “tư”, tức đời sống dân sự của mỗi cá nhân, mà còn cả lĩnh vực “công”, tức cái chung thuộc về xã hội, cộng đồng mà Nhà nước là chủ thể đại diện. Trong lịch sử và theo truyền thống, triết lý xây dựng pháp luật của các nước không coi phạm trù nào được coi trọng hay ưu tiên hơn phạm trù nào, có nghĩa rằng không phải cứ vấn đề công và lợi ích công sẽ đương nhiên thay thế hay đè bẹp lợi ích tư, mà sắp đặt theo nguyên lý “trước – sau” hay “cái chung” và cái “ngoại lệ”. Xin nói đơn giản, Nhà nước phải trước hết đề ra nguyên lý pháp luật nhằm bảo vệ quyền tự do của cá nhân, trong đó có quyền riêng tư, nhưng được quy định một số trường hợp ngoại lệ.

Sẵn đây tôi muốn đề cập đến trường hợp Nhà nước thu thập các dữ liệu công dân chung là thông tin không định dạng để phục vụ mục tiêu quản lý xã hội thì không vi phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, nếu các dữ liệu chứa đựng thông tin định dạng cá nhân mà được chia sẻ công khai, dẫn đến có thể tổn hại đến các lợi ích chính đáng của công dân thì khi đó các chủ thể của quyền riêng tư phải được hỏi ý kiến. Như vậy, cái giới hạn mà chúng ta bàn đến hay là tiêu chuẩn và điều kiện miễn trừ quyền riêng tư, đó không chỉ là việc xác định lợi ích công – tư mà còn tính đến hậu quả của từng hành vi trong các tình huống cụ thể đối với các bên liên quan.

Tháng 9.2021

Luật sư NGUYỄN TIẾN LẬP

Báo Người Đô Thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *